Bác sĩ Nguyễn Thị Tuyết Nga
(Đại học Y Dược TP. HCM)
K
hi tử cung người mẹ đón nhận sự làm tổ của em bé, cơ thể người mẹ bắt đầu có những thay đổi để phù hợp với sinh lý mang thai. Quá trình này kéo dài từ khi thụ thai cho đến khi em bé được sinh ra. Hiểu rõ những thay đổi của cơ thể khi mang thai sẽ giúp các bà mẹ tương lai có thể nhận biết được sự thay đổi nào là bình thường, triệu chứng nào là bất thường cần đi khám thai ngay.
NHỮNG THAY ĐỔI CỦA CƠ THỂ TRONG THAI KỲ
Hệ Sinh dục
Tử cung: Thai nằm trong hố chậu khoảng 3 tháng đầu thai kỳ và nằm trong vùng bụng từ tháng thứ 4 trở đi, từ giai đoạn này thai lớn nhanh và “chiếm chỗ” các cơ quan “láng giềng” như hệ niệu quản, bàng quang, niệu đạo, đại tràng, trực tràng, đẩy cơ hoành (cơ hô hấp chính của cơ thể) lên cao, gây khó khăn trong hô hấp…
Tuyến vú: Tuyến vú phát triển to, quầng vú sậm màu, xuất hiện các thể montgomery (do các tuyến bã phát triển, có nhiệm vụ giữ sữa trong các tuyến sữa luôn thơm, ngon).
Hệ Huyết học
Máu: Máu thai phụ loãng hơn vì giữ nước (cơ thể cần thể tích dịch nhiều hơn, nhằm cung cấp nguyên liệu cho quá trình tạo nước ối), và số lượng hồng cầu hơi giảm, bạch cầu hơi tăng.
Mạch máu: Những tháng cuối thai kỳ, thai lớn đè lên hệ tĩnh mạch vùng chậu, gây phù chân.
Hệ Hô hấp
Những tháng cuối thai kỳ, do thai to, đẩy cơ hoành lên trên, việc hít thở khó khăn hơn, mẹ thở nhanh, nông.
Hệ Tiêu hóa
Ba tháng đầu là quá trình tiếp nhận em bé vào bụng mẹ, cơ thể mẹ chưa quen với sự có mặt của bào thai nên hay khó chịu, buồn nôn, nôn, thích ăn những thức ăn lạ, gọi là triệu chứng nghén.
Ba tháng giữa và cuối, thai to nhanh, chiếm một thể tích lớn trong khoang bụng, “lấn chỗ” các cơ quan như dạ dày, mẹ sẽ có cảm giác đầy bụng, khó tiêu, và nếu thai chèn ép vào đại tràng, mẹ có các triệu chứng táo bón.
Hệ Tiết niệu
Thai “cạnh tranh chỗ” với bàng quang của mẹ, nên mẹ hay có các triệu chứng đi tiểu nhiều lần, mỗi lần một ít.
Ngoài ra, do sự chèn ép của bào thai, nhu động của bàng quang sẽ giảm, thai phụ dễ bị nhiễm trùng đường tiểu, lúc này các triệu chứng sẽ là: tiểu rát, tiểu gắt, tiểu đục, tiểu mủ, tiểu máu… Những trường hợp này nên đi khám bác sĩ ngay để được điều trị, vì các nhiễm trùng có thể gây nhiễm trùng vào thai và kích thích sinh non.
Hệ Thần kinh
Trong thời gian mang thai, phụ nữ hơi mất cân bằng về tâm lý thần kinh nên khó tính hơn ngày thường một chút, dễ vui, dễ buồn vô cớ.
Hệ Cơ xương khớp
Cột sống ưỡn, mất can-xi, các khớp cùng chậu, khớp vệ giãn ra trong những tháng cuối để quá trình sinh được dễ dàng, điều này gây cho thai phụ các triệu chứng đau mỏi các khớp, lưng.
XỬ TRÍ CÁC TÌNH HUỐNG THƯỜNG GẶP
1. Nôn ói, ọe: Thường gặp trong 3 tháng đầu thai kỳ, do sự thay đổi nội tiết tố của cơ thể mẹ, tuy nhiên một số bà mẹ có thể nôn ói trong suốt thai kỳ.
Thai phụ cần nghỉ ngơi, tránh lo lắng, không để cơ thể quá đói, quá no, nên “ăn vặt” các loại bánh, trái cây.
Khi muốn nôn thì nôn, nôn xong súc miệng, nghỉ ngơi, một lát sau hãy ăn lại, trước khi ăn nên thư giãn, ăn các loại thức ăn mình thích thật sự.
Ví dụ: Các loại sữa dành cho phụ nữ mang thai là rất tốt, nhưng nếu bạn không uống được, lần nào uống vào cũng bị nôn, thì hãy chuyển qua sữa tươi, sữa trái cây, sữa đậu nành, phô mai, đậu hũ...
2. Khó thở: Tình trạng này xảy ra khoảng 3 tháng giữa và cuối thai kỳ, tùy vào cơ địa của mẹ và trọng lượng của thai.
Để giảm bớt sự khó chịu, thai phụ cần tập đi bộ nhẹ nhàng, thoải mái, vừa đi vừa hít thở đều, sâu theo sức của mình. Khi ngủ, nên nằm nghiêng, hoặc có thể kê gối cao.
3. Đau lưng: Nên xoa bóp nhẹ vùng lưng, tắm nước ấm.
4. Đầy bụng, khó tiêu sau khi ăn: Thai phụ nên ăn nhiều lần, mỗi lần một ít.
Sau khi ăn, nên xoa nhẹ vùng dạ dày và đi lại nhẹ nhàng, tránh nằm nghỉ ngay.
5.Táo bón: Nên ăn nhiều rau xanh, trái cây như chuối, bắp, khoai lang, dầu mè, uống nhiều nước, tập các bài tập nhẹ nhàng, tránh đứng hoặc ngồi lâu, tránh dùng thuốc nhuận tràng.
6. Phù chân: Hạn chế đứng lâu, kê chân khi ngồi, nằm (nên ngồi với 2 ghế cao bằng nhau, một ghế ngồi, một ghế kê chân, sao cho mông và chân ở vị trí cao bằng nhau).
Trong thai kỳ của mình, các bà mẹ có thể gặp tất cả các triệu chứng trên, hoặc cũng có thể chỉ gặp một số triệu chứng trong số đó, tùy vào cơ địa của mỗi người. Nếu các thay đổi của mình không “giống” ai cả, thì cũng không cần lo lắng, vì mỗi người là một trường hợp riêng biệt, không ai giống ai. Chỉ cần phụ nữ quan tâm theo dõi sức khỏe và các dấu hiệu khác lạ của cơ thể mình trong suốt quá trình mang thai, nếu cảm thấy có gì bất thường thì hãy đi đến bác sĩ để được khám ngay.