- Đỗ Thành Trang
“Con ơi, hôm nay con của mẹ đã được 8 tuần rồi đó. Mẹ cảm nhận rõ từng hơi thở và nhịp đập trái tim của con. Ông xã ơi, vui quá anh nhỉ, mình đã có con rồi đó, em sẽ được làm mẹ, còn anh sẽ được làm ba. Thật là hạnh phúc...”
Đ
ó là những dòng cảm xúc đầu tiên khi tôi biết mình mang thai. Ngày đầu tiên đi khám thai, bác sĩ bảo em bé đã được 8 tuần tuổi. Từ bệnh viện, tôi lập tức gọi điện thoại báo tin mừng cho ông xã. Việc tiếp theo tôi làm là về nhà, bật ngay máy tính và viết dòng nhật ký đầu tiên cho con. Từ khi bé được 8 tuần tuổi, đến khi thai máy, hình thành tứ chi, mắt miệng, mũi… mỗi một giai đoạn phát triển của con, tôi đều ghi lại cảm xúc của mình và ông xã vào những trang viết đầy yêu thương. Vừa viết cho con, tôi vừa nâng niu tâm sự cùng cái bụng. Tình yêu con đã giúp tôi học được rất nhiều. Tôi tâm sự cùng con, cho con nghe nhạc, đọc thơ, kể chuyện, hát những bài hát thiếu nhi và tìm cả những quyển sách tiếng Anh về đọc cho đứa con mình đang mang trong bụng. Tôi chẳng biết khái niệm “Thai giáo” là gì, cũng chẳng nghĩ rằng những tình cảm và hành động mà tôi và ông xã dành cho con sẽ giúp bé thông minh hay vượt trội so với những đứa trẻ đồng trang lứa khi bé chào đời. Chỉ biết rằng, tất cả những gì chúng tôi làm đều khơi nguồn từ một thứ tình yêu của một đôi vợ chồng trẻ đang chờ đợi đứa con sắp sửa chào đời. Quả thật, tình yêu của vợ chồng tôi đã giúp tượng hình bào thai. Đơn giản chỉ là một đứa bé nhưng đối với chúng tôi, con có ý nghĩa vô cùng. Tôi trân trọng và hạnh phúc khi mang thai. Tôi vui vẻ, cười nói suốt ngày. Tôi hay hát cho con và kể cho bé nghe những gì tôi bắt gặp trong suốt một ngày.
Là phóng viên, tôi đi nhiều, đôi chân hoạt động không mỏi mệt. Bởi vậy, tôi thường kể cho con nghe những nơi mà tôi đến công tác. Có khi là một Trung tâm nuôi dưỡng trẻ em mồ côi, khi ấy tôi trò chuyện cùng con “Con của mẹ, hôm nay mẹ con mình đi công tác ở một nơi có rất nhiều bạn nhỏ, nhưng các bạn nhỏ này không được may mắn như con là có ba, có mẹ, khi nào con chào đời, mẹ sẽ cho con đến thăm các bạn!”, chẳng biết bé có hiểu và nghe được không nhưng tôi có linh cảm rằng, mọi thứ tôi nói, mọi điều tôi làm đều ảnh hưởng trực tiếp đến bé. Có hôm tôi đến xã An Bình, huyện Phú Giáo, một xã có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Biết đoạn đường hôm nay đi sẽ rất xa, buổi sáng thức dậy, tôi đã vuốt ve cái bụng và dặn dò con “Con ơi, hôm nay mẹ con mình đi công tác xa lắm, đường lại xấu nữa, con phải ngoan để mẹ làm việc nhé!”. Trên đường đi, mỗi lần đường gập ghềnh, xót xa và thương con, tôi lại thì thầm cùng bé “Tội nghiệp con của mẹ, đau và mệt lắm phải không con?”. Tôi chẳng ngại tài xế và đồng nghiệp khi trò chuyện cùng con, bởi một lẽ đơn giản là tôi yêu bé biết chừng nào! Dần dà, cũng thành thói quen, mỗi một ngày, tôi biết gì, tiếp xúc với ai hay làm việc gì tôi đều kể tất cả với bé. Hôm nào bận quá, không nói chuyện cùng con nhiều, tôi cảm thấy mình thật có lỗi.
Ông xã tôi cũng thương con chẳng kém. Đi làm thì thôi, về đến nhà là ôm ngay bụng vợ mà nói chuyện với con. Anh chẳng quan trọng đứa con trong bụng vợ là trai hay gái, chỉ biết mỗi lần nhìn anh nói chuyện, tôi thật buồn cười nhưng lại tràn ngập hạnh phúc.
Tổ ấm nhỏ của tôi cứ như đã có thêm một thành viên mới bởi những tiếng chuyện trò của vợ chồng tôi dành cho con, bởi những bài hát thiếu nhi, những bài thơ, những bài ca dao tục ngữ, những đoạn văn ngắn về cách sống, những bài học làm người và cả những bài đọc tiếng Anh. Tất cả, tôi đều truyền đạt hết cho đứa con bé bỏng của mình. Chẳng cầu mong bé thông minh hay trở thành thần đồng, mọi thứ vợ chồng tôi làm chỉ đơn giản vì chúng tôi yêu con. Là nhà báo thường thực hiện những chuyên đề gắn với trẻ em, mỗi lần đi công tác gặp những đứa trẻ khuyết tật hay bại não, nhìn vào bụng mình tôi chỉ ước sao cho bé chào đời sẽ được lành lặn và khỏe mạnh. Đó là điều duy nhất tôi mong muốn khi đứa con chào đời. Mọi thứ như thông minh, lanh lẹ hay có đầu óc siêu việt, vợ chồng tôi không quan tâm. Vì vậy, những cử chỉ âu yếm, chăm sóc cho con khi bé còn nằm trong bụng mẹ được vợ chồng tôi thực hiện hết sức tự nhiên, không gượng ép.
Khi bé được hơn 4 tháng, hành trình viết nhật ký, cho con nghe nhạc và trò chuyện cùng con vẫn được vợ chồng tôi duy trì. Có khác chăng là lúc này, giới tính của bé đã được xác định là bé gái nên chúng tôi đặt và gọi tên con trước khi bé chào đời. Mỗi lần nghe tên mình, bé đạp thật mạnh vào bụng tôi khiến tôi thật đau nhưng lại vô cùng sung sướng. Tôi thích cảm giác đó, bởi như vậy tôi mới có thể biết được rằng con mình phản ứng như thế nào trước mọi diễn biến bên ngoài.
Không chỉ siêng năng trò chuyện, tâm sự và dạy cho con, tôi còn chú ý đến việc ăn uống sao cho đầy đủ chất như lời khuyên của bác sĩ. Thật may mắn cho tôi khi tôi không có cảm giác chán ăn hay nôn ói giống như nhiều phụ nữ mang thai khác. Chín tháng mười ngày mang con trong bụng là một khoảng thời gian ngắn nhưng tôi biết mình đã làm tốt việc chăm sóc cho con cả về vật chất lẫn tinh thần.
Bé chào đời vào một buổi sáng tháng 4 đầy nắng. Khuôn mặt chẳng đẹp, chẳng xinh lại đen nhẻm giống ba nhưng lại toát ra một cái gì đó rất đáng để mọi người chú ý. Đó là sự linh hoạt và lanh lẹ. Ngày đầu tiên đến thăm bé khi còn trong bệnh viện, người dì của tôi đã nói: “Lớn lên, bé sẽ lanh lắm đấy!”. Tôi chỉ cười và cũng chẳng biết được rằng sự lanh lẹ của bé chính là kết quả của cả một quá trình mà các nhà nghiên cứu gọi là “Thai giáo” mà vợ chồng tôi đã thực hiện.
Một tuần lễ sau khi sanh, vừa về đến nhà, ông xã tôi đã lập tức tìm mua cho con loại đồ chơi có nhạc treo thành vòng để bé nhìn qua nhìn lại. Tiếng nhạc êm dịu cùng những con thú màu sắc nổi bật đã gây sự chú ý với bé. Nhìn con, vợ chồng tôi vui lắm. Cứ vậy, tôi thường xuyên trò chuyện cùng bé, mở cho bé nghe những đĩa nhạc không lời mà khi bé nằm trong bụng đã được nghe. Còn ông xã tôi, mỗi buổi chiều, anh lại đi sắm một món đồ chơi, anh bảo “Để giúp bé phát triển trí não”. Hai tháng rưỡi, bé biết lật, đôi mắt tròn xoe nhìn mọi người, cả nhà ngạc nhiên “Sao con bé phát triển nhanh quá”. Bốn tháng rưỡi, bé biết ngồi và bắt đầu tập thói quen nói chuyện, cầm đồ chơi. Đến 10 tháng rưỡi, bé biết đi và biết nói. Những tiếng bé nói lúc đầu khiến cả nhà ngơ ngác “Mẹ”, “Ba”… Con bé biết nói sớm quá khiến vợ chồng tôi cũng khá bất ngờ. Bé tiếp thu nhanh, mỗi tiếng tôi dạy, bé lặp lại một cách rõ ràng, chính xác. Đây chính là động lực khiến cả nhà ai cũng muốn dạy cho bé nói. Không riêng vợ chồng tôi, mà cả ông bà ngoại, cậu, dì dượng… đều muốn dạy và chăm sóc bé. Đến 14 tháng, đã nói thành một câu đơn giản “Quê ngoại ở Bến Tre” hay “Ba Đức làm ở Ngân hàng”. Tôi cố gắng dành thời gian thật nhiều để bên con vì sự thông minh của bé càng là động lực thôi thúc tôi chăm sóc bé tốt hơn. Vợ chồng tôi thường xuyên dẫn bé đi nhà sách, mua về những quyển sách tiếng Việt và tiếng Anh với những hình vẽ bắt mắt. Khi bé chưa biết nói, tôi đã dạy cho bé phân biệt con vật, bông hoa, đồ vật, giới tính… đến khi bé nói được thì khả năng nhận thức của bé càng bộc lộ rõ hơn. Bé được 15 tháng, tôi bắt đầu dạy bé đọc tiếng Anh, dạy bé đọc thơ và ca dao tục ngữ. Kỳ diệu làm sao khi dạy đến đâu là bé tiếp nhận đến đó. Phát âm chính xác, tròn vành rõ chữ, ít sai sót. Tôi thật vui và càng muốn dạy con thật chu đáo.
Bé được 15 tháng rưỡi, Thạc sĩ Phạm Thị Thúy – Học viện Hành chính TP. Hồ Chí Minh gợi ý tôi nên làm phóng sự về Thai giáo. Tôi hỏi lại: “Thai giáo là gì vậy chị? Trước giờ em chưa nghe đến hai từ này”. Sau khi nghe chị giải thích một cách đơn giản, tôi mới vỡ òa ra rằng, hóa ra trước giờ vợ chồng tôi cũng đã thai giáo cho con. Ngày thu chương trình cùng chị, tôi cũng đã lần lượt được giải đáp những thắc mắc của mình, tôi đã hiểu vì sao con gái tôi lại tiếp thu nhanh đến kỳ lạ, vì sao bé nhạy cảm trước mọi diễn biến, hoạt động xung quanh, vì sao bé luôn biết nghĩ đến người khác, biết dành tình yêu cho những đứa trẻ kém may mắn hơn mình. Đó chính là kết quả của thai giáo. Tôi thật bất ngờ và vui sướng. Con gái tôi chính là công trình mà vợ chồng tôi dày công vun đắp.
Khi bé được 20 tháng, một buổi sáng khi chở bé về nhà ngoại, trên đường đi, tôi bắt gặp một người mẹ trẻ đang dắt 3 đứa con nhỏ đi ăn xin. Đứa lớn nhất bằng con gái tôi và hai đứa nhỏ được để ngồi vào chiếc xe đẩy. Tôi dừng lại và chỉ cho con gái mình xem, tôi bảo con: “Con thấy không, bạn nhà nghèo nên phải theo mẹ đi ăn xin, con hạnh phúc hơn các bạn nhiều lắm, con hiểu không!”. Con gái tôi lặng thinh không nói, tôi cứ để vậy xem phản ứng của bé ra sao. Bất ngờ, bé nói: “Mẹ ơi, san sẻ cho bạn đi mẹ”. Tôi hỏi lại: “San sẻ bằng cách nào hả con?”. “Mua sữa cho bạn đi mẹ”. Tôi không thể tin rằng đây là lời thốt ra từ một cô bé chỉ mới 20 tháng tuổi. Tôi liền chở bé lại một tiệm gần đó, mua vài hộp sữa và chở bé lại chỗ những đứa trẻ đáng thương kia. Con gái tôi đưa sữa cho bạn với vẻ mặt đầy cảm thông và trìu mến. Tôi thật vui vì những lời kể về trẻ em nghèo, về sự sẻ chia khi bé còn nằm trong bụng mẹ đã phát huy hiệu quả.
Hôm nay là ngày con gái tôi tròn 2 tuổi. Sinh nhật con gái, tôi muốn viết những dòng chữ đầy yêu thương này như là một món quà gửi đến con. Tôi mong sao khi lớn khôn, con tôi sẽ nên người. Bằng trí thông minh và tình yêu thương con người mà bé học được khi còn nằm trong bụng mẹ, bé sẽ trở thành một người có ích cho xã hội. Cũng xin chia sẻ thêm là, đến nay bé đã có thể nhớ hơn 50 từ tiếng Anh, hát gần 100 bài hát thiếu nhi (bé học qua các đĩa hát) và đọc gần 20 bài thơ, ca dao tục ngữ, các bài hát ru Việt Nam.
Mẹ: Đỗ Thanh Trang,
Nghề nghiệp: Phóng viên
ĐT: 0908 865 369
Ba: Phạm Hồng Đức,
Nghề nghiệp: Kỹ sư
Con gái: Phạm Đỗ Bảo Nghi
Địa chỉ nhà riêng: 9A/1, Khu phố Thạnh Lộc, thị trấn An Thạnh, huyện Thuận An, tỉnh Bình Dương
Địa chỉ cơ quan: Đỗ Thanh Trang – Phòng Chuyên đề, Đài PTTH Bình Dương.