Mọi người đều e ngại sự thân mật - đây là điều có thực, dù bạn nhận ra nó hay không. Thân mật có nghĩa là phơi bày chính mình trước một người xa lạ; tất cả chúng ta đều là những con người xa lạ, không hề quen biết nhau. Chúng ta thậm chí còn xa lạ với chính mình bởi ta không biết mình là ai.
Sự thân mật khiến con người xích lại gần nhau hơn. Bạn phải từ bỏ mọi sự phòng thủ, chỉ có như thế mới tạo được sự thân mật. Và bạn lo sợ rằng nếu bạn tháo gỡ hết những rào chắn, mọi lớp áo bảo vệ thì ai biết được cái người xa lạ kia sẽ làm gì với bạn đây. Có đến nghìn lẻ một thứ mà chúng ta đang cố che giấu, không chỉ với người khác mà còn với chính bản thân mình, bởi chúng ta trưởng thành trong một xã hội với đủ kiểu ngăn cản, cấm kỵ. Và với một người xa lạ - bất kể bạn có sống cùng người đó trong 30 hay 40 năm, sự xa lạ vẫn không bao giờ mất đi - bạn cảm thấy an toàn hơn khi giữ lại chút phòng vệ, chút khoảng cách, bởi ai đó có thể lợi dụng những điểm yếu, những phần dễ tổn thương của bạn.
Bạn phải từ bỏ mọi sự phòng thủ, chỉ có như thế mới tạo được sự thân mật. Có đến nghìn lẻ một thứ mà chúng ta đang cố che giấu, không chỉ với người khác mà còn với chính bản thân mình.
Mọi người đều e ngại sự thân mật.
Nhưng vấn đề càng trở nên phức tạp hơn bởi không ai muốn xa cách. Mọi người đều muốn thân mật với người khác bởi nếu không, họ sẽ trở nên lạc lõng giữa thế giới rộng lớn này – không bạn bè, không người thương yêu, không một ai để tin cậy, để cởi mở tấc lòng và phô ra những vết thương âm ỉ. Vết thương không thể lành da, trừ phi bạn gỡ khỏi nó mọi thứ bưng bít, che đậy. Bạn càng che giấu, vết thương càng trở nên nguy hiểm, thậm chí có thể gây chết người.
Thân mật là một nhu cầu cơ bản và mọi người đều mong muốn có được. Bạn muốn người khác trở nên thân mật để họ mở lòng, sẵn sàng phô bày mọi vết thương, cởi bỏ lớp “mặt nạ” và trở lại đúng với con người thật của mình. Thế nhưng, mọi người lại ngại thân mật – bạn muốn thân mật với người khác nhưng vẫn không muốn từ bỏ “chiếc áo giáp sắt” của mình. Đây là một trong những điểm đối lập giữa bạn bè, giữa những người yêu: Không ai muốn từ bỏ lớp rào chắn bảo vệ, và không ai muốn cởi mở hay chân thành tuyệt đối - tuy nhiên cả hai đều mong mỏi sự thân mật.
Nếu không từ bỏ mọi sự chế ngự, kìm nén – những thứ được kế thừa từ tôn giáo, văn hóa, xã hội, gia đình, học vấn… - bạn sẽ không bao giờ có thể thân mật với người khác. Do đó, bạn phải là người khởi xướng.
Nếu không có những điều cấm kỵ, kìm hãm, bạn sẽ không có bất kỳ vết thương nào. Nếu sống một cuộc sống đơn giản, tự nhiên, bạn sẽ không ngại thân mật với người khác, khi đó chỉ tồn tại niềm vui tột độ giữa hai tâm hồn đồng điệu. Và cuộc gặp gỡ đó sẽ tràn ngập niềm hân hoan, sự mãn nguyện. Nhưng trước khi nỗ lực đạt đến trạng thái thân mật, bạn phải “dọn sạch” tâm hồn mình.
Chỉ có người thiền định mới cho phép mình thân mật với người khác. Người này không có gì phải che giấu cả, bởi mọi điều có thể khiến anh ta lo sợ người khác biết đã được đoạn diệt. Người này chỉ còn lại sự tĩnh lặng và một trái tim đầy tình yêu thương.
Bạn phải chấp nhận bản thân trong tổng thể của chính mình. Nếu bạn không thể làm được điều đó thì cớ sao lại mong đợi ở người khác? Bạn bị mọi người phê bình, chỉ trích, và học được một điều duy nhất: tự trách mình. Bạn cứ mãi che giấu, cho rằng đó không phải là điều hay để đem khoe với người khác. Bạn biết rằng những điều xấu xa, tồi tệ đang được che giấu, rằng bản chất “loài vật” hay “thú tính” luôn hiện hữu bên trong con người bạn. Trừ phi bạn thay đổi thái độ và chấp nhận bản thân như một trong những loài vật tồn tại trên đời…
Sự thật là không hề tồn tại bất kỳ sự phân biệt cao thấp nào. Mọi sinh linh tồn tại đều được chấp nhận theo cách vốn có của nó, không phải chịu bất kỳ sự chỉ trích hay phê phán nào.
Từ loài vật không hề xấu. Nó chỉ đơn giản là tồn tại, là còn sống. Mọi sinh vật còn sống đều là một loài vật. Nhưng con người đã được dạy bảo rằng “bạn không phải là loài vật; loài vật còn lâu mới sánh được với bạn. Bạn chính là con người”. Người ta đã gieo vào đầu bạn ảo tưởng về tính ưu việt. Sự thật là không hề tồn tại bất kỳ sự phân biệt cao thấp nào. Mọi vật đều bình đẳng: cây cỏ, chim chóc, muôn thú, con người. Mọi sinh linh tồn tại đều được chấp nhận theo cách vốn có của nó, không phải chịu bất kỳ sự chỉ trích hay phê phán nào.
Nếu bạn chấp nhận bản năng giới tính của mình một cách vô điều kiện, chấp nhận rằng con người và mỗi sinh linh tồn tại trên cõi đời này đều mong manh, rằng cuộc sống là một sợi chỉ mỏng có thể đứt rời bất cứ lúc nào… chỉ khi chấp nhận điều đó và từ bỏ những ảo tưởng về cái tôi cá nhân, bạn sẽ đơn giản hiểu rằng mỗi cá thể đều trở nên tuyệt đẹp trong vẻ bình dị vốn có của mình, và rằng mọi người đều có ưu, nhược điểm; đó chính là một phần của bản chất con người bởi chúng ta không phải cỗ máy được làm bằng thứ kim loại vô tri. Bạn chỉ là một cơ thể rất ư mỏng manh, yếu đuối. Thân nhiệt của bạn dao động từ khoảng 37 đến 43 độ C. Thấp hơn mức đó, bạn sẽ chết; cao hơn mức đó, bạn cũng không thể tồn tại. Và điều này cũng áp dụng đối với ngàn lẻ một thứ bên trong bạn. Một trong những nhu cầu cơ bản nhất của con người là trở nên hữu ích đối với người khác. Nhưng không ai muốn chấp nhận rằng “nhu cầu cơ bản của tôi là được mọi người cần đến, được mọi người yêu thương và được mọi người chấp nhận”.
Chúng ta đang sống trong những ý niệm tự phụ đó, những thái độ đạo đức giả đó – đây chính là lý do vì sao sự thân mật khiến con người sợ hãi. Bạn không giống với những gì được thể hiện bên ngoài. Vẻ ngoài của bạn là giả tạo. Có thể bạn trông như một vị thánh, nhưng sâu thẳm bên trong, bạn vẫn là một con người yếu đuối với tất cả những ước muốn và khát khao có thật.
Bước đầu tiên là phải chấp nhận bản thân trong tổng thể của chính mình, bất kể mọi truyền thống đã dẫn dắt nhân loại mê mờ từ bao đời nay. Một khi bạn đã chấp nhận bản thân như mình vốn có, nỗi lo sợ thân mật sẽ biến mất. Bạn không còn lo sợ mất đi sự kính trọng, mất đi sự vĩ đại, mất đi cái tôi cá nhân. Bạn không còn sợ mất đi sự linh thiêng, thần thánh bên trong con người mình, bởi chính bạn đã từ bỏ tất cả. Lúc này, bạn sẽ giống như một đứa trẻ, hoàn toàn trong sáng.
Bạn có thể cởi mở bởi tận sâu bên trong, bạn không còn bị dồn nén bởi những thứ xấu xa, xuyên tạc. Bạn có thể nói bất cứ điều gì bằng cảm nhận xác thực và chân thành của mình. Và nếu sẵn sàng trở nên thân mật, bạn sẽ khiến người khác cũng làm điều tương tự. Sự cởi mở của bạn sẽ khiến người đó trở nên cởi mở. Sự đơn giản không chút toan tính của bạn sẽ giúp người khác hướng đến sự bình dị, đức tin, tình yêu bằng một thái độ vô tư, không vị kỷ.
Nếu sẵn sàng trở nên thân mật, bạn sẽ khiến người khác làm điều tương tự. Sự đơn giản không chút toan tính của bạn sẽ giúp người khác hướng đến sự cởi mở, bình dị, đức tin, tình yêu bằng một thái độ vô tư, không vị kỷ.
Bạn bị giam hãm trong những khái niệm ngờ nghệch và lo sợ rằng nếu bạn trở nên thân mật với ai đó, họ sẽ phát hiện ra nó. Nhưng chúng ta là những sinh vật yếu đuối – yếu đuối nhất trong số những sinh vật đang tồn tại. Đứa trẻ là sinh vật yếu đuối nhất trong số các loài vật. Con cái của các loài khác có thể tồn tại mà không cần đến bố mẹ và gia đình. Nhưng con cái của loài người sẽ chết ngay tức khắc. Vì vậy, sự yếu đuối này không phải là thứ đáng bị chê trách – đó là biểu hiện cao nhất của khả năng nhận thức. Bông hoa mỏng manh, yếu đuối bởi nó không phải là hòn đá. Và bạn không cần phải cảm thấy khó chịu vì mình là bông hoa mà không phải là hòn đá.
Chỉ khi hai người trở nên thân thiết thì họ mới không còn xa lạ. Và thật tuyệt khi khám phá ra rằng không chỉ riêng bạn mà người khác – có lẽ là tất cả mọi người – đều chứa đầy nhược điểm. Biểu hiện bên ngoài càng ở mức cao thì càng dễ trở nên mềm yếu. Rễ cây mạnh mẽ bám vào lòng đất, nhưng bông hoa thì không. Bông hoa xinh đẹp nhờ vẻ mong manh, yếu đuối của nó. Khi bình minh ló dạng, những cánh hoa nở ra chào đón ánh mặt trời, nhảy múa trong mưa, trong gió, và khi màn đêm buông xuống, những cánh hoa đó bắt đầu rơi rụng, lìa bỏ sự sống.
Mọi thứ xinh đẹp, quý giá đều chỉ tồn tại trong chốc lát. Nhưng bạn lại muốn chúng kéo dài mãi mãi. Bạn yêu thương một người và thề nguyền rằng: “Anh sẽ yêu em suốt cuộc đời này”. Và bạn cũng biết rất rõ rằng mình không chắc chắn về ngày mai – bạn đang hứa hẹn một điều hão huyền. Tất cả những gì bạn có thể nói là: “Giây phút này anh rất yêu em và sẽ dành trọn cho em. Còn sau đó, anh không biết chắc. Vậy thì làm sao anh hứa được đây? Hãy tha thứ cho anh về điều đó”.
Thế nhưng hai người yêu nhau lại đang hứa hẹn những điều mà họ không thể thực hiện được. Thế rồi họ thất vọng về nhau, khoảng cách ngày càng lớn; rồi cãi vã, xung đột, đấu tranh, và một cuộc sống những tưởng sẽ hạnh phúc bỗng chốc trở thành cơn ác mộng kéo dài triền miên.
Nếu bạn nhận biết rằng mình e ngại sự thân mật thì đó có thể sẽ là một khám phá quan trọng đối với bạn, và là một cuộc cách mạng nếu bạn tự vấn bản thân và bắt đầu từ bỏ những điều mà mình cảm thấy hổ thẹn, chấp nhận bản chất vốn có thay vì cái bạn “nên” có. Tôi không dạy bất cứ điều gì “nên” làm. Tất cả những thứ “nên” này khiến đầu óc con người trở nên mụ mẫm. Con người cần được dạy về vẻ đẹp của những gì đang diễn ra quanh mình, về sự kỳ diệu, phi thường của tạo hóa. Cây cối không hề biết đến Mười Điều Răn của Chúa, chim muông chưa từng nghe Kinh Thánh bao giờ. Chỉ có con người là tự gây rắc rối cho mình. Khi chỉ trích bản chất vốn có của mình, bạn sẽ mắc chứng tâm thần phân liệt bởi khi đó, não của bạn bị chia tách, bạn trở nên hoang tưởng và tin vào những điều không có thật.
Điều này không chỉ xảy ra với những người bình thường mà cả với những nhân vật có địa vị cao như nhà tâm lý học Sigmund Freud - người đã đóng góp rất lớn cho lĩnh vực nghiên cứu về đời sống tâm lý con người. Phương pháp của ông được gọi là phân tâm học, theo đó bạn cần phải nhận thức được tất cả những điều vô thức tồn tại bên trong bạn. Và bí mật nằm ở chỗ: Khi điều vô thức chuyển sang trạng thái có ý thức, nó sẽ tạo ra hiện tượng “bốc hơi”. Bạn sẽ thoát khỏi mọi ràng buộc và trở nên nhẹ bẫng. Khi những điều vô thức được giải phóng, trạng thái ý thức của bạn sẽ tiếp tục nhân lên. Và vùng vô thức sẽ thu hẹp lại để nhường chỗ cho vùng ý thức ngày càng mở rộng ra.
Đó là chân lý. Người phương Đông đã biết về điều này từ hàng ngàn năm trước, nhưng tại các nước phương Tây, Sigmund Freud đã giới thiệu nó mà không hề biết về phương Đông cũng như tâm lý của người dân xứ này. Đó là đóng góp của cá nhân ông. Nhưng bạn sẽ bất ngờ khi biết rằng ông không bao giờ chịu để người khác làm phân tâm cho mình. Nhà sáng lập bộ môn phân tâm học chưa bao giờ được phân tâm. Các đồng nghiệp của ông cứ nài nỉ: “Anh đã dạy chúng tôi phương pháp thực hành, và tất cả mọi người đều đã được phân tâm. Sao anh nhất quyết không chịu thử?”.
Ông nói: “Hãy quên việc đó đi!”. Ông sợ phải phơi bày chính mình. Ông đã trở thành một thiên tài vĩ đại, việc phơi bày bản thân sẽ đưa ông trở lại làm người bình thường. Ông cũng có những nỗi lo sợ, những khát khao và cảm xúc đè nén như những người bình thường. Ông không bao giờ nói về giấc mơ của mình, ông chỉ lắng nghe giấc mơ của người khác. Nhưng Freud không bao giờ chịu nằm xuống chiếc ghế của chuyên gia phân tâm để nói về những giấc mơ của mình, bởi giấc mơ của ông cũng bình thường như giấc mơ của bao người khác - và ông sợ hãi nếu để lộ ra điều đó.
Đức Phật hẳn sẽ không lo sợ phải đi vào trạng thái thiền định - đó chính là đóng góp của Người, một kiểu thiền định đặc biệt. Và hẳn Người sẽ không e ngại bất kỳ kiểu phân tâm nào bởi khi một người nhập thiền, lập tức tất cả những giấc mơ của anh ta đều biến mất. Ban ngày, người đó duy trì trạng thái tĩnh tâm, nhưng không phải theo kiểu ngừng suy nghĩ thông thường. Còn khi đêm xuống, người đó ngủ thật sâu và không có giấc mơ nào vì ban ngày họ không có những suy nghĩ, mong muốn, khát khao.
Những suy nghĩ, khát khao và mong muốn luôn tìm cách tự hoàn thiện, ít nhất là trong giấc mơ. Bạn sẽ khó tìm thấy được người đàn ông nào mơ về vợ mình hay người đàn bà nào mơ về chồng mình. Nhưng họ hoàn toàn có thể mơ về chồng hoặc vợ của người khác. Vợ là đối tượng luôn hiện hữu; người chồng không phải kìm nén bất cứ điều gì có liên quan đến người vợ. Nhưng vợ của anh hàng xóm lúc nào cũng xinh đẹp hơn, cũng như cỏ vườn nhà bên lúc nào cũng xanh tươi hơn. Và những thứ không đạt được thường khiến con người ta khát khao sở hữu. Bạn không thể làm được điều đó khi còn thức, nhưng ít ra trong giấc mơ, bạn được tự do khao khát.
Có thể trong tương lai, con người sẽ tìm ra những công cụ khoa học có khả năng kiểm soát giấc mơ của bạn, nhưng cho đến thời điểm hiện tại, bạn vẫn tự do mơ ước - đó là quyền hạn mà bạn được ban tặng từ lúc mới chào đời.
Đức Phật không bao giờ mơ mộng. Thiền là cách để thoát khỏi trạng thái suy nghĩ thông thường. Người duy trì trạng thái tĩnh lặng suốt 24 giờ - không có bất kỳ gợn sóng nào xuất hiện trong tâm thức Người, không suy nghĩ, không mộng mơ.
Nhưng Sigmund Freud thì lo ngại bởi ông biết rõ mình sẽ mơ thấy gì.
Tôi tình cờ nghe được một câu chuyện. Ba nhà văn lớn của Nga - Chekhov, Gorky, và Tolstoy(*) - cùng ngồi trò chuyện trên một chiếc ghế đá trong công viên; họ là những người bạn thân thiết. Cả ba đều là thiên tài, đều tạo ra những cuốn tiểu thuyết vĩ đại. Nếu bạn bất chợt tìm kiếm mười cuốn tiểu thuyết có giá trị nhất mọi thời đại thì ít nhất năm trong số đó thuộc về các nhà văn Nga trước Cách mạng(**).
(*) Họ là nhà văn, nhà viết kịch Anton Palvlovich Chekhov (1860-1904), nhà văn Maxim Gorky (1868-1936), và nhà văn Lev Nikolayevich Tolstoy (1828-1910).
(**) Cách mạng tháng 10 năm 1917 do Lê-nin lãnh đạo, xóa bỏ chế độ Sa Hoàng, lập nên nhà nước Xô-viết.
Chekhov nói về những người đàn bà trong đời mình, Gorky tham gia câu chuyện và cũng nhắc đến một vài người. Chỉ có Tolstoy vẫn giữ im lặng.
Tolstoy là một người theo Chính thống giáo. Bạn sẽ ngạc nhiên khi biết rằng nhà lãnh đạo tư tưởng người Ấn Độ Mahatma Gandhi đã tôn ba người làm thầy, và một trong số đó chính là Tolstoy.
Hẳn Tolstoy đã rất kiềm chế bản thân. Ông thuộc giới quý tộc và là một trong những người giàu có nhất nước Nga, nhưng ông đã sống như một kẻ ăn xin nghèo khó bởi “người nghèo luôn được ban phước và họ sẽ kế thừa vương quốc của Thượng đế”, và ông không chịu từ bỏ vương quốc ấy.
Đây không phải do bản chất đơn giản, cũng không phải vì thiếu khát vọng, mà là quá nhiều khát vọng, quá tham lam với bản năng mưu cầu quyền lực. Ông hy sinh cuộc đời mình và cả niềm vui hiện tại vì nó quá nhỏ bé, nhưng đổi lại, ông sẽ sống một cuộc sống thiên đường mãi mãi. Đối với ông, đây quả là một “thương vụ” được giá, gần như một trò chơi may rủi nhưng nắm chắc phần thắng.
Tolstoy ăn chay và chọn cuộc sống khổ hạnh. Ông gần như một vị thánh! Và tất nhiên, những giấc mơ của ông hẳn phải rất đáng sợ, những suy nghĩ của ông hẳn phải rất đáng sợ. Khi Chekhov và Gorky hỏi: “Tolstoy, sao ông im lặng? Hãy nói gì đi chứ!”. Ông đáp: “Tôi không thể nói bất cứ điều gì về phụ nữ. Tôi sẽ chỉ nói khi sắp xuống mồ. Và sau khi nói xong, tôi sẽ nhảy luôn xuống đó”.
Giờ thì bạn đã hiểu được vì sao Tolstoy lại lo sợ nói ra bất cứ điều gì; nó đang sôi sục trong lòng ông. Vậy nên, bạn không thể thân mật với một người như Tolstoy…
Thân mật có nghĩa là mọi cánh cửa của trái tim đều mở ra chào đón bạn: bạn được mời vào và được đón tiếp như một vị khách. Nhưng điều đó chỉ xảy ra nếu bản năng giới tính của bạn không bị đè nén, lòng bạn không sục sôi những điều trụy lạc, và tâm hồn bạn phải thuần khiết. Tự nhiên như cây cỏ, trong sáng như một đứa trẻ - khi đó bạn sẽ không còn ngại thân mật.
Đó cũng chính là điều mà tôi đang tìm cách thực hiện: giúp bạn gỡ bỏ những thứ cột trói trong vô thức, để tâm trí bạn được thảnh thơi và trở nên bình dị. Không có gì đẹp đẽ hơn khi là một người đơn giản và bình dị. Khi đó, bạn có thể có bất kỳ người bạn thân thiết nào, bất kỳ mối quan hệ gần gũi nào bởi bạn không còn e ngại điều gì. Bạn sẽ giống như một trang sách mở mà bất cứ ai cũng có thể đọc. Chẳng có gì để che giấu.
Cứ mỗi năm, câu lạc bộ săn bắn lại lên vùng đồi núi Montana. Các thành viên sẽ rút thăm để chọn ra người phụ trách việc nấu nướng và cùng thống nhất rằng nếu ai phàn nàn về món ăn sẽ tự động thế chỗ cho người kém may mắn kia.
Sau vài ngày phụ trách nấu nướng, nhận thấy rằng không ai dám mạo hiểm chê bai hay nhận xét gì, Sanderson quyết định thực hiện một kế hoạch táo bạo. Anh cho một ít phân nai vào món hầm tối hôm đó. Quanh đống lửa trại, nhiều người nhăn nhó, có phần ghê tởm sau vài muỗng đầu tiên, nhưng vẫn không ai lên tiếng. Bỗng một thành viên phá tan sự im lặng. “Này”, anh thốt lên, “món hầm có vị như phân ấy - nhưng ngon!”.
Bạn có rất nhiều “khuôn mặt”. Bên trong, bạn nghĩ một đằng, nhưng bên ngoài, bạn lại bộc lộ một nẻo. Bạn không phải là một tổng thể hữu cơ. Hãy thư giãn và phá vỡ sự chia rẽ đã được hình thành trong chính con người bạn. Chỉ nói những điều bạn thật sự muốn nói. Chỉ hành động theo ý chí của riêng mình, đừng lo lắng về hậu quả. Cuộc sống của chúng ta vốn rất ngắn ngủi, đừng lãng phí thời gian lo lắng những chuyện không đâu.
Chỉ nói những điều bạn thật sự muốn nói. Cuộc sống của chúng ta vốn rất ngắn ngủi, đừng lãng phí thời gian lo lắng những chuyện không đâu.
Con người cần phải sống một cuộc sống trọn vẹn, tràn ngập niềm vui, và giống như một cuốn sách mở, luôn sẵn sàng cho bất cứ ai muốn đọc. Dĩ nhiên, nếu làm vậy, bạn sẽ không được ghi tên trong sử sách. Nhưng có tên trong sử sách để làm gì cơ chứ?
Hãy sống, thay vì nghĩ đến việc sẽ được mọi người nhớ tới. Sớm muộn gì bạn cũng phải chết. Hàng triệu con người đã sống trên trái đất này và chúng ta thậm chí còn không hề biết tên họ.
Hãy chấp nhận sự thật đơn giản đó - bạn chỉ có mặt ở đây một số ngày rồi sẽ ra đi. Đừng lãng phí số ngày ngắn ngủi ấy vào những hành động giả dối hay nỗi lo sợ không đâu. Đó phải là khoảng thời gian đầy hân hoan và vui sướng bởi không ai biết trước được tương lai của mình. Thiên đường hay địa ngục có lẽ đều là những giả thuyết chưa được chứng minh. Điều duy nhất bạn đang nắm giữ trong tay chính là cuộc đời mình – hãy làm cho nó phong phú nhất trong khả năng của bạn.
Bằng sự gần gũi và tình yêu, bằng cách cởi mở với nhiều người khác, bạn sẽ càng trở nên giàu có. Và nếu có thể sống trong tình yêu sâu sắc, trong tình bạn bền chặt, trong sự gần gũi thân thiết với nhiều người, tức là bạn đã có một cuộc sống đúng nghĩa. Và cho dù ở đâu, bạn đều học được cách sống và sống hạnh phúc.
Hàng triệu con người đã sống trên trái đất này và chúng ta thậm chí còn không hề biết tên họ. Hãy chấp nhận sự thật đơn giản đó - bạn chỉ có mặt ở đây một số ngày rồi sẽ ra đi. Đừng lãng phí số ngày ngắn ngủi này vào những hành động giả dối hay nỗi lo sợ không đâu.
Nếu sống đơn giản, cởi mở, gần gũi, yêu thương mọi người, bạn sẽ tạo ra thiên đường cho chính mình. Nếu bạn sống khép kín, luôn trong tư thế phòng thủ, luôn lo lắng rằng ai đó có thể biết được suy nghĩ của bạn, giấc mơ của bạn, những sai lầm của bạn, thì cuộc sống đó chẳng khác nào địa ngục. Địa ngục ở ngay trong bạn - và thiên đường cũng vậy. Đó không phải là vị trí địa lý mà là không gian tinh thần của bạn.
Hãy thanh lọc bản thân. Thiền có nghĩa là quét dọn tất cả những thứ rác rưởi đọng trong tâm trí bạn. Khi tâm tĩnh lặng và trái tim reo ca, bạn sẽ sẵn sàng cởi mở và trở nên thân mật với người khác mà không có bất kỳ nỗi sợ hãi nào. Khi có sự thân mật, vây quanh bạn sẽ là bạn bè và những người thân quý; nếu không, bạn sẽ thấy mình cô đơn giữa những người xa lạ. Thân mật là một trải nghiệm tuyệt vời mà mỗi người chúng ta đều không nên bỏ lỡ.