Để đạt đến sự chân thật, trước hết bạn phải tin vào chính mình. Điều cơ bản đó trước hết phải diễn ra bên trong bạn. Nếu tin tưởng chính mình, bạn mới có thể tin tưởng vào tôi, vào người khác, và vào sự tồn tại. Nếu bạn không tin tưởng chính mình thì sẽ không tồn tại bất kỳ sự tin tưởng nào khác.
Và niềm tin đó sẽ bị hủy hoại tận gốc rễ. Bạn không được phép tin tưởng chính mình. Bạn được dạy bảo về đủ kiểu niềm tin - tin vào bố mẹ, tin vào tôn giáo, tin vào Thượng đế, v.v. - nhưng niềm tin cơ bản thì hoàn toàn bị hủy diệt. Và rồi tất cả những niềm tin khác đều không tồn tại, không có thật. Tất cả chỉ là những bông hoa giả, không có rễ cây thật để phát triển.
Người tin tưởng vào chính mình là người độc lập. Không ai có thể đưa ra những dự đoán về người này, anh ta sẽ hành động theo cách riêng. Tự do chính là cuộc đời anh. Anh sẽ tin tưởng những gì mình cảm nhận, những gì mình yêu thích, và rồi niềm tin đó trở nên vô cùng mạnh mẽ và lớn dần trong anh. Niềm tin đó sẽ sống động và xác thực. Và anh ta sẵn sàng chấp nhận mọi rủi ro - nhưng chỉ khi anh ta cảm nhận được nó, chỉ khi niềm tin đó có thật, khơi nguồn cảm hứng cho trái tim anh, làm thức tỉnh trí thông minh và tình yêu của anh. Nếu không, bạn không thể nào cưỡng ép anh ta tin vào bất cứ điều gì.
Việc bảo một đứa trẻ tin vào Thượng đế là hoàn toàn vô nghĩa - không phải vì Thượng đế không tồn tại, mà vì đứa trẻ chưa cảm nhận được nỗi khát khao, mong muốn đó. Nó vẫn chưa sẵn sàng cho hành trình tìm kiếm chân lý, chân lý cuối cùng của cuộc đời. Đứa trẻ vẫn chưa đủ chín chắn để tìm hiểu về ý nghĩa của sự tồn tại. Việc này sẽ xảy ra vào một ngày nào đó, nhưng chỉ xảy ra khi người ấy không bị áp đặt bất kỳ niềm tin nào. Nếu bị biến đổi trước khi cơn khát khao khám phá và hiểu biết bắt đầu hình thành, người đó sẽ sống cả đời theo cách giả dối.
Đúng vậy, anh ta sẽ nói về Thượng đế bởi đã được dạy về sự tồn tại của Người. Kể từ khi còn bé, anh ta đã được chỉ bảo bởi những người rất có quyền lực như bố mẹ, thầy cô giáo, v.v. Anh ta đã được mọi người chỉ bảo và phải chấp nhận nó; nó là vấn đề sống còn. Anh ta không thể nói không với bố mẹ mình bởi nếu thiếu họ, anh sẽ không thể tồn tại. Thật rủi ro khi nói không, vì vậy anh ta phải nói có. Nhưng câu trả lời đó là không chân thật.
Làm sao câu trả lời ấy có thể chân thật được? Anh ta chỉ nói có theo kiểu “ngoại giao”, như một cách để sinh tồn. Bạn không biến anh ta thành một người mộ đạo, mà đã biến anh ta thành một nhà ngoại giao, một chính khách. Mọi khả năng hiểu biết của anh ta đã bị hủy hoại bởi trí thông minh chỉ xuất hiện khi người đó mong muốn học hỏi. Giờ đây, sự mong mỏi đó sẽ không bao giờ xảy ra bởi câu hỏi đã chiếm trọn tâm hồn anh, và câu trả lời cũng đã xuất hiện. Trước khi cảm thấy đói, anh ta đã bị nhét đầy thức ăn. Giờ đây, vì không đói nên thứ thức ăn nhồi nhét đó không được tiêu hóa, bởi không đói thì làm sao anh ta có thể tiêu hóa được. Đó là lý do vì sao con người sống như những chiếc ống dẫn thức ăn.
Một người phải thật sự kiên nhẫn với trẻ em, tỉnh táo và cảnh giác cao độ mới không nói ra những điều gây cản trở trí thông minh của chúng.
Một người phải thật sự kiên nhẫn với trẻ em, tỉnh táo và cảnh giác cao độ mới không nói ra những điều gây cản trở trí thông minh của chúng, không biến chúng thành những tín đồ cuồng nhiệt. Người ấy phải có sự kiên nhẫn vô hạn. Một ngày nào đó, điều kỳ diệu sẽ xảy ra, khi chính đứa trẻ bắt đầu chất vấn. Ngay cả khi điều ấy xảy ra thì cũng đừng nhồi nhét vào đầu trẻ những câu trả lời có sẵn. Đáp án có sẵn sẽ không giúp ích được ai; chúng là những thứ buồn tẻ, chán ngắt. Hãy giúp đứa trẻ trở nên thông minh hơn thay vì trao cho nó các đáp án. Hãy tạo ra thử thách và tình huống để trẻ mài dũa trí thông minh và đặt ra những câu hỏi sâu sắc hơn - để câu hỏi đó thâm nhập vào tâm trí trẻ, trở thành câu hỏi “sống còn” của trẻ.
Nhưng điều đó không được phép xảy ra. Bố mẹ đứa trẻ sẽ rất lo sợ, xã hội cũng rất lo sợ. Nếu trẻ em được phép tự do, ai biết điều gì sẽ xảy ra? Chúng có thể sẽ không bao giờ chịu ở yên trong khuôn khổ mà bố mẹ chúng đặt ra. Ai biết được điều gì sẽ xảy ra khi chúng trở nên thông minh? Chúng sẽ không còn trong vòng kiểm soát của bạn.
Đó là lý do vì sao điều đầu tiên họ làm là phá hủy niềm tin của chúng - niềm tin của đứa trẻ vào chính mình. Họ phải làm cho đứa trẻ dao động và sợ hãi. Một khi đứa trẻ run rẩy, nó sẽ dễ bị kiểm soát. Nếu đứa trẻ tự tin, bạn khó có thể làm gì được nó. Nếu tự tin, đứa trẻ sẽ khẳng định mình, sẽ tìm cách tự làm việc của mình. Nó sẽ không bao giờ muốn làm việc của người khác. Nó sẽ đi theo hành trình của riêng mình, và không thực hiện hành trình mà người khác vạch ra. Nó sẽ không bao giờ bắt chước, không bao giờ làm người ngờ nghệch. Nó sẽ tồn tại, tồn tại một cách mạnh mẽ đến mức không ai có thể kiểm soát được.
Phá hủy sự tin tưởng của trẻ nghĩa là bạn đã hủy hoại cuộc đời nó. Bạn đã lấy đi sức mạnh của trẻ, giờ nó sẽ bất lực, sẽ luôn cần có ai đó để thống lĩnh, định hướng và chỉ đạo. Giờ nó sẽ trở thành một chiến binh giỏi, một công dân tốt, một người yêu nước.
Đúng vậy, người đó sẽ làm được tất cả những điều này, nhưng sẽ không là một cá thể thật sự. Anh ta sẽ không có cội rễ, giống như cái cây bị bật gốc. Anh ta sẽ sống trong đau khổ, tuyệt vọng. Giống như cây cối cần rễ để bám sâu vào lòng đất, con người cũng cần có cội nguồn để tồn tại, nếu không, anh ta sẽ sống một cuộc sống rất hời hợt. Một ngày nọ, tôi đọc được câu chuyện sau:
Ba nhà phẫu thuật - những người bạn cũ - gặp nhau trong kỳ nghỉ. Trong lúc ngồi thư giãn trên bãi biển, họ bắt đầu ba hoa. Người thứ nhất nói, “Tôi biết một người đàn ông bị cụt hai chân trong chiến tranh. Tôi đã lắp chân giả cho anh ta. Điều kỳ diệu là giờ anh ta đã trở thành một trong những vận động viên điền kinh vĩ đại nhất thế giới. Có nhiều khả năng là anh ta sẽ giành chiến thắng trong Thế vận hội sắp tới”.
Người thứ hai nói, “Thế chưa là gì cả. Bệnh nhân của tôi là một phụ nữ bị ngã từ tầng 30 xuống. Khuôn mặt của cô ta bị biến dạng hoàn toàn. Tôi đã phẫu thuật thẩm mỹ cho cô ta. Mới đây, tình cờ đọc báo tôi mới biết được rằng cô ấy đã trở thành hoa hậu thế giới”.
Người thứ ba là một người khiêm tốn. Hai người kia nhìn anh hỏi, “Gần đây anh đã làm được gì? Có gì mới không?”
Người đó đáp, “Không có gì nhiều. Hơn nữa, tôi không được phép nói về nó”.
Điều này càng khiến hai người bạn tò mò hơn. Họ nói, “Nhưng chúng ta là bạn, chúng tôi có thể giữ bí mật cho anh. Anh không cần phải lo lắng. Chúng tôi sẽ không tiết lộ với bất cứ ai”.
Cho nên người này bắt đầu nói, “Vậy thì được nếu như các anh đã hứa: Chuyện là một người đàn ông được đưa đến nhà tôi trong tình trạng mất đầu sau một vụ tai nạn xe hơi. Tôi không biết phải làm gì nên liền chạy ra sau vườn để suy nghĩ. Bỗng tôi nhìn thấy một bắp cải. Không còn cách nào khác, tôi đành cấy bắp cải đó vào vị trí đầu anh ta. Và các anh có biết điều gì xảy ra không? Người đàn ông đó đã trở thành tổng thống”.
Người kém thông minh thì lại vô cùng dễ hiểu. Anh ta hoàn toàn phù hợp với cơ cấu xã hội. Xã hội có đủ các giá trị và chuẩn mực để đánh giá anh ta. Nhưng xã hội phải mất nhiều năm mới hiểu được một thiên tài.
Bạn có thể hủy hoại đứa trẻ, nhưng nó vẫn có thể trở thành tổng thống. Không có một công thức nào khẳng định rằng bạn cần phải có trí thông minh thì mới có thể thành công. Trên thực tế, việc thành công bằng trí tuệ còn khó khăn hơn nhiều bởi người thông minh là người có óc sáng tạo. Anh ta luôn đi trước thời đại; sẽ phải mất nhiều thời gian mới hiểu được người này. Còn người kém thông minh thì lại vô cùng dễ hiểu. Anh ta hoàn toàn phù hợp với cơ cấu xã hội. Xã hội có đủ các giá trị và chuẩn mực để đánh giá anh ta. Nhưng xã hội phải mất nhiều năm mới hiểu được một thiên tài.
Tôi không nói rằng người không có trí thông minh thì không thể thành công, không thể trở nên nổi tiếng. Anh ta có thể nhưng vẫn luôn ở trạng thái giả tạo, không có thật. Và đó chính là sự đau khổ: bạn có thể trở nên nổi tiếng, nhưng nếu giả tạo, bạn sẽ sống trong đau khổ. Bạn không biết được những điều tốt lành mà cuộc sống sẽ mang đến, bạn sẽ không bao giờ biết được. Bạn không có đủ trí thông minh để hiểu được. Bạn sẽ không bao giờ nhìn thấy vẻ đẹp của tạo hóa bởi không đủ nhạy cảm để cảm nhận về nó. Bạn sẽ không bao giờ nhìn thấy được điều kỳ diệu xảy ra quanh mình, xuất hiện trên con đường của bạn mỗi ngày dưới hàng triệu cách khác nhau. Bạn sẽ không bao giờ nhìn thấy nó bởi muốn làm được, bạn cần phải có khả năng to lớn để hiểu, để cảm nhận, để hiện hữu.
Một khi không thể yêu thương chính mình, bạn cũng sẽ không bao giờ yêu thương ai khác. Đó là sự thật. Không có ngoại lệ.
Một khi không thể yêu thương chính mình, bạn cũng sẽ không bao giờ yêu thương ai khác. Đó là sự thật. Không có ngoại lệ. Bạn chỉ có thể yêu người khác khi biết yêu thương chính mình. Nhưng vì nhiều lý do mà bạn không thể tự yêu thương mình, với suy nghĩ rằng đó là hành động ích kỷ.
Tự yêu mình có thể dẫn đến tình trạng chú ý quá mức đến vẻ đẹp của bản thân, nhưng không nhất thiết phải diễn ra theo chiều hướng đó. Tình yêu đó có thể trở thành một hành động ích kỷ nếu không vượt ra khỏi giới hạn của chính nó. Xét theo chiều hướng ngược lại, tự yêu mình (self-love) là khởi nguồn của mọi tình yêu khác.
Người nào yêu thương chính mình cũng sẽ sớm bắt đầu tràn ngập tình yêu thương. Người nào tin tưởng chính mình sẽ không thể nghi ngờ người khác, ngay cả những người sắp lừa dối anh ta, ngay cả những người đã lừa dối anh ta. Đúng vậy, anh ta thậm chí không thể nghi ngờ họ bởi giờ đây, anh ta biết được rằng sự tin tưởng còn quý giá hơn rất nhiều so với bất cứ điều gì khác.
Bạn có thể lừa dối một người, nhưng bạn lừa dối về điều gì? Lấy tiền hay thứ gì đó từ anh ta. Nhưng người nào hiểu được vẻ đẹp của đức tin sẽ không bao giờ bị xao lãng bởi những điều nhỏ nhặt. Anh ta sẽ vẫn yêu thương bạn, vẫn tin tưởng bạn. Và rồi điều kỳ diệu sẽ xảy ra: Nếu một người thật sự tin tưởng bạn, bạn khó có thể lừa dối anh ta, phải nói là gần như không thể.
Nếu một người thật sự tin tưởng bạn, bạn khó có thể lừa dối anh ta, phải nói là gần như không thể.
Nó cũng xảy ra trong cuộc sống hàng ngày của bạn. Bất cứ khi nào bạn tin tưởng ai, người đó sẽ khó lòng lừa dối bạn. Tại nhà ga, bạn chưa từng gặp người ngồi cạnh mình - anh ta là một người hoàn toàn xa lạ - và bạn nói, “Tôi phải đi mua vé, nhờ anh trông hộ hành lý”. Và rồi bạn đi. Bạn tin tưởng một người hoàn toàn xa lạ. Nhưng gần như người đó sẽ không bao giờ lừa dối bạn. Anh ta hẳn đã làm thế nếu bạn không tin tưởng anh ta.
Lòng tin luôn tạo ra phép mầu. Làm sao anh ta có thể lừa dối bạn khi bạn đã tin tưởng anh ta? Làm sao anh ta có thể trở nên thấp hèn đến vậy? Anh ta sẽ không bao giờ tha thứ cho chính mình nếu anh ta lừa dối bạn.
Có một đặc tính cố hữu trong khả năng nhận thức của con người về việc tin và được tin. Mọi người đều thích được người khác tin tưởng. Điều đó thể hiện sự tôn trọng của người khác - và khi bạn tin tưởng một người lạ, điều đó bao hàm cả sự tôn trọng. Bạn không có lý do nào để tin tưởng người đó nhưng bạn vẫn cứ làm. Bạn nâng họ lên một tầm cao, đánh giá người đó cao đến mức anh ta gần như không thể rơi xuống được. Và nếu có rơi, anh ta cũng sẽ không bao giờ tha thứ cho chính mình, anh ta sẽ phải mang mặc cảm tội lỗi suốt đời.
Người nào tin tưởng vào chính mình sẽ bắt đầu nhận biết được vẻ đẹp của nó - biết được rằng càng tin tưởng vào chính mình thì anh ta càng tỏa sáng; càng ở trạng thái thả lỏng, thư giãn thì anh ta càng chín chắn, điềm tĩnh. Và không có gì tuyệt vời hơn khi bạn bắt đầu tin tưởng càng nhiều người, bởi bạn càng tin tưởng thì sự điềm tĩnh của bạn càng trở nên sâu sắc hơn; càng tin tưởng người khác, bạn sẽ càng bay cao hơn. Người biết tin tưởng người khác sẽ sớm nắm được quy luật của niềm tin. Và rồi một ngày nào đó, anh ta sẽ tìm cách tin tưởng cả những người xa lạ.
Làm sao bạn có thể yêu thương một người luôn buộc tội chính mình? Anh ta sẽ không tin bạn. Ngay cả anh ta cũng không thể yêu thương chính mình thì làm sao bạn dám làm điều đó?
Hãy bắt đầu tin tưởng vào chính bạn – đó là bài học cơ bản, bài học đầu tiên. Hãy bắt đầu yêu thương chính mình. Nếu bạn không yêu chính mình thì liệu còn ai khác làm được điều đó? Nhưng hãy nhớ, nếu bạn chỉ yêu chính mình, tình yêu đó sẽ rất nghèo túng.
Hillel, nhà thần bí học vĩ đại người Do Thái, đã nói: “Nếu bạn không vì bản thân mình thì ai có thể làm được điều đó?” và một tuyên bố sâu sắc: “Nếu bạn chỉ vì bản thân mình, vậy cuộc sống của bạn có ý nghĩa gì?” Hãy nhớ: Hãy yêu chính mình vì nếu bạn không yêu bản thân thì không ai khác có thể làm điều đó.
Bạn không thể yêu một người khi anh ta tự ghét chính mình. Và bất hạnh thay là hầu hết mọi người trên trái đất này đều ghét bản thân mình, mọi người đều tự đổ lỗi cho chính mình. Làm sao bạn có thể yêu thương một người luôn buộc tội chính mình? Anh ta sẽ không tin bạn. Ngay cả anh ta cũng không thể yêu thương chính mình thì làm sao bạn dám làm điều đó? Anh ta không yêu thương chính mình thì làm sao bạn có thể yêu thương anh ta? Anh ta sẽ nghi ngờ, cho rằng bạn đang tìm cách dùng tình yêu để lừa dối anh ta. Anh ta sẽ trở nên thận trọng, cảnh giác cao độ và sự nghi ngờ của anh ta sẽ đầu độc bạn. Nếu yêu thương một người đang ghét bản thân nghĩa là bạn đang tìm cách hủy hoại quan niệm sống của anh ta. Và không ai dễ dàng từ bỏ quan niệm của mình, đó là dấu hiệu nhận dạng của anh ta. Anh ta sẽ đấu tranh với bạn, sẽ chứng minh rằng bạn sai, còn anh ta thì đúng.
Đó là những gì sẽ xảy ra trong tất cả các mối quan hệ tình cảm - tôi xin gọi nó là các mối quan hệ yêu đương. Nó xảy ra mỗi ngày giữa chồng và vợ, giữa những người yêu nhau, giữa đàn ông và đàn bà. Làm sao bạn có thể phá hủy quan niệm của người khác về bản thân anh ta? Đó là “tấm giấy thông hành” của anh ta, là cái tôi của anh ta, là cách anh ta nhận biết chính mình. Nếu bạn lấy mất nó, anh ta sẽ không biết mình là ai. Điều đó quá rủi ro; anh ta không thể dễ dàng đánh mất quan niệm của mình như vậy. Anh ta sẽ chứng minh cho bạn thấy rằng anh ta không đáng được yêu thương, anh ta chỉ đáng ghét thôi. Và đó cũng chính là trường hợp đang xảy ra với bạn. Bạn cũng ghét chính mình, bạn không cho phép người khác yêu thương bạn. Bất cứ khi nào có ai đó xuất hiện với nguồn năng lượng yêu thương, bạn thu người lại, bạn muốn trốn chạy, bạn lo sợ. Bạn biết rất rõ rằng bạn không xứng đáng với tình yêu; bạn biết rằng mình chỉ trông tươi tốt, xinh đẹp bề ngoài, còn tận sâu bên trong, bạn rất xấu xa. Và nếu bạn để người đó yêu thương bạn, sớm muộn gì anh ta cũng sẽ biết bạn là ai. Bạn có thể lừa dối người mà bạn yêu thương chung sống được bao lâu? Bạn có thể giả vờ trên thương trường, tại hộp đêm, hay những địa điểm vui chơi giải trí - mỉm cười, lúc nào cũng mỉm cười. Bạn có thể đóng kịch. Nhưng nếu sống với một người suốt 24 giờ mỗi ngày, bạn sẽ rất mệt mỏi nếu cứ cố mỉm cười. Khi đó, nụ cười sẽ khiến bạn chán nản bởi nó giả tạo. Nó chỉ là cử động của đôi môi, và môi sẽ mỏi. Làm sao bạn có thể giữ mãi được vẻ ngọt ngào? Sự cay đắng của bạn sẽ xuất hiện. Do đó, theo thời gian, tuần trăng mật sẽ qua đi, mọi thứ cũng sẽ qua đi. Cả hai sẽ hiểu rõ về nhau hơn, sẽ nhận ra sự giả dối, sự không thành thật của nhau.
Không có bạn, thế giới này sẽ mất đi những vần thơ, mất đi một phần vẻ đẹp. Sẽ không còn nhạc, không còn thơ, chỉ còn lại một khoảng trống – nhưng không ai nói với bạn điều đó.
Mọi người đều ngại thân thiết. Thân thiết nghĩa là bạn sẽ phải dẹp bỏ vai diễn. Và bạn biết mình là ai: chỉ là một kẻ không có giá trị; đó là những gì bạn được dạy bảo ngay từ đầu. Bố mẹ bạn, thầy cô giáo của bạn - tất cả đều cho rằng bạn không có giá trị. Không ai chấp nhận bạn. Không ai cho bạn cảm giác rằng mình được yêu và tôn trọng, rằng mọi người cần đến bạn - nếu không có bạn, mọi thứ sẽ thay đổi, nếu không có bạn, sẽ có một khoảng trống rất lớn. Không có bạn, thế giới này sẽ mất đi những vần thơ, mất đi một phần vẻ đẹp. Sẽ không còn nhạc, không còn thơ, chỉ còn lại một khoảng trống - nhưng không ai nói với bạn điều đó.
Và đó là lý do vì sao tôi làm điều này: để hủy bỏ sự ngờ vực đã được hình thành bên trong bạn, hủy bỏ tất cả những lời buộc tội bạn áp đặt cho chính mình, hủy bỏ tất cả những điều đó để mang đến cho bạn cảm giác rằng mình được yêu và được tôn trọng. Thượng đế đã tạo ra bạn bởi Người yêu thương bạn. Người yêu thương bạn đến mức không thể không tạo ra bạn. Suốt cuộc đời mình, Vincent van Gogh không ngừng vẽ mặt trời bởi ông say mê nó. Trên thực tế, chính mặt trời là thứ khiến ông trở nên điên dại. Suốt một năm trời, ông liên tục đứng vẽ dưới ánh mặt trời nóng rát. Cả cuộc đời mình, ông vận hành quanh ánh mặt trời. Ngày mà ông cảm thấy hài lòng - vẽ xong bức tranh ông hằng mong ước, và để vẽ bức tranh này ông đã vẽ nhiều thứ khác nhưng không thấy hài lòng - ngày mà ông cảm thấy hài lòng, ngày mà ông có thể nói: “Đúng, đây chính là thứ mà tôi luôn muốn vẽ”, ông đã tự kết liễu đời mình bởi cho rằng “Công việc của tôi đã hoàn tất. Tôi đã làm được điều mình muốn. Phận số của tôi đã xong, giờ chẳng còn lý do nào để sống nữa”.
Vincent van Gogh đã cống hiến cả cuộc đời mình cho một bức tranh thôi ư? Hẳn ông ấy phải yêu mê đắm ánh mặt trời. Ông nhìn vào mặt trời quá lâu đến mức nó hủy hoại đôi mắt ông, hủy hoại thị giác của ông, khiến ông trở nên điên loạn.
Khi một nhà thơ viết nên một bản nhạc, đó là vì anh ta yêu thích nó. Thượng đế đã tạo ra bạn. Người yêu thương bạn. Nếu bạn không tìm thấy bất kỳ ý nghĩa nào trong từ Thượng đế, đừng lo lắng. Hãy gọi đó là tạo hóa, là tổng thể. Tạo hóa yêu thương bạn, nếu không bạn đã không tồn tại.
Hãy thư giãn trong chính con người bạn, Thượng đế yêu thương bạn. Đó là lý do vì sao Người luôn truyền hơi thở cho bạn, luôn mang nhịp đập rộn ràng đến trái tim bạn. Một khi bạn bắt đầu cảm nhận được sự tôn trọng, tình yêu và sự tin tưởng to lớn này, tất cả sẽ bắt đầu ăn sâu vào tâm hồn bạn. Bạn sẽ tin tưởng chính mình. Và chỉ khi đó, bạn mới có thể tin tưởng tôi, tin tưởng bạn bè, con cái, chồng hoặc vợ bạn. Chỉ khi đó bạn mới có thể tin tưởng vào muôn loài, vào mặt trăng và các vì sao. Và rồi con người sẽ sống bằng đức tin. Không còn băn khoăn về việc tin tưởng điều này hay điều khác; chỉ đơn giản là tin tưởng.