Trước khi có thể mở khóa điều huyền bí được mã hóa trong tên và ngày sinh của bạn và phá vỡ lời nguyền của phù thủy, bạn phải bước vào cuộc hành trình đến vương quốc của não trái. Đây là nơi bạn thực hiện các hoạt động tư duy logic, tuân theo định hướng và suy nghĩ cụ thể. Mục tiêu của bạn trong chương này là học cách xây dựng phần trên cùng của biểu đồ để có thể khám phá các con số của mình. Mỗi phần của biểu đồ số sẽ được trình bày riêng để bạn thực hành dễ dàng hơn. Khi các phần trên cùng của biểu đồ số hoàn thiện, bạn đã có thể bắt đầu hành trình tự khám phá bản thân. Và để không bị choáng ngợp, những phần nâng cao của biểu đồ, cụ thể là biểu đồ sự kiện, sẽ được trình bày ở các chương sau. Khi cả biểu đồ số được điền đầy đủ và khi bạn hiểu ý nghĩa của các biểu tượng, lời nguyền của phù thủy sẽ hoàn toàn bị phá vỡ.
XÂY DỰNG MỘT BIỂU ĐỒ THẦN SỐ HỌC
Biểu đồ Thần số học là trái tim của việc diễn giải Thần số học. Nó cần được chuẩn bị chậm rãi với sự chú ý cao và thật kỹ lưỡng. Một lỗi nhỏ có thể khiến những tính toán đổ sông đổ bể và biến tên hoặc ngày sinh của bạn trở thành của người khác. Hình 2.1 bên dưới thể hiện một biểu đồ Thần số học hoàn thiện sử dụng các con số của nữ phi công đầu tiên trên thế giới Amelia Earhart làm ví dụ. Tiếp theo đó, Hình 2.2 là một biểu đồ trống để bạn có thể bắt đầu điền các thông tin của mình theo các bước được mô tả trong chương này. Một vài biểu đồ trống được cung cấp tại phần sau của cuốn sách để bạn có thể xây dựng biểu đồ Thần số học cho những người khác. Thông tin trên biều đồ được chia thành ba phần: tên, ngày sinh (bao gồm cả các chu kỳ cá nhân), và biểu đồ sự kiện. Biểu đồ sự kiện sẽ liên kết mọi thứ lại gần nhau và tạo nên hành trình thám hiểm cuộc sống độc nhất của bạn.
Hình 2.1 Biểu đồ Thần số học hoàn thiện của Amelia Earhart
Hình 2.2 Biểu đồ Thần số học trống
Biểu đồ này sẽ trở thành bạn của bạn và sẽ giải mã những bí mật thoáng nghe tưởng đơn giản nhưng lại sâu sắc hơn khi bạn nghiên cứu cao hơn. Tôi đã làm công việc giải mã Thần số học gần 30 năm qua và vẫn không ngừng ngạc nhiên với những thông tin mới lạ, tinh vi luận ra từ những biểu đồ số và trực giác của mình. Khi học cách xây dựng một biểu đồ là bạn đang đi trên hành trình học Thần số học. Một khi những chữ cái trong tên của bạn được mã hóa thành các con số, hoặc ngày sinh của bạn hé lộ bí mật của nó, bạn có thể bắt đầu cảm nhận các con số theo từng góc độ. Trong phần sau của cuốn sách này, bạn sẽ tìm thấy nhiều hướng dẫn chi tiết hơn về cách đọc một biểu đồ Thần số học.
Cho dù chúng có nhiều cấp độ và tần số rung động khác nhau, về cơ bản một con số có cùng một ý nghĩa bất kể bạn thấy nó ở đâu. Vì vậy, một khi đã trở nên quen thuộc, ở bất cứ nơi nào con số đó xuất hiện, bạn cũng sẽ liên tưởng ý nghĩa ngay lập tức. Nếu có thể vờ như đây là lần đầu tiên bạn tiếp xúc với các con số 0, 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9 – thì việc đó sẽ giúp bạn khai thác được nhiều hơn trực giác của mình. Trong Chương 3, các con số sẽ được trình bày ở từng nhóm riêng theo thuộc tính chung của chúng. Tất cả các số “lẻ” sẽ vào thành một nhóm và tất cả các số “chẵn” vào thành một nhóm. Điều này có thể “lay nhẹ” tiềm thức của bạn và cho phép trực giác bạn nhận thấy những mối quan hệ giữa các con số trong cùng nhóm. Việc chia nhóm không phải tất yếu, nhưng điều đó phản ánh cách liên hệ và phụ thuộc lẫn nhau giữa những con số này. Nếu bạn có thể nhớ một con số có cùng một ý nghĩa bất kể bạn thấy nó ở đâu, bạn sẽ hiểu Thần số học dễ dàng hơn.
Trong Thần số học, việc chính yếu của chúng ta là làm việc với các số đơn từ 1 đến 9, cùng các số tổ hợp đặc biệt 11, 22, 33 và 44. Bất cứ số nào lớn hơn 9 đều được rút gọn bằng cách cộng tất cả các chữ số với nhau cho đến khi chỉ còn một số đơn.
Ví dụ:
1989 rút gọn còn 9 bằng cách cộng các con số: 1 + 9 + 8 + 9 = 27,
Và tiếp tục cộng hai con số của tổng trên: 2 + 7 = 9
Nếu một tổng có đơn vị là 0 (20, 30, 40, v.v..), chỉ cần bỏ qua số 0 và sử dụng con số đã được rút gọn.
Ví dụ:
20 = 2; 30 = 3; 40 = 4, v.v..
Các số 11, 22, 33 và 44 là những số phức hợp được gọi là các con số bậc Thầy, chúng được diễn giải theo cả dạng rút gọn và giữ nguyên.
Vì vậy:
11 được viết là 11 (không rút gọn) và 2 (đã rút gọn), và được viết là 11/2.
22 được viết là 22/4, v.v..
BẮT ĐẦU VỚI TÊN KHAI SINH VÀ TÊN GỌI HIỆN TẠI
Theo các bước bên dưới để tìm các con số đại diện cho những cái tên của bạn.
1. Sử dụng các phần bên trên trong biểu đồ của Amelia Earhart (Hình 2.1) làm ví dụ, ghi tên đầy đủ của bạn đúng theo giấy khai sinh trên các dòng trong Hình 2.2. Sử dụng tên trong giấy khai sinh đó để tạo biểu đồ của bạn, kể cả nếu bạn chưa sử dụng nó bao giờ và dù bạn có thích nó hay không. Nếu hiện tại bạn không sử dụng tên khai sinh của mình, hãy điền cả tên mà bạn nghĩ đến dưới phần “Tên gọi hiện tại (Tên đang dùng)”. Đây có thể là tên kết hôn, biệt danh hoặc tên mới nếu bạn đã đổi tên.
Tên khai sinh là nền tảng của chúng ta. Thường thì, tên khai sinh đã đưa chúng ta đến điểm mà chúng ta có thể thay đổi nó thành cái tên khác. Nó liên tục phát ra sức ảnh hưởng của mình, thậm chí cả khi nó chưa bao giờ được sử dụng. Nếu bạn có nhiều cái tên qua nhiều năm, hãy chỉ sử dụng tên khai sinh và tên gọi hiện tại đang dùng.
2. Sử dụng Bảng 2.1 bên dưới, tra từng nguyên âm (A, E, I, O, U) trong tên khai sinh và chuyển thành con số tương ứng, điền con số đó vào dòng bên dưới mỗi nguyên âm. (Y được xem là nguyên âm nếu không có nguyên âm khác trong cùng âm tiết). Làm tương tự cho tên đang dùng. Một lần nữa, nhìn vào biểu đồ của Amelia Earhart để làm mẫu.
Nếu tên của bạn vốn được viết với một bảng chữ cái khác, ví dụ Ả rập, Kirin, Hy Lạp, hay Tây Ban Nha, bạn sẽ muốn sử dụng bảng chữ cái đó để đảm bảo tính chính xác. (Ví dụ, bảng chữ cái Tây Ban Nha có thêm bốn chữ cái, khiến cho các chữ cái sau chữ C bị thay đổi giá trị số tương ứng). Nếu bạn gặp trường hợp tương tự, hãy che các chữ cái trong Bảng 2.1 bằng một mảnh giấy và điền bảng chữ cái khác bên dưới các cột số.
3. Cộng các con số đại diện cho các nguyên âm xuất hiện trong tên khai sinh lại với nhau, cộng theo từng phần trong tên (họ, tên đệm và tên). Nhớ rút gọn cho đến khi còn lại một số đơn. Ghi lại từng con số trên dòng đầu tiên bên trên các nguyên âm.
Kế tiếp, cộng các con số đại diện các nguyên âm của từng phần trong tên của bạn (họ, tên đệm và tên) và rút gọn xuống còn một chữ số. Điền chữ số này vào trái tim đầu tiên kế bên “Khát khao trái tim” (Heart’s Desire) trong Hình 2.2.
Lặp lại toàn bộ quy trình này cho tên gọi hiện tại của bạn. Điền con số đơn có được từ kết quả cộng các nguyên âm có trong tên gọi hiện tại vào trái tim thứ hai kế bên “Khao khát trái tim”.
Các con số này tượng trưng cho điều trọng tâm trong tên của bạn. Theo nghĩa đen, chúng đại diện cho nơi trái tim bạn thuộc về hoặc là điều khiến bạn hạnh phúc nhất. Khát khao trái tim này còn được gọi là chỉ số “thôi thúc linh hồn”, vì các nguyên âm đại diện cho linh hồn hay tinh hoa của tên gọi.
4. Sử dụng Bảng 2.1 bên trên, gắn mỗi phụ âm (tất cả các chữ cái khác nguyên âm) trong tên khai sinh của bạn với các con số tương ứng và nhập con số đó vào dòng bên dưới từng phụ âm. Làm tương tự cho tên gọi hiện tại.
5. Cộng tất cả các con số đại diện cho phụ âm trong tên khai sinh lại với nhau. Đầu tiên, cộng từng phần riêng biệt (họ, tên đệm, tên). Nhớ rút gọn cho đến khi có con số đơn. Ghi từng con số xuống bên dưới dòng các số đại diện cho phụ âm.
Kế tiếp, cộng tất cả các con số đại diện cho phụ âm của các phần trong tên (họ, tên đệm, tên) lại với nhau và rút gọn xuống còn một chữ số. Nhập con số đã được rút gọn vào ô vuông kế bên “Tính cách” (Personality) trong Hình 2.2.
Lặp lại toàn bộ quy trình này cho tên gọi hiện tại (nếu đang dùng tên khác tên khai sinh). Đặt con số đơn có được từ các phụ âm trong tên gọi hiện tại vào ô vuông thứ hai kế bên “Tính cách”.
Điều này tượng trưng cho con người bên ngoài hay điều mà tên của bạn thể hiện ra với thế giới. Nó không phải là một sự mô tả chính xác về bạn mà chỉ đơn giản là hình ảnh của bạn trước thế giới bên ngoài. Nếu Khát khao trái tim và Tính cách giống nhau, đó là một sự may mắn hiếm có và nó đại diện cho sự hài hòa đặc biệt bên trong bạn.
6. Tiếp tục xử lý tên khai sinh và tên gọi hiện tại như các đơn vị độc lập. Cộng riêng tất cả các con số (nguyên âm và phụ âm) của từng phần trong tên (họ, tên đệm, tên) và rút gọn từng phần xuống còn số đơn. Ghi lại các con số rút gọn trong các hình tròn kế bên từng phần của các tên bạn đã viết ra. Kế tiếp, cộng các con số trong hình tròn với nhau và rút gọn xuống còn một con số. Thêm con số được rút gọn cho tên khai sinh vào vòng tròn đầu tiên kế bên “Định mệnh” (Destiny) trong Hình 2.2. Nhập con số rút gọn cho tên gọi hiện tại vào vòng tròn thứ hai kế bên “Định mệnh”.
Nếu bạn có con số bậc Thầy (11, 22, 33, hoặc 44), hãy điền dưới dạng phức hợp của nó (11/2, 22/4, 33/6 và 44/8), vì tất cả các con số sẽ phát tiết hết sức ảnh hưởng của chúng. (Xem thêm thảo luận về các con số bậc Thầy trong Chương 4).
“Định mệnh” tượng trưng cho tất cả các thành tựu đã đạt được trong kiếp trước của bạn và các hình mẫu năng lượng bạn đang thiết lập trong kiếp này. Nó thể hiện bạn là ai và có những điểm mạnh nào để duy trì và trao quyền cho chính mình. Bạn có mặt trên đời là để hiện thực hóa nó. Các rung động của tên gọi hiện tại bao phủ lên trên tên khai sinh, giống như bồi âm hài hòa trong một hợp âm.
Để có được tổng đầy đủ của mỗi cái tên, khuynh hướng đơn giản là cộng tất cả lại với nhau và rút gọn các con số cho nguyên âm và phụ âm. Tuy nhiên, bạn sẽ khó mà phát hiện ra nếu mắc lỗi cộng trừ. Vì vậy, hãy quay trở về trước và cộng lại các nguyên âm và phụ âm của từng cái tên rồi rút gọn một lần nữa. Nếu tên đầy đủ bằng với số rút gọn của tổng các nguyên âm cộng với tổng các phụ âm, thì con số đó là chính xác.
Với các bước sau đây, chỉ sử dụng tên khai sinh của bạn.
7. Điền vào “Bảng danh xưng” trong Hình 2.2 bằng cách đếm và ghi nhận mỗi số xuất hiện bao nhiêu lần trong tên đầy đủ của bạn. Đừng rút gọn các số đơn tại đây. Ví dụ, đếm có bao nhiêu lần số 1 xuất hiện trong tên đầy đủ của bạn. Đặt con số đó vào dòng được đánh dấu 1 trong bảng danh xưng. Rồi lại đếm có bao nhiêu lần số 2 xuất hiện trong tên đầy đủ của bạn. Đặt con số đó vào dòng được đánh dấu 2 trong bảng danh xưng. Làm tương tự cho mỗi số cho đến số 9.
Bảng danh xưng giải thích các năng lượng bạn đã phát triển trong các kiếp trước mà giờ đây được mang theo cùng với bạn như những món quà, tài năng và các khuynh hướng chung. Số xuất hiện nhiều nhất đại diện cho sức mạnh tuyệt vời, trong khi các con số bị thiếu đại diện cho các lĩnh vực bị mất cân bằng, điểm yếu hoặc các đặc điểm chưa được phát triển.
Ở đây, bạn cũng có thể phát hiện lỗi tính toán khi cộng nếu có. Khi bạn đã đếm được có bao nhiêu số 1, số 2, v.v.. trong tên của bạn, hãy đếm số lượng chữ cái. Tổng số lượng các con số được liệt kê trong bảng danh xưng phải trùng với số lượng chữ cái có trong tên đầy đủ của bạn.
8. Sử dụng các con số trong bảng danh xưng, bạn sẽ tìm ra chỉ số “mức độ biểu hiện” trong biểu đồ Thần số học của mình. Đừng rút gọn ở đây. Từ bảng danh xưng, Tính tổng các số 1 và số 8 xuất hiện trong tên đầy đủ và ghi con số này vào phần “Biểu hiện tâm trí” (Mental). Tính tổng các số 4 và số 5, ghi con số này vào phần “Biểu hiện vật lý” (Physical). Tính tổng các số 2, số 3 và số 6, ghi con số này vào phần “Biểu hiện cảm xúc” (Emotional). Tính tổng các số 7 và số 9 và ghi con số này vào phần “Biểu hiện trực giác” (Intuitive).
Chỉ số mức độ biểu hiện tạo thành một nghiên cứu chi tiết cung cấp nguồn thông tin vô cùng quý giá về cách một người thực hiện những việc sau: suy nghĩ = Biểu hiện tâm trí; hành động = Biểu hiện vật lý; cảm nhận = Biểu hiện cảm xúc; và linh cảm = Biểu hiện trực giác. Chỉ số mức độ biểu hiện có thể tiết lộ các mâu thuẫn nội tại mà một người có thể trải nghiệm và đóng góp đáng kể vào việc thấu hiểu động lực của một mối quan hệ.
Bảng danh xưng và chỉ số mức độ biểu hiện được thảo luận chi tiết trong Chương 5. Tìm đọc chương đó khi bạn sẵn sàng học cách diễn giải các chỉ số này.
CHUYỂN TIẾP ĐẾN NGÀY SINH
Làm việc với ngày sinh có vẻ phức tạp khi mới bắt đầu, nhưng càng về sau, khi đã quen thuộc, bạn sẽ thấy đây là phần nội dung hấp dẫn của biểu đồ số. Ngày sinh rất quan trọng nên có những nghiên cứu Thần số học hoàn thiện được thực hiện riêng cho chúng. Bạn hoàn toàn có thể dựa vào dữ kiện này khi không cảm thấy thoải mái với sự chính xác của các con số tên gọi mà bạn đã lập biểu đồ. Ví dụ, khi đọc một cái tên đã được chuyển ngữ từ một bảng chữ cái đặc thù khác như tiếng Hindi, tiếng Nhật hay tiếng Ả Rập, sẽ có những trường hợp thông tin từ ngày sinh là minh chứng cho ý nghĩa tên gọi và cả những thông tin khác khi nó bổ sung đáng kể cho những thông tin ấy, giúp giải thích những điều khó hiểu về cuộc sống của bạn.
1. Nhập ngày sinh (ngày, tháng và năm đầy đủ) vào các ô tương ứng trong Hình 2.2. Nhập con số tháng sinh vào hộp phía bên trái, cả phần trên và dưới. Nếu ngày sinh của bạn có hai chữ số, cộng chúng với nhau và nhập nó vào hộp ở giữa cả trên và dưới. Nếu ngày đã là số đơn, hãy để nguyên. Nếu bạn được sinh vào ngày 11 hoặc 22, viết thành 11/2 hoặc 22/4. Cả hai con số sẽ phát tiết sức ảnh hưởng của mình. Cuối cùng, cộng tổng tất cả bốn chữ số trong năm sinh của bạn và rút gọn cho hộp thứ ba. Bây giờ bạn có ba chữ số của phần Thách thức và Thuận lợi đơn giản trong Hình 2.2. Nhập chúng theo thứ tự mà bạn thường viết (ngày, tháng và năm; hoặc tháng, ngày và năm).
Nếu tham khảo lại biểu đồ của Amelia Earhart trong Hình 2.1, bạn sẽ thấy rằng ngày sinh của cô ấy là 24 tháng 7, 1898, sẽ được rút gọn xuống thành 7, 6, 8. (Tháng 7 = 7, 2 + 4 = 6, và 1 + 8 + 9 + 8 = 26, 2 + 6 = 8).
2. Cộng ba con số bạn vừa nhập lại với nhau và rút gọn xuống còn một chữ số. Nếu một trong số chúng là một số bậc Thầy, sử dụng con số rút gọn. Con số này là chỉ số đường đời của bạn. Nhập chúng vào hình tròn được đánh dấu “Đường đời” (Birth Path) trong Hình 2.2.
Chỉ số đường đời là bài học lớn nhất trong cuộc sống và là điều mà chúng ta cố gắng để đạt đến sự tinh thông. Đường đời là cả một chu kỳ cuộc đời, có từ khi chúng ta sinh ra đến lúc mất đi để phát triển nó. So sánh nó với ngành học của bạn tại đại học (trong trường học cuộc đời). Đường đời của Amelia Earhart là 3, như được thể hiện trong Hình 2.1.
Hiếm khi gặp trường hợp chỉ số vận mệnh và đường đời trùng nhau. Điều này chứng tỏ sự chú trọng mạnh mẽ về phẩm chất của nó và đảm bảo rằng bạn có thể làm bất cứ điều gì mà nó đại diện. Cùng với tiến trình cuộc đời của bạn, cách tiếp cận và hiểu về nó sẽ tiếp tục thay đổi và phát triển. Trong suốt nhiều năm tháng đời mình, sự diễn giải về ý nghĩa của nó có thể đa dạng và biến động cho đến khi bạn thực sự trở thành chuyên gia trong việc thấu hiểu phẩm chất đó. Người ta tin rằng cấu trúc này có thể chỉ ra một vấn đề chưa được giải quyết từ các kiếp trước, và nhờ đó bạn chắc chắn sẽ “làm được” trong kiếp này.
3. Kế tiếp, xác định chỉ số thành tựu của bạn. Cộng chỉ số đường đời và chỉ số vận mệnh (có được từ tên khai sinh) và rút gọn xuống còn một chữ số. Bạn đã định hình được chỉ số thành tựu của mình. (Đừng rút gọn các số bậc Thầy ở đây). Nhập con số này vào hình tam giác được ghi nhãn “Thành tựu” (Attainment) trong Hình 2.2. Chỉ số thành tựu là con số giải thích đỉnh cao của một kế hoạch đời người và đại diện cho ý thức tâm linh được hình thành qua qua nhiều kiếp sống và tái sinh. Thông tin chúng ta khám phá ở đây thực ra chính là bản thiết kế của linh hồn cho hành trình hiện tại.
Trong nhiều năm, các nhà Thần số học đã coi chỉ số vận mệnh và chỉ số đường đời là những con số quan trọng nhất trong việc hiểu cuộc sống của một người. Thực tế, chúng chỉ là hai trong số ba con số cần thiết để xây dựng bản đồ cuộc đời một người. Tên khai sinh đầy đủ giải thích chúng ta là ai, đồng thời thể hiện những tài năng và năng lực chúng ta đã phát triển trong các kiếp sống trước. Ngày sinh phác họa nên tấm bản đồ hành trình của chúng ta. Trong phần sau của cuộc đời, chúng ta hợp nhất chúng lại với nhau, và chỉ số thành tựu được hình thành. Nó báo hiệu hướng mở rộng của cuộc đời chúng ta, làm rõ kế hoạch cho sự tiến hóa của mỗi cá nhân. Tuy nhiên, cần có cả ba chỉ số này để tổng kết cuộc đời của một người. Cùng với nhau, chúng định hình một tam giác năng lượng với chỉ số thành tựu là nền tảng cho cuộc sống của chúng ta. Xem Hình 2.3 bên dưới.
Hình 2.3: Tam giác năng lượng
Trong khi sức ảnh hưởng của chỉ số thành tựu thường có thể được xác định từ khi còn thơ ấu, những căng thẳng của các chu kỳ thách thức và đỉnh cao trong những buổi ban đầu (xem thêm bên dưới) có thể ngụy trang cho nó cho đến khi cá nhân đạt đến độ tuổi 45. Sau đó, càng lớn tuổi thì chỉ số thành tựu càng trở nên có giá trị.
XÂY DỰNG THỜI GIAN BIỂU THÁCH THỨC VÀ ĐỈNH CAO CỦA BẠN
Có bốn giai đoạn trong sự phát triển của đường đời có thể được so sánh với các lớp học quan trọng mà bạn tham gia trên Trái đất. “Các lớp học” này là những điều bạn cần để có nền giáo dục khai phóng (liberal education) trên hành tinh này. Họ thông báo cho bạn các bộ môn tổng quan của các lĩnh vực mà bạn học tập và nghiên cứu. Thời khóa biểu của các môn học sẽ được cấu thành bởi chỉ số đường đời và thay đổi tùy theo từng người. Theo mỗi giai đoạn, bạn sẽ có một thách thức và một đỉnh cao đặc trưng của chu kỳ đó. (Xem thảo luận về thách thức và đỉnh cao trong phần tiếp theo).
1. Tìm khu vực trống được đánh dấu “Thời gian biểu thách thức và đỉnh cao” trong Hình 2.2. Để bắt đầu thời gian biểu của bạn, lấy 36 trừ đi chỉ số đường đời (36 được xem là chu kỳ của nhân loại). Đừng rút gọn xuống còn số đơn. Khoảng thời gian của chu kỳ đầu tiên trải dài từ khi chào đời (tuổi 0) cho đến tuổi bằng với hiệu số của 36 trừ đi chỉ số đường đời của bạn. (Ví dụ, chỉ số đường đời của Amelia Earhart là 3, và 36 – 3 = 33, do đó chu kỳ đầu tiên của cô ấy là 0 – 33). Nhập chu kỳ đầu tiên của bạn trên dòng được đánh dấu Chu kỳ đầu tiên.
2. Chu kỳ thứ hai có độ dài chín năm và bắt đầu tại nơi chu kỳ đầu tiên kết thúc. (Ví dụ, chu kỳ thứ hai của Amelia Earhart bắt đầu tại tuổi 33 và tiếp tục cho đến 42. Vì vậy, chu kỳ thứ hai của cô ấy là 33 – 42). Nhập chu kỳ thứ hai của bạn trên dòng được đánh dấu Chu kỳ thứ hai.
3. Chu kỳ thứ ba có độ dài chín năm và bắt đầu tại nơi chu kỳ thứ hai kết thúc. (Ví dụ, chu kỳ thứ hai của Amelia Earhart bắt đầu tại tuổi 42 và tiếp tục cho đến 51. Vì vậy, chu kỳ thứ ba của cô ấy là 42 – 51).
4. Chu kỳ thứ tư bắt đầu tại nơi chu kỳ thứ ba kết thúc. Chu kỳ này là vô định vì nó sẽ kết thúc khi bạn từ trần. (Ví dụ, chu kỳ thứ tư của Amelia Earhart sẽ bắt đầu tại tuổi 51 và sẽ tiếp tục kéo dài với khoảng thời gian chưa biết trước. Vì vậy chu kỳ thứ tư của cô ấy là 51 – Kết thúc). Nhập chu kỳ thứ tư của bạn trên dòng được đánh dấu Chu kỳ thứ tư.
Đoạn kết thúc chu kỳ thứ ba và bắt đầu chu kỳ thứ tư có thể được so sánh với sự tốt nghiệp. Một khi đã hoàn thành chu kỳ thứ ba, bạn sẵn sàng ra ngoài thế giới và sử dụng những điều mình đã nhận được thông qua những thách thức và đỉnh cao của bạn.
HIỂU CÁC THÁCH THỨC VÀ ĐỈNH CAO
Trước khi chuyển đến khám phá các con số cho từng thách thức và đỉnh cao, bạn cần phải hiểu biết một số vấn đề. Bạn sẽ có thách thức và đỉnh cao cho từng chu kỳ trong thời gian biểu vừa xây dựng. Khái niệm về các thách thức và đỉnh cao và cách chúng hoạt động có thể khó hiểu vì nó yêu cầu chúng ta nhìn nhận cuộc sống của mình từ một khía cạnh khác và đòi hỏi tách biệt những thứ như điều chúng ta tin tại khoảng thời gian đó và điều chúng ta làm lúc ấy. Tuy nhiên, giá trị của chỉ số thách thức và đỉnh cao nằm ở chỗ chúng mang lại sự thấu hiểu và minh bạch hơn nhiều cho các chu kỳ cuộc đời của một người. Hãy nhìn nhận chúng như là các tiêu đề môn học về điều bạn đang hay đã từng học tại giai đoạn đó.
Các chỉ số đỉnh cao là một trạng thái tâm trí: những thái độ hoặc quan điểm của chúng ta. Các chỉ số thách thức thể hiện thông tin ở một cấp độ mang tính vật chất nhiều hơn. Chẳng hạn, nếu ngôi nhà của bạn bị phá hủy do hỏa hoạn, bạn có thể học điều gì từ đó? Bạn có thể học rằng bạn có sức mạnh để vực dậy từ nghịch cảnh và xây dựng lại (hoặc bước tiếp), hoặc bạn có tầm nhìn đủ xa để có sự chuẩn bị tương xứng cho khủng hoảng. Có lẽ bạn khám phá ra những người hàng xóm thân thiện đáng tin cậy trong trường hợp khẩn cấp; nhiều thứ đang chờ đợi được học từ mỗi trải nghiệm. Các thách thức diễn ra ở bên ngoài nhiều hơn; các đỉnh cao lại đến từ bên trong nội tại.
Thỉnh thoảng, với tôi, dường như các thách thức thực sự “thử thách” chúng ta phát triển theo một hướng cụ thể, và các đỉnh cao yêu cầu chúng ta thể hiện điều mà chúng ta đã học được. Một cách khác để nhìn nhận chúng như các thách thức là phần dựa trên kinh nghiệm và các đỉnh cao là những viễn cảnh. Ví dụ, với một chỉ số thách thức là số 5 (tương ứng với thách thức đầu tiên), một đứa trẻ có thể sống nay đây mai đó – có thể là bố mẹ chúng là người của quân đội, hoặc có thể họ đã ly hôn và đứa trẻ phải đi đi về về giữa hai người. Tuy nhiên, trong trường hợp chỉ số đỉnh cao là số 5, đứa trẻ thậm chí không hề phải di chuyển trên phương diện cơ thể vật lý, nhưng lại hay nghĩ đến việc bỏ trốn hoặc đọc những cuốn sách về du lịch và thám hiểm, ấp ủ lên kế hoạch cho điều mà nó mong muốn làm khi “tự do”. Dù là gì đi nữa thì đứa bé sẽ là “kẻ du mục” sẽ thường khác với khuôn khổ của những người khác. Con số 5 chắc chắn diễu hành theo nhịp trống của riêng nó và muốn tự do bằng bất cứ giá nào. Dĩ nhiên, bạn sẽ học nhiều hơn về ý nghĩa của mỗi con số khi bạn đọc đến Chương 3 và 4.
Bởi vì chu kỳ đầu tiên thường rất dài, nó thiết lập nên nền tảng mà cuộc sống được xây dựng dựa trên đó. Một vài người thường cố gắng níu giữ chu kỳ này trong suốt phần còn lại của cuộc đời họ. Họ tự hỏi tại sao lại không quan tâm làm những điều mà chắc chắn sẽ là một phần quan trọng và đặc biệt trong đời mình. Một ví dụ phổ biến cho điều này là người dành nhiều thời gian và tiền bạc vào việc chuẩn bị cho một sự nghiệp dưới Thách thức đầu tiên và rồi không còn hứng thú khi bắt đầu tiến vào điểm Thách thức kế tiếp. Hãy tưởng tượng các nhánh của một hành động như thế không chỉ trong người ấy, mà cả từ sự phản hồi từ gia đình và bạn bè của họ. Tuy nhiên, cuộc sống thực sự luôn thay đổi, và việc cố gắng níu kéo Thách thức đầu tiên cũng vô vọng như cố gắng chiến đấu để ở lại tiểu học trong suốt cuộc đời của bạn!
Vì vậy, đối với hầu hết mọi người, thách thức và đỉnh cao đầu tiên là một giai đoạn dài, vô cùng đáng nhớ. Tiếp theo đó là hai chu kỳ chín năm cho đến khi bước vào chu kỳ thứ tư, nơi họ sử dụng tất cả các kiến thức và sự thông thái đã phát triển được. Khi một người bước vào thách thức và đỉnh cao thứ tư và cuối cùng, chỉ số thành tựu cũng phát huy tác dụng. Nói theo cách của Thần số học, khoảng thời gian con người bắt đầu nghĩ rằng đã đến lúc để nghỉ hưu (theo xã hội của chúng ta) chính là lúc họ đến được nơi mà họ sẵn sàng đến để làm. Một trong những nhiệm vụ hầu hết chúng ta sớm nhận ra trong cuộc sống là có “điều gì đó” ngoài kia đang đợi chúng ta thực hiện. Nếu lưu tâm, chúng ta sẽ nhận ra “điều đó”. Khi tìm thấy nhiệm vụ sau cùng này, chúng ta sẽ thực hiện nó cho đến khi nghỉ hưu. Điểm khởi đầu có thể chính là câu hỏi thời thơ ấu: “Chúng ta sẽ làm gì khi trưởng thành?”. Kết quả là, một vài người cố gắng ghìm lại để khỏi phải phiêu lưu và hòa hợp với chính mình. Thông qua các thách thức và đỉnh cao, sự dịch chuyển và thay đổi là một dòng chảy bình thường trong đời người. Có thể câu nói: “Bạn không thể dạy một con chó già những trò mới” là đúng, nhưng con người không phải như con chó. Con người có sự sáng tạo và phát triển từ cuộc sống trên Trái đất. Hãy sống cuộc sống đầy ý nghĩa và chúng ta sẽ luôn tìm thấy nhiều vấn đề mới để giải quyết, nhiều điều mới để trải nghiệm.
KHÁM PHÁ THÁCH THỨC VÀ ĐỈNH CAO CỦA BẠN
Bây giờ, hãy tạm bỏ trống phần thách thức và đỉnh cao nâng cao trong Hình 2.2 (Chúng ta sẽ tìm hiểu ở Chương 6), và chỉ sử dụng phiên bản đơn giản của thách thức và đỉnh cao. Phiên bản nâng cao sẽ đào sâu vào các lớp ý nghĩa bổ sung, nhưng hãy tìm hiểu những điều cơ bản trước.
Hãy theo các chỉ dẫn bên dưới để tìm các thách thức và đỉnh cao của bạn. Ghi nhớ rằng các chỉ số thách thức được tính bằng cách trừ các thành phần của ngày sinh và chỉ số đỉnh cao được tính bằng cách cộng các thành phần của ngày sinh. Nhớ rút gọn về số đơn trong quá trình tính toán. Nếu ngày sinh của bạn là con số bậc Thầy, hãy đưa ra cả hai con số để hiểu sâu sắc hơn.
Chỉ số thách thức
1. Trừ tháng với ngày (trừ số lớn hơn cho số nhỏ hơn, hay lấy giá trị tuyệt đối) và ghi vào vòng tròn được đánh dấu “1st” trong mục “Thách thức” của biểu đồ Thần số học. (Nếu kết quả là 0, đọc phần diễn giải cho con số này tại trang 64).
2. Trừ ngày với năm (lấy số lớn hơn trừ số nhỏ hơn, hay lấy giá trị tuyệt đối) và ghi vào vòng tròn được đánh dấu “2nd” trong mục “Thách thức” của biểu đồ Thần số học.
3. Lấy số lớn hơn trong hai vòng tròn được đánh dấu “1st” và “2nd” trừ số nhỏ hơn và ghi vào vòng tròn được đánh dấu “3rd” trong mục “Thách thức” của biểu đồ Thần số học.
4. Trừ tháng với năm (lấy số lớn hơn trừ số nhỏ hơn, hay lấy giá trị tuyệt đối) và ghi vào vòng tròn được đánh dấu “4th” ở mục “Thách thức” của biểu đồ Thần số học.
Chỉ số đỉnh cao
1. Cộng tháng với ngày và ghi vào vòng tròn được đánh dấu “1st” trong mục “Đỉnh cao” của biểu đồ Thần số học.
2. Cộng ngày với năm và ghi vào vòng tròn được đánh dấu “2nd” trong mục “Đỉnh cao” của biểu đồ Thần số học.
3. Cộng tổng của vòng tròn được đánh dấu “1st” với tổng trong vòng tròn được đánh dấu “2nd” và ghi vào vòng tròn được đánh dấu “3rd” trong mục “Đỉnh cao” của biểu đồ Thần số học.
4. Cộng tháng với năm và ghi vào vòng tròn được đánh dấu “4th” trong mục “Đỉnh cao” của Biểu đồ Thần số học.
Để hiểu rõ hơn, hãy tham khảo biểu đồ Thần số học của Amelia Earhart trong Hình 2.1. Hãy xem các chỉ số thách thức và đỉnh cao đơn giản của cô ấy. Các chỉ số đỉnh cao và thách thức được đọc từ trái sang phải.
• Thách thức đầu tiên của Amelia là 1; đỉnh cao đầu tiên là 4.
• Thách thức thứ hai của Amelia là 2; đỉnh cao thứ hai là 5.
• Thách thức thứ ba của Amelia là 1; đỉnh cao thứ ba là 9.
• Thách thức thứ tư của Amelia là 1; đỉnh cao thứ tư là 6.
BẢNG SỰ KIỆN
Bảng sự kiện tiết lộ cách mà tên và ngày sinh ảnh hưởng đến cuộc sống của bạn trong từng giai đoạn. Mặc dù trông có vẻ phức tạp, bảng này tương đối dễ xây dựng một khi bạn đã hiểu nó. Tuy nhiên, không thể phủ nhận rằng nó cũng có đôi chút khó hiểu, vì vậy đến Chương 7, nội dung hướng dẫn cách xây dựng bảng sự kiện sẽ được giải thích rõ cho bạn. Đến chương đó, bạn hiểu nhiều thông tin trên biểu đồ Thần số học của mình để bắt đầu thấu hiểu các con số cá nhân của bạn. Đó cũng chính là lúc bạn thấy quen thuộc và dễ dàng hơn với bảng sự kiện.
KẾT LUẬN
Xin chúc mừng! Khi đã điền đầy đủ các con số vào biểu đồ, bạn đã có đủ chìa khóa sẽ để khai mở những bí ẩn cuộc đời mình. Bạn nhận ra các con số quan trọng nhất với bạn. Đến Chương 3, bạn sẽ gặp các con số trong một cảm giác thú vị khi khám phá về nhiều mặt của chúng, bạn sẽ tiếp cận chúng bằng ánh mắt hoàn toàn mới vì chúng đã không còn “chỉ là các con số” nữa. Đúng hơn, chúng là những biểu tượng của tình thương và các dòng năng lượng linh thiêng đang hiển hiện trên hành tinh này. Hãy đối xử các con số với sự tôn trọng và thấu hiểu sâu sắc vì chúng thật sự quan trọng. Hãy nhớ rằng các vấn đề có thể nảy sinh khi một số “chẵn” ở ngay bên cạnh một số “lẻ”, bởi dù sao chúng cũng đến từ hai nhóm số đối lập. Bạn sẽ dần thấy rằng, trong những năm đầu, những “con số đối lập” có thể sàng lọc cạnh tranh lẫn nhau. Nhưng khi bạn trưởng thành, những góc cạnh của chúng ta trở nên mềm mại hơn. Khi ấy, chúng sẽ trở nên thoải mái hơn với nhau, sẵn sàng chia sẻ các sức mạnh và tài năng với nhau.