Đ
ạo tiến thoái, ấy là vào lúc nên tiến thì thoái, “ lúc nên thoái thì lại tiến.” Cảnh Thất khoác chiếc áo choàng màu xanh nhạt rộng thùng thình trên người, cổ áo trắng ngần, làm nền cho mái tóc đen như mực đang buông xõa xuống, bởi mới tỉnh giấc trưa nên còn chưa chải gọn của y, ánh mắt nửa mở nửa không, dựa người trên ghế nằm, ngôn ngữ vương chút âm mũi, chẳng biết tự lúc nào, cái trong trẻo trong thanh âm của thiếu niên đã bị thời gian mài mòn thành thấp trầm, thốt từng tiếng từng tiếng một, không nhanh không chậm, cứ như đang gõ nhịp lên tim người khác vậy, “Khi người ngoài nghĩ ngươi nên tiến, thì ngươi phải thoáng lùi vài bước, tránh cản trở đến kẻ không nên ngáng đường. Khi người Nam Cương ngoài nghĩ ngươi nên lùi, thì ngươi phải tiến lên, cái đó gọi là tuy có nghìn vạn người chỉ độc mình ta tiến”.
Ô Khê ngơ ngác nhìn y, rõ ràng tâm hồn đang lang bạt tận đâu đâu. Cảnh Thất cũng biếng nhác dừng lời, cứ như bất cứ lúc nào cũng có thể lăn ra ngủ tiếp vậy. Ban đầu y cũng không chú ý đến hắn, một lúc lâu sau không thấy hắn hồi âm, bấy giờ y mới nghiêng đầu đưa mắt nhìn: “Ngươi đang nghĩ gì thế?”.
Ô Khê sửng sốt, có chút hốt hoảng tránh đường nhìn của y, hơi cúi đầu, hỏi: “Giống như ngươi sao?”.
“Ừm... Hử?” Cảnh Thất thoáng mở mắt to hơn một chút, “Ta làm sao cơ?”.
Ô Khê nói: “Lúc ai cũng nghĩ ngươi không nên tới Lưỡng Quảng thì ngươi lại đi, đợi đến khi trở về rồi, người khác đều nghĩ ngươi nên nhân cơ hội này làm gì đó, ngươi lại buông bỏ chẳng buồn nhúc nhích tay chân, giống hệt trước đây”.
Cảnh Thất đáp: “Ta tới Lưỡng Quảng là do bị Hách Liên Kỳ hại, giờ mọi chuyện đã đâu vào đấy, không trở về làm kẻ phú quý an nhàn thì còn chờ gì nữa?”.
Ô Khê ngẫm nghĩ một hồi, rồi lắc đầu bảo: “Câu này của ngươi không phải lời thật lòng”.
Cảnh Thất phì cười, đứng dậy giãn gân giãn cốt, vặn thắt lưng đã hơi ê ẩm, hoa lê trong vườn nở như tuyết rơi thành đụn, gió vừa thổi qua liền thấy bụi trắng bay khắp chốn, chất chứa trong mình một thứ hương lành lạnh, ào ào rơi xuống người Cảnh Thất. Ô Khê chỉ cảm thấy người này như bước ra từ trong bức họa vậy, không khỏi nhớ đến bài thơ mới nghe được mấy hôm trước, bèn buột miệng ngâm lên: “Đáng thương hèn mọn lắm thôi, cái thân lưu lạc nổi trôi xứ người1”.
1 Nguyên văn là: 琐兮尾兮,流离之子 (Tỏa hề vĩ hề, lưu li chi tử). Trích từ bài Mao Khâu trong Kinh Thi, tả cảnh chư hầu nước Lê vong quốc, phải lưu lạc đến nước Vệ cầu xin giúp đỡ nhưng không thành.
Cảnh Thất nghe không rõ, liền quay đầu lại nhìn hắn có chút nghi hoặc: “Ngươi nói gì cơ?”.
Ô Khê lắc đầu, hơi hoảng loạn mà nghiêng mặt sang một bên, dõi mắt nhìn bức tường viện loang lổ, chỉ cảm thấy trong lòng có một nỗi ủ ê khó tả, giống như một bức tường trong góc vắng đã mọc kín rêu xanh vậy, người kia đang ở ngay trước mắt, ấy vậy mà có một số lời cứ phải dằn lòng, kìm chế, đột nhiên hắn thấy mình có phần ấm ức, bèn thấp giọng bảo rằng: “Hôm nay ngươi giảng cho ta nghe Tam Bách Thi2 nhé?”.
2 Nguyên văn là Tam Bách Thi hay còn gọi là Kinh Thi. Đây là một tập thi ca tổng hợp, gom lại các tác phẩm từ những năm đầu Tây Chu đến giữa thời Xuân Thu, tức là từ năm 1100 trước Công Nguyên đến năm 600 trước Công Nguyên, tổng cộng có 305 bài.
Từ trước tới nay Ô Khê vốn coi trọng tính thực dụng, thường ngày chỉ thích nghe mấy chuyện liên quan đến lịch sử, quyền mưu, trị quốc an dân, không quá hứng thú nghe người ta giảng lễ đọc thơ, không tính toán giành ngôi trạng nguyên, tài văn chương cũng không cần xuất sắc quá làm gì. Đối với những thứ như điển cố, văn vận trong Kinh Thi lúc nào y cũng chỉ nghe như gió thoảng, không quá chú tâm, nghe hiểu là được rồi. Cảnh Thất có phần sửng sốt, lại thấy Ô Khê nghiêng đầu ngơ ngẩn nhìn phía chân tường, ánh mắt như sắp bay ra đến nơi vậy, khuôn mặt cương nghị đẫm vẻ tĩnh mịch thường ngày, nay lại phảng phất lên sắc luyến lưu, liền hiểu ý mà cười, thầm bảo chẳng lẽ rốt cuộc tên tiểu tử này đã đến cái tuổi biết “tương tư”, bèn hỏi:
“Ngươi muốn nghe đoạn nào?”.
“Cái bài Cầm tay hẹn ước, sánh bước đến già1 đó.”
1 Nguyên văn: “Chấp tử chi thủ, dữ tử giai lão”. Trích trong thiên Kích cổ thuộc nhóm thơ Bội Phong, Kinh Thi.
Ôi chao, thế này thì đúng thật rồi.
Cảnh Thất mừng rơn lên, rồi lại nhớ đến chuyện khác, cũng không vạch trần hắn, chỉ bảo: “Đó là tiếng thơ bi thương, ngươi lại chỉ nhớ được hai câu đau lòng nhất trong bài đấy”.
Ô Khê ngẩn người, quay đầu lại nhìn y, vẻ mặt không hiểu ra sao cả.
Cảnh Thất khẽ nhặt mấy cánh hoa rơi trên đầu vai xuống, thong thả nói: “Tùng tùng tiếng trống trận vang, quân binh hăng hái xông pha không nề. Thành Tào1 đất mẹ lời thề, mình ta đơn độc tiến về phương Nam”2. Thống lĩnh Tử Trọng3 dẫn đầu, liên minh cùng chư hầu Trần, Tống4. Ngày về nào được theo cùng, lòng ta ảo não âu sầu không nguôi.5
Có “cát vàng trăm trận, xuyên áo giáp”, cũng có “một tướng phá thành, vạn xương khô”, có người canh cánh Lâu Lan, chưa diệt được địch thề chưa trở về6, thế nhưng đại đa số lại tình nguyện ngồi trong bóng tối, nghe một khúc Chiết Liễu7 vang lên, gió xuân không đổi, tương tư chẳng dừng.
1 Kinh đô nước Vệ.
2 Nguyên văn: Kích cổ kỳ thang, dũng dược dụng binh. Thổ quốc thành Tào, ngã độc nam hành. Là bài Kích cổ số 1, thuộc nhóm thơ Bội Phong, Kinh Thi.
3 Tôn Tử Trọng, tức Công Tôn Văn Trọng, tự là Tử Trọng, là tướng soái của nước Bội.
4 Trần, Tống: Tên hai nước chư hầu.
5 Nguyên văn là “Tòng Tôn Tử Trọng, bình Trần dữ Tống. Bất ngã dĩ quy, ưu tâm hữu xung”. Là bài Kích cổ số 2 thuộc nhóm thơ Bội Phong, Kinh Thi.
6 Nguyên văn: Hoàng sa bách chiến xuyên kim giáp, bất diệt Lâu Lan chung bất hoàn. Trích trong bài Tòng quân hành của Vương Xương Linh đời Đường. Lâu Lan là tên một quốc gia cổ, nằm ở phía Đông Bắc sa mạc La Bố vùng Tân Cương.
7 Tên đầy đủ là Chiết Dương Liễu (bẻ nhành dương liễu).
Ý bài thơ ấy muốn nói, trên dải sa mạc mênh mông kia, đại quân đông đảo, khí thế xông lên, ngựa sắt giáo vàng, trống trận rền vang, lại có một kẻ như vậy quay đầu, dõi mắt nhìn về hướng quê nhà, trông những người còn đang sống sờ sờ bên cạnh, từng người từng người một xông trận sớm bình minh, đêm không hẹn trở về, nỗi nhớ người cũ, nỗi nhớ quê xưa trong lòng ấy, cứ như thể người đã chết rồi.
Ô Khê không ngờ được y lại nói đến tận điểm này, nhất thời không phản ứng lại được, chỉ ngơ ra nghe y nói.
Cảnh Thất thở dài một tiếng, tiếp tục nói: “Sinh tử, cách xa. Cùng chàng thề nguyện. Cầm tay đã hẹn, sánh bước đến già”1. Lời này không phải do vị tướng quân thề phải lập nên sự nghiệp nói ra, cũng chẳng phải do đấng thiên tử có thể lấy mạng cả trăm vạn người trong cơn giận dữ, đó chẳng qua chỉ là một binh tướng tiểu tốt vô danh, kiếp này đã định không có được tố chất vượt trên kẻ khác, chỉ mong được sống cùng một phu nhân tầm thường mặc áo vải thô, đầu cài trâm gỗ, trải một cuộc đời bình thường với củi gạo dầu muối, đợi đến khi nàng rửa hết phấn hoa, đợi đến khi nàng má hồng tàn tạ, đợi đến khi nàng tật bệnh trầm kha, sau đó tìm một nấm mồ ba thước mà nằm xuống, kiếp sau nếu có duyên, thì lang bạt bốn phương có ngày trùng phùng, còn nếu không duyên...”.
1 Nguyên văn: “Tử sinh khiết khoát, dữ tử thành thuyết. Chấp tử chi thủ, dữ tử giai lão” là bài Kích cổ số 4 thuộc nhóm thơ Bội Phong, Kinh Thi.
Y đột nhiên khựng lại, một lúc lâu sau mới lẩm bẩm: “Hưng thịnh, bách tính khổ sở, suy vong, bách tính nhọc nhằn. Những lời này vốn dĩ ta không nên nói, thế nhưng ta xin bạo gan được hỏi vu đồng, nếu sau này trở lại Nam Cương rồi, ngươi sẽ làm thế nào?”.
Ô Khê thấy gương mặt thường ngày vốn luôn cười đùa cợt nhả của y giờ hoàn toàn nghiêm lại, trong ánh mắt bình thản ôn hòa mà đong đầy cảm khái kia phảng phất ý tứ sâu xa khó nói thành lời, hắn chỉ cảm thấy chỉ trong nháy mắt, bản thân cùng với con người thường ngày vốn thân mật gắn bó ấy đã cách xa nhau một khoảng từ Nam Cương tới kinh thành. Trong lòng chua xót, ánh mắt hắn tức thời ảm đạm: “... Ta hiểu ý của ngươi”.
Nếu trong lòng ngươi đã đề phòng ta, sao còn phải đối tốt với ta như thế làm gì?
Cảnh Thất đã quen nhìn sắc mặt đoán tâm tư, quét ánh mắt một vòng trên gương mặt hắn, đã biết ngay Ô Khê đang nghĩ cái gì, bèn dừng lại một chút, rồi ngồi xuống đối diện hắn, đổ chén trà đã lạnh ngắt trên bàn đi, rót cho bản thân cùng Ô Khê trà mới, mười ngón tay đan lại, chống trên bàn, sau đó thở hắt một hơi, mở lời: “Ngươi cảm thấy thái tử thế nào?”.
Ô Khê sửng sốt, tức thì bỗng thấy lòng có phần ghen tỵ, liền đáp: “Đương nhiên không tồi, nếu không ngươi đã chẳng vì hắn mà lo nghĩ mọi bề như thế”.
Cảnh Thất cười bảo: “Thế nhưng ta sợ hắn, những lúc triều chính gian nan nhất thái tử hay thích tới chỗ ta, bởi vì vương phủ này của ta yên tĩnh, thực ra là do ta không dám nhiều lời với hắn, nên mới ít làm phiền đó thôi”.
Ô Khê chau mày, trong ấn tượng của hắn, dường như Cảnh Thất chưa từng sợ bất cứ chuyện gì, đến ngay cả đám kịch độc khiến người ta sợ mất mật nuôi trong phủ hắn cũng chẳng thấy y có phản ứng đặc biệt gì, gặp ai cũng có thể cười đùa đối đãi. Trước đây nhìn y hắn liền cảm thấy người này chẳng để tâm đến bất cứ chuyện gì, về sau mới dần hiểu được cái mệt mỏi của y mà thấy đau lòng, ngoài ra cũng tin tưởng vào sự thành thạo của y. Hắn không kìm được mà hỏi: “Vì sao ngươi lại sợ hắn?”.
“Hắn thân là thái tử, thế mà hai mươi mấy năm nay, Hách Liên Chiêu gặp hắn chưa từng hành lễ lấy một lần, vậy mà hắn chẳng hề để bụng, vẫn kính huynh yêu đệ như thường”, Cảnh Thất lắc đầu, “Hách Liên Chiêu ưa sức mạnh, tham công lao, Hách Liên Kỳ lòng tham không đáy, hiểm độc hẹp hòi, không hợp lẽ thường, duy chỉ có vị thái tử điện hạ này... Từ sau khi hắn làm lễ đội mũ1 xong, thì đến cả người cùng hắn lớn lên từ tấm bé như ta cũng không nhìn ra được buồn vui mừng giận của hắn nữa, thế mà lại chẳng có một ai hiểu tâm cơ, lòng dạ của hắn rõ hơn ta, ngươi nói ta có thể không sợ hắn sao?”.
Đầu mày Ô Khê lại càng nhíu chặt hơn: “Nếu ngươi đã không thích hắn, sao còn phải giúp hắn làm gì?”.
1 Thời xưa khi con trai đến hai mươi tuổi thì tiến hành lễ đội mũ, cho biết người đó đã trưởng thành.
Cảnh Thất thoáng mỉm cười: “Ta có nói mình không thích hắn sao? Thái tử điện hạ kinh bang tế thế, văn võ song toàn, ta chẳng có lý do gì không thích hắn cả. Nếu ta không giúp hắn, thì còn có thể giúp ai? Trừ hắn ra, còn ai có thể gánh vác được giang sơn, được thiên hạ Đại Khánh này? Hách Liên Chiêu hay là Hách Liên Kỳ?”.
Ô Khê vắt cạn óc suy nghĩ, lại phát hiện bản thân không tài nào lĩnh hội được thứ cảm xúc đó - kính trọng, ngưỡng mộ, tôn sùng, có thể vì một người cúc cung tận tụy, rồi lại sợ hãi người đó, đến cả nói chuyện với hắn cũng chẳng muốn nhiều lời.
Trước nay hắn vốn yêu ghét rõ ràng, thích thì là thích, không thích thì là không thích, nào biết trên thế gian này còn nhiều loại cảm xúc mâu thuẫn phức tạp, nhìn tưởng thế này hóa ra lại thế kia như vậy. Hắn nhất thời nghĩ cũng không thông được, chỉ nghe Cảnh Thất bảo: “Cứ lấy việc ta tới Đông cung ngay hôm trở về từ Lưỡng Quảng ra nói, trước lúc rời đi, câu cuối cùng hắn nói với ta là có ý gì, trong lòng hắn nghĩ ra sao, ta nghĩ đến tận bây giờ, nhưng vẫn cảm thấy còn điều vướng mắc, càng nghĩ không ra lại càng muốn nghĩ, nghĩ đi nghĩ lại, liền bắt đầu thấy trong lòng run sợ”.
Ô Khê không hiểu: “Ngươi nghĩ ngợi làm gì, trực tiếp đi hỏi hắn không phải là tốt hơn sao?”.
Cảnh Thất nghe mà nghẹn họng nhìn Ô Khê, cuối cùng không kìm được phá lên cười, gương mặt y giãn ra, vẻ u ám đã bị nụ cười này gạt đi bằng sạch sẽ, gió mát trăng thanh, trời trong nắng rạng.
Tuy không hiểu vì sao, thế nhưng Ô Khê vẫn rất thích nhìn y thoải mái cất giọng cười to như thế. Một lúc lâu sau, Cảnh Thất mới lau sạch nước mắt ứa ra vì cười, vươn tay vỗ vai Ô Khê, nói: “Không giữ nghi hoặc trong lòng, từ trước đến nay ta vẫn khâm phục điểm này của ngươi. Những lời liên quan đến Nam Cương ta nói ban nãy, ngươi cũng chớ hoài nghi. Ngươi là Nam Cương vu đồng, là đại vu sư tương lai, mọi chuyện thế nào chỉ phụ thuộc vào một ý nghĩ của ngươi. Ta là Nam Ninh vương của Đại Khánh, đương nhiên phải mưu tính vì bách tính Đại Khánh ta rồi... Có liên quan gì đến quan hệ riêng tư của đôi ta? Giống như ta từng bước từng bước tính kế đều là vì hoàng vị của thái tử, nhưng lại không muốn thân cận hắn vậy. Tuy rằng xét cho cùng ngươi là ngoại tộc, thế nhưng ta đã nhận định ngươi là bằng hữu rồi”.
Cảnh Thất đang nói... trong lòng y, bản thân còn gần gũi hơn thái tử điện hạ nhiều sao? Ô Khê đột nhiên cảm thấy lòng mình nhẹ bẫng, nỗi sung sướng lan khắp toàn thân như sắp bay lên trời vậy. Ai ngờ đúng lúc ấy Cảnh Thất lại như đột nhiên nhớ ra chuyện gì, liền sán lại gần, hỏi bằng vẻ mặt cực kỳ... dung tục: “Ban nãy nói lạc đề mất rồi, suýt thì ta quên khuấy, hôm nay vu đồng cố ý bảo ta giảng thơ, vừa mở miệng đã nhắc ngay ‘chấp tử chi thủ dữ tử giai lão’ nữa chứ, quả thực rất khác thường, chẳng lẽ là... ngươi đã nhìn trúng tiểu thư nhà nào rồi?”.
Y thình lình nhích người lại, khoảng cách cực gần, lập tức phảng phất như có một thứ hương thầm truyền tới từ cổ áo thêu hoa văn tinh tế mà phức tạp kia. Ô Khê biết đó là hương vị của y phục sau khi giặt xong được đặt trong ngăn có để huân hương mà thành. Thế nhưng lúc ngửi vào lại như thấy có chút gì khang khác, dù chỉ rất nhỏ thôi, khó mà diễn tả cho rõ được, tức thì trái tim lỡ mất hai nhịp, hắn rời ánh mắt sang chỗ khác, không dám nhìn vào trong cổ áo hơi buông lỏng của y nữa.
Cảnh Thất lại cứ tưởng bản thân đã đoán trúng rồi, hiếm lắm mới thấy thiếu niên ngượng nghịu đến thế này, lập tức nổi lòng trêu cợt, gác khuỷu tay lên vai hắn, cười bảo: “Nói ra cho huynh đệ nghe thử xem nào, tình cảm đôi ta thế nào chứ? Dù ngươi có nhìn trúng công chúa của hoàng thượng, ta cũng có thể đi ngỏ ý giúp ngươi, nói không chừng hoàng thượng còn mong kết thông gia với Nam Cương các ngươi ấy chứ”.
Ô Khê hất tay y ra, “soạt” một cái đứng bật dậy, khuôn mặt không biết là giận hay nôn nóng, lại thoáng ửng hồng, nhìn Cảnh Thất chằm chằm một lúc, sau đó không nói một lời, quay đầu liền đi mất.
“Ôi chao, đúng là không trêu không được mà.” Cảnh Thất thấy thế vẫn ung dung ngồi xuống, nâng chén trà lên, “Tiểu tử thối này, mới nói có mấy câu đã nóng nảy với ta rồi”.
Y cười cười, gọi: “Bình An, chuẩn bị xe ngựa cho ta, xuất môn”.
Bình An thưa một tiếng, sau đó dặn kẻ dưới đi làm, thuận miệng hỏi: “Hôm nay chủ tử đi đâu ạ?”.
“Hoàng Hoa quán, mấy ngày không tới rồi, ta nhớ trà của Minh Hoa, đi xem xem hắn thế nào rồi.”
Vẻ mặt Bình An lập tức xịu xuống, nhăn lại như bánh bao: “Sao chủ tử lại tới chỗ không sạch sẽ ấy nữa chứ?”.
“Chỗ không sạch sẽ là thế nào?” Cảnh Thất vừa thờ ơ nói, vừa để mặc Cát Tường chỉnh trang lại đầu tóc cho mình: “Có rượu ngon, có trà thơm, có mỹ nhân, đối với hạng người ăn chơi trác táng như ta, còn chỗ nào tốt hơn để đi? Miệng vàng của hoàng thượng đã thốt ra lời ngọc, bảo bản vương làm một kẻ phú quý rảnh rang, ta dám kháng mệnh hay sao?”.
Bình An lo lắng vô cùng.
Hoàng Hoa quán - ấy chính là nơi chốn thuộc về các tướng công. Trong mắt người bình thường, chỉ sợ còn nhơ nhớp hơn cả những chỗ như lầu Phỉ Thúy, lầu Yên Vũ gì gì đó. Đường đường là một vương gia, ba ngày hai bận lại tới đó thăm... thăm một kỹ nam, còn ra thể thống gì nữa?
Sao vương gia càng ngày càng đổ đốn thế này?