Vài thập niên trước đây, khi bệnh tự kỷ chưa được tìm hiểu nhiều, trẻ em bị bệnh này thường được cha mẹ gởi vào các trung tâm nuôi dạy tập thể theo lời khuyên của các bác sĩ, và kết quả là không những đa số trẻ đã không đạt được những tiến bộ khả quan nào mà trong nhiều trường hợp còn phải chịu những thiếu hụt và bị tước đoạt về đủ mọi phương diện, cả vật chất lẫn tinh thần.
Lùi xa hơn nữa về quá khứ, khi nhân loại chưa có nhiều tiến bộ về khoa học, những trẻ em bị bệnh tự kỷ, cũng như các bệnh tâm thần khác, thường bị xem là thân xác đã bị thần linh hoặc ma quỷ nhập vào để quấy rối, trêu chọc; do đó, người xưa thường tìm cách chữa trị bằng sự cúng bái, cầu hồn, cho uống nước thánh hoặc uống tàn nhang hương đèn, thay đổi tên họ, thậm chí có khi còn bị đánh đập hoặc bị đem đi thiêu đốt để hồn ma bỏ đi. Ngay trong những năm gần đây của thế kỷ 21, tại tiểu bang Wisconsin, Hoa Kỳ, một xã hội được xem là văn minh và tân tiến, vẫn có trường hợp một em bé tự kỷ đã chết vì ngộp thở khi bị người cha bó chặt vào trong những tấm vải để làm lễ cầu hồn, xin các vị thần linh hộ mệnh tha tội và dùng quyền năng xua đuổi tà ma ra khỏi thân xác em bé(*).
(*) Collins, D (2003) Autistic boy dies during exorcism. CBS News. 2003.
Lại cũng có vài ý kiến cho rằng vì nguyên nhân gây ra bệnh tự kỷ là điều không thể biết được nên tự kỷ không phải là một căn bệnh mà đúng hơn nó là một hình thức, một kiểu sống tự nhiên có từ bẩm sinh; do đó, tốt hơn là nên chấp nhận nó như thế chứ không cần phải chạy chữa gì.
Qua thực tế lâm sàng, cho đến nay vẫn chưa có phương pháp chữa trị nào có thể thay đổi hoàn toàn các triệu chứng của bệnh tự kỷ, nhưng sự chữa trị kịp thời và kiên trì rõ ràng đã giúp cho rất nhiều trẻ tự kỷ giảm thiểu được các triệu chứng và khuyết tật trên các mặt ngôn ngữ và hành vi ứng xử, có được khả năng thích ứng tốt hơn với cuộc sống của bản thân và trong quan hệ với xã hội.
Ngày nay, tùy theo quan niệm và sở trường của các giới chuyên môn, nhiều phương pháp chữa trị bệnh tự kỷ đã được áp dụng ở hầu hết các xã hội có nền y học tân tiến. Nói chung, ngoại trừ những trường hợp bệnh quá trầm trọng được đưa vào các trung tâm nuôi dưỡng tập thể để có những bộ phận chuyên viên luân chuyển nhau trong việc chăm sóc và chữa trị, còn lại đa số trẻ tự kỷ được điều trị tại ngoại. Công tác điều trị tại ngoại cho các trẻ tự kỷ cũng cần có sự phối hợp đồng thời và nhịp nhàng của nhiều thành phần, bao gồm người trị liệu, gia đình, trường học và cộng đồng địa phương.
Dù áp dụng phương pháp nào trong việc điều trị, mọi người đều đồng ý rằng mục tiêu chữa trị cho trẻ tự kỷ thường bao gồm những khía cạnh tổng quát sau đây:
- Phát triển khả năng diễn đạt và tiếp nhận ngôn ngữ.
- Gia tăng khả năng nhận biết để tiếp xúc và quan hệ với người khác.
- Gia tăng sự hợp tác và tính uyển chuyển trong các sinh hoạt và chơi đùa.
- Giảm thiểu những triệu chứng ám ảnh, lo âu, co rút, cáu kỉnh, phẫn nộ và những cảm xúc kích động bất chợt.
- Giảm thiểu các cử động và hành vi rập khuôn, lặp đi lặp lại.
Cần lưu ý là các phương pháp và kỹ thuật điều trị cho các tiểu loại bệnh thuộc dạng Rối loạn phát triển lan tỏa, như Hội chứng Rette, Rối loạn tan rã ở trẻ em, Hội chứng Asperger… không có gì khác biệt với phương pháp và kỹ thuật điều trị bệnh tự kỷ, bởi vì hầu hết triệu chứng của các bệnh này đều có tính chất trùng lặp và tương tự. Tuy nhiên, trong tiến trình điều trị cần phải ưu tiên chú trọng vào những khía cạnh đặc thù và nổi bật của mỗi tiểu loại.
Điều trị bệnh tự kỷ là một nỗ lực to lớn và tốn kém đối với nhân loại trong nhiều thập niên qua. Mọi phương pháp trị liệu từng được áp dụng đều chỉ có thể đạt được mức độ tối đa là giúp giảm thiểu những bất thường, khuyết tật và hạn chế trong hành vi, ngôn ngữ và sinh hoạt, đồng thời làm gia tăng khả năng tự lập trong cuộc sống của cá nhân người bị bệnh tự kỷ, đặc biệt là các trẻ em bị bệnh này. Đã có rất nhiều lý thuyết và phương pháp điều trị khác nhau được thiết lập và áp dụng. Trong thực tế, dù đã có những trường hợp chữa trị khả quan, các cuộc kiểm tra phối hợp trong nhiều năm qua cho thấy vẫn chưa có phương pháp nào được xem là vượt trội và hoàn hảo, chưa nói đến một số phương pháp đã thật sự không mang lại kết quả chữa trị nào.
Có thể phân các quan niệm điều trị bệnh tự kỷ đã từng được áp dụng trên nhiều quốc gia có nền y học tân tiến ra làm 2 trường phái; một trường phái chú trọng vào các phương pháp giáo dục và luyện tập cho người bệnh, gọi là hành vi trị liệu, và một trường phái chú trọng vào các phương pháp làm sao thay đổi các điều kiện sinh lý thể chất của người bệnh, gọi là y học trị liệu.
TRƯỜNG PHÁI HÀNH VI TRỊ LIỆU
Các chuyên gia trường phái hành vi trị liệu áp dụng những nguyên tắc và kỹ thuật trong giáo dục và luyện tập để sửa đổi các hành vi. Tiến trình giáo dục và luyện tập phải dựa trên những nguyên tắc căn bản về sự tương quan có tính khoa học giữa một chuỗi các tiến trình kích thích - phản ứng - thưởng phạt, và trên sự đo lường mức độ xác thực và đánh giá khách quan các giai đoạn trong kế hoạch trị liệu, được gọi là phương pháp Phân tích hành vi ứng dụng (Applied Behavior Analysis - ABA).
Các chuyên gia thuộc trường phái hành vi trị liệu không xây dựng phương pháp trị liệu của mình trên sự tiên đoán hay giả thuyết mà chỉ chú tâm quan sát những gì đang diễn biến trong thực tế. Hành vi là cái thể hiện bên ngoài của tư tưởng và tình cảm đang diễn biến bên trong của một người. Nói cách khác, tư tưởng và tình cảm hiện tại của một người như thế nào thì nhất định hành vi của họ sẽ như thế ấy. Áp dụng vào việc điều trị, các chuyên gia hành vi trị liệu thường chú tâm quan sát liên hệ giữa các hành vi hiện tại của bệnh nhân và tình hình thực tế của môi trường bên ngoài để từ đó tìm cách thay đổi, cải thiện, hay phát triển hành vi của bệnh nhân.
Kết quả của nhiều cuộc kiểm tra cho thấy kỹ thuật chữa trị theo phương pháp Phân tích hành vi ứng dụng đã có những mức độ hiệu quả nhất định. Kỹ thuật này đã đem lại một số kết quả trên các vấn đề thuộc về phát triển và cải tiến ngôn ngữ, nâng cao trí thông minh và thành quả trong học vấn, loại bỏ những hành vi và cư xử bất thường, chệch hướng và tập luyện để có được những hành vi thích hợp và lợi ích cho các trẻ em tự kỷ. Tuy nhiên, cần ghi nhớ là hiệu quả của kỹ thuật chữa trị theo phương pháp Phân tích hành vi ứng dụng luôn luôn phải tùy thuộc vào những điều kiện thuận lợi liên quan đến nơi chốn và môi trường, khả năng chuyên môn của người trị liệu, sự dấn thân và kiên trì của thân nhân trẻ tự kỷ, mức độ nặng nhẹ của bệnh, và những tính chất riêng biệt khác của cá nhân những trẻ tự kỷ.
Trong nhiều năm qua đã có rất nhiều kỹ thuật chữa trị hay liệu pháp khác nhau được suy nghiệm và xây dựng từ những nguyên tắc chữa trị căn bản của phương pháp Phân tích hành vi ứng dụng. Có thể tóm lược một số các kỹ thuật như sau:
A. Liệu pháp trọng tâm phản ứng (Pivotal Response Therapy - PRT)
Được áp dụng để huấn luyện cho trẻ bị bệnh tự kỷ cũng như một số bệnh thuộc dạng rối loạn phát triển trầm trọng khác, thường là những trẻ em không có khả năng nói năng, đối đáp và có những hành vi rối loạn, chệch hướng… Nói như thế, nhưng liệu pháp này cũng thường được áp dụng chung cho mọi trẻ có bệnh tự kỷ, dù nặng hay nhẹ. Thay vì chỉ chú trọng chữa trị vào những hành vi nào đó của đứa trẻ, liệu pháp PRT đặc biệt chú trọng vào những đặc tính chính yếu có ảnh hưởng tích cực đến sức phát triển của đứa trẻ; chẳng hạn như động cơ phát triển, phản ứng với những gợi ý khác nhau trong môi trường, khả năng tự lập và khả năng tương tác xã hội. Liệu pháp PRT cho rằng những khó khăn và khiếm khuyết trong các đặc tính này của đứa trẻ chính là nguyên nhân gây ra các triệu chứng tự kỷ cho trẻ.
Liệu pháp PRT quan niệm rằng nguyên nhân quan trọng nhất làm trì hoãn sự phát triển của đứa trẻ chính là vì trẻ bị thiếu động cơ phát triển. Nói rõ hơn, trẻ tự kỷ thường không có những động cơ để học hỏi những điều mới lạ và để tham gia vào các sinh hoạt trong môi trường xã hội bên ngoài nói chung. Những biểu hiện của sự thiếu động cơ có thể quan sát được nơi trẻ tự kỷ là trẻ thường khóc lóc, ngủ lịm, thiếu tập trung chú ý, ánh mắt lờ đờ, lúc nào cũng loay hoay muốn rời khỏi hiện trường sinh hoạt hay học tập(**)...
(**) Koegel, R.L., Dyer, K., & Bell, L. K (1987). The influence of childpreferred activities on autistic children’s social behavior. Journal of Applied Behavior Analysis, 20, 243-252. Và: Koegel, R.L & Egel, A.L (1979). Motivating autistic children. Journal of Abnormal Psychology, 88, 418-426.
Các chuyên gia liệu pháp PRT không có những giải thích tại sao trẻ tự kỷ lại bị thiếu động cơ, nhưng họ ghi nhận rằng có thể vì trẻ tự kỷ thường thất bại trong việc học hỏi và luyện tập nên những lần thất bại đó đã tạo cho trẻ tâm lý không muốn cố gắng thêm nữa. Do đó, nếu vấn đề thiếu động cơ được giải quyết thì tiếp đến mới hy vọng phác họa được một kế hoạch chữa trị có hiệu quả cho đứa trẻ tự kỷ. Để gia tăng động cơ cho trẻ tự kỷ, các chuyên gia liệu pháp PRT huấn luyện cho cha mẹ và thân nhân của trẻ các nguyên tắc và kỹ thuật thưởng phạt, giúp họ biết sử dụng sự thưởng phạt một cách hiệu quả để khích lệ đứa trẻ hoàn thành những công việc mong muốn. Ví dụ dùng thức ăn, đồ chơi, thời gian chơi, sự khen ngợi, cử chỉ ôm ấp, v.v.
Nguyên nhân quan trọng thứ hai ảnh hưởng đến khả năng học hỏi của trẻ tự kỷ là chúng không có những phản ứng đúng lúc và thích hợp với những gợi ý khác nhau trong môi trường. Nói cách khác, trẻ thường mất khả năng chú ý để nhận ra được tất cả các gợi ý đang xảy ra, hoặc ngược lại, quá chú ý vào một gợi ý mà bỏ qua những gợi ý quan trọng khác. Chẳng hạn, cô giáo chỉ vào bức tranh có hình con voi và nói “con voi”, nhưng đứa trẻ tự kỷ hoặc chỉ thấy bức tranh mà không nghe tiếng nói “con voi”, hoặc chỉ nghe tiếng nói mà không chú ý nhìn thấy bức tranh; do đó, em sẽ không có sự tiếp thu đồng thời và đầy đủ cả hai gợi ý ấy như các trẻ em bình thường khác. Như thế, các chuyên gia liệu pháp PRT cho rằng phản ứng không đầy đủ và thích hợp của trẻ tự kỷ là nguyên nhân làm chúng gặp khó khăn hay không thể tiếp thu và học hỏi được những hành vi mới, không tổng hợp được các hành vi đã học, không thể học tập tốt bằng các phương thức nhắc nhở, ra dấu hiệu hay gợi ý, và không có khả năng tham dự vào các sinh hoạt tương tác xã hội về sau(***).
(***) Shreibman, L., Charlop, M.J., &Koegel, R. L (1982). Teaching autistic children to use extra-stimulus prompts. Journal of Experimental Child Psychology, 22, 475-491.
Tóm lại, để giúp cho tiến trình giáo dục và học hỏi của trẻ tự kỷ được gia tăng, các chuyên gia liệu pháp PRT lưu ý những điểm quan trọng sau đây:
1. Các hướng dẫn, gợi ý, câu hỏi, hay yêu cầu cho một việc làm hay một hành vi nào đó cho trẻ tự kỷ đều phải luôn luôn rõ ràng, thích hợp, không bị ngắt quãng hay chặn ngang. Phải đa dạng hóa một việc làm hay một hành vi (ví dụ, khi trẻ đã biết đọc số từ 1 đến 10 thì tập thêm cho trẻ biết đọc và nhớ số địa chỉ nhà, số điện thoại nhà, số điện thoại của ba, của mẹ, v.v. để củng cố và đa dạng hóa khả năng về số học của trẻ).
2. Nếu không có gì trở ngại thì nên để trẻ tự chọn lấy các việc làm hay các hành động vui chơi theo ý thích, vì như thế sẽ làm trẻ thích thú và gia tăng động cơ tìm hiểu và học hỏi. Tập luyện bất cứ một việc gì cho trẻ tự kỷ cũng cần phải bao gồm nhiều cách thức khác nhau (ví dụ, tập trẻ nói chữ “đá bóng” bằng cách nói cho trẻ nghe, đồng thời chỉ cho thấy trái bóng, cho xem hình trong sách báo, cho đi xem bóng đá ngoài thực tế và cùng chơi bóng với trẻ…).
3. Kỹ thuật khen thưởng có hiệu quả để củng cố một hành vi mong muốn cần phải tùy thuộc vào những điều kiện như sau:
- Hình thức khen thưởng phải có sự liên hệ rõ ràng và thích hợp với hành vi mà ta mong muốn trẻ thực hiện.
- Việc khen thưởng phải trực tiếp và tức thời, ngay khi hành vi vừa được trẻ làm xong.
- Không bao giờ khen thưởng nếu trẻ không làm đúng hành vi mong muốn, và cũng không bao giờ quên khen thưởng khi trẻ đã làm đúng hành vi ấy.
4. Bối cảnh để học tập và huấn luyện cho trẻ tự kỷ có thể xảy ra ở mọi nơi, mọi lúc và mọi cơ hội, trong đó người hướng dẫn (cha mẹ, người chăm sóc hay thầy cô giáo...) là người cần biết lợi dụng tình huống để đưa ra những câu hỏi, gợi ý, dấu hiệu, hay chỉ dẫn để đứa trẻ có dịp phản ứng.
B. Liệu pháp thử nghiệm riêng biệt (Discrete Trial Training - DTT)
Liệu pháp dùng để hướng dẫn và tập luyện cho các trẻ tự kỷ có mức độ bệnh trầm trọng. Liệu pháp DTT là một phương pháp hướng dẫn và tập luyện từng sự việc đơn giản theo một chu kỳ, được lặp đi lặp lại nhiều lần trong ngày, từ ngày này qua ngày khác cho đến khi nào trẻ quán triệt được một hành vi mong muốn(****). Liệu pháp DTT đặc biệt có thể giúp cho trẻ tự kỷ cải thiện được những khía cạnh sau đây:
(****) Ryan Carolyn. S & Hemmes Nancy. S (2005). Post-training Discrete Trial Teaching Performance by Instructors of Young Children with Autism in Early Intensive Behavioral Intervention. The Behavior Analyst Today. 2005: 1-16.
1. Khả năng chú ý: Các chuyên viên liệu pháp DTT thường phân một hành vi hay một công việc ra từng phần nhỏ và thật đơn giản để hướng dẫn và tập luyện cho trẻ tự kỷ; như thế trẻ sẽ dễ tiếp thu vì khả năng chú ý của trẻ tự kỷ thường rất kém. Qua thời gian, khi khả năng chú ý của trẻ được gia tăng thì lúc ấy có thể gia tăng thời gian luyện tập và nới rộng hành vi luyện tập.
2. Động cơ phát triển: Liệu pháp DTT cũng áp dụng các hình thức khen thưởng (thực phẩm, đồ chơi, thời gian chơi, lời khen…) cho trẻ khi chúng làm được một công việc hay một hành vi mong muốn nào đó, nhằm nâng cao tinh thần và tạo động cơ cho trẻ phát triển.
3. Khả năng phân biệt: Liệu pháp DTT giúp cha mẹ và thầy cô giáo cách hướng dẫn và dạy dỗ trẻ tự kỷ từng sự việc đơn giản, rõ ràng, trước sau như một, và theo những phương thức củng cố hành vi của quan điểm hành vi liệu pháp. Điều này sẽ giúp cho trẻ dần dần hiểu biết và phân biệt được loại đối tượng kích thích nào (lời nói, hành động, việc làm, đồ vật…) là cần phải chú ý và cái nào không cần.
4. Khả năng tổng quát hóa: Trẻ tự kỷ thường gặp khó khăn trong cả hai khả năng phân tích và tổng hợp. Liệu pháp DTT giúp trẻ biết chú ý và phân biệt từng động tác, từng sự việc đơn giản từ bước đầu, và sau đó dần dần sự tập luyện và hướng dẫn sẽ được thực hiện theo lối thay đổi thời gian, nơi chốn, nội dung, và bối cảnh, nhằm giúp trẻ phát triển khả năng biết tổng quát hóa một sự việc hay một hành vi.
5. Khả năng đối đáp và tương tác xã hội: Liệu pháp DTT khuyến khích cha mẹ hay thầy cô giáo không những luôn luôn dùng lời nói trong lúc hướng dẫn và tập luyện cho trẻ tự kỷ, mà còn phải giúp trẻ học cách quan sát và nhận biết sự tương quan nhân quả của một vấn đề, một tình huống để dần dần phát triển khả năng ngôn ngữ, nới rộng khả năng quan hệ và hiểu biết có tính chất liên cá nhân và xã hội.
Tóm lại, Liệu pháp thử nghiệm riêng biệt (DTT) được thực hiện theo một tiến trình bao gồm các phần như sau:
- Mọi hướng dẫn của cha mẹ hay thầy cô giáo phải bằng lời nói, rõ ràng, ngắn gọn, đơn giản, không lặp đi lặp lại nhiều lần, không có tính cách nạt nộ…
- Nhắc nhở hay gợi ý nếu thấy cần phải có để giúp trẻ thực hiện hướng dẫn.
- Có thái độ tích cực trước những phản ứng của trẻ đối với lời hướng dẫn. Nếu trẻ làm sai thì sửa lại và tạo cơ hội cho trẻ làm lại. Nếu trẻ làm đúng thì cho trẻ một phần thưởng (đồ ăn, nước uống, đồ chơi, lời khen, nụ cười, cái hôn…) để khích lệ. Nếu trẻ cứ tiếp tục làm sai hoặc không có phản ứng gì cả sau bao nhiêu lần hướng dẫn thì cần suy nghĩ lại, xem có điều gì sai trái trong lời hướng dẫn hay có điều gì bất thường đang xảy ra trong bối cảnh của môi trường tập luyện hiện tại không (ví dụ: tiếng ồn ào, bóng tối…).
- Sau mỗi hướng dẫn được hoàn thành thì ngừng một khoảng thời gian ngắn trước khi tiếp tục một hướng dẫn khác. Khoảng thời gian dừng lại ngắn ngủi giữa hai hướng dẫn là để trẻ có ý thức về một hướng dẫn đã được hoàn thành và tiếp đến sẽ là một hướng dẫn khác.
C. Liệu pháp chú ý kết hợp (Joint Attention Training – JAT)
JAT được định nghĩa như là khả năng biết phối hợp chú ý giữa mình và một đối tượng trong một bối cảnh xã hội(*****). Nói cách khác, Liệu pháp chú ý kết hợp là hình thức tập luyện cho trẻ tự kỷ có khả năng tập trung sự chú ý của mình cùng một lúc vào hai hay nhiều đối tượng kích thích đang xảy ra.
(*****) Charman, T., Swettenham, J., et al (1997). Infants with Autism: An investigation of empathy, pretend play, joint attention, and imitation. Developmental Psychology, 33, 781-789.
Các nghiên cứu cho thấy rằng sự thiếu khả năng chú ý kết hợp là một dấu hiệu sớm nhất được thấy nơi các trẻ tự kỷ. Cũng vì lý do đó mà chúng thường không thể học hỏi và phát triển được trong những việc đòi hỏi phải có sự tập trung chú ý kết hợp và phức tạp như học ngôn ngữ, chơi những trò chơi cần sự tiên đoán, và phát triển sự quan hệ, tương tác sâu rộng với xã hội… Tuy thế, nhiều trẻ tự kỷ vẫn có khả năng chú ý để làm một số cử chỉ đơn giản; ví dụ chỉ tay vào một đồ chơi, kêu khóc khi đòi ăn một cây kem, nhưng lại không biết làm những cử chỉ phối hợp tiếp theo để thỏa mãn ý muốn của mình, như nắm tay mẹ dẫn đi và thúc giục mẹ mua món đồ chơi hay cây kem đó.
Liệu pháp chú ý kết hợp (JAT) cũng áp dụng các nguyên tắc và phương thức thành lập hành vi cho trẻ tự kỷ tương tự như Liệu pháp trọng tâm phản ứng (PRT) và Liệu pháp thử nghiệm riêng biệt (DTT), nghĩa là cũng phân tách một hành vi, một khả năng ra làm từng phần nhỏ và đơn giản để hướng dẫn và tập luyện, và sử dụng sự thưởng phạt để củng cố mỗi khi đứa trẻ tự kỷ đạt được một thành tựu nào đó. Ngoài ra, liệu pháp JAT cũng là hình thức giúp trẻ tự kỷ biết tiếp thu nhanh chóng ý thức xã hội. Nói khác hơn, khi trẻ được hướng dẫn để có phản ứng đúng với những gì đang diễn ra trong bối cảnh xã hội thì trẻ sẽ hiểu ra được những ý định hay mong đợi của người khác, và từ đó cũng sẽ biết phải làm gì để đáp lại ý định hay mong đợi đó.
Tóm lại, Liệu pháp chú ý kết hợp (JAT) bao gồm những việc làm sau:
- Hướng dẫn trẻ bằng các hình thức nhắc nhở rõ ràng và thích hợp.
- Đa dạng hóa công việc và pha trộn các hành vi hay công việc trẻ đã làm được vào công việc trẻ chưa làm được để gia tăng khả năng nhận thức và hành động của trẻ. Điều này sẽ giúp trẻ càng ngày càng đạt nhiều thành quả hơn trong sinh hoạt và có nhiều động cơ phát triển hơn.
- Cho phép trẻ tự chọn hành động, việc làm và những đối tượng theo ý thích để gia tăng động cơ sinh hoạt cho chúng.
- Người hướng dẫn phải hành động luân phiên với trẻ bằng cách thường xuyên làm kiểu mẫu để trẻ bắt chước. Hoạt động luân phiên theo kiểu cách đó sẽ có lợi rất nhiều trong việc tái tạo sự chú ý của trẻ.
- Thưởng phạt để củng cố hành vi phải thích hợp đúng lúc và có hiệu nghiệm sau mỗi phản ứng đúng hay sai của trẻ.
- Phải phân biệt hai loại phản ứng của trẻ: loại phản ứng đúng có sự nhắc nhở và loại phản ứng đúng đã không cần sự nhắc nhở. Mục đích phân biệt như thế là để áp dụng sự củng cố hành vi cho hợp lý.
- Mối tương quan trực tiếp giữa phản ứng và thưởng phạt để củng cố hành vi phải được áp dụng trong bối cảnh và môi trường huấn luyện tự nhiên và phù hợp với không gian và thời gian. Ví dụ, đang cùng tập chơi đá bóng với trẻ ngoài sân thì tốt nhất là thưởng cho trẻ loại nước giải khát mà trẻ thích.
Công tác huấn luyện khả năng chú ý kết hợp được chia làm hai giai đoạn:
- Giai đoạn huấn luyện phản ứng là giai đoạn người hướng dẫn bắt đầu dạy cho đứa trẻ biết phản ứng thích hợp với những đề xướng có tính cách chú ý kết hợp. Những việc cần làm được tiến hành tuần tự trong giai đoạn này bao gồm những bài thực hành dạy cho trẻ có những phản ứng thích hợp. Ví dụ, đứa trẻ nhìn ngắm, sờ chạm… một đồ chơi mới được đem ra giới thiệu với nó trong khi nó đang chơi với một đồ chơi khác. Huấn luyện cho trẻ có được khả năng tiếp xúc bằng mắt với người khác, và có khả năng theo dõi được phương hướng của cái chỉ tay hay ánh mắt của người khác...
- Giai đoạn huấn luyện sáng kiến là giai đoạn kế tiếp sau khi trẻ đã biết phản ứng thích hợp với một số đề xướng của người huấn luyện. Bây giờ đứa trẻ được dạy cho cách tự đưa ra những sáng kiến. Đứa trẻ chủ động cầm lấy một món đồ để chơi hay chỉ tay vào một bức hình… Nếu sau khoảng 10 giây không có những động tác, người huấn luyện có thể nhắc nhở bằng lời nói hay bằng những cử chỉ, dấu hiệu để giúp trẻ tự mình gợi ra những sáng kiến tiếp theo cho các hành động của trẻ.
D. Liệu pháp Floortime (Floortime Model)
Đây là liệu pháp được Stanley Greenspan, một bác sĩ tham vấn tâm thần Mỹ, sáng lập để chữa trị cho trẻ tự kỷ và các trẻ em bị những rối loạn phát triển, như Hội chứng Asperger, Hội chứng Rette, bệnh Chậm phát triển trí tuệ, bệnh Rối loạn tan rã ở trẻ, v.v. Liệu pháp Floortime hiện nay đang được áp dụng phổ biến tại các lớp học đặc biệt dành cho trẻ em chậm phát triển và tại nhiều trung tâm y tế trên thế giới. Như cái tên đặt ra, Floortime (ngay tại hiện trường) là liệu pháp mà người trị liệu (cha mẹ, người chăm sóc, thầy cô giáo, hay nhà tư vấn, bác sĩ…) bước hẳn vào trong thế giới sinh hoạt tự nhiên của đứa trẻ để cùng thao tác, hỗ trợ và hướng dẫn cho trẻ. Bác sĩ Greenspan cho rằng Liệu pháp Floortime sẽ giúp trẻ học hỏi và phát triển được những khả năng và tài khéo thông qua mối quan hệ giữa đứa trẻ với người trị liệu(******).
(******) Greenspan, S.I., & Wieder Serena (2009). Engaging Autism: Using the Floortime Approach to help children related, communicate, and think. New York: A Merloyd Lawrence Book.
Kết quả chữa trị của Liệu pháp Floortime căn cứ trên những kinh nghiệm thao tác giữa người trị liệu và đứa trẻ trong môi trường mà trẻ đóng vai trò chính trong mọi sinh hoạt và vui chơi tự nhiên, với thời gian khoảng từ 2 đến 5 giờ mỗi ngày. Vai trò của người trị liệu trong thao tác dù chỉ là lệ thuộc, nghĩa là chỉ nương theo các hành động và việc làm của đứa trẻ, nhưng phải chú trọng vào việc phát triển một mối quan hệ thật nồng ấm với trẻ thông qua thái độ, dáng điệu và lời nói.
Ngoài ra, người trị liệu còn phải giúp trẻ càng ngày càng có khả năng nới rộng sự hiểu biết với thế giới bên ngoài, nghĩa là những gì đang xảy ra chung quanh trẻ trong cộng đồng xã hội. Trong một cuốn băng video thu lại một buổi tư vấn năm 2002, bác sĩ Greenspan cùng tham dự với một người mẹ và đứa con 22 tháng tuổi nhưng chưa nói được tiếng nào và phản ứng rất đờ đẫn, chậm chạp. Sau một vài phút nhận thấy đứa trẻ tỏ ra xao lãng với những đồ chơi và thái độ người mẹ cũng lúng túng, do dự, không biết sẽ làm gì, bác sĩ Greenspan nói với người mẹ: “Hãy cố tiến sâu hơn vào thế giới vui chơi của cháu một chút nữa. Nếu cháu sờ đến cái mũ mà không đội lên đầu thì bà hãy đội lên cho cháu và nói một câu gì đó cho cháu nghe, chẳng hạn ‘A! Tôi là ông vua’”.
Quả nhiên, sau vài lần làm như thế, đứa trẻ bắt đầu tự đội mũ lên đầu, rồi đội cho mẹ nó và ông Greenspan mỗi người một cái nữa, và thật quá kinh ngạc là lúc đó đứa trẻ lại đột nhiên thốt ra được mấy chữ ngọng nghịu mà trước đó chưa từng nói được tiếng nào.
Bác sĩ Greenspan nhận xét rằng những đứa trẻ không có mối quan hệ nồng ấm với cha mẹ vì bất cứ lý do gì, chẳng hạn như cha mẹ không gần gũi với trẻ, trẻ bị rối loạn phát triển, trẻ không muốn được bồng ẵm…, thì những đứa trẻ này thường bị mất hết những yếu tố cảm xúc và động cơ thúc đẩy để tạo ra khả năng thích học hỏi và phát triển. Ông cho rằng cảm xúc là yếu tố hàng đầu, nó đi trước mọi hoạt động của tinh thần và não trạng của một người. Và Liệu pháp Floortime là phương pháp giúp tái tạo và gia tăng những cảm xúc, ý thích và tình cảm cho đứa trẻ.
Tóm lại, Liệu pháp Floortime được thực hiện bằng những bước tuần tự như sau:
- Nương theo các hành động dẫn dắt của trẻ. Bắt đầu bằng việc đưa trẻ vào căn phòng yên tĩnh, không có điều gì làm xao lãng và có nhiều đồ chơi. Tiếp tục chuyện trò với trẻ bằng những câu đơn giản, rõ ràng và dịu dàng mặc dù trẻ có thể chưa hiểu gì cả. Khi trẻ đã ngồi thoải mái rồi thì tiến đến ngồi gần với nó và để trẻ tự sờ mó, mân mê, chơi với cái gì nó thích. Không nên vội vàng, gấp gáp vì đây là lúc cần tạo sự tự nhiên và tin tưởng của trẻ để cố gắng thiết lập mối quan hệ thân thiện với trẻ.
- Tham gia vào cuộc chơi. Khi trẻ bắt đầu chơi thoải mái thì lựa cách thuận tiện để cùng vui chơi với nó. Không nên chủ động chọn lựa đồ chơi và cách chơi mà hãy để cho trẻ dẫn dắt. Nếu trẻ bỏ cái này mà chọn cái khác để chơi thì cứ để yên cho nó làm, đừng chặn ngang hay can thiệp, chỉ đơn giản làm theo những gì trẻ đang làm.
- Phải từ tốn và kiên nhẫn. Nhiều trẻ tự kỷ chỉ thích chơi một mình nên phải thật kiên nhẫn nương theo nó cho tới khi nó chấp nhận sự hiện diện của người lớn. Trẻ thường dễ chấp nhận sự hiện diện của cha mẹ hay người chăm sóc, nhưng dù sao thì dần dần đứa trẻ cũng tiến bộ và rốt cuộc chấp nhận bất cứ người nào đã từng thường xuyên vui chơi và đối xử tử tế với nó.
- Hướng dẫn những khả năng và tài khéo cho trẻ thông qua các trò chơi. Khi trẻ đã cảm thấy thoải mái với mối quan hệ trong việc chơi đùa, hãy lựa cách để giới thiệu cho trẻ những dụng cụ, đồ chơi, lối chơi… để trẻ học hỏi thêm những lời nói, từ ngữ và các khả năng sinh hoạt và vui chơi mới. Nếu trẻ tỏ ra bực bội, khó chịu thì ngưng và trở lại chiều theo trẻ với lối chơi cũ. Trọng tâm của Liệu pháp Floortime là giúp trẻ tiến bộ và học hỏi thông qua những kiểu cách vui chơi, sinh hoạt mà trẻ thích thú và tự lựa chọn chứ không phải buộc trẻ phải tuân theo một chương trình huấn luyện của người trị liệu.
- Luôn luôn có thái độ tích cực. Dù cho trẻ tiếp tục không thích chơi với những đồ chơi mới và thích hợp, không muốn lặp lại những tiếng nói, từ ngữ, hay không muốn học gì cả thì cũng đừng nản chí. Thực tế lâm sàng cho thấy nhiều trẻ tự kỷ, sau một thời gian được trị liệu bằng phương pháp Floortime, đột nhiên thay đổi và vượt qua mọi khiếm khuyết, trở nên có khả năng và khéo léo hơn trong nhiều hành vi.
Liệu pháp Floortime khuyến khích người áp dụng hãy tin tưởng vào kết quả tốt đẹp chung cuộc của sự tương tác kiên trì, tích cực và bền bỉ trong các sinh hoạt vui chơi tự nhiên với trẻ.
E. Liệu pháp Son-Rise (Son-Rise Model)
Nói đúng hơn, đây là một chương trình thực hiện tại nhà, là phương pháp nhấn mạnh vào việc xây dựng một phòng chơi thoải mái, yên tĩnh, không bị màu sắc và âm thanh tác động để làm nơi vui đùa và tập luyện cho trẻ tự kỷ.
Trước khi thực hiện chương trình này tại nhà, các bậc cha mẹ có con em tự kỷ phải tham dự một chương trình huấn luyện được tổ chức tại Trung tâm tư vấn Son-Rise. Chương trình bao gồm các lớp dạy những kiến thức về bệnh tự kỷ, làm cách nào để chấp nhận đứa trẻ với thái độ tích cực, không phê phán, những cách thức khéo léo để bắt đầu các trò vui chơi với trẻ, và thiết lập mối quan hệ tốt đẹp để giúp trẻ làm theo những hướng dẫn và học hỏi được nhiều điều mới. Tóm lại, Liệu pháp Son-Rise áp dụng những hình thức tiếp cận với trẻ theo các kỹ thuật của Liệu pháp Floortime để giúp trẻ tự kỷ phát triển, trong điều kiện mọi sinh hoạt đều diễn ra tại nhà. Các chuyên viên của Liệu pháp Son-Rise cho rằng khi cha mẹ hoàn toàn chấp nhận, không phê phán và cùng chơi đùa với đứa con tự kỷ của mình thì môi trường quan hệ này sẽ tạo nên trạng thái tâm lý cho đứa trẻ là nó mong muốn mình sẽ trở thành đứa con bình thường, không còn là đứa con tự kỷ nữa(*******).
(*******) Williams, K.R, Wishart, J.G (2003). The Son-Rise Program intervention for autism: An investigation into family experiences. Journal of Intellect Disability Research, 2003: 47 (4-5).
Trên đây là một số các liệu pháp chính đã được sáng tạo dựa theo các nguyên tắc và kỹ thuật của trường phái hành vi trị liệu. Các liệu pháp này đã từng được thực hiện rộng rãi tại nhiều nơi trên thế giới, tuy nhiên hiệu quả trị liệu của mỗi liệu pháp được ghi nhận ra sao còn tùy thuộc vào nhiều vấn đề, trong đó có sự thuận lợi của môi trường, khả năng của người trị liệu, sự kiên trì và hy sinh của gia đình và thân nhân, tính chất bệnh của mỗi đứa trẻ tự kỷ, v.v.
TRƯỜNG PHÁI Y HỌC TRỊ LIỆU
Trường phái y học trị liệu bao gồm rất nhiều phương pháp can thiệp khác nhau, tuy nhiên cho đến hiện tại thì chỉ có phương pháp dùng thuốc là được ứng dụng rộng rãi và chứng tỏ hiệu quả rõ rệt trong việc điều trị triệu chứng của bệnh tự kỷ.
Trường phái y học trị liệu quan niệm rằng các bất thường của cơ thể là nguyên nhân chính sinh ra mọi bệnh tật, trong đó có bệnh tự kỷ. Các chuyên gia này tin rằng dược phẩm, các chất dinh dưỡng và các dụng cụ hỗ trợ là những vật liệu giúp thay đổi cơ thể con người. Do đó, để thay đổi các triệu chứng thường thấy nơi trẻ tự kỷ, như trạng thái bần thần, xao lãng, rối loạn giấc ngủ, chậm trí, chứng ngất xỉu, tăng động, cơn kích động, phẫn nộ, các chứng tật rập khuôn, v.v. thì việc chính là phải giúp thay đổi tình trạng thể chất của đứa trẻ trước đã. Trường phái y học trị liệu bao gồm nhiều kỹ thuật khác nhau, từ việc sử dụng thuốc, ăn uống theo chế độ, đến các phương pháp cho sốc điện, chạy oxy cao áp…
Trường phái y học trị liệu bao gồm những phương pháp được tóm lược dưới đây:
A. Dược lý liệu pháp
(Psychopharmacotherapy, phương pháp dùng thuốc)
Cho đến nay vẫn chưa có phương thuốc hay cách thức điều trị nào chữa khỏi hoàn toàn bệnh tự kỷ. Tuy nhiên, việc can thiệp sớm và thích hợp với nhu cầu của trẻ tự kỷ và gia đình có thể đem đến sự cải thiện các triệu chứng và giúp trẻ thích nghi tốt hơn với môi trường sống.
Các loại thuốc sử dụng cho bệnh nhân tự kỷ đều nhằm điều trị triệu chứng hoặc các bệnh đi kèm, vì vậy việc sử dụng thuốc sớm cùng sự tư vấn rõ ràng của bác sĩ có thể đem lại lợi ích rất lớn cho bệnh nhân, giúp cho các em tham gia tốt hơn vào môi trường học tập tại các trường chuyên biệt và giúp quá trình can thiệp bằng các kỹ thuật tâm lý đạt hiệu quả tốt hơn.
Ở trẻ em và người lớn bị rối loạn phổ tự kỷ, một vài dược phẩm giúp cải thiện hành vi bao gồm thuốc an thần, các thuốc kích thích thần kinh. Phần lớn thuốc chống động kinh có thể tác động đến chức năng nhận thức và hành vi. Vì vậy, những thay đổi trong điều trị nên diễn ra chậm và có sự giám sát lâm sàng cẩn thận.
Nên tránh việc trị liệu bằng nhiều thuốc cùng lúc hoặc giảm việc dùng thuốc đột ngột vì nó có thể gây phức tạp việc đánh giá tính hiệu quả và sự dung nạp. Thêm vào những tác động nhận thức và hành vi bất lợi, các tương tác thuốc có thể dẫn đến kết quả tích lũy các phản ứng độc hại.
Thực tế lâm sàng cho thấy một số các loại thuốc sau đây đã được áp dụng cho các bệnh nhân tự kỷ:
Các thuốc chống loạn thần (antipsychotics) như haloperidol, risperidol, olanzapine… có thể dùng để giảm thiểu chứng tăng động, các cố tật và chuyển động rập khuôn, lặp đi lặp lại, các cử chỉ kỳ lạ, cơn nóng giận, kích động, trạng thái lo âu, co rút, cư xử không thích hợp, và cũng có thể giúp gia tăng khả năng học và hiểu. Nhiều công trình nghiên cứu đã chỉ ra được hiệu quả tích cực của việc sử dụng thuốc chống loạn thần để điều chỉnh các triệu chứng trên.
Các loại thuốc kích thích thần kinh (psychostimulants) bao gồm các loại thuốc dextroamphetamine, methylphenidate (Concerta) và pemoline vừa giảm bớt trạng thái khù khờ, đờ đẫn, vừa giảm thiểu chứng tăng động, chứng thiếu tập trung chú ý và các trạng thái kích động và cáu kỉnh của trẻ tự kỷ...
Các loại thuốc chống trầm cảm nhóm SSRIs như sertraline, paroxetine, fluoxetine, cũng như các loại chống lo âu, ám ảnh và các loại ổn định khí sắc làm giảm thiểu các trạng thái ám ảnh, lo âu, các trạng thái bị kích động, các cơn phẫn nộ và những hành vi tự gây ra thương tổn và nguy hiểm, đồng thời có thể làm gia tăng khả năng tương tác xã hội cho các trẻ tự kỷ.
ĐIỀU TRỊ DƯỢC LÝ BỆNH ĐỘNG KINH ĐI KÈM
Có khoảng 20-30% trẻ tự kỷ có biểu hiện động kinh.
Động kinh ở tuổi nhỏ thường phức tạp khi cùng tồn tại nhiều rối loạn phát triển. Cả những yếu kém về phát triển lẫn động kinh thách thức các nhà lâm sàng với những vấn đề phức tạp trong việc chẩn đoán và kiểm soát nó. Bên cạnh những cơn co giật, sự biểu hiện nhận thức ở trẻ, hành vi, vận động, các chức năng cảm giác, các kỹ năng giao tiếp, năng lực tâm lý và xã hội để tương tác, tất cả đều cần thiết để nhận diện và theo dõi nhằm cung cấp sự kiểm soát và điều trị tối ưu cho cá nhân. Khi điều trị bệnh nhân động kinh có rối loạn phát triển, nhà lâm sàng cần hợp nhất nhiều khuyến cáo chăm sóc sức khỏe từ các chuyên gia tâm lý, giáo viên giáo dục đặc biệt, chuyên viên vật lý trị liệu, chuyên viên tâm vận động, chuyên viên chỉnh âm… những người tham gia vào việc điều trị cho các cá nhân này, nhằm điều trị toàn diện không chỉ là bệnh động kinh mà còn giúp trẻ thay đổi và phát triển.
Điều trị trẻ em động kinh và rối loạn phát triển bao gồm đa thành phần: thể chất, lời nói, ngôn ngữ, học vấn, hướng nghiệp và tâm lý. Những tác động không mong muốn của trị liệu nên được xem xét. Việc điều trị trẻ em động kinh và rối loạn phát triển nên được điều chỉnh thích ứng với từng cá nhân bệnh nhân. Mỗi cách điều trị động kinh hoặc nhiều bệnh cùng lúc có thể tác động theo cách tích cực hay tiêu cực. Hiểu những khó khăn trong chẩn đoán và điều trị những cá nhân bị rối loạn phát triển và động kinh, và mắc nhiều bệnh cùng lúc có liên quan, việc thiết kế những chiến lược điều trị tối ưu cho các cá nhân là rất cần thiết.
Các thuốc chống động kinh thường được sử dụng là nhóm Valproat, Carbamazepin, Topiramate…
ĐIỀU TRỊ RỐI LOẠN GIẤC NGỦ CỦA TRẺ TỰ KỶ
Rất nhiều trẻ tự kỷ bị rối loạn giấc ngủ, thường là mất ngủ giữa giấc hoặc khó vào giấc ngủ.
Các rối loạn giấc ngủ thường làm cho trẻ gia tăng hành vi bất thường và khiến cho trẻ mệt mỏi vào ban ngày, ảnh hưởng rất lớn đến quá trình giáo dục và điều chỉnh hành vi của trẻ, vì vậy các rối loạn này phải được điều trị sớm và kịp thời. Tùy theo nguyên nhân của rối loạn giấc ngủ mà bác sĩ tâm thần trẻ em sẽ kê đơn và tư vấn phù hợp. Việc lạm dụng thuốc ngủ thường không đem lại lợi ích và kết quả lâu dài.
B. Liệu pháp điều chỉnh dinh dưỡng
(Dietary Therapy)
Liệu pháp này xuất phát từ ý kiến cho rằng nguyên nhân của bệnh tự kỷ có thể là do sự rối loạn, không cân bằng, hoặc thiếu hoặc thừa các chất nuôi dưỡng cơ thể. Với ý kiến này, một số người trị liệu đã sử dụng một loạt các chất dinh dưỡng bổ sung cho cơ thể để hy vọng chữa trị hay ít ra cũng làm giảm thiểu các triệu chứng bệnh tự kỷ. Trong số đó, có một số chất dinh dưỡng bổ sung được sự công nhận của khoa học, nhưng phần lớn các chất khác, được giới thiệu bừa bãi trên thị trường, đều có thể gây ra những phản ứng phụ và những hậu quả xấu cho sức khỏe nếu sử dụng lâu dài và không có sự kiểm tra liều lượng chặt chẽ. Có thể liệt kê tóm lược một số chất sau đây:
Trẻ tự kỷ có thể sử dụng sinh tố B6 pha trộn với một hàm lượng lớn magnesium (một nguyên tố kim loại chứa trong xương, rất cần thiết cho sự điều hòa hoạt động của các cơ và các mô thần kinh, thường có nhiều trong các loại rau xanh). Tuy nhiên, một mặt chưa có một kiểm tra nào ghi nhận được kết quả tích cực và rõ ràng của việc sử dụng hợp chất pha trộn này, mặt khác lại ghi nhận trường hợp sử dụng lâu dài có thể làm đứa trẻ có nguy cơ bị chứng bệnh dư thừa nguyên tố magnesium(********). Tuy nhiên, sinh tố B tổng hợp, bao gồm B12, B1 (thiamin), B2 (riboflavin), folic acid vẫn là loại rất cần thiết cho sự điều hòa các chức năng của não bộ nếu được sử dụng vừa phải để bổ sung cho thức ăn hằng ngày của trẻ tự kỷ. Ngoài ra, các phân tử carnosine, tyrosinecó trong hợp chất đạm hữu cơ acid amino (một thành phần căn bản của tất cả các chất đạm) cũng được suy đoán là có thể giúp giảm thiểu các triệu chứng tự kỷ.
(********) Rimland, B., (1992). Form letter regarding high dosage of vitamin B6 and magnesium therapy for autism and related disorders. Autism Research Institude, publication 39E.
Sinh tố C cũng đã được dùng cho trẻ tự kỷ với ý kiến rằng nó có thể giúp giảm thiểu các hành vi rập khuôn và lặp đi lặp lại của trẻ tự kỷ. Tuy nhiên, dùng sinh tố C với một hàm lượng lớn và lâu dài cũng có thể gây ra nguy cơ bị bệnh sạn thận, loét bao tử và tiêu chảy.
Chất acid béo Omega-3 cũng đã được sử dụng chung cho trẻ mắc các loại bệnh Rối loạn phát triển lan tỏa. Dù được một số ý kiến tin tưởng vào ảnh hưởng tốt đẹp của hợp chất acid béo này, nhưng các kết quả kiểm tra cụ thể cho đến nay vẫn chưa có kết luận rõ ràng.
Các trẻ tự kỷ bị rối loạn giấc ngủ đôi khi cũng được cho dùng thêm melatonin, là một hormone được tiết ra từ tuyến tùng (pineal gland) nằm sâu ở phần dưới não bộ. Khi đi vào máu, melatonin có nhiều chức năng khác nhau, trong đó có chức năng giữ quân bình cho khí sắc và điều hòa giấc ngủ. Một số kiểm tra cho thấy, trẻ em sử dụng melatonin với liều lượng thấp giảm thiểu được các rối loạn giấc ngủ và không có nguy cơ bị những phản ứng phụ.
Chất dimethylglycine (DMG), một thành tố trong hợp chất đạm acid amino và có nhiều trong các loại đậu và gan động vật, cũng được xem là có tác dụng giúp trẻ tự kỷ nhanh nói được và giảm thiểu những hành vi bất thường khác.
Sau hết, cũng có những ý kiến cho rằng nên áp dụng lối ăn kiêng cho trẻ tự kỷ vì có một số thực phẩm có thể gây ra hoặc làm gia tăng các triệu chứng tự kỷ. Chẳng hạn, trẻ tự kỷ không nên dùng các loại thực phẩm nhuộm, thực phẩm có men (men bia ruợu, men làm bánh…), các loại đường đơn (là loại đường glucose có chứa 6 nguyên tử carbon, rất hiếm có trong các loại thực phẩm, ngoại trừ trong trái nho), các loại thực phẩm chứa chất đạm gluten (một hỗn hợp của 2 loại đạm gliadin và glutenin, có nhiều trong các loại lúa mì, nếp, gạo…), và chất đạm casein có nhiều trong sữa và phó mát(********). Thật ra, việc tránh dùng những chất trên có phần tốt đối với các trẻ tự kỷ thường bị các triệu chứng của hệ thống tiêu hóa, như nôn mửa, ợ chua, tiêu chảy, táo bón…, nhưng tình trạng kiêng ăn quá đáng có thể làm cho một số trẻ trở thành suy dinh dưỡng. Hơn nữa, cho đến nay vẫn chưa có cuộc kiểm tra nào có thể chứng minh vấn đề kiêng ăn các thực phẩm nêu trên đã thật sự cải thiện được các triệu chứng tự kỷ.
(********) Angley, M., Semple. S., et al (2007). Children and Autism: Management with complementary medicines and dietary intervention. Austistic Family Phisician, 2007, 36 (8), 497.
C. Liệu pháp hóa giải độc tố
(Chelation Therapy)
Một số ý kiến cho rằng nguyên nhân của các triệu chứng tự kỷ có thể do trẻ bị ngộ độc các chất kim loại. Chẳng hạn chất thimerosal (một chất bột thủy tinh màu trắng nhạt của hợp chất lưu huỳnh) được dùng bôi vào các vết trầy và vết cắt để chống nhiễm trùng, và khi dùng cho các thuốc chích ngừa thì có thể gây ra các triệu chứng tự kỷ. Ý kiến này làm cho một số phụ huynh con em tự kỷ lo sợ nên đã quay sang đón nhận sự chữa trị của các phương pháp y học không chính thống (alternative medicine), như liệu pháp y học đồng căn (homeopathy: chữa bệnh bằng cách cho dùng một liều lượng nhỏ chế phẩm để bệnh nhân có những triệu chứng tương tự như bệnh cho tới khi quen), liệu pháp dược thảo (herbal medicine) và liệu pháp xoa nắn xương sống (chiropractic), v.v. Tuy nhiên, kết quả của nhiều cuộc kiểm tra cho thấy chưa có trường hợp nào chứng minh được hiệu quả rõ ràng của các cách chữa trị trên. Ngoài ra, năm 2005 đã có một báo cáo cho thấy liệu pháp hóa giải độc tố không thể tạo lòng tin cho các gia đình có con em tự kỷ khi một đứa trẻ tự kỷ 5 tuổi tử thương vì hậu quả sai lầm của phương pháp hóa giải độc tố(********).
(********) Brown, M.J., Willis, T., & Omalu, B: Deaths resulting from hypocalcemia after administration of edetate disodium (2003-2005).
D. Liệu pháp xoa nắn xương sống
(Chiropractic Therapy)
Liệu pháp này bắt nguồn từ niềm tin rằng hầu hết bệnh tật đều phát sinh do sự bất thường của các chức năng của hệ thống thần kinh trong cơ thể. Một trong những bất thường đó có thể là do sự rối loạn các chất hóa học trong xương sống khiến cho toàn bộ hệ thống thần kinh bị ảnh hưởng theo. Một số chuyên viên trong liệu pháp này cũng từ chối việc dùng thuốc chích ngừa, cho rằng áp dụng các thuốc chích ngừa cho trẻ em là không cần thiết, làm cho trẻ bị ngộ độc và có thể gây ra bệnh tự kỷ. Những người này tin rằng các kỹ thuật xoa nắn xương sống và các tụ thần kinh trên cơ thể mới là cách trị liệu chính cho các trẻ tự kỷ và những bệnh thuộc dạng rối loạn phát triển hệ thần kinh.
Tuy nhiên, các chuyên viên Liệu pháp xoa nắn xương sống đang còn đứng trước hai vấn đề cần phải giải quyết. Vấn đề thứ nhất là họ đã không có đủ những dữ kiện y học để chứng minh cho phương pháp chữa trị trẻ tự kỷ bằng Liệu pháp xoa nắn xương sống, và vấn đề thứ hai là cho đến nay các trung tâm thí nghiệm và kiểm tra tại nhiều nơi vẫn chưa cho thấy những kết quả chữa trị cụ thể của phương pháp này, ngoại trừ việc có thể làm giảm thiểu tình trạng đau lưng của bệnh nhân(********).
(********) Ernst, E (2008). Chiropractic: A critical evaluation. Journal of Pain Symptom Manage, 2008, 35 (5) 544-562.
E. Liệu pháp xoa nắn sọ não và đốt cùng
(Craniosacral Therapy)
Liệu pháp này căn cứ vào giả thuyết rằng các triệu chứng của bệnh tự kỷ, cũng như nhiều loại bệnh khác, đều chịu ảnh hưởng trực tiếp từ sự lưu thông và chuyển dịch cân bằng của một chất lỏng giống như huyết thanh, gọi là dung dịch thần kinh xương sống (cerebrospinal fluid). Sự luân chuyển của chất lỏng này có thể bị trở ngại vì không có một lực điện sóng thúc đẩy đều đặn và nhịp nhàng. Lực này xuất phát từ các vị trí kết nối của các bộ phận thuộc sọ não. Vấn đề này xảy ra có thể là do các vị trí kết nối các phần của sọ não bị khiếm khuyết hoặc hạn chế. Do đó, dùng Liệu pháp xoa nắn các khu vực bên ngoài của sọ não và đốt cùng của xương sống sẽ giúp cho dung dịch thần kinh xương sống được luân chuyển điều hòa trở lại, và theo đó sẽ làm giảm thiểu hay biến mất các triệu chứng bệnh tự kỷ.
Cũng như Liệu pháp xoa nắn xương sống, vẫn chưa có bằng chứng khoa học nào hỗ trợ cho Liệu pháp xoa nắn sọ não và đốt cùng, và cũng chưa có kết quả trị liệu nào thành công để làm bằng chứng hỗ trợ cho phương pháp trị liệu này(********). Trong phạm vi y học, hiện nay cũng chưa có công trình nghiên cứu nào được thiết lập để thẩm tra tính hiệu quả của liệu pháp này.
(********) Green, C., Martin, C.W., & Basset, K (1999). A systematic review of craniosacral therapy: Biological plausibility, assessment reliability and clinical effectiveness. Complment Ther Med, 1999, 7(4), 201-207.
F. Liệu pháp chạy oxy cao áp
(Hyperbaric Oxygenation Therapy - HBOT)
Liệu pháp này tin rằng gia tăng lượng oxy trong cơ thể có thể chữa trị được các triệu chứng của bệnh tự kỷ. Liệu pháp chạy oxy cao áp là kỹ thuật đã được Cơ quan An toàn Thực phẩm và Dược liệu Hoa Kỳ (FDA) chấp thuận cho các trường hợp chữa trị khi bị ngộ độc chất carbon monoxide, bệnh khó thở, bệnh hoại thư khí (một bộ phận của cơ thể bị chết hoặc tê liệt vì thiếu sự cung cấp của máu), và trong một vài trường hợp phẫu thuật tim.
Một số chuyên gia tại Hoa Kỳ đã sử dụng liệu pháp chạy oxy cao áp cho hàng trăm trẻ tự kỷ như là một kỹ thuật mới để thay thế cho những phương pháp khác đã từng được đem ra thí nghiệm nhưng không có mấy hiệu quả. Tuy thế, hầu hết các cuộc kiểm tra hằng năm đều đã không đưa ra được những kết quả cho thấy tính hiệu quả và xác thực của kỹ thuật trị liệu này. Chẳng hạn, năm 2011, một cuộc nghiên cứu được phác họa với sự tham dự của 16 trẻ tự kỷ được cho dùng 40 lần chữa trị bằng Liệu pháp oxy cao áp với liều lượng là 24% oxy ở áp suất 1,3 atm. Nhưng sau những lần chữa trị, kết quả nghiên cứu vẫn cho thấy không có dấu hiệu cải thiện cụ thể nào đối với những triệu chứng bệnh tự kỷ của các trẻ đã tham dự vào cuộc nghiên cứu(********).
(********) Jepson, B., et al (2010). Controlled evaluation of the effects of hyperbaric oxygen therapy on the behavior of 16 children with autism spectrum disorders. Journal of Autism and Develomental Disorders, 41(5), 575-588.
Ngoài ra, cũng còn những đề nghị chữa trị bệnh tự kỷ theo các kỹ thuật như Liệu pháp sốc điện (Electroconvulsive Therapy: cho một dòng điện nhẹ, khoảng từ 65 đến 140 volts, chạy nhanh xuyên qua não để tạo ra cơn co giật của não bộ trong vài phút), Liệu pháp Prosthetics (gắn những bộ phận giả vào cơ thể), Liệu pháp Stem cell (đưa các loại tế bào gốc lành mạnh, như Mesenchym… vào cơ thể để thay thế hệ thống miễn dịch của người bệnh đã bị thoái hóa), Liệu pháp châm cứu (Acupuncture), v.v. Tất cả các kỹ thuật nêu trên, dù chưa hề có thống kê chứng minh, có thể đã có một vài hiệu quả nào đó cho một số bệnh tật, nhưng đối với bệnh tự kỷ thì vẫn còn là một câu hỏi rất khó trả lời, vì thực tế vẫn chưa có một trường hợp điển hình nào cho thấy là đã có kết quả tốt.