Đ
ây là câu hỏi từ bài diễn văn tốt nghiệp không-phải-dạng-thường của một diễn giả không-phải-dạng-thường.
Trước tiên, đó là bài diễn văn chỉ dài bốn phút! Bản thân điều này đã rất kỳ diệu rồi.
Kế tiếp, và quan trọng nhất, diễn giả đọc bài diễn văn này không chỉ cho khóa sinh viên sắp tốt nghiệp của Trường Harrow7 mà cho cả nước Anh, và trong thời gian bốn phút đó, ông đã đọc nó với sự hùng hồn và truyền tải chân lý hết sức thuyết phục hơn bất kỳ bài diễn văn nào khác trong lịch sử.
(7) Harrow là trường trung học nội trú công lập danh tiếng của Vương quốc Anh, chỉ dành cho nam sinh, được thành lập vào năm 1572. Những cựu học sinh nổi tiếng của trường là Thủ tướng Anh Winston Churchill, nhà thơ Lord Byron, Thủ tướng đầu tiên của Ấn Độ Jawaharlal Nehru...
Vị diễn giả ấy là ai? Đó là Winston Churchill. Ông đọc bài diễn văn này vào năm nào? Năm 1941, khi nước Anh đứng trước nguy cơ bị hủy diệt hoàn toàn trong tay quân Đức Quốc xã8.
(8) Winston Churchill (1874–1965) là Thủ tướng nước Anh trong thời Thế chiến thứ hai. Ông từng là một người lính, nhà báo, tác gia, họa sĩ và chính trị gia. Churchill được xem là một trong những nhà lãnh đạo quan trọng nhất trong lịch sử Anh quốc và lịch sử thế giới. Trong giờ phút tuyệt vọng nhất của nước Anh khi quân đội Đức Quốc xã vừa đánh tan liên quân Đồng minh một cách chớp nhoáng, Churchill, bằng tài hùng biện của mình, đã đứng lên kêu gọi người dân Anh quyết không nhượng bộ. Ông là người có công liên kết dân tộc Anh thành một khối thống nhất, nhờ đó góp phần cùng với quân Đồng minh kết thúc Thế chiến thứ hai.
Trước hiện thực đen tối ấy, Churchill phát biểu:
“Chúng ta đừng nói về những ngày đen tối, thay vào đó, hãy nói về những ngày can trường. Đây không phải là những ngày đen tối; đây là những ngày vĩ đại - những ngày vĩ đại nhất mà đất nước chúng ta từng trải qua; và tất cả chúng ta phải cảm ơn Thượng đế vì đã cho phép mỗi người chúng ta đóng góp một phần, trong khả năng hay quyền hạn của mình, để làm cho những ngày này trở nên đáng nhớ trong lịch sử dân tộc mình”.
Churchill biết rõ như thế nào là những ngày đen tối - qua cuộc chiến cả đời ông với căn bệnh trầm cảm mà ông gọi là “con chó đen”, qua sự thất bại chính trị đã khiến ông phải sống lưu vong gần mười năm trước chiến tranh, cũng như qua những tháng năm cùng nước Anh đối mặt với Hitler và nguy cơ diệt vong.
Winston Churchill hiểu rõ sự đen tối có thể trở nên đen tối đến mức nào.
Có lẽ chính vì vậy mà ông lên tiếng kêu gọi để thay đổi cách nhìn của công chúng, để họ đừng nhìn nhận tương lai trước mắt như những ngày đen tối, mà như một cơ hội lớn để những con người vĩ đại tạo ra những bước nhảy dài hướng tới một sự nghiệp cao cả.
Churchill đã nói về mục đích chung của toàn dân tộc thay vì nhấn mạnh vào nỗi đau chiến tranh.
Và điều tuyệt vời hơn cả những lời phát biểu của Churchill chính là cách ông nhắc đến nỗi cô đơn, sự mờ mịt, hoảng loạn và tuyệt vọng. Vào năm 1941, nước Pháp vừa rơi vào tay quân đội Đức Quốc xã, nước Anh có vẻ sẽ chịu chung số phận đó sau vài tháng nữa, và Hoa Kỳ thậm chí còn chưa tham chiến.
Churchill không phát biểu những lời này theo kiểu ôn lại một chiến thắng vẻ vang. Ông nói theo tinh thần sắp phải đối mặt với nguy cơ sụp đổ hoàn toàn, tuy vậy ông vẫn nhìn thấy trước một kết cục hoàn toàn khác với thực tại đáng lo ngại đang diễn ra. Ông đáp lại nỗi lo diệt vong bằng niềm hy vọng và một mục đích để hướng tới. Sau đó, ông toàn tâm toàn ý nỗ lực tạo dựng hiện thực đó.
Khi nghĩ về những giai đoạn khó khăn của thời tuổi trẻ, chúng ta sẽ thấy có rất nhiều khó khăn. Và nếu tiếp tục nghĩ về những khó khăn của giai đoạn sau đó, chúng ta cũng thấy khó khăn đầy rẫy. Vì vậy, hãy ghi khắc trong tim lời kêu gọi của Churchill dành cho một thế hệ đã trải qua những ngày gian nan nhất nhưng cũng hào hùng nhất:
“Đừng bao giờ đầu hàng. Đừng bao giờ đầu hàng. Đừng bao giờ, đừng bao giờ, đừng bao giờ, đừng bao giờ đầu hàng - trong mọi việc, dù lớn hay nhỏ - trừ khi vì danh dự và lẽ phải. Đừng bao giờ thỏa hiệp trước thế lực. Đừng bao giờ bị khuất phục trước sự đàn áp của kẻ địch.”