Để có thể hiểu rõ những Thể ý thức sâu xa hơn của con người thông qua Nhân số học, ta cần hiểu bản chất ba thể của con người và mối liên hệ mật thiết giữa ba thể này. Hãy làm quen với ba thuật ngữ được dùng trong quyển The Complete Book of Numerology để chỉ ba thể này: Thể Cơ bản (Basic Self), Thể Ý thức (Conscious Self), và Thể Siêu thức (High Self).
THỂ CƠ BẢN (BASIC SELF)
Những biểu đạt cơ bản của con người đều được thể hiện thông qua cơ thể. Tiếng khóc đầu đời của em bé sơ sinh, tiếng la kêu cứu của người trưởng thành, lời trăng trối của người sắp lìa đời…, tất cả đều xuất phát từ Thể Cơ bản. Ở thể nhận thức này, một đứa trẻ bắt đầu trở nên quen thuộc với môi trường thực tế xung quanh. Những biểu hiện của năm giác quan (thị giác, thính giác, xúc giác, vị giác, khứu giác) khi tiếp xúc với môi trường xung quanh cùng cấu thành những chức năng căn bản nhất của Thể Cơ bản, cùng với việc nói, cười, khóc và tất cả các hoạt động thể chất khác.
Thể Cơ bản chủ yếu bao gồm những phản ứng tự nhiên với môi trường xung quanh khi chúng ta đã đủ lớn để kiểm soát các hoạt động thể chất thường ngày. Đây chính là cơ chế tự vệ của cơ thể, một dạng phản ứng mang tính bản năng (khác với cách phản ứng mang tính trực giác ở Thể Siêu thức). Cảm giác thiếu an toàn, tìm kiếm các cảm xúc, khao khát muốn kiểm soát tình huống hay khống chế người khác… đều là các biểu đạt của Thể Cơ bản. Những người nặng về Thể Cơ bản là những người sống khá dựa vào “cái tôi” cá nhân, và những điều họ muốn thường che mất cái họ cần. Những người này thường có não trái hoạt động rất mạnh.
Hiểu biết về Nhân số học sẽ giúp những người này kiểm soát Thể Cơ bản tốt hơn, để trả nó về vai trò vốn dĩ của nó - người giúp việc cho cái tôi của ta - để nó nhận sự sai khiến của ta, chứ không phải là ông chủ để sai khiến cái tôi của ta chạy theo bản năng. Bằng cách này, chúng ta sẽ nhận ra các bài học cuộc sống nhanh hơn, để không cần phải lặp đi lặp lại những mất mát hay tổn thương một cách không cần thiết.
Chúng ta đừng quên rằng Thể Cơ bản là vô cùng cần thiết để duy trì các biểu đạt của cơ thể một cách cân bằng. Chỉ khi nào Thể Cơ bản hòa hợp hoàn toàn với hai Thể còn lại thì cơ thể mới thật sự “hoạt động”, nếu không, mọi biểu đạt của cơ thể chỉ có thể được coi là “phản ứng” mà thôi. Nói một cách dễ hiểu, nếu không đi kèm con tim và khối óc, thì cơ thể này chỉ là một thể phản ứng theo bản năng.
Khi chúng ta biết cách kiểm soát Thể Cơ bản một cách hiệu quả, Thể này sẽ trở thành một “người phục vụ” trung thành với chúng ta. Lúc này cái tôi được thúc đẩy bởi tình yêu thương và trí tuệ (là Thể Ý thức và Thể Siêu thức), đời sống thể chất của chúng ta nhờ thế mà tốt hơn, và chúng ta trở nên kiên nhẫn hơn với bản thân và với người khác. Khi chúng ta trở nên sâu sắc, biết cân nhắc nghĩ suy, cuộc sống của chúng ta cũng sẽ bớt đi những hy sinh và tổn thất không đáng có. Từ đó chúng ta sẽ tiến triển, từ vai trò “nạn nhân” (victim) của cuộc đời thành những người chinh phục (victor) và đạt được những thành tựu nhất định trong cuộc sống này.
Thể Cơ bản ở trạng thái hoàn thiện chính là sự thể hiện và kết nối tích cực của ba con số thuộc Trục ngang Thể chất: 1-4-7 (xem lại Hình 1, trang 26).
THỂ Ý THỨC (CONSCIOUS SELF)
Thể Ý thức là nơi suy nghĩ và thái độ của chúng ta trú ngụ. Đây cũng là cội nguồn của niềm vui và nỗi buồn, cũng như khả năng của chúng ta trong việc chọn lựa vui hay buồn. Thể Ý thức cũng là phạm vi hoạt động của trí nhớ, sự sáng tạo và lý tưởng của con người.
Thể Ý thức là chiếc cầu nối giữa Thể Cơ bản và Thể Siêu thức, hợp nhất các khía cạnh mang tính phản ứng và bản năng của chúng ta với những giá trị tinh thần. Đây chính là sự kết nối giữa não trái và não phải của chúng ta.
Khi Thể Ý thức chọn hướng tiêu cực, nó trở thành Thể Vô thức. Nó trở nên giả dối, phản ứng theo hướng đối phó, thoái thác, căng thẳng và đóng vai nạn nhân của hoàn cảnh.
Tuy vậy, nếu được tạo điều kiện để hoàn thành mục đích tối thượng của nó thì khi đó Thể Ý thức sẽ là một công cụ đánh giá và diễn dịch vô cùng tuyệt vời. Nó chuyển ý thức tinh thần thành nhận thức về mặt thể chất. Thể Ý thức giúp chúng ta diễn giải trực giác, tình yêu thương và trí tuệ thành những “ngôn ngữ có thể hiểu được”. Đó là nơi kiến thức, tình yêu thương và trí tuệ được thể hiện thành những hoạt động tích cực.
Thể Ý thức được lưu giữ trong trí nhớ. Nó gắn các kiến thức đã lĩnh hội được trong quá khứ với các trải nghiệm hiện tại để tạo ra một kho thông tin hay dữ liệu liên quan. Khi được sử dụng một cách tích cực, kho dữ liệu này trở thành nền tảng cho sự tự tin và tự trân trọng những giá trị mình có, từ đó nắm bắt khả năng sáng tạo vượt trội, và xa hơn nữa là vươn đến trí tuệ ngày càng sắc sảo hơn.
Ba con số thuộc Trục ngang Trí não là 3-6-9, và ba số này hợp lại để thúc đẩy Thể Ý thức hoạt động (xem lại Hình 1, trang 26).
THỂ SIÊU THỨC (HIGH SELF)
Thể Siêu thức bao gồm các giá trị đạo đức, tư tưởng và các giá trị tinh thần. Nó chính là cốt lõi của cảm xúc và cảm giác, thứ giúp chúng ta nhận ra và xác định các nhu cầu của mình. Nó được thể hiện dưới dạng trực giác, tình yêu thương và trí tuệ. Đây là hình thức biểu đạt cao nhất. Hoạt động của Thể Siêu thức chủ yếu thuộc về não phải: sáng tạo, giàu lòng trắc ẩn và đậm chất tinh thần.
Nhiều người hay nhầm lẫn tình yêu thương với cảm xúc. Tình yêu thương đích thực là một chức năng của Thể Siêu thức. Sự thu hút về thể xác (Thể Cơ bản) và tinh thần (Thể Ý thức) thường đi kèm với tình yêu, nhưng không nhất thiết phải như vậy. Tình yêu thương là thứ sâu sắc đến mức có thể lan tỏa đến mọi phương diện tích cực trong đời sống con người. Nó thích được biểu đạt thông qua cảm xúc, nhưng nó không bị thống trị bởi cảm xúc.
Thể Siêu thức được củng cố tốt nhất thông qua sự phát triển trực giác, từ đó dẫn đến sự phát triển sâu sắc về lĩnh vực tự do cá nhân. Có được sự tự do này sẽ dẫn đến chiều sâu trí tuệ mà không phải ai cũng đạt được trong đời.
Trong Nhân số học, Thể Siêu thức được thể hiện qua Trục ngang Tinh thần, bao gồm chuỗi ba số 2-5-8 (xem lại Hình 1, trang 26). Những người được sinh ra trong kỷ nguyên mới, tức sinh ra từ năm 2000 trở về sau, trong ngày sinh của mỗi người sẽ có ít nhất một con số 2. Vậy, kỷ nguyên mới sẽ chứng kiến đời sống tâm linh thể hiện mạnh mẽ hơn trong các hoạt động của con người.