“Tôi là người sinh ra ở Hà Nội, được ba lần trực tiếp chiến đấu bảo vệ Thủ đô và có gần ba thập kỷ gắn bó với bầu trời Hà Nội”, Thiếu tướng Lê Huy Vinh, nguyên Phó tư lệnh, Tham mưu trưởng Quân chủng Phòng không - Không quân đã tâm sự với chúng tôi như vậy...
QĐND - “Tôi là người sinh ra ở Hà Nội, được ba lần trực tiếp chiến đấu bảo vệ Thủ đô và có gần ba thập kỷ gắn bó với bầu trời Hà Nội”, Thiếu tướng Lê Huy Vinh, nguyên Phó tư lệnh, Tham mưu trưởng Quân chủng Phòng không - Không quân đã tâm sự với chúng tôi như vậy. Bước sang tuổi 82, nhưng với ông, kỷ niệm về những trận đánh, về những ngày sát cánh cùng đồng đội làm nhiệm vụ “canh trời” Hà Nội như vừa mới xảy ra...
Thiếu tướng Lê Huy Vinh quê ở xã Dịch Vọng, huyện Từ Liêm (nay là phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội). Năm 1945, ông tham gia cách mạng khi mới ở tuổi “bẻ gãy sừng trâu”. Theo nhiệm vụ được phân công, ông trở thành người lính và có mặt ở các chiến trường Tả ngạn, Hữu ngạn... rồi bị thương trong kháng chiến chống Pháp.
Thiếu tướng Lê Huy Vinh
Ông kể: “Cuộc đời quân ngũ của tôi bắt đầu từ mùa Thu cách mạng năm 1945, khi tôi tham gia vào Đội thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệu và tham gia khởi nghĩa giành chính quyền ở Bắc Bộ Phủ”. Lần thứ hai, trong những ngày toàn quốc kháng chiến, ông và đồng đội đã có những trận chiến đấu kiên cường trong 60 ngày đêm bảo vệ Hà Nội. “Đó là những ngày ta và địch giành giật nhau từng mét đường, dãy phố. Nhiều đêm tôi và đồng đội mải tấn công địch đến khi trời sáng không kịp rút, đành chui xuống gầm cầu mặc cho xe tăng địch gầm rít bên trên”. Theo nhiệm vụ trên giao, ông rời Thủ đô và có mặt trong đội hình Trung đoàn 42 chiến đấu ở vùng địch hậu khu Tả ngạn và đường số 5…
Khói lửa chiến tranh đã tôi luyện ông sớm trưởng thành và năm 1965 khi Bộ tư lệnh Phòng không Hải Phòng được thành lập, ông được cấp trên điều về nhận nhiệm vụ Tham mưu trưởng. Sau đó một năm, ông về làm Tham mưu trưởng Bộ tư lệnh Phòng không Hà Nội. Đây chính là dấu mốc ông gắn bó với bầu trời Hà Nội và ông coi đây là lần thứ ba trực tiếp chiến đấu bảo vệ Thủ đô, cũng là quãng thời gian để lại trong ông nhiều kỷ niệm. Ông tâm sự, 12 ngày đêm cùng đồng đội tham gia trận “Điện Biên Phủ trên không” chính là những tháng ngày để lại trong ông nhiều cảm xúc nhất.
Vào thời điểm tháng 12-1972, khi Hà Nội chìm trong khói bom của “siêu pháo đài bay B52”, ông là Phó tư lệnh Đoàn Phòng không Hà Nội (nay là Đoàn B61 - Quân chủng PK-KQ). “Các đơn vị tên lửa khi ấy tuy đã phóng hàng chục quả tên lửa, nhưng chưa có đơn vị nào bắn rơi tại chỗ máy bay B52 nên không khí ở sở chỉ huy và các trung đoàn lúc này rất căng thẳng. Liên tục chuông điện thoại vang lên với những câu hỏi: “Đơn vị nào bị địch đánh, đã giải quyết đến đâu?”, “Khôi phục chiến đấu được chưa?”, “Vì sao ta chưa bắn rơi?”… Lúc này, chúng tôi rất hiểu bộ đội mình, vì là lần đầu tiên các đơn vị chiến đấu với B52, một đối tượng mới nên không tránh khỏi bỡ ngỡ”. Theo lời ông kể, trước đó, vào tháng 4-1972, trước tình huống cấp bách, Tư lệnh Quân chủng Phòng không đã giao cho Bộ Tham mưu Quân chủng tổ chức đợt “Diễn tập chống tập kích đường không bằng máy bay B52 vào thành phố Hải Phòng” để rút kinh nghiệm cho việc bảo vệ các mục tiêu trọng yếu ở miền Bắc. Ông Lê Huy Vinh đã có mặt trong đoàn cán bộ Bộ tham mưu Quân chủng xuống chỉ đạo diễn tập ở Đoàn B63 đêm 16-4-1972. Theo kế hoạch, đúng 1 giờ sáng, lệnh báo động diễn tập được phát ra. Các đơn vị của Đoàn B63 nhanh chóng chuyển cấp xong và sẵn sàng nhận lệnh. Nhưng sau đó ít phút, đột nhiên có lệnh từ Sở chỉ huy Quân chủng: Hoãn diễn tập và chuyển sang sẵn sàng chiến đấu đánh máy bay địch. Vậy là từ kế hoạch diễn tập đánh “địch giả” mà “địch thật” không hẹn lại gặp. Có mặt trong đoàn cán bộ Bộ Tham mưu Quân chủng hôm ấy, ông đã phần nào lý giải được nguyên nhân vì sao các đơn vị của ta chưa thể đánh thắng: “Trước hết, chúng ta bị bất ngờ. Lần đầu tiên các đơn vị đối mặt với một đối tượng có sức mạnh lớn hơn nhiều lần so với các loại máy bay mà họ từng chiến đấu. Sức mạnh của nó có nhiều nhưng tập trung nhất là gây nhiễu điện tử các loại cực mạnh và tên lửa Sơ-rai (Shrike) tự dẫn, gây cho ta không ít khó khăn. Hơn nữa, tính chất các trận đánh của địch là những đòn phản ứng chiến lược nên quy mô và đối tượng của chúng có ưu thế hơn ta, trong khi các đơn vị của ta là các đơn vị chiến thuật”. Theo ông, sự kiện xảy ra đêm 16-4-1972 trên bầu trời Hải Phòng chính là tiếng chuông cảnh báo để các đơn vị trong quân chủng nghiên cứu, rút kinh nghiệm cho cuộc quyết chiến chiến lược trên bầu trời Hà Nội tháng 12-1972.
Tướng Lê Huy Vinh vẫn nhớ trong lần tập kích đầu tiên của địch trong khoảng từ 19 giờ đến 20 giờ ngày 18-12-1972, ta chưa hạ được chiếc B52 nào. Không khí sở chỉ huy lúc đó rất căng thẳng, các cuộc họp bàn, tìm giải pháp, động viên tinh thần anh em được tổ chức. Trong vô vàn khó khăn, ông cùng đội ngũ chỉ huy và anh em đơn vị đã bình tĩnh rút kinh nghiệm, lập lại các tình huống ban đầu để tìm cách giải quyết. Trong lúc cả đơn vị đang căng thẳng đối đầu với con “ngoáo ộp” B52 thì được tin Tiểu đoàn 59 (Đoàn H61) đã tiêu diệt được chiếc B52 đầu tiên trên bầu trời Thủ đô. Khi ấy, ông Vinh cũng như mọi cán bộ, chiến sĩ Bộ tư lệnh Phòng không Hà Nội rất đỗi vui mừng, nhưng ai cũng phân vân: Liệu có phải B52 hay máy bay chiến thuật khác? Sau khi Trung đoàn phó Đoàn H61 Võ Công Lạng đến tận cánh đồng Chuôm (Phủ Lỗ, Đông Anh) mang mảnh vỡ máy bay có chữ “B-52G” về báo cáo, rồi cấp trên cử người xuống tận nơi kiểm tra lại, lúc đó mọi người mới tin… Tại sở chỉ huy Bộ tư lệnh và các đơn vị ngày ấy có cả nụ cười lẫn những giọt nước mắt. Hình như sự dồn nén, chờ đợi, sự hy sinh gian khổ bấy lâu nay mới được đền đáp và đã bật ra thành những tiếng khóc, những nụ cười…
Ông Lê Huy Vinh (thứ ba từ phải sang) trong lần đón Bác Hồ tới thăm trận địa phòng không Quảng Bá - Hà Nội (tháng 9-1966). Ảnh do nhân vật cung cấp
Sau trận tiêu diệt B52 ngày 18-12, ông Vinh cùng đồng đội càng hiểu rõ hơn trách nhiệm và sứ mệnh lịch sử của mình khi được Đại tướng Võ Nguyên Giáp trực tiếp gửi điện cho Đoàn Phòng không Hà Nội, bức điện mà đến tận bây giờ, những câu chữ vẫn còn trong tâm trí ông: Cả nước đang hướng về Hà Nội. Toàn thế giới đang hướng về Hà Nội. Từng giờ, từng phút Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương theo dõi cuộc chiến đấu của Hà Nội. Vận mệnh của Tổ quốc đang nằm trong tay các chiến sĩ phòng không bảo vệ Hà Nội. Kết thúc chiến dịch “Điện Biên Phủ trên không”, Đoàn Phòng không Hà Nội xứng đáng với vai trò nòng cốt trong cuộc chiến tranh nhân dân “đất đối không” và đã tiêu diệt được 25 máy bay B52.
Khi các cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc kết thúc, ông Lê Huy Vinh tiếp tục gắn bó với bầu trời Thủ đô ở cương vị Phó tư lệnh, Tham mưu trưởng Quân chủng Phòng không (nay là Quân chủng Phòng không - Không quân). Năm 1990, ông về nghỉ hưu nhưng lại tiếp tục tất bật với công việc trong Ban liên lạc bạn chiến đấu Đoàn Phòng không Hà Nội. Ông bảo: “Là Trưởng ban liên lạc, mình có nhiều điều kiện nắm bắt, tìm hiểu hoàn cảnh của đồng đội và không ít lần rơi nước mắt khi tới thăm gia đình họ”. Ông kể với tôi câu chuyện cách đây ít năm khi đến thăm gia đình liệt sĩ Lê Viết Dũng và thương binh Lê Viết Hùng ở xã Thụy Phương (huyện Từ Liêm). Đây là hai anh em ruột trong một gia đình. Năm 1967, khi Lê Viết Dũng hy sinh ở trận địa cao xạ Văn Điển, ngay hôm biết tin, bà mẹ đã cùng người anh của liệt sĩ là Lê Viết Hùng tới đơn vị. Mẹ tìm gặp chỉ huy đại đội và nói dứt khoát: “Chiều nay Dũng đã hy sinh vì Tổ quốc, các đồng chí báo cáo lên trên là mẹ cho anh nó vào thay vị trí chiến đấu để thỏa vong linh của em Dũng và các đồng đội”… Lê Viết Hùng đã vào đơn vị thay em trai chiến đấu từ ngày ấy, sau đó anh bị thương ở chiến trường và tới cuối năm 1975 mới trở về quê hương. Giờ đây, người mẹ Thủ đô với hành động phi thường năm xưa đã đi xa, còn thương binh Lê Viết Hùng do vết thương tái phát nên hiện nay bệnh tình của anh khá nặng… Dịp 27-7 năm nay, ông và đồng đội cũng đã tới khánh thành ngôi nhà tình nghĩa tặng anh Nguyễn Thanh Vân, cựu chiến binh thuộc Đơn vị H80, đây là ngôi nhà do bạn chiến đấu của đơn vị quyên góp xây tặng với số tiền gần 100 triệu đồng. Hoàn cảnh của anh Vân rất khó khăn, do bị thương trong chiến đấu nên trí nhớ suy giảm, gần hai năm nay, đồng đội cũ của H80 đã thường xuyên giúp đỡ anh với số tiền 700.000 đồng/tháng. Hôm đến khánh thành nhà tình nghĩa, khi biết có đông đủ anh em Đoàn Phòng không Hà Nội đến dự, nhiều người dân ở phường Thanh Xuân Bắc (quận Thanh Xuân) mới hay người đàn ông có dáng vẻ tâm thần ấy từng là một cựu chiến binh và bị thương trong chiến đấu…
Những trường hợp mà ông kể trên đây chỉ là số ít trong khá nhiều những hoàn cảnh khó khăn mà đồng đội của ông gặp phải. Những lần tổ chức gặp mặt bạn chiến đấu, cuộc gặp mặt nào cũng đầy ắp tiếng cười. Những kỷ niệm chiến đấu, những cái tên thân quen được nhắc lại. Họ điểm xem những ai còn, ai mất. Vui vẻ, đầm ấm, nhưng có cả sự ngậm ngùi, xót xa bởi vẫn còn không ít những gương mặt lam lũ, vất vả bươn chải với cuộc sống đời thường. Ông cho biết, trong những buổi họp mặt truyền thống, có anh em ở tỉnh xa phải đi vay tiền để mua vé tàu xe về Hà Nội dự. Gặp những đồng đội có hoàn cảnh khó khăn, ông không quên động viên họ tiếp tục sống xứng đáng với phẩm chất cao đẹp của anh Bộ đội Cụ Hồ, giữ vững truyền thống anh hùng của một đơn vị mang danh “Sư đoàn Cận vệ đỏ”.
Đó cũng là điều mà vị tướng già thường mong mỏi trong mỗi lần gặp mặt đồng đội cũ…
Bùi Vũ Minh
(Sự kiện và nhân chứng, mục Nhân vật, số ra ngày 19/9/2010)