Cung thứ bảy chính là điều khiển thú trấn mộ.
Về cơ bản, đây có thể coi là quá trình thuần hóa thú, cũng vô cùng nguy hiểm, chỉ cần có chút lơ là, thú trấn mộ sẽ cắn ngược lại. Từ xưa đến nay, rất nhiều người thợ học nghệ không tinh đều chết trong tay thú trấn mộ do mình chế tạo ra.
Quá trình này phải học dùng “khí”, lão Tần nói: “Khí là vật chất vô cùng tinh vi, vận chuyển không ngừng trong cơ thể con người. Khí duy trì mạng sống con người, khí ngừng thì người chết. Khí lại không chỉ ở trong cơ thể người, khí lên xuống tụ tán đều nằm trong sự phát triển biến hóa của vũ trụ vạn vật. Mà khí mãnh liệt nhất trên trái đất này chính là khí của giếng vàng trong long huyệt này.”
Sâu thẳm trong địa cung Hoàng lăng, Tần Bắc Dương theo cha luyện khí, trước tiên bắt đầu dồn khí xuống Đan điền. Cậu bị giam cầm dưới lòng đất vừa tròn một năm, ngày đêm ngủ gần giếng vàng, trong cơ thể sớm đã rót đầy “địa khí”. Khí trong người cả đời vận động không ngừng, có người sẽ dần thụt lùi, có người thì sẽ ngày càng tiến bộ, đến mức nhìn quanh thấy núi non đều nhỏ bé. Khí mà Tần Bắc Dương hiểu còn bao gồm cả ý niệm của con người, mặc dù gần với huyền học nhưng cũng là thứ mà người phương Tây đang nghiên cứu. Ý niệm của ngươi yếu thì khí sẽ yếu, tác dụng lên người khác hoặc thú trấn mộ cũng sẽ suy yếu; ý niệm của ngươi mạnh mẽ thì khí sẽ dồi dào, đối phương cũng sẽ khiếp sợ ngươi.
Điều khiển thú trấn mộ, một là khí, hai là âm thanh.
Thú trấn mộ cũng có thính giác, nhưng phải dùng lời nói nó có thể hiểu được để biểu đạt. Ngôn ngữ mà mỗi thú trấn mộ có thể tiếp nhận cũng khác nhau, bởi hồn của thú trấn mộ và chủ mộ liên quan đến nhau, mỗi một chủ mộ lại ở một thời đại khác nhau, ngôn ngữ địa phương cũng khác biệt. Ví dụ tiếng phổ thông của các triều đại, thời nhà Thanh là âm Bắc Kinh, thời nhà Minh là âm Nam Kinh, thời nhà Nguyên lại là tiếng Mông Cổ, thời nhà Tống là âm Khai Phong, thời nhà Đường trở lên là âm Lạc Dương, ngược dòng về thời Tần Hán lại thay đổi nữa. Ghi chép của Khổng Tử “Quan quan cưu cưu, tại hà chi châu” lại càng khác xa với phát âm tiếng Hán ngày nay.
Cuối cùng, thú trấn mộ của Hoàng đế Quang Tự đã trở nên nghe lời. Chỉ cần Tần Hải Quan trừng mắt, hoặc cao giọng thét lên, nó sẽ ngoan ngoãn trở về vị trí cũ, thu bốn chân lại giống như gia súc vậy.
Sau cung thứ bảy, chỉ cần Tần Bắc Dương lại gần thú trấn mộ sẽ liền cảm thấy cơ thể khác thường, không thèm ăn, khó ngủ cả đêm, thậm chí còn muốn nôn mửa.
“Bắc Dương, con nên ít tiếp xúc với thú trấn mộ này thôi”. Bước ra khỏi địa cung, Tần Hải Quan thừa nhận dưới bầu trời sao tại Hoàng lăng, “Nói cho con một bí mật, người của gia tộc nhà họ Tần chế tạo thú trấn mộ đều đoản mệnh. Cho dù không bỏ mạng bất ngờ, tuổi thọ cũng không quá bốn mươi tuổi, sống đến trên năm mươi tuổi như ta, theo như gia phả ghi lại đã là của hiếm như lông phượng sừng lân, càng không có người sống đến sáu mươi tuổi.”
“Đây là cái giá của việc chúng ta đánh cắp linh thạch, tiết lộ thiên cơ, thâm nhập giếng vàng long huyệt sao?”
“Đợi sau khi cha chết đi, con phải chăm sóc tốt bản thân, nhưng cũng đừng buông thả tay nghề thợ thủ công, càng phải tiếp tục bảo tồn truyền thống chế tạo thú trấn mộ, cho đến đời con cháu của con.”
Tần Bắc Dương nhìn bảo thành (1) của lăng mộ Hoàng đế Quang Tự mà nói: “Nếu sau này không có Hoàng đế nữa thì sao?”
“Trung Quốc tuyệt đối không thể không có Hoàng đế! Cho dù không có Hoàng đế đội mũ miện bên trong Tử Cấm Thành cũng tất sẽ có Hoàng đế không đội mũ miện bên ngoài Tử Cấm Thành!”
Ngày thứ hai, Sùng lăng của Hoàng đế Quang Tự bỗng đình công. Sau đó mấy tháng, cha con nhà họ Tần lại nhàn rỗi không có việc gì làm, nhưng theo quy củ tổ tiên, thú trấn mộ chưa được nghiệm thu, thợ thủ công tuyệt đối không được rời đi để tránh công sức đổ ra sông ra biển.
Nếu gia tộc họ Tần mất đi truyền nhân thì từ đây đoạn tuyệt hương hỏa tông tự, e rằng chế độ Hoàng đế hai nghìn năm cũng sẽ lay động – đây là bí mật Tần Hải Quan nói với con trai, hơn nữa vĩnh viễn không được nói ra ngoài.
Tây lăng cách kinh thành hai trăm dặm, còn chưa cảm nhận được cơn cuồng phong trước khi mưa gió kéo đến – Hoàng đế của Trung Quốc thực sự sắp không còn nữa rồi.
Đây là năm Tuyên Thống thứ ba, năm Tân Hợi, ngày 10 tháng 10 năm 1911 dương lịch. Hai nghìn dặm ngoài kia, vàng gieo bến Hán ngàn cây hửng, xanh ngát châu Anh lớp cỏ dày. (2) Dưới lầu Hoàng Hạc, hai núi Quy Xà (3), Vũ Xương khởi nghĩa lần đầu. Trong chớp mắt, ngọn lửa cách mạng đã thiêu đốt toàn Trung Quốc, các tỉnh sôi nổi tuyên bố độc lập.
Ngày 12 tháng 2 năm 1912, Long Dụ Thái hậu (chồng của bà vẫn còn nằm trong quan tài ở hành cung Tây Lăng đợi hạ táng) đem theo Hoàng đế Phổ Nghi sáu tuổi, công bố chiếu thư thoái vị ở điện Dưỡng Tâm – cách đêm đầu tiên Tần Bắc Dương ở lăng Hoàng đế Quang Tự, cách thời điểm bắt gặp lời tiên đoán của lão thái giám dưới mật thất dưới đất chưa đầy ba năm.
Trung Hoa dân quốc ban bố “Điều lệ ưu đãi Hoàng thất nhà Thanh”, điều thứ năm quy định “Công trình Đức tông Sùng lăng chưa hoàn thành, vẫn xây dựng xong xuôi như quy định, lễ Phụng An vẫn như cơ chế cũ, tất cả kinh phí thực tế đều do Trung Hoa Dân Quốc chi”.
Đức Tông này chính là Hoàng đế Quang Tự, Viên Thế Khải phái người đưa kinh phí đến, công trình Sùng lăng lại được tiếp tục.
Cung thứ tám của “Chế thú cửu cung”: Nghiệm thu – chia làm ba phần, một là độ kiên cố, hai là điều khiển, ba là ăn thịt người.
Trước tiên nói đến phần một, rất đơn giản, dùng các loại binh khí lạnh như đao thương kiếm kích tấn công bề mặt thiết giáp của Thú trấn mộ. Tần Hải Quan kiểm soát Thú trấn mộ rất tốt, đồng xanh và đá phiến đều không có bất kì tổn hại nào. Giám sát lăng mộ thầm than trong lòng, nếu đem người này kéo đi cùng người đảng Cách mạng ra chiến trường, đại Thanh chưa chắc sẽ mất, chí ít sẽ không đổ nát thảm hại trong chốc lát như vậy.
Tiếp theo là điều khiển, Tần Hải Quan mở công tắc của thú trấn mộ, bốn chân quái thú chuyển động, khí thế như mãnh hổ xuống núi, đất rung núi chuyển, khiến Giám sát lăng mộ sợ đến mức mặt mũi xám ngoét. Khi thú trấn mộ bước đến trước mặt Giám sát, Tần Hải Quan lớn tiếng quát nó dừng lại, tựa như người thuần hóa thú trong đoàn xiếc thú, khiến thú trấn mộ ngoan ngoãn lui về phía sau. Sau đó, thú trấn mộ giống như con rối gỗ, đi theo hàng ngũ trước sau trái phải theo khẩu lệnh của Tần Hải Quan, như buổi thao luyện tân binh kiểu châu Âu, không ngờ bộ dạng lại khá đáng yêu.
Cuối cùng là “ăn thịt người”, nghe nói thời Hán Đường, mỗi khi nghiệm thu thú trấn mộ của đế vương đều phải ném một tử tù vào, nếu bị thú trấn mộ giết một cách mau chóng thì chứng tỏ thú trấn mộ thực sự có khả năng làm khiếp vía đám trộm mộ. Bây giờ người ta dùng mãnh thú thay cho người sống, các binh lính đẩy một cái lồng gỗ vào, bên trong nhốt một con hổ lớn mắt xếch trán trắng. Mọi người lùi về sau dùng hàng rào cản ngựa cách ly, mở lồng thả hổ ra. Thế nhưng, mãnh hổ vừa gầm lên một tiếng, còn chưa tới gần, thú trấn mộ đã bắn ra một mũi Điêu linh tiễn. Tần Bắc Dương nghe thấy tiếng chấn động khi dây cung được buông ra, lực kéo này phải trên ba trăm năm mươi cân, đạt đến cực hạn của võ tướng cổ đại dũng mãnh nhất, mũi tên sắc bén đâm thẳng vào mắt trái của mãnh hổ. Con mãnh thú đáng thương rú lên một tiếng kỳ quái, vẫn còn muốn nhào tới, thú trấn mộ bắn tiếp mũi tên thứ hai, một mũi xuyên tim, máu tóe ra xa đến năm bước.
Giám sát lăng mộ vỗ tay khen ngợi, sai người khiêng con hổ ra ngoài, tối hôm đó ban thưởng cho mọi người ăn thịt hổ. Đương nhiên, dương vật hổ phải để lại để hắn ngâm rượu, nghe nói có công hiệu tráng dương kì diệu.
Còn lại cung thứ chín: Điểm mắt
Kì thực, đây là nghi thức khởi động đặt tên của thú trấn mộ, giống như thành ngữ “Vẽ rồng điểm mắt”.
Được phủ Nội vụ phê chuẩn, thú trấn mộ của Hoàng đế Quang Tự được đặt tên là “Đại Nghệ” - thần xạ thủ thời Đế Nghiêu, chồng của Hằng Nga, là Hậu Nghệ đã bắn hạ chín mặt trời.
Là thợ chế tạo, Tần Hải Quan đích thân điểm mắt cho “Đại Nghệ”, bút lông chấm vào phẩm màu đỏ thắm, tô lên con ngươi của thú trấn mộ.
Cuối cùng là dự trữ động lực cho thú trấn mộ. Cha con nhà họ Tần cùng ra trận, hai người luân phiên xoay chuyển dây cót, quay liên tục không ngừng nghỉ bảy ngày bảy đêm, động năng này qua sự cường hóa của “trái tim” linh thạch, cộng thêm sức mạnh giếng vàng bên trong địa cung đủ để thú trấn mộ chạy hàng trăm dặm, hơn nghìn năm vẫn không khô kiệt.
Đến đây, đại công cáo thành.
Dân quốc năm thứ hai, tháng 11 năm 1913 Công nguyên, Hoàng đế Quang Tự được đặt bốn năm lẻ tám tháng tại hành cung Lương Các Trang Tây Lăng cuối cùng đã được hạ táng vào địa cung Sùng lăng. Long Dụ Thái hậu vừa mất vào tháng hai cùng năm này cũng coi như vừa kịp chuyến, quan tài của vua và hậu chôn cùng một huyệt. Trân Phi thì được nhập thổ ở Phi lăng viên bên cạnh. Bài quốc ca “Củng kim âu” được ban bố trước khi Đại Thanh diệt vong do Nghiêm Phục sáng tác lời, Phó Đồng soạn nhạc đã được tấu vang lần cuối cùng.
Vững Âu Vàng,
Dưới màn trời,
Dân no ấm vui như vịt được rong,
Vui đồng bào,
Nhà Thanh gặp thời may.
Thật sáng sủa, thật sướng vui,
Đế quốc trời cao che chở,
Trời cao cao,
Biển cuồn cuộn.
Tần Bắc Dương trải qua bốn năm lẻ sáu tháng ở địa cung Sùng lăng, gần bằng thời gian thi thể Hoàng đế Quang Tự được đặt ở hành cung Tây Lăng. Cậu lưu lại địa cung đến phút cuối cùng, lưu luyến “Đại Nghệ” đang canh giữ trong góc, nhìn từng cánh cửa mộ thất bị đỉnh môn thạch (4) đóng lại. Liệu có thể bảo tồn ngàn năm vạn thời đại không? Chỉ có quỷ mới biết được.
______________
Chú thích:
(1) Bảo thành là cổng lầu nằm phía trên địa cung của lăng mộ đế vương.
(2) Đây là lời bài thơ Hoàng Hạc lâu của Thôi Hiệu, bản dịch của Ngô Tất Tố. Hoàng Hạc Lâu có thể coi là một trong những bài thơ Đường được nhiều người Việt dịch nhất.
(3) Quy Xà: ý chỉ hai núi Quy Sơn và Hạc Sơn (Hạc Sơn nhìn giống con rắn) Hoàng Hạc lâu được cất trên vực đá Hoàng Hạc của núi Xà Sơn.
(4) Đỉnh môn thạch là một cơ quan để chống trộm trong lăng mộ Hoàng đế