Hãy nhìn và dõi theo hướng đi của các vì sao như thể bạn đang chạy cùng chúng, liên tục ghi nhớ những thay đổi của từng vì sao ấy, vì chính sự tưởng tượng này sẽ gột rửa những nhơ nhuốc của cuộc sống trên mặt đất.
Marcus Aurelius
Không thể tin được tôi lại đồng ý gặp Julian vào cái giờ quái gở này. Đúng như dự đoán, xung quanh chẳng có một bóng người lúc tôi đến gần cửa rừng, trên tay cầm một bình giữ nhiệt chứa đầy cà phê và một chiếc túi đầy bánh ngọt với hy vọng Julian sẽ cùng thưởng thức với mình. Một sự tĩnh mịch kỳ lạ bao trùm cảnh vật xung quanh khi tôi bước vào trong khu rừng. Những tia nắng mai đầu tiên len lỏi chiếu xuyên qua những tán cây rậm rạp, soi đường cho tôi tiến vào sâu trong vùng đất thiên nhiên tĩnh lặng này.
Mỗi bước tôi đi, mùi hương gỗ thông và tuyết tùng như vây quanh, khiến tôi nhớ lại bao ký ức ấm áp thời thơ ấu khi tôi và cha cùng đi những chuyến băng rừng mạo hiểm. Đôi khi chúng tôi còn mang theo cả chiếc ca nô cũ và chèo xuôi theo dòng sông ngập nắng. Đó là một trong những khoảnh khắc đẹp nhất cuộc đời tôi. Tôi không rõ làm sao mà giờ đây mình lại rời xa thiên nhiên như vậy. Ngay tại đây và chính lúc này, tôi quyết tâm sẽ làm mới mối dây liên kết mình với thiên nhiên. Tôi biết tìm về với thiên nhiên và sự thanh bình ở đó sẽ giúp tôi trở thành người lãnh đạo tốt hơn và có những suy nghĩ sâu sắc hơn. William Wordsworth từng nhận xét rằng, “Khi chúng ta xa cách quá lâu với những giá trị tốt đẹp của bản thân bởi guồng quay vội vã của cuộc sống, và khi ta chán ngấy với mọi thứ có trong cuộc sống đó cũng như cảm giác mệt mỏi mà nó mang lại, thì sự tĩnh mịch lúc ấy mới quý giá và êm dịu làm sao”. Thật là những lời tuyệt vời.
Ngay lúc đó, tôi nhận ra một thứ trông như tấm bản đồ được gắn trên thân một cây thông to bằng chiếc đinh gỗ. Julian đã nói sẽ có những dấu hiệu để tôi có thể lần theo đến chỗ anh ấy, đây chắc hẳn là một trong số đó. Tôi dừng lại nghiên cứu đường đi được chỉ dẫn sẵn trong bản đồ và sau đó tiếp tục dấn bước vào trong rừng sâu. Theo những chỉ dẫn được vẽ vội trên bản đồ thì tôi cần phải đi về phía bắc hơn năm trăm mét. Khi đến nơi, tôi sẽ thấy một con suối nhỏ, sau khi lội qua suối thì tiếp tục đi thêm khoảng hơn một ki-lô-mét nữa. Đường đi này sẽ dẫn tôi đến một nơi mà những dòng chữ nguệch ngoạc trên bản đồ ghi là “Nơi-an-nghỉ-cuối-cùng”. Tôi không biết cái tên này có ý nghĩa gì và cũng chẳng muốn tìm hiểu vì sợ sẽ chuốc thêm lo lắng.
Tôi tiếp tục đi, rồi bắt đầu thấm mệt và thở dốc sau hai mươi phút đi bộ. Mồ hôi từ trán tôi túa ra ướt đẫm, nhỏ từng giọt xuống con đường đất mềm dưới chân và tim tôi thì bắt đầu đập nhanh không thể kiểm soát nổi. Tuy nhiên, một trong những phẩm chất đáng tự hào của tôi chính là tinh thần chiến đấu đến cùng. Tôi không bao giờ đầu hàng, bất kể gặp phải trở ngại gì. Cha tôi từng nói, trong tính cách của một người có bốn yếu tố cơ bản mà nếu được trau dồi đúng mức, chắc chắn sẽ mang lại thành công cho người đó. Thứ nhất là tính kỷ luật, thứ hai là sự tập trung, thứ ba là sự kiên nhẫn và cuối cùng là sự bền bỉ. Tôi luôn ghi nhớ những lời này một cách nghiêm túc. Và vì thế, tôi tiếp tục lê bước.
Đột nhiên, tôi nghe thấy một tiếng động lạ vọng lại từ xa. Ban đầu âm thanh khá nhỏ nhưng sau đó trở nên rõ ràng hơn. Nghe như tiếng một con thú nào đó đang chạy trong mấy bụi cây và giẫm lên những cành khô trên nền đất. Có lẽ là một con gấu mèo hoặc một con cáo, cũng có thể là một chú nai con. Nhưng rồi, trong sự ngạc nhiên tột độ, tôi nhận ra đó là một bóng người đang di chuyển thoăn thoắt giữa các thân cây, tay nắm chặt lấy thứ gì như là một cọc gỗ dài. Tôi không thể nhìn ra người đó là đàn ông hay phụ nữ và cũng không có ý định gọi lại để hỏi. Tôi vụt chạy về phía ngược lại, thật sự lo sợ cho sự an nguy của bản thân. Xét cho cùng, xung quanh đây không có sự trợ giúp nào tôi có thể nhờ đến, và thanh gỗ nhọn hoắt vừa nhìn thấy chẳng thể nào khiến tôi an tâm được.
Tim tôi bắt đầu đập loạn xạ và mồ hôi vẫn tiếp tục tuôn thành dòng, tôi cố gắng len qua các bụi cây trong lúc hai chân đang chạy hết tốc lực có thể. Bình giữ nhiệt chứa đầy cà phê và túi bánh ngọt mới nướng đã bị tôi quẳng mất trong lúc chuyển hướng bỏ chạy sâu hơn vào rừng. Cuối cùng, sau hơn nửa tiếng chạy trối chết, tôi nhận ra bóng người kia đã biến mất. Tôi ngã vật xuống thảm cỏ xanh dưới chân, đây đó còn có mấy bông hoa rực rỡ. Xuyên qua vòm cây, tôi nhìn thấy một mảnh trời xanh ngắt. Một ngày mùa hè không gợn chút mây. Quá hoàn hảo. Thật tệ là tôi chẳng còn chút năng lượng để di chuyển nữa.
Rồi tôi nghĩ tới Julian. Chắc chắn bóng người cầm cọc gỗ lúc nãy không phải là anh. Có lý nào anh ấy lại muốn dọa tôi sợ chết khiếp như vậy chứ? Và giả như người đó có là Julian, thì ít nhất anh ấy cũng có phép lịch sự tối thiểu để xuất hiện rõ ràng hơn cho tôi thấy. Tôi trở nên giận dữ. Giờ thì tôi ở đây, giữa khu rừng nổi tiếng có gấu, báo, sư tử và sói, còn Julian thì biến mất dạng. Anh ấy đã nói rằng sẽ có những dấu hiệu đưa tôi đến chỗ anh, nhưng tôi vẫn chưa thấy gì. Và tệ hơn nữa, một kẻ điên bệnh hoạn vác theo một thanh gỗ nhọn đang truy đuổi tôi, và tôi thì không biết cách nào để trở về chỗ chiếc xe của mình. Vấn đề thực tế lúc này là, tôi đã hoàn toàn lạc đường.
“Được rồi, mình cần bình tĩnh lại”, tôi tự nhủ. “Mình là CEO của một công ty trị giá hai tỷ đô-la. Mình có một người vợ tuyệt vời và hai đứa con đáng yêu, mình rất yêu gia đình mình và gia đình mình cần mình. Mình sẽ tìm được đường ra khỏi đây thôi.”
Khi đứng dậy, tôi nghe được âm thanh của niềm hy vọng mà tôi đang tìm kiếm. Đó là tiếng một dòng suối chảy ngang qua vùng đất thưa thớt cây xanh trong khu rừng. Tôi nhận ra đây chắc hẳn là dòng suối trên bản đồ mà Julian đã để lại cho tôi. Nếu tôi băng qua dòng suối này như chỉ dẫn đã ghi, rồi đi tiếp hơn một ki-lô-mét nữa, tôi sẽ tìm thấy Nơi-an-nghỉ-cuối-cùng. Nhưng tôi phải đi hơn một ki-lô-mét đó theo hướng nào đây?
Tôi đoán chừng rồi bước xuống dòng suối. Càng đi tôi càng cảm thấy tĩnh tâm trở lại. Có lẽ đây chính là hiệu ứng mà khung cảnh thiên nhiên xung quanh mang đến, những khung cảnh mà rất lâu rồi tôi mới được nhìn thấy. Cũng có thể vì đây là dịp đầu tiên trong suốt bao nhiêu năm tôi mới dành thời gian được tĩnh lặng một mình như thế này.
Cuối cùng, dòng suối uốn mình quanh một bãi đá gồ ghề rồi tiếp tục chảy dài theo hai bên bờ của một đồng cỏ rộng lớn. Sau khi leo lên bờ, tôi nhìn thấy một cảnh tượng đáng kinh ngạc. Ngay giữa bãi cỏ là một túp lều nhỏ được kết hoàn toàn bằng hoa hồng. Xung quanh túp lều là một vườn rau và hàng trăm loại kỳ hoa dị thảo đang khoe sắc rực rỡ. Từng đàn bướm bay lượn chập chờn trong không gian ngào ngạt hương thơm. Toàn cảnh nơi đây đẹp đến ngỡ ngàng. Và tôi biết rằng mình đã đến đúng chỗ của Julian.
“Xin chào”, tôi gọi to. “Anh có ở trong đó không, Julian?”
Cửa lều lập tức mở ra và người bạn cũ của tôi xuất hiện với vẻ mặt rạng rỡ. “Sao lại lâu vậy?”, anh ấy hỏi. “Tôi đã chờ đợi anh khá lâu rồi đấy.”
“Tôi có nói anh cũng không tin đâu. Tôi đến đây từ lúc mờ sáng như lời anh dặn. Tôi tìm thấy bản đồ, đọc chỉ dẫn và đi sâu vào rừng. Tôi đã có những giây phút tuyệt vời cho đến khi một gã điên đột nhiên xuất hiện với một cọc gỗ nhọn và săn đuổi tôi. Quá hoảng sợ, tôi đã bỏ chạy thục mạng cho tới khi không thể chạy nổi nữa. May mắn là tôi đã cắt đuôi hắn và tìm thấy dòng suối ấy. Nó dẫn tôi đến chỗ của anh. Tôi nghĩ tôi cần uống một chút gì đó để lấy lại bình tĩnh. Chắc ở đây không có loại whisky thượng hạng mà anh vẫn hay dùng đâu nhỉ?”
“Những tháng ngày nốc rượu mạnh đã qua lâu lắm rồi. Còn về gã điên mà anh nhắc đến, đừng lo lắng quá. Tôi cam đoan không phải hắn truy đuổi anh đâu”, Julian khẳng định với vẻ chắc chắn đến khó tin.
“Làm sao anh biết điều đó?”
“Bởi vì người đó chính là tôi. Tôi đã chạy xuyên rừng để mang cọc gỗ mới này về lều trước khi anh đến. Anh thấy đấy, đây là nhà của tôi và tôi đang định sửa sang một số chỗ. Tôi cần cọc gỗ này để chống đỡ ‘chái nhà’ mới”, Julian cười vang.
“Là anh hả?”, tôi kêu lên. “Julian, tôi đã nghĩ là mình chết đến nơi rồi. Sao lúc đó anh không lên tiếng cho tôi biết? Tôi đã suýt lên cơn đau tim đấy!”
Julian vòng tay qua vai tôi để trấn an. “Tôi đã định lên tiếng. Nhưng rồi một ý nghĩ chợt lóe lên trong đầu tôi. Lý do tôi mời anh đến đây hôm nay, trong khu rừng kỳ diệu nơi tôi đang ẩn cư này, là để chia sẻ với anh về sức mạnh của Nguyên tắc thứ tư. Nguyên tắc thứ tư, như anh đã biết từ món quà nhỏ tôi để trong túi áo anh tối hôm trước, đòi hỏi anh phải đón nhận sự thay đổi.
Tôi đã nghĩ rằng nếu để anh trải nghiệm một chút mạo hiểm và cảm giác bất an, anh sẽ càng hiểu rõ giá trị của những bài học mà tôi sắp chia sẻ đây. Tôi thành thật xin lỗi nếu đã làm anh hoảng sợ. Nhưng tôi biết là anh vẫn ổn. Thật ra thì tôi luôn dõi theo từng bước chân của anh để đảm bảo anh vẫn an toàn mà. Còn bây giờ, xin mời vào thăm tư gia của tôi và cùng bắt đầu học nhé! Chúng ta có cả một ngày cho bài học quan trọng này đấy.”
Sau khi lấy lại bình tĩnh, tôi hỏi, “Nhưng đón nhận sự thay đổi là sao? Và làm sao việc khiến tôi cảm thấy bất an lại có ích cho bài học hôm nay chứ?”.
“Chắc anh cũng biết thay đổi là lực thúc đẩy mạnh mẽ nhất trong thế giới kinh doanh ngày nay. Công nghệ đang thay đổi, xã hội đang thay đổi, bối cảnh chính trị đang thay đổi, và ngay cả cách con người làm việc cũng đang thay đổi. Anh có biết vào những năm đầu thế kỷ 20, có 85% người lao động ở các nước phát triển làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp không? Giờ đây, lĩnh vực này chiếm chưa đến 3% tổng số lao động trên toàn cầu. Và một báo cáo gần đây đã chỉ ra rằng khối lượng thông tin được tạo ra trong vòng ba mươi năm qua nhiều hơn lượng thông tin tổng hợp được trong 5.000 năm trước đó!”
“Tôi không hề ngạc nhiên chút nào. Sự thay đổi đang khiến chúng tôi phát điên lên ở GlobalView. Sản phẩm của chúng tôi sẽ trở nên lỗi thời ngay khi nó vừa được chào bán rộng rãi trên thị trường, vì vào thời điểm đó, chúng tôi đã bắt đầu thử nghiệm những thứ còn tiên tiến hơn. Mọi người đòi hỏi những phương pháp mới để phục vụ cho công việc của họ, còn chúng tôi phải đối mặt với nhiều thứ quy định hơn bao giờ hết, kỳ vọng của khách hàng đã thay đổi hoàn toàn và chúng tôi buộc phải bước vào một cuộc chơi toàn cầu. Tôi có cảm giác như khi chúng tôi vừa nắm chắc một công nghệ mới, thì đã có thêm mười công nghệ tiên tiến khác xuất hiện.”
“Chính xác. Đó là lý do tôi mời anh đến đây hôm nay, đến Nơi-an-nghỉ-cuối-cùng - tôi vẫn thường gọi vui ngôi nhà của mình như vậy, để học về Nguyên tắc thứ tư, nguyên tắc về quản lý khả năng thích nghi và thay đổi. Anh thấy đấy, bất kỳ nhà lãnh đạo có tầm nhìn nào cũng phải vượt qua cuộc chiến với sự thay đổi. Họ đủ khôn ngoan để nhận ra rằng muốn trở thành chuyên gia đối đầu với thay đổi, thì biết đón nhận chính là yếu tố bắt buộc.”
“Vậy việc dọa tôi sợ chết khiếp giúp gì được cho tôi trong bài học này?”, tôi hỏi, không giấu được vẻ bối rối trước lời giải thích như đánh đố của Julian.
“Bởi vì cách duy nhất để làm chủ sự thay đổi chính là trở nên thành thạo trong việc kiểm soát những tình huống không mong đợi. Để có thể vươn lên trong nền kinh tế mới, nơi mà tài sản trí tuệ được đánh giá cao hơn hẳn so với tài sản vật chất, một nhà lãnh đạo tài năng phải trở thành một chuyên gia trong việc phản ứng và đối phó với những thử thách bất ngờ bằng sự khéo léo, linh hoạt và nhanh nhẹn. Rất tiếc khi phải nói điều này, nhưng anh không đạt một tiêu chí nào cả, anh bạn ạ.”
“Tôi không theo kịp những điều anh nói.”
“Thế này nhé, thử nghiệm nho nhỏ tôi đặt ra ban nãy là để đẩy anh ra khỏi vùng an toàn mà tôi để ý thấy bao nhiêu năm qua anh cứ ru rú ở trong đó. Từ những gì tôi biết, anh là một người rất cứng nhắc và không bao giờ thử bất cứ thứ gì mới. Anh tự nhốt mình trong căn phòng làm việc hoành tráng đó và lặp lại những công việc nhàm chán ngày qua ngày. Khi có điều gì mới lạ xuất hiện, một kỹ năng mới cần học hoặc một thử thách mới cần vượt qua, anh lại cố đùn đẩy nó cho người khác. Rồi bất cứ khi nào có thể, anh lại nhanh chóng áp dụng những giải pháp đã từng hiệu quả trong quá khứ cho những vấn đề mới gặp phải. Và đó là một trong những lý do tại sao công ty anh đang trên đà suy thoái, thay vì nắm bắt những cơ hội tuyệt vời mà nền kinh tế mới này mang lại.
Làm những điều tương tự mỗi ngày sẽ không mang lại kết quả mới. Để thay đổi kết quả, anh phải thay đổi cách làm. Anh phải biến đổi cách lãnh đạo của mình. Đừng bao giờ quên lời Einstein từng nói, ‘Những vấn đề rắc rối không thể nào giải quyết được bằng trình độ tư duy của thời điểm chúng ta tạo ra chúng’. Anh phải có hướng suy nghĩ mới hơn, cao hơn và táo bạo hơn để đối phó với những thay đổi đang tấn công dồn dập vào công ty anh trong thời gian hỗn loạn này. Anh phải chịu đựng tốt những tình huống không rõ ràng và thiếu chắc chắn. Anh phải đón nhận sự thay đổi.”
“Đây có phải là ý nghĩa của việc đón nhận sự thay đổi không?”
“Đúng vậy. Đối với đa số các nhà lãnh đạo thì chỉ có hai cách phản ứng trước những khó khăn và căng thẳng không tránh khỏi khi đối mặt với thay đổi đó là, chiến đấu hoặc trốn chạy. Anh đã chọn cách thứ hai khi đối mặt với cuộc chạm trán bất ngờ trong rừng khi nãy. Nhưng vẫn còn một cách thứ ba để ứng phó với sự thay đổi, và đây là phương pháp được các nhà lãnh đạo có tầm nhìn rất ưa chuộng. Họ đón nhận sự thay đổi, và bằng cách này, họ tận dụng sự thay đổi như một lợi thế.”
“Nhưng không phải điều đó mâu thuẫn lắm sao? Nếu anh từ bỏ hoặc hàng phục trước thay đổi, chẳng phải anh sẽ trở thành kẻ thất bại ư?”
“Đó là lối suy nghĩ của người phương Tây chúng ta. Tuy nhiên, ở phương Đông, các bậc hiền triết và tu sĩ lại có một quan điểm hoàn toàn khác, một cách tư duy đã được chứng minh tính hiệu quả qua nhiều thế kỷ.”
“Là gì thế?”
“Họ tin rằng để chinh phục, trước tiên anh phải biết nhún nhường. Thay vì chống lại sự thay đổi, anh phải thuận theo nó. Như vị triết gia Lão Tử từng nói rằng, ‘Mềm thắng cứng. Nhu thắng cương. Đây là nguyên tắc chế ngự vạn vật bằng cách thuận theo chúng, và làm chủ mọi tình huống bằng sự dung hòa’. Cứng nhắc tuân theo những phương pháp làm việc truyền thống và lỗi thời chẳng khác nào tự hủy diệt con đường sống của doanh nghiệp. Ralph Waldo Emerson từng nói rằng kiên định một cách ngu xuẩn chính là điều đáng sợ nhất. Và ông ấy hoàn toàn đúng. Hãy linh hoạt hơn, cởi mở hơn và biết chấp nhận hơn. Hãy bắt đầu chung sống và thích ứng với thay đổi. Hãy xuôi theo dòng, như nước vậy”, Julian đề nghị. “Nào, hãy đi dạo một vòng nhé.”
“Giống như nước? Thật là một khái niệm mới mẻ”, tôi hỏi lại khi chúng tôi hướng về phía con suối.
“Bản chất của nước là chảy xuôi dòng”, Julian nói khi nhúng bàn tay căng mịn vào dòng suối đang chảy xiết. “Nước xuôi theo dòng. Nước không kháng cự. Nước không do dự khi phải nhún nhường như vậy. Nhưng nước cũng là một trong những loại lực có sức mạnh khủng khiếp nhất trên hành tinh của chúng ta. Hãy nghiên cứu quy luật của nước và kiểm soát những dòng chảy luôn thay đổi trong nền kinh tế hiện đại, giống như cách mà nước kiểm soát dòng chảy của tự nhiên vậy. Thay vì coi thay đổi là kẻ thù, hãy đón chào nó như một người bạn. Và sau đó hãy quy phục nó. Đó chính là ý nghĩa của khả năng thích ứng đấy.”
“Khả năng thích ứng quan trọng đến vậy sao?”
“Khả năng thích ứng là một trong những kỹ năng lãnh đạo thiết yếu trong thế giới trọng thông tin ngày nay. Một nhà lãnh đạo có thể thích nghi với thay đổi và biến nó thành thế mạnh sẽ có một lợi thế cạnh tranh rất lớn. Nhưng khả năng thích ứng còn có ý nghĩa quan trọng hơn việc nên xuôi theo thay đổi thay vì chống lại nó. Thích ứng chính là hồi phục sau những lo âu và khó khăn ban đầu mà sự thay đổi mang lại và sau đó trở nên linh hoạt để dũng mãnh tiến lên phía trước. Thích ứng còn là việc xem thất bại chỉ đơn giản như một bài nghiên cứu thị trường. Khi biết thích ứng, anh hiểu được rằng để tôi luyện những khả năng của mình đến mức hoàn hảo, anh phải chịu đựng những thử thách cản đường, và sự thay đổi sẽ giúp anh và GlobalView vươn lên mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Thích ứng còn có ý nghĩa là sự bền chí cho đến khi đạt đến vị trí mà anh đã quyết tâm theo đuổi. Hãy nhớ điều này, anh không thể học cách căng buồm ra khơi nếu không trải qua vài lần lật thuyền, anh cũng không thể học cách chơi dương cầm nếu không từng đôi lần đánh sai nốt. Thành công là trò chơi của những con số và trở ngại là một phần trong trò chơi đó. Đức Phật đã nói thế này, ‘mũi tên trúng hồng tâm là kết quả của một trăm lần bắn trượt.’”
“Tôi luôn tự hỏi vì sao mình lại khó chấp nhận thay đổi như vậy. Chắc tính cách này đã có từ trong gien rồi”, tôi pha trò.
“Thật ra đó là cách giải thích hoàn hảo đấy”, Julian nghiêm túc trả lời. “Mỗi cá thể con người đều được lập trình theo di truyền để chống lại sự thay đổi và duy trì trạng thái cân bằng. Trạng thái này, khoa học gọi là sự cân bằng nội mô, đã phát triển tự nhiên theo thời gian để giúp tổ tiên chúng ta có thể tồn tại qua những biến đổi liên tục trong điều kiện sống. Khi có một thay đổi trong môi trường sống, các bộ máy bên trong cơ thể sẽ vào cuộc để điều chỉnh tác nhân mới đó và trả cơ thể về trạng thái mà các nhà sinh vật học gọi là trạng thái ổn định. Về bản chất, trạng thái cân bằng mà chúng ta gọi là cân bằng nội mô đó xuất phát từ nhu cầu được ổn định và an toàn của con người. Vấn đề nằm ở chỗ cơ chế bên trong cơ thể chúng ta hoạt động để giữ mọi thứ ở nguyên vị trí cân bằng hiện tại, kể cả khi những cơ hội có lợi hơn xuất hiện. Nó không phân biệt những thay đổi giúp cuộc sống trở nên tốt hơn với những thay đổi khiến cuộc sống trở nên tồi tệ đi. Đơn giản là nó kháng cự lại tất cả thay đổi.”
“Thật kỳ diệu, Julian. Ý anh muốn nói là mỗi người chúng ta đều được sinh ra với bản năng kháng cự lại sự thay đổi?”
“Đúng vậy, và đó chính là lý do tại sao việc thoát ly khỏi vùng an toàn đối với nhiều người lại khó khăn như vậy. Họ thấy khó để làm quen với những thói quen mới, học một kỹ năng mới hoặc rèn luyện một thái độ sống mới. Tin vui là sự cân bằng nội mô có thể được tái lập trình và thay đổi có thể được đón nhận. Tin buồn là quá trình ‘tái lập trình’ này luôn mang đến căng thẳng, đau đớn và một mức độ lo sợ nhất định. Nhiệm vụ của anh, với tư cách là một nhà lãnh đạo có tầm nhìn, phải giảm thiểu nỗi sợ hãi này bằng cách liên tục nhắc nhở nhân viên của mình lý do vì sao sự thay đổi đó là cần thiết và cho họ thấy những ích lợi mà nó sẽ mang lại. Hãy nói với họ rằng sự thay đổi đó sẽ mang họ đến gần hơn với mục tiêu chung mà tất cả mọi người đang phấn đấu để đạt được. Hãy chỉ ra rằng thay đổi như vậy sẽ mang lại cho họ một cuộc sống tốt hơn và giúp họ nâng cao tính hiệu quả trong công việc. Hãy làm cho họ nhận thức được thay đổi sẽ giúp họ trong việc phục vụ người khác như thế nào và tạo ra đóng góp quan trọng trong công việc ra sao. Điều tôi thật sự muốn nói đến ở đây là, giúp nhân viên của anh vượt qua thay đổi bằng cách cho họ sự hiểu biết cần thiết để thay đổi.”
“Vậy tôi nên bắt đầu làm điều đó như thế nào?”
“Câu hỏi này khiến tôi nhớ đến một quy luật tự nhiên khác, một quy luật dễ thấy nhất trong khu rừng tràn đầy sức sống mà tôi được đặc ân để sống tại đây - đó là Quy luật Môi trường. Một hạt giống có thể phát triển thành cây chỉ khi nào đất trồng, độ ẩm và nhiệt độ phù hợp. Nói cách khác, môi trường phải lý tưởng. Tương tự, để quản lý được sự thay đổi một cách hiệu quả, anh - một lãnh đạo có tầm nhìn - phải tạo ra một văn hóa làm việc lý tưởng để mọi người có thể phản ứng tích cực với sự thay đổi và phát triển trong quá trình này.”
“Vậy đó là văn hóa làm việc thế nào?”, tôi hỏi với niềm hào hứng cao độ.
“Anh phải tạo ra một văn hóa học hỏi. Anh phải đấu tranh cho sự phát triển trí tuệ. Anh phải khuyến khích xây dựng một môi trường làm việc luôn khen thưởng cho sự miệt mài học tập và trau dồi kỹ năng. Anh cần để mọi người biết cách tốt nhất để chiến đấu với nỗi lo sợ và sự căng thẳng mà thay đổi gây ra chính là phải hiểu biết về nó. Tri thức là liều thuốc tốt nhất chữa lành nỗi sợ hãi.Đừng lười biếng học tập. Nhân viên của anh càng được trang bị và cập nhật kiến thức đầy đủ thì họ càng dễ dàng chấp nhận và phát triển mạnh mẽ hơn từ sự thay đổi. Nếu anh thật sự muốn biến tầm nhìn tương lai thành hiện thực, hãy giúp nhân viên của mình trở thành những học sinh trọn đời. Để giữ vững vị trí cạnh tranh trong kỷ nguyên mới này, anh phải cho mọi người hiểu rằng họ cần phải liên tục trau dồi kiến thức. Hãy tạo ra một văn hóa doanh nghiệp truyền cảm hứng để mọi người luôn nắm bắt những ý tưởng và thông tin mới mẻ đồng thời chia sẻ mọi thông tin mà anh có. Hãy nhớ điều này, Peter, trong thời đại ngày nay, ai học hỏi nhiều nhất sẽ chiến thắng.”
Julian bước lên bờ suối và băng qua đồng cỏ tươi tốt, anh tiếp tục chia sẻ về nghệ thuật lãnh đạo trong việc quản lý sự thay đổi mà anh đã được lĩnh hội.
“Anh thấy đấy, trong sự thay đổi cũng có niềm vui. Nếu không thay đổi thì không có sự phát triển. Nếu không thay đổi thì càng không có sự tiến bộ. Nếu không thay đổi thì sẽ không có một tiến triển nào cả. Hãy nhìn đồng cỏ này và khu rừng mà anh đã đi qua. Chúng luôn trong trạng thái không ngừng thay đổi. Lá rụng khỏi cành rồi lá mới mọc lên. Những chú chim non mới nở rồi cũng trưởng thành. Mùa vụ chuyển đổi từ đông sang xuân. Ngay cả những chú bướm xinh đẹp này đây chẳng qua là những chú sâu đã học cách thay đổi. Hãy hiểu rằng thay đổi là cách thế giới này vận hành. Thay đổi là điều thiết yếu trong quá trình tiến hóa của nền văn minh nhân loại. Thay đổi cần thiết cho sự sinh tồn của chúng ta. Sự thay đổi là bạn thân nhất của loài người. Những người lãnh đạo tầm thường sẽ chống lại nó, nhưng những nhà lãnh đạo có tầm nhìn sẽ yêu thích nó. Triết gia nổi tiếng Marcus Aurelius đã bắt lấy cảm xúc đó một cách tuyệt vời khi ông nói rằng, ‘Hãy luôn quan sát để nhận thấy vạn vật là kết quả của sự thay đổi, hãy luôn nghĩ rằng không có gì khiến Mẹ Thiên Nhiên yêu thích cho bằng việc thay đổi những hình thái hiện có bằng những hình thái mới mẻ tương tự’.”
“Anh đã biến đổi hoàn toàn cái nhìn của tôi về sự thay đổi đấy, Julian. Tôi chưa bao giờ nghĩ rằng sự thay đổi lại bị chi phối bởi các quy luật tự nhiên và nó là yếu tố cốt lõi không chỉ đối với sự thành công của công ty chúng tôi mà còn ảnh hưởng đến cả quá trình phát triển của xã hội. Anh còn bài học nào khác về cách quản lý sự thay đổi không?”
“Một bài học vừa nhảy tới đây”, Julian vừa đáp vừa chỉ tay vào một con ếch da xanh đốm nâu. “Anh bạn nhỏ này là một ví dụ hoàn hảo về những gì có thể xảy ra với anh nếu anh quyết định chờ tới khi có sự biến đổi lớn xảy ra trong môi trường trước khi anh kịp thay đổi tư duy và hành động để có thể tồn tại.”
“Sao lại như vậy?”
“Nếu anh mang một con ếch và thả nó vào một chậu nước nóng, anh nghĩ chuyện gì sẽ xảy ra?”
“Tôi cá là nó sẽ nhảy ra ngoài.”
“Chính xác. Vậy giờ tôi sẽ đưa ra một tình huống khác. Giả sử chúng ta thả con ếch vào nước ở nhiệt độ phòng và yên lặng để nó thư giãn trong đó. Sau đó chúng ta từ từ tăng nhiệt độ cho nước nóng dần lên. Anh nghĩ chuyện gì sẽ xảy ra?”
“Đừng nói với tôi là con ếch sẽ vẫn ở trong nước và chẳng làm gì cả nhé?”
“Nó chính xác sẽ như vậy, giống như cách phản ứng của đa số các công ty khi sự thay đổi len lỏi chậm rãi đến mức họ thường bỏ qua nó. Anh thấy đấy, cũng như hầu hết các doanh nghiệp hiện nay, hệ thống bên trong cơ thể con ếch chỉ sẵn sàng để phản ứng trước những sự thay đổi môi trường đột ngột. Vì thế, khi những thay đổi chậm như việc nâng dần nhiệt độ nước xảy ra, nó sẽ không kịp phản ứng. Nó còn có vẻ hưởng thụ trong môi trường đó. Và rồi, ngay lúc không ngờ tới nhất, nó sẽ bị đun sôi đến chết, một tai nạn bởi chính lối suy nghĩ tự mãn.”
“Một phép ẩn dụ xuất sắc, Julian. Anh nghiên cứu chuyên sâu về sinh học từ khi nào vậy?”
“Tôi từng hẹn hò với một cô giáo toàn dạy những vấn đề kiểu như vậy ở trường trung học. Khi đó tôi cảm thấy chủ đề này rất nhàm chán, nhưng bây giờ thì tôi nhận ra những quy luật tự nhiên cũng chính là những quy luật của cuộc sống. Và càng sớm thấu hiểu và vận dụng chúng vào cuộc sống thường nhật chừng nào, chúng ta càng có thể sớm nắm bắt được lợi thế từ những thay đổi đang tràn lan khắp xã hội chừng ấy. Hãy nhớ rằng, anh chỉ có thể tuân theo những quy luật tự nhiên, hoặc là anh chống lại nó.”
“Và bị luộc chín giống anh bạn ếch kia”, tôi bổ sung.
“Anh đã hiểu vấn đề rồi đấy.”
“Còn cách nào khác để kiểm soát sự thay đổi không? Tôi rất thích những bài học mà anh chia sẻ hôm nay, Julian. Chúng đều rất ý nghĩa.”
“Tất cả những quy tắc về nghệ thuật lãnh đạo mà tôi chia sẻ trong buổi sáng hôm nay đều là những lý lẽ thông thường, nhưng đa số mọi người lại quá bận rộn nên không thể nhận ra chúng.”
“Quá đúng.”
“Lời khuyên tiếp theo của tôi là anh hãy khuyến khích các nhân viên của mình trở thành một đội ngũ chuyên nghiệp”, Julian nhanh chóng đáp lời. “Điều này cũng có phần liên quan đến việc trở thành những người học hỏi suốt đời mà tôi đã nhắc đến. Nhưng nó còn bao hàm nhiều ý nghĩa hơn nữa. Là một nhân viên chuyên nghiệp nghĩa là anh sẽ không chờ đợi người quản lý cầm tay chỉ việc và dẫn đường cho anh trong suốt quá trình thay đổi. Thay vào đó, anh tự nhận lấy trách nhiệm cho bản thân cũng như cho những tình huống phát sinh. Nếu có vấn đề trong bộ phận của mình, anh sẽ phải nghĩ cách để giải quyết nó. Hãy ngưng việc đổ lỗi và bắt đầu xem bản thân là người-đưa-giải-pháp.”
“Vậy ở vai trò lãnh đạo, tôi có thể làm gì để giúp họ phát huy được sự chín chắn và tự chủ trong công việc?”
“Bí quyết chính là giúp họ nâng cao khả năng để tạo thêm giá trị. Trong thị trường kinh doanh, mọi người sẽ hưởng lương thưởng dựa vào những giá trị mà họ mang lại. Một anh chàng làm bánh mì kẹp có thể còn sáng tạo hơn một CEO có thu nhập chín con số, nhưng rõ ràng anh ta tạo ra ít giá trị cho thị trường hơn vị CEO kia. Kết quả là anh ta được trả công ít hơn rất nhiều. Bằng việc giúp đội ngũ nhân viên nâng cao kiến thức và năng lực, anh sẽ tạo điều kiện cho họ mang lại những giá trị cao hơn. Anh sẽ giúp họ nhận ra rằng sự thay đổi trong tổ chức không phải là màn trình diễn thể thao đẹp mắt, và để có thể sống sót trước những thay đổi, họ cần tham gia trực tiếp vào cuộc chơi và nỗ lực đóng góp trong suốt quá trình. Bằng cách đó, họ không những nâng cao được sự tự tin và trực giác nhạy bén, mà còn giảm được đáng kể cảm giác căng thẳng khi đối diện sự thay đổi.”
“Làm sao như vậy được?”
“Một trong những nỗi căng thẳng khủng khiếp nhất liên quan đến tốc độ diễn ra quá nhanh của sự thay đổi xảy ra khi nhân viên lo sợ rằng mình sẽ không bắt kịp với nhịp thay đổi đó, và họ sẽ không còn giá trị đối với công ty nữa. Vậy mà đa số các doanh nghiệp vẫn không nhận ra tầm quan trọng của việc liên tục đào tạo kỹ năng lãnh đạo và phát triển các kỹ năng toàn diện. Các công ty thường xuyên sử dụng từ 50 đến 70% ngân sách cho quỹ lương nhưng lại chi chưa đến 1% ngân sách vào việc đào tạo để phát triển năng lực của nhân viên. Điều này quá vô lý. Bằng việc duy trì đầu tư vào đội ngũ nhân viên, cho họ tham gia các hội thảo tập huấn và giúp họ tiếp cận với những quyển sách mới nhất trong mảng kinh doanh, anh sẽ mài giũa được những kỹ năng của nhân viên, phát triển tài năng của họ và giúp họ nhận ra rằng họ có đủ thực lực để lãnh vai trò dẫn đầu trong việc tạo ra thay đổi ở công ty. Anh sẽ giúp họ biến điểm yếu thành thế mạnh. Ben Franklin từng nói, ‘Hãy dốc những đồng xu cuối cùng trong ví để đầu tư vào tri thức và chính tri thức ấy sẽ lắp đầy ví bạn với vô khối tiền’, trong khi Abe Lincoln lại có quan điểm rằng, ‘Đặc biệt giỏi một cái gì đó chính là sự bảo đảm chắc chắn nhất cho cuộc sống của bạn’. Hãy chi những khoản tiền cần thiết để biến những nhân viên của anh thành những người đứng đầu trong lĩnh vực của họ. Phải hiểu rằng phát triển nhân lực là một khoản đầu tư khôn ngoan, chứ không phải một khoản hao phí. Anh phải biết rõ là sự phát triển của công ty tỷ lệ thuận với sự phát triển của đội ngũ nhân viên. Với việc giúp nhân viên trở nên chuyên nghiệp hơn và trở thành một phần thiết yếu của công ty, anh không chỉ thúc đẩy năng suất làm việc mà còn có được một đội ngũ nhân sự trung thành.”
“Điều này rất đúng, Julian. Trong công ty tôi có một chàng trai trẻ ban đầu làm việc ở vị trí thư ký vận chuyển. Đó là một anh chàng dễ thương - một trong số ít nhân viên mà tôi thật sự có mối liên kết - và thỉnh thoảng tôi lại dành thời gian để trò chuyện với cậu ấy. Cậu ấy nói với tôi về mong muốn được thử sức trong công việc lập trình nhưng lại thiếu các kỹ năng cần thiết. Thế là tôi đã tài trợ cho cậu ấy theo học một khóa đào tạo. Rất nhanh sau đó, cứ đến giờ ăn trưa cậu ấy lại đi theo những lập trình viên khác và hỗ trợ họ. Có thể thấy rằng chàng trai trẻ này rất có năng khiếu, nên một quản lý của tôi đã cho cậu ấy làm công việc viết các chương trình phần mềm.”
“Vậy bây giờ chàng trai ấy đang ở đâu?”
“Cậu ấy hiện đang là lập trình viên xuất sắc nhất của chúng tôi. Một công ty đối thủ đã cố gắng lôi kéo cậu ấy với một mức lương rất hậu hĩnh, nhưng cậu ấy từ chối. Cậu ấy nói rằng mình hạnh phúc với công việc hiện tại. Ước gì tất cả nhân viên của tôi đều cảm thấy như vậy.”
“Có thể họ sẽ cảm thấy như vậy nếu anh cũng đầu tư cho họ giống như những gì anh đã làm với chàng trai kia. Anh đã trao cho cậu ấy cơ hội để phát triển bản thân, và đổi lại, cậu ấy cũng báo đáp anh bằng lòng tin tưởng. Anh thấy không, thêm một lý do vì sao mọi người kháng cự lại sự thay đổi, bởi họ đơn giản là không tin tưởng vào người lãnh đạo. Họ không tin rằng ban lãnh đạo và quản lý công ty thật sự quan tâm đến lợi ích tốt nhất của họ. Họ nghi ngờ những người đứng đầu chỉ biết hành động vị kỷ. Giúp nhân viên của anh trở thành những người ưu tú sẽ thay đổi điều đó. Nếu anh coi sứ mệnh của mình là người xây dựng đội ngũ nhân viên, họ sẽ nhìn thấy sự tận tâm của anh. Một công ty rất thành công mà tôi từng làm đại diện chỉ dùng bốn ngày trong tuần cho công việc.”
“Còn ngày thứ năm thì sao?”
“Ngày đó được dành riêng cho việc đào tạo nhân viên.”
“Thật không thể tin được.”
“Phải luôn đề cao tầm quan trọng của việc không ngừng phát triển nguồn nhân lực, đừng bao giờ trồng cây mà không giữ rừng.”
“Ý anh là sao?”
“Những nhà lãnh đạo có thiện chí thường xuyên mời các diễn giả về công ty, cho nhân viên tham gia các buổi hội thảo, đầu tư vào những quyển sách và băng đĩa mới nhất trong mảng kinh tế, nhưng họ lại quên mất một điều quan trọng nhất.”
“Là gì?”
“Kiến thức không được áp dụng thì sẽ trở nên vô nghĩa. Thành công không được quyết định bởi những điều anh biết. Rất nhiều nhân viên biết cần phải làm gì để giúp công ty trở nên thịnh vượng. Thành công thật sự chỉ đến qua hành động, khi anh áp dụng những hiểu biết của mình vào thực tiễn. Để trở thành một công ty mang tầm vóc quốc tế đích thực, anh và đội ngũ nhân viên phải biết đi từ lý thuyết sang thực hành và biến ước mơ thành hiện thực. Tôi vẫn nhớ trong túp lều nhỏ của Yogi Raman, ông đã nói một câu mà ông thường dùng để nhắc nhở bản thân về tầm quan trọng của việc luôn hành động có thiện chí.”
“Câu ấy là gì?”
“Câu ấy là thế này: ‘Mùa xuân đã xa, mùa hạ đã qua và mùa đông lại đến. Và bài ca tôi muốn ca vẫn chưa cất thành lời. Mỗi ngày qua tôi chỉ mải mê căng dây đàn xong lại nới ra’. Tôi tin rằng những lời này đã giúp ông luôn ý thức được một sự thật đó là thời gian như bóng câu qua cửa sổ, và đây chính là lúc phải biến những ý tưởng hay của mình thành kết quả thực tiễn.”
Rồi Julian ngước nhìn bầu trời, chăm chú nhìn vào một khoảng không cố định và khẽ lẩm bẩm điều gì nghe như là, “Ta sẽ đi tìm bạn sớm thôi, bạn thân mến”. Giờ đây thì tôi đã quá quen thuộc với biểu hiện đôi lúc kỳ quặc của anh và ghi nhận điều đó như một sự ảnh hưởng có được từ sau khi anh tiếp cận với những nhà hiền triết thuộc một thế giới khác trên dãy Hy Mã Lạp Sơn.
“Được rồi, một ý cuối cùng trước khi trời sáng hẳn”, Julian tiếp tục câu chuyện và lại hướng sự tập trung vào tôi. “Hẳn là anh đã mệt lả sau cuộc vui náo nhiệt ban nãy và tôi cũng có vài việc phải để tâm chăm chút trong hôm nay. Quy luật tự nhiên cuối cùng giúp anh kiểm soát được sự thay đổi chính là điều mà tôi đã đề cập đến ở lần gặp trước: gieo nhân nào, gặt quả nấy. Đây chính là Quy luật Nhân quả từ xa xưa.”
Nói rồi Julian dẫn tôi đến vườn rau của mình. “Tôi luôn dành thời gian mỗi sáng để chăm sóc mảnh vườn này. Tôi làm với lòng trân trọng vì nó tạo ra lương thực cho tôi. Tôi vun xới đất, tưới nước và nhổ cỏ với tất cả tình yêu mến. Tôi đã học được ra rằng tôi càng chăm chút mảnh vườn chu đáo chừng nào thì nó lại càng chăm sóc tôi nhiệt tình chừng ấy. Những luống rau củ này là một trong những nguyên do giúp tôi trông trẻ trung như vậy.”
Và rồi Julian với tay nhổ lên một bụi cà rốt tươi ngon. Tôi vô cùng kinh ngạc trước kích thước to lớn của chúng.
“Anh mang một ít về nhé?”
“Chắc chắn rồi, Samantha sẽ thích lắm đây.”
“Anh thấy không, Peter, tâm trí của chúng ta cũng giống như khu vườn này. Nếu chúng ta quan tâm chúng, vun xới chúng và chỉ cung cấp ‘nguồn dinh dưỡng’ tốt nhất cho chúng, thì chúng sẽ tạo ra ‘trái ngọt’ đưa chúng ta đến thành công. Nhưng vấn đề ở rất nhiều người là họ quá dễ dãi và dung nạp mọi thứ. Họ bắt đầu một ngày bằng việc đọc những tin tức tiêu cực trên báo. Sau đó, họ lại suy nghĩ tiêu cực trong lúc chờ đợi thoát khỏi cảnh kẹt xe. Khi đã đến chỗ làm, họ chỉ tập trung vào những điều tiêu cực thay vì sáng suốt suy nghĩ để tìm kiếm những việc tích cực. Và rồi, đến cuối ngày, sau khi đã nhét đầy những chuyện tồi tệ nhất vào đầu, họ lại tự hỏi tại sao mình cảm thấy kiệt sức và khổ sở như vậy. Hãy nhớ rằng tinh thần có thể là người bạn tốt nhất, hoặc cũng có thể là kẻ thù lớn nhất của anh. Đừng cho phép cỏ dại xâm chiếm khu vườn của mình. Phải kiểm soát trạng thái tinh thần. Hãy thật sự có trách nhiệm để làm chủ thái độ sống. Vì gieo nhân nào sẽ gặt quả nấy.”
“Cha tôi cũng từng nói với tôi như vậy”, tôi khẽ đáp.
“Điều đó cho thấy ông ấy là một người thông thái”, Julian nhận xét. “Anh thấy đấy, một khi đã hiểu rõ vấn đề, anh sẽ nhận ra rằng những nhà lãnh đạo không lãnh đạo công ty. Họ thậm chí cũng không lãnh đạo con người. Cái mà họ thật sự dẫn dắt và truyền cảm hứng chính là thái độ. Những nhà lãnh đạo đích thực là người cho nhân viên thấy một hiện thực tốt đẹp hơn đang chờ đợi họ ở rất gần thôi và trang bị cho họ sự nhiệt huyết và những kỹ năng cần thiết để đến được đó. Vì thế, hãy khuyến khích tối đa lối tư duy tích cực trong tập thể của anh. Tin tôi đi, đây không phải thứ ‘mềm yếu’ như cách những nhà lãnh đạo và quản lý chưa được khai sáng sẽ nói với anh. Một tư duy tràn đầy cảm hứng và năng lượng chính là yếu tố rất quan trọng quyết định sự thành công.
“Và còn điều này nữa”, Julian bổ sung. “Trong kỷ nguyên thương mại mới mà anh đang sống, ý tưởng là yếu tố cốt lõi dẫn đến thành công. Việc anh đi được bao xa sẽ tùy thuộc vào việc anh đã suy nghĩ thấu đáo mức nào. Giống như Disraeli từng nói, ‘Hãy nuôi dưỡng tâm trí của bạn bằng những suy nghĩ vĩ đại, vì bạn sẽ không bao giờ vươn cao hơn những gì bạn nghĩ’.”
“Một quan điểm rất hay, Julian à. Ý của anh là, khi đã dốc mọi nỗ lực để đạt thành công, những giới hạn duy nhất còn lại của chúng ta nằm ở cách tư duy, có đúng không?”
“Chính xác. Hãy thử nghĩ xem. Tất cả những khám phá, thành tựu và phát minh đều bắt đầu bằng một ý tưởng đơn giản trong suy nghĩ của một người đầy cảm hứng nào đó. Ý tưởng tạo ra bóng đèn sợi đốt của Edison, hay mong muốn phát triển một loại vắc-xin ngừa bệnh bại liệt của Salk, hay khát vọng mang lại tự do cho nhân dân của Gandhi đều bắt nguồn từ một ý nghĩ giản đơn trong tâm trí họ. Không hơn không kém. Anh bắt đầu nhận ra sức mạnh của khối vật thể nằm giữa hai vai mình và giữa hai vai của các nhân viên chưa?”
“Tôi nhận ra rồi.”
“Vậy nên một trong những nguyên tắc quản lý thay đổi hiệu quả nhất mà anh có thể làm theo là hãy bắt đầu rèn luyện suy nghĩ của bản thân cũng như của đội ngũ nhân viên để xem tất cả những biến động đang diễn ra như một cơ hội hiếm thấy để học hỏi, trưởng thành và thành công. Hãy liên tục tập cho họ có thói quen nhìn thấy mặt tích cực trong mọi hoàn cảnh, và nhận ra những tiềm năng trong các khó khăn trở ngại. Những nhà lãnh đạo có tầm nhìn là những người chỉ ra cho nhân viên những điều tốt đẹp và nguồn cảm hứng dồi dào giữa một hiện thực mà cả thế giới chỉ nhìn thấy những điều tăm tối”, Julian nói một cách say sưa. “Đây chính là điều mà Helen Keller từng nói, ‘Chưa kẻ bi quan nào có thể phát hiện ra bí ẩn của những vì sao, hay căng buồm tới miền đất mới, hay mở ra nước thiên đàng trong tâm hồn con người’.” Julian nói thêm, “Ồ, và nhân tiện, tôi cũng đề xuất là anh hãy đề nghị các nhân viên của mình trở thành những người hoang-tưởng-ngược. Nó sẽ giúp tăng năng suất lao động đáng kể và kích thích tinh thần làm việc của họ đấy”.
“Hoang-tưởng-ngược là cái gì thế?”
“Hoang-tưởng-ngược là khi một người tin rằng thế giới này luôn ‘âm mưu’ mang đến những điều tốt đẹp cho họ. Như nhà tâm lý học vĩ đại của Harvard, William James, từng nói ‘Niềm tin sẽ tạo ra thực tế’.”
“Tôi thích điều này.”
“Sự thật là vậy, Peter à. Những kỳ vọng của chúng ta sẽ tạo ra hiện thực. Sự thành công của chúng ta trong công việc cũng như trong cuộc sống chính là một lời tiên đoán tự-thành-sự-thật. Suy nghĩ thật sự có sức mạnh - đừng bao giờ quên quy luật muôn thuở này của tự nhiên. Anh thấy đấy, suy nghĩ cũng giống như việc đi trên những con đường nhỏ này”, Julian chỉ tay về những lối đi ngoằn ngoèo từ túp lều của anh tỏa ra nhiều hướng. “Mỗi ngày, anh được lựa chọn con đường nào mình sẽ đi. Chọn một con đường bất kỳ và nó chắc chắn sẽ đưa anh tới một đích đến. Chọn một con đường khác, nó sẽ đưa anh tới một đích đến hoàn toàn khác. Nếu có điều gì các hiền triết muốn truyền đạt nhất thì đó là, hiệu quả sự lãnh đạo của anh được quyết định bởi những lựa chọn ban đầu.”
“Ồ, thật sao?”
“Đúng vậy. Luật Nhân quả luôn đúng trong mọi trường hợp. Đến cuối cùng, mức độ thành công của anh chung quy là những định hướng và hoạt động mà anh đã chọn để tập trung phát triển. Anh đã lựa chọn đồng hành cùng ai, anh và GlobalView đã quyết định nắm bắt những cơ hội nào, anh đã đọc những quyển sách nào.”
“Và cả những suy nghĩ nào tôi đã cho phép vào trong khu vườn tâm trí của mình”, tôi tiếp lời anh, sau khi đã hoàn toàn hiểu rõ quan điểm về sức mạnh của sự lựa chọn mà Julian đang nói đến.
“Xuất sắc lắm, Peter, không thể có một học trò nào giỏi hơn anh”, Julian đáp lời. “Như tôi đã nói, suy nghĩ cũng giống như việc đi trên những con đường này. Nếu anh có tính tự giác kỷ luật để chọn đường đi đúng, nó sẽ dẫn anh tới nơi anh muốn. Nhưng nếu anh chọn sai đường, có thể anh sẽ chẳng bao giờ tới được đích đến đã định trước. Và đó là tất cả những gì tạo ra suy nghĩ tiêu cực. Sự căng thẳng sẽ len lỏi vào tâm trí anh và thay vì chuyển hướng để đi trên một con đường khác tươi sáng hơn, anh lại tiếp tục lê bước trên lối đi cũ. Và cũng giống như những con đường này, anh càng đi lại trên con đường tiêu cực nhiều lần, anh càng trở nên thân thuộc với nó hơn. Anh sẽ càng cảm thấy đây mới là con đường dành cho mình. Cả hai chúng ta đều biết rõ lối suy nghĩ đó sẽ đẩy anh đến đâu trong kỷ nguyên của sự thay đổi này. Yogi Raman từng chia sẻ với tôi một sự thật là, từ ‘lễ hỏa táng’ trong tiếng Phạn nhìn giống hệt như từ ‘lo lắng’ trong tiếng Anh’.”
“Ồ, bất ngờ thật đấy!”
“Thật ra nếu nghĩ kỹ thì cũng không bất ngờ lắm đâu. Hai từ ấy có liên quan với nhau.”
“Thật vậy sao?”
“Đúng vậy. Nghi lễ hỏa táng thiêu cháy người chết, còn sự lo lắng sẽ thiêu rụi người sống. Khi một suy nghĩ tăm tối len lỏi vào tâm trí khiến anh cảm thấy bản thân thật bất lực và vô dụng, đừng để nó lớn mạnh bằng việc suy nghĩ nhiều hơn và tiếp cho nó năng lượng. Phải quyết tâm không đi thêm bước nào trên lối mòn đó và nhanh chóng chuyển sang một hướng khác. Điều này sẽ tạo ra một khác biệt rất lớn trong cách suy nghĩ và cảm nhận của anh.”
“Mark Twain từng nói, ‘Tôi có quá nhiều nỗi lo âu trong cuộc đời, một vài trong số đó đã thật sự xảy đến’. Cuối cùng thì tôi cũng hiểu ý nghĩa câu nói này”, tôi nhận xét.
“Tôi phải ghi nhớ câu này mới được. Anh cũng biết là tôi thích trích dẫn mấy câu nói thâm thúy của những nhà thông thái mà, câu anh vừa trích là một trong số đó.”
Trong khi Julian đưa tôi băng qua rừng để quay về chỗ đỗ xe lúc sáng, tôi miên man nghĩ ngợi về những thay đổi mà GlobalView đã trải qua và làm cách nào để có thể áp dụng những tri thức về nghệ thuật lãnh đạo vừa học hôm nay để biến chúng thành lợi thế cho công ty. Chỉ trong một khoảng thời gian ngắn ngủi được học với Julian, tôi đã bắt đầu nhận ra thay đổi thực chất là con đường để vạn vật không ngừng tiến hóa và cải thiện. Thay vì chống lại sự thay đổi, giờ đây tôi hiểu rằng mình phải thuận theo sự thay đổi và điều chỉnh bản thân theo đó nếu tôi còn hy vọng được thành công. Tôi phải tiếp nhận một thế giới quan mới và tươi sáng hơn, đồng thời tập trung nắm bắt những cơ hội ngàn vàng mà kỷ nguyên của nền kinh tế mới mang lại. Tôi phải ngưng việc đổ lỗi cho sự thay đổi và phải trở thành một phần của thay đổi đó. Như Thomas Fuller từng nhận xét, “Đổ lỗi cho thời cuộc chỉ là sự ngụy biện cho bản thân”. Tôi và ban lãnh đạo của GlobalView phải chấm dứt việc đối phó với thay đổi, thay vào đó, chúng tôi cần trở nên thích ứng tốt hơn với sự thay đổi. Chúng tôi phải là những nhà lãnh đạo có tầm nhìn. Một buổi sáng quá đặc biệt đối với tôi, và tôi đã chia sẻ với Julian như vậy.
“Phần hay nhất còn chưa tới đâu, anh bạn ạ. Anh sẽ không thể ngờ được địa điểm gặp mặt tiếp theo là ở nơi nào đâu. Tôi đã lên sẵn một chương trình thú vị cho anh rồi đấy”, Julian cười đắc ý.
“Tôi rất nóng lòng muốn biết”, tôi đáp. “Tốt hơn hết là tôi phải trả tiền bảo hiểm sức khỏe đầy đủ trước đã. Học hỏi các nguyên tắc của những nhà lãnh đạo xuất chúng quả là một cuộc phiêu lưu đầy bất ngờ! Vậy lần tới chúng ta sẽ gặp nhau ở đâu?”
“Tại Căn cứ Quân sự Yaleford”, Julian ngay lập tức trả lời.
“Anh đùa hả, Julian?”
“Không đâu. Đó là địa điểm lý tưởng để tôi chia sẻ với anh về Nguyên tắc thứ năm trong hệ thống các nguyên tắc lãnh đạo mà Yogi Raman đã truyền thụ cho tôi. Gặp nhau lúc tám giờ tối thứ Sáu tuần tới nhé.”
“Chắc chắn rồi. Tôi có được xem qua trước một vài ý chính không nhỉ?”, tôi hỏi với sự hiếu kỳ không thể kiểm soát nổi.
“Được chứ, sao lại không? Hãy tự nghiên cứu trước nhé”, Julian vừa nói vừa cho tay vào áo choàng và lấy ra một mảnh ghép hình bằng gỗ mà tôi đang trông đợi. Tôi phát hiện ra rằng những mảnh ghép trước đây hoàn toàn vừa khít với nhau và một hình ảnh nào đó đang dần được hoàn chỉnh. Và tôi dám chắc mảnh ghép tiếp theo này sẽ làm rõ hơn hình ảnh đó.
“Tôi không thấy có chữ nào được khắc trên đây cả, Julian. Có nhầm lẫn gì không?”
“Anh đang cầm ngược đấy, anh bạn”, Julian nói với nụ cười rộng đến mang tai.
Phải rồi, tôi xoay mảnh ghép lại và nhận ra những dấu vết mà mình đang tìm kiếm, chính là gợi ý tiếp theo để tôi có thể thay đổi phương thức lãnh đạo và lấy đà để khởi động lại GlobalView. Dòng chữ được khắc ngắn gọn, Nguyên tắc thứ năm: Tập trung vào những thứ xứng đáng.