Giữa sự rối ren, vội vã và ồn ào này, nhiệm vụ của bạn là hãy nắm bắt khoảnh khắc yên tĩnh sâu lắng, tìm lại ý nghĩa của nó, để giữ gìn và nâng niu nó.
Paul Hindemith
Đã nhiều năm trôi qua kể từ lần cuối cùng tôi đặt chân đến căn cứ quân sự cũ nằm phía cuối Đường Nội hạt Số 27. Hồi tôi còn bé, cha vẫn thường dẫn tôi tới đó. Hai cha con tôi thường ngồi trên đồi cao hàng giờ liền, nhìn xuống khoảng đất trống được rào kín của quân đội và quan sát các binh sĩ thực hiện các bài tập luyện với một độ chính xác gần như tuyệt đối. Tôi vẫn không hiểu được điều gì đã khiến cha đặc biệt thích thú với hình ảnh đó. Có thể là vì sự hoành tráng của buổi tập. Cũng có thể là do tính chính xác trong từng chi tiết của những bài tập. Hoặc chỉ đơn giản là khi đến đó, ông có được một khoảng thời gian hiếm hoi ngồi riêng bên cạnh con trai mình. Dù sao thì cũng có thể chắc chắn một điều là tôi rất nhớ ông.
Trong lúc đỗ chiếc BMW của mình vào chỗ trống, tôi đảo mắt nhìn quanh để tìm Julian. Bây giờ là tám giờ tối và tôi đến vừa đúng giờ, nhưng anh bạn lâu năm của tôi vẫn chưa xuất hiện. Những người duy nhất mà tôi có thể nhìn thấy lúc này là các học viên sĩ quan đang diễu binh ngang qua sân, cùng với một huấn luyện viên là viên trung sĩ trẻ tuổi đang hét to hiệu lệnh bằng tất cả sức lực.
Các binh sĩ đứng yên giữa sân cỏ một lúc, và rồi họ bắt đầu diễu binh về phía tôi. Tôi tự hỏi tại sao họ lại hướng về bãi đỗ xe trong khi doanh trại còn cả một khoảng đất trống để họ tập luyện. Và rất nhanh sau đó, tôi nhận ra họ đang tiến thẳng về phía mình. Càng đến gần thì bước chân của các chàng trai trẻ càng dồn dập hơn. Tôi vẫn đứng yên tại chỗ, toàn thân bất động. Khi họ đến gần, tôi nhận ra nhiều người trong số họ đang mỉm cười. Một số người thậm chí còn cười vang trong khi mồ hôi đang tuôn thành dòng trên mặt - kết quả của buổi tập luyện khắc nghiệt dưới ánh nắng chiều nóng như đổ lửa.
Tôi vẫn chưa nhìn thấy vị trung sĩ điều khiển buổi diễu binh này, nhưng tôi đã quyết định sẽ mắng cho anh ta một trận nhớ đời. Xét cho cùng, đây chính là những người có trách nhiệm bảo vệ cho đất nước vĩ đại này và những buổi tập luyện của họ cần được thực hiện một cách nghiêm túc. Chắc chắn họ phải có những việc tốt đẹp khác để làm hơn là quấy nhiễu một thường dân vô tội như tôi đây. Sau đó, cả nhóm binh sĩ dừng lại. Trong khi vẫn giữ nguyên nụ cười, nhưng không ai trong số họ nhìn tôi; thay vào đó tất cả đều đang chăm chú nhìn một điểm xa xăm nào đó. Tôi quyết định sẽ hành động trước, rồi cứ thế đi dọc theo hàng ngũ của họ để tìm người chỉ huy.
Sau cùng tôi cũng đến được hàng cuối cùng. Tuy khuôn mặt anh ấy bị che khuất dưới vành mũ, tôi vẫn có thể nhìn thấy anh ta có một tướng mạo hoàn hảo: cao dong dỏng, săn chắc, cùng một dáng đứng thẳng.
“Chuyện gì đang xảy ra ở đây vậy?”, tôi lớn tiếng chất vấn, nhân viên của tôi từng phải giật thót khi nghe tôi nói chuyện kiểu này. “Tôi chỉ vừa đỗ xe vào bãi để đến gặp một người bạn. Tại sao anh lại chỉ huy họ diễu binh về phía tôi? Tôi đâu có ngáng đường của các anh.”
“Chúng tôi qua đây để thẩm vấn ông”, anh ta trả lời với giọng chắc chắn. “Có một câu hỏi chúng tôi muốn ông phải trả lời. Nếu trả lời đúng, ông được quyền tự do làm những điều ông muốn. Ngược lại, nếu ông trả lời sai, chúng tôi buộc phải tạm giữ ông.”
Chắc chắn đây là một trò đùa quái gở. Tất cả những gì tôi đã làm là cho xe vào bãi đỗ xe của họ. Tôi là CEO của một trong những công ty lớn nhất nước. Tôi đóng thuế đầy đủ và luôn tuân thủ pháp luật. Tuy tôi có thể chưa là một người lãnh đạo tốt, nhưng những lỗi lầm của tôi không đáng phải bị tống giam.
“Nghe này, tôi không hiểu chuyện gì đang diễn ra, nhưng tôi nghĩ các anh nhầm người rồi. Tôi là một doanh nhân lương thiện. Tôi điều hành một công ty phần mềm lớn. Tôi đến đây để gặp một người bạn cũ, người mà lẽ ra đã phải có mặt từ lúc tám giờ tối. Anh ấy thường không trễ hẹn thế này. Có thể anh và các anh bạn trẻ ở đây đã nhìn thấy anh ấy ở đâu đó quanh đây. Các anh chắc chắn không thể không nhận ra sự xuất hiện của anh ấy. Vì anh ấy rất nổi bật với trang phục thầy tu màu đỏ.”
Các sĩ quan trẻ bắt đầu bật cười, lúc đầu họ cố gắng kiềm chế và rồi sau đó tiếng cười mỗi lúc một lớn dần. Tuy vậy, viên sĩ quan chỉ huy vẫn giữ nguyên vẻ nghiêm túc và tiếp tục, “Tôi vẫn phải hỏi ông một câu hỏi. Và như tôi đã nói, nếu trả lời đúng, ông được toàn quyền tự do theo ý mình”.
“Được thôi, tôi đang nghe đây”, tôi bực dọc đáp.
“Ông có mang theo mảnh ghép thứ năm không?”, viên sĩ quan lên tiếng.
“Xin lỗi, nhưng anh nói gì vậy?”, tôi lắp bắp hỏi lại.
“Anh đã nghe rồi đó, Peter, anh có mang theo mảnh ghép thứ năm không? Làm sao chúng ta có thể tiếp tục bài học của Yogi Raman về phương thức xây dựng phong cách lãnh đạo có tầm nhìn nếu thiếu mảnh ghép thứ năm?”
Tôi lập tức với tay ra trước và giật chiếc mũ mà viên sĩ quan chỉ huy đang đội. Tôi quá sững sờ nhận ra người trước mặt mình. Chính là Julian! Anh nhanh tay vỗ lưng tôi một cái và phá lên cười trong khi những tân binh còn lại, những diễn viên trong vở kịch được dàn dựng công phu của anh ấy, bắt đầu hò reo.
“Chào mừng đến với Căn cứ Quân sự Yaleford, Peter!”
“Thật không tin được anh có thể làm chuyện này, Julian. Làm cách nào mà anh thuyết phục những người này đi cùng với anh đến đây? Và chuyện gì đã xảy ra với cái áo choàng huyền thoại của anh rồi? Tôi còn tưởng anh sẽ không bao giờ cởi nó ra đấy.”
“Chỉ cho những dịp rất đặc biệt như thế này thôi”, Julian mỉm cười đáp lại. “Chỉ huy căn cứ này là một người bạn cũ của tôi. Chúng tôi đã học chung với nhau tại Harvard trước đây. Vì anh ấy còn nợ tôi một lần giúp đỡ, nên tôi quyết định nhân cơ hội này giúp anh ấy trả món nợ đó.”
Mặt trời đang dần buông xuống để lộ ra một buổi tối mùa hạ tuyệt đẹp. Trong khi tôi và Julian tản bộ đến khu vực giữa sân thì các tân binh đã quay trở về hàng ngũ, rồi di chuyển về phía doanh trại. Giờ đây, sau khi đã lấy lại bình tĩnh, tôi bắt đầu nhận ra sự khôi hài trong trò đùa tinh quái của Julian.
“Dù sao thì tôi cũng có mang theo mảnh ghép thứ năm đây”, tôi nói.
“Tuyệt lắm. Hôm nay tôi sẽ chia sẻ với anh một bài học khác cũng rất cần thiết, nếu anh thật sự muốn nâng cao khả năng lãnh đạo của mình.”
“Vậy chính xác thì Tập trung vào những thứ xứng đáng nghĩa là sao?”
“Thử tưởng tượng rằng tôi có quyền năng biến bất kỳ điều ước nào của anh thành hiện thực. Vậy anh sẽ ước điều gì?”
“Quá dễ. Cũng giống như các bậc lãnh đạo và quản lý khác mà tôi biết, tôi ước gì mình có nhiều thời gian hơn. Chỉ cần cho tôi thêm một giờ mỗi ngày và tôi sẽ trở thành người đàn ông hạnh phúc. Với tất cả những cuộc họp phải tham gia, hàng xấp báo cáo phải đọc và bao nhiêu vấn đề phải giải quyết, tôi dường như không có thời gian để làm những việc quan trọng, những thứ thật sự giúp GlobalView phát triển vượt trội. Tôi không thể nhớ được lần cuối cùng tôi có thời gian để ngồi lại vài giờ và lập chiến lược cho tương lai của GlobalView là khi nào. Có vẻ như luôn có hàng tá việc lặt vặt phải giải quyết gấp và những vấn đề quan trọng hơn đòi hỏi tôi phải tập trung suy nghĩ thì luôn bị gác lại đến khi khác. Vì thế, tôi chắc chắn sẽ ước mình có thêm thời gian.”
“Anh đã có rồi đấy”, Julian đáp lời.
“Chỉ vậy thôi sao?”
“Thì tôi đã nói với anh cách để đạt được điều ước đó rồi: Tập trung vào những thứ xứng đáng. Bí quyết để có thêm thời gian tập trung xử lý những việc cần thiết là phải có can đảm để gạt bỏ những điều không thật sự cần thiết.”
“Đơn giản vậy thôi à?”
“Đúng vậy. Đây là thói quen mà mọi nhà lãnh đạo tài giỏi trước anh đã sử dụng hiệu quả từ ngàn xưa. Có một lần, nhà phát minh thiên tài Thomas Edison được hỏi về bí mật làm nên sự thành công vĩ đại của ông. Sau một lúc suy nghĩ, ông trả lời, ‘Đó là khả năng không ngừng tập trung tinh thần và thể chất vào một việc duy nhất mà không cảm thấy chán nản’. Lúc nào anh cũng luôn có việc gì đó cần phải làm, đúng không? Những người khác cũng thế. Nếu anh thức dậy lúc bảy giờ sáng và đi ngủ vào lúc mười một giờ tối, anh đã sử dụng mười sáu giờ để làm việc, và chắc chắn hầu hết mọi người đều làm việc gì đó trong mười sáu giờ này. Vấn đề duy nhất là họ tiêu tốn thời gian cho quá nhiều thứ, trong khi tôi chỉ dành thời gian của mình vào một việc. Nếu họ dùng toàn bộ thời gian làm việc trong ngày vào một mục đích, họ sẽ thành công.
Những nhà lãnh đạo có tầm nhìn đều ý thức rất rõ ràng về mục tiêu của họ và biết chính xác những gì cần phải hoàn thành để đạt mục tiêu đó. Họ hiểu biết một cách hoàn hảo những hoạt động nào mang lại lợi ích tối ưu cho quá trình đi đến mục tiêu của bản thân. Còn lại, tất cả những việc khác đều gây lãng phí thời gian quý báu và họ sẽ chẳng để tâm đến. Anh thấy không, Peter, bí quyết của hiệu suất cá nhân là sự tập trung vào đúng mục tiêu. Giống như Emerson từng phát biểu, ‘Sự tập trung là chìa khóa sức mạnh trong chiến tranh, trong kinh doanh, tóm lại là trong việc quản lý các vấn đề của con người’. Trong công tác lãnh đạo, có những việc xứng đáng để anh đầu tư công sức và tâm trí vào, ngược lại, cũng có những việc không đáng được nhận cả hai điều đó. Một khi anh xác định được vấn đề nào thật sự cần tập trung giải quyết và tự giác quyết tâm thực hiện nó thì hiệu suất của anh trong cương vị một người lãnh đạo sẽ được giải phóng.”
“Khi còn học ở trường kinh tế, tôi nhớ đã đọc một câu nhắc nhở của Peter Drucker là ‘Hãy chuyển từ bận rộn sang đạt kết quả thật sự’”, tôi bổ sung.
“Đúng vậy. Và ông ấy còn viết rằng, ‘Chẳng có gì vô nghĩa hơn việc cố gắng làm thật tốt một việc không nên làm’. Triết gia phương Đông Khổng Tử diễn đạt thậm chí còn đơn giản hơn khi nói, ‘Ai đuổi theo hai con thỏ cùng lúc sẽ ra về tay không’. Còn Yogi Raman lại nói theo một cách khác, ‘Người mà cố gắng làm mọi thứ cuối cùng sẽ chẳng đạt được gì’. Vì vậy, bí quyết để có thể hoàn thành tốt mọi việc chính là biết việc nào nên làm và việc nào không. Và đó chính là ý nghĩa của Nguyên tắc thứ năm, nguyên tắc về hiệu suất cá nhân. Để có thời gian làm những điều cần thiết nhằm đạt được mục tiêu đã đề ra, anh cần nắm rõ nguyên tắc lãnh đạo chỉ tập trung vào chuyện nào xứng đáng. Anh phải mở ra một ‘tầm nhìn hình ống’, nghĩa là tất cả những gì anh quan tâm chỉ xoay quanh những vấn đề ưu tiên hàng đầu trong việc quản lý và lãnh đạo. Một khi làm được như vậy, anh sẽ thấy mình thay đổi hoàn toàn.”
“Anh có thể cho tôi một ví dụ về những việc đáng làm không?”
“Tất nhiên là chỉ có anh mới có thể quyết định cái gì là xứng đáng để anh theo đuổi. Tôi chỉ có thể nói rằng bất kỳ việc nào đưa anh đến gần hơn với mục tiêu đã đề ra đều đáng được dành thời gian để thực hiện. Bất kỳ nhiệm vụ nào mang đến nguồn lợi nhuận chắc chắn tỷ lệ thuận với thời gian mà anh đã đầu tư vào đó và giúp anh tiếp cận gần hơn với thành quả mong muốn cuối cùng, thì anh cần phải xem xét. Điều này cũng giống như quy tắc 80/20 kinh điển mà chắc hẳn anh đã được học ở trường kinh tế, đó là 20% các công việc anh làm sẽ tạo ra 80% thành quả mà anh đạt được. Vì vậy, hãy tập trung vào những thứ mang lại giá trị thật sự. Và khái niệm này màu nhiệm ở chỗ khi đồng ý làm những việc xứng đáng, anh đã đồng thời gián tiếp từ chối làm những chuyện không cần thiết. Và anh sẽ tự động đơn giản hóa cách lãnh đạo cũng như cuộc sống của mình.”
“Đơn giản hóa cách lãnh đạo. Tôi rất thích cách nói này.”
“Một vị tu sĩ từng nói rằng, ‘Hầu hết những người mà tôi biết đều ra sức nỗ lực mỗi ngày để trở nên khôn ngoan hơn, trong khi tôi hàng ngày đều cố gắng để khờ dại và đơn giản đi’. Càng đơn giản hóa những mối bận tâm hàng đầu, anh sẽ càng giải quyết công việc hiệu quả hơn.”
“Được rồi, tôi sẽ thử đưa ra một số hoạt động mang lại hiệu quả cao để giúp tôi luôn làm việc theo mục tiêu và sứ mệnh đã đề ra, cũng như phát huy tối đa hiệu quả của những ý tưởng tôi mới nghĩ ra trong vài tuần qua. Anh nghĩ sao về việc tôi dành thời gian để chia sẻ tầm nhìn tương lai với nhân viên để họ hiểu rõ ý nghĩa của công việc họ đang làm, rằng sứ mệnh cuối cùng của chúng tôi là mang lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho mọi người?”
“Chắc chắn điều đó sẽ mang lại hiệu quả cao. Trả lời hay lắm”, Julian vỗ tay một cách nồng nhiệt hệt như một người dẫn chương trình game-show.
“Tôi sẽ dành thời gian để thảo luận với đội ngũ quản lý và hỏi ý kiến từng người xem làm cách nào chúng tôi có thể khích lệ nhân viên của mình theo nguyên tắc Khen thưởng định kỳ, không ngừng công nhận, anh thấy được chứ?’”
“Hay lắm, Peter. Một ý tưởng không tồi chút nào.”
Cảm thấy đã thấu suốt phần nào triết lý lãnh đạo mà Julian vừa chia sẻ, tôi ngay lập tức vạch ra một danh sách những việc cần làm để nâng cao hiệu suất lãnh đạo của mình: có thời gian suy nghĩ chiến lược thường xuyên và định kỳ, liên tục chuẩn bị và hoạch định, phát triển chuyên môn và phát triển cá nhân, và xây dựng các mối quan hệ.
Julian lên tiếng cắt ngang dòng suy nghĩ của tôi, “Và điều thú vị nằm ở chỗ, khi tập trung vào những hoạt động mang lại hiệu quả cao, anh sẽ tốn rất ít thời gian cho những rắc rối linh tinh phát sinh bất ngờ mà anh vẫn hay phàn nàn là chiếm hết thời gian quý báu của anh”.
“Ồ, vậy sao?”
“Thế này nhé, thay vì quản lý từng tiểu tiết như các nhà lãnh đạo khác hay làm, nếu anh dành thời gian để trao đổi những thông điệp của anh và xây dựng mối quan hệ gắn kết trong công ty, thì sự hiểu lầm và xung đột trong công việc sẽ giảm đi đáng kể. Bằng cách dành thời gian để khen thưởng và công nhận những cá nhân xuất sắc vì những hành vi tốt mà anh mong muốn sẽ được lặp lại, thì chất lượng, năng suất, hiệu suất công việc sẽ tăng gấp bội. Và hơn hết, nó giúp anh tiết kiệm được vô khối thời gian. Nếu dành thêm thời gian để suy nghĩ chiến lược và nâng cao vốn kiến thức của bản thân, anh sẽ có khả năng tư duy tốt hơn và đưa ra những quyết định khôn ngoan hơn trong quá trình đó. Và một lần nữa, những quyết định khôn ngoan đồng nghĩa với giảm thiểu những khủng hoảng phát sinh, vậy thì anh lại tiết kiệm được nhiều thời gian hơn. Đây đích thực là một khái niệm tuyệt vời mà các bậc hiền triết đã nghĩ ra. Tôi vẫn không thể tin được nó lại có sức ảnh hưởng mạnh mẽ như vậy.”
“Nếu vậy tại sao rất ít người trong chúng ta áp dụng điều này?”
“À, thứ nhất là vì họ quá bận rộn để có thể lùi một bước và xem xét lại những biện pháp nào có thể giúp họ nâng cao hiệu quả làm việc của bản thân. Nhưng như Thoreau đã nói, ‘Bận rộn thôi thì chưa đủ, vì những con kiến cũng rất bận rộn. Vấn đề là bạn đang bận rộn để giải quyết việc gì?’. Đa số mọi người đều là kẻ đuổi kiến thay vì là một người săn voi thực thụ. Anh hiểu ý nghĩa của hình ảnh ẩn dụ này không? Nghĩa là họ dành toàn bộ thời gian mỗi ngày vào những việc vụn vặt không có đóng góp gì vào mục tiêu chính, thay vì tập trung vào những việc quan trọng có thể giúp họ tới được đích đến trong sự nghiệp và cuộc sống. Họ không tập trung vào những việc xứng đáng. Nguyên nhân thứ hai là vì họ không biết phải bắt đầu từ đâu. Họ đã lãng phí thời gian quá lâu đến mức không biết phải bắt đầu lại như thế nào.”
“Tôi đang hết sức tập trung lắng nghe đây.”
“Mấu chốt ở đây là anh phải có một hệ thống. Những hệ thống hiệu quả chắc chắn sẽ mang lại những kết quả như dự định. Điều mà tôi thật sự nói đến ở đây là, nếu anh muốn tập trung vào những thứ xứng đáng, trước tiên anh phải hệ thống hóa những gì xứng đáng. Anh cần một hệ thống cho phép anh phối hợp những hoạt động chiến lược vào công việc hàng ngày. Chỉ bằng cách này thì anh mới có thể bảo toàn được thời gian của mình trước những hoạt động mang hiệu quả thấp, thứ mà lâu dần sẽ hủy hoại sự nghiệp lãnh đạo của anh.”
“Yogi Raman có chỉ cho anh một hệ thống để nhận diện những việc xứng đáng không?”
“Chắc chắn rồi. Nó có tên gọi là Mô hình Thời gian cho Nhà lãnh đạo có tầm nhìn. Khá đơn giản, nhưng nó lại là phương pháp hiệu quả nhất tôi từng biết về lãnh đạo thời gian.”
“Ý anh là quản lý thời gian, phải không?”
“Không, ý tôi là lãnh đạo thời gian. Trong thị trường kinh doanh ngày nay, bất kỳ người nào có tinh thần sáng suốt đều có cách quản lý thời gian của riêng mình. Tuy nhiên, chỉ những người có tầm nhìn mới nhận ra cách dẫn dắt thời gian của chính họ. Những nhà lãnh đạo có tầm nhìn đủ thông thái để hiểu rằng, nếu anh không dẫn dắt được thời gian của chính mình, nó sẽ dẫn dắt anh.”
Tôi thốt lên, “Một suy nghĩ rất thú vị. Vậy thì Mô hình thời gian cho Nhà lãnh đạo có tầm nhìn này hoạt động thế nào? Nghe chừng có vẻ phức tạp lắm”.
“Thật ra một khi anh hiểu ra thì anh sẽ thấy nó đơn giản đến không ngờ. ‘Đơn giản chính là hình thức cao nhất của sự tinh tế’, những người bạn ở Hy Mã Lạp Sơn của tôi sẽ trả lời bằng câu này đấy. Việc đầu tiên anh cần làm là dành riêng thời gian cho cái mà Yogi Raman gọi là ‘Luyện tập lên kế hoạch hàng tuần’. Anh có thể dành ra nửa tiếng vào tối Chủ nhật hoặc đây sẽ là việc đầu tiên cần làm vào mỗi sáng thứ Hai. Lời khuyên của tôi là anh nên dành ra nửa tiếng vào tối Chủ nhật, bởi lúc này những hoạt động cuối tuần đã kết thúc và anh dễ dàng tìm ra chút thời gian yên tĩnh cho bản thân hơn.”
“Chắc chắn là dễ hơn sáng thứ Hai rồi.”
“Đúng vậy. Một khi anh đã xác định được thời gian để lên kế hoạch công việc hàng tuần, anh phải tuân thủ năm bước quan trọng sau để hệ thống lại những công việc thiết yếu và đảm bảo rằng mỗi hoạt động trong tuần làm việc sắp tới sẽ giúp anh tiến gần đến mục tiêu cuối cùng hơn. Bước thứ nhất là điểm lại tầm nhìn tương lai của anh. Hãy xem xét lại tầm nhìn mà anh đã đề ra cho công ty và cho chính bản thân mình. Hãy hình dung xem đích đến cuối cùng trong sự nghiệp lẫn trong đời sống cá nhân của anh sẽ như thế nào. Điều này sẽ nhắc anh nhớ về con đường mà anh đang đi đồng thời giúp anh xem xét và củng cố lại mục tiêu của mình. Hãy kết nối sâu sắc hình ảnh của GlobalView trong tương lai khi anh đến được đích với hình ảnh gia đình khi anh trở thành một người chồng tốt, một người cha yêu con như anh mong muốn. Việc nhìn lại những hình ảnh sống động mà anh vẽ ra cho tương lai sẽ giúp anh duy trì nguồn cảm hứng và sự tập trung vào những việc hữu ích.”
“Tôi vẫn đang lắng nghe đây. Vậy bước tiếp theo là gì?”
“Bước thứ hai đòi hỏi anh xem lại những thắng lợi hàng năm mà anh quyết tâm đạt được có đáng để anh tiếp tục giành lấy trong năm nay không.”
“Chính xác thì những thắng lợi hàng năm nghĩa là gì?”
“Đó là những mục tiêu anh tự đặt ra cho bản thân sau khi đã xác định được dành thời gian vào việc gì sẽ mang lại ảnh hưởng tích cực nhất cho quá trình thực hiện tầm nhìn của năm hiện tại. Đó chính là những mục tiêu thường niên. Khi điểm lại những mục tiêu này, anh sẽ tự nhắc bản thân mình về những hoạt động xuất sắc nhất, những việc chắc chắn sẽ đưa anh và cả công ty của anh về đích đến đã định trước. Và anh sẽ nhạy bén hơn trong việc nhận ra đâu là những hoạt động vô ích mà các nhà lãnh đạo khôn ngoan thậm chí còn không muốn đến gần. Nếu có điều gì đặc trưng nhất phải nói đến trong môi trường kinh doanh ở thời đại của chúng ta, thì đó chính là việc các nhà lãnh đạo đang phải đối mặt với nhiều lựa chọn hơn bao giờ hết.”
Julian nói tiếp, “Ngày nào cũng vậy, có hàng trăm cơ hội tiềm năng để chúng ta suy xét, hàng trăm những sự thay đổi mới cần phải đưa vào thực hiện, hoặc hàng trăm tạp chí thương mại để tham khảo. Có cả trăm việc phải làm ở công ty, cả trăm kênh truyền hình để xem và cả trăm cuốn sách hay để đọc bất kỳ lúc nào anh có thời gian rỗi. Chúng ta bị bủa vây trong ma trận của sự lựa chọn. Vừa mới mấy hôm trước thôi, tôi bước vào cửa hàng bách hóa và phát hiện ra ở đó có hơn mười lăm loại bánh mì khác nhau. Cách duy nhất để chúng ta tồn tại được giữa ma trận này là phải lập sẵn một kế hoạch thật chi tiết cho cuộc chơi. Nếu đã có kế hoạch rồi, anh phải thiết kế một bộ khung chuẩn giúp anh dễ dàng lọc ra những lựa chọn nào sẽ có lợi nhất cho mục tiêu của mình. Giống như tiểu thuyết gia Saul Bellow từng nói, ‘Một kế hoạch chu đáo sẽ giảm bớt những phiền não mà sự lựa chọn mang đến’.’’
“Một cách nói rất ấn tượng!”
“Văn hào Victor Hugo cũng từng nói về tầm quan trọng của việc có những mục tiêu cụ thể và một kế hoạch rõ ràng thế này, ‘Người mà mỗi sáng đều lên kế hoạch cho những việc trong ngày và tuân thủ kế hoạch đó sẽ có một sợi chỉ dẫn dường để họ vượt qua được mê cung của một ngày bận rộn. Việc sắp xếp thời gian gọn gàng cũng giống như một tia sáng xuyên qua tất cả những nhiệm vụ trong ngày. Nhưng nếu không có kế hoạch cụ thể, thời gian sẽ trôi qua với việc giải quyết những sự cố, mọi thứ sẽ rối ren như một cơn khủng hoảng, tất cả là bởi vì không có sự phân bố và xem xét kế hoạch cẩn thận.’
Quan điểm của tôi là những nhà lãnh đạo khôn ngoan luôn xác định trước những khoản đầu tư thời gian xứng đáng nhất. Và bằng cách đó, họ sẽ dễ dàng kiểm soát ma trận của những lựa chọn mà họ đang đối mặt. Anh sẽ dễ dàng từ chối một việc gì đó vì anh có một việc khác hữu ích hơn để làm. Như tôi đã nói lúc nãy, bí quyết để có thể hoàn thành tốt mọi việc chính là biết những việc gì nên bỏ dở. Đây chính là Quy luật Thờ-ơ-có-kế-hoạch có từ xa xưa và mọi nhà lãnh đạo tài ba đều vận dụng nó một cách thuần thục từ những ngày tiên khởi.”
“Những điều này thật sự rất hấp dẫn. Những gì anh đang chia sẻ với tôi gần như là một quá trình khoa học để hoàn thành những mục tiêu quan trọng trong thời đại mà chúng ta có quá nhiều việc phải làm như hiện nay.”
“Đúng vậy. Và đó chính xác là lý do tại sao tôi gọi đây là một mô hình giúp anh hệ thống lại những điều có giá trị.”
“Vậy bước thứ ba trong quá trình này là gì?”, tôi thắc mắc.
“Sau khi đã kết nối lại với tầm nhìn tương lai của mình, bằng sự tưởng tượng trong tâm trí, hoặc viết ra giấy và xem xét qua những thắng lợi nhất định mà anh muốn đạt được trong năm nay, anh cần phải tự hỏi bản thân một câu hỏi quan trọng: ‘Những chiến thắng thứ yếu và những mục tiêu nhỏ nào mà tôi phải đạt được trong bảy ngày tới để có thể cảm thấy tuần này mình đã đến gần với tầm nhìn tương lai của sự nghiệp và cuộc sống cá nhân hơn?’. Câu trả lời của anh sẽ cho anh điều mà Yogi Raman gọi là một chuỗi ‘thắng lợi hàng tuần’. Đây chính là những mục tiêu mà anh phải tập trung trong tuần. Chúng sẽ giúp anh có được tính tự kỷ luật bản thân để dám hy sinh những điều tốt để đổi lấy những điều tốt nhất. Những mục tiêu hàng tuần này sẽ giúp anh tập trung năng lượng và sự quan tâm vào những điều xứng đáng.”
“Các thắng lợi hàng tuần sẽ giúp tôi hy sinh những điều tốt để đổi lấy những điều tốt nhất nghĩa là sao?’’
“À, các nhà lãnh đạo rất thường để những mục đích tốt lấn át hẳn những mục đích tốt nhất. Thay vì liên tục tự vấn bản thân xem mình đã sử dụng thời gian một cách hiệu quả nhất hay chưa, họ chỉ chú trọng đến những hoạt động mang lại hiệu quả ở mức chấp nhận được. Và tin tôi đi, có sự khác biệt lớn đấy. Những nhà lãnh đạo khôn ngoan phải biết tập trung vào thứ tốt nhất và ủy quyền cho người khác làm những thứ còn lại. Đừng bao giờ quên điều đó.”
“Và khi sử dụng thời gian một cách hiệu quả nhất theo khái niệm thắng lợi hàng tuần mà anh vừa nói, thì mỗi ngày trong tuần và cả tuần đó sẽ phục vụ cho một mục tiêu cụ thể nào đó, đúng không?”
“Đúng vậy. Hầu hết mọi người đều để từng ngày trôi qua mà không nhận ra ngày trôi qua đến tuần, hết tuần đến tháng, hết tháng lại năm. Họ luôn để những việc có thể làm sau lên trước, những vấn đề quan trọng lại xếp sau những chuyện thứ yếu. Rồi chẳng mấy chốc mà cả quãng đời đã vụt qua vì anh đã không kiểm soát cũng như chịu trách nhiệm với việc sử dụng thời gian của mình. Như các hiền triết từng nói với tôi rằng, ‘Nếu anh không kiểm soát cuộc đời, thì cuộc đời sẽ chi phối anh’.”
“Rất chí lý”, tôi đáp lại một cách tâm đắc.
“Không chỉ có vậy, họ còn tin rằng mỗi ngày là một phiên bản thu nhỏ của cuộc đời mỗi người. Cuộc đời anh bắt đầu từ khi anh sinh ra và chấm dứt vào lúc anh nhắm mắt xuôi tay. Tương tự như vậy, một ngày bắt đầu từ lúc hừng đông khi anh thức giấc và kết thúc lúc anh lên giường đi ngủ. Nhưng mọi việc anh làm trong những ngày này sẽ quyết định một cách rất rõ ràng cuộc đời anh đã sống có ý nghĩa không hay chỉ là một sự lãng phí. Đừng bao giờ quên tầm quan trọng của từng ngày trôi qua trong cuộc đời này, Peter. Cách anh sống một ngày cũng là cách anh sống cuộc đời mình. Vì vậy đừng phung phí dù chỉ một ngày. Quá khứ đã qua còn tương lai thì chưa đến; chỉ có hôm nay, khoảnh khắc hiện tại này, mới thật sự là tất cả những gì anh có.”
“Thế nên việc đưa ra các mục tiêu chiến thắng trong tuần sẽ giúp tôi tiến gần hơn đến việc hoàn thành những thắng lợi của năm, và nhờ thế tôi tiến xa hơn trong việc thực hiện tầm nhìn tương lai của mình, phải không?”
“Hoàn toàn chính xác.”
“Ồ! Nghĩa là nếu tôi áp dụng quy trình đơn giản này, thì mỗi ngày của tôi đều mang lại một giá trị nhất định.”
“Đúng vậy. Và cuộc sống của anh sẽ ngập tràn năng lượng và sự mãn nguyện bởi anh biết mình đang từng bước vững vàng tiến đến mục tiêu mà mình mơ ước đạt được”, Julian nhấn mạnh.
“Vậy một khi đã xác định được những chiến thắng hàng tuần, việc cần làm tiếp theo là gì?”
“Bước thứ tư trong Mô hình Thời gian dành cho Nhà lãnh đạo có tầm nhìn yêu cầu anh phải kết hợp những chiến thắng hàng tuần mà anh đã tự hứa với bản thân sẽ đạt được trong vòng bảy ngày sắp tới vào lịch trình làm việc hàng ngày của mình. Anh thấy đấy, khi thật sự viết những mục tiêu trong tuần vào lịch trình làm việc, như cách mà anh ghi chú một cuộc hẹn với khách hàng thân thiết, anh chắc chắn sẽ lần lượt thực hiện các mục tiêu đã đề ra. Bằng cách dành ra những khoảng thời gian cụ thể để đạt được những thắng lợi trong tuần trước khi những việc vặt vãnh có cơ hội chen ngang vào thời gian biểu, anh chắc chắn sẽ dành sự ưu tiên cho những vấn đề quan trọng. Hãy luôn ghi nhớ chân lý lãnh đạo thời gian này, nếu anh không đưa các ưu tiên hàng đầu của mình vào kế hoạch, thì quỹ thời gian của anh chỉ dành cho những việc ưu tiên của người khác. Và bằng cách thực hành nguyên tắc đơn giản trong việc lên kế hoạch cụ thể cho quỹ thời gian mà tôi vừa gợi ý, mỗi ngày của anh đều sẽ kéo anh đến gần tầm nhìn tương lai của mình hơn. Đây thật sự là công cụ cần thiết cho một cuộc sống ý nghĩa.”
“Tôi cho rằng thử thách thật sự ở đây là làm sao để theo đuổi kế hoạch đến cùng một khi công việc trong ngày trở nên bận rộn, giống như trường hợp của tôi vậy.”
“Đúng thế. Chìa khóa vàng của phương pháp lãnh đạo thời gian là phải thực hiện những gì anh đã lên kế hoạch vào thời điểm mà anh đã định trước. Cũng giống như các triết lý khác trong nghệ thuật lãnh đạo mà tôi đã chia sẻ, điểm khởi đầu luôn là tính tự kỷ luật.”
“Thật vậy sao?”
“Chắc chắn là vậy. Tính tự kỷ luật chính là mã gien chung của những nhà lãnh đạo có tầm nhìn. Đó là đặc điểm của những người xuất chúng nhất trong số những người giỏi. Tính tự kỷ luật giúp một người lãnh đạo có thể đi xa hơn kiến thức lý thuyết bằng việc thực hành. Như tôi đã từng nói với anh, những gì anh biết không quan trọng. Thành công chỉ đến qua hành động áp dụng những hiểu biết của mình vào thực tiễn - và tính tự kỷ luật là yếu tố thôi thúc những nhà lãnh đạo có tầm nhìn phải bắt tay vào hành động.”
Trong giai đoạn trưởng thành của mình, tôi vẫn thường nghe cha nói về tầm quan trọng của tính tự kỷ luật và ý thức tự chủ bản thân. Tôi còn nhớ rõ ông đã nói với tôi rằng, “Con càng nghiêm khắc với bản thân bao nhiêu thì cuộc sống sẽ càng dễ dàng với con bấy nhiêu”. Và, nếu nói theo ngôn ngữ của Julian, thì cha tôi có “hình ảnh hoàn toàn tương thích với âm thanh”. Mỗi ngày trong tuần ông đều thức dậy lúc năm giờ sáng và bắt đầu chạy bộ. Ông không hút thuốc, không uống rượu và sống một cuộc đời giản dị nhưng đáng kính. Ông không bao giờ nói xấu người khác và luôn giữ đúng lời hứa. Ông hoàn toàn tin tưởng rằng những bất mãn mà nhiều người phải trải qua trong đời đều bắt nguồn từ sự thiếu kỷ luật của họ, điều đó thể hiện qua việc ăn uống thiếu kiểm soát, không vun đắp các mối quan hệ quan trọng, hoặc không có đủ dũng khí đón nhận một số rủi ro để theo đuổi ước mơ của mình. “Có thể đây chính là lý do ông hay dẫn tôi đến căn cứ quân sự này”, tôi nghĩ. Những người lính chính là hình mẫu lý tưởng cho tính kỷ luật. Họ được huấn luyện để hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao, và họ không bao giờ chùn bước trước những việc đúng đắn nên làm. Họ vạch ra một kế hoạch cụ thể và sử dụng nguồn nội lực mạnh mẽ để theo đuổi kế hoạch đó đến cùng. Tôi chia sẻ những suy nghĩ của mình với Julian.
“Đó chính xác là lý do tại sao tôi lại hẹn anh ở đây tối nay”, Julian đáp với vẻ mặt phấn khởi trước sự hiểu biết thấu đáo của tôi. “Nguyên tắc ‘tập trung vào những thứ xứng đáng’ đòi hỏi một tính tự kỷ luật nghiêm ngặt và một niềm tin sắt đá. Trận chiến cam go nhất mà chúng ta chiến đấu chính là với bản thân mình. Hình ảnh những người lính này và sự quyết tâm của họ trong việc luôn kiểm soát và nghiêm khắc với bản thân chính là lời nhắc nhở dành cho anh về điều đó. Anh thấy đấy, Peter, sẽ thật vô nghĩa nếu anh lập ra một kế hoạch chi tiết theo cách mà tôi vừa chia sẻ và sắp xếp thời gian cụ thể cho từng hoạt động mang lợi ích tối ưu, rồi đến khi thời điểm đã chín muồi, anh lại để những việc khác chen ngang. Lập kế hoạch chiến lược là điều vô nghĩa nếu anh không bao giờ triển khai chúng. Tôi biết không phải lúc nào cũng dễ dàng để tiến hành mọi việc theo kế hoạch đã định, nhất là khi có rất nhiều chuyện vặt vãnh xung quanh có vẻ dễ thực hiện hơn. Nhưng anh bắt buộc phải làm điều anh cho là đúng. Nhà tư tưởng E. M. Gray từng nhận xét rằng, ‘Người thành công có thói quen làm những điều mà người thất bại không thích làm. Bản thân họ cũng có những điều không thích, nhưng sự không thích đó phải phục tùng sức mạnh mục đích của họ’. Vào thế kỷ 19, nhà văn người Anh Thomas Henry Huxley đã đi đến một kết luận tương tự khi chỉ ra rằng, ‘Có lẽ thành quả giá trị nhất của toàn bộ nền giáo dục chính là khả năng tự chủ của mỗi người để làm việc nên làm vào những lúc cần thiết, cho dù họ có thích điều đó hay không’.”
“Đó toàn là những phát biểu rất có giá trị, Julian à.”
“Đó chính là bản chất của tính tự kỷ luật và sự bản lĩnh - làm những điều chúng ta phải làm, kể cả khi chúng ta không hề thích những điều đó. Hãy gác lại những việc nhẹ nhàng và ưu tiên những việc đúng đắn nên làm. Tôi không nói là anh không nên linh hoạt uyển chuyển. Nếu có tình huống bất ngờ xảy đến, hãy tập trung giải quyết nó bằng mọi giá nếu tại thời điểm xảy ra đó là việc cần được quan tâm nhất. Giống như tôi đã nói khi chúng ta thảo luận về phương pháp quản lý sự thay đổi, mọi nhà lãnh đạo tài ba đều phải có sự linh hoạt nhất định. Nhưng hãy đảm bảo rằng anh tập trung phần lớn thời gian cho những việc xứng đáng và đúng đắn.”
“Vậy quay trở lại với Mô hình Thời gian dành cho Nhà lãnh đạo có tầm nhìn, tôi chỉ cần viết những thắng lợi trong tuần mà tôi nghĩ ra vào lịch trình làm việc hàng ngày, rồi sau đó phải thật bản lĩnh và tự kỷ luật nghiêm khắc để thực hiện chúng?”
“Đúng mà cũng không đúng.”
“Thôi nào, Julian. Tôi đang nói rất nghiêm túc đấy. Tôi thật sự cần hiểu rõ quá trình này. Tôi có cảm giác rằng các bậc hiền triết đã tạo ra một công cụ vô cùng hiệu quả.”
“Tôi nói đúng bởi vì anh nhất thiết ghi lại những thắng lợi phải đạt được trong tuần vào lịch trình làm việc. Tôi nói không đúng bởi vì việc ấy thực tế có phần công phu hơn. Tôi gọi kỹ năng đưa những thắng lợi trong tuần vào lịch công việc hàng ngày là chiến thuật phong tỏa thời gian.”
“Nghe thật hấp dẫn”, tôi hưởng ứng.
“Đây là một cách hoàn toàn mới giúp anh chắc chắn hoàn thành được những mục tiêu tự đặt ra hàng tuần đúng theo thời gian trên kế hoạch. Đây cũng là một phương pháp tuyệt vời để anh có thể rèn luyện tính tự kỷ luật - một phẩm chất tiên quyết của các nhà lãnh đạo có tầm nhìn - trong trường hợp anh chưa để tâm phát triển tính cách này đúng mức. Chiến thuật phong tỏa thời gian sẽ nâng cao hiệu quả làm việc và cải tiến năng suất làm việc của anh một cách toàn diện. Hầu hết các nhà lãnh đạo đều mắc phải một căn bệnh trầm kha, anh có biết đó là gì không?”
“Tôi không có một chút khái niệm nào cả, Julian.”
“Căn bệnh mà tôi nói đến ở đây chính là bệnh ‘loãng tập trung’ - đây cũng là một trong những căn bệnh nguy hiểm nhất đối với nhân loại. Khi làm loãng sự tập trung của bản thân và cố gắng hoàn thành mọi thứ cho tất cả mọi người, những người lãnh đạo này cuối cùng chẳng làm được việc gì ra hồn. Chính sự loãng tập trung và cố gắng làm quá nhiều thứ theo nhiều hướng khác nhau khiến họ trở thành nạn nhân của những ý định tốt đẹp của mình. Hãy tập trung vào những điều xứng đáng, và chỉ duy nhất những điều đó mới mang lại sự tự do cho vai trò lãnh đạo của anh. Chúng sẽ cho phép anh hoàn thành tất cả những gì anh mong muốn hay mơ ước thực hiện được. Và chiến thuật phong tỏa thời gian sẽ giúp anh làm điều đó.”
“Được rồi, vậy tôi phải làm thế nào?”
“Điều đầu tiên anh cần làm là phân bổ các ngày trong tuần để tập trung giải quyết từng việc khác nhau. Phương pháp này giống như anh tạo ra một cái khuôn cho chủ đề công việc của mỗi ngày, rồi sau đó ‘đổ’ các hoạt động có liên quan vào cái khuôn đó. Làm như vậy anh sẽ không phải mất thời gian loay hoay giữa hàng tá vấn đề khác nhau. Thay vì vậy, anh sẽ chỉ chú tâm vào một lĩnh vực trong một ngày và dồn hết thời gian vào đó. Ví dụ, anh dành ra thứ Hai để tập trung giải quyết những vấn đề hoặc tìm ra kiến giải mới liên quan đến đội ngũ nhân viên. Anh có thể đặt tên cho thứ Hai là Ngày Quản trị Nhân sự. Và sau đó, hãy rà soát để xếp những mục tiêu thắng lợi trong tuần có liên quan đến lĩnh vực này vào thứ Hai. Đừng nghĩ về các vấn đề liên quan đến kinh doanh hay phát triển sản phẩm vào ngày này đấy nhé! Phải thật tập trung. Sau đó, anh có thể đặt thứ Ba là Ngày Phát triển Kinh doanh. Tương tự, ngày này chỉ dành riêng cho tất cả những hoạt động liên quan đến việc tạo ra cơ hội kinh doanh mới. Thứ Tư có thể là ngày dành cho các vấn đề về tài chính và marketing. Thứ Năm có thể là Ngày Tự do, có nghĩa là anh để ngỏ ngày này để giải quyết mọi phát sinh, hoặc điểm lại tình hình chung của công ty, hoặc đơn giản là sẵn sàng để hỗ trợ cho bất kỳ ai cần đến sự giúp đỡ của anh.”
“Vậy còn thứ Sáu thì sao? Tôi nên phân bổ việc gì cho ngày này?”
“Anh có thể dành riêng ngày này cho bất cứ lĩnh vực nào mà anh thấy xứng đáng để đầu tư thời gian vào. Như tôi đã nói, anh phải là người tự thiết kế và điều chỉnh để tạo ra một tuần làm việc phù hợp nhất với mong muốn của anh. Hãy để thời gian phục vụ thay vì điều khiển anh. Tuy nhiên, tôi có một gợi ý này, anh hãy dành thứ Sáu như một Ngày Đổi Mới, nghĩa là ngày ấy được dùng riêng cho việc tái tạo năng lượng, bồi thêm sức sống và làm mới lại mình trong vai trò lãnh đạo. Tất cả những mục tiêu thắng lợi trong tuần có liên quan đến vấn đề này sẽ được xếp vào thứ Sáu. Anh có thể dùng thời gian đó để suy nghĩ chiến lược và xác định lại tầm nhìn tương lai của công ty. Anh có thể dành toàn bộ ngày đó để chuẩn bị và lên kế hoạch cho những việc ưu tiên hàng đầu sắp tới. Anh cũng có thể tham gia một hội thảo về nghệ thuật lãnh đạo hoặc học với chuyên gia huấn luyện trong lĩnh vực phát triển bản thân. Hoặc anh có thể dành hẳn một ngày này để đọc tất cả những ấn phẩm mới phát hành anh đã đặt nhưng chưa có thời gian xem đến, hoặc nghiền ngẫm một cuốn sách quản trị đang nổi, biết đâu anh sẽ tìm ra vài ý tưởng để giúp GlobalView phát triển thần tốc hơn. Hoặc anh dành thời gian để trao đổi, thảo luận những ý tưởng mới với ban quản lý trong công ty. Khi nghiêm túc thực hiện phương pháp lãnh đạo thời gian mà tôi vừa chia sẻ, anh cuối cùng cũng có thể biến mọi mục đích ban đầu của mình thành những thành quả thiết thực. Anh bắt đầu nhận ra chiến thuật phong tỏa thời gian nghĩa là gì chưa?”
“Ồ, rồi đấy. Khi áp dụng khái niệm này, thời gian của tôi sẽ tập trung hoàn toàn vào những việc quan trọng. Giống như anh và các nhà tư tưởng vĩ đại đã nói, sự nỗ lực chú tâm và tập trung vào những việc xứng đáng là bí quyết giúp ta hoàn thành được những mục tiêu trọng đại trong cuộc đời. Tôi sẽ không còn bị kéo vào cả tỷ chuyện mỗi ngày và phải giải quyết hàng trăm việc một cách nửa vời. Tôi cũng không cần phải bỏ dở dang những kế hoạch đã bắt đầu để lao sang xử lý những sự cố bất ngờ. Thay vào đó, tôi sẽ có mục tiêu công việc cụ thể cho từng ngày và dành thời gian cho những hoạt động ‘xứng đáng’, nhờ đó tôi sẽ nhanh chóng hoàn thành được tầm nhìn đã đặt ra. Hơn nữa, tôi có thể thấy quá trình thực hiện theo mô hình này sẽ giúp tôi có thêm thời gian cho những hoạt động vĩ mô mang tính bao quát, chẳng hạn như việc tư duy chiến lược và liên tục sáng tạo. Tôi thật sự bị ấn tượng và mong chờ để áp dụng phương pháp này.”
“Vậy để tôi tóm tắt lại những gì chúng ta đã thảo luận”, Julian cắt ngang. “Mô hình Thời gian dành cho Nhà lãnh đạo có tầm nhìn bao gồm năm bước tất cả. Trước tiên, anh phải thực hành việc lên kế hoạch hàng tuần, và dành ra một khoảng thời gian nhất định, chẳng hạn như tối Chủ nhật, để xem xét xem những kế hoạch này đã phù hợp với tầm nhìn của anh chưa. Tầm nhìn chính là ngọn hải đăng để dẫn đường và giúp anh không bị lạc lối. Bước thứ hai là điểm lại các mục tiêu chiến thắng của năm, những mục tiêu mà anh đặt ra phải hoàn thành để có thể tiếp tục tiến lên phía trước. Bước thứ ba trong quá trình này là đưa ra một chuỗi mục tiêu thắng lợi trong tuần, hay là các mục tiêu nhỏ cần phải đạt được trong tuần tiếp theo. Sau khi đã xác định được mục tiêu thắng lợi trong tuần, bước thứ tư đòi hỏi anh phải đưa những mục tiêu này vào lịch trình công việc cụ thể trong tuần bằng cách áp dụng chiến lược phong tỏa thời gian. Theo đó, mỗi ngày trong tuần chỉ dành cho một lĩnh vực công việc nhất định. Anh cần lên kế hoạch chi tiết cho các hoạt động nào mỗi ngày và phải đảm bảo việc hoàn thành nó. Sau khi đã áp dụng ba đến bốn tuần, anh sẽ thấy mọi việc khá đơn giản.”
“Vậy bước thứ năm là gì?”
“Bước thứ năm được Yogi Raman gọi là ‘thường xuyên hồi tưởng’. Sự hồi tưởng là cội nguồn của sự thông thái,Peter à. Đừng bao giờ quên điều này. Và khi có sự thông thái, anh sẽ đưa ra những quyết định sáng suốt hơn, và từ đó mang lại một cuộc sống chất lượng và giá trị hơn, cả trong sự nghiệp lẫn đời sống cá nhân. Vào mỗi tối Chủ nhật, khi anh đang lập kế hoạch công việc cho tuần tới, hãy dành ra vài phút để suy ngẫm về một tuần vừa qua của anh. Anh có thực hiện mọi việc theo kế hoạch đã định không? Nếu câu trả lời là không, thì lý do là gì? Nếu có thể quay ngược thời gian trở về tuần trước thì có chuyện gì anh muốn làm khác đi? Anh đã thật sự ‘tập trung vào những thứ xứng đáng’ chưa? Nhận thức sẽ quyết định thay đổi, và nếu không nhận thức được những gì đang làm, anh sẽ không bao giờ nhìn ra có những việc đáng được quan tâm hơn. Bằng cách hồi tưởng lại những chuyện đã trải qua trong một tuần, anh không những làm việc hiệu quả hơn trong tuần kế tiếp, mà còn thấu hiểu bản thân mình hơn nữa.”
“Không phải đa số mọi người đều hiểu bản thân mình nhất rồi sao?”
“Không hề. Rất nhiều người còn mù mờ về khả năng cũng như nhược điểm của chính mình. Kết quả là họ liên tục lặp lại những sai lầm cố hữu trong suốt cuộc đời. Khi dành thời gian mỗi tuần để chiêm nghiệm lại sự lãnh đạo và cách sống của bản thân, anh có thể đưa ra những điều chỉnh kịp thời mỗi tuần, để có thể tiếp tục trưởng thành và hoàn thiện bản thân trong vai trò lãnh đạo cũng như trong tư cách cá nhân. Hãy nhớ này, anh bạn, không có gì xấu khi phạm sai lầm cả. Sai lầm cho chúng ta trưởng thành hơn và trở nên khôn ngoan hơn. Nhưng nếu anh liên tục phạm phải những sai lầm giống nhau, thì chắc chắn là có vấn đề. Điều đó thể hiện rõ ràng là anh thiếu sự khôn ngoan. Thay vào đó, hãy bắt đầu dùng những sai lầm trong quá khứ làm đòn bẩy cho sự thành công trong tương lai. Đây là một trong những năng lực tuyệt vời nhất của các nhà lãnh đạo có tầm nhìn. Và đây cũng chính là một trong những nền tảng quan trọng để sống một cuộc đời hữu ích. Việc thường xuyên hồi tưởng sẽ giúp anh rèn luyện thói quen này. Như Seneca từng nói, ‘Chỉ cần bạn vẫn đang sống, hãy tiếp tục học cách để sống’.”
Lúc này, bóng đêm đã phủ kín bầu trời và xung quanh chỉ còn nghe văng vẳng tiếng ếch và dế kêu. Tôi đã có một buổi tối tuyệt vời cùng Julian. Hai người bạn cũ, ngồi lặng yên ngắm bầu trời đầy sao, tận hưởng niềm vui được cùng nhau chia sẻ và suy ngẫm về những vấn đề trọng đại trong nghệ thuật lãnh đạo và cuộc sống. Chính tôi cũng không hiểu tại sao trước đây mình chưa từng nghĩ đến những điều này. Có thật là do tôi quá bận rộn đến mức chẳng có thời gian để nghĩ về những vấn đề có tầm ảnh hưởng quan trọng như vậy không?
Trong những tuần lễ từ khi Julian đột ngột xuất hiện ở vườn hoa hồng bên ngoài phòng làm việc của tôi cho tới giờ, GlobalView đã có những thay đổi to lớn. Vốn tri thức về nghệ thuật lãnh đạo của anh ấy đã thức tỉnh tôi và chỉ cho tôi đâu là con đường phải đi nếu tôi muốn đưa GlobalView vươn lên đẳng cấp toàn cầu. Tôi đã vận dụng nhiều bài học và triết lý của Julian vào thực tiễn, và tôi cũng đã huấn luyện toàn bộ đội ngũ quản lý của mình về những nguyên tắc lãnh đạo mà tôi học được từ Julian cho đến thời điểm hiện tại. Những thay đổi mà tôi chứng kiến chẳng khác gì một phép màu.
Mọi người đều ngây ngất bởi sự hưng phấn mới mẻ này. Họ được truyền cảm hứng bởi tầm nhìn tương lai mà tôi chia sẻ và tin rằng mình là một phần không thể thiếu của một tập thể đang tạo ra những giá trị mang ý nghĩa lớn lao. Tôi nghe được vài nhân viên kháo với nhau rằng lần đầu tiên trong bao nhiêu năm qua, họ được ai đó lắng nghe và những tâm tư, nguyện vọng của họ được thấu hiểu. Chương trình khen thưởng và công nhận mới được ban hành thực sự là một ‘cú hích’ không thua gì Ngày-Điên-Rồ đầu tiên của chúng tôi. Giờ đây, chúng tôi đã nắm tay nhau đoàn kết để đối mặt và kiểm soát sự thay đổi và biến chúng thành lợi thế của công ty.
Sau giai đoạn tự xét bản thân một cách nghiêm túc, bản thân tôi cũng đã có sự tiến bộ đáng kể. Nhờ những tri thức mà Julian đã mang đến trong đời tôi, tôi mới nhận ra vai trò lãnh đạo của mình thực chất là ‘giải phóng sức mạnh của mọi người’ và cho họ tự do phát huy toàn bộ khả năng để cùng nhau biến những ước mơ dành cho GlobalView thành hiện thực. Lần đầu tiên trong cuộc đời, tôi biết đề cao tầm quan trọng của việc ‘giữ lời hứa’, ‘lắng nghe tích cực’, ‘biết cảm thông’, và trở nên ‘trung thực tuyệt đối’ - đúng theo tên gọi mà Julian yêu thích. Và tôi bắt đầu nỗ lực nhiều hơn để kiểm soát tính nóng nảy của mình. Tin tôi đi, tất cả những cố gắng này đã tạo ra sự khác biệt không thể tin được. Vợ tôi, Samantha, là người nhận ra rõ nhất những thay đổi ở tôi. Julian đã hoàn toàn đúng khi nói rằng tôi phải ngừng việc đổ lỗi cho người khác trước các rắc rối mà công ty vướng phải, mà ngược lại, tôi phải nhận lấy toàn bộ trách nhiệm về mình. Giống như anh ấy đã nói, “Người lãnh đạo tài ba sẽ có được một đội ngũ trung thành”.
Tinh thần làm việc tăng đột biến, sự trung thành và tận tụy quay trở lại; năng suất lao động của mọi người tăng cao hơn bao giờ hết. Họ bắt đầu nói về công ty như thể họ cũng có phần sở hữu trong đó, như thể họ đang đầu tư cho sự thành công của công ty, và như thể họ đang làm việc cho chính mình. Tôi thích điều này. Chúng tôi đã khởi động một chương trình tiếp nhận ý kiến mới, cho phép nhân viên gửi cho ban quản lý những ý tưởng cải tiến quy trình làm việc ở GlobalView thông qua e-mail. Chương trình này đã mang đến những sáng kiến tuyệt vời giúp chúng tôi tiết kiệm được chi phí, nâng cao hiệu quả công việc, phục vụ khách hàng tốt hơn và tiến gần tới tầm nhìn tương lai đã đề ra hơn. Và hãy yên tâm là những nhân viên đưa ra các ý tưởng tuyệt vời này đều được công nhận và khen thưởng xứng đáng. Quả thật, những tri thức quý báu mà các hiền triết trên dãy Hy Mã Lạp Sơn đã chia sẻ với Julian đã mang lại kỳ tích cho GlobalView.
“Tại sao anh cứ dõi theo ngôi sao đó vậy, Julian?”, tôi lên tiếng hỏi khi Julian lại bắt đầu ngẩn người nhìn vào ngôi sao sáng nhất trên bầu trời. “Anh đã nói sẽ cho tôi biết lý do mà.”
“Tôi sẽ nói, nhưng chưa phải bây giờ. Thời điểm sẽ đến sớm thôi, vì chúng ta đã tìm hiểu gần trọn vẹn hệ thống lãnh đạo dành cho các nhà lãnh đạo có tầm nhìn của Yogi Raman. Giờ đây, tôi chỉ có thể nói rằng ngôi sao đó đã bầu bạn với tôi từ lâu rồi. Anh biết đấy, cuộc đời tôi đã trải qua nhiều biến cố thăng trầm, đặc biệt là những năm về sau này với cơn bạo bệnh và tất cả những chuyện theo sau đó. Rời bỏ thế giới hiện đại là một bước đi quan trọng trong đức tin của tôi và tôi đã bỏ lại sau lưng rất nhiều thứ.”
“Chẳng hạn như chiếc Ferrari huyền thoại”, tôi pha trò.
“Chẳng hạn như chiếc Ferrari”, Julian đồng tình. “Và ngôi sao kia đã giúp tôi trên suốt chặng đường đó.”
Tôi vẫn không tài nào hiểu được những gì Julian vừa nói, nhưng cảm nhận được sự miễn cưỡng của anh khi chia sẻ về mối quan hệ với ngôi sao kỳ lạ kia, tôi quyết định bỏ qua câu chuyện này.
Tối hôm đó, khi lên giường nằm và ôm Samantha trong tay, tâm trí tôi vẫn miên man suy nghĩ về Julian. Một siêu sao trong giới doanh nhân, người đã từng bước qua lằn ranh sinh tử. Anh đã từ bỏ mọi thứ có trong tay và dấn thân vào hành trình tìm kiếm sự thông thái mà anh biết rõ mình chưa có được. Người đàn ông ấy đã đơn độc rong ruổi khắp Ấn Độ, mạo hiểm chinh phục đỉnh Hy Mã Lạp Sơn cho tới khi tìm ra cội nguồn của vốn tri thức mà anh đang tìm kiếm. Và khi những hiền triết của Sivana ban cho anh bí quyết duy trì thanh xuân và hạnh phúc, họ cũng chia sẻ với anh những nguyên tắc quý giá về nghệ thuật lãnh đạo. Cú lột xác mà anh trải qua quả là một phép màu. Và giờ đây, tôi cũng nhận thấy rằng sự thay đổi đang diễn ra với bản thân mình cũng kỳ diệu không kém.
Tôi với tay qua chiếc bàn nhỏ đặt bên cạnh giường ngủ và bấm công tắc bật chiếc đèn ngủ lên. Tôi nhìn chăm chú vào một vật nhỏ đặt cẩn thận kế bên cặp mắt kính của mình. Một vật làm bằng gỗ mà Julian đã trao cho tôi, trước khi tôi chào tạm biệt anh tại căn cứ quân sự ấy. Đây là mảnh ghép tiếp trong bức tranh ghép đang dần hiện rõ từ lúc chúng tôi bắt đầu gặp lại nhau. Và lần này cũng vậy, tôi không thể nhìn ra những hoa văn nhạt màu trên đó. Và như thường lệ, mảnh ghép được khắc một dòng chỉ dẫn. Câu chỉ dẫn ấy ghi, Nguyên tắc thứ sáu: Lãnh đạo bản thân.