Mỗi ngày, hãy đọc một thứ gì đó mà không ai đọc.
Mỗi ngày, hãy nghĩ một điều gì đó mà không ai nghĩ.
Vì sẽ thật tồi tệ cho trí óc nếu suy nghĩ của ta luôn đi theo sự đồng thuận của số đông.
Christopher Morley
“Cuộc hẹn lần tới sẽ không mất nhiều thời gian đâu”, Julian đã nhấn mạnh điều đó trước khi chia tay tôi tại chân núi.
“Sao vậy?”, tôi hỏi lại, không giấu được vẻ thất vọng.
“Bởi vì tôi đang chuẩn bị rời đi. Những gì cần giúp đỡ anh ở đây gần như đã xong. Anh đã rất sốt sắng lĩnh hội những triết lý trong nghệ thuật lãnh đạo mà tôi chia sẻ và luôn thể hiện là một học sinh ưu tú. Tôi dám chắc một ngày không xa GlobalView sẽ vươn tới đẳng cắp quốc tế và trở nên thịnh vượng hơn bao giờ hết dưới sự lãnh đạo tài tình của anh. Quan trọng hơn, anh đã khám phá ra cách tự lãnh đạo bản thân và đồng thời biến GlobalView trở thành một nơi mà tiềm năng của mọi người sẽ được tự do phát triển và những mong ước cao cả nhất trong đời họ sẽ thành hiện thực. Hãy luôn đáp ứng nhu cầu của nhân viên bằng cách giải phóng khả năng của họ và không ngừng nhắc nhở về mục đích cao cả của công việc mà họ đang làm. Và đáp lại, họ cũng sẽ phụng sự anh hết lòng như vậy.”
“Nhưng anh sẽ đi đâu?”
“Có một người khác đang rất cần đến những tri thức mà tôi được lĩnh hội, và vì thế trách nhiệm của tôi là phải đến với họ.”
“Anh tính bỏ lại túp lều nhỏ mà anh đã tự tay dựng nên trong rừng sao? Nơi đó dường như có tất cả mọi thứ anh cần.”
“Cứ xem như tôi phải đi xa một thời gian vậy. Nhưng ai mà biết được, có khi anh lại nhìn thấy tôi đứng giữa vườn hồng của anh trong vài tháng tới không chừng”, Julian nói với một cái nháy mắt.
Lúc này đây, khi đang lái xe đến điểm hẹn gặp Julian, tôi cảm thấy buồn khi nghĩ đến việc sắp tới sẽ không thể gặp lại anh nữa. Trước giờ anh vẫn luôn là một người bạn, nhưng giờ đây, tôi thấy anh lại càng đặc biệt hơn nữa. Chưa một ai có sức ảnh hưởng lớn như vậy đối với tôi, thậm chí là cha tôi. Rõ ràng là xung quanh còn rất nhiều người lãnh đạo đang gặp phải rắc rối, Julian hoàn toàn có thể đến gặp họ, nhưng anh đã chọn đến với tôi đầu tiên. Nếu có một phẩm chất nào đó mà lúc nào cũng thấy ở Julian, thì đó chính là sự trung thành. Vì tôi là bạn của anh ấy, nên anh quyết định phải giúp tôi.
Các buổi học của anh rất đặc biệt, không giống với bất cứ khóa học nào mà tôi từng tham gia. Qua mỗi bài học, Julian đã thúc đẩy tôi khám phá ra những lối tư duy mới và đồng thời xem xét đánh giá lại nguyên nhân đằng sau những sự việc mà tôi đã làm trước đây. Anh đã buộc tôi phải đào sâu và suy ngẫm về con người thật sự của mình, không chỉ trong vai trò lãnh đạo mà cả trong cuộc sống. Anh đã chia sẻ với tôi những viên ngọc quý trong nghệ thuật lãnh đạo xuyên suốt những buổi học đó, những điều mà tôi chưa từng được biết, một nguồn tri thức khiến tôi cảm thấy được truyền động lực, cảm hứng và được thỏa mãn. Tôi cầu mong rằng những con đường mà chúng tôi đi sẽ có lúc giao nhau lần nữa, sau khi anh rời khỏi để đến một địa điểm mới. Tôi cần một người bạn và một người cố vấn như anh trong cuộc đời này, như tất cả chúng ta đều cần có một người như vậy. Và tôi mong muốn có cơ hội làm điều gì đó để đền đáp anh.
Sau khi vượt qua con đường chính và rẽ vào một khu dân cư rợp bóng cây, nơi cư ngụ của tầng lớp trung lưu với những chiếc xe năm chỗ ngồi có khoang hành lý dài và những chiếc xe van nhỏ đỗ trước cổng nhà, tôi đã nhìn thấy đích đến của mình. Trường Tiểu học Centennial nổi tiếng là một trong những cơ sở giáo dục xuất sắc nhất trong nước, nơi đào tạo một số lượng ấn tượng những đứa trẻ tài năng ưu tú. Các nhà giáo dục từ khắp nơi trên thế giới tìm đến đây để nghiên cứu các phương pháp giáo dục sáng tạo được đội ngũ giáo viên đầy tâm huyết - những người may mắn được làm việc tại trường Centennial - áp dụng. Mặc dù tất cả học sinh ở đây đều dưới mười tuổi, nhưng chúng luôn được khuyến khích để mở rộng khả năng của bản thân cũng như dám ước mơ về một tương lai rộng mở. Đây là kiểu trường học mà bất kỳ bậc phụ huynh nào cũng mong muốn con mình sẽ may mắn được nhận vào.
Julian đã đến trước và đang đứng ở giữa sân trường trò chuyện với cô Maples - vị hiệu trưởng nổi tiếng thường xuất hiện trên các kênh truyền thông quốc gia với các bài phát biểu về thực trạng của nền giáo dục nước nhà, trong số đó cô có đưa ra quan điểm cho rằng các trường học phải đặc biệt tập trung vào việc phát triển nhân cách của học sinh. Mặc dù lúc này Julian đang mặc chiếc áo choàng đỏ và chân đi đôi xăng-đan sờn cũ quen thuộc, cô hiệu trưởng cũng chẳng tỏ vẻ gì phiền lòng trước hình ảnh kỳ quặc đó. Có vẻ cô hiệu trưởng biết Julian và mỗi lần anh nói cô đều mỉm cười.
“Chào Peter!”, Julian hồ hởi hét toáng lên khi tôi vừa đặt chân vào sân trường, nơi đang trở nên ồn ào náo nhiệt bởi các em học sinh vừa được nghỉ giữa giờ. “Tôi muốn giới thiệu anh với một người bạn thân thiết của tôi, cô Mildred Maples.”
“Thật hân hạnh được gặp cô, cô Mildred”, tôi vừa nói vừa lịch sự bắt tay cô hiệu trưởng. “Tôi đã nhiều lần thấy cô trên tivi rồi.”
“Rất vui khi được gặp anh, Peter. Tôi cũng được nghe rất nhiều về anh. Tôi đã thấy anh và công ty của anh trên báo. Anh đã rất thành công trong lĩnh vực của mình.”
“Chuyện đó qua lâu rồi, thật lấy làm tiếc khi phải thừa nhận như vậy. Chúng tôi đã gặp phải một số vấn đề trong quá trình tăng trưởng khiến cả công ty lâm vào khủng hoảng. Tuy nhiên, sự xuất hiện của Julian đã giúp tôi xoay chuyển tình thế. Tôi tưởng như mình đang vận hành một công ty hoàn toàn mới vậy. Hy vọng cô không phiền lòng vì những điều tôi vừa nói, nhưng tôi nghĩ cô sẽ lại nghe nhiều về chúng tôi đấy.”
“Tôi rất mong chờ điều đó”, cô Maples lịch sự đáp lời.
“Tôi có thể hỏi làm sao hai người lại biết nhau không?”
Cả hai khúc khích cười. Rồi Julian lên tiếng trả lời, “Chồng của Mildred là chủ sở hữu một đại lý xe Ferrari trong vùng. Tôi đã mua chiếc Ferrari của mình từ đại lý của anh ấy. Tôi biết anh ấy trước và sau đó vinh hạnh được biết Mildred. Lúc nãy, khi anh vừa lái xe vào cổng, thì trong này chúng tôi đang nhắc đến những kỷ niệm về chiếc Ferrari của tôi”.
“Tôi sẵn sàng đánh cược mọi thứ để thấy anh phóng xe trong chiếc áo thầy tu này đấy, Julian”, Mildred tiếp lời. “Nói nghiêm túc đó. Nhưng dù sao thì cũng thật tốt khi được gặp lại anh. Tuy tôi vẫn còn bất ngờ trước hình ảnh hiện tại của anh, nhưng với gần ba mươi năm làm việc cùng các thế hệ trẻ, tôi đã nghiệm ra một điều là chúng ta đều có quyền năng để tạo ra những điều kỳ diệu trong cuộc sống này. Bây giờ thì tôi sẽ nhường lại không gian cho hai anh trò chuyện. Nhớ ghé qua đại lý xe nhé, Julian. Tôi chắc là Jack sẽ rất xúc động khi nhìn thấy anh đấy”, tiếng cô vọng lại khi bước lên những bậc thang trắng sáng dẫn về văn phòng chính.
“Cũng có thể tôi sẽ ghé đấy”, Julian mỉm cười trả lời. “Được rồi. Lần trước, chúng ta đã học đến đâu rồi nhỉ, Peter? À, phải rồi. Nguyên tắc thứ bảy trong hệ thống các nguyên tắc lãnh đạo cổ xưa của Yogi Raman. Đây là nguyên tắc mà các nhà lãnh đạo thông thái phải vận dụng hàng ngày để bảo đảm duy trì hiệu quả làm việc như mong muốn.”
“Anh đã quên không đưa cho tôi mảnh ghép tiếp theo khi chúng ta chia tay tại núi Percival. Anh khiến cho đầu óc tôi như bị treo lơ lửng vậy. Suốt cả tuần nay, tôi đã nghĩ ra đủ thứ giả thiết về ý nghĩa của Nguyên tắc thứ bảy đấy.”
“Thật ra thì tôi không hề quên đâu, Peter. Tôi đã hy vọng là anh sẽ làm chính xác điều mà anh vừa nói, bởi vì ý nghĩa của Nguyên tắc thứ bảy xoay quanh sức mạnh của những ý tưởng. Như tôi đã nói trước đây, trong kỷ nguyên thông tin ngày nay, ý tưởng chính là yếu tố quyết định sự thành công. Lần đầu tiên trong lịch sử của nền văn minh nhân loại, giá trị thật sự của các doanh nghiệp nằm ở những con người bước vào văn phòng mỗi sáng và rời khỏi văn phòng mỗi tối. Tài sản quý giá nhất của các tổ chức nằm trong não bộ của những con người đang làm việc tại đó.”
“Một cách diễn đạt quá sống động. Chắc chắn nó sẽ để lại ấn tượng trong đầu tôi một thời gian lâu đấy”, tôi mỉm cười tán thưởng.
“Tốt lắm. Tôi cũng hy vọng như vậy, bởi vì một trong những trọng trách của anh, với tư cách một nhà lãnh đạo có tầm nhìn, là phải đánh thức khả năng sáng tạo tiềm ẩn trong mỗi nhân viên của mình. Anh phải giúp họ có cách tư duy thông minh hơn và truyền cảm hứng để họ tự khám phá những đường lối suy nghĩ mới lạ. Chỉ khi đó anh mới bắt đầu trải nghiệm một sự đổi mới thật sự để làm tiền đề cho GlobalView vươn mình lên đẳng cấp quốc tế.”
“Nhưng có thật là tất cả chúng ta đều sáng tạo không? Ý tôi là có phải anh đang nói rằng mỗi nhân viên của tôi đều có thể tư duy sáng tạo, đúng không? Vậy những nhân viên kế toán thuộc phòng tài chính hay các luật sư phòng pháp chế thì sao? Chắc hẳn họ không thuộc típ người có trí tưởng tượng phong phú rồi.”
“Tất nhiên là họ đều có khả năng đó. Chẳng qua là vì không có ai khuyến khích họ tạo ra điều gì mới, nên khả năng sáng tạo của họ vẫn đang ngủ quên. Bản thân tôi cũng từng nghĩ chỉ có các nhà thơ, nhà văn, nghệ sĩ và những diễn viên mới thuộc nhóm người sáng tạo. Nhưng Yogi Raman và các nhà hiền triết khác đã khiến tôi phải nhìn nhận lại vấn đề. Họ chính là những người có tư duy sáng tạo nhất mà tôi từng biết. Những ý tưởng của họ luôn rất độc đáo. Và mặc dù sống ở một nơi hoàn toàn cách biệt với thế giới văn minh hiện đại, họ đã tự tạo ra những công cụ và máy móc rất thông minh để hỗ trợ trong các hoạt động hàng ngày. Tuy cuộc sống của họ hết sức giản dị, nhưng họ vẫn sáng chế ra những thiết bị rất hiệu quả để lưu trữ lại những tri thức của mình, để duy trì vệ sinh ở mức gần như hoàn hảo và để nghiên cứu cả sự chuyển động của các vì sao.”
“Ồ, lại là câu chuyện về các vì sao. Khi nào thì anh định nói cho tôi biết lý do tại sao anh lại đặc biệt hứng thú với các vì sao như vậy, nhất là ngôi sao sáng kỳ lạ vẫn thường xuất hiện đó? Tôi thật sự sắp phát điên vì tò mò đấy, Julian”, tôi khẩn khoản nói với Julian.
“Lần tới, chắc chắn đấy. Còn bây giờ thì anh hãy hiểu một cách đơn giản là mỗi người đều có khuynh hướng sáng tạo thiên phú. Hãy coi công ty của anh như một nhà máy ý tưởng khổng lồ, nơi mà sự sáng tạo và đổi mới sẽ được công nhận và khen thưởng xứng đáng. Hãy cho nhân viên của anh biết rằng họ được phép mạo hiểm. Hãy giúp họ nhận ra, khi thất bại là họ đang học cách để thành công, và dù một số ý tưởng táo bạo của họ có thể sẽ gặp nhiều trở ngại, nhưng phần lớn chúng sẽ dẫn tới những sự đổi mới. Hãy truyền tải thông điệp này khắp công ty của anh. Hãy khuyến khích sự sáng tạo và khẳng định rõ ràng rằng anh sẵn sàng lắng nghe, thấu hiểu và sẽ thực hiện những ý tưởng xuất sắc nhất của nhân viên.”
“Rất thú vị. Vậy chấp nhận rủi ro là một yếu tố quan trọng cho sự đổi mới, đúng không?”
“Hoàn toàn chính xác. Anh không thể lên đến tầng ba nếu vẫn giữ một chân ở tầng hai. Để duy trì năng lực cạnh tranh giữa một môi trường kinh doanh hiện đại, trong kỷ nguyên của ý tưởng này, bản thân anh và đội ngũ lãnh đạo công ty phải khiến cho nhân viên của mình không ngừng vươn ra xa. Anh phải giúp họ tư tin bước ra khỏi vùng an toàn để đi đến những miền đất mới. Anh phải truyền cảm hứng để họ trở thành những cánh bướm, chứ không phải là những con hà.”
“Ý anh là sao?”
“Loài bướm dành toàn bộ thời gian của mình để khám phá những khung cảnh mới và bay lượn lên những tầng cao mới. Ngược lại, những con hà lại luôn bám vào một chỗ cố định trên tảng đá nào đó và sẽ ở đó cho đến chết. Bằng cách khuyến khích nhân viên của mình chấp nhận rủi ro và không trách phạt khi họ gặp phải những thất bại không thể tránh khỏi, anh đã giải phóng cho họ được tự do khám phá trí tưởng tượng phong phú của bản thân. Anh còn nhớ công ty Southwest đã xử lý viên quản lý - người đề xuất một chương trình đổi mới nhưng thất bại thảm hại - thế nào chứ?”
“Họ thăng chức cho anh chàng quản lý ấy, đúng không?”
“Anh nhớ chính xác đấy. Cách giải quyết vấn đề của họ rõ ràng đã truyền cảm hứng cho những suy nghĩ táo bạo và sáng tạo trong toàn công ty.”
“Hoàn toàn đồng ý. Vậy ý anh là bản chất của sự sáng tạo nằm ở việc dám chấp nhận rủi ro, đúng không?”
“Đó mới chỉ là một phần của việc giải phóng khả năng sáng tạo tiềm ẩn trong đội ngũ nhân viên. Bản chất của sự sáng tạo nằm ở lối tư duy độc đáo. Đây…”, Julian cho tay vào áo choàng và lấy ra mảnh ghép thứ bảy đưa cho tôi. “Yogi Raman đã diễn đạt nguyên lý này tinh tế hơn tôi nhiều.”
Rất khó để đọc ra dòng chữ nhỏ được khắc trên mảnh ghép ấy. Sau một lúc chăm chú nhìn thật kỹ, tôi đã có thể đọc được những gì khắc trên đó, Nguyên tắc thứ bảy: Thấy điều người khác thấy, nghĩ điều không ai nghĩ.”
“Hãy nhìn tất cả những đứa trẻ xinh đẹp này. Chúng là hình mẫu của sự sáng tạo, mỗi đứa trẻ chính là một hình mẫu. Chẳng ai có thể dập tắt những ý nghĩ ngộ nghĩnh của chúng bằng cách nói rằng mặt trăng không phải làm từ phô mai đâu, hay ông già Noel chỉ là một sản phẩm của trí tưởng tượng. Chẳng ai có thể bóp nghẹt ước mơ của chúng bằng cách bảo rằng chúng không thể trở thành bác sĩ, luật sư, nhà du hành vũ trụ hay diễn viên điện ảnh. Đối với chúng, thế giới này luôn ngập tràn cơ hội và mọi thứ đều có thể xảy ra. Chúng có một trái tim trong trẻo và một tâm hồn trong sáng. Hãy cẩn trọng học hỏi chúng. Xem cách chúng phát triển trí tưởng tượng của bản thân. Quan sát chúng tập trung vào việc đang làm như thế nào. Khả năng sáng tạo của trẻ em vượt xa hơn hẳn người lớn chúng ta, và vì thế, trong bài học hôm nay chúng ta cần phải học từ chúng.”
“Tôi hoàn toàn đồng ý với anh, Julian. Tôi vẫn còn nhớ khi lũ trẻ nhà tôi vừa chập chững biết đi. Tôi đã học được rất nhiều điều từ chúng.”
“Chẳng hạn như?”
“Tôi hiểu được tầm quan trọng của trí tò mò, tính tự phát và sự vui đùa. Có điều tôi chưa bao giờ thực hành những điều này. Tôi cũng học được có rất nhiều cách để nhìn một vấn đề.”
“Đúng vậy. Tôi sẽ kể cho anh nghe một câu chuyện mà Yogi Raman đã chia sẻ với tôi. Có một vị tu sĩ đang ngồi với các môn đệ trên một ngọn đồi dưới chân dãy Hy Mã Lạp Sơn. Vì muốn thử các môn đệ của mình, ông đã vẽ một đường thẳng trên mặt đất và yêu cầu họ hãy làm đường thẳng này ngắn lại mà không được xóa đi bất cứ phần nào trên đó. Các môn đệ của ông lúng túng, không thể nghĩ ra cách làm ngắn đường thẳng mà lại không được đụng vào nó - ngoại trừ một người. Đó chính là người luôn chăm chỉ học tập và dành thời gian thực hành nhiều nhất. Anh ta bước về phía đường thẳng mà sư phụ của mình đã vẽ ra, rồi vẽ thêm một đường thẳng khác song song bên cạnh, dài hơn đường thẳng ban đầu. Anh ta đã không hề đụng gì đến đường thẳng ban đầu. Vị tu sĩ mỉm cười, ‘Tốt lắm. Giờ thì đường thẳng của ta đã ngắn hơn rồi’.”
“Lối tư duy độc đáo này chính là điều mà Nguyên tắc thứ bảy muốn nói tới. Thấy điều người khác thấy, nghĩ điều không ai nghĩ, đây là nguyên tắc về sự sáng tạo và đổi mới, đòi hỏi anh phải phá vỡ mọi xiềng xích bó buộc của cách suy nghĩ truyền thống. Và nhờ đó, anh có thể kiểm soát được những biến động mà nền kinh tế luôn thay đổi từng ngày này mang lại. Thực chất, để thực hiện được nguyên tắc này, anh chỉ cần phát triển kỹ năng tìm kiếm những giải pháp mới cho các vấn đề cũ và tìm ra những cách làm thông minh hơn để thực hiện công việc của mình. Hãy nhìn nhận mọi việc xa hơn những gì mà anh thấy trước mắt. Hãy can đảm, với tư cách một nhà lãnh đạo, để cho những điều kỳ diệu như trí tưởng tượng của trẻ thơ lấp đầy tâm hồn và trái tim của nhân viên anh.
“Để nuôi dưỡng một tinh thần đổi mới ngay trong GlobalView, anh phải nhận ra một trong những ưu tiên hàng đầu của anh là tạo nên một môi trường làm việc luôn khen thưởng cho sự ham thích học hỏi, và công nhận những ý tưởng mới chính là hạt giống của sự thành công. Hãy nhớ rằng chỉ cần một ý tưởng tuyệt vời cũng có thể tạo nên sự khác biệt cho công ty của anh. Một cách làm mới thông minh giúp tăng năng suất công việc hoặc cải tiến chất lượng sản phẩm có thể tạo ra một khác biệt lớn trong nguồn lợi nhuận mà công ty thu về. Và có lẽ quan trọng hơn, một ý tưởng độc đáo được thực hiện nghiêm túc có thể thay đổi cuộc sống của nhiều khách hàng mà công ty anh đang phục vụ. Đây chính là sức mạnh thật sự của sự đổi mới: biến thế giới thành một nơi tốt đẹp hơn. Giống như Maya Angelou từng viết một câu tuyệt vời rằng, “Nếu may mắn, một mơ ước hão huyền đơn độc cũng có thể biến đổi hoàn toàn cả triệu hiện thực.”
“Vậy thì tôi nên bắt đầu từ đâu?”
“Đầu tiên, anh phải coi mỗi nhân viên của mình là một nghệ sĩ.”
“Thật sao? Ngay cả những người làm trong bộ phận bán hàng và giao nhận à?”
“Đúng vậy. Như tôi đã nói đấy, nhận thức đến trước thay đổi, và nếu anh không nhận thức rõ một sự thật là tất cả nhân viên trong công ty anh đều có khả năng sử dụng trí tưởng tượng của họ để đưa ra những ý tưởng độc đáo thì GlobalView sẽ chẳng bao giờ có thể trở thành một công ty lấy sự đổi mới làm trung tâm. Hãy vận dụng sự thông thái trong việc lãnh đạo để hiểu được rằng tất cả chúng ta đều là nghệ sĩ và có khả năng sáng tạo phi thường khi được khuyến khích đưa ra những ý tưởng độc đáo. Chúng ta đều có khả năng sáng tạo ở nhiều mức độ khác nhau.”
“Hãy nhìn những đứa trẻ này”, Julian nói và chỉ vào đám trẻ đang nô đùa trong sân trường, hoàn toàn mải mê với trò chơi của mình. “Cậu bé ở đằng kia đang biểu diễn một bản nhạc với cây đàn ghi-ta tưởng tượng và nghĩ rằng mình chính là ngôi sao nhạc rock đã xuất hiện trên tivi tối qua. Còn cô bé đang đứng dưới gốc cây kia tin rằng cô bé là anh thư có trách nhiệm giải cứu thế giới. Anh không thể phủ nhận rằng mỗi đứa trẻ ở đây đều là một nghệ sĩ, một nhà sáng tạo với rất nhiều ý tưởng mới lạ và thú vị.”
“Đúng vậy, nhưng chúng vẫn chỉ là những đứa trẻ”, tôi phản đối. “Còn tôi đang lãnh đạo những người trưởng thành, và gần như chẳng ai trong số họ có khả năng suy nghĩ hay hành động khác đi so với những quy chuẩn thông thường. Nếu đề nghị họ thử làm một điều gì đó mới, thì lòng bàn tay họ sẽ mướt mồ hôi và họ trở nên hoảng sợ. Họ bám víu vào những cách làm việc truyền thống như thể cả cuộc đời họ hoàn toàn phụ thuộc vào chúng, kể cả khi có phương pháp mới tốt hơn gấp ngàn lần.”
“Vậy thì đó là lỗi của ai?”, Julian nghiêm giọng chất vấn.“Hãy nhớ rằng, cách anh lãnh đạo sẽ dạy cho nhân viên anh cách họ phải làm việc theo. Nếu đó là cách họ phản ứng khi anh đề nghị họ thử thay đổi bản thân đôi chút, thì rõ ràng anh và ban lãnh đạo công ty đã không tạo ra một môi trường đủ an toàn để nhân viên của mình có thể tự tin khám phá những khái niệm mới. Có lẽ họ lo sợ sẽ bị trách phạt nếu như thất bại. Hoặc cũng có thể sự cứng nhắc của họ xuất phát từ cảm giác rằng họ sẽ bị cười nhạo nếu ý tưởng của họ không đạt được thành công như mong đợi? Nếu nhân viên của anh không sẵn sàng đón nhận những ý tưởng mới, những khái niệm mới và những hệ thống mới với sự hào hứng, nhiệt tình, thì đó là vì anh đã thất bại trong việc tạo ra một môi trường làm việc phi rủi ro. Sự sáng tạo sẽ bị giết chết khi người ta cảm thấy còn điều gì đó để mất.”
“Vậy làm cách nào để tôi có thể tạo ra một môi trường ‘phi rủi ro’?”
“Có rất nhiều cách. Hãy cho phép nhân viên của anh được tự do thất bại. Hãy nâng mức độ tín nhiệm đối với họ lên. Hãy khen ngợi những hành động tự phát thông minh và tưởng thưởng cho những ý tưởng độc đáo. Hãy để mọi người được là chính mình. Hãy cho phép họ để trí tưởng tượng thiên phú của mình được tỏa sáng.”
“Trong một bài báo tôi từng đọc cách đây khá lâu, Paul Fireman, vị CEO của hãng Reebok, có nói rằng bí mật làm nên sự thành công của Reebok chính là nhờ đội ngũ nhân viên của họ được tự do sáng tạo.”
“Chính xác. Hãy nhớ rằng, những nhà lãnh đạo có tầm nhìn sẽ không bao giờ kiểm soát sự sáng tạo - họ đơn giản là phát hiện ra nó và cho phép nó tuôn tràn trong khắp tổ chức của mình. Họ giải phóng sự sáng tạo, với hy vọng rằng công ty của họ sẽ trở thành một sân chơi sôi động của những ý tưởng cải tiến, giống như sân chơi mà chúng ta đang đứng đây.”
Ngay lúc Julian vừa dứt lời, một miếng bánh pudding to tướng bay trong không trung và hạ cánh ngay đúng vào tay chiếc áo choàng đỏ sạch không tì vết của anh. Thủ phạm, một cậu bé con với nụ cười tinh quái, đã lớn tiếng reo hò ngay khi nhận thấy mục tiêu đã trúng đạn. Rồi sau đó, cậu bé bỏ chạy thoăn thoắt trên đôi chân nhỏ bé của mình, vừa chạy vừa hét toáng lên rằng, “Tớ đã bắn trúng nhà sư rồi! Tớ bắn trúng nhà sư rồi! Tớ bắn trúng nhà sư rồi!”.
Julian chỉ biết đứng ngây người thảng thốt. Rồi sau đó, vẫn phong cách quen thuộc, anh đưa ngón tay chấm thử vào đống bầy nhầy đang chảy trên áo. “Hy vọng là vị sô-cô-la”, anh ấy bật cười. “Đó luôn là mùi vị mà tôi yêu thích.”
“Điều này thật ra lại dẫn tôi đến một điểm mấu chốt khác để nuôi dưỡng sự sáng tạo trong môi trường làm việc của anh, Peter à”, Julian tiếp tục, trong khi đang cố chùi những vết bẩn còn dính lại của miếng bánh pudding bằng chiếc khăn mùi xoa trắng tinh mà tôi vừa lấy ra từ túi áo vest. “Để công ty anh có thể trở thành ‘một sân chơi của những ý tưởng’, điều sẽ giúp nó vươn lên đẳng cấp hàng đầu thế giới, thì môi trường mà anh tạo ra cho nhân viên của mình làm việc phải thật sự vui vẻ. Anh thấy đấy, một trong những trở ngại lớn nhất cho khả năng sáng tạo là quan niệm cho rằng sự vui đùa chỉ dành cho trẻ con. Lối suy nghĩ này không những kìm hãm khả năng sáng tạo, mà còn khiến gia tăng sự căng thẳng trong công việc. Chẳng có gì sai nếu thỉnh thoảng mọi người tỏ ra thoải mái và cùng nhau tận hưởng những tràng cười sảng khoái. Cũng chẳng có gì sai trong việc cho phép họ vui đùa tại nơi làm việc như vậy. Công việc nên có niềm vui. Và tạo cơ hội cho mọi người tận hưởng niềm vui trong công việc là một triết lý lãnh đạo tuyệt vời, bởi vì điều đó khẳng định cho tất cả thấy rằng anh thật sự đặt đội ngũ nhân viên của mình lên trên hết. Plato quan niệm rằng, ‘Hãy sống cuộc đời này như đang chơi’. Hãy nhớ điều này, những người mà anh đang lãnh đạo dành phần lớn thời gian của cuộc đời họ ở văn phòng. Điều tối thiểu anh có thể làm cho họ là biến văn phòng thành một nơi tuyệt vời để làm việc. Niềm vui và tiếng cười chính là cánh cửa dẫn vào trái tim và trí tưởng tượng của mỗi người. Mọi người đều thích làm việc với những người yêu công việc của mình.”
“Tuyệt vời, Julian. Anh còn bí quyết nào giúp tôi giải phóng sự sáng tạo và năng lượng trong đội ngũ nhân viên của mình hay không?”
“Đây là một vài ý tưởng mà tôi vừa nghĩ ra để có thể giúp anh truyền sức sống và tiếp thêm năng lượng vào môi trường làm việc ở GlobalView. Hãy khuyến khích các nhân viên của anh tự đặt ra cho bản thân một ‘chỉ tiêu ý tưởng’ hàng tuần. Anh cũng có thể ban hành một chế độ khen thưởng chính thức dành cho những sáng kiến hay nhất, nhờ đó các nhân viên sẽ hiểu rằng những ý tưởng độc đáo của họ thật sự có giá trị. Hãy tổ chức những chuyến dã ngoại định kỳ mỗi tháng cho tất cả mọi người ở các phòng ban để luôn duy trì sự vui vẻ và xây dựng tinh thần đồng đội. Hãy ghé đến câu lạc bộ hài kịch, thuê một rạp chiếu phim, hay tổ chức một buổi tiệc ngay tại văn phòng. Tôi cũng khuyên anh nên lập ra một ban tổ chức các cuộc tranh tài. Khi ấy những cuộc vui mới thật sự bắt đầu.”
“Một ban tổ chức các cuộc tranh tài ư?”
“Đúng vậy, một ban có nhiệm vụ nghĩ ra đủ thể loại đề tài vui nhộn cho các cuộc tranh tài nội bộ có thể mang lại tiếng cười và niềm vui cho mọi người, khiến họ càng yêu thích khi được làm việc cho công ty của anh. Đây là một cách tuyệt vời để tăng mức độ hài lòng của nhân viên đối với công việc và giảm thiểu tỷ lệ nghỉ việc. Không những thế, nó sẽ giúp công ty anh có nhiều khách hàng hơn.”
“Thật sao?”
“Chắc chắn là như vậy. Đừng bao giờ quên rằng khi anh bảo đảm nhân viên của mình có thể vui cười lúc làm việc, thì họ cũng sẽ đảm bảo rằng khách hàng của anh luôn vui cười khi mua sản phẩm của anh. Anh đã bắt đầu nhận ra một môi trường làm việc tích cực không chỉ kích thích sức sáng tạo của nhân viên mà còn giúp công ty gia tăng lợi nhuận chưa?”
“Ồ, tôi đã bắt đầu hiểu điều đó rồi.”
“Hãy nghĩ đến những chương trình kiểu như Ngày Cà-vạt xấu xí, Tuần lễ truyện cười, hoặc Buổi sáng miễn phí bánh kếp - trong những buổi sáng này, anh và ban lãnh đạo công ty sẽ chuẩn bị món bánh kếp để thết đãi tất cả nhân viên của mình. Những chương trình như vậy chắc chắn sẽ tạo ra một hiệu ứng tuyệt vời trong trái tim và cả tinh thần của mỗi người. Hãy thử nghĩ đến việc cho phép công nhân thuộc bộ phận sản xuất được nghỉ thêm nửa tiếng buổi trưa thứ Sáu để tham gia một cuộc thi phóng máy bay giấy nếu họ hoàn thành chỉ tiêu được giao. Tôi dám cá là họ sẽ cố hết sức để không những hoàn thành mà còn vượt xa chỉ tiêu mà công ty giao cho. Và nếu anh thật sự muốn báo hiệu cho mọi người thấy sự thay đổi thái độ rất tích cực của bản thân theo một cách thú vị, anh có thể thử cả cách 4-4-5-4-9-8.”
“4-4-5-4-9-8 là cái gì thế?”
“Đó là giai điệu ca khúc Happy Birthday được mã hóa theo bàn phím điện thoại. Hãy thử tưởng tượng anh chơi điệu nhạc này cho một nhân viên trong ngày sinh nhật của họ như một lời chúc mừng. Một sự kiện không thể tin được, đúng không?”
“Chắc chắn các nhân viên của tôi sẽ nghĩ ngay là không thể tin được.”
“Hãy nhớ điều này, nếu các nhân viên của anh tìm lại được niềm vui của thuở ấu thơ tại chính nơi làm việc của mình, họ sẽ cảm thấy hạnh phúc hơn rất nhiều. Những nhân viên hạnh phúc hơn sẽ làm việc sáng tạo hơn, năng suất cao hơn và trung thành hơn. Và những nhân viên sáng tạo, làm việc năng suất cao và trung thành chính là nền tảng vững chắc của mọi tổ chức vĩ đại nhất. Đúng chứ?”
“Đúng vậy.”
“Chỉ cần nhớ đơn giản là, một công ty mà ở đó mọi người cùng chơi với nhau thì họ sẽ cùng sống chết bên nhau.”
Ngừng một chút, Julian nói thêm trong lúc đưa tôi trở lại bãi đỗ xe, “À, và thỉnh thoảng hãy đặt cho bản thân những câu hỏi thú vị”.
“Ý anh là sao?”
“Đặt ra những câu hỏi sáng tạo là một trong những phương pháp hiệu quả nhất để rèn luyện khả năng tư duy mới mẻ và độc đáo. Những câu hỏi thông minh sẽ đưa anh ra khỏi giới hạn an toàn của bản thân để đến với những chân trời mới, nơi mà cái nhìn của anh trở nên phóng khoáng hơn và mọi thứ đều có thể xảy ra.”
“Anh có thể gợi ý một vài câu hỏi cho tôi tham khảo được không?”
“Chắc chắn rồi. Chẳng hạn như, ‘Mình sẽ làm gì nếu biết chắc là mình không được phép thất bại?’. Hoặc, ‘Ba điều cơ bản nào mình có thể làm hàng tuần, mà nếu thực hiện tốt sẽ giúp nâng cao hiệu quả lãnh đạo của bản thân?’. Sau đó, hãy tự vấn bản thân tại sao lại không thực hiện chúng. Và mỗi khi gặp phải rắc rối hãy đặt câu hỏi, ‘Nếu rơi vào hoàn cảnh này, Kennedy, Churchill hay Khổng Tử sẽ làm như thế nào?’. Và có lẽ câu hỏi hay nhất để tự hỏi bản thân khi đối mặt với thử thách đòi hỏi phải nâng cao khả năng sáng tạo hơn nữa là, ‘Nếu còn là một đứa trẻ, thì mình sẽ nghĩ về người đàn ông là-mình-của-hiện-tại này thế nào?’.”
“Một câu hỏi rất sâu sắc, Julian. Tôi hơi hổ thẹn khi nghĩ đến câu trả lời”, tôi nói, khi hai chúng tôi vừa tới nơi tôi đỗ xe.
“Hãy nuôi dưỡng trí tưởng tượng và để cho tinh thần được tự do phát triển. Hãy mở nắp chiếc hộp chứa đựng trí tò mò thuở nhỏ. Hãy dám mơ những ước mơ lớn lao hơn và đặt ra một tầm nhìn cao hơn cho tương lai. Dù anh có thể thấy những điều mà mọi nhà lãnh đạo khác trên thế giới đều thấy, nhưng hãy bắt đầu nghĩ đến những điều mà không một ai khác có thể nghĩ. Đừng bao giờ quên rằng trong góc sâu thẳm của mỗi nhà lãnh đạo tài giỏi nhất trên hành tinh của chúng ta là một tâm hồn trẻ thơ, với đầy ắp sự tò mò và lòng hứng khởi. Nguồn năng lượng, tinh thần lạc quan và niềm hy vọng mà anh tạo ra sẽ có sức lan tỏa rộng khắp. Và đó cũng chính là điều mà anh còn nợ những người đang đi theo sự dẫn dắt của anh.”
“Anh thật sự tin rằng một nhà lãnh đạo có ‘niềm hy vọng’ sẽ mang đến những sự thay đổi đáng kể, phải không?”
“Đúng vậy. Hy vọng chính là nguồn năng lượng tiếp sức cho các nhà lãnh đạo tài giỏi và những công ty định hướng phát triển theo mục tiêu đã đặt ra. Vấn đề này khiến tôi chợt nhớ đến lời trăng trối của một ông lão trước phút lâm chung. Ông ấy đã nói, ‘Tôi chỉ là một người bình thường với những khả năng bình thường. Tôi tin chắc bất cứ ai trên thế giới này cũng có thể làm được những điều tôi đã làm, nếu họ thật sự nỗ lực và vun đắp cho niềm tin và hy vọng giống như tôi.”
“Phải chăng là một vị khách hàng giàu có nào đó mà anh đã làm đại diện cho họ trong thời kỳ vàng son trước đây?”
“Không phải đâu, Peter”, Julian trả lời và dừng lại một lúc. “Đó là những lời của Gandhi.”
“Thật quá ấn tượng”, tôi suy tư đáp. “Nói đến hy vọng, tôi chợt nhớ đã từng thấy một tờ báo mới đây có tiêu đề là, ‘Một nhà báo bại liệt đã viết sách bằng cách nháy mắt’.”
“Ồ, thật sao?”
“Đúng vậy. Đó là câu chuyện về Jean-Dominique Bauby, nguyên trưởng ban biên tập của tạp chí Elle danh tiếng tại Paris. Một buổi sáng, khi đang trên đường chở con trai đến trường, ông bất ngờ bị đột quỵ và ngã gục trên ghế. Con trai ông lúc đó đã rất hoảng loạn lao ra ngoài kêu cứu. Ba tuần sau, mặc dù thoát khỏi tình trạng hôn mê sâu, nhưng gần như ông bị điếc và bị liệt hoàn toàn. Ông không thể cử động bất kỳ một bộ phận nào trên cơ thể, ngoại trừ một bộ phận duy nhất.”
“Đó là bộ phận nào?”, Julian hỏi với vẻ rất chăm chú.
“Mí mắt trái. Và nhờ niềm hy vọng tràn đầy, tinh thần lạc quan hiếm thấy, cùng khao khát mãnh liệt được tạo ra một điều gì khác biệt, Jean-Dominique đã quyết định rằng mặc dù không thể cử động, nhưng ông phải tìm cách nào đó để viết một cuốn sách nhằm chia sẻ những bài học đắt giá từ chính bi kịch của bản thân với mọi người. Và nhờ vận dụng trí tưởng tượng sáng tạo để tìm phương án thực hiện ước mơ đó, cuối cùng ông cũng phát minh ra một bảng chữ cái đặc biệt mà mỗi chữ cái sẽ tương ứng với số lần nháy mắt của ông.”
“Anh đang đùa phải không?”
“Không đâu, hoàn toàn là sự thật đấy”, tôi trả lời. “Mỗi ngày trong căn phòng bệnh ảm đạm đó, người đàn ông phi thường ấy dành ra ba giờ với biên tập viên để viết nên cuốn sách về cuộc đời mình bằng từng cái nháy mắt chậm rãi. Theo ước tính của tác giả bài báo, ông đã nháy mắt hơn 200.000 lần để hoàn thành 137 trang sách. Và với tất cả độc giả chúng ta, cuốn sách đó thật sự là một kiệt tác.
Trong cuốn sách, Jean-Dominique đã kể lại những ước mơ còn mãi dang dở của mình: chinh phục đỉnh núi Alpine cùng các tay đua xe đạp giải Tour de France, tham gia giải đua xe Công thức I, hay đơn giản là nhấm nháp món xúc xích Lyonnais vào một ngày hè đẹp trời. Ông cũng nói về nỗi đau khôn nguôi khi giờ đây không còn có thể ôm các con vào lòng, chơi đùa với chúng và được trở thành một người có ích như ông mong muốn.”
“Sau khi hoàn thành cuốn sách”, tôi tiếp tục, “Jean-Dominique đã thành lập một tổ chức chuyên giúp đỡ những nạn nhân bị liệt và gia đình của họ, ông dành những ngày tháng còn lại để biến nghịch cảnh của bản thân thành chiến thắng bằng cách dùng chính câu chuyện cuộc đời mình để truyền cảm hứng cho mọi người. Đáng buồn thay, Jean-Dominique đã qua đời và bài báo mà tôi đọc được đó chính là lời cáo phó. Nhưng tôi tin rằng anh cũng đồng ý rằng cuộc đời của Jean-Dominique đã chứng minh rằng sức mạnh tinh thần có thể giúp chúng ta đạt được những điều phi thường như những gì anh đã chia sẻ với tôi. Và những hành động anh hùng mang dấu ấn cá nhân của Jean-Dominique chính là minh chứng cho điều mà anh nói, Thấy điều người khác thấy, nghĩ điều không ai nghĩ”.
“Đúng vậy, Peter à. Đó chính xác là ý nghĩa của Nguyên tắc thứ bảy. Hãy nhận ra cơ hội khi mọi người chỉ nhìn thấy nghịch cảnh. Hãy tìm thấy hy vọng khi mọi người chỉ biết thất vọng. Hãy nhìn ra ánh sáng giữa bóng tối. Câu chuyện anh vừa kể thật sự là một ví dụ rất xúc động. Cảm ơn anh đã kể câu chuyện đó với tôi. Anh biết đấy, tôi chưa bao giờ hết ngạc nhiên bởi những thành tựu mà con người có thể đạt được khi bị thôi thúc bởi một mục tiêu xứng đáng và tràn đầy cảm hứng. Dù vậy, điều khiến tôi bất ngờ chính là mọi người thường chờ đến lúc phải đối mặt với khủng hoảng, kể cả trong công việc hay cuộc sống cá nhân, trước khi thật sự nhìn sâu vào bản thân mình và nhận ra những tiềm năng thiên phú. Đó là một điều đáng buồn.”
Khi tôi đã ngồi vào ghế lái xe và hạ hết kính xuống, Julian lại cúi người, tay chống lên đầu gối.
“Này anh bạn, chúng ta sẽ còn gặp nhau một lần nữa trước khi tôi khởi hành đến địa điểm tiếp theo. Khoảng thời gian đã trải qua cùng anh thật sự rất tuyệt vời. Tôi lấy làm mừng khi những tri thức về nghệ thuật lãnh đạo mà tôi chia sẻ đã mang lại những chuyển biến tích cực với GlobalView.”
“Tôi không biết phải cảm ơn anh như thế nào mới đủ”, tôi đáp lại với sự cảm kích sâu sắc.
“Chỉ cần anh duy trì thực hành những bài học mà tôi đã chia sẻ và tiếp tục sẻ chia những triết lý thông thái của các hiền triết với mọi người xung quanh. Hãy để những tinh hoa tri thức về nghệ thuật lãnh đạo mà họ đã đúc kết được lan tỏa trong công ty và cộng đồng doanh nhân của anh. Hãy truyền tải những thông điệp quý báu đó đến những nhà lãnh đạo và quản lý khác nếu có cơ hội. Đó là cách đền đáp đầy đủ nhất với tôi đấy.”
“Mà này, anh có quên gì không đấy?”, tôi gọi với theo khi Julian quay đầu bước đi.
“Tôi biết rồi. Anh đang thắc mắc về địa điểm gặp nhau lần tới đúng không?”
“Anh nói đúng rồi đấy. Tôi không muốn bỏ lỡ nguyên tắc cuối cùng đâu.”
“Điểm hẹn cuối cùng của chúng ta là đài thiên văn. Hãy đến đó gặp tôi vào đúng mười hai giờ đêm. Tôi sẽ chỉ cho anh thấy một điều và điều này sẽ vĩnh viễn thay đổi quan điểm lãnh đạo của anh.”
“Thật sao?”
“Chắc chắn. À, mà trước khi anh đi, tốt hơn là anh nên cầm lấy mảnh gỗ này. Tôi biết là anh có niềm đam mê đặc biệt với trò xếp hình”, Julian nháy mắt nói.
Rồi anh cho tay vào trong áo choàng, lấy ra mảnh ghép cuối cùng và nhẹ nhàng ấn nó vào tay tôi. “Hẹn gặp anh lần tới, bạn thân mến.”
Tôi ngắm nhìn món quà đơn giản mà Julian dành cho tôi. Những mảnh ghép này có một ý nghĩa rất quan trọng đối với tôi, vì chúng là lời nhắc nhở về các nguyên tắc của những nhà lãnh đạo tài giỏi mà tôi đã được học. Cũng giống như các mảnh ghép khác, mảnh ghép thứ tám có hoa văn mờ nhạt mà tôi khó lòng nhìn ra được. Trên mảnh ghép này cũng được khắc một dòng chữ bí ẩn như bảy mảnh ghép trước. Nội dung dòng chữ ấy là: Nguyên tắc thứ tám: Lãnh đạo để tạo di sản cho tương lai.
Tôi vội nhìn lên, định hỏi Julian về ý nghĩa của những từ này, nhưng anh ấy đã biến mất. Cả sân trường phút trước còn huyên náo giờ trở nên thật vắng lặng, chỉ còn sót lại một cậu bé trai hiền lành đang lặng thinh đứng trước mặt tôi. Cậu bé nhìn tôi và mỉm cười.