Có nhiều cách đơn giản và thiết thực để thay đổi lối sống, qua đó giúp giảm nguy cơ phát triển bệnh ung thư. Một trong những thay đổi quan trọng đó là ngưng hút thuốc và thường xuyên tập thể dục, dĩ nhiên cũng bao gồm một chế độ dinh dưỡng giàu các hợp chất hóa học tự nhiên đã được đề cập trong các chương trước.
THAY ĐỔI LỐI SỐNG ĐỂ NGĂN NGỪA UNG THƯ
Chế độ dinh dưỡng phương Tây có quá nhiều đường, mỡ và thịt đỏ, trong khi có quá ít rau củ quả. Việc xây dựng một chế độ dinh dưỡng cân bằng sẽ đem lại nhiều lợi ích, bao gồm cả việc ngăn ngừa các bệnh mãn tính, như bệnh ung thư. Tuy nhiên, những thay đổi trong chế độ dinh dưỡng chỉ là một phần trong kế hoạch tái cấu trúc này. Những thay đổi về lối sống được mô tả sau đây có thể ngăn ngừa nguy cơ phát triển bệnh ung thư.
Từ bỏ thuốc lá
Hiện nay, có đến 1/3 các căn bệnh ung thư có liên quan trực tiếp đến việc hút thuốc lá. Nói “Không” với thuốc lá là một trong những thay đổi về lối sống có thể tác động lớn đến việc ngăn ngừa ung thư. Những ảnh hưởng nguy hại đến cơ thể từ việc hút thuốc là một danh mục dài, như: tăng gấp 3 lần nguy cơ mắc ung thư phổi; gia tăng đáng kể nguy cơ mắc các bệnh ung thư miệng, thực quản, tụy và bàng quang; tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch; ngoài ra còn một số tác dụng phụ khác từ việc hút thuốc như mất cảm giác về khứu giác và vị giác, mệt mỏi mãn tính…
Đáng mừng là xã hội đã có bước tiến vượt bậc trong việc kiểm soát thuốc lá, bao gồm: các chiến dịch khuyến cáo tác hại của việc hút thuốc, quy định những khu vực cấm hút thuốc, cũng như tăng giá thuốc lá... Tất cả những nỗ lực này nhằm mục đích giảm đáng kể tỉ lệ người hút thuốc trong xã hội.
Thậm chí những người nghiện thuốc lá nặng nhất cũng phải thừa nhận rằng hút thuốc lá sẽ gây nguy hại cho sức khỏe và hầu hết đều mong muốn từ bỏ thói quen này. Không nên mang mặc cảm hoặc bối rối nếu thấy khó bỏ thuốc lá. Nicotin là một trong những chất mạnh nhất được tìm thấy trong tự nhiên và hoạt động độc lập, do đó việc xử lý hoạt chất này sẽ cực kỳ khó khăn.
Chúng ta có thể khuyến khích những người hút thuốc có mong muốn từ bỏ thuốc lá thực hiện những biện pháp hiện có để thoát khỏi sự lệ thuộc. Ngừng hút thuốc lá là một trong những quyết định tác động lớn đến chất lượng cuộc sống của bạn.
Hấp thu ít calo hơn
Hạn chế mua thực phẩm chế biến sẵn cho bữa ăn vặt hoặc bữa ăn chính. Những sản phẩm này chứa quá nhiều đường, chất béo nguy hại và muối (NaCl); các loại thực phẩm này nghèo nàn chất dinh dưỡng hơn các loại thực phẩm tươi tự nhiên. Thay đổi cách nấu nướng, bạn sẽ kiểm soát tốt hơn số lượng và chất lượng các thành phần trong chế độ dinh dưỡng của mình. Thay vì thay thế bơ bằng margarine, hãy sử dụng dầu ô liu như là một nguồn cung cấp chất béo.
Cuối cùng, cách đơn giản để giảm hấp thu calo là hãy xem hamburger, xúc xích, khoai tây chiên và thức uống có ga là món ăn dùng trong những dịp đặc biệt, hơn là một loại thực phẩm trong chế độ dinh dưỡng cơ bản hằng ngày.
Bớt ăn thịt đỏ
Một chế độ ăn với nhiều thịt đỏ (bò, cừu và heo) làm tăng nguy cơ mắc ung thư đại tràng và cung cấp một lượng lớn calo dưới dạng chất béo, góp phần gây thừa cân. Hãy cố gắng tạo sự đa dạng cho thực đơn hằng ngày bằng cách sử dụng thịt nạc (như gà hoặc cá, tốt nhất là ăn cá vì cá giàu axit béo omega-3). Nếu có thể, hãy thay thế khẩu phần thịt hằng ngày bằng nguồn đạm (protein) từ các loại đậu.
Tránh những thực phẩm chứa các chất gây ung thư tiềm tàng
Thịt xông khói và các thực phẩm chứa chất bảo quản (như xúc xích, đồ hộp…) làm tăng nguy cơ mắc các bệnh ung thư vì chất nitrit khi hấp thu vào cơ thể sẽ bị chất hóa học trong cơ thể chuyển hóa thành các chất gây ung thư.
Hạn chế ăn các loại thực phẩm này càng nhiều càng tốt, cũng như tránh ăn thịt nướng. Khi thịt được nướng trên lửa, mỡ có trong thịt sẽ nhỏ xuống bếp nướng, bén lửa và sinh ra các chất độc (như aromatic hydrocarbon, hợp chất đa vòng thơm bão hòa, hợp chất này dính trở lại bề mặt thịt và có thể gây ung thư).
Các hợp chất gây ung thư khác như là heterocylic amin cũng được hình thành từ quá trình chế biến protein động vật ở nhiệt độ cao. Tuy nhiên, các nghiên cứu gần đây cho thấy việc ướp thịt bằng các hợp chất axít (như nước cốt chanh) có thể hạn chế hình thành các độc chất.
Hãy tránh những loại thực phẩm được bảo quản bằng muối. Các quốc gia ăn nhiều thực phẩm ướp muối hoặc muối chua (như Bồ Đào Nha, Nhật Bản, Trung Quốc và các nước Mỹ La tinh) có tỉ lệ mắc ung thư dạ dày cao.
Tập thể dục thường xuyên
Tập thể dục thường xuyên là thói quen tốt giúp duy trì một thân hình cân đối và cơ bắp rắn chắc. Các nghiên cứu gần đây cho thấy có mối liên hệ giữa các hoạt động thể chất và việc giảm nguy cơ mắc một số bệnh ung thư, như ung thư vú và ung thư đại tràng.
Dĩ nhiên, vận động thường xuyên sẽ giúp giảm béo phì, một yếu tố góp phần gia tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư. Một nghiên cứu khác chỉ ra rằng vận động vừa phải (3 – 5 giờ đi bộ mỗi tuần) sẽ làm giảm đáng kể nguy cơ tử vong ở phụ nữ được chẩn đoán mắc bệnh ung thư vú.
Không nhất thiết phải luyện tập vất vả như các vận động viên Olympic để đạt được sức khỏe tốt, bạn chỉ cần đi bộ mỗi ngày. Sử dụng cầu thang bộ thay cho thang máy là cách hiệu quả để thực hiện thói quen này.
CHẾ ĐỘ DINH DƯỠNG GIÚP NGĂN NGỪA UNG THƯ
Có mối liên hệ chặt chẽ giữa chế độ dinh dưỡng và nguy cơ phát triển một số loại ung thư. Chúng ta có thể vận dụng kiến thức về mối quan hệ này để thực hiện những thay đổi trong lối sống nhằm ngăn ngừa ung thư trước khi chúng bùng phát dữ dội.
Cần lưu ý rằng không có một loại thực phẩm nào được đề cập trong quyển sách này có thể mang đến “phép màu” trong việc chữa trị ung thư. Bệnh ung thư ngày càng được hiểu rõ hơn dựa trên kiến thức y học và khoa học, chứ không phải do tác động siêu nhiên như mọi người trước đây vẫn thường nghĩ; từ đó chúng ta có thể đưa ra những giải pháp phòng chống bệnh hiệu quả hơn.
Tuy nhiên, chúng ta cũng phải kinh sợ căn bệnh này! Thay vì để cho nỗi sợ khiến chúng ta trở nên đờ đẫn, sốc thì hãy lấy đó làm động lực để ngăn chặn bệnh ngay từ ban đầu. Giống như để kiểm soát nỗi sợ lửa, người ta lắp đặt thiết bị báo cháy trong mỗi phòng, thì nỗi sợ ung thư có thể khiến chúng ta đề ra những biện pháp làm thay đổi lối sống, nhất là chế độ dinh dưỡng với các hợp chất chống ung thư.
Sự đa dạng là “gia vị” của cuộc sống
Không có một loại thực phẩm nào chứa tất cả các phân tử chống ung thư. Đây là lý do vì sao việc phối hợp đa dạng các loại thực phẩm trong chế độ dinh dưỡng lại trở nên quan trọng. Ví dụ, kết hợp rau củ họ cải với hành, tỏi sẽ giúp cơ thể tiêu diệt các chất gây ung thư, theo đó làm giảm khả năng gây đột biến ADN của các chất này.
Trà xanh, các loại quả mọng và đậu nành sẽ giúp ngăn chặn sự hình thành các mạch máu mới cần thiết cho sự phát triển các vi khối u. Các phân tử có trong các loại thực phẩm này có thể tác động lên các giai đoạn phát triển của ung thư, chẳng hạn như resveratrol (trong nho) có thể tác động đến cả 3 giai đoạn ung thư, còn genistein (trong đậu nành) là tác nhân ức chế mạnh đối với một số protein liên quan đến sự tăng trưởng mất kiểm soát của tế bào ung thư.
Sự đa đạng của các phân tử chống ung thư trong thực phẩm là điều then chốt bởi vì các tế bào ung thư có thể phát triển theo nhiều cách khác nhau. Thật sai lầm khi cứ nỗ lực kiểm soát sự phát triển của các tế bào ung thư bằng cách chỉ sử dụng các phân tử can thiệp vào một giai đoạn đơn lẻ. Một sự tác động từ nhiều phía, trước khi chúng trở nên mất kiểm soát và tăng trưởng dữ dội, là điều cần thiết.
Ăn uống chừng mực và điều độ
Hấp thu các hợp chất hóa học tự nhiên từ thực phẩm là một cách giúp kiểm soát các phân tử chống ung thư, giữ các tế bào tiền ung thư luôn ở trạng thái mất cân bằng thông qua việc ngăn chặn sự phát triển của chúng.
Đây là một “cuộc chiến” dai dẳng. Bệnh ung thư cần phải được xem là một căn bệnh mãn tính, đòi hỏi phải điều trị thường xuyên để giữ chúng ở trạng thái tiềm tàng. Sẽ thật tai hại nếu chúng ta ăn uống thịnh soạn vào ngày cuối tuần, lơ là những lời khuyên cần thiết, rồi ăn uống đạm bạc vào những ngày còn lại. Cách suy nghĩ và thói quen ăn uống này không giúp ích gì trong nỗ lực ngăn chặn ung thư.
Ăn uống chừng mực và điều độ là điều then chốt. Ngăn ngừa ung thư bằng chế độ dinh dưỡng là một công việc liên tục, có thể thay đổi cả lối sống của bạn.
Ăn uống hiệu quả
Những hoạt chất chống ung thư hiện diện trong thực phẩm thường có khả năng tác động trực tiếp lên khối u và ngăn chặn sự phát triển bằng cách gây chết tế bào ung thư và ngăn chặn khối u tiến vào giai đoạn phát triển. Ví dụ, hoạt chất chống ung thư có thể ngăn chặn sự hình thành mạng lưới mạch máu mới, hoặc kích hoạt cơ chế đáp ứng của hệ miễn dịch.
Nếu một dạng phân tử chống ung thư có hoạt tính cụ thể nào đó thì một nhóm các phân tử khác nhau sẽ hoạt động như thế nào? Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng ăn uống đa dạng các loại thực phẩm sẽ cho phép các phân tử hoạt chất tự nhiên tiến đến các mục tiêu khác nhau, cũng như thể hiện nhiều hoạt tính hơn. Nhờ vào đặc tính hiệp lực này, hoạt tính chống ung thư của các phân tử có thể được khuếch đại bởi sự hiện diện của một phân tử khác.
Đây là đặc tính quan trọng của các hợp chất trong thực phẩm dù chúng chỉ hiện diện với số lượng nhỏ trong máu. Ví dụ, cả hoạt chất curcumin (tinh chất nghệ) và các hợp chất polyphenol chính hiện diện trong trà xanh (EGCG) đều có khả năng tự gây chết tế bào khi chúng hiện diện với số lượng nhỏ. Tuy nhiên, khi 2 phân tử này được bổ sung vào chủng tế bào ung thư, chúng có thể hiệp lực để gây phản ứng mạnh lên tế bào bằng cách kích hoạt cơ chế tự hủy tế bào (apoptosis). Đặc tính hiệp lực này có thể gia tăng hiệu quả trong việc ngăn ngừa ung thư. Các nghiên cứu trong phòng thí nghiệm cho thấy việc đưa curcumin và EGCG vào các tế bào ung thư đang được xạ trị với liều thấp sẽ làm tăng đáng kể hiệu quả điều trị.
Sự hiệp lực cũng thường diễn ra ở cơ chế tác động gián tiếp. Thực phẩm chúng ta ăn hằng ngày chứa những phân tử không có bất kỳ hoạt tính nào, nhưng có thể tác động đáng kể đến quá trình ngăn chặn ung thư bằng cách gia tăng số lượng các phân tử có hoạt tính chống ung thư khác trong máu, làm chậm sự bài tiết hoặc tăng hấp thu các phân tử đó.
Một trong những ví dụ điển hình nhất về đặc tính hiệp lực gián tiếp là hoạt tính của piperine, một phân tử hiện diện trong tiêu. Piperine gia tăng khả năng hấp thu curcumin lên gấp 1.000 lần. Sự hiện diện của piperine cho phép một lượng lớn curcumin được hấp thu vào cơ thể, từ đó tích lũy một lượng hoạt chất vừa đủ để tác động vào các tế bào ung thư. Đặc tính hiệp lực này minh họa cho sự cần thiết của một chế độ dinh dưỡng đa dạng nhằm khai thác tối đa lợi ích của các hoạt chất. Do vậy, các chế phẩm bổ trợ chứa các hợp chất được chiết xuất từ những loại thực phẩm này chính là sự lựa chọn sai lầm!
CHẾ ĐỘ DINH DƯỠNG NGĂN NGỪA UNG THƯ
Chúng ta cần thiết lập chế độ dinh dưỡng theo một chương trình phù hợp với sức khỏe, đa dạng các thành phần có đặc tính chống ung thư. Đây là chế độ dinh dưỡng mà mỗi một hợp chất cung cấp cho các cơ quan một hàm lượng cần thiết chống lại sự phát triển của tế bào ung thư. Tuy nhiên, đối với những người đang bị bệnh nặng hoặc đang trong giai đoạn thuyên giảm bệnh, tuân thủ chế độ ăn uống nghiêm ngặt cũng có thể giúp ngăn chặn tái phát bệnh.
Các loại thực phẩm mà chúng tôi đề cập có thể hữu ích cho những người đang có nguy cơ cao phát triển ung thư do di truyền hoặc đang phải chịu đựng căn bệnh. Đặc tính ngăn ngừa này được gọi là ngăn ngừa thứ cấp. Ngăn chặn sơ cấp là quá trình tiêu thụ thường xuyên các loại thực phẩm giàu hợp chất chống ung thư để kiềm chế sự phát triển của ung thư. Còn trong đặc tính ngăn chặn thứ cấp, các loại thực phẩm này tạo một phản ứng sinh học nhằm hạn chế sự phát triển của các tế bào u còn sót lại sau quá trình phẫu thuật, xạ trị hoặc hóa trị.
Thà muộn còn hơn không!
Những lời khuyên của chúng tôi có thể áp dụng cho bất kỳ ai mong muốn hạn chế nguy cơ mắc bệnh ung thư. Nguyên tắc cơ bản ở đây là: một số loại thực phẩm là nguồn dồi dào các phân tử chống ung thư, việc bổ sung các hoạt chất này vào chế độ dinh dưỡng hằng ngày có thể tác động mạnh đến các loại bệnh ung thư. Kết hợp các loại rau họ cải, hành, tỏi, đậu nành và một số loại trái cây trong chế độ dinh dưỡng sẽ cung cấp cho cơ thể một lượng lớn các phân tử chống ung thư. Đậu nành, trà xanh và nghệ cũng tạo ra sự chênh lệch lớn về tỉ lệ mắc bệnh ung thư giữa phương Đông và phương Tây.
Chỉ đề cập đến những loại thực phẩm này không có nghĩa là các loại thực phẩm khác (như các loại đậu, a-ti-sô, cà tím, ớt chuông, nấm, táo, chuối và các loại rau củ quả) không có giá trị trong chế độ dinh dưỡng. Thay đổi thói quen ăn uống, bằng cách tăng tiêu thụ rau củ quả, là một điều đáng khích lệ.
Rau củ quả được xem là có vai trò thiết yếu trong việc ngăn ngừa ung thư; tuy nhiên, những lời đồn đoán đã tác động đến tâm lý của người tiêu dùng đối với những sản phẩm có nguồn gốc từ thực vật. Do đó, việc thay đổi định kiến tiêu cực sẽ có ý nghĩa tiên quyết trong việc giảm thiểu và ngăn chặn căn bệnh này.
Nhiều loại thực phẩm không được đề cập đến trong quyển sách này cũng chứa một lượng đáng kể các hợp chất hóa học tự nhiên quan trọng và có hoạt tính đa dạng. Ví dụ, sự hiện diện của các loại đường phức và sắc tố trong tảo biển (wakame, hijiki và arame), loại thực phẩm thường có trong bữa ăn hằng ngày của người Nhật, có thể ngăn chặn sự phát triển của một số bệnh ung thư, nhất là ung thư vú. Một điều thú vị là nhiều loại thảo dược và gia vị được sử dụng như chất phụ gia lại chứa một lượng lớn các phân tử hoạt động như là chất kháng viêm, có thể làm giảm nguy cơ phát triển những bệnh mãn tính như bệnh ung thư.
Gừng là một ví dụ điển hình về loại thực phẩm này. Một trong những phân tử hiện diện trong loại gia vị thân củ này được biết đến là gingerol, có tính năng mạnh như kháng viêm và ức chế các tế bào ung thư.
Các loại rau thơm như ngò tây, húng tây (thyme), bạc hà và nụ bạch hoa (caper) chứa một lượng lớn các hợp chất nhóm polyphenol như: apigenin, luteolin và kampferol. Những phân tử này ức chế sự tăng trưởng của tế bào ung thư, cũng như ngăn chặn sự phát triển của các khối u trên động vật trong phòng thí nghiệm. Các loại thảo dược, rau thơm này không chỉ là gia vị không thể thiếu trong ẩm thực mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc ngăn ngừa ung thư.
NHỮNG LỜI ĐỒN ĐOÁN VỀ RAU CỦ QUẢ
Lời đồn đoán 1
Rau củ quả chứa dư lượng thuốc trừ sâu gây ung thư
Hoàn toàn sai lầm!
Dư lượng thuốc trừ sâu trong rau củ quả (nếu có) chỉ hiện diện ở dạng vết và không có nghiên cứu nào cho thấy mối liên hệ giữa dư lượng này và bệnh ung thư. Ngược lại, ăn nhiều rau củ quả được xem là có khả năng làm giảm nguy cơ phát triển bệnh ung thư.
Lợi ích nhận được từ loại thực phẩm này đáng tin hơn so với những lời đồn đoán. Một cách đơn giản để loại bỏ những chất còn sót lại trên rau củ quả là rửa sạch bằng nước. Ngoài ra, chúng ta có thể lựa chọn những loại rau củ quả an toàn, không chứa thuốc trừ sâu và chất bảo quản.
Lời đồn đoán 2
Rau củ quả là kết quả của quá trình biến đổi di truyền (thực phẩm biến đổi gen, GMO) gây nguy hại cho sức khỏe
Hoàn toàn sai lầm!
Đại đa số các loại rau củ quả đều là sản phẩm của quá trình chọn lọc tự nhiên. Không có một nguyên liệu di truyền ngoại lai được đề cập trong các loại thực phẩm này và chúng có thể được xem là hoàn toàn thiên nhiên.
Đối với những loại rau củ quả biến đổi gen, cũng không có nghiên cứu nào cho thấy những thực phẩm này có đặc tính gây ung thư. Kết quả này không có gì là ngạc nhiên, các protein được tạo ra từ quá trình biến đổi di truyền sẽ bị phân hủy trong quá trình tiêu hóa, do đó không có bất kỳ tác động nào trong việc hấp thu dưỡng chất.
Vấn đề của thực phẩm biến đổi gen là môi trường, cụ thể là sự đa dạng của các loài thực vật. Đây là một vấn đề nghiêm trọng. Vấn đề cấp bách hiện nay là việc triển khai sản xuất thực phẩm biến đổi gen phải được hạn chế ở mức tối thiểu để tránh xảy ra thảm họa sinh thái.
Lời đồn đoán 3
Chỉ những loại rau củ quả được trồng hữu cơ mới thật sự có lợi cho sức khỏe
Hoàn toàn sai lầm!
Những nghiên cứu về tiềm năng chống ung thư của rau củ quả đều tập trung vào việc tiêu thụ các loại được trồng theo cách “truyền thống”. Song, ăn những loại thực phẩm được ghi nhãn “organic” (hữu cơ) không phải là điều tiên quyết để thu nhận những lợi ích từ thực phẩm.
Mặc dù quá trình trồng trọt không sử dụng thuốc trừ sâu có thể kích thích hệ miễn dịch của cây, cho phép cây sản sinh nhiều hoạt chất tự nhiên hơn, nhưng thật sai lầm khi nghĩ rằng chỉ có các loại rau củ quả hữu cơ mới có thể tác động tích cực đến sức khỏe. Cách tốt nhất là ăn nhiều loại mỗi ngày, hơn là chỉ ăn một số loại thực phẩm hữu cơ.
TẦM QUAN TRỌNG CỦA VIỆC ĂN UỐNG LÀNH MẠNH VÀ VUI VẺ
Một điều hiển nhiên là để thu nhận thật nhiều lợi ích từ những thực phẩm đã được đề cập, chúng ta phải lựa chọn nhiều nguồn thực phẩm khác nhau để chuẩn bị những bữa ăn đơn giản và hợp khẩu vị. Hãy xem việc ngăn ngừa ung thư bằng chế độ dinh dưỡng là một sở thích!
Sự sáng tạo trong ẩm thực là không có điểm dừng. Những cư dân ở vùng Trung Đông đã chế biến món ăn từ đậu từ ít nhất 3.000 năm trước và đã trở thành một phong cách ẩm thực. Ẩm thực châu Á thì đa dạng các món được chế biến từ đậu nành.
Cả 2 phong cách ẩm thực Nhật và Địa Trung Hải đều đạt đến đỉnh cao trong việc chế biến cá và hải sản, tương tự như việc sử dụng cà chua của người Ý và người Tây Ban Nha, sự “biến hóa” của các loại gia vị trong món Ấn.
Những phong cách ẩm thực này cho chúng ta cơ hội vàng để thưởng thức những món ăn ngon miệng và vẫn tuân thủ theo những nguyên tắc được đề cập khá chi tiết trong sách. “Ngon miệng” là điều mà chúng ta cần quan tâm, vì xét cho cùng ăn uống chỉ có lợi cho sức khỏe khi chúng ta thật sự cảm thấy thoải mái. Những điều chúng tôi giới thiệu trong cuốn sách này không mang tính cưỡng ép, mà được xem là giải pháp tuyệt vời cho bạn. Thưởng thức hàng ngàn món ăn với những thành phần có lợi cho sức khỏe sẽ cho bạn cảm giác hưởng thụ hơn là phải kiêng khem kham khổ.
KẾT LUẬN
Việc lựa chọn chế độ dinh dưỡng thích hợp sẽ cung cấp cho bạn một nguồn dồi dào các phân tử chống ung thư. Không có gì là quá sức khi thay đổi. Bạn sẽ hài lòng với những thay đổi này; hệ tiêu hóa cũng như hệ miễn dịch cũng “cảm thấy” thỏa mãn với những hoạt chất hấp thu được.
Chúng ta đang sở hữu một nguồn thực phẩm phong phú không chỉ cung cấp dưỡng chất cần thiết mà còn cung cấp những hợp chất có khả năng hạn chế sự phát triển một số bệnh nghiêm trọng. Chế độ dinh dưỡng được xem là linh hồn của nền văn minh nhân loại. Nó thể hiện sự tiến hóa của nhân loại trong việc khám phá môi trường sống để tìm ra những thực phẩm mới, đồng thời cũng minh chứng cho việc luôn hướng đến mục tiêu sống khỏe của loài người. Chúng ta có thể nhận thấy rằng sự “thành công” của ngành công nghiệp thực phẩm và nông nghiệp trong thế kỷ vừa qua đã hủy hoại những giá trị này và gây ra lãng phí.
Ngăn ngừa ung thư bằng chế độ dinh dưỡng xét cho cùng là sự tìm kiếm và khôi phục lại truyền thống dinh dưỡng từ xa xưa. Khắc chế ung thư bằng thực phẩm là một phương pháp đơn giản – mà vô cùng hiệu quả, ít tốn kém!