Có lần, tôi tham dự một chương trình về với thiên nhiên kéo dài hai mươi ba ngày ở vùng núi Colorado. Nếu mục đích của khóa học ấy là tạo điều kiện để học viên tiếp xúc với những tia chớp rùng rợn và một nửa số muỗi mòng trên thế giới, thì mục đích ấy đã thỏa ngay từ ngày đầu tiên. Hoạt động mà về bản chất là một chuyến hành quân bắt buộc qua hàng trăm dặm đường quê lên đến cực điểm trong một nghi thức gọi là “kẻ độc hành”, đó là lúc cuối cùng chúng tôi cũng được phép nghỉ ngơi - một mình, bên bờ một chiếc hồ trên núi tuyệt đẹp - suốt ba ngày để cấm thực và chiêm nghiệm.
Tôi mới vừa bước sang tuổi mười sáu, và đó là lần đầu nếm trải nỗi cô độc thật sự kể từ khi cha sinh mẹ đẻ. Trải nghiệm này đã tỏ ra là một sự khiêu khích đáng kể. Sau khi chợp mắt một giấc, liếc mắt ra mặt nước băng giá, chàng trai trẻ đầy hứa hẹn mà tôi tự hình dung mình sẽ trở thành nhanh chóng bị sự cô đơn và chán nản đốn ngã. Tôi chép đầy nhật ký không phải những suy tư của một nhà tự nhiên học, một triết gia hay một nhà huyền thuật tương lai, mà bằng một danh sách những món tôi dự định sẽ ngấu nghiến ngay khi về lại với thế giới văn minh. Xét từ trạng thái ý thức của tôi khi ấy, hàng triệu năm tiến hóa của loài người chẳng mang lại cái gì siêu việt hơn là sự thèm thuồng một cái burger phô mai và một ly sữa lắc sô cô la.
Tôi thấy trải nghiệm ngồi yên tĩnh suốt ba ngày trời giữa gió ngàn và ánh sao ban sơ, không làm gì khác ngoài suy ngẫm về bí ẩn sự tồn tại của chính mình, đã trở thành nguồn gốc của nỗi khốn khổ tuyệt đối - điều mà tôi không thể xem là gì cao trọng hơn một ý niệm mơ hồ về sự đóng góp của riêng mình. Những lá thư tôi gửi về nhà, với sự ca thán và than thân trách phận, có thể đọ với bất cứ lá thư nào mà các binh sĩ tham gia trận Shiloh1 hay Gallipoli2 từng viết ra.
1 Trận Shiloh, hay còn gọi là trận Pittsburg Landing, là một trận đánh quan trọng diễn ra tại Tây Nam Tennessee thuộc Mặt trận miền Tây của Nội chiến Hoa Kỳ trong hai ngày 6 và 7 tháng Tư năm 1862. Được xem là trận đánh đẫm máu nhất trong lịch sử Bắc Mỹ cho đến khi ấy, cũng như trên Mặt trận miền Tây của cuộc chiến.
2 Chiến dịch Gallipoli, còn gọi là trận Gallipoli, kéo dài từ tháng Tư tới tháng Mười hai năm 1915, do quân Đồng minh Anh - Pháp phát động nhằm chiếm thủ đô của Đế chế Ottoman là Constantinopolis (nay là Istanbul). Được xem là chiến dịch đổ bộ lớn nhất và tham vọng nhất trong Chiến tranh Thế giới thứ nhất, cuộc tấn công thất bại với thiệt hại nặng nề cho cả hai phía.
Do đó, tôi khá ngạc nhiên khi nhiều thành viên trong đoàn, hầu hết hơn tôi cả chục tuổi, lại mô tả về những đêm ngày cô độc của mình bằng lời lẽ tích cực, thậm chí là đầy những từ ngữ thể hiện sự biến đổi bản thân. Tôi thật sự không biết điều gì đã làm nên những lời khẳng định hạnh phúc của họ. Làm thế nào mà niềm hạnh phúc của ai đó lại tăng lên khi tất cả nguồn vui và thú tiêu khiển đều bị tước đi? Ở tuổi ấy, bản chất của tâm trí tôi chẳng khiến tôi hứng thú mà chỉ có cuộc sống mới làm được điều đó. Và tôi hoàn toàn mù tịt, chẳng biết cuộc sống của mình sẽ khác đi thế nào nếu chất lượng của tâm trí tôi thay đổi.
Tâm trí là tất cả những gì chúng ta có, là tất cả những gì chúng ta từng có, và là tất cả những gì chúng ta có thể mang đến cho người khác. Có thể điều này không quá hiển nhiên, đặc biệt là khi có những khía cạnh trong cuộc sống của chúng ta dường như đang cần được cải thiện - khi các mục tiêu hãy còn chưa thành hiện thực, khi ta đang vật vã tìm kiếm một sự nghiệp, hay đang có những mối quan hệ cần phục hồi. Nhưng sự thật là thế. Mỗi trải nghiệm ta từng có đều được định hình bởi tâm trí của ta. Mọi mối quan hệ xấu hay tốt đều là do tâm trí của những người bao hàm trong mối quan hệ đó. Nếu ta cứ liên tục bực tức, trầm uất, rối bời, không biết yêu thương, hoặc sự tập trung của ta nằm ở nơi khác, thì dù có thành công đến mấy hay đang là một nhân vật quan trọng đi chăng nữa, ta cũng chẳng thể tận hưởng được bất kỳ điều gì trong số đó.
Hầu hết chúng ta đều có thể dễ dàng soạn ra một danh sách những mục tiêu ta muốn đạt được hay những vấn đề cần giải quyết của bản thân. Nhưng ý nghĩa đích thực của từng đề mục trên danh sách ấy là gì? Tất cả những thứ chúng ta muốn thực hiện - sơn lại ngôi nhà, học một ngôn ngữ mới, tìm một công việc tốt hơn - là một cái gì đó hứa hẹn nếu xong xuôi sẽ cho phép chúng ta ngơi nghỉ và tận hưởng cuộc sống hiện tại. Nói chung, đấy là hão vọng. Tôi không có ý phủ định tầm quan trọng của việc đạt được mục tiêu, gìn giữ sức khỏe, hay chu cấp cho con đủ ăn đủ mặc, nhưng hầu hết chúng ta dành thời gian tìm kiếm hạnh phúc và sự an toàn mà không nhận ra được mục đích sâu hơn của sự tìm kiếm ấy. Mỗi người chúng ta đang tìm kiếm một con đường để trở về hiện tại. Chúng ta đang tìm các lý do đủ tốt để thỏa mãn với hiện tại.
Nếu biết rằng đó chính là cấu trúc của trò chơi mà chúng ta đang tham gia, chúng ta sẽ chơi theo cách khác. Cách chúng ta quan tâm đến thời điểm hiện tại quyết định phần lớn đặc tính trải nghiệm của ta, và do đó quyết định cả chất lượng cuộc sống. Những nhà huyền học và tu hành đã đưa ra những nhận định này từ xa xưa, nhưng những nghiên cứu khoa học với số lượng tăng dần giờ đây cũng đứng về phía nhận định đó.
Vài năm sau cái lần đầu tiên đối diện với sự cô độc đầy đau khổ đó, vào mùa đông năm 1987, tôi dùng thử 3,4-methylenedioxy-N-methylamphetamine (MDMA), được biết đến nhiều hơn với cái tên Esctasy, và cảm giác về tiềm năng của trí óc con người trong tôi đã thay đổi rất sâu sắc. Dù MDMA về sau tràn ngập trong các hộp đêm nhảy nhót và các buổi “bay lắc” hồi thập niên 1990, nhưng vào lúc đó tôi chẳng quen ai trong thế hệ của mình từng thử qua nó. Một tối nọ, vài tháng trước ngày tôi tròn hai mươi tuổi, tôi cùng với một người bạn thân quyết định dùng nó.
Bối cảnh buổi thử nghiệm tẻ nhạt của chúng tôi không giống cho lắm với những cảnh phóng túng nơi MDMA thường được tiêu thụ ngày nay. Chúng tôi ở riêng trong một căn nhà, ngồi đối diện nhau ở hai đầu chiếc tràng kỷ, và lặng lẽ trò chuyện trong khi hóa chất ngấm vào đầu. Khác với các loại chất kích thích mà chúng tôi đã quen thuộc vào thời điểm đó (cần sa và rượu), MDMA không gây ra cảm giác méo mó giác quan. Tâm trí chúng tôi dường như hoàn toàn thông thoáng.
Thế nhưng, ngay giữa sự bình thường ấy, tôi thình lình kinh ngạc nhận ra rằng tôi yêu bạn mình. Điều ấy lẽ ra không làm tôi thấy ngạc nhiên, dù sao thì cậu ấy cũng là một trong những người bạn thân nhất của tôi. Nhưng ở vào cái tuổi ấy, tôi không có thói quen nghĩ ngợi về việc tôi yêu thương những con người trong đời mình nhiều đến thế nào. Nhưng giờ tôi có thể cảm thấy rằng tôi đã yêu cậu ấy, và cảm giác này mang những hàm ý đạo đức, đến nỗi nó bỗng trở nên sâu sắc tựa câu nói ngày nay đã thành tẻ nhạt trên sách vở: Tôi muốn cậu ấy hạnh phúc.
Niềm tin ấy ập đến mãnh liệt đến nỗi dường như có một cái gì đó xảy đến trong tôi. Kỳ thực, suy nghĩ ấy có vẻ như đã cấu trúc lại tâm trí tôi. Khả năng đố kỵ của tôi chẳng hạn - tức là cái cảm giác ghen tuông nhỏ mọn khi thấy người khác hạnh phúc hay thành công - dường như là một triệu chứng của bệnh tâm thần đã biến mất không còn dấu vết. Tôi không còn cảm thấy ghen tức vào thời điểm đó. Tôi có bận tâm không nếu cậu ấy điển trai hơn hay giỏi thể thao hơn tôi? Giả sử có thể trao cho cậu ấy những món quà trời ban ấy thì tôi cũng đã trao nốt. Việc thật tâm muốn cậu ấy hạnh phúc khiến cho hạnh phúc của cậu ấy trở thành niềm hạnh phúc của tôi.
Một ảo giác nào đó có lẽ đã len lỏi vào những suy tư ấy, nhưng cảm giác chung nhất vẫn là điềm tĩnh tuyệt đối - và là sự trong trẻo về cảm xúc lẫn đạo đức khác hết thảy những gì tôi đã từng biết. Nếu cho rằng đó là lần đầu tiên trong đời tôi thấy mình tỉnh táo thì cũng chẳng phải ngoa ngôn. Hơn nữa, sự thay đổi trong ý thức của tôi dường như hoàn toàn rõ rệt. Tôi chỉ đang nói chuyện với cậu bạn - về điều gì tôi không còn nhớ nữa - thì chợt nhận ra rằng tôi đã ngừng bận tâm về bản thân. Tôi không còn âu lo, tự chỉ trích, không mỉa mai, cạnh tranh, lảng tránh sự xấu hổ, đắm chìm vào quá khứ và tương lai, hay thể hiện bất cứ động thái suy nghĩ hay chú tâm nào có thể tách tôi ra khỏi cậu ấy. Tôi không còn nhìn nhận về bản thân qua cặp mắt của người khác nữa.
Và thế là nhận định ấy đã hoàn toàn biến đổi cảm giác của tôi về việc cuộc sống loài người có thể trở nên tốt đẹp đến thế nào. Tôi cảm nhận được một tình thương yêu vô lượng dành cho một trong những người bạn thân nhất, và thình lình cảm thấy rằng giả sử có một người lạ mặt nào bước vào ngay lúc đó, thì người ấy cũng sẽ dự phần trọn vẹn vào tình yêu này. Bản chất tình yêu là vô ngã. Thật vậy, một hình thái yêu thương có qua có lại - “Tôi yêu bạn bởi vì…” - giờ đây chẳng còn nghĩa lý gì nữa.
Điều thú vị về thay đổi cuối cùng trong cách nhìn này chính là nó không đến từ bất cứ thay đổi nào ở cách tôi cảm nhận. Tôi không hề bị một cảm xúc yêu thương mới mẻ nào làm choáng ngợp. Nhận định ấy giống với đặc điểm của một phép chứng minh hình học hơn, như thể khi đang nhìn vào các đặc điểm của một tập hợp các đường thẳng song song, thì thình lình tôi hiểu ra giữa chúng có đặc điểm chung.
Khi có thể tìm ra một giọng nói để chuyển tải, tôi phát hiện được rằng sự hiển lộ về tính phổ quát của tình yêu này có thể dễ dàng trao đổi với người khác. Bạn tôi nắm được trọng tâm tức thì. Tất cả những gì tôi phải làm là hỏi xem cậu ấy sẽ cảm thấy thế nào nếu có sự hiện diện của một người lạ mặt vào lúc đó, và rồi cùng cánh cửa kia đã khai mở trong tâm trí cậu ấy. Rõ ràng tình yêu, lòng trắc ẩn và niềm vui cho cái vui của kẻ khác cứ mở rộng ra mãi mà không bị giới hạn. Trải nghiệm ấy chẳng phải là trải nghiệm về một tình yêu đang nảy nở, mà là trải nghiệm về một tình yêu không còn bị che khuất. Tình yêu - như các nhà huyền thuật và những kẻ lập dị từ bấy lâu luôn ra rả - là một trạng thái tồn tại. Sao chúng ta không nhìn thấy nó trước đây? Sao ta có thể bỏ qua nó lần nữa?
Tôi đã mất nhiều năm mới có thể áp dụng trải nghiệm này vào một hoàn cảnh cụ thể. Cho đến thời điểm ấy, tôi xem các tôn giáo có tổ chức chỉ đơn thuần là một tượng đài của sự u mê và mê tín của tổ tiên chúng ta. Nhưng giờ đây tôi hiểu ra rằng Chúa Jesus, Đức Phật, Lão Tử, các vị thánh và các bậc hiền giả trong lịch sử hoàn toàn không hề điên rồ, hoang tưởng hay là những kẻ lừa gạt. Tôi vẫn cho rằng các tôn giáo của thế giới này thuần túy là những tàn tích của trí tuệ, được duy trì với một cái giá khổng lồ về tiền bạc lẫn xã hội, nhưng giờ đây tôi đã hiểu các chân lý quan trọng về mặt tâm lý mà ta có thể tìm thấy giữa đống hoang tàn ấy.
Cứ năm người Mỹ thì có một người tự mô tả bản thân là “tin vào tâm linh nhưng không theo tôn giáo”. Dù tuyên bố kiểu này có vẻ làm trái ý cả những người có tín ngưỡng lẫn những kẻ vô thần, nhưng việc tách rời tính tâm linh ra khỏi tôn giáo là một điều hoàn toàn hợp lý. Cần phải khẳng định hai chân lý quan trọng đồng thời: Thế giới của chúng ta bị các học thuyết tôn giáo xẻ nát một cách trầm trọng, nhưng vẫn còn nhiều điều nữa để hiểu về hoàn cảnh con người hơn là những gì khoa học và văn hóa thế tục thừa nhận nói chung. Mục đích của quyển sách này là mang lại cho cả hai niềm tin ấy sự củng cố bằng tri thức lẫn trải nghiệm.
Trước khi đi vào chi tiết, tôi nên giải quyết sự thù hằn mà nhiều độc giả dành cho khái niệm tâm linh. Mỗi khi sử dụng từ này, chẳng hạn như khi nói thiền định là một “thực hành tâm linh”, những người theo thuyết hoài nghi và vô thần đều cho rằng tôi đã phạm phải một sai lầm nghiêm trọng.
Từ spirit (tâm linh, hay tinh thần) xuất phát từ spiritus trong tiếng La Tinh, dịch từ tiếng Hy Lạp là pneuma, nghĩa là “hơi thở”. Vào khoảng thế kỷ mười ba, khái niệm này quyện với những niềm tin về các linh hồn vô hình, thực thể siêu nhiên, hồn ma,… Nó cũng có thêm các nghĩa khác: Chúng ta nói về tinh thần của một cái gì đó như nguyên tắc cốt lõi nhất của nó, hay gọi một thứ vật chất và chất lỏng vô định hình nào đó là tinh thần. Tuy vậy, nhiều người không có niềm tin tôn giáo giờ đây cho rằng tất cả mọi thứ “mang tính tâm linh” đều đã bị sự mê tín thời Trung cổ làm cho vấy bẩn.
Tôi không có mối quan tâm về ngữ nghĩa giống như họ. Đúng thế, cứ đi dọc theo các gian của bất cứ nhà sách “tâm linh” nào, ta cũng đều có thể bắt gặp hàng đống hàng tá cái khắc khoải và nhẹ dạ cả tin của giống loài chúng ta, nhưng không còn từ ngữ nào khác - ngoại trừ một nét nghĩa còn rối rắm và huyền bí hơn nữa - để thảo luận về những nỗ lực của con người, thông qua thiền tập, phê thuốc, hay bất kỳ phương tiện nào khác, hòng mang tâm trí của họ về với hiện tại hoặc để tạo ra các trạng thái ý thức vô song. Và không có từ nào khác để liên kết cái phổ trải nghiệm đa dạng này với đời sống đạo đức của chúng ta.
Trong quyển sách này, tôi sẽ trình bày về các hiện tượng, khái niệm và thực hành tâm linh cổ điển nhất định trong bối cảnh hiểu biết hiện đại về tâm trí con người - và tôi không thể nào làm được điều này nếu vẫn giới hạn bản thân vào hệ thống thuật từ dành để mô tả các trải nghiệm thông thường. Do đó, tôi sẽ sử dụng những từ tâm linh, huyền thuật, chiêm nghiệm, và siêu việt mà không xin phép thêm lần nào nữa. Tuy nhiên, tôi sẽ cố gắng mô tả chính xác các trải nghiệm và phương thức tương ứng với các thuật từ này.
Trong suốt nhiều năm, tôi luôn là một kẻ to tiếng phê bình tôn giáo, và tôi sẽ chẳng “hát lại tuồng cũ” ở đây. Tôi hy vọng rằng mình đã đủ hăng hái ở mặt trận này, để ngay cả những độc giả hoài nghi nhất cũng tin tưởng rằng bộ máy dò tìm nhảm nhí của tôi vẫn hoạt động trơn tru khi chúng ta dấn sâu vào địa hạt mới mẻ này. Có lẽ sự cam đoan sau đây là đủ vào lúc này: Không có gì trong quyển sách này cần viện tới đức tin để chấp nhận. Dù tôi tập trung vào tính chủ thể của con người - dẫu sao tôi cũng đang nói đến bản chất của chính sự trải nghiệm mà - nhưng tất cả các nhận xét của tôi đều có thể kiểm chứng lại trong phòng thí nghiệm cuộc đời của các bạn. Thật ra mục tiêu của tôi chính là khuyến khích bạn làm thế.
Các tác giả cố công xây dựng một chiếc cầu nối giữa khoa học và tâm linh có khuynh hướng mắc phải một trong hai sai lầm sau đây: Các nhà khoa học thường bắt đầu với một quan điểm nghèo nàn về trải nghiệm tâm linh, cho rằng đó hẳn phải là một cách mô tả phô trương về các trạng thái tâm trí thông thường - tình phụ/mẫu tử, cảm hứng sáng tác nghệ thuật, nỗi kính sợ trước vẻ đẹp của bầu trời đêm. Theo cách này, một người sẽ thấy vẻ kinh ngạc của Einstein khi các quy luật tự nhiên dễ hiểu được mô tả như thể một kiểu nhận thức huyền hoặc nào đó.
Các nhà tư tưởng Tân Kỷ Nguyên3 luôn sụp hố ở phía bên kia đường. Họ lý tưởng hóa các trạng thái ý thức đã bị thay đổi và vẽ ra các mối liên kết bề mặt giữa trải nghiệm chủ quan với những lý thuyết ma quái trong giới hạn của vật lý. Ở đây, chúng ta được bảo rằng Đức Phật cùng các nhà tu hành khác đã dự báo về vũ trụ luận hiện đại hay cơ học lượng tử và rằng bằng cách vượt qua ý thức về bản ngã, một người có thể nhận ra bản thể của mình với Đại Tâm Thức đã sinh ra vũ trụ.
3 Tân Kỷ Nguyên (New Age) là một phong trào tư tưởng ở Mỹ từ thập niên 1970, dựa trên nền tảng tôn giáo thể hiện ở những cách tiếp cận mới đối với văn hóa truyền thống, trong đó bao gồm sự quan tâm dành cho tâm linh và sống thân thiện với môi trường. Không phải là một dạng tôn giáo, không có nhà lãnh đạo tinh thần, Tân Kỷ Nguyên tự chọn khái niệm Thượng Đế, cách thờ phượng Thượng Đế, và tìm kiếm cách giao tiếp với Thượng Đế, trong niềm tin tương lai sắp tới sẽ tốt đẹp hơn khi con người nhìn ra bản chất tâm linh của mình.
Rốt cuộc, chúng ta buộc phải chọn giữa ngụy tâm linh (pseudo-spirituality) và ngụy khoa học (pseudo-science).
Chẳng có mấy nhà khoa học và triết gia tự hình thành được những kỹ năng quán chiếu nội tâm mạnh mẽ - thực tế là, hầu hết họ nghi ngờ về sự tồn tại của các khả năng này. Ngược lại, nhiều người trong số những nhà tu hành vĩ đại nhất lại chẳng biết tí gì về khoa học. Nhưng có một sự kết nối giữa dữ liệu khoa học và sự thông tuệ tâm linh, và sự kết nối này trực tiếp hơn hầu hết mọi người vẫn giả định. Mặc dù những nhận thức chúng ta có thể rút ra được từ thiền chẳng nói lên được điều gì về nguồn gốc của vũ trụ, nhưng chúng thật sự khẳng định một số chân lý đã định hình rõ rệt về tâm trí con người: Ý thức thông thường về bản ngã của chúng ta chỉ là ảo tưởng; các cảm xúc tích cực, như lòng trắc ẩn và nhẫn nại, là các kỹ năng có thể dạy dỗ được; và cách chúng ta suy nghĩ ảnh hưởng trực tiếp đến cách chúng ta trải nghiệm thế giới.
Hiện tại đã có một lượng lớn ghi chép về các ích lợi tâm lý từ thiền. Các kỹ thuật thiền khác nhau tạo ra những thay đổi lâu dài trong sự tập trung, cảm xúc và nhận thức; và chúng tương kết với các thay đổi về cấu trúc lẫn chức năng trong não. Lĩnh vực nghiên cứu này đang nhanh chóng phát triển, cũng như hiểu biết của chúng ta về sự tự nhận thức và các hiện tượng tâm linh liên quan. Nhờ các tiến bộ gần đây trong kỹ thuật hình ảnh thần kinh, chúng ta không còn phải đối mặt với rào cản thực tế nào khi tiến hành xem xét các nhận thức tâm linh trong bối cảnh khoa học.
Tâm linh phải tách rời khỏi tôn giáo - vì con người thuộc mọi tín ngưỡng hoặc không tín ngưỡng đều có những kiểu trải nghiệm tâm linh giống nhau. Dù các trạng thái tâm trí này luôn được diễn giải thông qua lăng kính của một học thuyết tôn giáo nào đó, nhưng chúng ta đều biết rằng đó là một sai lầm. Không có gì mà một người theo Thiên Chúa giáo, Islam giáo, hay Hindu trải qua - như tình yêu tự siêu, nhập định, hạnh phúc, nội quang soi sáng - có thể trở thành chứng cứ để khẳng định các niềm tin truyền thống của họ, vì các niềm tin này về logic không phù hợp với nhau. Cần có một nguyên lý sâu sắc hơn.
Nguyên lý ấy chính là chủ đề của quyển sách này: Cái cảm giác chúng ta gọi là “tôi” là một ảo tưởng. Chẳng hề có một cái tôi hay bản ngã riêng biệt nào trú ngụ trong mê cung của bộ não như con quái vật Minotaur4. Và cảm giác ấy - cái cảm giác được vắt vẻo đâu đó đằng sau cặp mắt, nhìn ra một thế giới tách rời với bản thân ta - có thể bị thay đổi hoặc dập tắt hoàn toàn. Dù các trải nghiệm “tự siêu” ấy thường được nghĩ đến bằng các thuật ngữ tôn giáo, nhưng về nguyên tắc chúng chẳng có gì là vô lý. Từ quan điểm khoa học và triết học, chúng đại diện cho một hiểu biết tỏ tường hơn về quy luật của Tạo hóa. Đào sâu hiểu biết này, và liên tục cắt xuyên qua ảo tưởng về bản thân, chính là cái mang nghĩa “tâm linh” được đề cập trong quyển sách này.
4 Minotaur được sinh ra bởi Hoàng hậu Pasiphae xứ Crete và con bò trắng của thần biển Poseidon. Với bản tính hung tàn, Minotaur bị vua Minos xứ Crete giam trong một mê cung.
Hoang mang và đau khổ có thể là những quyền bẩm sinh của chúng ta, nhưng minh triết và hạnh phúc cũng như vậy. Lãnh thổ trải nghiệm của con người bao gồm những nhận thức mang tính biến đổi sâu sắc về bản chất ý thức của chính chúng ta, và rõ ràng là các trạng thái tâm lý ấy phải được hiểu trong bối cảnh khoa học thần kinh, tâm lý học và các ngành khoa học liên quan.
Người ta thường hỏi tôi cái gì rồi sẽ thay thế tôn giáo. Tôi tin rằng câu trả lời chính là tất cả và không gì cả. Chẳng cần phải thay thế các học thuyết lố bịch và gây chia rẽ của nó - chẳng hạn như ý niệm Jesus sẽ quay trở lại thế gian và hất những kẻ không tin theo người vào hồ lửa, hay sự tử vì đạo là cái thiện tối cao của Islam giáo. Đấy chính là những sự hư cấu kinh khiếp và đê hèn. Nhưng còn tình yêu, lòng trắc ẩn, đạo đức và sự tự siêu thì sao? Nhiều người vẫn tưởng rằng tôn giáo là kho chứa đích thực của những đức tính ấy. Để thay đổi điều này, chúng ta cần phải nói về toàn bộ phạm vi trải nghiệm của con người theo cách không có bóng dáng của giáo điều, giống như thứ khoa học ưu tú nhất.
Quyển sách này lần lượt là hồi ức của một người tìm kiếm, là sự dẫn dắt vào công cuộc tìm hiểu bộ não, là một cẩm nang hướng dẫn suy nghiệm, và là một sự khai nhãn triết học về cái mà hầu hết mọi người đều cho là trung tâm đời sống nội tâm của họ: cảm giác về cái tôi mà ta gọi là “mình”. Tôi vẫn chưa khởi sự mô tả tất cả các phương cách tiếp cận truyền thống dành cho tâm linh, cũng như cân đong ưu điểm, nhược điểm của chúng. Thay vào đó, mục tiêu của tôi là “đãi cát tìm vàng” từ tôn giáo bí truyền. Ở đó có một viên kim cương, và tôi đã dành một phần không nhỏ đời mình để chiêm nghiệm về nó, nhưng để có được viên kim cương trong tay, chúng ta phải giữ lòng thành thật với những nguyên lý sâu thẳm nhất của chủ nghĩa hoài nghi khoa học và không cúi đầu trước truyền thống. Khi thảo luận về các giáo pháp cụ thể, chẳng hạn như của Phật giáo hay Nhất nguyên luận5, mục đích của tôi không phải nhằm cung cấp bất cứ thứ gì giống như một sự mô tả toàn diện. Độc giả trung thành với bất cứ truyền thống tâm linh nào hoặc chuyên chú về nghiên cứu tôn giáo có thể nhìn cách tôi tiếp cận như một tinh hoa của sự ngạo mạn. Trái lại, tôi xem đó là triệu chứng của sự thiếu nhẫn nại. Cả một quyển sách - hoặc cả một cuộc đời - cũng không sao có đủ thời gian để đi đến đích. Giống như cách một hiệp ước giải trừ vũ khí hiện đại sẽ bỏ qua cho thuật niệm chú và nhiều khả năng cũng bỏ qua cho súng cao su hoặc cái boomerang, tôi sẽ chỉ tập trung vào điều mà tôi cho là những truy vấn tâm linh nhiều hứa hẹn nhất.
5 Advaita là một tiểu trường phái của triết lý Vedanta của triết học Ấn Độ. Advaita thường được xem là một hệ thống tư tưởng độc thần. Từ “Advaita” chủ yếu là chỉ đến việc xác định Cá nhân (Tiểu ngã, Self, Atman) và Toàn thể (Đại ngã, Whole, Brahman) về bản chất là không khác nhau. Các sách nguyên gốc cho tất cả các trường phái Vedanta là Prasthanatrayi - các kinh điển chính là Upanishad, Bhagavad Gita và Brahma Sutra.
Tôi hy vọng kinh nghiệm của bản thân có thể giúp các độc giả nhìn thấy bản chất của tâm trí chúng ta theo một hướng nhìn khác. Một cách tiếp cận lý tính đối với tâm linh dường như hãy còn là cái thiếu thốn trong chủ nghĩa thế tục và trong cuộc sống của hầu hết những con người mà tôi gặp gỡ. Mục đích của quyển sách này chính là mang lại cho độc giả một cái nhìn rõ rệt về vấn đề này, cùng những công cụ để giúp họ tự mình giải quyết nó.
ĐI TÌM HẠNH PHÚC
Một ngày kia, ngươi sẽ thấy mình nằm ngoài thế gian vốn dĩ tựa như tử cung người mẹ. Ngươi sẽ rời bỏ Trái đất này để đi vào một cõi bao la, khi ngươi hãy còn chưa trong thân xác, và ngộ ra rằng những lời “Trái đất của Thượng Đế thật bao la” đã đặt tên cho tôn giáo này, thứ tôn giáo mà các vị thần thánh từ đó đã hiển lộ.
- Jalal-ud-Din Rumi6
6 Jalal Uddin Rumi (1207 - 1273) là nhà thơ thần bí Ba Tư thế kỷ mười ba. Tên ông được đồng nhất với Sufi, một học thuyết thần bí của Hồi giáo hướng tới sự thần hiệp, hay sự hợp nhất thần bí với Thượng Đế. Trong suốt hai mươi lăm năm, ông đã viết trên 70.000 câu thơ với các chủ đề tình yêu mang tính thánh thiêng, niềm đam mê thần bí và sự mặc khải. Giới học giả ngày nay coi Rumi là một trong những nhà thơ lớn nhất của mọi thời đại; tác phẩm của ông được so sánh với tác phẩm của Dante và Shakespeare.
Tôi có cùng mối quan tâm, như nhiều nhà vô thần bày tỏ, rằng các khái niệm tâm linh và huyền bí thường được dùng để đưa ra các nhận định không chỉ thuần về tính chất của một số trải nghiệm nào đó, mà còn về thực tại nói chung. Quá đỗi thường xuyên, các khái niệm này được sử dụng để ủng hộ cho các niềm tin tôn giáo lố bịch cả về mặt đạo đức lẫn trí tuệ. Kết quả là, nhiều người trong số những nhà vô thần tôi quen xem mọi sự trao đổi về tâm linh là một dấu hiệu của bệnh tâm thần, một sự cố ý lừa gạt, hay tự huyễn hoặc bản thân. Đây là vấn đề, vì hàng triệu con người đã từng có những trải nghiệm mà tâm linh hay huyền bí dường như là những từ duy nhất có thể dùng để mô tả. Nhiều niềm tin mà con người chúng ta hình thành trên nền tảng các trải nghiệm ấy là sai lầm. Nhưng thật ra thì hầu hết những người theo chủ nghĩa vô thần sẽ xem một nhận định như của nhà thơ Rumi ở trên là triệu chứng loạn trí, cung cấp một sự thật mơ hồ cho luận điệu rỗng tuếch của những đối thủ kém lý trí nhất của chúng ta. Thật ra tâm trí của con người chứa đựng những không gian bao la mà chẳng mấy ai trong chúng ta từng khám phá được.
Và còn có một cái gì đó đã làm suy giảm, vẫn tiếp tục làm suy giảm nhiều thói quen tập trung khi mua sắm, tán gẫu, tranh luận và ngẫm nghĩ về chặng cuối cuộc đời. Có lẽ ở đây tôi chỉ nên nói thay cho chính mình: Dường như tôi đã dành rất nhiều thời gian tỉnh táo trong trạng thái thần kinh nhập định. Tuy nhiên, các trải nghiệm thiền của tôi cho thấy có tồn tại một sự thay thế. Hoàn toàn có thể tồn tại độc lập khỏi thế lực khủng khiếp của cái tôi, dẫu mỗi lần chỉ trong vài khoảnh khắc.
Hầu hết các nền văn hóa đã tạo ra những con người tìm thấy một số cách nào đó để sử dụng sự tập trung - như thiền, yoga, cầu khấn - mà có thể thay đổi cách họ nhận thức về thế giới. Nỗ lực của họ thường bắt đầu với việc nhận ra rằng ngay cả trong những hoàn cảnh hoàn hảo nhất, hạnh phúc cũng vút trôi. Chúng ta tìm kiếm những cảnh tượng đẹp mắt, âm thanh dễ chịu, mùi vị sảng khoái, cảm giác hay ho, tâm trạng khoan khoái. Chúng ta thỏa mãn sự tò mò trí tuệ. Chúng ta mời đến bên mình bạn bè và những người yêu thương. Chúng ta trở thành những con người sành sỏi nghệ thuật, âm nhạc hay ẩm thực. Nhưng những niềm vui của chúng ta, về bản chất, đều nhất thời. Nếu chúng ta tận hưởng một thành công to lớn nào đó về nghề nghiệp, cảm giác thành tựu của chúng ta sẽ sống động và đê mê trong một giờ đồng hồ, hoặc có khi trong một ngày, nhưng rồi chúng cũng tiêu biến. Và cuộc tìm kiếm lại tiếp tục. Nỗ lực cần thiết để giữ ta tránh xa sự chán chường và bất mãn phải tiếp tục, từ lúc này sang lúc khác.
Thay đổi không ngừng đâu thể là cơ sở đáng tin cậy cho sự viên mãn dài lâu. Nhận ra điều này, nhiều người bắt đầu tự hỏi liệu có tồn tại một nguồn an vui nào đó sâu xa hơn không. Liệu có hay không một hình thái hạnh phúc nằm ngoài sự lặp lại đơn thuần của khoái cảm và né tránh đớn đau? Liệu có hay không một niềm hạnh phúc không lệ thuộc vào những món ăn yêu thích được bày ra sẵn, hay những người bạn và người thân yêu bên cạnh ta, hay những quyển sách hay ho để đọc, hay một điều gì đó để ngóng trông vào cuối tuần? Liệu có thể nào hạnh phúc trước khi bất cứ điều gì xảy ra, trước khi các ham muốn được thỏa mãn, ngay giữa nỗi đau thể xác, tuổi tác, bệnh tật và cái chết?
Theo một nghĩa nào đó, tất cả chúng ta đều sống cùng với đáp án cho câu hỏi này - và hầu hết chúng ta đều đang sống như thể câu trả lời là “Không”. Không, không gì có thể sâu sắc hơn việc lặp lại những khoái cảm và né tránh nỗi đau; không gì sâu sắc hơn là đoái tìm sự thỏa mãn - về giác quan, cảm xúc và trí tuệ - hết khi này đến khi khác. Chỉ cần đạp chân ga cho đến khi ta chẳng còn đường để chạy.
Tuy nhiên, một số người bắt đầu ngờ rằng sự tồn tại của con người liệu có thể chứa đựng nhiều hơn thế nữa chăng. Nhiều người trong số họ được dẫn dắt đến mối hồ nghi này bởi tôn giáo - bởi những lời phán của Đức Phật, hay Chúa Jesus, hay một nhân vật được ngưỡng vọng nào đó. Và những con người này thường khởi sự thực hành nhiều hoạt động rèn luyện sự tập trung như một phương tiện để khám phá trải nghiệm của mình đủ chi tiết để xem liệu có tồn tại một nguồn an vui sâu xa hơn hay không. Thậm chí họ có thể lánh thân trong hang động hay thiền viện mỗi bận hàng nhiều tháng hay nhiều năm để việc thực hành được thuận lợi. Vì sao con người lại làm như thế? Rõ ràng là có rất nhiều động lực khác nhau để tránh xa cái thế giới này, và một số người trong đó có tâm lý không được lành mạnh gì cho cam. Tuy thế, ở trạng thái khôn ngoan nhất, việc làm này hóa ra lại là một phương pháp thực hành rất đỗi đơn giản. Đây là logic của nó: Nếu có tồn tại một nguồn hạnh phúc về tâm lý mà lại không lệ thuộc vào việc thuần túy thỏa mãn các mong muốn của chúng ta, thì nó cần phải hiện hữu ngay cả khi tất cả các nguồn vui khác đã bị loại bỏ. Thứ hạnh phúc đó phải luôn có mặt cho một ai đó đã từ chối kết hôn với mối tình thuở trung học, từ bỏ sự nghiệp và của cải vật chất, trốn lánh vào một cái hang hay một chốn nào đó khác mà ở đó không có chỗ cho các đòi hỏi thông thường.
Một minh chứng cho mức độ gian khó mà hầu hết sẽ tìm thấy chính là hình thức biệt giam - vốn đích thực là cái mà chúng ta đang nói tới. Đây được xem là một sự trừng phạt, người tù bị nhốt bên trong một nhà tù có mức an ninh tối đa. Dù cho buộc phải sống giữa những kẻ giết người và hiếp dâm, thì hầu hết con người đều muốn có ai đó bên cạnh hơn là dành phần lớn thời gian đơn độc trong một căn phòng. Ấy vậy mà những nhà tu hành thuộc nhiều truyền thống tôn giáo khác nhau lại cho rằng họ đã trải nghiệm các tầng sâu phi thường của hạnh phúc tâm lý khi sống cô độc trong quãng thời gian dài. Chúng ta nên lý giải điều này thế nào?
Khác với nhiều nhà vô thần, tôi đã dành nhiều thời gian tìm kiếm cho mình các trải nghiệm đã từng dựng nên các tôn giáo trên thế giới này. Bất chấp kết quả đau đớn trong những ngày đầu tiên cô độc ở vùng núi Colorado, về sau tôi đã học hỏi cùng nhiều vị cao tăng, lạt ma, yogi và những bậc tu hành khác, một số đã sống nhiều thập niên xa lánh loài người và chẳng làm gì khác ngoài thiền tập. Trong quá trình tìm kiếm này, tôi đã dành hai năm tự trú lánh yên lặng (tăng tiến từ một tuần đến ba tháng), thực hành nhiều kỹ thuật thiền tập từ mười hai đến mười tám giờ mỗi ngày.
Tôi có thể chứng thực rằng khi chúng ta im lặng và thiền định mỗi lần nhiều tuần hay nhiều tháng liền, không làm điều gì cả - không nói năng, đọc sách hay viết lách, chỉ nỗ lực quan sát những nội dung của ý thức từ thời khắc này sang thời khắc khác - ta ắt sẽ có những trải nghiệm mà nhìn chung những ai chưa từng trải qua thực hành tương tự sẽ không bao giờ có được. Tôi tin rằng các trạng thái tinh thần như thế nói lên rất nhiều điều về bản chất của ý thức, cùng những cách trở nên hạnh phúc. Bỏ sang một bên nào là siêu hình học, thần thoại, giáo điều tôn giáo, những nhà tu hành trong suốt lịch sử đã khám phá ra rằng có một cách khác để không ngừng bị cuộc trò chuyện với chính bản thân ta mê hoặc; có một cách thay thế để đơn giản là đồng nhất với ý nghĩ tiếp theo gieo vào ý thức của chúng ta. Và việc nhìn vào cách thức thay thế ấy sẽ làm tiêu tan những ảo tưởng thông thường về bản ngã.
Hầu hết các trường phái tâm linh cũng cho rằng tồn tại một mối liên kết giữa sự tự siêu với việc chúng ta sống một cách có đạo đức. Không phải mọi cảm xúc tốt đẹp đều có một giá trị đạo đức, và các hình thái bệnh hoạn của sự hưng phấn chắc chắn cũng tồn tại. Chẳng hạn như, tôi hoàn toàn không hề nghi ngờ rằng những kẻ đánh bom tự sát cảm thấy sung sướng lạ thường ngay trước khi tự làm mình nổ tung giữa đám đông. Nhưng cũng có những hình thái khoái cảm tinh thần vốn dĩ mang tính đạo đức. Như tôi đã chỉ ra ở trên, với một số trạng thái ý thức, một khái niệm như “tình thương vô biên” hoàn toàn chẳng có gì là quá lố. Dứt khoát các thế lực của lý tính và chủ nghĩa thế tục sẽ thấy thật phiền phức nếu ai đó thức giấc vào ngày hôm sau cảm nhận một tình thương vô biên dành cho mọi sinh linh, những người duy nhất có thể hiểu thấu sự chân thật của trải nghiệm đó sẽ là những đại diện cho một trong những tôn giáo thời Đồ Đá hay giáo phái Tân Kỷ Nguyên.
Hầu hết chúng ta đều khôn ngoan hơn vẻ bề ngoài. Chúng ta biết làm thế nào để duy trì các mối quan hệ theo đúng trật tự, làm thế nào để sử dụng thời gian hiệu quả, cải thiện sức khỏe, giảm cân, học hỏi các kỹ năng quý báu, giải quyết những bí ẩn khác của sự tồn tại. Thế nhưng ngay cả con đường thẳng thớm rộng mở dẫn đến hạnh phúc cũng vẫn khó khăn. Nếu người bạn thân nhất của bạn hỏi rằng làm thế nào để cuộc đời cô ấy tốt hơn, ta sẽ dễ tìm thấy nhiều điều hữu dụng để khuyên lơn, nhưng chính ta lại chẳng sống theo lối đó. Ở một mức độ khác, sự khôn ngoan chẳng có gì sâu sắc hơn khả năng làm theo lời khuyên của bản thân. Tuy nhiên, còn có những nhận định sâu sắc hơn nữa về bản chất của tâm trí chúng ta. Rủi thay, các nhận định này đã được luận thảo trọn vẹn trong bối cảnh tôn giáo, do đó đã bị phủ vây trong ngụy biện và mê tín dị đoan suốt lịch sử nhân loại.
Vấn đề đi tìm hạnh phúc ở thế gian này xuất hiện ngay từ khi ta cất tiếng khóc chào đời - và nhu cầu lẫn khao khát của chúng ta dường như nhân lên theo từng giờ. Nếu dành thời gian bên cạnh một đứa trẻ, bạn sẽ chứng kiến một tâm trí dao động không ngừng giữa vui và buồn. Càng lớn tuổi, tiếng cười và nước mắt của chúng ta càng gượng gạo hơn, nhưng quá trình thay đổi tương tự như vậy vẫn diễn ra: Một phức hợp đảo lộn của suy nghĩ và cảm xúc liên tiếp nối chân nhau, như sóng trào đại dương.
Tìm kiếm, kiếm tìm, duy trì và bảo vệ hạnh phúc chính là công trình vĩ đại nhất mà tất cả chúng ta đều hiến mình cho, dù có chọn nghĩ về nó bằng những từ ngữ như thế hay không. Đó là còn chưa nói rằng chúng ta chỉ muốn có khoái lạc đơn thuần hay một cuộc sống dễ dàng nhất có thể. Nhiều điều đòi hỏi phải có sự nỗ lực phi thường để đạt được, và một số người chúng ta đã học được cách tận hưởng cuộc đấu tranh này. Bất cứ vận động viên nào cũng biết rằng một vài kiểu đau đớn nhất định có thể vô cùng thoải mái. Vết bỏng rát khi cử tạ chẳng hạn sẽ trở nên vô cùng nhức nhối nếu như nó là triệu chứng của một loại bệnh hiểm nghèo. Nhưng vì nó gắn với sức khỏe và sức dẻo dai, nên hầu hết mọi người sẽ thấy thích nó. Ở đây chúng ta thấy rằng nhận thức và cảm xúc không tách rời nhau. Cách ta nghĩ về trải nghiệm có thể hoàn toàn quyết định cách ta cảm nhận về nó.
Chúng ta luôn đối mặt với các xung đột và thỏa hiệp. Vào một số thời điểm, chúng ta mong mỏi sự hưng phấn và những khi khác ta lại mong nghỉ ngơi. Chúng ta có thể thích vị rượu và sô cô la, nhưng hiếm khi dùng những thức này cho bữa ăn sáng. Dù hoàn cảnh có thế nào đi nữa, tâm trí của chúng ta cũng không ngừng chuyển động - nhìn chung hướng về khoái lạc (hoặc nguồn gốc tưởng tượng của nó) và tránh xa đau đớn. Tôi chẳng phải là người đầu tiên chú ý đến điều này.
Cuộc đấu tranh của chúng ta hòng lèo lái cái không gian hình thành từ nỗi đớn đau và khoái lạc đã tạo ra phần lớn nền văn hóa con người. Y khoa cố gắng kéo dài sức khỏe và giảm bớt đớn đau gắn liền với bệnh tật, tuổi già và cái chết. Mọi hình thức của truyền thông đều nhằm phục vụ cho cơn khát thông tin và giải trí của chúng ta. Các thể chế kinh tế và chính trị tìm cách bảo đảm cho sự hợp tác hòa bình với nhau. Ngoài chức năng bảo đảm sinh tồn, nền văn minh là cả một cỗ máy khổng lồ do tâm trí con người tạo ra để duy trì các quốc gia nằm trong nó. Chúng ta mãi luôn nằm trong quá trình tạo dựng và sửa chữa một thế giới mà tâm trí chúng ta mong mỏi sống trong đó. Và dù nhìn đến đâu, chúng ta cũng đều thấy bằng chứng cho những thành công và thất bại của chính mình. Rủi thay, thất bại lại có một ưu thế tự nhiên. Bất kỳ bài toán nào cũng có nhiều câu trả lời sai hơn là câu trả lời đúng, và dường như đập đi luôn dễ dàng hơn là sửa chữa.
Mặc cho sự đẹp đẽ của thế gian và tầm vóc của thành tựu mà con người đạt được, thật khó mà không bận tâm đến việc các thế lực của hỗn mang rồi sẽ chiến thắng - không chỉ vào giờ khắc cuối cùng mà vào mọi lúc. Những niềm khoái lạc của chúng ta, dù tinh tế hay dễ dàng có được đến đâu đi nữa, về bản chất vẫn là thoảng qua nhất thời. Chúng khởi sự suy vi ngay từ lúc xuất hiện, để rồi bị thay thế bởi những khao khát mới mẻ, hay cảm giác khó chịu. Ta chẳng thể nào thấy đủ khi thưởng thức món ăn yêu thích cho đến khi, ngay sau đó, ta thấy mình no ứ hự đến độ cần phải có sự chăm sóc của một bác sĩ giải phẫu - ấy thế mà, vì một sự méo mó nào đó của thể trạng, ta vẫn còn chỗ để nhét thêm vào món tráng miệng. Cái khoái cảm của món tráng miệng chỉ kéo dài trong vài giây, rồi cảm giác còn thoảng trong vòm miệng ấy sẽ bị một hớp nước cuốn trôi đi. Sự ấm áp của mặt trời thật tuyệt vời khi mơn man trên làn da, nhưng chẳng mấy chốc nó sẽ trở nên quá mức. Bước vào bóng râm mang lại cho ta cảm giác giải tỏa tức thời, nhưng chừng ít phút sau, cơn gió thoảng cũng gây rét mướt. Liệu trong xe có áo ấm không? Hãy tìm thử xem. À, có rồi. Giờ thì ta đã ấm, nhưng ta để ý thấy chiếc áo này đã cũ sờn. Liệu điều ấy khiến ta vô lo hay rối bời hơn? Có lẽ đã đến lúc đi sắm một chiếc áo mới. Và cứ thế mọi thứ tiếp diễn.
Chúng ta dường như chẳng làm gì khác ngoài đong đưa giữa muốn và không muốn. Do đó, câu hỏi tự nhiên được đặt ra: Liệu cuộc sống này có còn gì khác? Có thể nào cảm thấy thoải mái hơn rất nhiều (hơn theo mọi tầng nghĩa) so với những gì ta cảm thấy? Có thể nào tìm thấy sự viên mãn vĩnh cửu bất chấp sự khôn cưỡng của đổi thay?
Đời sống tâm linh bắt đầu từ nỗi hoài nghi rằng đáp án cho các câu hỏi thế này có thể là “Có thể”. Và người thực hành tâm linh đích thực là người đã khám phá ra rằng có thể trở nên thoải mái ở thế giới này mà chẳng cần lý do, dẫu mỗi lần chỉ được vài khắc, và sự dễ chịu ấy đồng nghĩa với việc vượt khỏi các ranh giới hiển nhiên của bản ngã. Những ai chưa từng nếm trải cái trạng thái tĩnh tại trong tâm trí ấy có thể vô cùng nghi ngờ những lời khẳng định này. Tuy nhiên, thực tế là có một trạng thái an nhiên vô ngã mà ta có thể nhìn thấy được trong từng khoảnh khắc. Dĩ nhiên, tôi không muốn nói rằng mình đã trải qua bằng hết các trạng thái ấy, nhưng tôi đã gặp những con người có vẻ như chưa từng trải qua bất cứ trạng thái nào - và những người này thường tự nhận họ chẳng có chút hứng thú gì với đời sống tâm linh.
Điều này chẳng có gì ngạc nhiên. Hiện tượng tự siêu thường được tìm kiếm và diễn giải bằng kiến giải tôn giáo, và đích thị là loại trải nghiệm có khuynh hướng làm gia tăng đức tin của một ai đó. Có bao nhiêu tín đồ, khi đã cảm nghiệm rằng trái tim của mình trở nên quảng đại như cả thế gian, sẽ quyết định từ bỏ tôn giáo mình đang theo và tự nhận mình là vô thần? Tôi đồ là chẳng có bao nhiêu. Bao nhiêu người chưa từng cảm thấy điều gì tương tự đã trở thành người vô thần? Tôi không biết, nhưng không chút nghi ngờ là những trạng thái tinh thần ấy đóng vai trò như một bộ lọc: Người có tín ngưỡng xem đó là sự củng cố các tín điều cổ xưa, và sự thiếu vắng các trạng thái này đưa ra một lý do nữa để những người không tín ngưỡng từ khước tôn giáo.
Đây là một vấn đề tôi cho là khó mà giải quyết trong khuôn khổ quyển sách này, vì có nhiều độc giả sẽ chẳng hiểu tôi đang nói đến điều gì khi mô tả về các trải nghiệm tâm linh cụ thể và có thể giả định rằng những tuyên bố mà tôi đang đưa ra phải được chấp nhận trên cơ sở đức tin. Người đọc có tôn giáo sẽ mang tới một thách thức khác: Họ có thể cho rằng họ biết đích xác cái mà tôi đang mô tả là gì, nhưng chỉ khi nó đồng nhất với một học thuyết tôn giáo nào đó. Với tôi, cả hai thái độ này đều đặt ra những rào cản đáng kể trong việc tìm hiểu tâm linh theo cách tôi dự định. Tôi chỉ mong rằng, dù nền tảng của bạn có thế nào đi nữa, bạn cũng sẽ tiếp cận các thực hành được trình bày trong quyển sách này với một tâm trí rộng mở.
TÔN GIÁO, ĐÔNG VÀ TÂY
Chúng ta thường hay được khuyên nên tin rằng mọi tôn giáo đều giống nhau: Tất cả đều giảng những nguyên tắc đạo đức như nhau; tất cả đều thúc giục tín đồ của mình chiêm nghiệm về một thực tại thiêng liêng như nhau; tất cả đều khôn ngoan, giàu lòng trắc ẩn, và chân thật trong phạm vi của riêng mình - hoặc gây chia rẽ và sai trái không kém, tùy theo quan điểm của mỗi người.
Chẳng một tín đồ nghiêm túc của bất cứ tín ngưỡng nào lại đi tin vào những điều này, vì cách hầu hết các tôn giáo đưa ra những nhận định về hiện thực không tài nào hòa hợp được với nhau. Cũng có các ngoại lệ, nhưng chúng chỉ mang đến một chút giải tỏa cho cuộc tranh đua một mất một còn này. Thuyết đa thần của Hindu cho phép tôn giáo này hấp thu tư tưởng của nhiều tín ngưỡng khác: Nếu Kitô hữu khẳng định Chúa Jesus là con của Chúa Cha, thì đạo Hindu sẽ biến Ngài thành một hóa thân khác của thần Vishnu không chút ngại ngần. Nhưng cái thái độ gồm thâu này chỉ dẫn về đúng duy nhất một hướng, mà kể cả hướng ấy cũng có giới hạn của nó. Người Hindu gắn liền với những ý niệm siêu hình cụ thể - luật nhân quả và tái sinh, đa thần - mà hầu hết các tôn giáo lớn khác đều gièm pha. Không một tín ngưỡng nào công nhận chân lý của tôn giáo khác, bất luận nó có uyển chuyển đến đâu.
Tín đồ Do Thái giáo, Thiên Chúa giáo, Islam giáo tin rằng tôn giáo của mình là sự khai sáng chân thật và toàn bích nhất - vì đó chính là những gì kinh sách của họ nói. Chỉ những kẻ thế tục và cánh Tân Kỷ Nguyên học đòi mới nhầm lẫn chiến thuật “đối thoại liên giáo” hiện đại với một sự thống nhất toàn bộ tôn giáo.
Từ lâu tôi đã tranh luận rằng sự mơ hồ đối với việc thống nhất tôn giáo là di sản của ngôn ngữ. Tôn giáo là một thuật ngữ tựa như thể thao: Một số môn thể thao rất ôn hòa nhưng trông lại cực kỳ nguy hiểm (leo núi đá tự do một mình); một số môn khác an toàn hơn nhưng lại đồng nghĩa với bạo lực (võ thuật phối hợp); và một số môn khác có rủi ro gây chấn thương cao hơn chút đỉnh so với khi ta đang tắm dưới vòi sen (bowling). Nói về thể thao như một hoạt động chung chung làm người ta không sao thảo luận được những gì các vận động viên phải làm cũng như các đặc điểm thể lực đòi hỏi để tham gia môn thể thao ấy. Tất cả các môn thể thao có gì chung ngoại trừ hít thở? Chẳng có mấy. Thuật ngữ tôn giáo cũng chẳng hữu ích gì hơn.
Lập luận tương tự có thể sử dụng đối với tâm linh. Các học thuyết bí truyền tìm thấy trong mỗi truyền thống tôn giáo chẳng hề xuất phát từ những cách suy ngẫm giống nhau. Cũng như không phải tất cả đều theo lối kinh nghiệm chủ nghĩa, logic, tằn tiện, hay khôn ngoan như nhau. Các nhận định này chẳng phải lúc nào cũng đưa đến một hiện thực làm nền tảng như nhau - và nếu có, chúng cũng chẳng được thực hiện một cách đồng đều. Cũng như tất cả các giáo lý ấy chẳng hề phù hợp để mang ra ngoài các nền tôn giáo đã từ đầu hoài thai ra nó.
Tuy nhiên, tạo ra các phân biệt kiểu này là hết sức lỗi thời đối với các cộng đồng trí thức. Theo kinh nghiệm bản thân tôi, người ta chẳng muốn nghe rằng Islam giáo cổ xúy bạo lực còn Kỳ Na giáo lại không, hay Phật giáo đề ra một phương pháp tìm hiểu tâm trí con người thật sự mang tính thực nghiệm và thâm sâu, trong khi Thiên Chúa giáo lại đưa ra một rào cản gần như hoàn hảo cho sự tìm hiểu này. Ở nhiều nhóm trí thức, đưa ra các so sánh đậm chất ghen tị kiểu này tức là chấp nhận bị kết tội cuồng tín.
Theo một nghĩa nào đó, toàn thể các tôn giáo và thực hành tâm linh buộc phải giải quyết cùng một hiện thực - bởi vì con người thuộc bất cứ tín ngưỡng nào cũng đều đã nhìn thấy nhiều trong số những sự thật giống nhau. Bất cứ quan điểm nào về ý thức và vũ trụ có trong tâm trí loài người thì về nguyên tắc đều có thể được người khác xem trọng. Do đó, chẳng có gì ngạc nhiên khi các tín đồ Do Thái giáo, Thiên Chúa giáo, Islam giáo, Phật giáo đều lên tiếng về những cảm nghiệm và trực giác tương tự nhau. Điều này đơn thuần cho thấy rằng nhận thức và cảm xúc của con người nằm sâu hơn tôn giáo. (Chúng ta đều đã biết điều này rồi, phải không nào?). Điều này không có ý nói rằng mọi tôn giáo đều hiểu thấu các khả năng tâm linh của con người sâu sắc như nhau.
Một cách để bỏ qua quan điểm này là tuyên bố mọi giáo lý tâm linh đều là biến thể của cùng một “Triết Lý Vĩnh Hằng”. Nhà văn Aldous Huxley7 đã khiến mọi người chú ý đến ý niệm này khi xuất bản một tuyển tập các bài viết đặt tên theo triết lý này. Đây là cách ông biện minh cho nó:
7 Aldous Leonard Huxley (1894 - 1963) là một nhà văn người Anh di cư đến Mỹ và là thành viên của gia tộc Huxley nổi tiếng. Ông rất nổi danh với các tiểu thuyết và những bài viết đa dạng của mình. Huxley là một nhà văn nhưng cũng quan tâm đến kết cục cuộc sống với những chủ đề như tâm lý học tâm linh và thuyết thần bí.
Philosophia perennis - triết lý vĩnh hằng là cụm từ do Leibniz đề ra; sự siêu hình đã thừa nhận một Hiện Thực thiêng liêng quan yếu đối với thế giới vật chất, sự sống và tinh thần; tâm lý học tìm thấy trong linh hồn một cái gì đó tương tự, thậm chí đồng nhất với Hiện Thực thiêng liêng; đạo đức đã đặt hồi kết tối hậu của con người vào trong sự hiểu biết về Nền Tảng nội tại và siêu việt của mọi sinh thể - cái không thể ghi nhớ và mang tính phổ quát. Những nguyên tắc sơ đẳng của Triết Lý Vĩnh Hằng có thể tìm thấy trong những truyện kể truyền thống của các dân tộc nguyên thủy khắp thế giới, trong dạng thức hoàn chỉnh của nó, triết lý ấy có một vị trí trong mọi tôn giáo cao hơn. Một phiên bản của “ước số chung lớn nhất” trong tất cả các triết lý thần học trước và sau nó lần đầu tiên được ghi chép lại từ hơn hai mươi lăm thế kỷ trước, và từ thời điểm ấy, cái chủ đề không bao giờ vơi cạn đó đã được đả động đến hết lần này đến lần khác, từ quan điểm của mọi truyền thống tôn giáo và trong mọi ngôn ngữ chính của châu Á và châu Âu.
Mặc dù Huxley đã cẩn trọng một cách hợp lý trong cách dùng từ, nhưng ý niệm về một “ước số chung lớn nhất” thống nhất tất cả các tôn giáo bắt đầu tan vỡ ngay khi có một ai đó đòi hỏi chi tiết. Chẳng hạn như, các tôn giáo chung tổ phụ Abraham8 đều mang tính nhị nguyên tuyệt đối và dựa trên cơ sở đức tin: Trong Do Thái giáo, Thiên Chúa giáo, Islam giáo, linh hồn con người được cho là tách biệt hoàn toàn với thực thể linh thiêng của Thượng Đế. Thái độ đúng đắn cần có ở một sinh vật trong hoàn cảnh này là một sự kết hợp nào đó giữa khiếp sợ, xấu hổ và cung kính. Trong trường hợp tốt đẹp nhất, các ý niệm về tình yêu và ân sủng của Thượng Đế sẽ mang đến một sự giải tỏa nào đó - nhưng thông điệp cốt lõi của các đức tin này chính là mỗi người trong chúng ta đều tách rời, đồng thời nằm trong mối quan hệ với một đấng uy quyền thiêng liêng sẽ trừng phạt bất cứ ai dám hoài nghi, dù chỉ chút ít, về quyền lực tối thượng của Người.
8 Các tôn giáo Abraham (hay các tôn giáo Semit) là các tôn giáo độc thần (monotheistic) bắt nguồn từ Tây Á cổ xưa, có chung tổ phụ là Abraham, hoặc công nhận truyền thống tâm linh gắn liền với ông, bao gồm: Do Thái giáo, Thiên Chúa giáo và Islam giáo, có số lượng tín hữu chiếm hơn một nửa dân số thế giới.
Truyền thống tư tưởng phương Đông đưa ra một bức tranh rất khác về hiện thực. Và các giáo lý quan trọng nhất của tôn giáo phương Đông - như trong nhiều trường phái Phật giáo và trường phái Nhất Nguyên Luận - thẳng thừng vượt ra khỏi thuyết nhị nguyên. Theo quan điểm của họ, bản thân ý thức đồng nhất với chính cái hiện thực mà ai đó có thể lầm tưởng là Thượng Đế. Dù các giáo lý này đưa ra các lập luận siêu hình mà bất cứ sinh viên ngành khoa học nghiêm túc nào cũng cảm thấy khó tin, thì các lập luận ấy vẫn tập trung ở một loạt các trải nghiệm mà các học thuyết của Do Thái giáo, Thiên Chúa giáo và Islam giáo đều cấm ngăn.
Đương nhiên, rõ ràng là các nhà huyền học Do Thái giáo, Thiên Chúa giáo và Islam giáo đều trải nghiệm những điều đã tạo động lực cho Phật giáo và Nhất Nguyên Luận, thế nhưng các quan điểm tu hành này lại không phải là mẫu mực cho đức tin của họ. Trái lại, đó là những điều dị thường mà các nhà huyền học phương Tây luôn gồng mình để hiểu và tôn vinh, thường với cái giá là sự nguy hại đáng kể cho chính bản thân họ. Nếu chúng đủ độ đúng đắn thì các trải nghiệm này sẽ tạo ra các tà thuyết mà các tín đồ Do Thái giáo, Thiên Chúa giáo và Islam giáo thường vì chúng mà bị lưu đày hay tiêu diệt.
Cũng như Huxley, bất cứ ai quyết tâm tìm kiếm một sự tổng hợp êm thấm giữa các truyền thống tâm linh sẽ nhận ra rằng Meister Eckhart (1260 - 1327), nhà huyền học Thiên Chúa giáo, thường có những suy nghĩ rất giống một Phật tử: “Người biết và cái biết là một. Những con người giản dị tưởng tượng họ sẽ nhìn thấy Thượng Đế, như thể Người đứng ở một bên và họ ở một bên. Không phải như thế. Chúa Trời và Ta, chúng ta là một trong nhận thức”. Nhưng ông cũng có suy nghĩ hệt như một người chắc chắn sẽ bị giáo hội rút phép thông công - đúng như những gì đã xảy ra. Nếu Eckhart sống lâu hơn một chút, chắc chắn ông sẽ bị lôi ra ngoài đường và bị thiêu chết bởi các ý nghĩ phóng khoáng này.
Tương tự, nếu cho rằng nhà huyền học Sufi Al-Hallaj9 (858 - 922) là đại diện cho Islam giáo thì cũng sai lầm không kém. Ông là một tín đồ Islam giáo, đúng thế, nhưng ông lại chết một cách bi thảm không thể tưởng tượng nổi dưới tay những người cùng tôn giáo với mình vì dám cho rằng mình đồng nhất với Thượng Đế. Cả Eckhart và Al-Hallaj đều cùng nói về một trải nghiệm tự siêu mà bất cứ con người nào, xét về nguyên tắc, cũng đều có thể trải qua. Tuy nhiên, quan điểm của họ lại không đồng nhất với các giáo lý trung tâm trong những đức tin họ theo.
9 Mansur al-Hallaj (hay Mansoor) là nhà thần bí Islam thuộc phái Sufi. Bị giới cầm quyền đóng đinh vì đã tuyên bố: “Ta là Chân lý”. Ông bị xử tử bằng hình thức tùng xẻo.
Truyền thống tư tưởng Ấn Độ khá vắng bóng các vấn đề như thế này. Dù các giáo lý của Phật giáo và Nhất Nguyên Luận đều xuất hiện trong các tôn giáo ít nhiều phổ thông, nhưng chúng chứa đựng những cảm nghiệm mang tính thực nghiệm rằng bản chất của ý thức là không phụ thuộc vào đức tin. Một tín đồ có thể thực hành hầu hết các kỹ thuật của thiền Phật giáo hoặc phương pháp tự truy vấn của Nhất Nguyên Luận và trải nghiệm được các thay đổi được rao giảng trong ý thức của mình mà không cần phải tin vào luật Nhân quả hay các phép màu gắn liền với các huyền giả Ấn Độ. Tuy nhiên, nếu bắt đầu với tư cách một tín đồ Thiên Chúa giáo, người đó buộc phải thừa nhận một loạt những điều còn đang tranh cãi về cuộc đời của Chúa Jesus và nguồn gốc Kinh Thánh - và điều tương tự cũng đúng trong trường hợp Do Thái giáo và Islam giáo, ngoại trừ vài tiểu tiết. Nếu một cá nhân tình cờ phát hiện ra rằng cảm giác là một linh hồn đơn lẻ chỉ là một ảo tưởng, thì người đó mắc tội báng bổ ở mọi nẻo phía Tây sông Ấn10.
10 Ý nói đến vùng đất theo đạo Islam.
Nhiều lề luật tôn giáo vẫn có thể tạo ra các trải nghiệm thú vị trong những tâm trí phù hợp là điều không thể. Tuy thế, cần phải nói rõ rằng tham gia vào một phương pháp thực hành dựa trên niềm tin (và hẳn là ảo tưởng), bất chấp ảnh hưởng của nó, không hề giống với việc khảo sát bản chất của một tâm trí mà không mang trong đầu bất cứ giả định về học thuyết nào. Các khẳng định kiểu này có vẻ hoàn toàn đối lập với các tôn giáo Abraham, nhưng chúng dù sao cũng đúng: Ai cũng có thể nói về Phật giáo trong khi loại bỏ tất cả các phép màu và các nhận định phi lý của nó. Nhưng điều tương tự không thể áp dụng đối với Thiên Chúa giáo và Islam giáo.
Sự tiếp xúc của phương Tây đối với tâm linh phương Đông khởi sự chí ít từ chiến dịch xâm lăng của Alexander vào Ấn Độ. Nhà chinh phạt trẻ tuổi cùng các triết gia tin yêu của mình đã nhìn thấy những nhà tu khổ hạnh trần truồng mà họ gọi là “những nhà tu khổ hạnh trần trụi”. Người ta thường cho rằng suy nghĩ của các yogi này cực kỳ ảnh hưởng đến triết gia Pyrrho, cha đẻ của chủ nghĩa hoài nghi Hy Lạp. Dường như đây là một nhận định có căn cứ, vì những lời dạy của Pyrrho có rất nhiều nét tương đồng với Phật giáo. Nhưng các cảm nghiệm suy ngẫm và phương pháp của ông chưa bao giờ trở thành một phần của bất kỳ hệ thống tư tưởng nào ở phương Tây.
Việc nghiên cứu nghiêm túc về tư tưởng phương Đông của những người bên ngoài mãi đến cuối thế kỷ mười tám mới bắt đầu diễn ra. Bản dịch đầu tiên của một văn bản tiếng Sanskrit sang ngôn ngữ phương Tây là bản dịch Bhagavad Gita (Chí Tôn Ca11) của Charles Wilkins, quyển kinh điển mang tính nền tảng của Hindu giáo, vào năm 1785. Kinh điển Phật giáo thì đến tận một trăm năm sau mới thu hút được sự quan tâm của giới học giả phương Tây.
11 Bhagavad Gita là một văn bản cổ bằng tiếng Phạn bao gồm 700 câu của bộ trường ca Mahabharata. Nội dung của Bhagavad Gita là một cuộc đối thoại giữa Krishna và Arjuna diễn ra trên chiến trường Kurukshetra chỉ trước khi trận chiến bùng nổ.
Đối thoại giữa Đông và Tây, bất hạnh thay, được bắt đầu một cách nghiêm chỉnh bằng sự ra đời của Hội Thông Thiên học, con quái vật sinh ra từ sự đói khát tâm linh cùng thói tự huyễn hoặc và được đưa đến thế giới này bởi Helena Petrovna Blavatsky12 vào năm 1875. Mọi thứ liên quan đến Blavatsky dường như đều phủ định những logic thông thường. Bà là một phụ nữ mập phệ đến khổng lồ, người tuyên bố rằng mình đã từng đơn độc lang thang và không bị phát hiện trong suốt bảy năm ròng ở vùng núi Tây Tạng. Bà ta còn được cho là đã sống sót sau nhiều lần đắm tàu, trúng đạn và những trận đấu kiếm. Thậm chí kém thuyết phục hơn, bà đã tuyên bố mình có kết nối tâm linh với những bậc thầy đắc đạo của hội Bạch Y Huynh Đệ13 - một nhóm những vị thần bất tử chịu trách nhiệm về sự tiến hóa và bảo hộ toàn thể vũ trụ. Thủ lĩnh của Bạch Y đến từ sao Kim nhưng sống ở vương quốc thần bí Shambala, một vùng đất mà Blavatsky cho rằng ở đâu đó gần sa mạc Gobi. Sử dụng một cái tên quan liêu đến đáng ngờ - “Chúa tể Thế gian”, vị thủ lĩnh này sẽ giám sát công việc của những bậc tinh thông khác, bao gồm Đức Phật, Maitreya (Phật Di Lặc), Maha Chohan (Đức Văn Minh Đại Đế) và một người gọi là chân sư Koot Hoomi, nhân vật dường như chẳng có gì khác hay ho hơn để nhân danh vũ trụ ngoài việc ngồi truyền lại các bí mật cho Blavatsky.
12 Người sáng lập Thông Thiên học (Theosophical Society), một bà đồng và nhà huyền học có sức ảnh hưởng người Nga.
13 Hội Bạch Y Huynh Đệ (Great White Brotherhood) hay Hội Ái Hữu Bạch Quang (Great Brotherhood of Light) được cho là những bậc siêu phàm với những quyền năng vĩ đại đang hoằng dương chân lý của các đạo giáo qua thể xác chọn lọc của vài cá nhân. Trào lưu tín ngưỡng này xuất hiện đồng loạt trên toàn thế giới cùng một lúc và đã có mặt từ thời xa xưa, nhưng bắt đầu được chính thức ghi nhận từ thế kỷ mười chín với người sáng lập là Peter Deunov, người Bulgaria, kết hợp các khía cạnh của Thiên Chúa giáo và Hindu giáo, nhấn mạnh vào tình huynh đệ. Bạch quang ám chỉ vầng hào quang trắng trên đầu các vị thầy đắc đạo. Danh sách các vị thầy đắc đạo gồm có Chúa Jesus, Phật Thích Ca, Đức Mẹ Maria, Hilarion, Enoch, Paul the Venetian, Đức Giáo Hoàng John Paul II, Bồ Tát Quán Thế Âm, Saint Germain, và Kuthumi. Sự dạy dỗ khác biệt của các vị lúc còn tại thế được dẹp bỏ để đoàn kết cùng nhau giúp nhân loại thăng hoa trình độ tâm linh.
Chúng ta luôn ngạc nhiên mỗi khi có một ai đó thu hút được hàng đoàn tín đồ và xây dựng một tổ chức lớn nhờ sự quảng đại của họ, đồng thời gieo rắc thứ thần thoại ba xu kiểu này. Nhưng có lẽ điều này không thật sự đáng chú ý vào cái thời điểm mà thậm chí những người có học thức nhất vẫn còn loay hoay tìm cách dung hòa được với điện, thuyết Tiến hóa và sự tồn tại của các hành tinh khác. Chúng ta dễ dàng quên đi thế giới này đã co lại và vũ trụ giãn nở thình lình14 như thế nào vào cuối thế kỷ mười chín. Ranh giới địa lý giữa các nền văn hóa xa xôi đã bị sự giao thương và xâm lược tước bỏ (giờ đây, gần như ở mọi nơi trên thế giới, ai cũng có thể gọi một ly gin và tonic), ấy thế mà hiện thực của các thế lực tàng ẩn và các thế giới xa lạ vẫn còn là đề tài hằng ngày của những nghiên cứu khoa học tỉ mẩn nhất. Chắc hẳn khi đó, các khám phá liên văn hóa và khoa học đã trộn lẫn trong trí tưởng tượng phổ thông đầy những giáo điều tôn giáo và huyền học truyền thống. Thực tế, điều này vẫn xảy ra ở hình thái tư duy cao nhất của con người suốt hơn một thế kỷ. Hãy nhớ rằng cha đẻ của vật lý hiện đại, Isaac Newton, đã phung phí rất nhiều khả năng thiên phú của mình vào việc nghiên cứu thần học và giả kim thuật.
14 Ý nói thuyết Big Bang (Vụ Nổ Lớn), nếu xuất hiện vào thời điểm này sẽ quá sức phức tạp.
Sự mất khả năng phân biệt đâu là điều lạ đúng đắn với những điều chỉ đơn thuần là lạ lùng hãy còn phổ biến vào thời của Blavatsky. Joseph Smith15, nhân vật cùng thời với Blavatsky, một tay bịp bợm dâm dật và quái gở, có thể lập ra hẳn một tôn giáo mới nhờ tuyên bố rằng hắn đã khai quật được những mặc khải cuối cùng của Thượng Đế viết bằng “tiếng Ai Cập cải cách” trên những chiếc đĩa bằng vàng, tại vùng ngoại ô linh thiêng tại Manchester, New York. Hắn đã giải mã văn tự này với sự giúp đỡ của các “hòn đá tiên tri” ma thuật, chẳng biết có ma thuật thật hay không, cho phép Smith sử dụng phiên bản tiếng Anh của Lời Thượng Đế mà thực chất chỉ là một bản nhái thảm hại của Kinh Thánh và những điều dối trá ngớ ngẩn về cuộc sống của Chúa Jesus ở Mỹ. Ấy vậy mà cái công trình vô nghĩa và cấm kỵ này vẫn tồn tại đến tận ngày nay.
15 Người sáng lập phái Mormon.
Một tôn giáo hiện đại hơn, Khoa Luận giáo (Scientology), còn khai thác sự nhẹ dạ của con người trầm trọng hơn: Các tín đồ trung thành tin rằng con người bị ám bởi các linh hồn ngoài hành tinh đã bị chúa tể thiên hà Xenu lưu đày đến Trái đất bảy mươi lăm triệu năm về trước. Cuộc lưu đày này diễn ra như thế nào? Theo kịch bản lỗi thời này: Những người hành tinh này được chuyển đến với số lượng lên đến hàng tỉ trên một con tàu vũ trụ giống như một chiếc phản lực DC-8. Sau đó, bọn họ bị giam cầm trong một núi lửa và bị bom hydro giã nhuyễn thành từng mảnh. Thế nhưng linh hồn của họ vẫn tồn tại. Việc cởi trói họ ra khỏi linh hồn của chúng ta là công việc của cả đời người, và cũng đắt đỏ16 nữa.
16 Tiền “cúng dường” của Khoa Luận giáo rất cao nếu tín đồ muốn tiếp cận các quyển sách hướng dẫn lên ba cấp bậc tâm linh.
Bất chấp những học thuyết không sao tiêu hóa nổi của mình, Blavatsky là một trong những người đầu tiên trong giới học thuật châu Âu công bố rằng có một thứ gọi là “minh triết phương Đông”. Thứ minh triết này bắt đầu nhỏ giọt sang phương Tây từ khi Đại sư Vivekananda17 giới thiệu những bài giảng về Nhất Nguyên Luận ở Hội nghị Tôn giáo Thế giới vào năm 1893 tại Chicago. Một lần nữa, Phật giáo tụt lại đằng sau: Một vài tăng sĩ phương Tây sống trên đảo Sri Lanca bắt đầu dịch Kinh Tạng Pali, nay vẫn còn là ghi chép nhiều thẩm quyền nhất về những lời dạy của Đức Phật theo lịch sử, Siddhartha Gautama (Phật Thích Ca Cồ Đàm). Tuy nhiên, mãi đến nửa thế kỷ sau, thiền tập Phật giáo mới thực sự được giảng dạy ở phương Tây.
17 Swami Vivekananda (1863 - 1902) là một trong những lãnh tụ tinh thần nổi tiếng nhất và có ảnh hưởng nhất của triết lý Nhất Nguyên Luận. Ông là đại đệ tử của Ramakrishna Paramahamsa và là người sáng lập ra Ramakrishna Math và Ramakrishna Mission.
Rất dễ tìm thấy điều khuất tất trong các ý tưởng lãng mạn về minh triết phương Đông, và một truyền thống phê phán như thế nảy sinh gần như vào cùng thời điểm người phương Tây đầu tiên ngồi bắt chéo chân và cố gắng tọa thiền. Vào cuối thập niên 1950, nhà văn kiêm nhà báo Arthur Koestler đi đến Ấn Độ và Nhật Bản hòng truy tầm minh triết và tóm tắt lại chuyến hành hương của mình như sau: “Tôi bắt đầu hành trình của mình trong áo tang và tàn tro18, rồi trở về kiêu hãnh là một người châu Âu”.
18 Hàm ý cái chết của con người cũ, nhưng thất vọng quay về và tự hào trở lại là một người châu Âu sau những gì tìm thấy.
Trong quyển The Lotus and the Robot (tạm dịch: Hoa sen và người máy), Koestler đưa ra một vài nguyên nhân khiến ông cảm thấy chẳng mấy ấn tượng về hành trình sang phương Đông. Chẳng hạn như, hãy thử xét về hatha yoga, một truyền thống tu hành cổ xưa. Dù ngày nay đang được xem là một hệ thống các bài tập thể dục giúp tăng cường sức lực và sự dẻo dai, nhưng trong hoàn cảnh truyền thống, hatha yoga là một phần của nỗ lực to lớn hơn muốn thao túng các khía cạnh “vi tế” của cơ thể con người mà các nhà giải phẫu học không biết tới. Hiển nhiên sự vi tế này chính là các trải nghiệm mà các yogi thực sự có được - nhưng nhiều niềm tin dựa trên cơ sở các trải nghiệm ấy lại quái đản, và nhiều kiểu thực hành gắn với nó vừa ngớ ngẩn lại vừa dễ gây ra thương tích.
Koestler kể lại rằng một yogi khởi sự theo truyền thống thường được khuyến khích kéo dài lưỡi của mình - thậm chí còn cắt hẳn hãm lưỡi (lớp da giữ lưỡi vào đáy miệng) và kéo căng vòm miệng mềm. Mục đích của hành động này là gì? Cho phép vị anh hùng của chúng ta chèn lưỡi vào eo họng, từ đó cản dòng không khí đi qua lỗ mũi. Sau đó, yogi ấy có thể hấp thụ các chất lỏng được cho là đến thẳng từ não. Các chất này - hình dung xem, bằng cách nhờ đến những sự tế vi hơn nữa, kết nối với việc lưu giữ tinh dịch - không chỉ ban cho sự minh triết tinh thần mà còn cả sự bất tử trường sinh. Kỹ thuật uống nước nhầy này gọi là khechari mudra và được cho là một trong những thành tựu cao nhất của thuật yoga.
Tôi hết sức vui vẻ ghi cho Koestler một điểm ở đây. Chẳng cần phải nói, sẽ không có một chút biện hộ nào dành cho các thực hành như thế xuất hiện trong quyển sách này.
Phê phán minh triết phương Tây có thể trông đặc biệt thỏa đáng khi nó xuất phát từ chính những người phương Đông. Quả thực có chút gì đó thật lố bịch khi những người có học ở phương Tây ùa sang phương Đông tìm kiếm sự giác ngộ tinh thần, còn người phương Đông lại hành hương về phương Tây tìm kiếm sự giáo dục và cơ hội kinh tế. Tôi có một người bạn mà các chuyến chu du của gã có thể ghi điểm cao trong cái tấn hài hước hoàn cầu này. Lần đầu tiên đến Ấn Độ ngay sau khi tốt nghiệp đại học, gã đã thủ về cho mình nhiều trò bộ tịch như thể mình là một yogi: Gã đã có râu rậm và tóc dài, nhưng còn có thêm thói quen viết đi viết lại tên thần Rama trong Devanagari trong nhật ký cá nhân. Trong chuyến bay về đất mẹ châu Âu, gã đã có cơ duyên to lớn khi ngồi cạnh một thương gia người Ấn. Vị khách rã rời vì mệt này nghĩ rằng mình đã chứng kiến hết mọi chủng loài con người ngớ ngẩn cho đến khi ông ta thấy những gì gã bạn tôi viết ra. Chứng kiến một gã sinh ra ở phương Tây, tốt nghiệp Đại học Stanford, đang tuổi lao động, có bằng cấp kinh tế và lịch sử, lại hiến mình cho sự tôn thờ bằng cách viết tên một vị thần tưởng tượng bằng thứ ngôn ngữ hắn ta chẳng thể đọc hay hiểu được, là điều mà ông không đỡ nổi trong cái buồng khép kín mười ngàn mét trên không. Sau một hồi trao đổi dọ xét, cả hai vị hành khách chỉ còn cách nhìn chằm chằm vào nhau trong sự thương hại và không thể hiểu nổi nhau - và cả hai còn tận mười giờ nữa mới tới nơi. Thực sự luôn có hai mặt trong một cuộc đối thoại như thế, nhưng tôi thú nhận rằng chỉ có một trong hai người họ mới có thể bị khiến cho trở thành lố bịch.
Chúng ta cũng có thể chấp nhận rằng minh triết phương Đông chẳng hề sản sinh ra các xã hội hay thiết chế chính trị tốt đẹp gì hơn những gì có ở phương Tây. Thật ra, người ta có thể lập luận rằng Ấn Độ có thể trở thành nền dân chủ lớn nhất thế giới như hiện nay chính là nhờ những thể chế được thiết lập dưới thời thực dân Anh. Cũng như phương Đông chưa từng dẫn đầu thế giới về khám phá khoa học. Tuy thế, vẫn còn một điều đặc biệt khi nói đến ý nghĩa của minh triết thuần túy phương Đông, và hầu hết đã được đúc kết hoặc trích từ truyền thống Phật giáo.
Phật giáo vẫn luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt từ các nhà khoa học phương Tây vì những nguyên nhân mà tôi đã dẫn ra. Phật giáo về cơ bản không phải là một tôn giáo dựa vào đức tin, và những giáo lý cốt lõi của tôn giáo này hoàn toàn dựa trên kinh nghiệm thực chứng. Bất chấp những sự mê tín mà nhiều Phật tử vẫn ấp ủ, học thuyết của Phật giáo có một cái lõi hợp lý và thực tế mà chẳng đòi hỏi phải có bất cứ sự suy diễn vô căn nào. Nhiều người phương Tây đã nhận thấy điều này và cảm thấy bình tâm vì đã tìm thấy được một giải pháp tinh thần thay thế cho việc thờ phượng dựa trên đức tin. Chẳng phải tự nhiên mà hầu hết các nghiên cứu khoa học hiện nay tiến hành đối với thiền đều chú trọng phần lớn vào các kỹ năng tu tập của Phật giáo.
Một nguyên nhân khác giải thích cho sự phổ biến của Phật giáo nơi các nhà khoa học chính là sự tham dự thông tuệ của một trong những đại diện rõ ràng nhất của tôn giáo này: Tenzin Gyatso, Đạt Lai Lạt Ma thứ mười bốn. Tất nhiên, ngài vẫn gặp phải người chỉ trích. Người bạn quá cố Christopher Hitchens của tôi lúc sinh thời đã đòi hỏi công lý với đức ngài trong nhiều dịp. Ông ấy cũng nắn gân những tu sinh Phật giáo phương Tây về “quan điểm được chấp nhận rộng rãi và lười biếng rằng tôn giáo ‘phương Đông’ khác với các tín ngưỡng khác: ít giáo điều, nhiều suy nghiệm, và… siêu việt hơn”, cũng như về cách nhiều người xem Phật giáo là một “chủ nghĩa ngoại lệ hạnh phúc và vô ưu”.
Hitch có lý của mình. Trong quyền uy có được với tư cách là người đứng đầu một trong bốn nhánh Phật giáo Tây Tạng và là nhà lãnh đạo lưu vong của Tây Tạng, Đạt Lai Lạt Ma đã từng có những nhận định gây nhiều tranh cãi. Dẫu sự gắn bó của Ngài với khoa học rất sâu rộng và chắc chắn là thành thật, nhưng con người này cũng không thể gạt bỏ việc viện đến một nhà chiêm tinh hay “tiên tri” khi cần đưa ra những quyết định quan trọng. Tôi sẽ nói thêm trong quyển sách này về nhiều thứ trong số những điều có thể biện minh cho sự sỉ nhục của Hitch, nhưng tiếp tục nói về các nhận định của ông ta ở đây thì lại sai chỗ. Nhiều truyền thống tôn giáo phương Đông cực kỳ mang tính thực nghiệm và thông thái, do đó chúng xứng đáng với chủ nghĩa ngoại lệ mà những người tòng phục nó đưa ra.
Riêng Phật giáo đã sở hữu một lượng văn bản ghi chép về bản chất của tâm trí mà chưa có tôn giáo hay khoa học phương Tây nào sánh bằng. Một vài giáo lý trong số đó ngổn ngang những giả thuyết siêu hình có thể gây ra sự hoài nghi, nhưng nhiều nhận định khác thì không. Và khi được tiếp cận như một bộ các giả thuyết dùng để thâm nhập vào tâm trí và dấn sâu vào đời sống luân lý của một con người, Phật giáo hoàn toàn có thể trở thành một lĩnh vực hoàn toàn thuần lý.
Không như các học thuyết của Do Thái giáo, Thiên Chúa giáo hay Islam giáo, những người ủng hộ không xem giáo lý Phật giáo là sản phẩm của sự giác ngộ tuyệt đối. Mà kỳ thực đó là những hướng dẫn dựa trên thực nghiệm: Nếu làm X, ta sẽ gặp Y. Dù nhiều Phật tử có sự gắn bó đầy mê tín và sùng bái Đức Phật trong lịch sử, nhưng các lời dạy của Phật giáo cho thấy Ngài là một con người bình thường đã thấu đạt bản chất của tâm trí mình. Phật - Bụt đà (Buddha) có nghĩa là “đấng đã giác ngộ” - và Siddhartha Gautama chỉ đơn giản là một con người đã tỉnh khỏi cơn mơ là một bản ngã tách biệt. So sánh điều này với quan điểm Thiên Chúa giáo về Đức Jesus, người được hình dung là con một của Đấng Sáng Thế. Đây là một tuyên bố rất khác biệt, và nó biến Thiên Chúa giáo, dù đã không còn một chút mắc míu siêu hình nào nữa, trở nên chẳng chút liên quan với thảo luận khoa học về tình trạng con người.
Giáo lý Phật giáo, và của tâm linh phương Đông nói chung, chú trọng vào sự ưu việt của tâm trí. Đương nhiên vẫn có những nguy hại trong cách nhìn nhận về thế giới như thế này. Tập trung vào việc đào luyện cho tâm trí đi đến chỗ tuẫn trừ tất cả mọi thứ có thể dẫn đến tình trạng an phận chính trị và sự phục tùng bầy đàn. Tâm trí là tất cả những gì ta có và nó có thể an bình ngay cả trong những tình huống gian khó, điều này có thể trở thành một lập luận dùng để cố tình bỏ qua các vấn đề xã hội tất yếu. Nhưng điều ấy chẳng đủ thuyết phục. Thế giới tuyệt vọng này cần được cải thiện - nói theo ngôn ngữ toàn cầu, sự tự do và thịnh vượng vẫn là ngoại lệ - nhưng điều này không có nghĩa là chúng ta cần phải khổ sở khi làm việc để sinh nhai.
Thực tế là các giáo lý của Phật giáo nhấn mạnh vào mối quan hệ giữa đời sống đạo đức và tâm linh. Tiến bộ ở một trong hai sẽ tạo ra nền tảng để cái còn lại tiến bộ theo. Chẳng hạn, một người có thể dành rất nhiều thời gian trong tu hành cô độc vì mục đích trở thành một con người tốt đẹp hơn trong thế giới này - có những mối quan hệ tốt hơn, chân thành hơn và vị tha hơn, nhờ đó có thể hữu ích hơn với những con người khác. Ích kỷ một cách khôn ngoan và vô ngã cũng có thể dẫn đến cùng một kết quả như vậy. Hàng nhiều thế kỷ qua đã chứng thực quan điểm này - và, như chúng ta sẽ thấy, nghiên cứu khoa học với tâm trí đã bắt đầu thể hiện điều này. Hiện tại người ta chẳng mấy thắc mắc về cái cách một người sử dụng sự quan tâm của mình, từ lúc này sang lúc khác, sẽ xác quyết họ sẽ trở thành con người như thế nào. Tâm trí - và cuộc sống - của chúng ta được nhào nặn chủ yếu theo cách mà chúng ta sử dụng chúng.
Dù về nguyên tắc trải nghiệm tự siêu thăng là dành cho tất cả mọi người, nhưng thực tế nó chỉ được chứng thực yếu ớt trong các văn bản tôn giáo và triết học phương Tây. Chỉ có các Phật tử và tín đồ Nhất Nguyên Luận (rõ ràng cũng chịu ảnh hưởng rất lớn từ Phật giáo) là thấu triệt được khi cho rằng đời sống tinh thần bao gồm việc vượt qua được ảo tưởng về tự ngã bằng cách tập trung hết mực vào trải nghiệm ở thời điểm hiện tại.
Như tôi từng viết trong quyển sách đầu tay, The End of Faith (tạm dịch: Chấm dứt đức tin), sự khác biệt giữa tâm linh phương Đông và phương Tây tương tự như sự khác biệt giữa Đông Y và Tây Y - với mũi tên xấu hổ trỏ về hướng ngược lại. Nhân loại chẳng thể hiểu được đặc tính sinh học của ung thư, chẳng chế tạo ra kháng sinh và vắc xin, hay tìm ra bộ gien người dưới vòm trời phương Đông. Kết quả của điều này là, thuốc men gần như là sản phẩm của khoa học phương Tây. Nếu những kỹ thuật cụ thể của Đông Y thực sự có hiệu quả, nó buộc phải tuân theo, dù có chủ đích hay tình cờ, các nguyên tắc về sinh học mà chúng ta đã hiểu biết tại phương Tây. Điều này không có nghĩa là Tây Y đã hoàn chỉnh. Trong một vài thập niên nữa thôi, nhiều thực hành hiện nay của chúng ta sẽ trở nên man rợ. Ta chỉ cần thử nghĩ về danh sách các tác dụng phụ đi kèm của hầu hết các phương thức điều trị bằng thuốc men để hiểu ra rằng đó là các phương tiện cực kỳ thô sơ. Tuy nhiên, phần lớn kiến thức của chúng ta về cơ thể người - và về vũ trụ vật chất nói chung - xuất phát từ phương Tây. Phần còn lại thuộc về bản năng, dân gian, sự hoang mang và cái chết bất đắc kỳ tử.
Một lần nữa, ta phải bày binh bố trận những lời cảnh báo cần thiết: Tôi không cho rằng hầu hết Phật tử hay tín đồ Hindu đều là những bậc chân tu thâm sâu. Truyền thống của hai tôn giáo này đã kinh qua cùng những chứng tật mà ta từng chứng kiến đâu đó nơi những người có đức tin: giáo điều chủ nghĩa, phản tri thức, chủ nghĩa bộ lạc, duy linh. Tuy nhiên, khác biệt mang tính thực chứng giữa giáo lý Phật giáo và Nhất Nguyên Luận so với độc thần luận phương Tây khó mà phóng đại được. Ai cũng có thể trải qua những ngả đường tư duy phương Đông, chỉ cần có hứng thú với bản chất của tâm trí - đặc biệt về các nguyên nhân trực tiếp gây ra đau đớn về tâm lý - và thông qua việc chú tâm hơn nữa đến trải nghiệm của cá nhân vào mọi thời điểm hiện tại. Thật sự là ta chẳng cần phải tin gì cả. Các giáo lý của Phật giáo và Nhất Nguyên Luận tốt nhất nên được xem là các cẩm nang hay ghi chép của các nhà thám hiểm liệt kê chi tiết lại các kết quả của sự tìm tòi thực chứng bản chất của ý thức con người.
Dường như mọi rào cản địa lý hay ngôn ngữ đối với sự trao đổi tự do các tư tưởng giờ đây đã ngả rạp. Do đó, đối với tôi, những con người có học thức không còn một quyền lực gì đối với bất cứ hình thái cục bộ chủ nghĩa nào của tâm linh. Những sự thật về tâm linh phương Đông hiện tại chẳng phương Đông hơn gì những sự thật của khoa học phương Tây. Chúng ta chỉ đang bàn về ý thức của con người cũng như các trạng thái khả dĩ của nó. Mục đích của tôi khi viết quyển sách này là khuyến khích chúng ta khám phá những suy niệm sâu sắc cho chính bản thân mình, bất chấp các ý tưởng siêu hình mà chúng đã từng truyền cảm hứng ở những dân tộc ngờ nghệch và tách biệt trong quá khứ.
Một cảnh báo sau cùng: Chẳng có điều gì tôi đang nói ra ở đây có ý phủ nhận chân lý rằng hạnh phúc tâm lý đòi hỏi một “ý thức về bản ngã” lành mạnh - với toàn bộ những khả năng mà khái niệm mơ hồ này ngụ ý. Trẻ con cần tự chủ, tự tin và tự ý thức để có thể hình thành các mối quan hệ lành mạnh. Và chúng buộc phải thụ đắc một loạt các kỹ năng nhận thức, cảm xúc và giao tế trong quá trình trở thành những con người trưởng thành có ý thức và hữu ích. Tức là vẫn còn có thời gian và không gian cho tất cả mọi thứ - trừ khi không có gì cả, tất nhiên rồi. Không nghi ngờ gì nữa, có những tình trạng tâm lý, như tâm thần phân liệt, mà các thực hành như kiểu tôi khuyến nghị trong quyển sách này có thể không phù hợp. Một số người cho rằng kinh nghiệm có được từ một lần an cư tịnh khẩu kéo dài là bất ổn về tâm lý. Ở đây có vẻ cũng lại phù hợp khi so sánh với việc tập thể dục: Không phải ai cũng thích hợp để chạy một dặm trong vòng sáu phút, hay nâng tạ bằng cả trọng lượng cơ thể của mình. Nhưng có khá nhiều con người bình thường có thể làm được những điều này, và có nhiều cách dù tốt dù xấu để làm được điều này. Hơn nữa, các nguyên tắc về tập thể lực nhìn chung có thể áp dụng cho những người có khả năng bị hạn chế bởi bệnh tật hay chấn thương.
Do đó, tôi muốn nói rõ rằng các chỉ dẫn trong quyển sách này chủ ý dành cho những người đọc (ít nhiều) trưởng thành và không hề mắc phải các bệnh tật vé tâm lý hay y khoa mà việc thiền hay các kỹ thuật quán chiếu có thể làm cho trầm trọng hơn. Nếu việc chú ý vào nhịp thở, vào các chuyển động của cơ thể, vào dòng suy nghĩ, hay là vào bản chất của chính ý thức dường như khiến bạn cảm thấy rất đỗi đau đớn, hãy hỏi ý kiến một nhà tâm lý hoặc nhà trị liệu trước khi tham gia vào các thực hành mà tôi sẽ mô tả.
Luôn là hiện tại. Có thể điều này nghe chừng đã cũ mòn, nhưng đấy lại là chân lý. Nó chẳng hoàn toàn đúng như là một vấn đề của thần kinh học, vì tâm trí chúng ta được cấu thành từ nhiều lớp thông tin thụ nhận mà chúng ta biết đến vào những thời điểm khác nhau. Điều này đúng nếu xem đó là một vấn đề liên quan đến trải nghiệm có ý thức. Thực tế của cuộc sống chúng ta luôn là hiện tại. Và chúng ta sẽ thấy, nhận ra điều này là một cảm giác thật khai thông. Thật sự là, tôi cho rằng chẳng có gì quan trọng hơn việc hiểu được điều này nếu ta muốn hạnh phúc trên thế gian này.
Nhưng phần lớn cuộc đời chúng ta lại quên bẵng đi chân lý này - bỏ qua, chạy trốn khỏi nó, bác bỏ nó. Và kinh hoàng ở chỗ chúng ta lại thành công. Chúng ta cố gắng tránh né thành công, hạnh phúc trong khi vẫn xoay xở để trở nên hạnh phúc, thỏa mãn hết khát vọng này đến khát vọng khác, xua đi các nỗi sợ hãi, bấu víu lấy khoái lạc, cuộn mình trước đớn đau - và không ngừng suy nghĩ về việc làm thế nào để giữ cho mọi thứ trơn tru và tiếp tục vận hành. Kết quả là, chúng ta ít hài lòng về đời mình hơn rất nhiều. Chúng ta thường không sao trân trọng được những gì đã có cho đến khi đánh mất. Chúng ta khao khát kinh nghiệm, đồ vật, quan hệ, để rồi phát chán với tất cả. Thế nhưng sự khao khát ấy vẫn tiếp diễn. Tôi đương nhiên đang nói từ chính kinh nghiệm của bản thân.
Là một liệu pháp cho tình trạng gay go này, nhiều giáo lý tâm linh đã yêu cầu chúng ta tin vào những ý tưởng vô căn về bản chất của hiện thực - hoặc chí ít là hình thành lòng yêu thích đối với hình tượng và các nghi thức của một tôn giáo nào đó. Nhưng chẳng phải mọi con đường đều trải trên cũng một mặt đất gồ ghề đấy sao? Có những phương pháp thiền không hề đòi hỏi bất cứ mưu mẹo hay giả định vô căn cứ nào cả.
Với người mới bắt đầu, tôi thường khuyến nghị kỹ thuật gọi là vipassana (nghĩa là “tuệ” trong tiếng Pali) xuất phát từ truyền thống Phật giáo xa xưa nhất, Phật giáo Nguyên Thủy - Theravada. Một trong những ưu điểm của vipassana là phương pháp này có thể được dạy theo một cách hoàn toàn thế tục. Các chuyên gia thiền theo phương pháp này thường đòi hỏi sự tập luyện trong bối cảnh Phật giáo, hầu hết các trung tâm tu học ở Mỹ và châu Âu đều giảng dạy triết lý gắn liền với Phật giáo. Tuy nhiên, phương pháp nội quán này có thể được mang vào bất cứ ngữ cảnh thế tục hoặc khoa học nào mà không chút bối rối. Đó là lý do vì sao vipassana hiện đang được các nhà tâm lý học, thần kinh học học tập và áp dụng rộng rãi.
Đặc tính tinh thần có được từ vipassana gần như luôn được gọi là “chánh niệm” và có rất nhiều ghi chép về các lợi ích tâm lý của nó. Chánh niệm chẳng có gì ghê gớm. Đấy chỉ là một trạng thái trống rỗng, không phán xét, không phân tâm với các nội dung của ý thức, cho dù thoải mái hay không. Nuôi dưỡng đặc tính trí óc này được cho là có thể làm giảm đau đớn, căng thẳng và trầm cảm; cải thiện chức năng nhận thức; thậm chí đem đến các thay đổi trong mật độ chất xám ở các vùng não liên quan đến việc học tập và ghi nhớ, điều hòa cảm xúc và tự nhận thức. Chúng ta sẽ đi sâu hơn vào sinh lý học thần kinh của chánh niệm trong chương sau.
Chánh niệm được dịch từ chữ sati trong tiếng Pali. Trong Phật giáo, khái niệm này có nhiều nghĩa, nhưng ý nghĩa quan trọng nhất là “nhận thức thông suốt”. Thực hành này được mô tả đầu tiên trong Kinh Tứ Niệm Xứ - Satipatthana Sutta, thuộc Kinh Tạng Pali. Như nhiều kinh điển Phật giáo khác, Kinh Tứ Niệm Xứ lặp đi lặp lại và, đối với bất kỳ ai không phải một thiền sinh Phật học chuyên tâm, thì nó đọc chán đến khó tả. Tuy nhiên, nếu đem so sánh với các kinh điển như Kinh Thánh hay Kinh Koran, thì nó khác biệt rõ rệt. Kinh Tứ Niệm Xứ không phải là một tập hợp những huyền thoại cổ xưa hay dị đoan và đầy các điều cấm kỵ; mà đây là một cẩm nang cực kỳ mang tính thực nghiệm hướng dẫn cách giải thoát tâm trí khỏi khổ đau.
Đức Phật đã mô tả về bốn nền tảng của chánh niệm - “đây là con đường, đưa đến thanh tịnh cho chúng sanh, vượt khỏi sầu bi, diệt trừ khổ ưu, thành tựu chánh lý, chứng ngộ Niết bàn”. Bốn nền tảng của chánh niệm bao gồm quán thân (hơi thở, thay đổi cử chỉ, hoạt động), quán thọ (cảm giác lạc, cảm giác khổ, cảm giác bất khổ bất lạc), quán tâm (cụ thể là tâm trạng và thái độ) và quán pháp (bao gồm ngũ quan, nhưng cũng còn là các trạng thái nội tâm khác như vọng, tịnh, lạc, xả, thậm chí là bản thân chánh niệm). Thông điệp của bản kinh là toàn thể kinh nghiệm của cá nhân, có thể trở thành nơi chốn để suy ngẫm. Người thực hành chỉ cần được hướng dẫn phải chú tâm - “một cách mãnh liệt”, “hoàn toàn tỉnh táo” và “từ bỏ tham sầu thế gian”.
Chẳng có gì thụ động trong chánh niệm. Ai đó thậm chí có thể nói rằng chánh niệm thể hiện một kiểu khao khát đặc biệt - khao khát hiểu đâu là cái thực một cách chủ quan trong mọi thời điểm. Đó là một trạng thái nhận thức mà, hơn hết thảy, không bị xao nhãng, chấp nhận và (cuối cùng là) phi khái niệm. Chánh niệm không phải là suy nghĩ kỹ càng hơn về trải nghiệm đã qua; mà đó là hành động trải nghiệm rõ rệt hơn, gồm cả sự xuất hiện của chính các suy nghĩ. Chánh niệm là nhận thức sống động về bất cứ điều gì xuất hiện trong tâm trí hay cơ thể - ý nghĩ, cảm giác, tâm trạng - mà không phải bấu víu vào sự thoải mái hay né tránh sự kém thoải mái. Một trong những ưu thế của kỹ thuật thiền này, từ góc nhìn thế tục, là nó không đòi hỏi chúng ta phải chấp nhận bất cứ điệu bộ văn hóa hay các niềm tin chưa được kiểm chứng nào cả. Nó đơn giản đòi hỏi chúng ta phải tập trung thật sâu vào dòng trải nghiệm diễn ra trong từng thời khắc.
Kẻ thù chủ yếu của chánh niệm - hay bất cứ hoạt động thiền tập nào khác - là thói quen có điều kiện cố hữu bị ý nghĩ chi phối của chúng ta. Vấn đề không nằm ở bản thân ý nghĩ mà ở trạng thái suy nghĩ nhưng không biết rằng mình đang suy nghĩ. Thật sự là, mọi loại suy nghĩ đều là những đối tượng hoàn hảo cho chánh niệm. Tuy vậy, trong các giai đoạn đầu thực hành, sự xuất hiện của các ý nghĩ có thể ít nhiều đồng nghĩa với sự xao nhãng - tức là thất bại khi thiền tập. Hầu hết những người tin rằng họ đang thiền chỉ đơn thuần là đang suy nghĩ trong khi mắt nhắm. Còn khi thực hành chánh niệm, ta có thể tỉnh khỏi giấc mộng của một ý nghĩ lan man và bắt đầu trông thấy từng hình ảnh, ý tưởng, hay một mẩu ngôn ngữ nào đó đang hiện ra bỗng biến mất không một dấu vết. Những gì còn lại chính là ý thức, với những cảnh tượng, âm thanh, cảm giác, suy nghĩ đi kèm với nó xuất hiện và thay đổi trong từng khoảnh khắc.
Ở đầu giai đoạn thực hành thiền, khác biệt giữa một trải nghiệm thông thường và trải nghiệm có thể gọi là “chánh niệm” thường không rõ nét, cần thực hành nhiều mới nhận ra được sự khác biệt giữa việc lạc vào dòng suy nghĩ với việc nhìn thấy chính bản thân các ý nghĩ. Theo nghĩa này, học thiền cũng tương tự như thụ đắc bất kỳ một kỹ năng nào khác. Cần lặp đi lặp lại hàng ngàn lần để ném được một mũi lao hay chơi được một bản nhạc trên sáu dây đàn guitar. Thông qua thực hành, chánh niệm có thể trở thành một thói quen tập trung đã thành hình, và khác biệt giữa chánh niệm với suy nghĩ thông thường sẽ dần rõ rệt hơn. Cuối cùng, nó sẽ giống như thể ta liên tục tỉnh dậy từ một giấc mơ và thấy mình vẫn an toàn trên giường ngủ. Dù giấc mộng ấy có kinh khủng đến đâu, thì ta vẫn lập tức được giải tỏa. Ấy vậy mà tỉnh thức nhiều hơn một vài giây mỗi lần như vậy lại rất khó.
Bạn tôi, Joseph Goldstein, một trong những giảng viên vipassana giỏi nhất mà tôi biết, so sánh sự thay đổi nhận thức này với trải nghiệm đắm chìm hoàn toàn vào một bộ phim, rồi thình lình nhận ra rằng ta đang ngồi trong rạp và đơn thuần đang nhìn ánh sáng chiếu trên tường. Nhận thức của ta không đổi, nhưng bùa chú đã bị khử trừ. Hầu hết chúng ta dành mọi khoảnh khắc sống để đắm chìm trong bộ phim cuộc đời mình, cho đến khi ta nhận ra rằng đang tồn tại một sự thay thế cho cái u mê đó. Một lần nữa, khác biệt mà tôi đang mô tả chẳng nằm ở chỗ có được một hiểu biết mang tính khái niệm, hay là đón nhận những niềm tin mới về bản chất của hiện thực. Thay đổi xảy ra khi chúng ta trải qua thời khắc hiện tại trước khi các ý nghĩ ùa đến.
Đức Phật đã dạy rằng chánh niệm chính là lời đáp thỏa đáng cho khổ đế (dukkha), một từ tiếng Pali được dịch, có phần sai lệch, là “khổ đau”. Một cách dịch chính xác hơn là “sự không viên mãn”. Khổ đau có thể không phải là cố hữu trong cuộc sống, nhưng không viên mãn thì phải. Chúng ta mưu cầu hạnh phúc bền lâu giữa những đổi thay: Cơ thể già đi, những món đồ yêu thích bị hỏng hóc, khoái lạc phai nhạt, mối quan hệ tan vỡ. Sự dính chấp của chúng ta vào những thứ tốt đẹp trong cuộc sống và ghét bỏ cái xấu gây nên sự từ khước các hiện thực ấy, và điều này đương nhiên dẫn đến cảm giác không thỏa mãn. Chánh niệm là một kỹ thuật để đạt đến sự bình thản ngay giữa dòng lưu chuyển ấy, cho phép chúng ta ý thức về tính chất của trải nghiệm ở vào mỗi thời khắc, dù sung sướng hay không. Điều này trông có vẻ giống như công thức dẫn tới sự thờ ơ, nhưng không hẳn. Thật ra người ta hoàn toàn có thể có được chánh niệm - và do đó, có thể bình thản trong giây phút hiện tại - ngay cả khi đang cố gắng cải thiện cho thế giới trở nên tốt đẹp hơn.
Thiền chánh niệm dễ mô tả đến mức lạ thường, nhưng thực hiện nó thì không hề dễ chút nào. Muốn tinh thông nó, người ta phải có một tài năng đặc biệt và cống hiến cả đời cho nó, thế nhưng sự chuyển hóa thật sự trong nhận thức của một người về thế giới hoàn toàn nằm trong tầm với của hầu hết chúng ta. Tập luyện là cách duy nhất dẫn đến thành công. Những chỉ dẫn đơn giản trong khung sau đây cũng tương tự như những chỉ dẫn về cách đi thăng bằng trên dây - mà tôi đồ là sẽ đại khái như sau:
1. Tìm một sợi cáp có thể đỡ được trọng lượng của bạn.
2. Đứng ở một đầu.
3. Bước về phía trước bằng cách nhích một bàn chân lên trước.
4. Lặp lại lần nữa.
5. Đừng ngã.
Rõ ràng là, từ bước thứ hai đến bước thứ năm sẽ cần đến một chút thử và sai. Vui thay, các lợi ích của thiền tập xuất hiện từ rất lâu trước khi ta tinh thông. Và thất bại, theo mục đích của chúng ta, xảy ra gần như liên tục, cứ mỗi khi ta bị lạc trôi vào dòng suy nghĩ. Một lần nữa, vấn đề ở đây không phải là bản thân những suy nghĩ ấy, mà là trạng thái suy nghĩ nhưng không hoàn toàn nhận thức được rằng mình đang suy nghĩ.
Như mọi thiền sinh chẳng mấy chốc sẽ phát hiện ra, mất tập trung là tình trạng bình thường của tâm trí. Hầu hết chúng ta cứ mỗi giây lại ngã nhào khỏi sợi dây - dù trượt một cách hạnh phúc vào mộng tưởng hay chúi đầu vào sợ hãi, tức giận, tự thù ghét bản thân và các trạng thái tiêu cực khác. Thiền là một kỹ thuật để tỉnh thức. Mục tiêu của thiền là thoát ra khỏi trạng thái mê muội của suy nghĩ lan man, để có thể tận hưởng một tâm trí không bị âu lo quấy quá, hoàn toàn mở rộng như bầu trời, và tự nhiên ý thức về dòng chảy trải nghiệm đang diễn ra trong hiện tại.
Thiền thế nào?
1. Ngồi thoải mái, giữ lưng thẳng, ngồi trên ghế hoặc ngồi xếp bằng trên đệm lót.
2. Nhắm mắt và hít thở sâu vài lần, cảm nhận những chỗ tiếp xúc giữa cơ thể với ghế hay sàn nhà. Chú ý đến các cảm giác gắn với việc ngồi - cảm giác về sức ép, hơi ấm, sự ngứa ngáy, sự rung động,…
3. Dần dần ý thức được quá trình thở. Chú tâm vào bất cứ nơi nào mà ta cảm thấy rõ nét nhất về hơi thở - ở cánh mũi hay ở bụng phồng lên, xẹp xuống.
4. Nghỉ ngơi trong khi hít thở (Không cần phải kiểm soát hơi thở. Cứ để cho việc hít thở diễn ra tự nhiên).
5. Mỗi khi tâm trí ta lan man theo một ý nghĩ nào đó, nhẹ nhàng hướng nó trở lại hơi thở.
6. Khi tập trung vào quá trình thở, ta cũng cảm nhận được mọi âm thanh, cảm giác trong cơ thể, hoặc cảm xúc. Cứ quan sát các hiện tượng này khi nó xảy ra trong nhận thức, rồi quay trở lại hơi thở.
7. Khi nhận thấy mình đã lạc vào suy nghĩ, hãy quan sát suy nghĩ hiện tại như là một đối tượng của nhận thức. Rồi hướng sự tập trung trở lại hơi thở, hay bất cứ âm thanh, cảm giác nào xuất hiện ngay sau đó.
8. Tiếp tục như thế cho đến khi ta có thể quan sát được mọi đối tượng trong nhận thức - hình ảnh, âm thanh, cảm giác, cảm xúc, thậm chí bản thân các ý nghĩ - khi tất cả xuất hiện, thay đổi, và trôi đi.
Những ai lần đầu thực hành nên lắng nghe các chỉ dẫn được hô lên trong buổi thiền tập. Tôi đã đăng các bài hướng dẫn thiền với độ dài ngắn khác nhau lên website của tôi.
HIỂU VỀ KHỔ ĐẾ
Tôi đang ngồi trong một tiệm giải khát ở trung tâm Manhattan, uống đích xác món tôi muốn uống (cà phê), ăn đích xác cái tôi muốn ăn (một chiếc bánh quy), và làm đúng điều tôi muốn làm (viết quyển sách này). Đó là một ngày thu đẹp trời, và nhiều người đang băng qua trước vỉa hè dường như tỏa ra sự may mắn đến tận từng lỗ chân lông. Nhiều người trong đó quyến rũ đến độ tôi bắt đầu tự hỏi liệu Photoshop giờ đây có thể áp dụng cả lên cơ thể con người ư. Dọc theo con đường về cả hai phía, cách tiệm giải khát tôi đang ngồi chừng một dặm, các cửa hàng đang bày bán trang sức, các tác phẩm nghệ thuật và quần áo mà chưa đến một phần trăm nhân loại có thể mong sắm sửa nổi.
Vậy thì Đức Phật muốn nói gì khi Ngài nói về sự “bất viên mãn” (dukkha) của cuộc sống? Có phải Ngài chỉ đang nói tới người nghèo và người đói khát? Hay cả những người giàu có và xinh đẹp cũng đang khổ sở? Đương nhiên, đau khổ có ở quanh ta - thậm chí ở đây, nơi mọi thứ dường như đang diễn ra rất tốt đẹp vào lúc này.
Trước hết, một điều hiển nhiên là, cách tôi chỉ một vài dãy nhà là các bệnh viện, dưỡng đường, văn phòng bác sĩ tâm lý trị liệu, và những nơi khác được xây nên để an ủi, hoặc đơn thuần là chứa chấp, một số hình thức khổ đau sâu đậm nhất của con người. Một người đàn ông cán lên đứa con của mình khi lùi xe trên đường dẫn vào nhà. Một người phụ nữ biết mình bị ung thư giai đoạn cuối trong đêm trước ngày cưới. Chúng ta biết rằng điều tồi tệ nhất có thể xảy ra với bất cứ ai vào bất cứ lúc nào - và hầu hết con người mất rất nhiều năng lượng tinh thần hy vọng rằng điều ấy sẽ không đến với mình.
Nhưng các hình thức đau khổ khác vi tế hơn cũng có thể được tìm thấy ở cả những người dường như có mọi lý do để thỏa mãn với hiện tại. Dù sự giàu có và danh vọng có thể đảm bảo được nhiều hình thái hạnh phúc, nhưng chẳng mấy ai trong chúng ta được như vậy. Bất cứ ai sở hữu một chiếc tivi hay có đọc báo đều đã chứng kiến các ngôi sao điện ảnh, chính trị gia, vận động viên chuyên nghiệp, và những người nổi tiếng khác lao từ cuộc hôn nhân này sang cuộc hôn nhân khác, từ scandal này sang scandal khác. Khi biết một con người trẻ tuổi, quyến rũ, tài năng và thành đạt lại nghiện ma túy hoặc bị trầm cảm mãn tính, chúng ta gần như chẳng ngạc nhiên gì nữa.
Thế nhưng sự không viên mãn của một cuộc đời tốt đẹp lại sâu xa hơn thế.
Ngay cả khi sống an toàn giữa những hiểm họa, hầu hết chúng ta vẫn cảm nhận được hàng loạt cảm xúc đau đớn hằng ngày. Khi thức giấc vào mỗi buổi sáng, ta có ngập tràn niềm vui không? Ta cảm thấy thế nào khi ở công sở hay khi nhìn vào gương? Ta thấy hài lòng đến đâu với những gì đã đạt được trong đời? Ta dành bao nhiêu thời gian cho gia đình trong tình yêu thương và lòng biết ơn, và bao nhiêu thời gian chỉ để tìm cách hạnh phúc khi ở bên một người khác? Thậm chí với những con người may mắn khác thường, cuộc sống cũng chẳng dễ dàng chút nào. Và khi nhìn vào những gì khiến cho cuộc đời thành ra như vậy, ta thấy mình chỉ là tù nhân của chính các ý nghĩ của mình.
Và rồi cái chết đánh bại tất cả mọi người. Hầu hết mọi người dường như tin rằng chúng ta chỉ có hai cách để nghĩ về cái chết: Chúng ta sợ cái chết và làm mọi cách để phớt lờ nó, hoặc ta từ chối tin rằng cái chết là có thật. Chiến thuật thứ nhất dẫn đến một cuộc sống đầy trần tục và xao nhãng - chúng ta chỉ mưu cầu sự sướng khoái và thành công, làm mọi cách để không nhìn thấy hiện thực về cái chết. Chiến thuật thứ hai thuộc về địa hạt của tôn giáo, cam đoan rằng cái chết chẳng qua chỉ là cánh cửa dẫn vào một thế giới khác và những sự kiện quan trọng nhất trong đời diễn ra sau khi thân xác không còn nữa. Nhưng hãy còn một con đường khác, và dường như đó là con đường duy nhất tương thích với sự chân thành trong lý lẽ. Con đường đó chính là chủ đề của quyển sách này.
GIÁC NGỘ
Giác ngộ là gì, mà thường được cho là mục tiêu tối hậu của thiền? Có nhiều chi tiết bí truyền mà chúng ta có thể ngó lơ một cách yên lành - chẳng hạn như, những bất đồng trong các truyền thống tu hành về việc có thể nhận được hoặc mất đi chính xác điều gì ở cuối con đường tâm linh. Nhiều nhận định trong số ấy đều vô lý. Chẳng hạn như, ở hầu hết các trường phái của Phật giáo, một vị Phật - dù là Đức Phật trong lịch sử, Siddhartha Gautama, hay bất cứ vị nào đã đạt đến quả vị “toàn giác” - thường được xem là một đấng “toàn giác toàn tri”. Chỉ nội ý nghĩa của từ này không thôi đã mở ra đủ tranh cãi. Nhưng dù định nghĩa hẹp đến đâu đi nữa, nhận định cũng hết sức ngớ ngẩn. Nếu Đức Phật trong lịch sử là “toàn giác toàn tri”, tối thiểu Ngài đã có thể trở thành một nhà toán học, vật lý học, sinh học, và một thí sinh Jeopardy19 giỏi hơn bất cứ ai đã từng sống trên đời. Hợp lý gì khi trông chờ một vị tu khổ hạnh vào thế kỷ thứ năm trước Công nguyên, nhờ những suy tư của mình, ngẫu nhiên trở thành một thiên tài vô tiền khoáng hậu trong mọi lĩnh vực truy vấn của con người, bao gồm những lĩnh vực mà vào thời điểm Ngài sống hãy còn chưa tồn tại? Liệu Siddhartha Gautama có khiến Kurt Gödel20, Alan Turing21, John von Neumann22 và Claude Shannon23 nể sợ bằng kiến thức về logic toán học và lý thuyết thông tin của mình? Đương nhiên là không. Nghĩ ngược lại với quan điểm này mới đích thị là lòng mộ đạo thuần túy.
19 Cuộc thi thường thức trên truyền hình Mỹ, kéo dài từ giữa thập niên 1970 đến nay (dù có ngắt quãng) với hơn 7.000 tập đã phát sóng.
20 Kurt Gödel (1906 - 1978) là nhà toán học và logic học nổi tiếng người Áo, người đã được tạp chí Times bình chọn là nhà toán học lớn nhất thế kỷ 20.
21 Alan Mathison Turing (1912 - 1954) là nhà toán học, logic học và mật mã học người Anh, thường được xem là cha đẻ của ngành khoa học máy tính.
22 John von Neumann (1903 - 1957) là nhà toán học người Mỹ gốc Hungary, đồng thời là nhà bác học thông thạo nhiều lĩnh vực, đã đóng góp vào vật lý lượng tử, giải tích hàm, lý thuyết tập hợp, kinh tế, khoa học máy tính, giải tích số, động lực học chất lưu, thống kê và nhiều lĩnh vực toán học khác.
23 Claude Elwood Shannon (1916 - 2001) là nhà toán học, kỹ sư điện tử và mật mã học người Mỹ, được biết đến là “cha đẻ của lý thuyết thông tin”.
Bất cứ sự mở rộng nào từ khái niệm “toàn giác toàn tri” đối với tri thức thủ tục - tức tri thức về cách làm một điều nào đó - sẽ cho phép Đức Phật có khả năng vẽ bức bích họa ở Nhà nguyện Sistine24 vào buổi sáng và đánh bại Roger Federer25 ở sân đất nện Wimbledon vào buổi chiều. Liệu có lý do gì để tin rằng Siddhartha Gautama, hay bất kỳ một nhà tu hành được tung hê nào khác, sở hữu những khả năng như thế chỉ nhờ vào thực hành tâm linh? Hoàn toàn không. Tuy nhiên, nhiều Phật tử tin rằng các vị Phật có thể làm được tất cả mọi điều trên và còn hơn thế nữa. Một lần nữa, đó chính là chủ nghĩa giáo điều tôn giáo, chứ chẳng phải là một cách tiếp cận lý tính đối với đời sống tâm linh.
24 Bức tranh vẽ trên trần Nhà nguyện Sistine là kiệt tác của danh họa Michelangelo.
25 Một trong những vận động viên quần vợt giỏi nhất và nhiều danh hiệu nhất thế giới.
Tôi hoàn toàn không đưa ra bất cứ nhận định nào ủng hộ ma thuật hay phép màu trong quyển sách này. Tuy nhiên, tôi có thể nói rằng mục đích thật sự của thiền sâu sắc hơn những gì hầu hết con người nhận ra - và thực sự nó gồm thâu nhiều trải nghiệm mà những nhà huyền học truyền thống nhận về mình. Hãy buông thả cảm giác về tự ngã và trải nghiệm một thứ nhận thức mở, vô biên - nói cách khác là cảm thấy ta hòa làm một với vũ trụ. Điều này nói lên rất nhiều điều về các khả năng của ý thức con người, nhưng lại chẳng nói được gì về vũ trụ nói chung. Nó cũng chẳng soi rọi bất cứ cái gì vào mối quan hệ giữa vật chất và ý thức. Thực tế, việc con người có thể hoàn toàn thương yêu người khác như thương yêu bản thân mình nên là một phát hiện tuyệt vời trong lĩnh vực tâm lý, nhưng nó chẳng giúp thêm chút nào cho niềm tin vào lời tuyên bố rằng Jesus là con của Chúa Trời, hoặc thậm chí là Thượng Đế có tồn tại. Và nó cũng chẳng nói được rằng “năng lượng” của tình yêu thương lan tỏa khắp vũ trụ theo cách này hay cách khác. Có những nhận định trong lịch sử lẫn siêu hình mà kinh nghiệm cá nhân không sao chứng thực được.
Tuy nhiên, một hiện tượng như là tình thương yêu tự siêu kỳ thực sẽ cho phép chúng ta đưa ra các nhận định về tâm trí con người. Trải nghiệm cụ thể này đã được kiểm chứng nhiều và từng chứng nghiệm bởi những người đã hiến mình cho các loại hình tu tập cụ thể (chẳng hạn như thiền tâm từ) hoặc những ai đã từng dùng chất kích thích (MDMA) quá dễ dàng đến độ sự tồn tại của nó chẳng gây mấy tranh cãi. Các sự kiện kiểu này giờ đây phải được hiểu trong bối cảnh lý tính.
Mục đích truyền thống của thiền là đạt đến một trạng thái tinh thần điềm tĩnh tuyệt đối - hoặc nếu bị quấy rầy thì cũng dễ dàng đạt được trở lại. Tu sĩ người Pháp Matthieu Ricard đã mô tả niềm hạnh phúc này là “một cảm giác dâng trào sinh ra từ một tâm trí lành mạnh khác thường”. Mục đích của thiền là để nhận ra rằng chúng ta đã có một tâm trí như thế. Khám phá này, đến lượt nó, lại giúp cho ta ngừng thực hiện những điều sinh ra nỗi băn khoăn hoặc đau khổ không cần thiết cho bản thân và người khác. Dĩ nhiên, hầu hết mọi người không bao giờ thật sự nắm vững thực hành này và chưa đạt đến một trạng thái hạnh phúc tuyệt đối. Do đó, mục tiêu dễ tiếp cận hơn chính là có được một tâm trí ngày một lành mạnh hơn - tức là, dịch chuyển tâm trí về đúng hướng.
Chẳng có gì lạ thường khi tìm cách trở nên hạnh phúc. Và ai cũng có thể trở nên hạnh phúc trong những giới hạn nhất định, mà không cần thực hành thiền. Nhưng các nguồn hạnh phúc thông thường lại khó trông cậy, luôn lệ thuộc vào các điều kiện bất định. Thật khó lòng gầy dựng một gia đình hạnh phúc, để giữ cho chúng ta và những người yêu thương khỏe mạnh, để trở nên giàu có và tìm thấy những cách thức sáng tạo, trọn vẹn để tận hưởng nó, để tạo nên tình bạn sâu sắc, để đóng góp cho xã hội theo những cách được tưởng thưởng trọn vẹn về cảm xúc, để hoàn thiện một loạt những kỹ năng nghệ thuật, vận động và trí lực - và duy trì cho cỗ máy hạnh phúc liên tục vận hành ngày này qua ngày khác. Chẳng có gì sai khi cảm thấy thỏa mãn theo tất cả những cách này - ngoại trừ sự thể là nếu ta chú ý kỹ hơn thì sẽ thấy rằng vẫn có điều gì đó sai sai. Tất cả các dạng thức hạnh phúc ấy vẫn chưa đủ. Cảm giác thỏa mãn của chúng ta không kéo dài. Và áp lực cuộc sống vẫn đè nặng.
Do đó, một bậc thầy tinh thần sẽ trở thành bậc thầy của điều gì? Tối thiểu, người đó sẽ không còn cảm thấy đớn đau vì những ảo tưởng nhận thức lẫn cảm xúc - hơn hết, người đó sẽ không cảm thấy mình giống hệt với những suy nghĩ của mình. Một lần nữa, điều này không có nghĩa là người đó sẽ không còn phải suy nghĩ, mà họ sẽ không còn cảm thấy có một bản ngã bên trong đang đóng vai trò nghĩ ra tất cả các ý nghĩ ấy. Người như thế sẽ tự động duy trì sự cởi mở và an tĩnh trong tâm trí, điều mà hầu hết chúng ta chỉ có thể đạt được trong những khoảnh khắc ngắn ngủi, dù có thực hành nhiều năm đi nữa. Tôi vẫn theo quan điểm bất khả tri trước việc liệu có ai đó từng đạt đến trạng thái ấy vĩnh viễn hay chưa, nhưng tôi có thể nói từ kinh nghiệm cá nhân rằng giác ngộ là hoàn toàn có thể.
Không nên để câu hỏi liệu giác ngộ có phải là một trạng thái vĩnh hằng hay không ngăn trở chúng ta. Vấn đề cốt lõi là ta nhìn ra được cái gì đó thuộc về bản chất của ý thức giúp giải phóng ta khỏi khổ đau của hiện tại. Thậm chí chỉ riêng việc nhận ra sự vô thường của các trạng thái tinh thần - một cách sâu sắc chứ không đơn thuần như một ý niệm - cũng đủ để biến đổi cuộc đời ta. Mọi trạng thái tinh thần ta từng có đều đến rồi đi. Đây là sự thật về chủ thể - tuy thế, nó chỉ là sự thật khi có thể ứng nghiệm cho bất cứ con người nào. Chúng ta không biết gì hơn nữa về bộ não hay mối quan hệ giữa ý thức và thế giới vật chất để hiểu được sự thật về tâm trí. Lời hứa hẹn về cuộc sống tinh thần - đúng vậy, chính là cái tạo ra “tâm linh” theo nét nghĩa mà tôi đã nhắc nhở trong suốt quyển sách này - là có những sự thật về tâm trí mà chúng ta tốt hơn nên biết. Cái chúng ta cần để vui sống và biến thế gian này thành một nơi tử tế hơn chẳng phải là những ảo tưởng đầy sùng kính mà chính là sự thấu hiểu sâu sắc hơn về bản chất của vạn vật.
Vào thời điểm chúng ta thừa nhận có thể đạt được những hiểu biết thấu suốt - và có thể trau dồi tâm trí mình vì mục đích đó - ta cũng phải biết rằng con người sẽ tự động rơi vào đâu đó giữa một bên là sự thông tuệ và bên còn lại là sự vô tri. Một phần nằm trong quãng này có thể được xem là “bình thường”, nhưng bình thường không nhất thiết là một nơi vui vẻ gì cho cam. Cũng giống như cơ thể và khả năng có thể được trau dồi - các vận động viên Olympic nào có bình thường - đời sống tinh thần của một người cũng có thể trở nên sâu sắc và rộng mở hơn nhờ vào thiên khiếu lẫn tập luyện. Điều này gần như tự chứng, nhưng nó vẫn còn là một quan điểm gây tranh cãi. Chẳng ai chần chừ khi thừa nhận vai trò của thiên khiếu và tập luyện trong bối cảnh theo đuổi về thể chất lẫn trí lực; tôi chưa bao giờ gặp ai phủ nhận rằng có những người mạnh hơn, cơ bắp hơn, hoặc biết nhiều hiểu rộng hơn người khác. Nhưng nhiều người lại thấy khó mà hiểu được rằng có tồn tại một thể liên tục của trí tuệ tinh thần và trí tuệ đạo đức, hoặc rằng có những cách này cách khác để chuyển đổi giữa chúng.
Do đó, các giai đoạn phát triển tinh thần dường như không thể tránh khỏi. Cũng như việc chúng ta phải trưởng thành về thể chất - chúng ta có thể không trưởng thành, hoặc mắc bệnh, hoặc bị thương tổn trong quá trình này - tâm trí của chúng ta vẫn phát triển theo từng cấp độ. Người ta không thể học được các kỹ năng tinh vi như tam đoạn luận, đại số hay lối châm biếm cho đến khi đã thụ đắc được các kỹ năng cơ bản. Với tôi, dường như một đời sống tinh thần lành mạnh chỉ có thể bắt đầu khi đời sống thể chất, tinh thần, xã hội và đạo đức đã đủ trưởng thành. Chúng ta phải học cách sử dụng ngôn ngữ trước khi có thể vận dụng nó một cách sáng tạo hay thông hiểu các hạn chế của nó, cũng như bản ngã thông thường phải hình thành trước khi chúng ta có thể khảo sát và hiểu rằng nó không phải như những gì thể hiện ra bên ngoài. Khả năng kiểm chứng nội dung của ý thức một cách rành mạch, bình thản và mạch lạc, với sự ý thức đầy đủ để nhận ra rằng cái tôi bên trong không hề tồn tại, là một kỹ năng vô cùng tinh tế. Ấy vậy mà thực hành chánh niệm căn bản có thể được tập luyện từ rất bé. Nhiều người, trong đó có vợ tôi, đã dạy cho trẻ mới sáu tuổi tập luyện thành công. Ở độ tuổi ấy - và mọi lứa tuổi từ đó trở đi - nó có thể là một công cụ mạnh mẽ để tự điều độ tính cách và tự nhận thức.
Các nhà tu hành từ lâu đã hiểu rằng các thói quen tích cực của tâm trí tốt nhất nên được xem là các kỹ năng mà hầu hết chúng ta đều học hỏi chưa hoàn chỉnh trong quá trình trưởng thành. Tập trung, kiên nhẫn và bao dung hơn khuynh hướng tự nhiên của mỗi người là điều khả dĩ, và còn có nhiều điều phải học để trở nên hạnh phúc trong thế gian này. Có những sự thật mà khoa học tâm lý phương Tây mãi gần đây mới khởi sự khám phá.
Một số người cảm thấy hài lòng khi sống giữa sự mất mát và hiểm nguy, còn kẻ khác lại cảm thấy đau khổ dù đã có tất cả những may mắn trong thế gian này. Nói vậy không có nghĩa là hoàn cảnh bên ngoài không đóng vai trò gì cả. Nhưng chính tâm trí của chúng ta, thay vì hoàn cảnh, mới là cái định đoạt chất lượng cuộc sống. Tâm trí là cơ sở cho mọi điều ta trải qua và mỗi đóng góp mà ta đem tới cho cuộc đời người khác. Với chân lý này, rèn luyện tâm trí là việc rất quan trọng.
Các nhà khoa học và những ai theo thuyết hoài nghi nhìn chung giả định rằng các tuyên bố truyền thống của các yogi và các nhà huyền học đã bị thổi phồng hay đơn giản là hoang đường, và rằng mục đích lý tính duy nhất của thiền chỉ giới hạn ở chức năng thông thường là “giảm căng thẳng”. Trái lại, các thiền sinh thực hành nghiêm túc thường khăng khăng rằng ngay cả những tuyên bố lạ lùng nhất mà các bậc thầy tinh thần đưa ra cũng đều đúng. Tôi cố gắng dẫn dắt độc giả đi theo con đường nằm giữa hai thái cực này - một bên bảo tồn chủ nghĩa hoài nghi thuận khoa học, song cũng thừa nhận thiền có thể thay đổi triệt để tâm trí chúng ta.
Theo một nghĩa nào đó, quan điểm của Phật giáo về giác ngộ thật ra chỉ là biểu hiện của sự “giảm căng thẳng” - và tùy theo mức độ căng thẳng có thể giảm được mà kết quả thu được từ quá trình tập luyện cũng ít nhiều tác động sâu sắc. Theo giáo pháp Phật giáo, con người có một quan điểm méo mó về hiện thực dẫn họ đến khổ đau không cần thiết. Chúng ta chộp lấy những khoái lạc nhất thời. Chúng ta suy tư miên mãi về quá khứ và lo lắng về tương lai. Chúng ta không ngừng tìm cách duy trì và bảo vệ cái tôi bản ngã vốn chẳng hề tồn tại. Điều này rất căng - và đời sống tinh thần lại là một quá trình dần dà gỡ rối và chấm dứt căng thẳng. Theo quan điểm Phật giáo, khi nhìn mọi thứ theo đúng bản chất của nó, chúng ta sẽ ngừng đau đớn theo những lối thông thường, và tâm trí của ta có thể mở ra cho những trạng thái hạnh phúc vốn có trong bản chất của nhận thức.
Đương nhiên, một số người cho rằng họ yêu thích sự căng thẳng và có vẻ sẵn lòng sống theo logic của nó. Một số thậm chí còn tìm thấy khoái lạc từ việc ép người khác căng thẳng. Tương truyền, Thành Cát Tư Hãn từng nói: “Hạnh phúc lớn nhất nằm ở chỗ tung quân ra và giải hắn tới trước mặt ngươi, để nhìn thị thành của hắn tan hoang thành cát bụi, nhìn những kẻ yêu thương hắn chìm trong nước mắt, và choàng vào ngực vợ con của hắn”. Người ta gán nhiều ý nghĩa cho các khái niệm như hạnh phúc, nhưng không phải tất cả các ý nghĩa đều phù hợp với nhau.
Trong quyển The Moral Landscape (tạm dịch: Cảnh quan Đạo đức), tôi đã nhận định rằng chúng ta có khuynh hướng băn khoăn không cần thiết trước những ý kiến khác biệt về chủ đề hạnh phúc của con người. Hiển nhiên một số người có thể cảm thấy hạnh phúc - thậm chí trải qua trạng thái ngất ngây - bằng cách hành xử theo những cách đem lại khổ đau vô hạn cho người khác. Nhưng chúng ta biết rằng các trạng thái ấy là bất thường - hay ít nhất không thể duy trì lâu dài - vì chúng ta đều ít nhiều lệ thuộc vào nhau. Bất luận các khoái lạc kèm theo là gì, việc cưỡng hiếp hay cướp bóc chẳng thể nào là một chiến lược bền vững để tìm thấy hạnh phúc trên thế gian này. Do các yêu cầu từ xã hội, chúng ta biết rằng các dạng thức hạnh phúc sâu xa và bền vững nhất phải tương hợp với mối liên quan về mặt đạo đức với người khác - thậm chí với những người hoàn toàn xa lạ - vì nếu không, mâu thuẫn và bạo lực là điều không thể nào tránh khỏi. Chúng ta cũng biết rằng có những kiểu hạnh phúc không thể sẵn có cho một ai đó kể cả khi người đó, như Thành Cát Tư Hãn, luôn thắng mọi trận vây thành. Một số khoái lạc vốn mang tính đạo đức - những cảm giác như yêu thương, biết ơn, tận hiến và bao dung. Theo định nghĩa, trú trong các trạng thái tinh thần ấy chính là được đặt vào trong sự liên kết với người khác.
Theo quan điểm của tôi, mục tiêu thiết thực có thể đạt được qua rèn luyện tâm linh không phải là một trạng thái giác ngộ vĩnh hằng nào đó chẳng đòi hỏi thêm bất cứ nỗ lực nào nữa, mà là khả năng trở nên tự do vào thời điểm hiện tại, dù cho điều gì đang xảy ra đi nữa. Nếu có thể làm như thế, ta sẽ giải quyết được hầu hết những vấn đề sẽ gặp phải trong đời.