Trong ký ức của đồng đội, đồng chí, những người từng có cơ hội gặp gỡ, làm việc, chiến đấu cùng Thượng tướng Hoàng Cầm, ông là một người vô cùng khiêm tốn, giản dị, không thích nói về mình, về những thành tích của bản thân.
Hoàng Cầm tên thật là Đỗ Văn Cầm, quê Cao Sơn, Ứng Hòa, Hà Đông (nay thuộc TP Hà Nội). Ông sớm mồ côi cả cha lẫn mẹ từ năm 12 tuổi, sau đó phải lưu lạc kiếm sống tại Hà Nội.
Trong một lần phỏng vấn báo chí, Thượng tướng Hoàng Cầm từng trải lòng về những ngày thơ ấu nhiều khó khăn của bản thân. “Bố mẹ tôi đều mất sớm. Mẹ mất khi tôi 3,4 tuổi đến năm 12 tuổi thì bố mất. Sau khi bố mẹ mất, tôi đi làm con nuôi, đi ở. Ở quê tôi ngày đó, thanh niên mà tới 20 tuổi chưa có vợ con là chuyện lạ, bởi khi đó vẫn còn tục tảo hôn. Nhưng mà mình nghèo quá, có gì để lấy được vợ. Những năm 1930-1940 cũng là những năm mà dân quê tôi chịu sự áp bức nặng nề của cường hào, đế quốc. Không chịu nổi ách áp bức đó nên tôi bỏ làng ra đi”.
Theo ghi chép lịch sử, năm 21 tuổi, Hoàng Cầm đi lính khố xanh cho chính quyền thuộc địa Pháp để kiếm sống và tham gia quân đồn trú ở Lai Châu. Sau 2 năm thì được chuyển về Hà Nội và ông đào ngũ, nhờ đó thoát nạn trong vụ đảo chính của Nhật vào ngày 9 tháng 3 năm 1945. Được sự vận động của cán bộ Việt Minh, tháng 7 năm 1945 ông tham gia Đoàn Thanh niên Cứu quốc Hà Nội. Khi Cách mạng Tháng Tám nổ ra, ông tham gia Cứu quốc quân Hà Nội và lấy tên mới là Hoàng Cầm.
Thượng tướng Hoàng Cầm (trái) và Đại tướng Võ Nguyên Giáp (Ảnh tư liệu).
Cuộc đời binh nghiệp của Thượng tướng Hoàng Cầm gắn với những dấu mốc lịch sử quan trọng trong các cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc. Ông luôn ở tuyến đầu, ghi dấu chiến công trên khắp chiến trường Đông Dương, ở đâu cũng là người xung kích, người chỉ huy kiên cường. Do có nhiều công lao, cống hiến cho sự nghiệp cách mạng, Thượng tướng Hoàng Cầm đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh và nhiều phần thưởng cao quý khác.
Trong Chiến dịch Biên giới 1950, Hoàng Cầm khi đó là Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 130 đã được gặp gỡ trực tiếp, lắng nghe những lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Chia sẻ về lần gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh trong phóng sự “Thượng tướng Hoàng Cầm” do Đài Truyền hình HTV9 thực hiện, Thượng tướng Hoàng Cầm cho biết: “Khi đó, Bác Hồ hỏi muốn gặp một cán bộ tiểu đoàn trưởng có kinh nghiệm chiến đấu, lúc đó các anh chỉ huy mặt trận chọn mình. Lúc đó Bác hỏi tỉ mỉ về công tác chuẩn bị chiến đấu. Bác cũng hỏi nếu đánh Cao Bằng thì như thế nào, Đông Khê như thế nào. Tôi trả lời có thể đánh Đông Khê được vì nó chỉ là cụm cứ điểm lại ở xa Thất Khê, Cao Bằng. Nếu mình đánh Đông Khê như quyết tâm của Bác sẽ cắt đứt lực lượng của địch trên đường số 4 từ Lạng Sơn đến Cao Bằng. Trên cơ sở đó tiêu diệt lực lượng của địch. Bác bảo được, nhất trí với quyết tâm của Trung ương, giờ phải chuẩn bị lực lượng bộ đội cho thật tốt”.
Thượng tướng Hoàng Cầm là vị tướng rất có duyên với những trận đánh lớn. Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, ông là Trung đoàn trưởng Trung đoàn 209 (Đại đoàn 312) trực tiếp bắt sống tướng Đờ Cát. Đến Chiến dịch Hồ Chí Minh, Hoàng Cầm là Tư lệnh Quân đoàn 4 đánh mở “cánh cửa thép” Xuân Lộc, tiêu điểm quan trọng nhất, ác liệt nhất trên đường đại quân tiến vào giải phóng Sài Gòn; rồi chịu trách nhiệm tiếp quản Dinh Độc Lập cùng nội các Tổng thống Dương Văn Minh của Việt Nam Cộng hòa. Chiến tranh biên giới Tây Nam xảy ra, Tư lệnh Hoàng Cầm là vị chỉ huy cao nhất có mặt đầu tiên ở thủ đô Phnôm Pênh khi cùng Quân đoàn 4 tiến sang giải phóng nước bạn khỏi ách diệt chủng Pôn Pốt-Iêng Sary…
Mặc dù dạn dày kinh nghiệm chiến đấu là thế, nhưng Thượng tướng Hoàng Cầm không bao giờ khoe khoang mà trái lại, ông luôn lắng nghe ý kiến của đồng chí, đồng đội. Thời bắt đầu vào nhận nhiệm vụ ở Sư đoàn 9, khi được giới thiệu là người từng tham gia trận đánh quan trọng trong chiến dịch Điện Biên Phủ, chưa là tướng nhưng đã bắt sống tướng, được cán bộ, chiến sĩ vỗ tay rần rần nhưng Hoàng Cầm cũng khiêm tốn chia sẻ, đánh Pháp khác với đánh Mỹ, nhưng cũng có những kinh nghiệm có thể vận dụng, ông cũng khẳng định: “Tôi mới nhận nhiệm vụ mới nên cần học tập các đồng chí, cho nên làm gì tôi cũng sẽ trao đổi để thống nhất”.
Là vị chỉ huy mưu trí, gan dạ từng đồng cam cộng khổ, vào sinh ra tử với chiến sĩ, Thượng tướng Hoàng Cầm trong ký ức của Trung tướng Lê Văn Tưởng, nguyên Chính ủy Sư đoàn 9 không chỉ là một tài năng quân sự mà còn là một vị tướng rất có nhân cách, đậm tính nhân văn, khiêm tốn, giản dị.
Trong một lần chia sẻ với báo chí cảm nhận về Thượng tướng Hoàng Cầm, Trung tướng Lê Văn Tưởng cho biết “Anh Cầm trong mỗi cuộc nói chuyện không bao giờ đưa thành tích của mình ra nói chuyện, khoe khoang. Ấy là điều tôi học được đầu tiên ở anh”. Theo lời nguyên Chính ủy Sư đoàn 9, Thượng tướng Hoàng Cầm còn là người rất quan tâm đến việc xây dựng sự đoàn kết trong đơn vị.
Thượng tướng Hoàng Cầm còn được biết đến là một người cương trực, thẳng thắn, khi chỉ huy thật sự quyết đoán. Ông cũng đặc biệt quan tâm đến công tác bồi dưỡng đào tạo sĩ quan, cán bộ trẻ. Sống chân tình, thương cấp dưới, nhất là chiến sĩ nên ông rất được mọi người kính nể. Thời đã nghỉ hưu, không còn tại vị nhưng ông luôn có khách đến thăm. Khách của ông phần đông là đồng đội cũ...
Trong một bài viết về cảm nhận con người Thượng tướng Hoàng Cầm của tác giả Đặng Phan Quỳnh, ông chia sẻ, có cơ hội được tiếp xúc gần gũi với vị tướng trận mạc, ông đã học tập được ở Thượng tướng Hoàng Cầm rất nhiều điều có tính nhân bản, bổ ích. Gia đình Thượng tướng Hoàng Cầm sống trong một căn biệt thự nhưng ông bà luôn dạy bảo các con quan hệ ứng xử hòa đồng, gắn bó với bà con láng giềng.
“Thượng tướng Hoàng Cầm không chỉ là một tài năng quân sự mà còn là một vị tướng rất có nhân cách, đậm tính nhân văn. Ông là người gieo mầm yêu thương vào trái tim của bà, của con cháu, của đồng đội,…Ông sống chân chất, giản dị, khiêm tốn. Khi ông không đeo quân hàm thì người xa lạ dễ nhầm tưởng ông là một người nông dân ra chơi thăm con cháu ở thị thành”, tác giả Đặng Phan Quỳnh nhấn mạnh trong bài viết của mình.
HỒNG UYÊN (tổng hợp)
(Báo Quân đội nhân dân, mục Tướng lĩnh Việt Nam, số ra ngày 11/02/2022)