Năm 1992, vào một đêm nọ, John McConnell - một cảnh sát đã về hưu đang làm nhân viên bảo vệ ở NewYork - dừng lại tại một cửa hàng bán đồ điện sau khi tan giờ làm. Ông rút súng ra khi thấy hai người đàn ông đang cướp cửa hàng. Một tên cướp khác đứng sau quầy thanh toán bắt đầu nổ súng vào ông. John cố bắn trả, thậm chí sau khi ngã xuống ông vẫn nhổm dậy và tiếp tục bắn. John bị trúng sáu phát đạn. Một trong những viên đạn đó găm vào lưng ông, đâm xuyên qua phổi trái, tim và động mạch phổi chính. Ông được nhanh chóng đưa tới bệnh viện nhưng đã không qua khỏi.
John rất gần gũi với những người thân trong gia đình và vẫn thường nói với Doreen - một trong những cô con gái của mình: “Cho dù có xảy ra chuyện gì đi nữa thì lúc nào bố cũng sẽ chăm sóc con.” Năm năm sau khi John chết, Doreen sinh một bé trai và cô đặt tên con là William. William bất tỉnh ngay khi vừa mới lọt lòng. Các bác sĩ chẩn đoán cậu bé mắc một chứng bệnh gọi là chứng hẹp van phổi: Van của động mạch phổi chưa được hình thành đầy đủ nên máu không thể đi qua để đến phổi. Thêm vào đó, một trong các ngăn của tim cậu bé - tâm nhĩ phải - cũng bị dị tật do hậu quả của chứng hẹp van phổi. Cậu bé đã phải trải qua một số ca phẫu thuật. Mặc dù sẽ phải dùng thuốc suốt đời nhưng cậu đã sống khá tốt cho đến giờ.
William có những dị tật bẩm sinh rất giống với những vết thương chí mạng mà ông cậu bé phải chịu. Thêm vào đó, khi đến tuổi biết nói, cậu bé bắt đầu kể chuyện về cuộc đời của ông mình. Khi bước sang tuổi thứ ba, một ngày nọ, William cứ liên tục quấy rầy mẹ mình trong lúc chị đang làm việc trong phòng. Cuối cùng chị phải nói với cậu bé: “Ngồi xuống đi, không thì mẹ sẽ đánh đòn con đấy.” William đáp lại: “Hồi mẹ còn nhỏ và con vẫn còn là bố của mẹ, mẹ hư thế mà con có đánh đòn mẹ bao giờ đâu!”
Lúc đầu mẹ cậu bé rất ngạc nhiên nhưng khi William nói nhiều hơn về cuộc đời của ông mình, chị bắt đầu cảm thấy được an ủi bởi ý nghĩ rằng bố mình đã quay trở về. Có đôi lần William đã nói mình chính là ông ngoại và kể về cái chết của ông. Cậu kể với mẹ mình rằng có nhiều người nổ súng cùng một lúc trong vụ việc đã khiến ông chết và cậu hỏi rất nhiều về nó.
Một lần, cậu nói với mẹ mình: “Khi mẹ còn nhỏ và con vẫn còn là bố của mẹ, tên con mèo của con là gì ấy nhỉ?” Mẹ cậu trả lời: “Con muốn nói đến con Maniac hả?”
“Không, không phải nó,” William đáp lại. “Con màu trắng cơ.”
“Boston hả?” mẹ cậu hỏi.
“Đúng rồi,” William trả lời. “Con vẫn hay gọi nó là Boss đúng không ạ?” Đúng như thế thật. Gia đình họ có hai con mèo, tên của chúng là Maniac và Boston và chỉ có John gọi con màu trắng bằng cái tên Boss.
Một ngày nọ, Doreen hỏi William xem cậu bé có nhớ được điều gì về khoảng thời gian trước lúc cậu được sinh ra hay không. Cậu bé nói cậu chết vào ngày thứ Năm và đã được lên thiên đường. Cậu bé kể đã nhìn thấy nhiều con vật ở đó và được nói chuyện với Chúa. Cậu nói: “Con bảo với Chúa là con đã sẵn sàng để quay lại và con được sinh ra vào ngày thứ Ba.” Doreen rất đỗi ngạc nhiên khi nghe cậu bé nhắc đến các ngày vì cậu thậm chí không kể ra được hết các ngày trong tuần nếu không có người nhắc. Chị thử con trai bằng cách nói: “Vậy là con được sinh ra vào thứ Năm và chết vào thứ Ba hả?” Cậu bé trả lời ngay: “Không phải, con chết vào tối thứ Năm và sinh vào sáng thứ Ba.” Cậu đã đúng về cả hai thời điểm – John qua đời vào thứ Năm và William chào đời vào thứ Ba năm năm sau đó.
Những lần khác cậu hay kể chuyện về khoảng thời gian giữa các kiếp đầu thai. Cậu nói với mẹ mình: “Khi một người chết đi, họ không được lên thiên đường ngay đâu. Họ phải lên theo từng cấp – cấp này, cấp khác, rồi cấp khác nữa” và đồng thời giơ tay lên cao dần để minh họa. Cậu bé bảo động vật cũng được đầu thai như con người và những con vật cậu thấy ở thiên đường không hề cắn xé hay cào cấu gì.
John là tín đồ Thiên chúa giáo nhưng ông tin vào sự đầu thai và nói trong kiếp sau của mình ông sẽ bảo vệ động vật. Cháu trai của ông - William - nói cậu sẽ trở thành một bác sĩ thú y và chăm sóc các con vật lớn tại một vườn thú.
William có một số đặc điểm khiến Doreen nhớ đến bố mình. Cậu bé yêu sách hệt như ông ngoại. Mỗi lần đến thăm bà ngoại, cậu bé lại dành ra hàng giờ liền để đọc sách trong phòng làm việc của John, y như cách ông ngoại cậu vẫn thường làm nhiều năm trước đó. William, cũng như ông ngoại mình, rất giỏi lắp ráp và là một người rất hay chuyện.
William làm Doreen nhớ đến bố mình nhất khi cậu nói với chị: “Mẹ đừng lo. Con sẽ chăm sóc mẹ.”
Mặc dù có một số người thấy buồn cười hoặc thậm chí là khó chịu khi nghe đến sự đầu thai nhưng nhiều người khác lại tin vào nó. Hiện tượng đầu thai đã thu hút sự quan tâm của rất nhiều người ở mọi nơi trên thế giới. Ngày nay, số người tin vào đầu thai có thể còn nhiều hơn số người không tin.
Một con số lớn đến ngạc nhiên về số lượng người Mỹ tin hiện tượng đầu thai là có thật – khoảng từ 20 đến 27%, tùy thuộc vào các cuộc trưng cầu ý kiến khác nhau – và tỷ lệ phần trăm cũng tương tự đối với người châu Âu tin vào điều này. Họ không thể nào đặt niềm tin của mình vào bằng chứng nói trên vì hầu hết những người này không biết gì về công việc nghiên cứu ở Trường Đại học Virginia. Họ cũng thường không căn cứ vào các học thuyết tôn giáo vì nhiều người trong số này đi lễ ở các nhà thờ không theo thuyết đầu thai. Một cuộc trưng cầu ý kiến được Harris thực hiện vào năm 2003 cho thấy 21% các tín đồ đạo Cơ-đốc ở Mỹ tin vào sự đầu thai. Công việc nghiên cứu được đề cập đến trong cuốn sách này có thể cung cấp cho những người nêu trên các bằng chứng để củng cố thêm niềm tin của họ nhưng các nhà nghiên cứu đã không hề dựa vào bất cứ học thuyết tôn giáo hay quan niệm thành kiến nào. Mục tiêu của chúng tôi là đi tìm lời giải thích hợp lý nhất cho những câu chuyện được các em kể ra và tìm hiểu xem liệu giới khoa học có nên xem đầu thai là một hiện tượng có thể xảy ra hay không.
Hầu hết mọi người có lẽ mong rằng câu trả lời là có. Suy cho cùng thì ý nghĩ rằng chúng ta ngừng tồn tại sau khi chết khiến rất nhiều người thấy bất an. Tuy có thể có nhiều người Mỹ vẫn chưa quen được với quan niệm đầu thai nhưng ý tưởng về một phần của chúng ta vẫn tiếp tục tồn tại sau khi chết đi rõ ràng mang lại cảm giác an lòng. Nếu một người đã mất có thể bằng một cách nào đó vượt qua được cái chết và đầu thai trở lại có nghĩa là chúng ta có thể tiếp tục tồn tại. Có thể chúng ta sẽ được ở cạnh những người thân yêu trong lúc họ tiếp tục cuộc sống của mình, hoặc cũng có thể chúng ta sẽ được lên thiên đường, đến một thế giới khác, hoặc một nơi nào đó không ai biết là gì. Nếu những đứa trẻ này đã đúng khi nói mình có kiếp trước thì một số người trong số chúng ta cũng có thể vượt qua được cái chết của thể xác.
Nói rõ hơn thì nhiều người muốn tin vào quan niệm đầu thai vì họ muốn được quay trở lại để thử một lần nữa. Chúng ta không thể thay đổi được những sai lầm trong quá khứ nhưng việc có cơ hội để làm tốt hơn rõ ràng khiến chúng ta thanh thản hơn. Nếu chúng ta có thể sống nhiều cuộc đời khác nhau thì có lẽ chúng ta sẽ có thể dần dần hoàn thiện mình qua từng cuộc đời và trở thành những người tốt hơn.
Chúng ta muốn được đầu thai trở lại và đều hi vọng rằng những người thân yêu của mình cũng có thể được như vậy. Chắc chắn mẹ của William đã rất vui mừng và được an ủi bởi ý nghĩ rằng người cha yêu quý của mình đã vượt qua được cái chết và quay trở lại trong hình hài đứa con trai của mình. Chị đã phải sống trong đau khổ khi biết bố mình bị giết và ý nghĩ rằng ông đã đầu thai trở lại làm con mình rõ ràng sẽ giúp chị nguôi ngoai nỗi đau và thanh thản hơn. Trong cuốn sách này, chúng ta sẽ còn được gặp nhiều người cũng phải trải qua những mất mát tương tự và điều mong muốn có cơ hội thứ hai để yêu thương và cùng chia sẻ những giây phút trong cuộc sống với người đã chết. Khi bất cứ ai trong số chúng ta đau buồn vì mất những người thân yêu, chắc chắn chúng ta sẽ được an ủi khi biết rằng những người đó vẫn tiếp tục tồn tại trong hình dạng khác và có thể họ sẽ quay lại với chúng ta.
Mặc dù nghe thật khó tin, nhưng có thể có bằng chứng chứng tỏ rằng có cuộc sống sau khi chết. Cuốn sách Tiền kiếp - có hay không? sẽ đưa ra những câu chuyện được các nhà nghiên cứu thu thập cho thấy một số người đã vượt qua được cái chết và đầu thai thành một người khác. Đây không phải là công việc được chúng tôi thực hiện hời hợt. Các nhà nghiên cứu đã tiếp cận vấn đề này bằng chính phương pháp phân tích cởi mở mà chúng tôi vẫn áp dụng với bất cứ câu hỏi nào. Chúng tôi đã sử dụng lý trí chứ không phải tình cảm trong quá trình nghiên cứu. Hơn nữa, chúng tôi cũng thực hiện công việc này với sự quan tâm đúng mực chứ không vì niềm tin tôn giáo.
Chính vì thế mà cuốn sách Tiền kiếp - có hay không? mang tính phân tích nhiều hơn cảm xúc và tôn giáo. Tôi sẽ không cố thuyết phục các bạn rằng những câu chuyện này chứng tỏ hiện tượng đầu thai là có thật mà chỉ đưa ra các trường hợp để các bạn có thể xem xét chúng rồi tự rút ra kết luận cho riêng mình. Tôi sẽ đưa ra cách phân tích riêng của mình để xem những bằng chứng đó dẫn chúng ta đến đâu, nhưng cùng lúc đó, các bạn cũng nên hình thành quan điểm của bản thân mình. Các bạn không nên vội vã rút ra kết luận rằng các trường hợp đó là vớ vẩn hay là những bằng chứng chắc chắn cho thấy có sự đầu thai.
Mỗi trường hợp đầu thai rõ ràng đều có đặc điểm riêng biệt của nó nhưng chúng ta có thể xem xét những nét đặc trưng tìm thấy được trong nhiều trường hợp. Sau đó, trong những chương sau, chúng ta sẽ đi sâu vào những trường hợp mang từng nét đặc trưng này.
Những lời dự báo, những vết bớt tạo trước và những giấc mơ trước lúc sinh nở
Đôi khi quá trình đầu thai bắt đầu ngay từ khi đứa trẻ, đối tượng nghiên cứu trong mỗi trường hợp, còn chưa được sinh ra. Trong trường hợp đó, người ta thấy một cụ già hoặc một người sắp chết, kiếp trước của đứa trẻ, đưa ra những lời dự báo về kiếp sau của mình. Những hiện tượng như thế rất hiếm, chúng thường chỉ xảy ra ở hai nhóm người, trong số đó có các Lạt Ma ở Tây Tạng. Mặc dù lời dự báo của họ có thể rất mơ hồ hoặc không rõ ràng, nhưng những người khác vẫn dựa vào chúng để nhận diện được những đứa trẻ do các Lạt Ma chuyển kiếp đầu thai. Với Đức Đạt Lai Lạt Ma hiện thời, có vẻ như người tiền thân của ông không để lại bất cứ lời dự báo nào, thế nên người ta đã phải dựa vào những dấu hiệu khác như những linh ảnh thiền sau khi ông chết để có thể tìm được cậu bé là hiện thân kiếp sau của ông.
Người Tlingit - một bộ tộc ở bang Alaska - cũng thường xuyên đưa ra những lời tiên đoán về sự tái sinh. Trong số 46 trường hợp xảy ra ở đó, có 10 trường hợp trong đó tiền thân kiếp trước đưa ra dự báo về kiếp sau của mình. Trong số này có tám trường hợp người tiền thân nói ra tên của những người họ muốn là bố mẹ của mình ở kiếp sau. Chẳng hạn như có một người đàn ông tên là Victor Vincent đã nói với cháu gái mình rằng ông sẽ đầu thai lại làm con trai của cô. Ông chỉ cho cô xem hai vết sẹo di chứng của các ca phẫu thuật nhỏ và tiên đoán rằng ông sẽ mang theo các vết sẹo này tới tận kiếp sau của mình. 18 tháng sau khi ông chết, người cháu gái hạ sinh một cậu bé có các vết bớt ở cùng những chỗ đó, trong đó có một vết bớt gồm các vòng tròn nhỏ nằm kế bên một đường thẳng chính, trông rất giống một vết sẹo khâu để lại sau một ca phẫu thuật. Sau đó cậu bé nói mình chính là người chú đã mất và dường như cậu nhận ra được một số người quen của Victor.
Trong một số trường hợp khác, ta lại thấy cùng một tục lệ được thực hiện trước khi đứa trẻ ra đời. Ở một số nước châu Á, một người thân trong gia đình hoặc một người bạn có thể đánh dấu vào cơ thể của một người đang hấp hối hoặc đã chết với hi vọng rằng khi người đó được đầu thai trở lại, đứa bé sẽ có vết bớt giống với vết được đánh dấu. Tục lệ này được gọi là vết bớt tạo trước, và chúng ta sẽ đi sâu tìm hiểu chuyện này trong Chương 4.
Hiện tượng báo mộng cũng có thể xảy ra trước khi đứa trẻ chào đời. Trong những trường hợp như thế, một người thân trong gia đình, thường là mẹ của đứa trẻ, gặp một giấc mơ trước hoặc trong lúc mang thai, trong đó bản thể kiếp trước hoặc thông báo rằng mình sắp trở thành con của họ, hoặc hỏi họ xem mình có thể trở thành con họ được không. Những giấc mơ như vậy thường xảy ra trong những trường hợp cùng một gia đình, trong đó bản thể kiếp trước chính là một người đã mất trong gia đình của đứa trẻ hoặc ít nhất cũng quen biết với người mẹ. Tuy nhiên, chúng ta sẽ thấy vẫn có những trường hợp ngoại lệ. Tất cả các trường hợp từ mọi nền văn hóa khác nhau đều có hiện tượng báo mộng, tỉ lệ là 22% trong 1.100 trường hợp đầu tiên trong dữ liệu của chúng tôi. Hầu hết các gia đình ở Myanmar cho biết những giấc mơ như thế xảy ra trước khi người mẹ mang thai, trong khi đó ở các bộ lạc thuộc vùng Tây Bắc Bắc Mỹ, chúng lại thường xảy ra vào đúng giây phút cuối của kỳ thai nghén.
Các vết bớt và dị tật bẩm sinh
Có rất nhiều đứa trẻ trong các trường hợp nghiên cứu của chúng tôi được sinh ra với những vết bớt hoặc dị tật bẩm sinh rất giống với những vết thương trên người của bản thể kiếp trước, thường là những vết thương chí mạng. Một trường hợp có cả hiện tượng báo mộng và mang dị tật bẩm sinh là trường hợp của Suleyman Caper ở Thổ Nhĩ Kỳ. Trong thời gian mang thai, có một lần mẹ cậu bé mơ thấy một người đàn ông xa lạ nói với mình: “Tôi bị người ta đập chết bằng xẻng. Tôi muốn được sống cùng với chị chứ không phải ai khác.” Khi Suleyman được sinh ra, phần phía sau đầu của cậu bé có một vết lõm và cậu cũng có một vết bớt ở đó. Đến khi biết nói, cậu bé kể lại rằng mình là một chủ cối xay gió chết vì bị một khách hàng đang giận dữ đập vào đầu. Ngoài các chi tiết khác, cậu bé cũng cho biết tên của người chủ cối xay và ngôi làng nơi ông đã sống. Đúng là trong làng đó đã từng xảy ra vụ một người khách hàng trong cơn giận dữ đã giết chết một người chủ cối xay có tên như thế bằng cách dùng xẻng đập vào phía sau đầu ông.
Nhiều vết bớt không phải là những đốm màu nhỏ. Trái lại, chúng thường có hình dạng hoặc kích cỡ không bình thường và nổi bật. Một số vết có thể có hình thù rất đặc biệt và kỳ lạ. Trong Chương 4, tôi sẽ bàn đến trường hợp của Patrick - một cậu bé sống ở bang Michigan có ba vết thương rất giống với những vết thương của người tiền kiếp. Có một số trường hợp trong đó đứa trẻ có cả vết bớt nhỏ hình tròn giống miệng vết thương do đạn găm vào và vết bớt khác lớn hơn có hình thù kỳ lạ giống với vết thương do đạn phá ra. Các ví dụ khác bao gồm những trường hợp trong đó vết bớt nằm ở những vị trí khác thường như bao quanh mắt cá chân và những trường hợp dị tật như chân tay hoặc các ngón bị cụt hay bị dị dạng.
Trong những trường hợp này, các vết bớt và dị tật có thể là những dấu hiệu xác thực cho thấy có mối liên hệ giữa trẻ và bản thể tiền kiếp. Vì chúng vẫn nằm trên cơ thể nên chúng tôi không cần phải dựa vào trí nhớ của các nhân chứng mới đưa các vết bớt và dị tật này vào nghiên cứu. Nếu có biên bản khám nghiệm tử thi hoặc hồ sơ khám bệnh của người tiền kiếp - như trong trường hợp của Suleyman - các nhà nghiên cứu có thể so sánh nó với các vết bớt một cách khách quan để xem chúng giống nhau đến mức nào.
Những vết bớt và dị tật như vậy không phải là hiếm trong những trường hợp chúng tôi nghiên cứu. Trong một phần ba các trường hợp ở Ấn Độ, trẻ có những vết bớt hoặc dị tật được cho là giống với các vết thương trên cơ thể người tiền kiếp. 18% các trường hợp này có hồ sơ khám bệnh để chứng minh rằng sự tương quan đó là có thật. Tôi phải lưu ý rằng con số phần trăm thực sự của những trẻ thuật lại kí ức về tiền kiếp có bớt trên người có thể thấp hơn rất nhiều. Chúng tôi thường phải cân nhắc xem nên nghiên cứu những trường hợp nào và vì chúng tôi đặc biệt quan tâm đến những trường hợp có bớt bẩm sinh nên muốn tìm hiểu chúng hơn những trường hợp khác. Chính vì thế, chúng tôi đã lưu giữ chúng vào hồ sơ nhiều hơn.
Những lời kể về kiếp trước
Trọng tâm nghiên cứu của chúng tôi đương nhiên chính là lời kể của những đứa trẻ về kiếp trước của mình. Chẳng hạn như khi Suzanne Ghanem ở Libăng được gần một tuổi, từ đầu tiên cô bé nói được là “Leila,” và cô bé vẫn thường nhấc điện thoại lên rồi nói: “A lô, Leila.” Cô bé bắt đầu kể cho người trong nhà nghe về cuộc sống kiếp trước của mình, cuộc sống ấy chấm dứt khi cô đến Mỹ để phẫu thuật tim. Cô bé kể rất nhiều về cuộc sống đó, nhưng gia đình cô bé không thể tìm ra được danh tính người tiền kiếp cho đến tận khi Suzanne lên năm tuổi. Lúc đó cô bé được gặp gia đình của người phụ nữ mà em cho là tiền kiếp của mình và cô bé đã thuyết phục được họ rằng em chính là người phụ nữ đó đầu thai vì em biết rất nhiều chi tiết về cuộc đời của bà ấy. Người phụ nữ đó đã qua đời trong một bệnh viện ở Mỹ sau một ca phẫu thuật tim và có một cô con gái tên là Leila. Con gái của bà đã không thể gặp bà lần cuối vì gặp trục trặc về hộ chiếu. Trước khi bà chết, anh trai của bà đã cố gọi điện cho Leila từ bệnh viện nhưng không được. Tổng cộng Suzanne đã nói ra 40 câu về cuộc sống kiếp trước được kiểm nghiệm là chính xác, bao gồm tên của 25 người.
Bọn trẻ thường kể ra những chuyện này khi còn rất nhỏ. Hầu hết những trẻ có kí ức về cuộc sống kiếp trước của mình bắt đầu kể về chúng ở khoảng từ hai đến bốn tuổi. Một số phụ huynh cho biết con họ bắt đầu kể một cách chi tiết về kiếp trước của mình ở độ tuổi nhỏ đến đáng ngạc nhiên, những nghiên cứu tâm lý cho thấy nhiều em trong số này rất thông minh, điều này sẽ được bàn đến ở phần sau của cuốn sách. Kết quả nghiên cứu này phù hợp với sự thật rằng kỹ năng ngôn ngữ của các em phát triển sớm nên đã nói ra được những câu như thế. Hầu như các em đều ngừng kể chuyện về cuộc sống kiếp trước khi bước sang tuổi thứ sáu hoặc thứ bảy và tiếp tục cuộc sống một cách bình thường sau đó.
Trong khoảng thời gian các em kể chuyện về cuộc sống kiếp trước của mình, có một số em kể với giọng rất bình thản trong khi một số khác lại thể hiện rất nhiều cảm xúc. Một ví dụ cho trường hợp thứ hai là một cậu bé ở thành phố Seattle có tên là Joey. Đã vài lần cậu kể lại rằng người mẹ kiếp trước của mình bị chết trong một vụ tai nạn xe hơi. Khi cậu gần được bốn tuổi, khi đang ăn tối, cậu đứng dậy khỏi ghế, mặt tái xanh và nhìn chằm chằm vào mẹ mình rồi nói: “Cô không phải là gia đình của tôi – gia đình tôi mất rồi.” Cậu bé khóc thầm trong vòng một phút, nước mắt lăn dài trên má, sau đó ngồi xuống và tiếp tục dùng bữa. Vì tối đó mẹ cậu mời khách đến ăn tối nên không khí lại càng thêm ngượng ngập dù người khách đã tỏ ra rất thông cảm.
Một số trẻ chỉ kể một vài câu về cuộc sống tiền kiếp và nói về nó vào những thời điểm nhất định, thường là trong lúc các em đang nghỉ ngơi thư giãn, trong khi một số trẻ khác lại gần như nói về nó liên tục và kể rất nhiều chuyện. Thông thường trẻ hay nói về những người và sự kiện gặp phải vào cuối đời ở kiếp trước. Nếu kiếp trước trẻ sống đến tuổi trưởng thành thì khi kể về nó, các em hay nói về vợ chồng hoặc con cái hơn là bố mẹ của mình. 75% các trẻ miêu tả tại sao mình chết ở kiếp trước và những cái chết đó thường là chết bất đắc kì tử hoặc chết vì bạo lực.
Những cuộc đời các em kể lại thường mới gần đây và khoảng thời gian giữa cái chết của người tiền kiếp và sự ra đời của các em chỉ cách nhau từ 15 đến 16 tháng. Trừ trường hợp của Kemal đã nhắc đến trong phần Lời nói đầu còn phần lớn các em đều kể về những cuộc đời gần đây. Có rất ít em nói kiếp trước mình là người nổi tiếng, hầu hết đều cho biết mình chỉ là những người bình thường và thường gặp phải những kết cục không may.
Khi trẻ đã đưa ra đủ thông tin để chúng tôi có thể xác định được một người đã chết nào đó chính là tiền kiếp của các em, chúng tôi sẽ nói trường hợp đó đã được giải quyết. Còn nếu vẫn chưa xác định được tiền kiếp là ai, chúng tôi sẽ gọi trường hợp đó là chưa được giải quyết.
Trừ một vài ngoại lệ, hầu hết các em đều chỉ kể về một kiếp trước duy nhất. Thêm vào đó, phần lớn các trẻ không nói gì về khoảng thời gian ở giữa hai kiếp nhưng có một số em thỉnh thoảng vẫn kể về giai đoạn này. Các em thường kể về những sự kiện xảy ra trên trái đất, chẳng hạn như tang lễ của người tiền kiếp hoặc về những thế giới khác. Một ví dụ cho trường hợp thứ hai là cậu bé có tên Kenny. Trường hợp của cậu chưa được giải quyết, nhưng cậu đã cho biết rất nhiều chi tiết về cuộc đời của một người đàn ông bị chết do tai nạn xe hơi. Cậu bé nói rằng sau khi mình chết, một linh hồn khác, có thể là linh hồn của người lái xe, đã nắm lấy tay cậu và cả hai đã ở cùng với các linh hồn khác trong một chỗ có vẻ như là một thánh đường rất lớn. Cậu bé cho biết một linh hồn khác mà cậu cho là Chúa đã nói với cậu rằng đang có rất nhiều người mong có con và Chúa cho cậu xuống dưới để được đầu thai trở lại.
Những hành động liên quan đến kiếp trước
Bên cạnh các câu nói, nhiều trẻ lại có những hành động liên quan đến những kí ức về kiếp trước mà các em đang kể lại. Nhiều em thể hiện cảm xúc mãnh liệt khi nói về kiếp trước. Trong một số trường hợp, các em khóc và xin bố mẹ đưa mình về gia đình trước kia mãi cho đến khi bố mẹ các em chịu làm theo. Trong những trường hợp người tiền kiếp bị giết hại, trẻ cũng có thể có biểu hiện rất giận dữ với kẻ đã giết mình.
Hoặc các em thường chơi những trò chơi kỳ lạ. Chẳng hạn như trong khoảng thời gian từ bốn đến bảy tuổi, cậu bé Parmod Sharma ở Ấn Độ rất say mê trò chơi giả làm chủ cửa hàng bán bánh bích quy và nước ngọt - nghề trong kiếp trước của cậu. Khi đến tuổi đi học, trò chơi ấy khiến cậu lơ là việc học và cậu dường như không bao giờ có thể hoàn toàn quên được nó. Mẹ cậu bé cho rằng kết quả học tập kém và cơ hội nghề nghiệp ít ỏi về sau của cậu chính là hậu quả của việc hồi bé cậu quá chú tâm đến kí ức kiếp trước và trò chơi giả làm chủ cửa hàng của mình. Đó là một trường hợp nghiêm trọng và trẻ có thể bị nhiễm thói quen này khá nặng. Một số trẻ khác lại thường diễn đi diễn lại cảnh mình chết trong kiếp trước. Điều này khá giống với trò chơi hậu chấn thương của những đứa trẻ vừa phải trải qua những hoàn cảnh khó khăn, điểm khác nhau duy nhất là ở trong trường hợp này chấn thương đó là từ kiếp trước chứ không xảy ra trong cuộc sống hiện tại.
Đôi lúc kí ức về kiếp trước còn kèm theo nỗi sợ hãi. Nhiều trẻ thể hiện nỗi sợ cùng cực liên quan đến cái chết trong kiếp trước. Thường thì nỗi sợ này sẽ được thể hiện ra ngay từ trước khi trẻ bắt đầu kể lại những kí ức về kiếp trước. Chẳng hạn như một đứa trẻ rất nhỏ có thể vô cùng sợ nước. Hồi Shamlinie Prema (Sri Lanka) còn nhỏ, lúc nào cũng phải có ba người lớn giữ chặt thì mới tắm được cho em, sau đó em đã kể lại rằng kiếp trước mình đã bị chết đuối.
Một số trẻ cũng yêu thích một số thứ đến mức khác thường, bao gồm những món ăn người tiền kiếp yêu thích, thậm chí là rượu hoặc thuốc lá. Mặc dù việc uống rượu hay hút thuốc được coi là bình thường ở nhiều nền văn hóa nhưng hành vi đó nếu ở những đứa trẻ ba tuổi thì lại không phù hợp. Nhiều bậc phụ huynh đã rất ngạc nhiên và hoảng hốt khi thấy con mình cố tìm rượu để uống. Còn về thức ăn, một ví dụ nổi bật là trường hợp những đứa trẻ ở Miến Điện đòi ăn cá sống và bảo kiếp trước mình là những người lính Nhật Bản.
Khi những trò chơi, nỗi ám ảnh, sở thích khác thường này cùng tồn tại với những lời kể, vết bớt hoặc các đặc điểm khác thì ấn tượng về mối liên hệ giữa trẻ và người tiền kiếp lại càng mạnh thêm. Những trường hợp như thế không chỉ về những kí ức hay những lời kể; chúng còn cho thấy hành vi và cảm xúc cũng có thể được truyền từ kiếp này sang kiếp khác.
Khả năng nhận biết người hay vật từ kiếp trước
Đôi khi trẻ nhận ra được hoặc được cho là nhận ra được nhiều người hay địa điểm từ kiếp trước. Khi được đưa đến nhà của người tiền kiếp, các em dường như nhận ra được những người thân trong gia đình kiếp trước của mình. Trong một số trường hợp, gia đình kiếp trước quá hi vọng rằng người thân đã mất của mình đã quay về nên dù trẻ làm gì họ cũng cho đó là bằng chứng chứng tỏ trẻ nhận ra được mình. Những người khác tỏ thái độ hoài nghi hơn và một số người nghi ngờ rằng gia đình của trẻ đang cố kiếm lợi khi nói con họ là kiếp sau của người thân của mình, dù điều này hiếm khi là sự thật. Một số người còn bắt trẻ phải trải qua một bài kiểm tra, chẳng hạn như yêu cầu trẻ chỉ ra những đồ vật của người tiền kiếp, trước khi quyết định xem có nên chấp nhận những điều trẻ nói hay không.