Về điều gọi là “mỗi vị thần linh, mỗi kiểu thần thông”1, trong đời sống nhân loại đích thực, có những cá nhân sở hữu những năng lực thần kỳ vượt trên người thường mà ngày nay người ta hay gọi đó là “công năng đặc dị”. Thực tế, hai việc ấy không hoàn toàn giống nhau, bởi phép thần thông phát xuất từ năng lực của tâm; trong khi công năng đặc dị lại thuộc về sức mạnh của thân, mà ở đại lục gọi đó là “khí công”.
1Nguyên văn: 各路神仙各顯神通 (Các lộ thần tiên, các hiển thần thông) – tức là, mỗi một nhóm thần tiên đại biểu hiển thị một kiểu, một công năng phép màu khác nhau.
Năng lực siêu nhiên không thể tùy ý sử dụng, nếu không, sẽ dẫn tới những hậu quả không hay do làm mất cân bằng trật tự nhân quả.
Cái gọi là thần thông tại Ấn Độ được chia thành năm loại, gồm có: thần túc thông, tha tâm thông, thiên nhãn thông, thiên nhĩ thông và túc mệnh thông. Thần túc thông có thể biến hoá sự vật hiện tượng; tha tâm thông biết được suy nghĩ, tư tưởng của người khác; thiên nhãn thông thấy biết việc tương lai; thiên nhĩ thông có thể nghe được tất thảy tiếng nói, âm thanh xa gần; túc mệnh thông biết được mọi sự diễn ra của đời quá khứ. Có một vài cách thức để có được những loại thần thông này:
Đời trước là chúng sinh trong cõi trời, cõi thần, đời này tuy mang thân thể con người nhưng do đã khắc sâu tập tính nên năng lực thần thông vẫn còn lưu lại.
Thần thông của nhà ngoại cảm: Có một số người mà thể trạng tâm lý mang đặc điểm hay lo âu hồi hộp, khiến cho những linh hồn trôi nổi dễ dàng bám nhập vào. Những hiện tượng thông linh, giáng linh mà các tôn giáo dân gian gọi là “Tiên Phật mượn cửa”, nhìn bề ngoài tưởng là lời nói phát ra của những nhà ngoại cảm, kỳ thực là do các linh hồn bám vào thân xác, mượn cửa miệng của nhà ngoại cảm để “làm việc”.
Thần thông do tu luyện đạt được: Thông qua những phương pháp trì chú, toạ thiền, tụng kinh, đều có thể đạt được thần thông. Có người do được sư trưởng truyền thụ phương pháp tu luyện thần thông, có người lại do “mèo mù gặp phải chuột chết”, trong quá trình tu tập, vô tình hoặc ít hoặc nhiều đạt được năng lực thần thông, hoặc lại có người ngộ đắc loại năng lực được gọi là “con mắt thứ ba” trong thiên nhãn thông và túc mệnh thông. Tình trạng bị những linh hồn trôi nổi bám nhập cơ thể trong quá trình tu tập thường là do rơi vào khuynh hướng tâm lý thấp thỏm âu lo, hoặc giả do tâm thức mang nhiều vọng cầu, khiến một mặt thì hành trì tu tập, mặt khác lại hy vọng đạt được thần thông. Những linh hồn trôi nổi trong không trung sẽ mượn thân thể của những người này hiển lộ năng lực thần thông.
Vấn đề năng lực thần thông, xét trong liên hệ với đại bộ phận quần chúng, thực tế hại nhiều mà lợi ít. Bởi thần không không thể đi ngược lại với định luật nhân quả tự nhiên, dù rằng dùng thần thông có thể thấy trước, nghe được như thực kết quả của một việc vốn chưa xảy ra, tuy nhiên, khả năng mà ta có thể né tránh một kết quả là rất mong manh. Bởi dẫu kết quả ấy không xảy ra tại không gian, thời gian này thì cũng xảy đến trong một không gian, thời gian khác.
Ví như, có vị đại thần thông biết trước việc một chiếc máy bay sẽ gặp tai nạn, do đó dùng sức thần thông của mình khiến vụ tai nạn ấy không xảy ra, kết quả là những hành khách trên chuyến bay đó về sau vẫn gặp phải một tai nạn máy bay khác.
Thần thông là vấn đề của cá nhân, không ai có thể đi ngược quy luật nhân quả. Nếu như cứ khăng khăng chống lại nghiệp lực do nhân quả thì người sử dụng thần thông ắt phải gặp phiền phức lớn. Quan niệm chính thống của nhà Phật mặc dù thừa nhận có tồn tại thần thông, nhưng không hề khinh suất sử dụng, tiêu biểu có thể thấy các vị tổ Thiền tông Trung Hoa đều không sử dụng thần thông.
Một người Phật tử, đặc biệt với những ai đã có công phu thiền tập đáng kể, ít nhiều đều có năng lực cảm ứng vượt trên mức thông thường. Việc họ sử dụng thần thông nhiều khả năng là trong những tình huống sau: 1. Khi họ sắp phải chết, thì sau khi sử dụng thần thông liền sẽ rời khỏi thế gian; 2. Họ sắp phải đi xa, sau khi vận đến thần thông sẽ liền rời khỏi chốn ấy; 3. Có một số người mà chỉ khi dùng đến thần thông mới khiến họ nảy sinh đức tin, do đó bất đắc dĩ mới phải sử dụng thần thông như một phương tiện. Còn nếu thường xuyên sử dụng thần lực, không những không thể tạo phúc cho xã hội, mà ngược lại sẽ khiến cho nhân gian mất trật tự, cũng như sẽ đem đến phiền phức không nhỏ cho người sử dụng thần thông.
Hiện tại, trên thị trường lưu hành phổ biến một quyển sách có nhan đề Tiền thế kim sinh1vốn là quyển sách dịch có xuất xứ từ Mỹ. Cuốn sách này, tại xã hội phương Tây, không hề được đón nhận rộng rãi, bởi xã hội nơi ấy thuần tín đạo Cơ Đốc, nên không có cơ sở nào chấp nhận những quan niệm về kiếp trước, kiếp này hay luân hồi chuyển thế. Khi du nhập Đài Loan, ở đây vốn thịnh hành phổ biến niềm tin tôn giáo dân gian về đời quá khứ, cho nên quyển sách này trở nên rất được yêu thích. Trường hợp được giới thiệu nơi cuốn sách là một bác sĩ đã thông qua vận dụng thuật thôi miên dẫn dắt người bị thôi miên thấy được quá khứ của chính mình. Điều này không thể xem là thần thông, mà có tính chất tương tự thuật dẫn dắt linh hồn của các nhà ngoại cảm trong văn hoá dân gian Trung Quốc. Xem xét từ góc nhìn Phật giáo chính thống thì cuốn sách này không thể được liệt vào phả đồ tư tưởng đạo Phật.
1Nguyên văn: 前世今生. Tại Việt Nam cuốn sách được xuất bản dưới tên Ám ảnh từ kiếp trước của Thaihabooks. (Chú thích của Biên Tập – BT)