Sơ đồ kênh trong Digital Marketing
Digital Marketing là một lĩnh vực đang chiếm thế thượng phong trên thị trường và trở thành kênh tiếp thị hàng đầu được các doanh nghiệp tin dùng. Doanh nghiệp sử dụng các kênh truyền thông Digital Marketing (Display Network, Social Media…) để tiếp cận khách hàng tiềm năng, thông qua đó quảng bá thương hiệu và sản phẩm, dịch vụ của mình.
Quan sát sơ đồ trên, Digital Marketing đã tồn tại trong khái niệm của Marketing Mix. Nó xuất hiện ở yếu tố Promotion (thuộc mô hình 4P), tại đây có sự thay đổi của hoạt động Marketing khi có sự phát triển của mạng Internet. Marketing số (Digital Marketing) đã có những ưu điểm vượt trội so với Marketing truyền thống nhờ sự xuất hiện của nhiều kênh tiếp thị số (SEO, PPC, email marketing, social media, display network…) - nền tảng quan trọng để các doanh nghiệp có thể vận dụng linh hoạt, đón bắt sự thay đổi và triển khai thành công các chiến lược Marketing trên môi trường Digital.
Tìm hiểu về các kênh Digital Marketing
Digital Marketing là một trong những từ khóa được tìm kiếm nhiều nhất trên các diễn đàn, website cũng như trong group. Để khoanh vùng tập khách hàng một cách gần nhất và hiệu quả cao như mong muốn thì việc lựa chọn đúng kênh Digital Marketing là điều cực kỳ quan trọng bởi nó là cầu nối giữa hàng hóa, sản phẩm, dịch vụ của bạn với khách hàng. Do vậy, việc lựa chọn các kênh Digital Marketing phù hợp có thể giúp các doanh nghiệp ứng dụng để có thể tạo ra lợi nhuận cao.
Vậy Digital Marketing bao gồm những kênh nào? Dưới đây là những kênh Digital Marketing được sử dụng nhiều nhất đối với các Marketer:
SEO
SEO là gì ?
SEO là viết tắt của Search Engine Optimization – tối ưu hóa công cụ tìm kiếm, nó bao gồm tập hợp phương pháp cải thiện thứ hạng hiển thị của một website trên trang kết quả của công cụ tìm kiếm.
Cụ thể hơn là việc người dùng gõ một cụm từ khóa lên trang tìm kiếm và nó trả về bằng hàng loạt kết quả kèm các website tương ứng với từ khóa. Mục tiêu của SEO lúc này là kéo website của mình lên để xuất hiện tại các vị trí cao nhất, thúc đẩy người dùng nhấp chuột vào trang web của mình.
Dưới đây là một ví dụ khi search cụm từ Dịch vụ viral content trên trang tìm kiếm Google và thu được kết quả như sau:
Đây chính là kết quả của việc SEO bộ từ khóa Dịch vụ viral content và thứ tự các đường link xuất hiện là thứ tự của kết quả SEO.
SEO là một kênh tiếp thị chủ động có hiệu quả cao, không mất quá nhiều chi phí nhưng lại tốn khá nhiều công sức, nhân lực. Và kết quả bị ảnh hưởng nhiều từ bài viết và keyword được lựa chọn.
Cơ chế hoạt động
• Quét dữ liệu, lấy danh sách
Công cụ tìm kiếm sẽ quét và lấy dữ liệu ở tất cả các website hiện có, chúng nhận dạng nội dung thông qua các thẻ tiêu đề, meta tag, các từ khóa có trong website.
• Xây dựng chỉ mục
Sau khi có toàn bộ dữ liệu, nó lưu vào hệ thống thông tin của mình và chỉ xuất hiện trong kết quả tìm kiếm khi quá trình này kết thúc.
• Xử lý dữ liệu
Công cụ tìm kiếm xử lý những dữ liệu đã lưu lại, so sánh từ khóa được truy vấn với những thông tin đã được sao lưu trước đó.
• Tính toán độ liên quan
Quá trình này nhằm chọn lọc ra những website tương ứng cao nhất với truy vấn của người dùng.
• Trả về kết quả
Đây là bước cuối cùng, nó trả về những trang web có độ tương ứng cao nhất, phù hợp nhất và hiển thị trên trình duyệt của người dùng. Vị trí càng cao đồng nghĩa với tính tương thích càng lớn.
Làm SEO là làm gì?
• SEO on page
Đây là phương pháp thực hiện kỹ thuật SEO bên trong website nhằm tối ưu hóa website để thân thiện hơn với các công cụ tìm kiếm. Chúng được thực hiện với nhiều kỹ thuật có thể nhắc đến như :
• Xây dựng nội dung website chất lượng với các từ khóa
• Tối ưu thẻ title tag, meta tag, thẻ đề mục
• Tổ chức các liên kết nội bộ trên website
• SEO off page
SEO off page được thực hiện bên ngoài website sau khi hoàn thành các hoạt động SEO on page. Chúng được thực hiện với các đầu việc:
• Liên kết các thư mục, blog, website tư vấn
• Kế hoạch cho những nhóm từ khóa cụ thể để SEO
• Tạo nhiều nội dung chất lượng để đặt backlink
PPC
PPC là gì?
PPC là viết tắt của Pay per Click. Nó còn có một số tên khác như Paid Search, Search Engine Advertising (SEA). Đây là một mô hình tiếp thị trên Internet và thông qua đó các nhà quảng cáo sẽ trả một khoản phí khi quảng cáo của họ được nhấp chuột. Giá của mỗi nhấp chuột thường dựa vào giá thầu của bạn cho quảng cáo đó. Có rất nhiều nơi có thể đặt quảng cáo PPC như Google, Bing, Cốc Cốc.
Đây là một ví dụ khi search key word « khóa học piano »
Cơ chế hoạt động
Khi bạn tìm kiếm bất cứ từ khóa nào trên các trang Google, Bing, Cốc Cốc bạn sẽ thường thấy các kết quả trả về đầu tiên là những kết quả trả phí Paid results, hoặc đó là các kết quả cuối cùng, chúng có thể nằm ở bên tay phải màn hình. Các kết quả này đều được đánh dấu riêng, ví dụ như Google trước các đường link sẽ có đánh dấu bằng ký tự [Ad]. Những kết quả còn lại là thành quả của SEO và không phải trả phí để hiển thị.
Và để chúng hiển thị thì bạn phải tham gia đấu giá theo cơ chế đấu giá mà các trang đã tạo ra. Ví dụ như Google, không phải bạn cứ trả tiền nhiều hơn là quảng cáo của bạn được hiển thị mà còn phụ thuộc vào chỉ số Ad Rank bao gồm :
• Bid: số tiền sử dụng để đấu giá
• Quality Score: Chất lượng quảng cáo liên quan đến : expected CTR, Ad Relevance, Landing Page Experience
• Format: định dạng quảng cáo
Làm PPC là làm gì?
• Tạo tài khoản và thiết lập các thông tin cơ bản về bạn, về nhãn hàng, thương hiệu
• Thiết lập quảng cáo : lập ngân quỹ, chọn vùng địa lý mục tiêu, chọn từ khóa,
đặt giá thầu, viết quảng cáo, thiết lập thanh toán, đo lường và tối ưu chiến dịch.
Email Marketing
Email Marketing là gì?
Email marketing là một hình thức tiếp thị trực tuyến bằng cách sử dụng email làm phương tiện truyền thông gửi đến một nhóm khách hàng tiềm năng để giới thiệu, tặng quà, quảng bá hay cảm ơn nhằm thúc đẩy họ đến chuyển đổi cuối cùng mà bạn mong muốn. Nó cũng được xem như là một công cụ để xây dựng lòng trung thành, mức độ nhận biết thương hiệu, tiếp thị sản phẩm dịch vụ cũng như xây dựng hình ảnh của doanh nghiệp.
Email Marketing là một kênh cực kỳ tiềm năng, chi phí thực hiện thấp, tạo sự chuyên nghiệp trong việc chăm sóc khách hàng, tăng mức độ nhận biết đối với thương hiệu và đo lường được hiệu quả triển khai.
Cơ chế hoạt động
Email Marketing được gửi đi từ máy tính của bạn qua hệ thống máy chủ thư điện tử, được xác thực qua hệ thống đánh giá email và thông qua công cụ Email marketing, thư điện tử được mã hóa đến máy chủ và sau đó đi đến người nhận. Cơ chế vận hành của Email Marketing có thể được biểu thị qua sơ đồ sau:
Email Server là hệ thống máy chủ thư điện tử, dùng để gửi và nhận thư điện tử. Mỗi email được gửi đi thông qua máy chủ để đi đến người nhận. Nếu không có các máy chủ này thì bạn chỉ có thể gửi email cho những người có tên miền trùng với tên miền của email bạn. Hiện nay có ba giao thức cơ bản được ứng dụng trong mail server hỗ trợ hoạt động cũng như gia tăng tính bảo mật của email là SMTP server, POP3 server, IMAP server.
Mục đích chính của hệ thống đánh giá email là xác thực domain, đánh giá tính uy tín của người gửi tin, nguồn tin và cả các kết quả tiêu cực nếu có. Phần này rất quan trọng bởi nó có thể nâng cao tỷ lệ email rơi vào inbox thông qua của hệ thống đánh giá lọc thư rác, chặn tin nhắn. Có hai phương thức để phát hiện email giả mạo là SPF (Sender Policy Framework) và DKIM (DomainKeys Identified Mail).
Và cuối cùng là công cụ gửi email, bạn có thể lựa chọn nhiều phần mềm hỗ trợ cho việc gửi Email Marketing có thể kể đến như Mail Chimp, Get Response, Constant Contact, Email Delivered, SendinBlue hay một số phần mềm như Sendy, MailWizz có thể tùy chỉnh linh hoạt hơn trong việc thiết lập gửi email. Những dịch vụ này cung cấp các mẫu khác nhau để bạn xây dựng các chiến dịch Email Marketing của mình, mỗi loại sẽ có những mức giá và tính năng khác nhau, bạn sẽ phải cân nhắc để lựa chọn phần mềm phù hợp nhất. Tuy nhiên cấu trúc và cách thức chung sẽ không có nhiều thay đổi.
Làm Email Marketing là làm gì?
Mọi chiến dịch Email Marketing đều được triển khai qua các bước dưới đây.
• Xác định mục tiêu chiến dịch và lựa chọn chiến dịch thực hiện hợp lý
• Thu thập quản lý dữ liệu
• Cài đặt cấu hình hệ thống Email
• Xây dựng nội dung
• Gửi email theo lịch trình định sẵn
• Đánh giá, theo dõi và điều chỉnh chiến dịch
Social Media
Social Media là gì?
Social Media chính là các nền tảng trực tuyến cho phép người dùng giao tiếp, chia sẻ thông tin và kết nối với cộng đồng. Dựa trên mô hình nổi tiếng của Tiến sĩ Tracy L. Tulen được sử dụng trong cuốn Social Media Marketing: A Practitioner Guide, chúng ta sẽ có 4 nhóm chính của Social Media như sơ đồ sau:
Cơ chế hoạt động
• Luôn có tài khoản người dùng cá nhân có thể tùy chỉnh hồ sơ, cài đặt thông tin và đây là tiền đề để mọi người tương tác được với nhau.
• Có trang cá nhân hoặc trang dành cho doanh nghiệp, tổ chức, nhãn hàng, thương hiệu với những thông tin được cá nhân hóa và là nơi mọi người có thể tương tác với nhau thông qua tài khoản người dùng cá nhân.
• Hiển thị các thông tin của các trang cá nhân hoặc trang doanh nghiệp tại Newsfeed khi mình đã quan tâm hoặc có hướng quan tâm đến nó.
• Tương tác với người dùng thông qua các nút bày tỏ được emotion, comment, share.
• Đăng tải được nội dung của mình theo các định dạng được hỗ trợ của mạng xã hội đó.
• Bạn bè, người theo dõi, nhóm… để tạo điều kiện cho mọi người dễ dàng kết nối với nhau.
Có thể có một số tính năng bị ẩn đi trong quá trình thực hiện, nhưng về cơ bản nó vẫn có đủ các chức năng cần thiết hỗ trợ cho sự tương tác giữa các tài khoản với nhau.
Làm social media là làm gì?
Chính xác hơn đó là việc sử dụng content marketing để truyền thông, bán hàng thông qua nền tảng mạng xã hội. Với các định dạng content phù hợp với mạng xã hội bạn chọn như ảnh, video, gif, text, infographic… thì social media chính là nền tảng để truyền tải thông điệp từ những nội dung trên đến người dùng.
Các công việc có thể thực hiện:
• Viết và trình bày nội dung, thông điệp
• Kích thích và gia tăng tương tác với người dùng
• Phản hồi lại về những tương tác ấy
• Chăm sóc và hỗ trợ khách hàng
Demand Site Platform
Demand Site Platform là gì?
Demand Side Platform được viết tắt là DSP là một nền tảng công nghệ cho phép nhà quảng cáo hoặc các agency mua không gian quảng cáo tự động và quản lý các chiến dịch quảng cáo. Nó cho phép các nhà quảng cáo hay các agency tiếp cận và tham gia đấu giá không gian quảng cáo trên các sàn đấu giá quảng cáo tự do từ nhiều nguồn như Ad Exchanges, Ad Networks hoặc các nền tảng bán quảng cáo khác.
Một số DSP có thể kể đến như :
• Google Display Network
• Microsoft
• Facebook Exchange
• MicroAd BLADE
• ANTS
• MediaD
Cơ chế hoạt động
Có thể hiểu hoạt động của DSP qua sơ đồ sau :
Các nhà quảng cáo mua lượt hiển thị của các nhà xuất bản và hướng tới đúng đối tượng người dùng với các thông tin phù hợp về nhân khẩu học cùng các yếu tố liên quan. Các nhà xuất bản giao bán tài nguyên mà mình sở hữu thông qua các nền tảng bán quảng cáo, các DSP sẽ tự động đánh giá mức độ phù hợp của tài nguyên đó với mục tiêu của nhà quảng cáo. Chúng được định giá thông qua phiên đấu giá thời gian thực và trả giá cũng qua cơ chế đấu giá này.
Làm DSP là làm gì?
• Tìm hiểu các thuật ngữ liên quan
• Nhắm đối tượng mục tiêu của chiến dịch
• Thiết kế banner theo các kích thước phù hợp
• Xác định trang đích
• Cài đặt quảng cáo
• Theo dõi, đo lường và tối ưu quảng cáo
Mobile Marketing
Mobile Marketing là gì?
Mobile Marketing là hình thức giới thiệu hoặc quảng cáo thông tin tới người dùng thông qua thiết bị di động. Các hình thức Mobile Marketing có thể kể đến như SMS Marketing, MMS Marketing, PSMS Marketing… và còn bao gồm các quảng cáo xuất hiện trên các thiết bị di động như trong các ứng dụng, trò chơi, mã QR code, quảng cáo tìm kiếm, quảng cáo hình ảnh trên các thiết bị di động…
Lưu ý : Các quảng cáo được hướng đến để tiếp thị khách hàng thông qua thiết bị di động đều được xem là Mobile Marketing.
Cơ chế hoạt động
Được hiểu là gửi thông điệp tới người dùng thông qua thiết bị di động, đoạn thông điệp này sẽ được mã hóa khi gửi và giải mã khi tiếp cận đến người dùng.
Làm Mobile Marketing là làm gì?
Gửi thì rất dễ, nhưng gửi thế nào cho hiệu quả lại là câu hỏi khó tìm được câu trả lời.
Bạn sẽ phải :
• Lựa chọn từ khóa
• Thông điệp sẽ được gửi tới khách hàng là các dữ liệu đã được xây dựng và thu thập sẵn
• Tạo ra text hay các định dạng phù hợp có chứa thông điệp với tiêu chí ngắn gọn, đầy đủ, hấp dẫn, thu hút
• Chọn người nhận phù hợp với thông điệp và text đã làm
• Gửi thông điệp tới người dùng
• Đo lường, đánh giá và tối ưu
Affiliate
Affiliate là gì?
Affiliate Marketing, hay còn gọi là tiếp thị liên kết, là hình thức quảng bá sản phẩm hoặc dịch vụ của Nhà cung cấp - các công ty có sản phẩm/dịch vụ muốn thông qua các trang mạng của các Đối tác quảng bá hàng hóa, dịch vụ đến người dùng cuối cùng. Các Đối tác kiếm tiền online sẽ nhận được khoản tiền hoa hồng khi người dùng ghé thăm trang mạng của Đối tác quản lý và thực hiện những hành động mà Nhà cung cấp mong muốn từ người dùng cuối cùng như: mua hàng, đăng ký thông tin, điền thông tin...
Cơ chế hoạt động
• Bước 1: Khách hàng sẽ truy cập vào website của Publisher.
• Bước 2: Sau đó khách hàng sẽ nhìn thấy banner/link quảng cáo của Publisher và click vào link tracking của Affiliate Network. Tuy nhiên, khách hàng sẽ không nhận ra họ đang click vào Affiliate link. Affiliate network cung cấp các nền tảng kỹ thuật giúp tracking các link affiliate được đặt bên dưới các text link hay banner nằm trên các website affiliate.
• Bước 3: Click được tracking bởi cookie và Affiliate network của thiết bị khách hàng sử dụng sẽ được lưu lại. Khi khách hàng click vào đó, một cookie sẽ được gắn vào thiết bị của họ và được ghi nhận tại Affiliate network.
• Bước 4: Khách hàng hoàn thành mua hàng trực tuyến.
• Bước 5: Affiliate network thông báo đơn hàng được ghi nhận cho Advertiser. Khi khách hàng hoàn thiện đơn hàng trên website của Advertiser, Affiliate sẽ kiểm tra trên cookie nếu đó là một trong những Publisher của network.
• Bước 6: Advertiser đồng ý trả hoa hồng cho đơn hàng được ghi nhận đó.
• Bước 7: Affiliate network trả tiền hoa hồng cho Publisher. Từ platform của network cả Publisher và Advertiser đều có thể theo dõi được đơn hàng và hoa hồng được nhận.
Làm Affiliate là làm gì?
• Cung cấp thông tin về sản phẩm dịch vụ cho hệ thống Affiliate
• Đưa ra giá hoa hồng hấp dẫn cho các thành viên tham gia khi hoàn thành được đơn hàng
• Kích thích sự tham gia của nhiều thành viên cộng đồng Affiliate
• Rõ ràng, trực quan, hiệu quả cho các báo cáo đối soát
Landing Page
Landing Page là gì?
Theo định nghĩa của LadiPage Việt Nam:
Trong các chiến dịch marketing và quảng cáo thì landing page là một trang web đơn được thiết kế để dẫn dắt và thuyết phục người đọc cho một mục tiêu tập trung duy nhất.
Hay cụ thể hơn:
Landing page - hay còn gọi là trang đích - là một trang web đơn mà cá nhân hoặc doanh nghiệp tạo ra nhằm mục đích tối ưu tỷ lệ chuyển đổi. Chuyển đổi ở đây có thể là mua hàng, lấy thông tin khách hàng, tải tài liệu, cài ứng dụng, tham gia sự kiện, đăng ký đặt trước… hoặc bất cứ mục tiêu tiếp thị nào khác.
Cơ chế hoạt động
Landing page là một trang đơn có mục tiêu rõ ràng, cụ thể là chi phối hành vi của người đọc, điều hướng họ phải thực hiện hành vi mà bạn cần như mua hàng, cung cấp email, đăng ký tài khoản, chuyển hướng sang trang web khác.
Làm Landing Page là làm gì?
• Chuẩn bị nội dung
• Lên yêu cầu thiết kế
• Thiết kế landing page
• Dựng landing page và xuất bản
Trang thương mại điện tử
Trang thương mại điện tử là gì?
Website thương mại điện tử là trang thông tin điện tử phục vụ hoạt động thương mại và các hoạt động liên quan đến thương mại (như các trang website của các doanh nghiệp buôn bán hàng hóa, dịch vụ…). Cụ thể hơn nó là trang web động được áp dụng các công nghệ hiện đại để tạo ra, gồm các tính năng mở rộng nâng cao, giúp người bán có thể bán được sản phẩm qua mạng internet và người mua có thể mua được sản phẩm họ cần thông qua mạng internet.
Cơ chế hoạt động
Chức năng chính của website thương mại điện tử chính là hiển thị thông tin về sản phẩm, dịch vụ, giá cả, chức năng mua hàng… và giao dịch sẽ được thanh toán qua các cổng thanh toán trực tuyến hoặc chuyển khoản ngân hàng. Những chức năng liên quan khác như đăng và quản lý sản phẩm, giỏ hàng, đăng nhập và đăng ký đơn hàng… sẽ được tích hợp vào trong website khi bạn thiết kế website bán hàng.
Làm thương mại điện tử là làm gì?
• Liên hệ với các sàn thương mại điện tử
• Cập nhật thông tin sản phẩm hàng hóa
• Quảng bá về sản phẩm dịch vụ được bán trên sàn
• Chốt đơn hàng và gửi tới khách hàng
Bạn còn biết các kênh Digital Marketing nào khác?
Nếu có kênh nào đó hay ho bạn hãy chia sẻ cho mình nhé! Vì bản chất Digital Marketing là một ngành có sự thay đổi không ngừng, nên việc update các kênh là vô cùng quan trọng!
Sunbook – thắp sáng tri thức
Sunbook là nhà phát hành, phân phối sách của nhiều thương hiệu, trong đó nổi bật như MZBook với dòng sách về Digital Marketing, MMO với các đầu sách về kiếm tiền online hayEasylife với các đầu sách cho tối ưu cuộc sống.
Với slogan “Thắp sáng tri thức” Sunbook mong muốn mang những kiến thức hay nhất, hữu ích nhất đến các độc giả Việt. Và đây cũng chính là định hướng xuyên suốt cho các hoạt động của Sunbook trong những chặng đường tiếp theo.
Do vậy, dự án Free-ebook ra đời trong sự kết hợp của Sunbook và MediaZ Agency mang đến cho độc giả những cuốn ebook nhỏ liên quan đến một số chủ đề của ngành Digital Marketing. Hy vọng các bạn sẽ nhận được nhiều kiến thức hữu ích, bổ sung được những nội dung nền tảng liên quan đến ngành để hoàn thành tốt hơn công việc của mình.
Đừng ngại liên hệ với Sunbook của tụi mình nếu có bất cứ góp ý, đánh giá nào thông qua email: [email protected]
Cảm ơn bạn vì đã ở đây đồng hành cùng Sunbook để khám phá những nội dung hay, hữu ích với bạn!
Đội ngũ đồng thực hiện