Trước đây khi tôi bắt đầu dạy thiền và giảng giải về thiền cho moi người, bài đầu tiên tôi bàn về quan niệm “vô ngã” trong Phật giáo. Ngộ và quá trình khai ngộ là công đoạn diệt tận gốc cái tôi. Khi nào còn cái tôi, còn ngã chấp thì khi đó bạn chưa thể giác ngộ. Ví dụ tôi thấy đói nên tôi phải vất vả làm việc kiếm tiền mua thức ăn; do tôi muốn thành danh nên tôi nỗ lực làm việc, học hành để mong xã hội biết đến tôi, khâm phục tôi. Nếu không có cái “tôi” sẽ không còn động lực thúc đẩy làm bất kì điều gì nữa. Nếu không còn cái “tôi” thực sự lúc đó bạn sẽ nhận được gì? Ai nghe Phật pháp?
Sau đó tôi nhận thấy, giảng Phật pháp như thế e rằng quá khó cho người sơ cơ. Dần dần tôi đúc kết kinh nghiệm, quyết định chọn cái hữu ngã – có cái tôi thực sự để bắt đầu công việc tu tập. Tất cả mọi việc từ học Phật đến hành thiền đều bắt đầu từ cái tôi “thực sự” kia. Ngã là cái đeo đẳng không thể nào từ bỏ, ngay cả khi bạn nói “tôi không còn tham muốn gì nữa” bạn vẫn xuất phát từ cái tôi mà bạn cho là có thực đã. Thậm chí khi có người nói “tôi có quá nhiều phiền não, mong sẽ sớm đoạn trừ, chứng thành Phật quả, đạt đến cảnh giới vô ngã” vẫn xoay quanh cái tôi, không thể lìa xa cái tôi… tôi rốt cục vẫn là tôi. Nên bất luận thế nào, bạn phải xuất phát từ việc “có cái tôi” mới mong đạt đến “không còn tôi – vô ngã”.
Người chưa am hiểu Phật pháp, chưa tu hành sẽ không bao giờ hiểu “tôi” rốt cục là gì. Ngày nào bạn cũng nhắc đến “tôi”, cái này của tôi, thân thể tôi,… thế nhưng bạn không hiểu tôi là gì, tôi là ai! Thực ra cái tôi hiện hữu trong từng suy nghĩ, trong từng hành động kia không phải là “ngã- tôi” mà đó là “ngã sở – cái của tôi”.
Có vị triết gia nổi tiếng nói “tôi tư duy nghĩa là tôi tồn tại”, cho rằng, “tư duy” là cái tôi đích thực.
Ngày nào chúng ta cũng nghĩ kia là của tôi, kia là tôi, suy nghĩ này là tôi… nhưng một ngày chúng ta có không biết bao nhiêu suy nghĩ, thế thì, đâu mới là điều suy nghĩ của tôi?
Có người nói, thân thể này của tôi, quan niệm kia của tôi, tài sản là của tôi, môi trường của tôi, thế giới này của tôi. Phân tích kĩ, trong tất cả cái đó chưa một vật nào xứng danh với từ “tôi” cả.
Hoặc có người nói: “sự vĩnh hằng mới là cái tôi đích thực” nhưng vĩnh hằng là gì? Tất cả tư duy, quan niệm bất quá chỉ là quá trình khởi niệm, diệt niệm tiếp nối liên tục, chẳng có điều gì vĩnh hằng bất biến cả. Thân thể, môi trường bên ngoài không có gì dừng lại trong chốc lát, nó luôn luôn biến đổi vô thường, vậy rốt cục có gì vĩnh hằng bất biến?
Nhìn theo quan điểm phật học, thiền học, khi chưa giác ngộ, chưa có trí tuệ bát nhã thì “tôi” chỉ là cái tiếp nối liên tục của vọng niệm.
Người xuất gia đọc kinh sách và tu hành lâu năm nhưng phiền não cũng nặng nề như thường, nóng nảy bồng bột, tham lam ích kỉ, làm những việc không nên làm như người bình thường không tu tập, tại sao thế? Vì họ chưa nhìn rõ về “tôi”, không làm chủ được “tôi”.
Khi nào bạn hiểu rõ bản thân lúc đó bạn mới làm chủ được mình. Vì thế, muốn tu hành, công việc đầu tiên là phải hiểu rõ về cái gì là “ngã”, gì là “phi ngã - không phải tôi”, từ đó mới thay đổi mình, chuyển hóa mình. Ngược lại không biết tôi là ai nhất định sẽ không biết “tôi” muốn làm gì, làm cho ai.
Tôi vừa là tôi vừa không phải tôi, nó không có một diện mạo cụ thể, nhưng có thể thay đổi nó qua sự tu tập. Khi “tôi” thay đổi thì những cái “của tôi” tự nhiên cũng sẽ thay đổi theo.
Muốn hiểu rõ tôi, bước đầu tiên phải từ bỏ quan niệm về “tôi” đã. Bạn phải tạm thời khẳng định cái tôi này là giả tạo, hư huyễn, từ đó làm tôi trưởng thành trên cơ sở “vô ngã”, lấy cái không phải tôi để làm của tôi. Không nên nghĩ đến những điều không nên nghĩ, không nên nói những điều không đáng nói, không nên làm những điều không nên làm. Ngược lại bạn phải làm những điều nên làm, nghĩ những điều nên nghĩ, nói những điều nên nói. Cố gắng phát huy điều thiện, trừ bỏ những điều bất thiện. Nói cách khác, bạn phải làm hết thảy điều thiện, từ bỏ hết thảy điều ác. Khi bạn thực hiện được thế, dần dần sẽ cảm nhận được ý nghĩa của “vô ngã”.