Dù số phận kém may mắn nhưng bằng nghị lực và tâm hồn yêu đời, Lê Quang Lĩnh (sinh năm 1985, số nhà 249, đường Trần Hưng Đạo, thành phố Hà Tĩnh) đã vẽ nên cuộc đời, ước mơ cùng những khao khát của mình qua những bức tranh.
Gửi tâm tình vào nét vẽ
Lĩnh được sinh ra vốn bình thường như bao đứa trẻ khác, nhưng lúc lên một tuổi sau một cơn sốt cao, em bị biến chứng khiến chân tay co quắp. Dù được bố mẹ đưa đi chạy chữa khắp nơi nhưng vô vọng. Bác sĩ kết luận Lĩnh bị bại não.
Chân tay Lĩnh co quắp và đến sáu tuổi vẫn không thể vận động, dù vậy em lại thông minh và nhanh nhẹn. Lĩnh là đứa con trai duy nhất của gia đình, nên ông Lê Quang Việt (bố của Lĩnh) vẫn tạo điều kiện để con được học hành, gần gũi với bạn bè. Hằng ngày, ông đưa con đến trường, rồi lại đón con về khi tan tầm. Ngoài việc học văn hóa ở trường, anh còn được học vẽ ở cung văn hóa tỉnh.
Khi lên mười tuổi, biểu hiện bệnh của Lĩnh nặng thêm vì miệng lệch, tiếng nói ngọng nghịu buộc chàng trai tật nguyền phải nghỉ học giữa chừng. Đau khổ, buồn chán và không muốn suốt đời phải sống nhờ trên đôi chân của bố mẹ, Lĩnh quyết tâm tập đi. Em dựa vào những bức tường, chiếc bàn, ghế dài để lê từng bước một. Không ít lần bị ngã đau đớn, chân tay bầm dập nhưng Lĩnh vẫn quyết đứng dậy và đi được trên đôi chân của mình. Nhìn con chăm chỉ tập luyện, bố mẹ em càng động viên và tranh thủ buổi tối ở nhà dạy thêm cho con tập đi. Cuối cùng, sau mấy tháng khổ luyện, Lĩnh đã có thể tự đi lại.
Sau khi tự đi được, Lĩnh chuyển sang tập vẽ. Trong lúc đau khổ, buồn chán, chàng trai tật nguyền đã tìm thấy niềm vui trong nghệ thuật vẽ tranh. Lĩnh tìm thấy chính mình trong đó, anh có thể chạm vào phần sâu kín trong bản thân mình và có thể thể hiện mọi thứ vào bức tranh để mọi người có thể hiểu mong muốn của anh.
Để có thể hiểu được những điều cơ bản trong vẽ tranh, Lĩnh đã tự chủ động tìm tòi, tìm đến thầy để học vẽ. Ban đầu, bố mẹ em và nhiều người ái ngại “tay đã bị như thế sao cầm cọ vẽ”. Nhưng những nghi ngại ấy không thắng nổi quyết tâm của Lĩnh. Dù đôi tay co quắp, việc cầm được chiếc cọ là điều không dễ với chàng trai tật nguyền nhưng bằng sự kiên trì, nhẫn nại, em đã dần tự điều khiển được chiếc cọ theo ý muốn. Với trí tưởng tượng phong phú và niềm đam mê hội họa, trong căn phòng nhỏ của mình, em luôn vẽ một cách hăng say.
Công việc hằng ngày của Lê Quang Lĩnh
Nhưng gia cảnh khó khăn, bố mẹ phải bươn chải để nuôi ba anh em, nên để thỏa mãn đam mê của mình, Lĩnh phải tiết kiệm tiền mừng tuổi để mua bút vẽ. Lĩnh được sống, được vẽ tranh và tìm thấy mình trong đó cũng như chạm vào phần sâu kín trong bản thân mình. Anh thể hiện ước mơ, niềm khao khát mãnh liệt về cuộc sống qua từng bức tranh để mọi người hiểu và đồng cảm, sẻ chia. Những bức tranh của Lĩnh thường hướng tới những người cùng cảnh ngộ như những đứa trẻ tàn tật, nạn nhân bị chất độc da cam… Bên cạnh đó, đề tài của em còn xoay quanh cuộc sống thường ngày như tranh phong cảnh, cuộc sống gia đình và cả những ước mơ, hoài bão của bản thân.
Đến nay đã hơn mười lăm năm theo nghiệp vẽ, Lĩnh có cả gia tài hơn 1.000 bức tranh. Tranh vẽ nhiều là vậy nhưng từ trước đến giờ vẫn chưa thể bán được một bức nào.
Tuy nhiên điều đó cũng không làm chàng trai tật nguyền nản chí và từ bỏ niềm đam mê ấy. Với em, sống là để được vẽ. Và để giới thiệu, quảng bá những “đứa con tinh thần” của mình, em thường tham gia nhiều triển lãm và các cuộc thi về hội họa dành cho người khuyết tật. Riêng trong năm 2014, em có hai cuộc triển lãm tranh, gồm triển lãm “Ngày mới” do tạp chí Sông Hương tổ chức ở Huế vào trung tuần tháng 4 và tham gia triển lãm Mỹ thuật khu vực Bắc Trung tại tỉnh Nghệ An trong tháng 8. Không những thế, em đã lập nên một hội những người khuyết tật đam mê hội họa trên Facebook. Đây vừa là nơi chia sẻ niềm đam mê, tình yêu hội họa của những người khuyết tật và cũng là nơi để em có thể quảng bá, giới thiệu những bức tranh của mình.
Mơ về lớp vẽ cho người khuyết tật
Dù chỉ dừng lại ở lớp năm, nhưng hiện Lĩnh có thể thành thạo máy tính, nói và viết được tiếng Anh. Tuy nhiên, em chỉ muốn tiếp tục học vẽ, được vẽ. Lĩnh cho hay: “Tôi mong mình có thể học vẽ tranh sơn mài. Như vậy vừa thể hiện được đam mê nhưng vẫn có thể kiếm tiền nuôi sống được bản thân mình sau này”.
Bao năm qua, em vẫn luôn trăn trở: “Tôi thiết nghĩ nếu có một cách nào đó có thể tổ chức một cuộc triển lãm tranh của những người khuyết tật với quy mô toàn quốc, chắc hẳn sẽ tạo cho chúng tôi một sân chơi bổ ích và tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân có thể thực hiện công tác từ thiện đối với những người tàn tật”. Lĩnh còn bảo, nếu bán được tranh, anh sẽ trích một phần để ủng hộ cho trẻ em khuyết tật, trẻ em bị chất độc da cam để góp một phần giúp cuộc sống của họ tốt đẹp hơn. “Xa hơn, em mong mở lớp dạy vẽ cho những người đồng cảnh và làm từ thiện”.
Lê Quang Lĩnh giành được giải nhất cuộc thi tranh vẽ “Alaxan - Chiến thắng nỗi đau” tháng 12-2006; giải đặc biệt cuộc thi tranh ảnh về người khuyết tật với chủ đề “Những tấm gương lóe sáng của người khuyết tật” trong khuôn khổ cuộc thi kỷ niệm ngày Người khuyết tật quốc tế 3-12-2012 tại tỉnh Quảng Bình; cùng những tác phẩm tham dự các triển lãm mỹ thuật khác. Năm 2011, Lĩnh được Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong phong trào người tàn tật và trẻ mồ côi vượt khó giai đoạn 2005-2010…
Hoàng Thị Việt