Tình bạn chiến đấu của hai vị tướng
Một ngày giữa tháng 8-1985, hết giờ làm việc buổi chiều, tôi vào Câu lạc bộ quân đội ở đường Hoàng Diệu (Hà Nội) chơi bóng bàn. Như mọi bận, đều thấy Trung tướng Nguyễn Thế Bôn, Phó tổng Tham mưu trưởng đang cùng một số tướng lĩnh say sưa tập bóng bàn ở khu vực dành cho cấp tướng.
Chợt thấy tôi đứng gần đấy, ông liền vẫy tay gọi: “Nhà báo! Cần tìm hiểu về Sư đoàn 9 thì chính ủy đầu tiên của sư đoàn đang ở đây”. Chả là trước đấy ít bữa, biết ông từng có thời gian là Phó sư đoàn trưởng, Tham mưu trưởng Sư đoàn 9, tôi muốn hỏi chuyện nhân ngày truyền thống của sư đoàn.
Thượng tướng Hoàng Cầm (thứ hai, từ trái sang) và Trung tướng Lê Văn Tưởng (ngoài cùng, bên trái) trong một lần gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp (tháng 9-1985). Ảnh tư liệu
Tướng Nguyễn Thế Bôn giới thiệu tôi với một người dong dỏng cao, tóc bạc, da dẻ hồng hào, khuôn mặt vuông vức và miệng cười thật hiền: “Anh Lê Văn Tưởng, Trung tướng, Chính ủy đầu tiên của Sư đoàn 9, hiện đang là Ủy viên Thường trực Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy Quân sự Trung ương”. Vị Trung tướng vui vẻ khi nghe đề nghị của tôi và hẹn tôi một buổi gặp. Trong câu chuyện, ông nhắc nhiều đến những trận đánh đáng nhớ thuở sư đoàn mới ra đời, gắn liền với những kỷ niệm về người sư đoàn trưởng, bạn chiến đấu thân thiết của ông:
“Sư đoàn 9 ra đời tại căn cứ Suối Nhung miền Đông Nam Bộ trên cơ sở hợp nhất hai trung đoàn Q761 và Q762. Cán bộ, chiến sĩ trong đội hình đủ cả 3 miền, đông đảo nhất vẫn là con em miền Đông và Tây Nam Bộ từng tham gia đồng khởi. Năm 1965, anh Hoàng Cầm (sau này là Thượng tướng, Tổng thanh tra quân đội) đang là Sư đoàn trưởng Sư đoàn 312 được cử vào Nam lãnh trách nhiệm Sư đoàn trưởng Sư đoàn 9 mới thành lập, còn tôi sau Chiến dịch Bình Giã được điều về làm Chính ủy. Tôi và anh Hoàng Cầm gắn bó với nhau từ buổi đó. Trải qua các trận đánh, sư trưởng-chính ủy luôn có sự phối hợp rất ăn ý.
Trận đầu chúng tôi cùng ra sở chỉ huy tiền phương, phân công anh Hoàng Thế Thiện, Phó chính ủy sư đoàn trực sở chỉ huy cơ bản, nhưng anh Thiện cũng xin được trực tiếp ra chốt tiền tiêu. Chiều 12-11-1965, quân ta nổ súng tấn công căn cứ Bàu Bàng và Đồng Sổ. Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 1 đột phá vượt qua tuyến bộ binh vòng ngoài, đánh thẳng vào lực lượng quân Mỹ có xe thiết giáp yểm trợ ở vòng trong. Trong khi đó, Tiểu đoàn 5, Trung đoàn 2 đột phá qua Đường 13 chia cắt hai cụm quân Mỹ phía bắc và nam. Tiểu đoàn 6, Trung đoàn 2 đánh ngang cụm quân địch ở Đồng Sổ và Bàu Bàng. Như vậy, từ các hướng, bộ đội ta nhanh chóng thọc sâu, chia cắt địch và không cho chúng dàn trận theo kiểu chính quy. Đến nửa đêm hôm đó coi như giải quyết xong trận địa. Bỗng Tư lệnh Trần Văn Trà đi xe đạp từ căn cứ Bộ chỉ huy Miền xuống, gặp chúng tôi hỏi ngay: “Đánh đấm ra sao rồi?”. Anh Hoàng Cầm báo cáo: “Sau khi nổ súng chừng 20 phút, ta chiếm các mục tiêu, diệt xong bộ binh Mỹ, hiện còn một cụm xe tăng, Trung đoàn 3 đang vây đánh”. Cũng lúc đó, anh Trà nhận được điện của anh Nguyễn Chí Thanh, Bí thư Trung ương Cục miền Nam, rồi cả 3 chúng tôi lập tức đi bộ trong đêm về căn cứ. Anh Hoàng Thế Thiện ở lại trực sở chỉ huy tiền phương. Trưa hôm sau đến Bộ chỉ huy Miền, cũng lúc đó Trung đoàn 3 điện về báo cáo đã diệt xong cụm xe tăng còn lại. Anh Thanh mặc bộ quần áo bà ba đen bạc màu, nét mặt rạng rỡ bảo tôi và anh Cầm đi tắm rửa nghỉ lấy sức đầu giờ chiều làm việc. Buổi chiều nghe anh Cầm báo cáo xong, anh Thanh nhận xét: Trận Vạn Tường bộ đội ta dám đánh Mỹ, đến trận Bàu Bàng này ta chẳng những dám đánh Mỹ, mà còn đánh thắng Mỹ! Trận Bàu Bàng ta diệt hai tiểu đoàn bộ binh, hai chi đoàn thiết giáp, phá hỏng 39 xe, pháo, thu nhiều súng và đồ dùng quân sự. Nhưng ta cũng chịu nhiều tổn thất, 109 cán bộ, chiến sĩ hy sinh. Đây là trận đánh đầu tiên theo đội hình cấp sư đoàn.
Trận Nhà Đỏ-Bông Trang đêm 23 rạng ngày 24-2-1966 cũng là trận đánh đáng ghi nhớ của Sư đoàn 9. Sở cao su Nhà Đỏ-Bông Trang thuộc huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương có hai tiểu đoàn bộ binh thuộc lữ đoàn 1 “Anh cả đỏ” Mỹ phối hợp với hai chi đoàn thiết xa vận đang chuẩn bị mở cuộc hành quân vào Chiến khu Đ. Tôi trực chỉ huy tiền phương, anh Hoàng Cầm, anh Nguyễn Thế Bôn đi nghiên cứu trận địa. Trở về các anh dự kiến: Trung đoàn 1 phụ trách hướng chủ yếu, từ phía đông bắc Nhà Đỏ đánh xuống; Trung đoàn 3 phụ trách hướng thứ yếu, từ tây nam đánh lên; Trung đoàn 2 làm lực lượng dự bị, sẵn sàng tăng viện cho hướng chủ yếu. Tôi nhắc anh Hoàng Cầm lưu ý thêm, địch có thể dùng cơ giới từ hướng tây nam lên đánh xuyên hông Trung đoàn 1. Thế rồi sau hơn 3 giờ chiến đấu, ta diệt gần 1.200 tên địch ở sở cao su Nhà Đỏ, phá hỏng 48 xe quân sự. Đến gần sáng, địch co cụm khoảng 100 tên và 10 xe cơ giới chống trả quyết liệt. Biết trời sáng rõ, địch sẽ huy động máy bay, phi pháo đánh vào đội hình quân ta, vì vậy chúng tôi lệnh cho các đơn vị thu dọn chiến trường. Trận này Sư đoàn 9 được Bộ chỉ huy Miền biểu dương diệt Mỹ và xe cơ giới đạt hiệu suất cao, thương vong của ta thấp hơn hẳn trận trước.
Đến trận đánh phục kích xe cơ giới địch ở cầu Cần Đâm trên Đường 13 thì xảy ra một tình huống liên quan giữa tôi với Tư lệnh Hoàng Cầm. Ở gần cầu Cần Đâm ta đã ém sẵn Trung đoàn 2 chờ địch, nhưng qua hai ngày không thấy chúng lên. Sợ chờ lâu có thể bị lộ, máy bay hoặc pháo tầm xa của địch đánh vào đội hình, anh Hoàng Cầm lệnh Trung đoàn 2 và Trung đoàn dự bị 16 rút về vị trí tập kết ban đầu. Đúng thời điểm đó, ở sở chỉ huy cơ bản, tôi và anh Sáu Khâm, Phó tham mưu trưởng sư đoàn được trinh sát kỹ thuật báo cáo, nghe điện đài quân ngụy ở Lộc Ninh than phiền bị bao vây lâu ngày sống rất khổ sở, quân ngụy ở Bình Long khuyên đồng bọn cố gắng chịu đựng, quân Mỹ sắp lên giải tỏa.
Nhận được tin này, tôi và Sáu Khâm cho xác minh qua trinh sát mặt đất ở Chơn Thành và Bình Dương, quả nhiên có hiện tượng xe tăng và đoàn xe của Mỹ rục rịch hành quân lên hướng Lộc Ninh hoặc Phước Long. Thế là tôi đồng thời điện cho anh Hoàng Cầm và Ban chỉ huy Trung đoàn 2, yêu cầu chưa rút vội, tiếp tục ở lại mai phục. Sau khi phát lệnh, tôi rất lo, nếu đoàn xe địch không lên mà lực lượng mai phục bị phi pháo địch đánh trúng thì tôi, Chính ủy phải hoàn toàn chịu trách nhiệm vì tự ý thay đổi lệnh của Sư đoàn trưởng-Tư lệnh Mặt trận. Trải qua một ngày đêm chờ đợi căng thẳng, rạng sáng 18-6-1966 bỗng nghe rầm rầm một đoàn xe cơ giới địch xuất phát từ Chơn Thành, theo Đường 13 kéo lên Lộc Ninh hướng đến cầu Cần Đâm. Rồi chúng rơi ngay vào ổ phục kích. Sau gần một giờ chiến đấu, quân ta đã diệt 500 tên địch, phá hủy 12 xe M41 và 19 xe M113. Trở lại sở chỉ huy sau trận đánh, anh Hoàng Cầm đang nằm nghỉ trên võng, thấy tôi đến bật dậy, giơ cả hai tay bắt và cười rất vui. Tôi trình bày với anh mọi suy nghĩ của mình, nghe xong, anh nói ngay: “Làm thế là đúng! Chính ủy và Phó tham mưu trưởng trực sở chỉ huy cơ bản, tổng hợp tình hình thực tế lúc đó, được quyền xử lý tình huống và báo cho Tư lệnh sự thay đổi cần thiết. Điều này còn nói lên tinh thần dám chịu trách nhiệm của các đồng chí”.
Từ đó, tôi càng thêm quý đức tính thẳng thắn, xét đoán đúng mức và cầu thị của Sư đoàn trưởng Hoàng Cầm. Chính vì vậy mà trong mấy năm ở Sư đoàn 9, tôi và anh làm việc với nhau lúc nào cũng tâm đắc”.
PHẠM QUANG ĐẨU