Lục tổ đàn kinh dạy: “Bồ đề chỉ cần tìm ở trong tâm, sao lại nhọc công tìm kiếm sự huyền diệu bên ngoài?” Kho báu, tiền tài, của cải ở trong tâm chúng ta là vô tận, sao chúng ta lại bỏ mất kho báu quý giá trong nội tâm mình để đi tìm kiếm những của cải nhất thời trên thế gian? Cho dù có tìm được muôn vàn của cải, thì có thể giúp ích gì cho việc giải quyết phiền não sinh tử của chính mình không?
Quan hệ giữa các nước trên thế giới, đôi khi chỉ vì “khủng hoảng năng lượng” mà trở nên xấu đi, để rồi đánh chiếm lẫn nhau, gây ra sự bất ổn cho nhân loại. “Khủng hoảng năng lượng” chính là thiếu dầu khí, điện, vì thế mà chính phủ các nước trên thế giới thi nhau ráo riết tìm kiếm các nguồn năng lượng. Có nước thì lên núi tìm kiếm, có nước thì xuống biển khai khác, có nước thì cải tạo những phế liệu thành nguồn năng lượng, thậm chí có nước sử dụng ánh sáng mặt trời để tạo thành nguồn năng lượng mặt trời. Nguồn năng lượng bên ngoài tâm con người có thể đi tìm được, nhưng nguồn năng lượng trong tâm lại mong đợi chúng ta tự khai mở.
Nhan Hồi, học trò của Khổng Tử, dù phải ở trong ngõ hẹp, chỉ có một chiếc gáo để uống nước, một cái bát để ăn cơm, trong khi người khác không kham được nỗi ưu tư ấy, thì ông lại không hề thay đổi thú vui của mình, vì ông đã tìm được nguồn năng lượng trong tâm. Tôn giả Đại Ca Diếp, một trong mười đại đệ tử của Đức Phật, thường ở trong động, hoặc bên bờ sông, hay dưới tán cây mà thiền định an nhiên thư thả, bởi ngài hưởng thụ trọn vẹn sự giàu có dư giả đến từ nguồn năng lượng trong nội tâm của mình. Vua A Dục, một vị hộ pháp minh quân, dùng đức nhân để trị nước, bởi vì trong lòng ông đã có một kho báu dồi dào. Đường Thái Tông, bậc nhân quân đã lập ra một thời kỳ “Trinh Quán thịnh trị”, điều này cũng giúp ta thấy nguồn năng lượng tràn đầy trong tâm khảm của ông.
Đại Châu Tuệ Hải thời Đường đến tham vấn Mã Tổ Đạo Nhất.
Mã Tổ hỏi: “Ông đến đây có việc gì?”
Đại Châu đáp: “Con đến đây để cầu học Phật pháp!”
Mã Tổ cười nhạo rằng: “Kho báu vốn có của ông mà không dùng, lại vượt đường xa đến đây cầu Phật pháp gì ở tôi?”
Đại Châu không hiểu, hỏi: “Kho báu của con ở đâu?”
Mã Tổ đáp: “Ông đang hỏi tôi về tâm, đó chẳng phải là kho báu của ông sao?”
Bởi vậy, chỉ cần mọi người tự mình giác ngộ rằng “ta là Phật”, chỉ cần chúng ta chịu thừa nhận “ta là Phật”, như vậy chẳng phải là đã tìm ra kho báu của mình rồi sao? Nếu không thì biển đời mênh mông, sinh tử chìm nổi, không biết khai quật kho báu trong tâm mình, thì dù có học theo ngài Triệu Châu đã 80 tuổi vẫn còn du hóa khắp nơi, cũng chỉ là uổng phí tiền mua giày, có ích gì cho sự giác ngộ sinh tử của chính mình chứ?
Phật giáo không phản đối con người giữ tài sản và làm ra tài sản, của cải trên thế gian này đương nhiên rất là quan trọng đối với đời sống hiện tại. Nhưng việc khai thác kho báu trong tâm chúng ta, khai mở nguồn năng lượng của tự tâm lại càng quan trọng hơn. Do đó, thấu hiểu được mình, tin tưởng chính mình, thậm chí khẳng định chúng sinh đều có Phật tính, như vậy mới thực sự là người có của cải. Bạn có thể khai thác được Phật tính mà ai ai cũng có chăng? Được vậy thì chính bạn sẽ là người giàu có nhất thế gian này!