Tôi tin mình được hội tụ đầy đủ tính kiên định và đức hạnh để giữ vững danh hiệu mà tôi cho là đáng ghen tị nhất trong tất cả các danh hiệu:"Người trung thực".
- George Washington
Nếu tiến hành một cuộc khảo sát ngẫu nhiên với hàng ngàn người và hỏi liệu họ có phải là người trung thực hay không, đa phần sẽ trả lời: "Tại sao không chứ? Tất nhiên tôi là người trung thực". Sự thật thì ai cũng tưởng mình là người trung thực. Bạn hỏi một tên lừa đảo, hắn cũng sẽ bảo rằng hắn trung thực. Hắn còn giải thích: "Tôi nói cho người ta biết rằng tôi sắp ăn cắp của họ. Và đó là sự trung thực của tôi". Điều này nghe có vẻ ngớ ngẩn, nhưng một số người vẫn nghĩ như vậy. Con người có những quan điểm khác nhau về tính trung thực.
Câu nói ưa thích của người bình thường là: "Vâng, tôi trung thực, nhưng…". Hãy nhớ rằng từ nhưng luôn chứa đựng những lời nói dối đang được nung nấu và che đậy. Sự trung thực chân chính không thể bị che đậy, cũng không thể bị lu mờ. Không có nếu, và, nhưng mà… nào cả. Sự thật là sự thật. Do nhiều người đánh mất khả năng cảm nhận sự thiếu trung thực nên họ khó nhận biết khi nào họ thiếu nó.
Chúng tôi đã thiết lập một bộ quy tắc riêng bao gồm những điều trung thực và những điều không trung thực. Khi phải đối mặt với một tình huống, chúng ta thường trốn tránh sự thật bằng một "điều khoản ngoại lệ" sẵn có mà chúng ta hay dùng một cách hào phóng: "Tôi trung thực, nhưng thuế lại là một vấn đề khác". Đó chỉ là một trong số hàng triệu lời biện hộ mà người ta thường sử dụng.
Khi tôi còn học ở Học viện Quân sự West Point, quy tắc danh dự luôn được tôn trọng: nếu bạn nói dối, gian lận, ăn cắp, hoặc dung túng cho bất cứ người nào làm điều đó, hội đồng kỷ luật sẽ đuổi bạn ngay!
Có thể bạn nói ra sự thật, nhưng bạn vẫn không phải là người trung thực.
Vì không muốn bị đuổi khỏi học viện nên tôi không nói dối, không gian lận và không ăn cắp, và thế là tôi nghĩ mình thật sự là người trung thực. Mãi sau này tôi mới nhận ra rằng tôi cần kiểm tra lại tính trung thực của bản thân. Có thể bạn nói ra sự thật, nhưng bạn vẫn không phải là người trung thực. Sự trung thực không phải là khắc phục thành công một vài sự cố. Trung thực chính là lối sống, là bản chất con người bạn, chứ không đơn thuần là thỉnh thoảng mới thực hiện đôi lần. Chiến binh nhân từ lúc nào cũng thể hiện sự trung thực, ngay cả khi quanh họ không có ai hoặc trong tình huống họ có thể đánh đổi bằng mạng sống của mình.
Lời nói dối chấp nhận được
Trong một buổi hội thảo, Tom, cố vấn của tôi, yêu cầu mọi người đi quanh lớp để bắt chuyện và kể cho các học viên khác nghe một điều thực sự có ý nghĩa đối với bản thân, điều mà chúng tôi mong muốn đạt được. Tôi đã nói với cả lớp rằng tôi muốn học cách tổ chức công việc tốt hơn. Tôi thật sự muốn thế. Tôi không nói dối, nhưng tôi vẫn chưa hoàn toàn trung thực. Điều thực sự có ý nghĩa đối với tôi và tôi thực sự mong muốn là mối quan hệ lãng mạn, nồng nhiệt và vững bền với vợ mình. Nhưng chắc chắn tôi không nói điều đó với người lạ, càng không nói với những người mà tôi quen biết. Mọi người nghĩ rằng tôi cũng muốn giống họ và tôi sợ những gì mà họ sẽ tưởng tượng ra nếu như tôi nói thật. Trong khi đó, tổ chức công việc tốt là một ý tưởng dễ chấp nhận hơn.
Tôi bắt đầu thấy rằng mặc dù không nói dối, nhưng rất nhiều lần trong các mối quan hệ công việc cũng như cá nhân, tôi đã không bày tỏ đầy đủ sự thật. Sự thiếu trung thực có thể xuất hiện dưới nhiều hình thức khác nhau. Có người mắc thói quen chỉ nói những điều anh ta cho rằng người khác muốn nghe. Như vậy là người này đang che giấu một điều gì đó. Anh ta không chỉ giấu đi toàn bộ sự thật, mà còn che đậy một phần con người mình – phần mà anh ta không muốn người khác biết. Đó là những thông tin mà rất ít người muốn tiết lộ ra ngoài. Chúng có thể xuất phát từ nỗi sợ hãi hoặc thậm chí từ niềm kiêu hãnh của họ.
Dù động lực là gì thì một số người vẫn dùng những lý lẽ thuyết phục để che giấu sự thật. Tuy họ không cảm thấy mình thiếu trung thực, nhưng thực tế vẫn là vậy. Đối với chiến binh nhân từ, trung thực không phải là cung cấp cho mọi người những gì họ muốn nghe, hay những điều nghe có vẻ xuôi tai. Thay vào đó, trung thực là cung cấp cho mọi người sự thật, toàn bộ sự thật, và không gì ngoài sự thật. Khi mọi người che giấu ý định thành thật nhất của mình và chỉ nói những điều mà họ muốn đối phương nghe, thì họ đang gây tác hại cho chính mình lẫn người nghe.
Muôn mặt của lời nói dối
Sự không trung thực được thể hiện dưới nhiều hình thức. Khi người ta nói ra một sự thật trong những hoàn cảnh thuận lợi thì không có nghĩa là họ không nói dối. Có những việc người ta chuẩn bị làm và họ thậm chí không nhận ra rằng mình đang thiếu trung thực.
Phần này không chỉ bàn về việc bóc trần lời nói dối, mà còn đề cập đến những vấn đề sâu xa hơn mang ý nghĩa tự khám phá. Có một số điều về bản thân mà chắc bạn chưa biết; đến khi được khám phá, những bí ẩn này sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về mình. Dưới đây, tôi xin liệt kê các hình thức thiếu trung thực, với mong muốn giúp bạn nhận ra, từ đó nỗ lực hơn nhằm thể hiện thái độ trung thực, ngay cả trong những điều kiện bất lợi.
Có một số biểu hiện của sự thiếu trung thực:
1. Kể về một chuyện không có thật. Đây là biểu hiện thiếu trung thực dễ gặp nhất. Có lẽ bạn đã nghe những câu chuyện về các cuộc chiến, trong đó số lượng tử vong được phóng đại lên nhiều lần nhằm cung cấp thông tin sai lệch, cốt để làm hài lòng cấp chỉ huy. Người đang nói dối biết rõ đó là lời nói dối. Những nhà quản lý vẫn hay nói với cấp trên rằng họ sẽ làm được việc này việc kia ngay cả khi họ biết mình không có khả năng. Nhân viên kinh doanh thường hứa hẹn những điều phi thực tế chỉ vì muốn bán được hàng. Người ta sử dụng hình thức nói dối này nhằm mục đích tạo cho mình vẻ ngoài tốt đẹp, tránh những hậu quả tiêu cực, hoặc để thoát khỏi trách nhiệm.
2. Vẽ nên ảo tưởng về điều không có thật. Những nhân viên tiếp thị qua điện thoại nói với sếp: "Tôi đã thực hiện 20 cuộc gọi". Thực tế, họ chỉ nói chuyện với 10 người và để lại tin nhắn cho 10 người. Họ biết rõ rằng họ chỉ nói chuyện với 10 người và đó chính là số người mà họ thực sự gọi điện. Trên lý thuyết, họ có thể gọi cho cả ngàn người, nhưng chẳng nói chuyện với người nào cả. Và thực tế cũng coi như họ chưa gọi cho ai. Họ tự tạo ra ảo tưởng rằng mình đã hoàn thành một việc mà họ không hề làm.
3. Không kể hết sự thật. Một trong những lý do chính khiến người ta không trung thực là họ không muốn bị đánh giá là tệ hại hoặc xấu xa. Che giấu sự thật cũng là không trung thực. Tôi không có ý khuyên bạn nên phơi bày những điều xấu xa trước tất cả những người mà bạn gặp. Bạn phải vận dụng trí tuệ. Nhưng nếu bạn giữ lại thông tin nhằm thoát khỏi hậu quả thì bạn đã không trung thực rồi, cũng y như bạn nói dối vậy.
4. Giả vờ không biết. Trong công việc hay trong hôn nhân, bạn thường bỏ qua những điều gì? Các vấn đề vẫn ở đó, nhưng bạn hành động như thể chúng không tồn tại. Trung thực với chính mình cũng quan trọng như trung thực với người khác. Không phải bạn đang tự lừa dối mình, mà bạn đang cản trở bước tiến bộ của chính mình bằng những điều mà bạn biết không phải là sự thật, ngay cả khi chỉ mình bạn biết điều đó. Bạn biết rằng mình biết, vậy tại sao bạn không nói ra? Đừng cố lừa dối bất cứ ai, nếu bạn không muốn bị người khác lừa bạn.
Minh bạch và trung thực
Có một sự khác biệt rõ ràng giữa tính minh bạch và sự trung thực. Minh bạch là khi mọi thứ đều được nhìn thấy một cách dễ dàng. Sự trung thực luôn có lý do để tồn tại, nhưng không phải lúc nào minh bạch cũng là khôn ngoan. Đôi khi minh bạch là cần thiết, nhưng có lúc bạn cần tiết chế sự minh bạch. Ví dụ, bạn có một chuyện tình cách đây 20 năm và hiện tại bạn không còn vương vấn gì. Vậy thì bạn không nhất thiết phải minh bạch trong vấn đề này. Nói hết sự thật có thể làm bạn nhẹ lòng, song lại có thể tác động xấu đến người bạn đời hiện tại của bạn. Mặt khác, nếu bạn được hỏi đã từng trải qua mối tình nào chưa, sự trung thực đòi hỏi bạn phải trả lời thành thật, mặc dù điều đó sẽ làm bạn không thoải mái.
Minh bạch nên hướng đến việc giúp đỡ người khác chinh phục một lĩnh vực mà bạn đã chinh phục. Minh bạch có mục đích rất rõ ràng. Hãy xem các định nghĩa trong Từ điển Webster:
• Minh bạch – (a) không giả vờ hay lừa dối; (b) dễ dàng tìm kiếm hay nhìn thấu; (c) dễ hiểu; (d) có tính chất hiển thị hoặc cho phép tiếp cận thông tin, đặc biệt liên quan đến các thông lệ kinh doanh.
• Trung thực – (a) sự công bằng và thẳng thắn trong hành vi; (b) gắn liền với sự thật; nói đến tính đáng tin cậy và không thể mua chuộc đến mức người đó không thể đi ngược lại sự tin tưởng, trách nhiệm hoặc cam kết.
Theo định nghĩa này, trung thực liên quan đến sự liêm chính và đáng tin cậy, trong khi minh bạch có nghĩa là bộc lộ bản thân để mọi người có thể hiểu rõ hơn về bạn. Đôi khi, mọi người né tránh cả sự trung thực lẫn tính minh bạch bởi vì họ sợ. Với trung thực, hầu như ai cũng phải cân nhắc các hậu quả. Mọi người thường thu mình yên phận bởi vì họ không muốn bị mắng hoặc sa thải. Hãy tham khảo trường hợp của Enron. Nhân viên cấp dưới đã không vạch trần những người mà họ biết chắc đang tham gia vào những hoạt động phạm pháp chỉ bởi vì họ sợ mất việc.
Rõ ràng là sự trung thực có thể mang lại những hệ quả tai hại. Đó là lý do khiến người bình thường không muốn trung thực. Tuy nhiên, cái giá của sự không trung thực là gì? Thường là mất đi sự thân mật, tính hiệu quả và sự sinh động. Trước tiên, lời nói dối sẽ hủy hoại niềm tin mà người khác đã đặt vào bạn. Nếu bạn từng nói dối, mọi người sẽ không còn tin bạn nữa. Mọi mối quan hệ và hoạt động kinh doanh đều dựa trên sự tin cậy. Do đó, bạn đã phá vỡ mối quan hệ tin cậy và làm cho công việc kinh doanh trở nên chậm chạp, kém hiệu quả.
Thứ hai, mỗi khi bạn vi phạm những nguyên tắc của bản thân là một lần bạn dùng dao tự cắt vào da thịt mình. Một phần con người bạn chết đi. Bất kể nguyên tắc nào bị vi phạm cũng vậy, bạn sẽ không còn là một con người nguyên vẹn; bạn đã làm tổn thương sự chính trực của mình. Đó là lý do trong thế giới này có rất nhiều kẻ "dở sống, dở chết" ở độ tuổi 40-50. Họ tồn tại, chứ không thực sự sống. Bạn có thể cảm nhận điều này rất rõ. Người bình thường không coi trọng giá trị của tính minh bạch, tính chân thực và xác thực của sự việc.
Hầu hết mọi người đều có những bí mật không muốn cho ai biết. Cũng chẳng sao. Bạn không nhất thiết phải nói cho cả thế giới biết mọi thứ. Tuy nhiên, có những lúc nói cho người khác biết vấn đề rắc rối sẽ giúp bạn và cả những người khác được thoải mái. Lúc ấy chính là thời điểm thích hợp để minh bạch.
Những người có liên quan trong vụ bê bối Enron đều không minh bạch, bởi vì nếu có thì sự minh bạch đã phơi bày những điều mà họ muốn che giấu. Mọi người chỉ quan tâm đến năng lực cạnh tranh và hình ảnh của một công ty hay tổ chức, nhưng gần như ở đâu họ cũng tìm kiếm những người lãnh đạo minh bạch và chân thật - tính minh bạch của họ mang lại cho mọi người cảm giác yên tâm, chắc chắn trong những thời điểm khó khăn. Tiếp thị đa cấp là một ngành mang tính đột phá, nhưng uy tín của nó bị làm vấy bẩn bởi những con người thiếu trung thực. Bởi trung thực là một trong những phẩm chất được coi trọng nhất nên các chiến binh nhân từ không bao giờ để cho uy tín của ngành mình bị ảnh hưởng xấu bởi hành vi của họ hoặc của bất kỳ ai.
Kẻ nói dối giàu có
Sự thiếu trung thực cũng ẩn dưới nhiều hình thức. Một số người sắm xe hơi đắt tiền, quần áo hàng hiệu và nhà cửa sang trọng để đánh bóng hình ảnh bản thân. Vẻ bề ngoài ấy thu hút người khác đến với họ thật. Thế nên đôi khi người ta vẫn cố gắng mua bằng được những thứ mà khả năng tài chính của họ không cho phép, bởi họ hiểu sức mạnh của hình ảnh bề ngoài. Đừng nói với người khác rằng bạn kiếm được nhiều tiền, nếu sự thật không phải vậy. Hãy cho họ biết bạn đang trong quá trình làm ra tiền.
Tôi thừa nhận là chẳng có gì hay khi nói với hơn 100 khách hàng tiềm năng rằng bạn đang tích cóp để mua một chiếc Lexus, và trong khoảng 10 tháng - chỉ bằng tiền thu được từ công việc kinh doanh tiếp thị đa cấp - bạn sẽ có đủ tiền. Thường thì điều này không có tác dụng ngay đâu, nhưng nếu bạn thử thì cũng có thể thành công. Cách tiếp cận như vậy có thể làm một vài người ngạc nhiên, ồ không, thật ra nó làm cho tất cả mọi người phải kinh ngạc. Nhưng mọi người sẽ kính trọng bạn hơn khi bạn tỏ ra trung thực. Có thể nói trung thực tạo ra sự tin cậy, mà sự tin cậy chính là nền tảng căn bản trong kinh doanh.
Hình ảnh bề ngoài không thể hiện toàn bộ bản chất con người, mà chỉ phản ảnh sự kém tự tin của họ. Phần lớn những người này hiếm khi tỏ ra minh bạch hoặc trung thực. Họ sợ ai đó sẽ phát hiện ra họ không phải là con người như họ luôn tuyên bố, và rằng họ đã lừa dối trong nhiều năm qua. Khi một người xác định giá trị bản thân bằng của cải, anh ta sẽ phải luôn duy trì một hình ảnh nào đó chỉ để làm người khác vui lòng. Những chiến binh truyền thống sử dụng vật chất làm công cụ mang lại lợi ích cho mình. Chỉ đơn giản có vậy. Họ không bao giờ định nghĩa bản thân bằng những tài sản mà họ sở hữu. Họ chỉ xem chúng như công cụ mà thôi. Bạn là người trung thực - điều đó ý nghĩa hơn nhiều so với vật chất.
Vậy thì việc bạn không quá quan tâm đến hình ảnh phù phiếm bề ngoài có thể thật sự mang lại cho bạn những tinh hoa cuộc sống. Cần có thời gian và quyết tâm để hiện thực hóa giấc mơ của mình. Có thể mọi việc sẽ không xảy ra ngay đâu, nhưng quá trình này vô cùng quý giá và bạn phải trân trọng từng khoảnh khắc.
Hãy nhớ rằng thanh gươm của chiến binh cần phải được uốn gập 80.000 lần, được nung nóng rồi quay đập liên tục trước khi hoàn thiện và đưa vào sử dụng. Có lẽ trước khi bắt tay vào việc, bạn cũng cần được tôi luyện 80.000 lần. Đừng cố gắng trở thành tất cả mọi thứ chỉ sau một đêm. Điều đó cần thời gian và sự trung thực của bạn. Hãy thực hiện những bước nhỏ và mọi người sẽ đánh giá cao con người bạn.
Bí mật nhỏ bé của bạn là gì?
Trong quyển Winning (Giành chiến thắng), Jack Welch, tác giả và cũng là giám đốc điều hành Tập đoàn General Electric, gọi "sự thiếu trung thực" là "bí mật nhỏ" lớn nhất trong kinh doanh. Ông viết:
Quả là một vấn đề lớn. Về cơ bản, sự thiếu trung thực sẽ ngăn chặn những ý tưởng thông minh, hành động mau lẹ, và những người tốt không thể cống hiến tất cả những gì họ có. Đó là kẻ sát nhân. Khi bạn trung thực, hãy để ý mà xem, mọi việc sẽ vận hành nhanh chóng và hiệu quả hơn nhiều.
Tôi đồng ý với Jack. Có lẽ, ông là giám đốc điều hành thành công nhất trong lịch sử nước Mỹ. Nếu có một người biết rõ tính trung thực trong kinh doanh và ảnh hưởng lớn mạnh của sự trung thực đến thành công tổng thể thì người đó chỉ có thể là Jack Welch. Trung thực làm cho mọi việc trôi chảy hơn. Ngược lại, sự thiếu trung thực làm chậm quá trình phát triển của tổ chức, gia đình, cá nhân và cả sự mở mang trí tuệ.
Hãy trung thực với chính mình. Bạn có thể cải thiện điều gì? Bạn cần phát triển thêm những lĩnh vực nào? Trong trường hợp nào bạn có thể hành động một cách chín chắn hơn so với trước đây? Hãy đánh giá bản thân và tự chấm điểm. Hãy trung thực. Hãy tự xác định những lĩnh vực nhằm hoàn thiện tổng thể con người bạn. Chiến binh không muốn những người xung quanh lúc nào cũng tán thưởng mình. Họ muốn làm việc với những người có khả năng góp ý thẳng thắn về những lĩnh vực mà họ cần cải thiện, giúp họ phát triển, tiến bộ và thịnh vượng.
Trong tình huống nào, bạn có thể hành động chín chắn hơn so với trước đây?
Tại sao phải trung thực? Bởi vì bạn quan tâm
Tại sao người ta lại muốn trung thực trong hôn nhân hay trong kinh doanh? Lúc đó họ được lợi gì? Như tôi đã nói ở trên, sự trung thực giúp bạn nâng cao năng lực. Một trong những lý do quan trọng khác khiến bạn trung thực là bởi bạn biết quan tâm. Nếu bạn không quan tâm đến bất kỳ ai hay bất kỳ điều gì, sự trung thực cũng chẳng còn mấy ý nghĩa với bạn nữa.
Bạn đã từng sử dụng ma túy, nhưng nếu con bạn hỏi, liệu bạn có nên nói dối chúng không? Tuyệt đối không! Đừng lừa dối con trẻ. Hãy nói sự thật. Hãy nói với chúng rằng bạn đã từng "dính" vào ma túy và bạn thực sự hối tiếc về điều đó. Tốt nhất là hãy tỏ ra trung thực và thể hiện sự quan tâm, thay vì để người khác tự phát hiện những điều không hay về bạn. Sự trung thực sẽ phát triển niềm tin và cả sự thân tình.
Tuy nhiên, khi bạn biết quan tâm, tính trung thực vẫn có thể khiến cho tình bạn, cuộc hôn nhân và công việc kinh doanh trở nên rắc rối. Nó làm cho mọi việc xáo trộn. Nhiều cặp vợ chồng đã kết hôn vài chục năm vẫn không trung thực với nhau. Với họ, sự trung thực được ví như một "bãi mìn" tiềm ẩn nhiều nguy cơ làm tổn thương tình cảm. Người bình thường sẽ từ chối một cuộc trò chuyện trung thực nhưng khó khăn và hành xử tùy theo hoàn cảnh. Họ sợ đánh mất những gì mình đang có và tránh đối thoại hoặc tỏ thái độ mập mờ, nước đôi. Có lẽ bạn cũng được dạy rằng chẳng ai làm sao vì những lời nói dối vô hại. Điều đó không đúng – và bạn biết rõ như vậy.
Tôi không có ý khuyên bạn sử dụng sự trung thực như một lý do để biện minh cho sự tàn nhẫn. Hãy nói sự thật và tôn trọng người khác. Ví dụ, hai người có quan hệ tình cảm với nhau thường đặt ra những kỳ vọng khác nhau: Một người xem đó là mối quan hệ lâu dài bền vững, trong khi người kia chỉ hưởng ứng theo và xem như một trò vui. Sẽ là không trung thực nếu hai bên cứ tiếp tục duy trì mối quan
hệ này mà không đối mặt với thực tế. Vậy thì rắc rối chắc chắn sẽ đến, chỉ là sớm hay muộn thôi. Chiến binh nhân từ không bao giờ hành xử kiểu đó. Anh tôn trọng người khác và tôn trọng nguyên tắc trung thực bằng cách tuyên bố rõ vị trí và quan điểm của mình trong mọi mối quan hệ.
Trong nhiều năm, người ta làm ngơ trước những tổn thất do sự phân biệt chủng tộc. Nhiều người vẫn làm ngơ trước ảnh hưởng từ việc hủy hoại môi trường hoặc sự xuống cấp trong học đường. Một số người có thân hình quá khổ lại không trung thực với chính mình - họ tự bảo mình cứ tiếp tục ăn uống mọi thứ, mọi lúc, mọi nơi mà vẫn khỏe mạnh như thường. Thời gian trôi đi, thái độ đó sẽ âm thầm giết chết họ. Càng sớm đối mặt với vấn đề, họ càng có nhiều cơ hội sống sót. Điều này đúng với mọi mặt của đời sống. Phòng ngừa luôn luôn là phương pháp tốt nhất để xử lý vấn đề.
Chiến binh nhân từ xử lý các vấn đề trước khi chúng phát sinh và vượt tầm kiểm soát. Hãy học tập chiến binh nhân từ bằng cách quan tâm hết lòng và chân thành tới bản thân và những người xung quanh.
Trung thực - thanh gươm hai lưỡi
Hầu hết mọi người không lường trước được hậu quả của sự trung thực, vì thế họ cố né tránh sự trung thực. Ví dụ việc thanh toán bằng tiền mặt, thay vì sử dụng thẻ tín dụng. Với tiền mặt, bạn sẽ thanh toán ngay, đầy đủ và cảm thấy hơi khó chịu trước những khoản chi trả lớn. Với thẻ tín dụng, bạn nuôi dưỡng một tâm lý ảo rằng bạn luôn dư dả, thoải mái, cho đến khi phải thanh toán hóa đơn. Và hậu quả là bạn chìm trong cảm giác lo lắng, trầm uất.
Trung thực như một thanh gươm hai lưỡi - có thể cắt đứt, nhưng cũng có thể nối lại. Đó là sức mạnh của thanh gươm. Thường thì cần phải cắt bỏ trước rồi mới tính đến chuyện hàn gắn. Không phải lúc nào cũng làm bạn dễ chịu, nhưng "liệu pháp" này rất hiệu quả. Khi bạn quyết định chọn con đường của chiến binh nhân từ, sự trung thực sẽ mang lại nhiều lợi ích.
1. Sự trung thực làm gia tăng tính thân mật. Nếu tôi muốn một mối quan hệ trở nên sâu sắc và có ý nghĩa, tôi chỉ có thể vận dụng tính trung thực. Sự thân mật có nghĩa là tôi có thể nhìn thấy mọi thứ của mình. Nếu tôi muốn có sự thân mật, trung thực là một điều bắt buộc.
2. Sự trung thực sẽ lôi kéo thêm nhiều người nhập cuộc.
Khi tôi trung thực với những điều tôi suy nghĩ, những người khác cũng sẽ trở nên trung thực hơn. Ở nơi làm việc, nếu tôi muốn mọi người tận tâm hơn, tôi phải trung thực. Mọi người sẽ nỗ lực cống hiến nhiều hơn, sáng tạo nhiều hơn, thay vì luôn phàn nàn.
3. Sự trung thực đẩy nhanh tiến độ công việc. Các sự kiện sẽ không bị đảo lộn. Thời gian được tiết kiệm và hiệu quả công việc được nâng cao.
Sử dụng phương pháp ngoại giao
Cuối cùng, đừng sử dụng nguyên tắc trung thực để biện minh cho cảm giác khó chịu và thái độ khiếm nhã, làm mất danh dự người khác. Hãy vận dụng cách ứng xử khéo léo của bạn. Chẳng ích gì khi trách mắng người khác chỉ vì bạn thấy họ cần cải thiện một lĩnh vực nào đó. Bạn chưa bao giờ hỏi họ về các ý kiến phản hồi, đúng không? Trong công ty, tôi đã từng nghe nhiều câu như thế này: "Tôi có thể góp ý đôi điều không?", người kia liền đáp: "Không, hiện giờ tôi đang có nhiều vấn đề phải suy nghĩ. Tôi không muốn nghe thêm nữa. Để ngày mai nhé". Nếu một người sẵn sàng tiếp nhận thông tin phản hồi, bạn sẽ luôn tìm ra cách để nói những điều cần nói mà không tỏ ra thô lỗ hay bất lịch sự. Hãy nhớ rằng sự chỉ trích thường có tác dụng ngược, chứ không thay đổi được đối tượng bị chỉ trích. Bạn chỉ có thể phê bình người khác những điều phản ánh kinh nghiệm của chính bạn. Bạn chỉ có thể nhận diện ở người khác những điều dễ dàng được tìm thấy ở bạn. Sự khác biệt duy nhất giữa bạn và họ là vấn đề của họ dễ nhìn thấy, còn vấn đề của bạn thì bị che khuất.
Bạn chỉ có thể phê bình người khác những điều phản ánh kinh nghiệm của chính bạn. Bạn chỉ có thể nhận diện ở người khác những điều dễ dàng được tìm thấy ở bạn.
Hãy cân nhắc kỹ những ý định của bạn trước khi tiếp cận đối phương. Bạn mong muốn đạt được điều gì? Hãy tỏ ra trung thực. Bạn có thật sự muốn giúp đỡ họ không, hay chỉ muốn làm cho họ xấu hổ? Nếu ý định của bạn là vế thứ hai thì hãy giữ lại những lời nói đó, bất kể chúng có trung thực hay không. Hãy học cách tiếp cận vấn đề sao cho phù hợp. Nếu bạn thực sự có thiện chí, cách xử lý tình huống của bạn nhất định sẽ mang lại kết quả tốt đẹp. Nếu ý định của bạn là tốt đẹp, nhưng cách đặt vấn đề lại thiếu tế nhị, thì ý định ấy cũng trở nên vô dụng, bởi nó không mang lại kết quả tốt đẹp nào.
Hãy sáng suốt vận dụng óc phán đoán trước khi tham gia một tình huống cần sự trung thực. Thật ra, những vấn đề liên quan nên được cân nhắc cẩn thận nhất. Hãy hoàn thiện kỹ năng đó trước khi bạn áp dụng những kỹ năng này lên đối tượng khác. Chúng ta được dạy cách nói "những điều đúng đắn" trong nhiều tình huống khác nhau. Nhưng việc đó cũng không thể che đậy con người thật của bạn. Tốt hơn cả là hãy xử lý vấn đề một cách trung thực ngay từ đầu. Khao khát thực sự của bạn sẽ bộc lộ. Những ước muốn và động lực thật sự của bạn cũng bộc lộ theo thời gian. Chẳng có bí mật nào là mãi mãi.
Khi điều đó xảy ra, bạn sẽ biến thành kẻ tồi tệ trong mắt mọi người. Họ sẽ không còn tin cậy những lời bạn nói. Họ nhận ra rằng bạn chỉ nói những điều người khác muốn nghe. Một nhà thầu xây dựng thường cam đoan "Công việc sẽ hoàn thành trong một tháng" chỉ vì khách hàng muốn thế. Vậy mà họ phải mất đến hai tháng mới thi công xong.
Khách hàng giận dữ. Nhà thầu sợ hãi và lo lắng vì biết mình có thể bị kiện do vi phạm hợp đồng.
Anh ta đã nói với khách hàng những điều họ muốn nghe, nhưng lại không có ý định giữ đúng lời. Những tình huống này rất phổ biến trong cuộc sống của chúng ta.
Hãy chỉ nói những điều bạn sẽ làm và hãy thực hiện những điều bạn cam kết. Người bình thường hay nói những câu đại loại như "Tôi sẽ cố gắng". Đó là sự cam kết giả tạo. Cố gắng nghĩa là nói dối. Chuẩn bị sẵn một lối thoát trong trường hợp mọi việc không diễn ra như mong đợi chính là né tránh sự thật. Bạn không thể tham gia một công việc khi nghĩ rằng nó sẽ thất bại. Chỉ cần bạn nghĩ đến thất bại, thế nào công việc cũng sẽ thất bại. Họ cam kết bằng những lời thề, nhưng thật ra là nói cho người kia nghe những điều mà họ và những người chứng kiến muốn nghe, còn chính người nói lại không-trung-thực-lắm.
Sau tất cả những cuộc trao đổi, sự thật của bạn – được thể hiện trong từng hành vi – là điều duy nhất mà mọi người sẽ thấy. Vậy nên giải pháp chính là sự trung thực.
Các nhà thầu hãy cho khách hàng biết trước rằng bạn đang tập trung vào một công trình lớn ở thành phố khác và bạn nhận công trình này nhằm đảm bảo doanh thu để trả lương cho nhân viên. Hãy cho họ biết công việc có thể kéo dài hơn bình thường, như thế là bạn đã chuẩn bị tinh thần cho họ, khiến họ kiên nhẫn hơn. Sự trung thực có thể làm bạn mất vài khách hàng, nhưng sẽ thu hút được nhiều người khác.
Những chiến binh truyền thống không nói nhiều. Họ là những người trầm lặng. Không phải họ không biết nói gì, mà vì họ hiểu được sức mạnh của lời nói và không muốn sử dụng lời nói một cách tùy tiện. Chiến binh nhân từ nhận thấy sự im lặng buộc họ phải hành động, có khi còn nhanh hơn cả những lời nói.
Chiến binh nhân từ đặt nguyên tắc cao hơn quyền lợi cá nhân.
Người bình thường chỉ làm những việc có lợi cho mình.