Con trai trưởng trong nhà gọi là đại ca; người tài giỏi trong xã hội cũng gọi là đại ca. Người dám xuất đầu lộ diện, thấy việc nghĩa thì dũng cảm đón nhận, được tôn làm đại ca; các anh em trong giang hồ, lấy nghĩa khí làm đầu, cũng gọi người đứng đầu là đại ca.
Đại ca là tốt hay là không tốt? Trong gia đình đông anh chị em, người được gọi là đại ca có thể thay các em nhỏ gánh vác nguy hiểm. Nhưng có đại ca trước mặt anh chị em chỉ tỏ ra mạnh mẽ, hiếu thắng, tự ngồi vào vị trí đại ca; có đại ca trước mặt anh chị em thì khiêm nhượng hài hòa, lấy mình làm gương, vun đắp cho sự hài hòa và mỹ mãn trong gia đình.
Đại ca trong xã hội, có người giúp đỡ những kẻ yếu đuối nhỏ bé, giải quyết mâu thuẫn; nhưng cũng có người không biết khiêm tốn, tự cao tự đại, tranh công hám danh, tự phụ, lấy địa vị đại ca mà dương dương tự đắc. Đại ca trong giang hồ, trọng nghĩa khinh rẻ tiền của, xung phong trước hiểm nguy, dũng cảm tiến về phía trước. Cho nên ta thấy đại ca cũng có nhiều loại.
Ngoài “đại ca”, trong xã hội, trong làng xóm, cũng có nhiều vị “đại lão”, ví dụ như đại lão chính trị, đại lão trong đảng, đại lão trong gia tộc, đại lão trong gia đình, đại lão trong nhóm bạn bè. Người được tôn là đại lão, cần có cái đạo của đại lão. Ví dụ như có người chính trực vì quốc gia, được gọi là đại lão chính trị, có người cống hiến cho đảng nên gọi là đại lão trong đảng, có người cống hiến cho gia tộc nên gọi là đại lão trong gia tộc, có người cần kiệm yêu gia đình nên thành đại lão trong gia đình, có người lấy đức làm người khác phục nên làm đại lão trong đám bạn bè.
Xét từ ý nghĩa văn tự, “đại lão” có vẻ cao thượng hơn “đại ca”. Đại lão thông thường chỉ những bậc tuổi cao, có đạo đức, hành vi cử chỉ làm khuôn mẫu cho người đời hoặc một tập thể. Họ học hành tinh chuyên, có sự cống hiến kiệt xuất cho đoàn thể, sau khi nghỉ hưu, vẫn được mọi người kính trọng, thậm chí vẫn có sức ảnh hưởng đến những quyết sách trong tổ chức, được tôn làm đại lão. Còn đại ca thường vì có quyền hoặc có thế lực trong đoàn thể khiến người ta phục tùng, lại ở địa vị lãnh đạo nên được gọi như vậy.
Trong xã hội, người muốn làm đại ca, phải có tinh thần sẵn sàng hy sinh cống hiến, cần biết trọng người xem nhẹ bản thân. Đại ca không thể luôn tự cho mình là đúng, mà phải khiến cho người khác tôn trọng mình, kính phục mình thì mới là đại ca đúng nghĩa. Đại lão lại càng phải có công với mọi người, có đức với mọi người, vô tư không kết bè đảng, vì việc chung, vì nghĩa khí, thì mới có thể gọi là đại lão.
Cho nên, một người nên làm “đại lão”, lấy đại lão làm mục tiêu, không nên làm “đại ca”.