Ngày xưa có một anh học trò trường làng, dù học hành vẫn chưa đến đâu nhưng đã muốn ra ngoài phát triển, thầy giáo lo sợ sở học của học trò chưa đủ sẽ khó trụ vững. Anh học trò nói rằng: “Thầy không nên quá lo lắng về điều đó, trò ra ngoài chỉ cần đem theo trăm lời tâng bốc thì mọi chuyện sẽ đều hanh thông cả”. Thầy giáo không đồng tình nói: “Làm người phải có thực tài thực học, làm sao chỉ dựa vào việc xu nịnh tâng bốc người khác mà có thể thuận lợi hết hay sao?” Anh học trò lại nói: “Thầy không cần phải lo lắng đâu ạ, đạo đức và học vấn của thầy vang danh thiên hạ như vậy, cho nên bất kể là trò đi đến đâu cũng đều sẽ xưng là học trò của thầy, có câu ‘thầy giỏi sẽ dạy ra trò giỏi’, có danh tiếng của thầy ở đó thì còn lo người khác không nâng đỡ trò sao?”. Thầy giáo nghe xong vui lắm, nói rằng: “Vậy thì trò có thể công thành danh toại rồi”.
Thực ra nếu chỉ hoàn toàn dựa vào nói lời tâng bốc người khác để mong đạt được thành công thì vẫn chưa đủ, bởi vì lời hay nếu bị lạm dụng quá nhiều rồi cũng sẽ trở thành sáo rỗng và đánh mất đi giá trị vốn có, cho nên thay vì chỉ nói lời tốt thôi thì chi bằng hãy đối xử tốt với người, đối xử tốt với người so với nói lời tâng bốc thì càng có tác dụng thực tế hơn.
Thế nào là đối xử tốt với người? Đó có thể là chúng ta quan tâm tới người khác, bởi trên thế gian làm gì có ai lại không muốn được người khác quan tâm? Hoặc có thể là chúng ta tôn trọng người khác, bởi có ai lại không muốn được người khác tôn trọng? Chúng ta giúp đỡ người khác, bởi ai cũng có lúc cần tới giúp đỡ. Chúng ta cho người khác sự thuận tiện, bởi ai cũng đều mong muốn cuộc sống của mình được thuận tiện cả. Vì thế, đối xử tốt với mọi người chính là phương pháp quý báu cho việc lập thân xử thế trong tập thể và là cách thức tốt nhất để đạt được thành công.
“Đối tốt với người” phải luôn đi cùng với một số đức tính tốt đẹp. Khi bạn giao lưu với người khác thì hãy dành tặng cho họ một vài câu nói hay, hoặc một nụ cười tươi, một thái độ khiêm nhường, một sự giúp đỡ kịp thời, thêm vào đó là khiêm tốn, chân thành, hiền hậu, từ bi đối đãi với người, làm việc thì phản ứng linh hoạt khéo léo. Nếu làm được như vậy thì bạn đã có thể tạo dựng được hình tượng riêng của bản thân, làm người thì không có kẻ thù, còn sự nghiệp thì không việc gì là không thành tựu.
“Đối tốt với người” là một câu nói rất quen thuộc, nhưng trong cuộc sống thực tế, có người sống đến bảy tám mươi tuổi nhưng vẫn chưa chạm đến được cái tinh túy của việc “đối tốt với người”. “Đối tốt với người” không phải chỉ là nói những lời đầu môi chót lưỡi mà là phải dùng tâm chân thành, tâm khiêm tốn, tâm yêu thương để trao cho người nhân duyên lành, dành cho người sự tiện lợi thì mới dễ dàng được người khác chấp nhận.
Trong cuộc sống, chúng ta thường gặp phải khó khăn hoặc thất bại, nguyên nhân không nằm ở đâu khác mà nhất định là do đối phương chê trách ta đối xử không tốt với họ. Trong lời nói có sự châm chích và trong nụ cười thì lại hàm chứa sự dối trá. Nếu đối xử với người không đủ sự chân thành, giúp đỡ người khác mà lại có mưu đồ tính toán thì chỉ khiến bản thân cảm thấy bất an, sống như vậy mà mong có sự thành công thì thật là khó vậy!
Đối tốt với người chính là đối tốt với mình, thậm chí còn quan trọng hơn so với việc đối tốt với mình. Đối tốt với người không phải là hành vi dối trá, không chân thật, cũng không phải là ý muốn nhất thời, mà thói quen đối tốt với người phải luôn được nuôi dưỡng trong cuộc sống hàng ngày. Có câu: “Kính trọng người thì sẽ được người kính trọng lại”, vậy bạn có hy vọng người khác đối xử tốt với mình hay không? Nếu có, hãy đem tâm mong cầu người khác đối tốt với mình chuyển thành tâm mong được đối tốt với người, nếu được như vậy thì tự nhiên bạn làm việc gì cũng đều thuận lợi.