Nhà Nho có câu: “Lòng trắc ẩn, mọi người đều có”. Kỳ thực, “lòng yêu ghét” cũng là thứ mà con người ai cũng có.
Nói đến yêu và ghét, bởi vì yêu nên chúng ta muốn điều đó được sinh ra, bởi ghét nên muốn điều đó mất đi. Trong cuộc sống, mỗi người chúng ta khi nhìn nhận sự việc đều sẽ áp đặt quan điểm yêu ghét của mình vào trong đó. Ngay cả với những việc vụn vặt trong đời sống hàng ngày, mỗi người cũng có thói quen yêu ghét khác nhau. Ví như, đối với màu sắc hay kiểu dáng của một bộ quần áo, mỗi người đều có sở thích riêng biệt. Trên một bàn tiệc, bởi mỗi người lại có khẩu vị khác nhau nên bao giờ cũng thành ra có món ngon món dở.
Mỗi trường đại học đều có nhiều khoa khác nhau, việc này dĩ nhiên vốn là nhằm để đào tạo ra nhân tài ở nhiều phương diện. Tuy nhiên mục đích đầu tiên của việc trường đại học mở đa khoa thực chất cũng là để phù hợp với sở thích của sinh viên mà thôi.
Kết giao bạn bè, “gần mực thì đen, gần đèn thì sáng”, đều là do quan niệm tốt xấu của mỗi người chi phối. Có người đối với cha mẹ đẻ hết sức ngỗ ngược bất hiếu, song có người lại nhận người không cùng dòng dõi gốc gác làm cha mẹ nuôi. Có thể thấy được việc yêu ghét trên đời khó có tiêu chuẩn nhất định, tất cả chỉ có thể tùy thuộc ý niệm trong tâm của người trong cuộc vậy.
Thi sĩ nhìn ánh trăng thì nảy ra ý thơ, còn kẻ trộm lại coi ánh trăng như kẻ thù. Bạn yêu thích, ngưỡng mộ hay tôn sùng ai đó thì với bạn người đó như là thánh thần vậy. Và với người mà bạn không ưa thì bạn sẽ xem người đó không khác gì kẻ địch của mình. Người thích ăn món đậu phụ thối thì coi đó là món ngon đặc sản, còn với người không thích nó thì nó thật là một món không thể nào chịu nổi.
Có người thích nhàn hạ không thích vất vả, có người thích điều thiện ghét điều ác. Tính cách của một người thế nào, chúng ta hoàn toàn có thể nhìn thấy được từ trong sở thích của họ. Có người thích danh lợi, có người thích chiến thắng, có người thích quyền thế nhưng cũng có người thích nhân nghĩa, thích trung hiếu, thích từ bi, nên có thể nói mỗi người có một sở thích khác nhau, nhưng từ đó chúng ta có thể thấy được nội tâm và phẩm hạnh của mỗi người là tốt hay xấu vậy.
Tâm yêu ghét là tâm mà mọi người trên thế gian cùng có. Nếu như một người không quá đặt nặng cái thích và cái không thích của bản thân, có thể xem niềm yêu thích của chúng sinh làm niềm yêu thích cho mình như lời dạy của cổ nhân: “Điều người thích thì ta cũng thích, điều người ghét thì ta cũng ghét”, đồng thời không đem thành kiến của bản thân để phân biệt yêu ghét mà lại có thể đáp lại tiêu chuẩn thiện ác thế gian, vậy thì cái gọi là trung và gian, thiện và ác, nghĩa và lợi, đều tự có chuẩn mực và ý nghĩa nhân sinh của chúng.
Nếu như nói chúng ta bây giờ cần tiến lên một bước nữa, chính là cần phải xóa nhòa đi cái tâm thiện ác, cái ý niệm được mất, đạt đến được cảnh giới gọi là “không nghĩ thiện, không nghĩ ác”, từ đó tìm thấy được một thế giới không có sự phân biệt, như vậy thì cuộc sống con người có thể được giải thoát và tự tại rồi vậy.