Khu tập thể đường sắt và ga tàu chỉ cách nhau một con đường, quầy bán báo màu xanh trên mái phủ trắng tuyết lẻ loi nơi đầu đường. Khương Thượng Nghiêu bước lại gần mới thấy cửa quầy vẫn để hé, thấy ông Từ đang lúi húi nhóm lò bằng than đá trong quầy báo, anh gõ gõ vào cánh cửa sổ bằng sắt, hỏi: “Ông Từ ạ, lạnh thế này mà ông vẫn bán hàng ạ?”.
Ông già đặt bình trà đang cầm trên tay xuống bên cạnh, cầm tờ báo chứng khoán đưa cho anh, đáp: “Chuẩn bị dọn hàng đây, chẳng phải chỉ đợi cậu thôi sao?”, rồi nhận lấy chỗ tiền lẻ anh trả, lại hỏi: “Sắp Tết rồi, cậu xem có mã nào ổn ổn, cho chúng tôi mua với, kiếm chút tiền tiêu vặt”.
Khương Thượng Nghiêu cười: “Tình hình năm nay ảm đạm lắm, ai dám mua vào đâu ạ? Cháu cũng đọc để xem sang năm có cơ hội không thôi”.
Trò chuyện vài câu, anh ngẩng đầu nhìn mấy tòa nhà đã xây được một nửa cùng giàn giáo và chiếc cẩu trục khổng lồ đang để trên bãi đất công phía trước khu tập thể, xong mới kẹp tờ báo đi vào bằng cổng sau từ con hẻm nhỏ bên cạnh.
Khu nhà anh ở là một khu căn hộ cũ đã được xây từ hai, ba mươi năm trước, hành lang vừa sâu vừa tối, lên đến tầng ba rồi rẽ, cầu thang đột nhiên sáng bừng, đã có người bật đèn trước anh. Cửa nhà đang mở, Diêu Nhạn Lam thò nửa người ra, cười tươi như hoa: “Anh, lúc anh đứng dưới tầng em đã nhìn thấy rồi, mau lên đi, bà nấu cơm xong rồi chỉ đợi anh về thôi”.
Anh nhảy mấy bậc một lên tầng bốn, tiếng bà anh vọng ra từ bếp, hỏi: “Nghiêu Nghiêu về rồi phải không?”.
Căn hộ không lớn, chỉ khoảng năm mươi mét vuông, cũng nhờ thế mà bên trong rất ấm. Anh bước vào nhà vừa chào bà vừa cởi áo khoác, Diêu Nhạn Lam thuận tay đón lấy định treo lên giúp thì bị anh giơ tay ra giữ chặt. Anh lén liếc bóng bà trong bếp, tiếp đó khẽ véo má Diêu Nhạn Lam, hỏi: “Nhớ anh à? Đứng bên cửa sổ đợi anh phải không?”.
Hai má Diêu Nhạn Lam đỏ ửng, lườm anh một cái, sau đó thấp thỏm liếc về phía bếp, rồi mới khẽ nói: “Có phải anh đi rồi không về đâu, em nhớ anh để làm gì? Nghiêm túc đi, bà đang ở trong bếp đấy”.
Bà anh từ trong bếp đi ra, vờ như không nhìn thấy ánh mắt lấm lét của hai đứa trẻ, nói: “Mẹ cháu gọi điện nói phải trực giúp người khác, nên sẽ về muộn, còn dì Ngô thì làm ca tối, ăn vội ăn vàng xong đi làm rồi, thằng bé Trình Trình không biết lại chạy đi chơi đâu nữa. Cháu mau đi tắm đi, tắm xong mà Trình Trình chưa về thì chúng ta ăn trước”.
Nhà tắm sát ngay phòng khách nhỏ, trong tiếng nước róc rách anh vẫn nghe thấy giọng bà và Diêu Nhạn Lam nói chuyện.
Nhà anh và nhà Diêu Nhạn Lam đối diện nhau, ngày còn nhỏ Nhạn Lam và Cảnh Trình đều gửi sang cho bà anh trông. Sau đó bố của Nhạn Lam xin nghỉ không lương nói là muốn đi miền nam làm ăn, mẹ của Nhạn Lam là dì Ngô làm ở phòng Văn hóa Cục đường sắt, lại càng không có thời gian chăm sóc cho hai chị em. Bắt đầu từ khi ấy, ba đứa trẻ cùng ăn cơm, cùng học trên một chiếc bàn, thậm chí cùng ngủ trên một chiếc giường. Cả khu tập thể Cục đường sắt này hầu như ai cũng biết hai nhà họ thân thiết như một, rất lâu trước đó còn có người nói đùa anh và Nhạn Lam là một đôi vợ chồng trời sinh. Có lẽ vì bị mọi người trêu nhiều quá, lớn hơn một chút anh bắt đầu tránh bất kỳ khả năng nào phải tiếp xúc riêng với Nhạn Lam một cách vô thức, nhưng lại không thể làm chủ được đôi mắt của mình, lén lút ngắm nụ cười rạng rỡ và cơ thể ngày một lớn lên của cô, cho đến một hôm đối tượng trong giấc mộng xuân của anh lại là Diêu Nhạn Lam, anh mới thành thật thừa nhận với bản thân mình, anh thích cô bé đó.
“Anh, buổi tối anh có đến lớp ghita dạy không?” Diêu Nhạn Lam từ phòng khách, hỏi.
Anh đóng máy nước nóng, nói: “Có chứ”.
Anh nghe tiếng Nhạn Lam lẩm nhẩm nói gì đó trong phòng khách, đoán chắc cô đang thầm trách anh không có thời gian dành cho cô, liền cười nói lớn: “Qua Tết là tòa nhà mới ở đầu khu sẽ xây xong, anh không kiếm thêm tiền thì sau này em ở đâu đây?”.
Vừa nghe anh nói vậy Diêu Nhạn Lam không dám nói thêm gì nữa, chỉ nghe tiếng bà anh khẽ trách nói: “Nghiêu Nghiêu, da mặt Nhạn Lam mỏng, cháu đừng đùa con bé nữa. Mà nói ra mới nhớ, ngày nào bà đi chợ mua thức ăn cũng nhìn tòa nhà đó, sao xây chậm thế không biết?”.
Mấy căn hộ mà khu tập thể đường sắt đang xây nghe nói sẽ bán cho cán bộ công nhân viên với giá gốc, còn nghe phong phanh đợt này sẽ là đợt phân nhà phúc lợi cuối cùng, mọi người trong khu tập thể không ai bảo ai đều ngấm ngầm lén lút đi cửa sau, đến mẹ Khương Thượng Nghiêu cũng mấy lần mang quà sang nhà lãnh đạo. Căn hộ nhà anh đang ở là của ông bà, đã cũ lắm rồi, không những nhỏ mà hệ thống sưởi cũng rất kém. Mẹ anh và bà vẫn đang canh cánh chuyện phòng cưới của anh và Diêu Nhạn Lam, chỉ mong khu nhà phía trước xây xong sớm, có thể được phân một căn rộng hơn, chỉ cần nhiều hơn một phòng là đủ.
Nhưng chính anh cũng đã tính toán, dù tính theo giá nội bộ là một nghìn hai, thì tổng tiền cũng phải cần gần mười vạn, tiền tiết kiệm của gia đình anh không đủ.
Đang ăn cơm tối thì có điện thoại, ông chủ cửa hàng nhạc cụ gọi điện nói, tuyết lớn, cả đường Đại Hưng không một bóng người, nên buổi học hôm nay tạm hoãn. Nụ cười rạng rỡ nở trên khuôn mặt của Diêu Nhạn Lam, cô gắp một miếng thịt dê trong nồi bỏ vào bát anh, nói: “Đây là thịt đùi dê chú em cho, biết là anh thích ăn, bà đã hầm cả buổi chiều đấy. Anh cứ yên tâm mà từ từ ăn đi, tuyết dày thế này, vẫn còn nhớ là phải kiếm tiền cơ đấy”.
Anh phụ trách tuyến Quý Dương - Côn Minh, mỗi chuyến tàu phải mất mấy ngày đêm, thời gian dành cho cô quá ít. Khó khăn lắm mới có được một tối tuyết lớn được ở nhà, cùng cô đọc sách, làm bài tập, chỉ nghĩ thôi cũng cảm thấy vô cùng hạnh phúc rồi. Anh dừng đũa, nhất thời xúc động muốn véo đôi má bầu bĩnh đang đỏ hồng lên vì lò sưởi kia, ngẩng đầu thấy ánh mắt tràn ngập hạnh phúc của bà đang nhìn cả hai.
“Bà phải đợi thêm mấy năm nữa mới được ăn kẹo cưới của hai đứa đây?” Giọng bà run run nghe rất cảm khái.
“Bà, bà chẳng đã nói phải sống đến năm chín mươi chín tuổi cho đủ tứ đại đồng đường sao? Đợi Nhạn Lam tốt nghiệp đại học xong bọn cháu sẽ kết hôn, chỉ mấy năm thôi, nhanh lắm.”
Diêu Nhạn Lam nghe thấy vậy giật mình, vội vàng cúi xuống và cơm. Khương Thượng Nghiêu không có ý tha cho cô, tiếp tục hỏi: “Nhạn Lam, em nói xem có đúng không?”.
Ngước khuôn mặt đỏ ửng lên nhìn vào đôi mắt đầy ẩn ý và kỳ vọng đang nhìn mình chằm chằm của Khương Thượng Nghiêu, cô lí nhí đáp: “Vâng”.
Bà trong lòng vui vẻ, mím môi nín cười gật đầu: “Hai vợ chồng vui vẻ hòa hợp là được rồi”.
Nghe thấy từ “hai vợ chồng”, Diêu Nhạn Lam nóng bừng mặt, đặt bát xuống, đứng bật dậy nói: “Nghe như tiếng chân Cảnh Trình, để cháu đi xem sao”.
Diêu Cảnh Trình lao vào nhà cuốn theo cả luồng gió lạnh, phủi phủi tuyết trên đầu rồi ồn ào nói: “Anh, anh về rồi ạ. Chú Đức mấy hôm nay cứ hỏi em xem bao giờ anh được nghỉ, nói muốn gặp anh. Vừa rồi gặp em lại hỏi”.
Nụ cười trên khuôn mặt Khương Thượng Nghiêu dần tắt, anh dừng đũa suy nghĩ vài giây rồi hỏi: “Không nói có chuyện gì sao?”.
Diêu Nhạn Lam đóng cửa, lo lắng nhìn anh, rồi khẽ nhắc em trai: “Bà ở nhà đấy”.
Diêu Cảnh Trình lè lưỡi, rồi cũng hạ giọng đáp: “Bà làm sao hiểu chuyện chúng ta đang nói”, sau đó lau lau tuyết trên giày, cất tiếng chào bà, cầm đũa của chị lên gắp miếng thịt dê cho vào miệng, lúng búng nói: “Không nói là chuyện gì, hơn nữa, trước mặt chú Đức em chẳng qua là…”, cậu ta chỉ chỉ đầu ngón tay út của mình: “Có chuyện gì thì sẽ nói với em chắc?”.
Khương Thượng Nghiêu từ từ gật đầu: “Em cũng đừng nói năng linh tinh với họ, công việc của anh rất bận, không có thời gian để ý tới họ đâu”.
Sau bữa tối, anh cùng bà ngồi xem hết chương trình thời sự, sau đó chuyển sang đài địa phương cho bà, còn mình cầm tờ chứng khoán ngồi đọc bên cạnh. Bà là người hâm mộ cuồng nhiệt Tiểu Yến Tử, mỗi lần Triệu Vy xuất hiện là bà phải dịch ghế thật sát, cho đến khi màn hình bị che kín. Diêu Cảnh Trình kêu bai bải: “Bà, bà để cháu xem với chứ”.
Khuôn mặt bà nhăn lại tỏ vẻ không vui như một đứa trẻ: “Đi làm bài tập đi, đến bà cháu cũng định bắt nạt à?”.
“Cháu chỉ xem một lát thôi, chỉ mười phút thôi.” Diêu Cảnh Trình nài nỉ: “Cho dù bà có thích Tiểu Yến Tử đến đâu cũng không thể bằng cháu được?”.
Diêu Nhạn Lam đang rửa bát trong bếp, thò đầu ra trêu em trai: “Chẳng phải em thích con gái mắt một mí hay sao? Thay đổi rồi à?”.
Khi sáu con mắt đổ dồn vào mình, Diêu Cảnh Trình lấy tay đặt lên trán giả bộ không có vẻ gì là vội vã: “Mọi người xem tivi, xem tivi đi”.
Bà không kìm được tò mò, hỏi: “Trình Trình…”.
Diêu Cảnh Trình ôm chặt mặt, hét tướng lên: “Bà, bà đừng hỏi nữa. Nếu không phải chị xui cháu thổ lộ, thì sao cháu có thể làm chuyện mất mặt thế chứ?”.
Bà lại tiếp tục hỏi: “Thích con gái nhà nào thế? Mập mờ nửa kín nửa hở, nói ra xem nào, thích…”.
Diêu Cảnh Trình gần như nhảy dựng lên chạy về phòng: “Cháu về phòng làm bài tập đây”.
Cửa phòng đập mạnh ầm một tiếng, Diêu Nhạn Lam và Khương Thượng Nghiêu nhìn nhau cười, anh hỏi: “Rửa bát xong rồi à? Anh vào phòng đọc báo, em làm hết bài tập chưa?”.
Nhạn Lam hiểu ý anh, thấy bà lại quay sang tập trung chăm chú xem phim, mím môi cười, thì thầm trả lời anh: “Đợi chút rồi em sẽ vào”.
Khương Thượng Nghiêu vào căn phòng nhỏ được quây lại từ ban công, bật đèn ở đầu giường để đọc báo.
Anh bắt đầu tham gia chơi cổ phiếu từ năm ngoái, nhưng chỉ là do sự đam mê cuồng nhiệt của đồng nghiệp đã kích thích trí tò mò của anh, đầu tư lại đúng thời điểm, năm 1997 Hồng Kông trả về Trung Quốc, nên cũng kiếm được một ít, từ sau thời điểm đó thì chỉ có chi ra mà khó thu về. Anh mới đi làm nên không tiết kiệm được nhiều, bản tính lại chín chắn trầm lặng, sau lần đầu tư có lãi đó không dám mạo hiểm thêm nữa, do đó cũng bỏ lỡ thời kỳ hưng thịnh từ năm 1997 cho tới nay. Hơn một năm lại đây, anh cũng không có thời gian nhàn rỗi, đầu giường xếp cả chồng sách kinh tế chứng khoán, có cả những quyển hướng dẫn căn bản, đã được anh đọc đi đọc lại không biết bao nhiêu lần.
Ngày còn đi học, thành tích của anh chỉ xếp hạng trung bình, riêng có năng khiếu về âm nhạc là nổi trội. Hồi trung học, giáo viên thanh nhạc của anh đã từng làm việc trên thành phố, tiếc nuối nói: “Giọng tốt như thế… thật quá lãng phí tài năng, lãng phí tài năng”, sau khi biết tin anh sẽ đi làm ngay khi tốt nghiệp cấp ba.
Sao anh lại không muốn được lập nghiệp trong lĩnh vực mà mình có năng khiếu chứ? Có điều, một đứa trẻ sớm chín chắn hơn tuổi như anh biết rất rõ rằng học phí đắt đỏ của những trường nghệ thuật không phải là nơi anh đặt tương lai.
Với số điểm vừa đủ khó khăn lắm mới tốt nghiệp được cấp ba, giờ anh lại say mê nghiên cứu ngành tài chính, chứng khoán, bởi vì anh hiểu rằng đây là con đường ngắn nhất để vực dậy kinh tế gia đình, nếu sang năm đúng như những gì anh dự đoán, thị trường cổ phiếu sẽ bước vào một thời kỳ hưng thịnh mới, không chừng anh sẽ đủ tiền để mua nhà cưới Nhạn Lam cũng nên.
Nhưng tối nay nhìn những đồ thị hình gấp khúc tràn ngập mặt báo chứng khoán, anh không tài nào tập trung tinh thần xem được.
Chú Đức là người anh quen biết từ khi còn rất nhỏ, chú ruột của Hắc Tử. Đồng thời, cũng là nhân vật tiếng tăm lừng lẫy ở khắp Vấn Sơn này.
Từ khi mới mười mấy tuổi, Khương Thượng Nghiêu đã thường xuyên được nghe Hắc Tử khoác lác khoe khoang về quá khứ huy hoàng của ông chú mình. Thời trẻ chú Đức cũng từng làm những việc như trộm gà trộm chó, khi ấy vật chất thiếu thốn, chú Đức còn đang ở độ tuổi được người ta gọi là anh Đức, lợi dụng chế độ phúc lợi dành cho con em của công nhân viên chức ngành đường sắt, dắt theo một đám anh em huynh đệ, bám vào thành tàu trộm đồ, hoành hành ngang dọc khắp tuyến đường sắt. Chú Đức là kiểu người bảo thủ, một kiểu điển hình của bọn lưu manh thời ấy, xả thân vì nghĩa, đồ đạc lấy được, đắt rẻ thế nào, đều được chú phân phát cho những người hàng xóm xung quanh. Chú lại rất hay ra mặt bênh vực người khác, trẻ con trong khu tập thể đường sắt bị ai bắt nạt cũng tới tìm chú nhờ giúp đỡ, chú thường không nói không rằng, xắn tay áo kéo theo đám thuộc hạ đi ẩu đả một trận nhằm lấy lại thể diện cho người của mình. Vì vậy, cho đến tận bây giờ, trong khu tập thể đường sắt nếu có ai nhắc đến chú Đức, thì có người sẽ lắc đầu, cũng có người sẽ giơ ngón tay cái lên, và những lời truyền tụng không giống nhau.
Sau này những huynh đệ đi theo chú ngày một nhiều, chú lại có những vụ đầu cơ trúng lớn, một vài năm phất lên rất nhanh.
Có điều, mấy năm gần đây, chú Đức không còn mạnh như trước nữa.
Không biết bắt đầu từ khi nào, ở Vấn Sơn, những thế lực ngầm ngoài mấy con tôm con tép không có tên tuổi ra, chỉ có hai phái trụ sở lớn đường sắt và xưởng cơ khí là nam bắc đối đầu. Một bên bảo vệ cho nguồn đầu tư bên ngoài, một bên đại diện cho người bản địa, không ai chịu ai, chỉ cần một tranh chấp nhỏ là ngay lập tức sẽ diễn biến thành trận ẩu đả lớn. Mười năm đổ lại đây, những kẻ lưu manh bất hảo cũng biết chuyên tâm kiếm tiền, nên nếu đem so sánh với trước kia mà nói, đã bớt đi rất nhiều. Đặc biệt là sau khi xưởng cơ khí phá sản, cả khu đất lớn bị dỡ bỏ di rời, Nhiếp gia đang yếu thế là vậy mà cũng liên tiếp mở sauna, câu lạc bộ đêm, kẻ cầm đầu có tiền thì đương nhiên huynh đệ thuộc hạ cũng phất lên theo, hai phái này dần dần ở vào thế ngang vai ngang vế đối chọi nhau.
Nếu không phải là gió đông thổi bạt gió tây thì là gió tây thổi bạt gió đông. Mối bất hòa giữa chú Đức và anh em họ Nhiếp không phải một sớm một chiều có thể giải quyết được. Khương Thượng Nghiêu có thể hiểu được tâm trạng lo lắng của chú Đức.
Nhưng anh lại không hiểu, tại sao chú Đức chỉ coi trọng một mình anh.
Là bởi vì khi còn nhỏ, bị Hắc Tử gào lên gọi “Con hoang, con hoang” khiến anh gần như không thể nhẫn nhịn thêm được nữa, nhốt Hắc Tử vào trong nhà vệ sinh điên cuồng cho tên đó một trận, suýt nữa còn ấn cả đầu Hắc Tử vào bồn cầu? Hay vì sau khi Hắc Tử thoát được ra ngoài chạy về gọi chú, anh - một đứa trẻ hơn mười tuổi nhìn đám thanh niên hai mươi mấy tuổi cao lớn vạm vỡ không chút sợ hãi?
Anh còn nhớ lúc đó chú Đức đã sờ đũng quần anh, mỉm cười nói: “Tiểu tử, được lắm, chưa đái ra quần, có dũng khí!”, ánh mắt anh lóe lên vẻ tức giận rồi buột miệng chửi một câu, đám người đứng sau lưng chú Đức cười đùa nham nhở, có người lớn tiếng mắng anh, anh không thèm để ý. Mẹ anh đã từng nói với anh rằng, những tay vật giỏi nhất trên thảo nguyên, nếu có thể dùng ánh mắt uy hiếp khiến đối phương khiếp sợ trước, thì coi như đã thắng một nửa. Anh nhìn chăm chăm vào mắt chú Đức, giống như dùng sức mạnh để đi vào tận trong tim của chú.
Khi đó chú Đức từ từ thu lại nụ cười, đấu mắt với anh vài phút rồi phì cười thành tiếng, nhắc lại câu vừa nói: “Có dũng khí!”, sau đó quay lại giữa đám người đứng sau, tức giận cho Hắc Tử một cái bạt tai, còn mắng: “Con nít đánh nhau, thua thì đánh lại, sao phải chạy về nhà gọi người? Hèn nhát!”.
Sau chuyện đó, mỗi lần anh và Hắc Tử gặp nhau, chỉ lạnh lùng liếc mắt một cái rồi cùng quay đầu đi. Cho tới tận nửa năm sau, Hắc Tử kéo đuôi tóc Nhạn Lam bắt cô bé gọi bằng “anh”, Nhạn Lam sợ hãi khóc suốt dọc đường về nhà tìm anh, anh và Hắc Tử lại quyết đấu một trận long trời lở đất bên đường cái trước khu tập thể. Cũng chính từ trận đánh này, hai người tự nhiên lại thấy mê… đánh nhau, buồn chán không có việc gì làm Hắc Tử lại đứng dưới khu nhà anh gọi: “Có muốn xuống đây luyện tập chút không?”, anh nghe tiếng gọi, toàn thân hăng hái, đang làm việc gì cũng tạm gác lại, xuống nhà so găng.
Thói quen đó được duy trì cho tới khi Hắc Tử tốt nghiệp cấp ba rồi nhập ngũ.
Còn chú Đức, sau khi anh và Hắc Tử kết thành huynh đệ, anh thường xuyên gặp chú. Lúc thì ở nhà Hắc Tử, cũng có khi là vào mùa hè, cùng Hắc Tử ra cái hồ gần nhà nổ mìn bắt cá, tiện vào tứ hợp viện thôn dã gần đấy của chú Đức ăn cơm trưa.
Thời niên thiếu nhìn những “nhân vật” qua lại nhà chú Đức như thoi đưa, đúng là Khương Thượng Nghiêu cũng có vài phần tò mò, vài phần muốn được bước vào thế giới của họ. Nhưng khi lớn lên trong những trận đòn bằng chày cán bột của mẹ thì anh đã hiểu: Thế giới đó, anh quyết không thể bước vào, cho dù chỉ là nửa bước.