Xin chào các bạn, tớ tên là Đỗ Nhật Nam. Tớ học mẫu giáo ở trường mầm non Baby World. Tớ không đi học đều vì chẳng hiểu sao, cứ ở nhà thì tớ rất khỏe nhưng đi học thế nào cũng ốm. Trước tình hình ấy, bố tớ quyết định là cứ để tớ ở nhà. Bố tớ lúc nào cũng thế, luôn sợ tớ bị ốm này, sợ bị học nhiều quá này, bị ngã đau này... nói chung là sợ rất nhiều thứ. Bố tớ kể là bố tớ chẳng có tuổi thơ (điều này tớ cũng đọc được trong một vài câu chuyện mà bố tớ viết về cuộc đời mình), thành ra bây giờ bố tớ muốn mang lại những gì thần tiên nhất cho tớ hì... hì, kể cả việc nghỉ học ở nhà cũng là việc mà bố tớ cho là thần tiên ấy. Ở nhà, tớ tự học đánh vần và học ghép chữ. Tớ thấy học đọc dễ cực, chẳng khó tẹo nào. Mẹ tớ treo bảng chữ cái lên đầu giường của tớ, mỗi tối mẹ chỉ dạy năm chữ, hôm sau ôn lại rồi học thêm, cứ thế, tớ học bảng chữ cái trong vòng chưa đầy một tuần. Tiếp theo, mẹ tớ không dạy tớ đọc luôn mà dạy cách đánh vần. Cứ tưởng đánh vần là ngon ăn, nhưng cũng có những tiếng dễ bị mắc lừa lắm đấy. Ví dụ như tiếng “ông” chẳng hạn. Tớ luôn luôn đánh vần là ờ... ông... ông làm mẹ tớ cười ngặt nghẽo. Sau giai đoạn đánh vần, tớ bắt đầu ghép các vần trong sách giáo khoa Tiếng Việt lớp Một, từ vần dễ đến vần khó. Thế là, chẳng mấy chốc, tớ đã có thể đọc được.
Trước đó, tớ rất ham đọc truyện, nhất là truyện tranh như Đôrêmon chẳng hạn. Tớ mê tít con mèo máy có nhiều phép thuật và ngộ nghĩnh. Thế nên, vì chưa biết đọc, tớ hay phải nằn nì nhờ bố mẹ đọc hộ, có khi còn phải mang sách sang nhờ cả bác bán chè cạnh nhà. Nhưng tớ nói thật nhé, nhờ người khác đọc truyện tranh thì chẳng thú vị chút nào vì mình không theo dõi được tranh, chán lắm. Nhưng khi biết đọc rồi, tớ được tự mình phiêu lưu trong thế giới của các nhân vật. Chỗ nào thấy hay, tớ có thể gấp sách lại để tưởng tượng. Câu chuyện dài đầu tiên mà tớ tự đọc là Tottochan – Cô bé bên cửa sổ. Các ấy đã đọc truyện này chưa? Nếu chưa thì các ấy nên tìm đọc đi – hay cực. Tớ yêu cái lớp học trên toa tàu, yêu thầy hiệu trưởng trong truyện đến nỗi luôn mơ là mình cũng sẽ đi học trên một con tàu như thế. Mà từ khi đọc truyện này, tớ trở nên ăn uống khoa học hơn – mẹ tớ bảo thế, vì trước đây tớ không thích ăn rau và cá, chỉ thích ăn thịt thôi, nhưng bây giờ thì tớ đã ăn để cho một bữa ăn có cả “thức ăn của biển” (cá) và “thức ăn của đất” (rau, đậu...) như ở trường học toa tàu. Mà các ấy biết không, người lớn không thích chúng mình đọc truyện tranh nhiều đâu. Mẹ tớ còn gọi những quyển truyện tranh là “con sâu đục phá tâm hồn” – nghe ghê thế! Mẹ thích tớ đọc truyện cổ tích, truyện khoa học... Nhưng dù sao thì thỉnh thoảng đọc truyện tranh chắc cũng không đến nỗi bị đục phá gì đâu (mong là mẹ không đọc chỗ này).
Sau khi đã biết đọc, mẹ cũng dạy tớ làm toán. Ban đầu, nếu cứ để những con số là tớ chịu, không biết cộng trừ làm sao. Cho nên, mẹ tớ toàn phải lấy những ví dụ “rất hấp dẫn” như 3 cái kẹo này, 6 cái bánh hambuger này, thậm chí cả 10 đĩa mì Ý nữa chứ (vì tớ rất khoái món này), cứ thế tớ cộng trừ ngon ơ. Đến đây tớ chợt nhớ một câu chuyện vui: Cô giáo hỏi bạn Tèo: “Nếu cô cho con 6 cái kẹo, con cho bạn Tí 3 cái thì con sẽ còn mấy cái kẹo?” Ngẫm nghĩ một lúc, bạn Tèo trả lời: “Thưa cô, con không còn cái nào ạ vì sau khi cho xong thì con cũng ăn hết luôn ạ.” Các ấy thấy buồn cười không? Cho nên đừng tưởng tượng quá mức khi mẹ cho các ví dụ là những món ăn nhé! Tớ cũng không thích khi làm toán mà phải giơ ngón tay hoặc cả ngón chân lên để đếm đâu. Trông chẳng đẹp chút nào. Thử tưởng tượng nếu đang ngồi cạnh một bạn rất dễ thương, mình lại giơ bàn chân lấm lem lên, đặt lên ghế và đếm.
Chắc chắn bạn ấy sẽ nhìn mình chằm chằm, hệt như mình là người hành tinh khác đến vậy. Xấu hổ lắm! Nghĩ thế nên tớ luôn tìm cách nhẩm trong đầu chứ nhất định không giơ ngón tay ra, dần dần rồi cũng quen, tất nhiên ban đầu tớ cũng hay nhầm lẫn lung tung, lắm khi mẹ tớ bực cả mình. Tớ còn nghe mẹ tớ than thở với bố tớ: “Hình như cu Nam nhà mình không có năng khiếu Toán học”. Chẳng nghe thấy bố tớ nói gì, không biết bố có buồn vì điều đó không nữa.
Ngoài môn Toán ra, tớ cũng phải làm quen với cả những môn như tập tô này, mà không phải tô theo hình như ở lớp mẫu giáo đâu, tô theo chữ. Nói chung đây là một công việc rất nhạt nhẽo, các con chữ không hấp dẫn bằng hình vẽ, lại có nhiều nét cong nên rất khó tô cho đẹp. Mà mẹ tớ lại yêu cầu phải tô gọn gàng, không được lệch ra ngoài. Tớ thường phải mắm môi mắm lợi, toát cả mồ hôi mà kết quả cũng chẳng được như ý. Nhưng được cái là tớ không nản. Mẹ tớ nói, đó là phẩm chất đáng yêu nhất của tớ, điều này tớ sẽ nói lại ở phần học lớp tiếng Anh. Nhờ chăm chỉ nên dần dần tớ tô không đến nỗi tệ. Nhưng vẫn không thích một chút nào – chỉ là nghĩa vụ thôi, các ấy ạ.
Sau khi có thể yên tâm với việc chuẩn bị các kiến thức vào lớp Một, mẹ tớ bắt đầu chuyển sang giai đoạn mà tớ gọi là “tưởng tượng về lớp Một”. Mẹ tớ hay kể cho tớ nghe vào học lớp Một có gì vui, cô giáo sẽ như thế nào... Nói chung là toàn những điều hay cả. Thế nhưng cũng có thêm nhiều nghĩa vụ rất khác với hồi học mẫu giáo nhé, như mình không được vừa học vừa chơi này, không có những giờ học như đóng giả bác sĩ, công nhân xây dựng, không có những giờ học bằng đồ hàng này. Thay vào đó là cô giáo giảng và mình phải ngồi lắng nghe thật chăm chú, khi nào trống báo hết giờ mới được ra chơi. Cũng không được nũng nịu, đang học lại “Con thưa cô cho con đi tè ạ”, “Con thưa cô bạn Hoa trêu con ạ”, cô giáo sẽ không vui đâu! Tớ chịu không hình dung ra việc tất cả lớp ngồi ngay ngắn sau bàn học sẽ như thế nào. Ở lớp mẫu giáo, chúng tớ toàn ngồi thành một vòng tròn, nếu thỉnh thoảng có bò quanh vòng tròn cũng không sao.
Việc vất vả nhất của bố mẹ tớ là chọn trường để tớ vào học lớp Một. Một danh sách dài dằng dặc bố mẹ tớ đưa ra để cân nhắc. Đôi khi có những cuộc tranh luận khá căng thẳng giữa bố tớ và mẹ tớ. Bố thì nói: “Tiêu chí ưu tiên hàng đầu là tiện lợi cho việc đi lại, càng gần càng tốt”. Mẹ tớ thì lại muốn trường nào phải có các cô giáo kinh nghiệm này, tâm lí này... nói chung là rất nhiều thứ nữa cơ. Tớ cũng thỉnh thoảng được hỏi ý kiến trong việc lựa chọn đó, như: “Nam có thích trường này không? Con thấy thế nào khi học ở đây?” mỗi khi mẹ đèo tớ đến thăm một trường nào đó. Những lúc được hỏi thế, tớ vui lắm, như mình là người lớn đến nơi. Thành ra, tớ phải cân nhắc rất kĩ để đưa ra câu trả lời, chứ không chỉ nói “con thích” hay “con không thích”. Mà phải có lí do hẳn hoi, ví dụ như: “Trường này có nhiều cây xanh, trông cũng mát mẻ” hay: “Sân trường này hẹp quá, con sợ không đủ chỗ chơi.” Nói tóm lại, nghe rất là “người lớn”. Tuy nhiên, có một đặc điểm mà tớ rất hay để ý mỗi khi đến thăm một trường nào đó nhưng tớ không dám nói cho mẹ tớ nghe, sợ mẹ cười, đó là khu nhà vệ sinh! Tớ nói thật đấy, tớ rất sợ và không dám đi tè ở những nơi nào không vệ sinh đâu. Chẳng thế mà hồi học mẫu giáo, tớ chuyên nhịn đến tận lúc về nhà. Bao giờ việc đầu tiên của tớ khi về đến nhà cũng là lao ầm ầm vào nhà vệ sinh. Mẹ tớ sợ lắm, đến nỗi không dám rẽ vào chợ để mua thức ăn, sợ nhỡ tớ buồn tè quá không chịu nổi thì gay. Nhiều lần mẹ tớ nghiêm khắc phê bình nhưng tớ vẫn chưa sửa được tật này. Thế nên, tớ chỉ ao ước được học ở những trường có nhà vệ sinh sáng choang, thơm phức như kiểu nhà vệ sinh ở sân bay thôi. Nếu tay bạn bẩn, chỉ cần thò tay dưới cái vòi, nước sẽ tự động chảy ra, tha hồ mà sạch.
Nhiều danh sách các trường để lựa chọn quá cho nên đã sang đến tháng Sáu mà bố mẹ tớ vẫn chưa tìm được. Trong lúc bối rối, một cô ở cơ quan bố tớ có đưa ra gợi ý về trường Lê Quý Đôn – một trường rất mới, chỉ có hai tuổi thôi. Bố mẹ tớ lập tức đến để tìm hiểu tình hình.
Trường mới, đẹp, khu nhà vệ sinh sạch sẽ lại có xe đưa đón học sinh tận nhà nữa chứ. Thế là ổn rồi! Bố mẹ tớ quyết định mua hồ sơ và không còn phân vân về việc chọn trường nữa. Cũng có nghĩa là từ giờ trở đi, tớ không còn là học sinh của mẫu giáo nữa mà đang tiến gần hơn đến thế giới của người lớn với nhiều trách nhiệm và nghĩa vụ mà bất kì một học sinh nào cũng phải thực hiện. Oai hơn và cũng lo lắng hơn!