Cái này nghe giống như một bài hát, giống như cả tên một bài văn tớ đọc ké trong sách của chị tớ. Nhưng tất nhiên tâm trạng của tớ thì không giống thế một tẹo nào. Tớ không “vừa đi vừa khóc”, cũng không “hoang mang” vì trường học giờ đây đối với tớ cũng không còn xa lạ nữa qua kì thi vừa rồi. Nhưng phải nói là rất hồi hộp. Mẹ tớ mặc cho tớ một bộ quần áo đẹp, đeo cặp hẳn hoi, dù trong cặp chỉ có mấy cái bút chì. Mẹ nắm tay tớ vào lớp. Lớp của tớ là lớp 1A9 nằm ở tầng hai, cô giáo tớ rất trẻ và rất xinh nữa. Tớ thích lắm, tớ còn thích hơn nữa vì phát hiện ra cô giáo lại chính là học trò cũ của bố tớ. Tớ tự hào về điều này lắm, đi khoe ầm ĩ, nhưng bố tớ bảo, tớ phải cố gắng hơn vì nếu không cô sẽ nghi ngờ về phương pháp dạy học của bố (?). Tớ cũng chẳng hiểu thế nào, nhưng tất nhiên là tớ sẽ cố gắng vì cô giáo tớ tuyệt vời thế kia mà.
Buổi đầu tiên đến lớp, cô giáo yêu cầu chúng tớ đứng lên tự giới thiệu về mình với các bạn khác. Lớp tớ vẫn vắng lắm, ngồi cạnh tớ là một bạn nữ, mặt mày ủ rũ. Có hai bạn nam có vẻ khá nghịch đang rì rầm nói chuyện với nhau như đã quen biết nhau từ lúc học mẫu giáo, trông thật đáng ghen tỵ. Phía sau là những bạn nào tớ cũng chẳng biết vì chưa dám nhìn xuống. Mẹ tớ sau khi đưa đến cửa lớp đã đi về rồi. Lớp Một rồi có khác, hồi tớ mới đi học mẫu giáo, mẹ tớ đứng chờ suốt cả buổi, còn đợi xem đến bữa ăn tớ ăn thế nào. Cũng hơi lo đây, tớ chưa chuẩn bị gì cho màn giới thiệu. Đã có một vài bạn lên tự giới thiệu, tớ chưa kịp nhớ tên của các bạn ấy. Tớ còn mải suy nghĩ mà. Lại một bạn nữ mặc váy rất đẹp lên hát. Tớ nghĩ ra rồi, tớ sẽ giới thiệu bằng tiếng Anh, độc đáo đấy chứ. Sau khi nghĩ được cách, tớ thở phào đợi đến lượt mình. Tớ giả làm hai người nước ngoài trò chuyện với nhau, hỏi tên tuổi, nơi ở, sở thích để qua đó cho mọi người biết tên tớ. Các bạn phía dưới nhìn tớ có vẻ ngạc nhiên, cô giáo thì rất thích, cô còn hỏi tớ đã học tiếng Anh ở đâu mà nói hay thế. Kết quả là, ngay sau buổi học đầu tiên, tớ được cử làm lớp trưởng! Chà, chà, tớ cực thích chức vụ này nhé. Nếu bạn nào cũng thích làm lớp trưởng, các bạn nhớ phải gây được ấn tượng với cô giáo ngay từ ngày học đầu tiên, chuẩn bị màn giới thiệu hấp dẫn này, tự tin này và quan tâm đến các bạn cùng lớp nữa vì có nhiều bạn chưa quen với lớp học đâu.
Bắt đầu những ngày học đầu tiên ở ngôi trường mới, bạn bè cũng quen dần. Lớp tớ chỉ có 24 bạn thôi. Tớ được cô phân ngồi ở bàn cuối cùng (chắc vì tớ cao mà lại hơi béo nữa – mẹ tớ thì bảo: không phải hơi béo mà là rất béo, nhưng tớ chỉ nói thế thôi, tớ không thích ai gọi mình là béo cả), cạnh tớ là bạn Nguyên Khôi, cao nhất lớp. Nhiều lúc nhìn bạn ấy tớ cứ tưởng tượng ra con hươu cao cổ vì dáng đi khòng khòng do chiều cao quá khổ của bạn ấy. Chẳng bù cho một số bạn trong lớp lại bé tí như Thành Trung này, Thùy An này, các bạn ấy giống hệt như các em lớp mẫu giáo tớ hay gặp. Tuy thế, các bạn ấy cũng học rất tốt, tớ và Thành Trung luôn là “đối thủ” của nhau trong học tập đấy.
Lên lớp Một, học bao nhiêu là môn học. Giờ học nào tớ cũng thích trừ môn Thể dục. Ban đầu tớ còn sợ giọng nói của cô Thể dục nhưng sau đó tớ hiểu ra, cô cần phải nói to thì mới có thể nhắc nhở được tất cả các bạn. Dưới sân trường ồn ào thế, nếu cô chỉ nói nhỏ đi một chút là cả lớp sẽ nhốn nháo lên ngay. Dù biết thế nhưng tớ vẫn sờ sợ mỗi khi có tiết học này. Có hôm chắc vì sợ quá nên tớ còn cảm thấy đau bụng nữa cơ. Chà chà, các động tác chân tay thật khó điều khiển. Chắc hè này tớ phải bảo mẹ tớ cho đi học bơi hoặc môn nào đó có liên quan đến thể thao mới được. Các giờ học trong lớp thì tớ thường xuyên được cô giáo khen, tớ cảm nhận các cô còn nhìn tớ rất trìu mến nữa chứ. Ban đầu, khó nhất là môn Tập viết. Viết bằng bút chì thôi nhưng không dễ chút nào. Bọn tớ bặm môi bặm lợi mà viết cứ nguệch ngoạc như con giun. Bố mẹ bạn nào cũng sốt ruột khi nhìn vở các con toàn điểm 5, điểm 6. Tớ cũng thế, mà tớ nghe bố mẹ các bạn đến phàn nàn với cô cũng thế. Tớ cũng hết sức cố gắng nhưng quả thực, lúc đó cái bút không theo sự điều khiển của mình, cứ trệch đi, lại còn phải đếm dòng, đếm ly nữa. Chữ nào thì bao nhiêu ly, nét cong, nét hất, nét xiên... mọi thứ cứ rối tung trong đầu tớ khiến tớ nhiều lúc chỉ muốn quay lại học mẫu giáo.
May mà bố mẹ tớ rất tâm lý. Mẹ tớ thì thỉnh thoảng còn sốt ruột, than phiền với người này người kia về điểm của tớ chứ bố tớ thì tuyệt nhiên không. Thế mới tuyệt chứ! Mà các ấy biết không, bố tớ là chuyên gia về tập viết đấy. Tên của bố tớ có trên dòng chữ tác giả cuốn Tập viết lớp Một mà. Thế nên chắc bố hiểu những giai đoạn của một chú nhóc lớp Một khi học viết và rất kiên trì đợi đến ngày điểm số của tớ được nâng lên. Tớ lại không thích viết bằng tay phải, từ nhỏ tớ quen viết bằng tay trái nên để đổi được sang tay phải quả là cực hình với tớ. Cứ tranh thủ khi nào cô giáo ra ngoài là tớ lại viết bằng tay trái, cảm giác dễ chịu hẳn (mong là cô giáo không phạt tớ khi biết điều này). Bây giờ thì chữ tớ khá rồi, cô giáo khen và bố mẹ tớ rất hài lòng, nhất là những chữ viết hoa thì rất đẹp. Đôi khi mẹ tớ còn bảo, nét chữ bay bướm thế kia rồi sau này sẽ lãng mạn lắm, y như bố ấy! Buồn cười thế, mẹ tớ hay nghĩ ra những cái rất buồn cười như vậy. Tớ lại còn viết được cả bằng hai tay, lúc học tiếng Việt thì viết tay phải còn học tiếng Anh thì viết tay trái, đỡ mỏi tay hẳn.
Bài tập về nhà các môn Toán và Tiếng Việt cũng không nhiều lắm, ban đầu chủ yếu là các bài luyện viết. Cứ đến thứ Sáu hàng tuần là cô lại cho bài tập trong một tờ phô tô. Tớ không thích có cảm giác một đống bài tập đang chờ mình nên thành thói quen, cứ đi học về là tớ làm bài luôn. Đến khi mẹ tớ nấu xong cơm, gọi xuống ăn là tớ đã hoàn thành bài tập rồi. Thời gian buổi tối tớ dành cho việc học môn Tiếng Anh. Hầu như tớ toàn đạt điểm 10. Ngày nào mẹ tớ cũng đón tớ bằng câu hỏi: “Hôm nay con học thế nào?” Thế là tớ sẽ kể hết mọi chuyện ở lớp, ai không ngoan, ai bị cô giáo phạt, ai không ngủ trưa và tất nhiên đến phần tớ, tớ phải cố nhớ xem mình đã được mấy điểm 10 cả thảy trong một ngày. Mẹ tớ bảo, điểm 10 cũng rất đáng khen nhưng quan trọng là mẹ tớ muốn biết, tớ có cảm thấy đó là một ngày học vui, ngày học ý nghĩa không. Tớ không phân biệt được hai điều này, nên mẹ tớ giải thích: “Ngày học vui là ngày con được khen này, con giúp được bạn trong lớp này, con ăn thấy ngon miệng này... còn ngày học có ý nghĩa là ngày con học được những thứ mà con thấy hay, thấy lạ so với những điều mình đã biết trước đó, nói tóm lại con có cảm giác của người vừa khám phá được một điều gì đó mà trước đấy còn bí ẩn”. Tớ hiểu ngay, nên thay vì tính số điểm 10 hàng ngày, khi mẹ đón, tớ đều thì thầm vào tai mẹ tớ, chẳng hạn: “Mẹ ơi, hôm nay là một ngày học vui, con đã giúp cô cất chăn chiếu khi ngủ xong và được cô khen”, hoặc: “Mẹ ơi, hôm nay là ngày học ý nghĩa vì con biết khi muốn cộng 9 với 8 con lấy 10 cộng với 8 rồi trừ đi 1”... nhưng cũng có ngày học buồn lắm, như ngày bạn Phương trong lớp bị ngã gẫy tay, ngày có bạn kể cho tớ nghe về việc bố mẹ bỏ nhau mà bạn ấy không biết ở với ai này... Những điều đó tớ đều kể lại cho mẹ tớ nghe hết, mẹ còn cho lời khuyên để tớ có thể giúp được các bạn nữa chứ. Còn bố tớ đón tớ hàng ngày toàn bằng những lời pha trò, ví dụ khi tớ nói: “Hôm nay con được ba điểm 10” thì bố tớ lại kêu lên: “Thôi chết, điểm 3 và điểm 10 á, gay thế!” Dù biết thừa là bố tớ trêu nhưng tớ vẫn hét toáng lên “Không ạ, ba điểm 10 ạ!” đến khi bố tớ ôm tớ vào lòng và cười khì khì mới thôi.
Mẹ tớ cũng rất hay quan tâm đến bữa ăn trưa ở trường của tớ. Ở trường có dán sẵn một bảng thực đơn cho từng ngày, bọn tớ có thể nhìn vào đó để biết được hôm sau mình sẽ ăn gì, có phải là món khoái khẩu của mình không. Tớ thích nhất hôm nào có thịt kho tàu và canh chua, nhưng có những hôm, tớ chẳng thích ăn một tẹo nào cả. Biết thế, nên mẹ tớ hay hỏi: “Trưa nay, con ăn uống thế nào, có hợp khẩu vị không?” Đa phần là tớ đều trả lời: “Con ăn ngon lắm, món ăn rất ngon mẹ ạ”. Nói chung, mẹ tớ cũng không phải lo lắng lắm về chuyện ăn của tớ, (cứ nhìn hình tớ trong ảnh là các ấy biết tớ dễ ăn đến thế nào rồi). Thậm chí có một thời gian, tớ thường xuyên xin thêm các cô nhà bếp hoặc cô giáo phụ trách, khi thì một ít cơm, khi thì một ít thức ăn hoặc có khi một ít canh và cũng có khi là cả ba thứ ấy. Khi tớ kể lại cho mẹ tớ nghe, mẹ tớ buồn cười lắm nhưng mẹ tớ cũng khuyên là không nên ăn quá nhiều, sẽ khó ngủ.
Nhưng không buồn cười bằng chuyện hồi mới vào lớp, vì tớ là lớp trưởng nên sau khi cho các bạn ngồi vào chỗ, tớ mới chọn chỗ ngồi cho mình. Tớ toàn chọn ngồi cạnh bạn Thanh Tú, chả là, bạn ấy rất gầy mà lại rất sợ ăn thịt, cho nên, ngồi cạnh bạn ấy, tớ có thể ăn ké phần thịt, vốn là món ăn rất ưa thích của tớ. Nhưng chẳng nhẽ lại nói: “Bạn cho tớ ăn thịt của bạn nhé”! thì lại có vẻ không đúng tư cách một lớp trưởng chút nào, thế là tớ bèn chuyển sang nói: “Bạn cho tớ mượn miếng thịt nhé!” Lạ là bạn ấy hiểu ý và chuyển ngay miếng thịt sang bát tớ. Việc “mượn thịt” cũng diễn ra trong một thời gian tương đối dài cho đến khi tớ kể cho mẹ tớ. Sau một trận cười ngặt nghẽo, mẹ tớ quyết định sẽ không cho tớ “mượn” nữa vì mẹ nói bạn ấy sẽ ăn uống không đủ chất và sẽ gầy còm hơn nữa, còn ngược lại tớ sẽ bị thừa cân. Thế là tớ không nghĩ đến miếng thịt trong bát bạn ấy nữa mà động viên cho bạn ấy ăn: “Tại sao lại không thích những miếng thịt hấp dẫn như thế được nhỉ?” Tớ luôn nói với bạn ấy thế và bạn ấy nhăn mặt, bỏ tọt miếng thịt vào mồm, nuốt vội vàng. Tớ buồn cười cho bạn ấy ghê!
Nói chung, việc đến trường với tớ quả là một niềm vui, trừ những ngày có môn Thể dục ra. Buổi sáng nào khi mẹ gọi dậy, tớ cũng hào hứng nghĩ đến những niềm vui đang chờ tớ ở trường, niềm vui học tập và cả niềm vui ăn uống nữa. Các ấy đừng cười tớ nhé, bố tớ nói, người ta đang chủ trương cho trẻ: Mỗi ngày đến trường là một ngày vui. Thấy được niềm vui khi đến lớp mỗi ngày là vui rồi mà, bất kể niềm vui ấy bắt nguồn từ đâu.