(Xếp theo thứ tự ABC)
1. TS. Alan Phan: Tốt nghiệp kỹ sư (BS) tại PennsylvaniaState University (Mỹ), thạc sĩ (MBA) tại American Intercontinental University (Mỹ) và tiến sĩ (DBA) tại Southern Cross University (Úc). Ông là sáng lập viên của Alan Phan Associates (APA) có trụ sở tại California và Hong Kong. APA chuyên về hoạt động M&A liên lục địa và tư vấn chiến lược kinh doanh toàn cầu cho các công ty đa quốc gia. Trước đó, TS. Phan điều hành quỹ Viasa Fund tại Hong Kong chuyên đầu tư vào thị trường Trung Quốc (2002 - 2008). Ông cũng là sáng lập viên và CEO của nhóm công ty Hartcourt có 7 công ty con về IT tại Trung Quốc (1995 - 2002). Năm 1999 Tập đoàn Hartcourt của ông đạt mức thị giá lên tới 670 triệu USD. Ngoài vai trò một doanh nhân với 43 năm trải nghiệm khắp thế giới, ông còn là tác giả của 11 cuốn sách về kinh tế, xã hội của các thị trường mới nổi; và viết bài cho gocnhinalan.com, Robb Report, Esquire, Saigon Times, Entrepreneur, Biz Live, Thế giới Tiếp thị… Ông cũng là giảng viên thỉnh giảng của một số trường đại học ở Mỹ và Trung Quốc.
TS. Alan Phan đại diện cho cộng đồng người Việt ở nước ngoài.
2. ThS. Nguyễn Thu Anh: Tốt nghiệp Thạc sĩ Khoa học Xã hội tại Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Nga. Bà giữ nhiều vai trò quan trọng trong các tổ chức, câu lạc bộ dành cho doanh nhân như Ủy viên Ban Chấp hành Câu lạc bộ Doanh nhân Sài Gòn, Giám đốc Hỗ trợ của Tổ chức Kết nối Thương mại Toàn cầu tại Việt Nam (BNI), Phó Ban Truyền thông Trung tâm Văn hóa Doanh nhân chi nhánh phía Nam thuộc VCCI… Bà là Người sáng lập của Liên minh Connecting Plus, Chủ tịch HĐQT & CEO Never Alone Corp, Phó Tổng Giám đốc Công ty Logleman, thành viên HĐQT Công ty Thực phẩm Chay Quảng Duyên. Bà đã nhận được nhiều giải thưởng cho các hoạt động tích cực nhiều năm liền tại các Câu lạc bộ, Hội, Giải thưởng do Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cho đóng góp tích cực đối với Cộng đồng Doanh nhân Sài Gòn, Top 50 Business Women Leader Asia Pacific do Women Leader Forum tổ chức, Giải thưởng Top 3 Doanh nhân vì Cộng đồng 2013, Top 100 Phong cách Doanh nhân.
Bà Nguyễn Thu Anh đại diện cho tinh thần kết nối Việt.
3. Hồ Thị Hải Âu: Bà là cái tên một thời ghi dấu ấn trên văn đàn với những truyện ngắn ấn tượng như Hoa vông vang, Cúc quỳ, Gánh xương trâu, Người bán thuốc dạo, Những phiên bản của đời… Bà từng đạt giải thưởng Tạp chí Văn nghệ Quân đội, giải tác phẩm Tuổi Xanh, giải những truyện ngắn hay viết về Hà Nội… Bà là mẹ của Lã Hồ Minh Khuê - nữ sinh đã giành được học bổng toàn phần của Đại học Harvard.
Bà Hồ Thị Hải Âu đại diện cho “sự nghiệp làm mẹ”.
4. TS. Nguyễn Sĩ Dũng: Tiến sĩ Giáo dục học. Ông thi đạt điểm cao Khoa Văn, Đại học Tổng hợp, được Nhà nước cử đi du học tại Liên Xô cũ. Ông được giữ lại làm nghiên cứu sinh về Giáo dục học. Các chức vụ ông đã và đang đảm nhận: Giám đốc Trung tâm Thông tin, Thư viện và Nghiên cứu khoa học của Văn phòng Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội.
TS. Nguyễn Sĩ Dũng đại diện cho khối cơ quan nhà nước.
5. Đinh Tiến Dũng: Ông tốt nghiệp Đại học Nông nghiệp Hà Nội. Sau khi tốt nghiệp, ông công tác tại Trung ương Đoàn. Sau đó ông về làm tại Tập đoàn FPT với nhiều vị trí công tác khác nhau như Trưởng phòng Công tác sinh viên Đại học FPT, Trưởng ban Văn hóa Đoàn thể Tập đoàn FPT. Ông tham gia soạn kịch bản của chương trình Thư giãn cuối tuần, Gặp nhau cuối năm của Đài truyền hình Việt Nam nhiều năm qua và nổi tiếng từ khi xuất hiện trong chương trình Hỏi Xoáy đáp Xoay với vai trò Giáo sư Cù Trọng Xoay.
Ông Đinh Tiến Dũng đại diện cho giới văn nghệ sĩ.
6. Thượng tướng, Viện sĩ Nguyễn Huy Hiệu: Nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng. Từ anh lính binh nhì, nhập ngũ năm 1965, ông đã lên tổ trưởng tổ ba người, lên tiểu đội trưởng, trung đội trưởng, đại đội trưởng, tiểu đoàn trưởng, trung đoàn trưởng. Đến năm 1983, khi 34 tuổi với quân hàm Đại tá, ông đã là Sư đoàn trưởng Sư đoàn Đồng Bằng. Với những đóng góp của ông trong các chiến dịch lớn, ông đã được phong tặng Anh hùng lực lượng vũ trang. Sau khi chiến tranh kết thúc, ông trở về học hết phổ thông và ngoại ngữ rồi học tại Học viện Cao cấp khóa đầu tiên (Học viện Quốc Phòng), sau đó sang học ở Nga. Ông đã nắm giữ các chức vụ quan trọng: Phó Tư lệnh thứ nhất Quân đoàn I sau đó là Tư lệnh Quân đoàn I, Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng.
Thượng tướng, Viện sĩ Nguyễn Huy Hiệu đại diện cho lĩnh vực quốc phòng, an ninh.
7. Nguyễn Hữu Thái Hòa: Tốt nghiệp ngành kiến trúc, Đại học Bách khoa Ryerson, Toronto, Canada, có bằng Thạc sĩ Quản trị kinh doanh của Học viện Trung Âu Quốc tế Công thương (CEIBS), Thượng Hải, Trung Quốc và nhiều chứng chỉ cao cấp trong những lĩnh vực như công nghiệp, kinh doanh và thương mại. Ông khởi nghiệp ở Tập đoàn Công nghiệp đa quốc gia Schneider Electric (Pháp) với tư cách Phó Giám đốc của Schneider - Việt Nam. Sau đó, ông đã kinh qua các vị trí kỹ sư trưởng, giám đốc phát triển chất lượng, Tổng giám đốc đảm bảo chất lượng và đáp ứng khách hàng tại Asia Pacific cùng nhiều chức vụ hỗ trợ các khu vực khác trên thế giới. Ông cũng từng là cố vấn về Năng suất Chất lượng cho Bộ Khoa học Công nghệ Việt Nam và hiện đang kiêm nhiệm chức vụ Phó Viện trưởng, Viện Khoa học Công nghệ - Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ Công nghệ Thông tin Việt Nam. Hiện ông là Giám đốc Chiến lược của Tập đoàn FPT. Trong hơn 2 năm công tác tại FPT, ông đã đóng góp đáng kể vào sự phát triển của Tập đoàn thông qua chiến lược OneFPT. Một trong những tham vọng của ông là đưa FPT trở thành Tập đoàn công nghệ toàn cầu hàng đầu của Việt Nam (Vietnamese Leading Global Corporation). Ông được nhiều người biết đến là một vị lãnh đạo tài năng, luôn truyền lửa “giấc mơ Việt” cho thế hệ trẻ Việt Nam.
Ông Nguyễn Hữu Thái Hòa đại diện cho tư duy chiến lược.
8. Trần Hoàng: Nhà sáng lập và Chủ tịch VietnamMarcom, tổ chức giáo dục đào tạo chuyên ngành truyền thông tiếp thị và xây dựng thương hiệu. Năm 2006 ông là người đề xuất ý tưởng dự án và cùng Báo Tuổi Trẻ, FutureOne triển khai Hành trình Tiếp thị Hình ảnh Việt Nam với nhiều hoạt động sôi nổi, ý nghĩa. Ông đồng thời cũng là nhà sáng lập và điều hành các dự án Tiếp thị Nông sản Việt, Thư viện các Giải pháp Tiếp thị Cộng đồng. Ông là đại diện quốc gia của Hiệp hội Quảng cáo Quốc tế tại Việt Nam và Tập đoàn Giải thưởng Quốc tế IAG. Ông được AFAA bình chọn là một trong số những “Movers & Shakers” có ảnh hưởng đến sự phát triển của ngành truyền thông quảng cáo châu Á.
Ông Trần Hoàng đại diện cho lĩnh vực đào tạo.
9. TS. Lê Thị Bích Hồng: Tốt nghiệp khoa Ngữ văn Đại học Sư phạm Hà Nội. Bà là Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, Hội viên Hội Nhà báo Việt Nam, Hội viên Hội Nhà văn Hà Nội. Bà đã và đang đảm nhận các chức vụ quan trọng: Giảng viên Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội, Phó Vụ trưởng Vụ Văn hóa - Văn nghệ Ban Tuyên giáo Trung ương. Bà đã nhận các giải thưởng văn học: Giải nhì cuộc thi viết về bộ đội biên phòng do Hội Nhà văn Việt Nam và Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng tổ chức; Giải nhì cuộc vận động sáng tác “Những kỷ niệm sâu sắc” do Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức; Giải phong cách đặc biệt cuộc thi “Nước Anh trong mắt tôi”; Giải C cuộc thi viết về gia đình, trẻ em; Giải nhất cuộc thi viết truyện ngắn “Xếp bút nghiên lên đường chiến đấu”.
TS. Lê Thị Bích Hồng đại diện cho lĩnh vực văn hóa, văn nghệ.
10. PGS. TS. Nguyễn Kim Hồng: Tốt nghiệp Đại học Sư phạm Hà Nội năm 1978 chuyên ngành Địa lý, là Phó Tiến sĩ năm 1994, được phong hàm Phó Giáo sư năm 2003. Ông giảng dạy tại Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh từ tháng 10/1978, hiện nay là Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh. Ngoài công việc giảng dạy, ông còn viết truyện ngắn và thơ cho Tài Hoa trẻ, Giáo dục và Thời đại (truyện ngắn Ngược đăng trên Văn Nghệ đã được dựng thành phim truyền hình, một số bài thơ đã được phổ nhạc) với bút danh Ngọc Thuận.
PGS. TS. Nguyễn Kim Hồng đại diện cho lĩnh vực giáo dục.
11. PGS. TS. Hà Minh Hồng: Hiện là Trưởng Bộ môn Lịch sử Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Thành phố Hồ Chí Minh. Sau khi tốt nghiệp phổ thông, ông gia nhập Quân đội nhân dân Việt Nam và tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước tại chiến trường miền Nam (Mặt trận B3-Tây Nguyên). Sau khi tốt nghiệp Đại học Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, ông ở lại trường làm công tác giảng dạy từ năm 1981 đến nay, tại Bộ môn Lịch sử Việt Nam thuộc Khoa Lịch sử trường Đại học Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, nay là Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh. Ông là Tiến sĩ Sử học năm 1997, và được phong hàm Phó Giáo sư Sử học năm 2009.
PGS. TS. Hà Minh Hồng đại diện cho giới sử học.
12. Hùng Cửu Long: Tên thật là Lê Đình Hùng. Từ một thợ bạc trẻ tuổi, với lòng nhiệt huyết lập nghiệp ông đã tạo nên một thương hiệu trang sức nổi tiếng Việt Nam mang tên Cửu Long Jewelry. Vì thế, tên gọi “Hùng Cửu Long” được mọi người dành cho doanh nhân Lê Đình Hùng, gắn với công ty vàng bạc đá quý Cửu Long. Năm 2000, ông đi thi và đoạt huy chương vàng của cuộc thi Bàn tay vàng. Đến năm 2007, Lê Đình Hùng mở 30 chi nhánh ở các tỉnh thành trên cả nước. Năm 2000, ông đi thi và đoạt huy chương vàng của cuộc thi Bàn tay vàng. Năm 2007, ông lập kỷ lục Việt Nam với tác phẩm Sức sống văn hoá Việt, số tiền thu được 1,3 triệu đô la được tặng cho Mặt trận Tổ quốc làm từ thiện. Ông cũng là người Việt Nam đầu tiên mặc áo dài hàng ngày với mong muốn gìn giữ bảo tồn và phát huy văn hoá mặc của dân tộc lưu lại cho đời sau. Ngoài ra ông còn tham gia vào nghệ thuật thứ bảy với trên dưới 30 bộ phim truyền hình và điện ảnh. Hiện ông là Giám đốc Công ty Vàng bạc Đá quý Cửu Long.
Ông Lê Đình Hùng đại diện cho lĩnh vực vàng bạc, đá quý.
13. TS. Nguyễn Mạnh Hùng: Là doanh nhân Phật tử, từng sống và học tập 15 năm ở nước ngoài, đặt chân đến 41 quốc gia, 12 năm làm việc tại FPT là Phó Giám đốc Trung tâm Đề án và Chuyển giao Công nghệ FPT, 14 năm giảng dạy về Quản trị Kinh doanh. Với niềm đam mê sách và mong muốn truyền bá văn hóa đọc, năm 2007, ông đã sáng lập ra Công ty Cổ phần Sách Thái Hà. Hiện ông là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Sách Thái Hà, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Hội Xuất bản Việt Nam, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam, Ủy viên Ban Thông tin Truyền thông Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Ông được mệnh danh là “tiến sĩ văn hóa đọc” và là tác giả của 3 cuốn sách đã xuất bản và chủ biên Tôi tự hào là người Việt Nam.
TS. Nguyễn Mạnh Hùng đại diện cho sách và tri thức.
14. Đặng Vương Hưng: Cựu Sinh viên Viết văn Nguyễn Du (Khoá III). Cử nhân Luật. Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Hội viên Hội Nhà báo Việt Nam. Hội viên Hội Nhà văn Hà Nội... Ông có nhiều năm phục vụ trong lực lượng vũ trang; làm báo, biên tập và xuất bản sách. Hiện là Sĩ quan cao cấp, phụ trách Ban Biên tập Website và Ban Biên tập Sách Văn học của Nhà xuất bản Công an nhân dân - Bộ Công an; là người sáng lập, tổ chức và điều hành các website: www.lucbat.vn, www.nxbcand.vn và www.kyvatlichsucand.vn; đồng thời, là Cố vấn Truyền thông của trang tin nhanh www.vntime.vn. Đặng Vương Hưng là thành viên sáng lập và Phó Chủ tịch Hội đồng Quản lý Quỹ Mãi mãi tuổi 20; Tác giả ý tưởng và người khởi xướng các Cuộc vận động: Sưu tầm và giới thiệu Những kỷ vật kháng chiến (2008 – 2010); Sưu tầm và Tuyên truyền Kỷ vật Lịch sử CAND (2012 - 2015). Hiện nay, với tư cách là tác giả sáng tạo ý tưởng, Nhà văn Đặng Vương Hưng đang tiếp tục hoàn thành 02 Đề án công trình tác phẩm mang ý nghĩa thời đại và nhân văn sâu sắc, dự kiến sẽ được công bố trước báo giới vào đầu năm 2015: “Cuộc vận động Xây dựng Tượng đài và Đền thờ Thánh Võ; Lễ hội Võ Việt và Giải thưởng Võ Nguyên Giáp” và “Cuộc vận động “TỰ HÀO VIỆT NAM” (Xây dựng cụm Tượng đài Hải đăng Chiến thắng Bạch Đằng, Đền thờ Các Vua Hùng và Thánh Bất Tử tại huyện đảo Trường Sa và đảo Phú Quốc). Ông là tác giả của hơn 40 cuốn sách với nhiều thể loại…
Ông Đặng Vương Hưng đại diện cho các nhà văn, nhà thơ.
15. Nguyễn Kiểm: Tốt nghiệp Trường Đại học Công nghệ In tại Leipzig, Cộng hòa Dân chủ Đức năm 1980. Sau khi về nước, ông đảm nhận nhiều vị trí quan trọng: Cục trưởng Cục Xuất bản, Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam, Phó Chủ tịch thường trực Hội Xuất bản Việt Nam.
Ông Nguyễn Kiểm đại diện cho khối xuất bản.
16. TS. Vũ Tiến Lộc: Ông là Đại biểu Quốc hội Việt Nam các khóa XI, XII, XIII, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Chủ tịch Ủy ban Hợp tác kinh tế Thái Bình Dương của Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Trung ương các hiệp hội doanh nghiệp Việt Nam, Chủ tịch Liên minh diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam. Là Tiến sĩ Kinh tế, ông cũng tham gia giảng dạy tại các trường Đại học Kinh tế Quốc dân, Đại học Quốc gia Hà Nội và một số trường đại học trong và ngoài nước.
TS. Vũ Tiến Lộc đại diện cho khối doanh nghiệp.
17. TS. Trần Tuấn Mẫn: Từng là giảng viên giảng dạy môn Phật học tại Học viện Phật giáo Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh. Ông nắm giữ vị trí Tổng thư ký của Học viện Phật giáo Thành phố Hồ Chí Minh và là Tổng thư ký Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam trong hơn 20 năm. Hiện nay ông là Phó Tổng biên tập Thường trực kiêm Thư ký Tòa soạn Tạp chí Văn hóa Phật giáo. Ông cũng là Ủy viên Thư ký Ban Thường trực Hội đồng Trị sự, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Thông tin Truyền thông, Phó Trưởng ban Văn hóa Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
TS. Trần Tuấn Mẫn đại diện cho giới cư sĩ Phật giáo Việt Nam.
18. TS. Lương Hoài Nam: Học đại học kinh tế hàng không và bảo vệ luận án tiến sĩ kinh tế tại Riga, Latvia, Liên Xô (cũ) năm 1990. Các công việc đã qua: Trưởng ban Kế hoạch Thị trường của Vietnam Airlines; Tổng biên tập Tạp chí Heritage; Tổng Giám đốc Jetstar Pacific Airlines: Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam; Giám đốc Điều hành Air Mekong; Phó Tổng Giám đốc tập đoàn BDS Nam Long. Các công việc hiện tại: Phó Tổng giám đốc tập đoàn du lịch Thiên Minh; Tổng Giám đốc Hai Au Aviation; Phó Chủ tịch Công ty Dịch vụ Hàng không & Du lịch Hoàng Gia (Gotadi.com); Phó Chủ tịch Công ty Cổ phần Dịch vụ Hàng hóa Sài Gòn; Ủy viên HĐQT Công ty Cổ phần Phát triển đô thị Vinaconex - Viettel.
TS. Lương Hoài Nam đại diện cho lĩnh vực hàng không và du lịch.
19. Đỗ Nhật Nam: Sinh năm 2001. Năm 7 tuổi, Nhật Nam xác lập kỉ lục “Dịch giả nhỏ tuổi nhất Việt Nam”. Năm 11 tuổi, Nhật Nam xác lập kỷ lục “Người viết tự truyện nhỏ tuổi nhất được xuất bản”. Đến nay Nhật Nam đã xuất bản ba cuốn tự truyện và dịch gần chục đầu sách. Nhật Nam đạt giải thí sinh nhỏ tuổi nhất, thí sinh tài năng nhất và giải Nhất chung cuộc trong cuộc thi Hùng biện Tiếng Anh Wordstorm; giải Nhất cuộc thi hùng biện tiếng Anh Stand up Speak out; giải Nhất cuộc thi English Champion; giải Khuyến khích cuộc thi Sáng tạo Thanh thiếu niên nhi đồng Toàn quốc… Nhật Nam còn tham gia làm MC, đóng phim, dịch hội thảo… Hiện Nhật Nam đang du học tại Mỹ.
Đỗ Nhật Nam đại diện cho giới học sinh, sinh viên.
20. TS. Nguyễn Thành Nam: Ông bảo vệ luận án tiến sĩ toán tại Trường Đại học Lomonosov, Liên Xô năm 1988. Sau khi trở về nước, ông cùng 12 người khác, đứng đầu là Trương Gia Bình, sáng lập ra FPT. Trong Tập đoàn FPT, ông đảm nhận nhiều vai trò quan trọng: Giám đốc Trung tâm Giải pháp Phần mềm của FPT, Giám đốc Trung tâm Xuất khẩu Phần mềm của FPT, Thành viên Hội đồng Quản trị của FPT, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Phần mềm FPT (FSOFT), Tổng Giám đốc FPT.
TS. Nguyễn Thành Nam đại diện cho giới công nghệ.
21. TS. Đỗ Hồng Ngọc: Bút hiệu Đỗ Nghê. Tiến sĩ Y khoa quốc gia, Y khoa Đại học đường Sài Gòn. Tu nghiệp Y tế công cộng tại Đại học Harvard, Hoa Kỳ và Giáo dục sức khỏe tại CFES, Pháp. Ông là Trưởng khu Phòng khám Cấp cứu Bệnh viện Nhi Đồng 1, Giám đốc Trung tâm Truyền thông - Giáo dục Sức khỏe, giảng viên thỉnh giảng Bộ môn Nhi, Đại học Y dược Thành phố Hồ Chí Minh, Trưởng Bộ môn Khoa học hành vi và Giáo dục Sức khỏe, Trung tâm Đào tạo và Bồi dưỡng Cán bộ y tế Thành phố Hồ Chí Minh (nay là Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch). Ông đã và đang cộng tác với nhiều báo: Tuổi trẻ, Phụ nữ, Thanh niên, Mực Tím, Áo trắng, Doanh nhân Sài Gòn cuối tuần, Sài Gòn Tiếp thị…
TS. Đỗ Hồng Ngọc đại diện cho lĩnh vực y tế.
22. TS. Hãn Nguyên Nguyễn Nhã: Bảo vệ thành công luận án tiến sĩ sử học năm 2003 tại Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh. Ông là người sáng lập Quỹ Văn hóa Giáo dục Hãn Nguyên Nguyễn Nhã. Ông đã và đang đảm nhiệm các chức vụ: Chủ nhiệm kiêm chủ bút Tập san Sử Địa, Đại học Sư phạm Sài Gòn, sáng lập viên trường Đại học Dân lập Hùng Vương, Trưởng Nhóm Nghiên cứu và Phát huy Truyền thống Việt Nam, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Ẩm Thực Việt Nam, Trưởng Đề án Bếp Việt - Bếp của Thế giới.
TS. Hãn Nguyên Nguyễn Nhã đại diện cho lĩnh vực văn hóa ẩm thực Việt Nam.
23. Dương Trung Quốc: Nhà sử học và Đại biểu Quốc hội Việt Nam các khóa XI, XII, XIII. Ông cũng là Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, là Ủy viên Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Ủy viên Đoàn Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Liên hiệp các Hội Hòa bình và Hữu nghị Việt Nam. Ông là Tổng Biên tập Tạp chí Xưa và Nay và Chủ tịch Hiệp hội Câu lạc bộ UNESCO Hà Nội…
Ông Dương Trung Quốc đại diện cho lĩnh vực hoạt động xã hội.
24. PGS. TS. Huỳnh Văn Sơn: Chuyên gia Tâm lý học. Ngoài ra, ông còn tiếp tục nghiên cứu chuyên biệt trong Tâm lý học phát triển và Tâm lý học ứng dụng; nghệ thuật ứng xử và xây dựng hình ảnh. Ông đã và đang đảm nhận các vị trí quan trọng: Phó Chủ tịch Hội Tâm lý học xã hội Việt Nam, Trưởng Bộ môn Tâm lý học, Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh. Ông là cố vấn cao cấp Trung tâm Truyền thông - Tư vấn và Đào tạo Ý tưởng Việt. Ông còn là diễn giả chuyên nghiệp với gần 20 năm kinh nghiệm. PGS. TS. Huỳnh Văn Sơn có thể chinh phục các đối tượng khác nhau bằng lối nói dí dỏm hay logic, sinh động, cảm xúc... Ông cũng là người đạt kỷ lục là người thực hiện nhiều chương trình truyền hình nhất với tư cách là chuyên gia, là người nghĩ ra ý tưởng hay cố vấn chương trình.
PGS. TS. Huỳnh Văn Sơn đại diện cho lĩnh vực tâm lý học.
25. Nguyễn Thế Thanh: Sinh năm 1953, làm báo từ tháng 10 năm 1975, Tổng biên tập Báo Phụ nữ Thành phố Hồ Chí Minh (1987 - 1996). Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thông tin Thành phố Hồ Chí Minh (2001 - 2008). Bà có nhiều bài viết trong các đầu sách in chung với nhiều người khác.
Bà Nguyễn Thế Thanh đại diện cho giới báo chí.
26. GS. TSKH. Trần Ngọc Thêm: Là Giáo sư, Tiến sĩ Khoa học về ngôn ngữ học lý thuyết, toán học và ứng dụng. Là một trong những chuyên gia đầu ngành về văn hóa học và văn hóa Việt Nam. Học đại học và sau đại học tại Liên Xô, làm việc tại Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội từ 1975, tại Trường Đại học Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh từ 1992. Ông đã từng đảm nhiệm các công việc: thành viên Ban Sáng lập và Tổng thư ký đầu tiên của Hội Ngôn ngữ học Việt Nam, sáng lập và Trưởng Bộ môn Châu Á học của Trường Đại học Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh; thành viên Hội đồng sáng lập Trường Đại học Ngoại ngữ - Tin học Thành phố Hồ Chí Minh và Trưởng khoa Ngôn ngữ và Văn hóa Đông phương của Trường; Trưởng khoa Đông phương học Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh); sáng lập và Trưởng khoa Văn hóa học Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh); Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo của Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh. Hiện ông là người sáng lập và Giám đốc Trung tâm Văn hóa học Lý luận và Ứng dụng thuộc Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh); Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương; Ủy viên Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước kiêm Chủ tịch Hội đồng Chức danh Giáo sư ngành Ngôn ngữ học.
GS. TSKH. Trần Ngọc Thêm đại diện cho lĩnh vực văn hóa Việt Nam.
27. Phạm Phú Ngọc Trai: Là một trong những nhà quản trị doanh nghiệp xuất sắc nhất Việt Nam và là một trong số ít những nhà lãnh đạo doanh nghiệp nổi bật của Việt Nam trong suốt hai thập niên qua, giai đoạn kinh tế đất nước bước vào thời kỳ đổi mới, hội nhập với kinh tế thế giới. Ông từng là Giám đốc Công ty nước giải khát Quận 3, Chủ tịch Công ty nước giải khát Sài Gòn (Tribeco), Tổng Giám đốc Công ty SPco rồi Công ty Liên doanh nước giải khát quốc tế IBC trước khi trở thành Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc PepsiCo Đông Dương, người Việt Nam đầu tiên giữ chức vụ lãnh đạo khu vực tại một tập đoàn đa quốc gia hàng đầu thế giới. Ông và những cộng sự của mình đã sáng lập ra Công ty Tư vấn kinh doanh Hội nhập toàn cầu, viết tắt là GIBC.
Ông Phạm Phú Ngọc Trai đại diện cho giới doanh nhân.
28. Cao Trần Ngọc Tú: Giám đốc Công ty TNHH Thủ công Mỹ nghệ Hoa Oải hương với sản phẩm là tranh thêu tay chuyên xuất đi các nước Tây Âu.
Bà Cao Trần Ngọc Tú đại diện cho lĩnh vực thủ công mỹ nghệ.
29. TS. Trần Đăng Tuấn: Tốt nghiệp chuyên ngành Truyền hình Khoa Báo chí trường Đại học Tổng hợp Moscow mang tên Lomonosov (1981), làm luận án Phó Tiến sĩ tại Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội ở Liên Xô. Ông từng giảng dạy tại Trường Tuyên giáo Trung ương (nay là Học viện Báo chí Tuyên truyền) và là Phó Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam (1996 - 2010). Ông là Tổng Giám đốc AVG - Truyền hình An Viên (2011 - 2014). Tháng 9/2011 Trần Đăng Tuấn và các cộng sự khởi xướng Chương trình “Cơm có thịt” là chương trình từ thiện đến nay đã có ảnh hưởng và lan truyền mạnh mẽ ở cả trong và ngoài nước. Từ tháng 5/2014 Quỹ Trò nghèo Vùng cao (tiền thân là Chương trình “Cơm có thịt”) được cấp phép hoạt động.
TS. Trần Đăng Tuấn đại diện cho lĩnh vực truyền hình.
30. TS. Thích Hạnh Tuệ: Giảng viên Học viện Phật giáo Việt Nam, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Văn học Phật giáo - Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam.
TS. Thích Hạnh Tuệ đại diện cho giới tu sĩ Phật giáo Việt Nam.
31. Trần Thiện Tùng: Hiện là nhân viên của chi nhánh trung tâm quảng cáo và dịch vụ truyền thông đa phương tiện - Đài Tiếng nói Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh. Ông là người đồng sáng lập và quản lý dự án Không gian đọc. Ông luôn tâm niệm sự đọc ở nông thôn phải hình thành theo mạng lưới, với tinh thần chia sẻ tri thức và kết nối tâm hồn. Mô hình Không gian đọc được khởi đầu chính từ tinh thần sẻ chia và kết nối ấy.
Ông Trần Thiện Tùng đại diện cho lĩnh vực hoạt động vì cộng đồng.
32. Lê Quốc Vinh: Tốt nghiệp trường Đại học Tổng hợp Hà Nội năm 1990 và hoạt động báo chí liên tục tại Thông tấn xã Việt Nam, Tạp chí Quan hệ Quốc tế, báo Đầu Tư/Vietnam Investment Review. Ông bắt đầu công việc kinh doanh năm 1996 với Công ty Hải Đăng Design tại Thành phố Hồ Chí Minh và sáng lập Nhà Đẹp - tạp chí về nội thất đầu tiên của Việt Nam. Ông sáng lập Tạp chí Đẹp chuyên đề về thời trang và lối sống cao cấp cho phụ nữ năm 1999. Lê Quốc Vinh hiện là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc của Tập đoàn Le Invest (Holdings) Corporation (Tập đoàn Truyền thông Lê) với 4 công ty thành viên gồm: Công ty Le Media chuyên về xuất bản và truyền thông với các tạp chí Đẹp, Thể thao Văn hóa & Đàn Ông, Doanh Nhân, Stuff và Autocar, Công ty Le Bros chuyên về tư vấn chiến lược marketing, PR và tổ chức sự kiện, Công ty Lê Quốc Corporation phát triển nội dung số, và Công ty Vietnam CEO Corporation chuyên kết nối và phát triển doanh nhân.
Ông Lê Quốc Vinh đại diện cho lĩnh vực truyền thông.
33. Đặng Lê Nguyên Vũ: Là người sáng lập, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn cà phê Trung Nguyên. Ngay từ khi học đại học ông đã bắt đầu các hoạt động tìm tòi và nghiên cứu về lĩnh vực cà phê. Năm 1996, ông thành lập hãng Cà phê Trung Nguyên tại Buôn Ma Thuột. Năm 1998, công ty Trung Nguyên lần đầu tiên mở quán cà phê ở Thành phố Hồ Chí Minh, mở rộng kinh doanh theo mô hình nhượng quyền thương hiệu, từ đó các quán cà phê nhượng quyền thương hiệu Trung Nguyên xuất hiện khắp mọi nơi trên toàn quốc. Cà phê Trung Nguyên đã được Bộ Ngoại giao Việt Nam chọn làm Đại sứ ngoại giao văn hóa và làm quà tặng cho các nguyên thủ quốc gia. Ông là người được National Geographic Traveller và Forbes Asia vinh danh là “Vua Cà phê Việt Nam”.
Ông Đặng Lê Nguyên Vũ đại diện cho lĩnh vực cà phê Việt Nam.