Cuốn sách 21 Phẩm chất vàng của Nhà Lãnh Đạo giúp bạn khám phá, sàng lọc và phát huy những tố chất cần thiết của một nhà lãnh đạo thực thụ, mẫu người mà tất cả mọi người đều muốn đi theo. Năng lực lãnh đạo cần được bồi đắp mỗi ngày, nhờ vào việc học hỏi các nguyên tắc lãnh đạo. Sách gồm 21 chương, tương ứng với 21 phẩm chất mà một nhà lãnh đạo cần trau dồi.
1. TÍNH CÁCH
Tính cách con người không chỉ là lời nói, mà là một chọn lựa. Qua những lựa chọn trong cuộc sống, bạn không ngừng tạo dựng tính cách của mình. Tính cách tốt mang lại thành công lâu dài, còn những nhà lãnh đạo thiếu nền tảng tính cách để giúp họ kiên cường trước áp lực, sẽ dẫn tới thảm họa.
Để cải thiện tính cách của mình, bạn hãy dành thời gian dò tìm những sai sót, sau đó hãy đối mặt với những việc làm và lỗi lầm trong quá khứ, rồi gây dựng lại con đường phía trước bằng cách lập kế hoạch để không tái phạm những lỗi đó.
2. SỨC HÚT
Sức hút là khả năng lôi cuốn mọi người về phía mình. Giống như các tính cách khác, sức hút có thể được phát triển. Người có sức hút là người yêu cuộc sống; mang lại hy vọng và trông đợi điều tốt đẹp nhất đến với mọi người; tỏ ra cởi mở và sẵn sàng chia sẻ. Rào cản của sức hút là tính tự cao, không đáng tin, tâm trạng thất thường, cầu toàn, chế giễu. Để thu hút người khác, bạn nên điều chỉnh mục tiêu của mình, cố gắng để lại ấn tượng ban đầu, và biết chia sẻ với mọi người.
3. TẬN TÂM
Nếu muốn trở thành một nhà lãnh đạo giỏi, bạn phải tận tâm với công việc. Sự tận tâm thật sự sẽ gây hứng khởi cho người khác và thu hút họ. Sự tận tâm đến từ trái tim, được kiểm chứng bằng hành động và mở cánh cửa tới thành công. Để cải thiện tính tận tâm, bạn hãy đánh giá mức độ tận tâm hiện tại, nhận biết điều gì đáng để dốc sức và hãy công khai kế hoạch để có quyết tâm hoàn thành công việc cao hơn.
4. KHẢ NĂNG GIAO TIẾP
Không có khả năng giao tiếp, bạn chỉ là người độc hành. Thành công của bạn trong công việc và quan hệ cá nhân phụ thuộc rất nhiều vào khả năng giao tiếp. Mọi người sẽ không nghe theo bạn nếu họ không biết được bạn muốn gì hoặc đang định làm gì.
Bạn có thể có khả năng giao tiếp tốt hơn nếu làm theo bốn bước sau: đơn giản hóa lời nói, hiểu người khác, thể hiện sự thành thật và chú ý phản hồi của người khác.
5. NĂNG LỰC
Năng lực quan trọng hơn cả lời nói. Đó là khả năng nhà lãnh đạo phát biểu, hoạch định và thực hiện một việc để người khác hiểu rõ và muốn đi theo. Bạn cần làm 5 việc để trau dồi tài năng, gồm: thể hiện năng lực mỗi ngày, không ngừng hoàn thiện, làm đến cùng, nỗ lực vượt bậc và truyền cảm hứng cho người khác.
6. CAN ĐẢM
“Can đảm được coi là phẩm chất đầu tiên của con người bởi nó bảo đảm cho tất cả những phẩm chất khác”. Sự can đảm của người lãnh đạo khích lệ sự tận tâm của cấp dưới, là việc đúng đắn và không cần phải che giấu. Để can đảm hơn, bạn hãy làm quen, đối mặt với thử thách. Nếu là việc đúng đắn, hãy làm nó để tiến một bước dài trong công việc.
7. SÁNG SUỐT
Sự sáng suốt là khả năng tìm đến ngọn nguồn của vấn đề, và nó phụ thuộc vào trực giác cũng như suy xét. Sáng suốt là phẩm chất thiết yếu đối với bất cứ nhà lãnh đạo nào mong muốn đạt được hiệu quả tối đa trong công việc. Nó giúp ta khám phá ngọn nguồn vấn đề, tăng khả năng giải quyết vấn đề, đánh giá các lựa chọn để đạt hiệu quả tối đa và tăng thêm những cơ hội.
Để cải thiện sự sáng suốt, hãy phân tích những thành công trong quá khứ, học cách suy nghĩ của người khác và lắng nghe bằng trực giác.
8. TẬP TRUNG
Càng tập trung cao, bạn càng sắc bén. Người lãnh đạo thiếu sự tập trung thì sẽ chẳng bao giờ làm nên chuyện. Sự tập trung cũng phải đi chung với thứ tự ưu tiên. Có một gợi ý khá hợp lý là bạn nên tập trung 70% sức lực và tiền bạc vào điểm mạnh của mình, 25% cho những điều mới và 5% vào những điểm yếu. Để tập trung tốt hơn, bạn cần phát huy ưu điểm, hạn chế yếu điểm, và đầu tư hết mình.
9. PHÓNG KHOÁNG
Chẳng gì có ý nghĩa và ảnh hưởng hơn sự rộng lượng, phóng khoáng của một nhà lãnh đạo. Người lãnh đạo có tài không dành mọi thứ cho riêng họ mà họ làm cho người khác. Để có được phẩm chất này, bạn nên biết ơn vì tất cả những gì bạn có, đặt người khác lên trước, coi tiền bạc là một nguồn lực, đừng để ý muốn sở hữu điều khiển bạn và tạo thói quen chia sẻ.
10. THẾ CHỦ ĐỘNG
Người lãnh đạo cần chủ động tìm kiếm cơ hội và sẵn sàng hành động. Để làm như vậy, bạn cần biết mình muốn gì, tự thúc đẩy mình hành động, chấp nhận nhiều rủi ro hơn, chịu mắc lỗi nhiều hơn, nhận biết và tận dụng mọi cơ hội.
11. LẮNG NGHE
Người lãnh đạo phải chạm tới trái tim người khác trước khi họ cần một bàn tay. Nhưng trước khi một nhà lãnh đạo có thể chạm tới trái tim một ai đó, anh ta phải biết có cái gì bên trong đó bằng cách lắng nghe. Khi nghĩ về việc nên nghe người khác như thế nào, hãy nhớ kỹ bạn có hai mục đích khi nghe là kết nối với mọi người, và học hỏi. Cấp dưới, khách hàng, đối thủ, người có kinh nghiệm, là những người bạn đều phải lắng nghe.
12. ĐAM MÊ
Niềm đam mê tạo nên khác biệt rất lớn trong công việc, vì không ai có thể thành công nếu không yêu công việc họ đang làm. Đam mê là bước đầu tiên để thành công, nó làm tăng thêm ý chí của bạn, thay đổi bạn, biến điều không thể thành có thể.
13. THÁI ĐỘ TÍCH CỰC
Nếu muốn trở thành một nhà lãnh đạo giỏi thì không thể thiếu thái độ tích cực. Thái độ không chỉ quyết định mức độ hài lòng của bạn với tư cách cá nhân mà còn ảnh hưởng tới cách người khác tương tác với bạn. Để có thái độ tích cực hơn, bạn cần luôn tiếp cận với điều tích cực, luôn nhắc nhở mình suy nghĩ đúng đắn, đặt ra mục tiêu hàng ngày và hoàn thành nó.
14. GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ
Bất kể trong lĩnh vực nào, người lãnh đạo luôn phải đối mặt với các vấn đề. Người có khả năng giải quyết vấn đề tốt thể hiện năm đặc điểm sau: họ đón trước những trở ngại, chấp nhận sự thật, thấy được toàn cảnh, xử lý từng việc một và không từ bỏ mục tiêu chính khi chán nản. Để nâng cao khả năng giải quyết vấn đề, bạn hãy tìm kiếm các trở ngại, tìm một phương pháp giải quyết và tập hợp quanh bạn những người giỏi kỹ năng giải quyết vấn đề.
15. CÁC MỐI QUAN HỆ
Thành phần quan trọng nhất trong công thức thành công chính là biết cách tạo dựng các mối quan hệ. Nhà lãnh đạo phải hiểu mọi người, yêu mến và giúp đỡ mọi người. Mọi người tôn trọng lãnh đạo khi người ấy luôn ghi nhớ những mối quan tâm của họ.
Để cải thiện các mối quan hệ, bạn hãy cải thiện suy nghĩ của mình, làm trái tim mình mạnh mẽ hơn và hàn gắn các mối quan hệ bị rạn nứt.
16. TINH THẦN TRÁCH NHIỆM
Người lãnh đạo giỏi luôn biết họ có trách nhiệm với ai và ở đâu. Họ sẵn sàng đối mặt với sóng gió cuộc đời và vượt lên tất cả. Biểu hiện cụ thể của tinh thần trách nhiệm là luôn hoàn thành nhiệm vụ, sẵn sàng làm quá giờ, hướng tới sự xuất sắc, và tạo ra kết quả trong bất cứ hoàn cảnh nào. Để hoàn thiện trách nhiệm của mình, bạn hãy kiên trì bám trụ, thừa nhận thiếu sót và làm mọi thứ để mình giỏi hơn.
17. SỰ VỮNG VÀNG
Những người lãnh đạo không vững vàng rất nguy hiểm đối với chính họ, với những cấp dưới và với tổ chức của họ. Trái lại, những người lãnh đạo vững vàng có niềm tin vào cấp dưới bởi họ tin chính mình. Họ không kiêu ngạo; họ hiểu được điểm mạnh, điểm yếu của bản thân và tôn trọng chính họ.
Để trở nên vững vàng, bạn cần hiểu chính mình, cho đi những lời khen ngợi và nhận lấy sự giúp đỡ từ người khác.
18. KỶ LUẬT TỰ GIÁC
Dù người lãnh đạo có tài năng đến đâu thì cũng không thể phát huy hết khả năng nếu thiếu tính kỷ luật tự giác. Phẩm chất này nâng người lãnh đạo đạt tới đỉnh cao nhất và là bí quyết của sự lãnh đạo lâu bền.
Nếu muốn trở thành người lãnh đạo có tính kỷ luật tự giác, hãy làm theo những hướng dẫn sau: Đề ra và theo đuổi những việc ưu tiên; Biến lối sống kỷ luật thành mục tiêu; Chấp nhận thử thách; Gạt bỏ những phần thưởng cho tới khi hoàn thành công việc và Tập trung vào kết quả.
19. TINH THẦN PHỤC VỤ
Những nhà lãnh đạo giỏi luôn mong muốn được phục vụ mọi người, không phải phục vụ chính họ. Một người lãnh đạo thật sự có tinh thần phục vụ sẽ đặt người khác lên trước việc của chính mình, sở hữu sự tự tin để phục vụ, chủ động phục vụ, không phải sự ý thức về vị trí và phục vụ chân thành. Để nâng cao tinh thần phục vụ, hãy làm từ những việc nhỏ, học cách bước thật chậm qua đám đông, và bắt đầu ngay những hành động phục vụ.
20. HAM HỌC HỎI
Một người lãnh đạo có được tầm ảnh hưởng và sự kính phục của mọi người vẫn phải luôn học hỏi và phát triển. 5 nguyên tắc giúp giữ vững thái độ học hỏi là Chữa căn bệnh mong đạt đến đích của bạn, Vượt lên thành công, Bỏ những lối tắt, Đánh đổi sự tự cao của bạn và Đừng bao giờ trả giá hai lần cho cùng một lỗi sai. Nếu muốn cải thiện tính học hỏi, bạn hãy quan sát cách mình phản ứng với những lỗi lầm, thử những cái mới và nghiên cứu lĩnh vực thế mạnh của bạn.
21. TẦM NHÌN
Đối với một người lãnh đạo, tầm nhìn chính là tất cả. Bởi tầm nhìn dẫn lối, vẽ nên mục tiêu, châm ngòi và cung cấp nhiên liệu cho ngọn lửa tinh thần, hướng nhà lãnh đạo tiến về phía trước. Tầm nhìn khởi nguồn từ bên trong, dựa trên quá khứ của bạn, phải hòa hợp với nhu cầu của mọi người và giúp bạn tập hợp được các nguồn lực. Bạn có thể đánh giá lại bản thân, viết ra các suy nghĩ và kiểm tra độ quyết tâm của bạn để có một tầm nhìn tốt hơn.
Bằng những bình luận chi tiết và hướng dẫn hữu ích, John Maxwell đã chỉ ra 21 phẩm chất cần có của một nhà lãnh đạo thực thụ. Hãy đọc từng chương sách, và dùng nó để liên hệ, suy xét, và làm mới bản thân, và lặp lại quá trình này vài lần trong một năm để hun đúc mỗi phẩm chất đó vào tính cách của bạn.