Ngược dòng lịch sử, chúng ta cùng hồi tưởng âm vang về trận tiến công Đồn Nhất nằm trên Đèo Hải Vân cùng một chiến thắng vẻ vang của quân và dân Quảng Nam - Đà Nẵng nói chung và của Liên khu 5, Trung đoàn 803, Tiểu đoàn 59 nói riêng trong Hội thảo khoa học 70 năm chiến thắng Đồn Nhất - Hải Vân Quan (25/9/1952 - 25/9/2022) .
Có thể nói, đây không chỉ là một trận chiến quyết liệt, gay go giữa ta và địch mà nó còn là một cột mốc chói đỏ về những bài học, kinh nghiệm quý báu về nghệ thuật đánh công đồn, nghệ thuật xây dựng thế trận. Đặc biệt, đó còn là một âm vang về khí thế của toàn thể quân, dân ta trải khắp hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và vẫn còn vẹn nguyên giá trị trên con đường kiến tạo và bảo vệ đất nước đến hôm nay.
Nhằm bảo tồn và phát huy truyền thống kiên trung, anh dũng của tất cả chiến sĩ trong cuộc chiến oanh liệt Đồn Nhất - Hải Vân Quan, nội dung cuộc hội thảo khoa học này đã được đúc kết lại trong quyển sách với tựa đề 70 năm chiến thắng Đồn Nhất - Hải Vân Quan (25/9/1952 - 25/9/2022) để lưu giữ những dấu ấn lịch sử, kinh nghiệm xây dựng thế trận chiến tranh nhân dân.
Để có thể giúp các bạn đọc thuận tiện trong quá trình theo dõi, chúng tôi đã phân chia nội dung hội thảo khoa học này như sau:
Phần đầu tiên: Một vài lời dẫn nhập tại hội thảo;
Phần thứ hai: Chiến thắng Đồn Nhất - Hải Vân Quan - những dấu ấn chói ngời;
Phần thứ ba: Quá trình gây dựng chiến tích và một số bài học kinh nghiệm về tài mưu lược, sự sáng tạo của các chiến sĩ Đồn Nhất - Hải Vân Quan.
Phần đầu tiên: Một vài lời dẫn nhập tại hội thảo
Trong không khí mở đầu hội thảo, chúng ta tựa như được trở lại những năm tháng “mưa bom bão đạn” thuở trước thông qua những lời phát biểu của lãnh đạo Thành ủy Đà Nẵng và Viện trưởng Viện lịch sử quân sự. Vào đêm 24 rạng sáng ngày 25/9/1952 tại cứ điểm Đồn Nhất trên đỉnh đèo Hải Vân, chúng ta đã trải qua một cuộc chiến hết sức khắc nghiệt và giành lấy chiến thắng thật vang dội. Chiến thắng này vừa góp phần làm nên thắng lợi của Chiến dịch Hè Thu 1952, vừa là cột mốc quan trọng đánh dấu sự trưởng thành của bộ đội chủ lực Liên khu 5. Đồng thời, nó tạo ra một âm hưởng dội vang về ý chí quyết chiến - quyết thắng, lòng kết đoàn của quân và dân ta dưới sự soi đường dẫn lối của Đảng mà vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc là Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Như đã nhắc trên đây, thắng lợi của trận tiến công Đồn Nhất - Hải Vân Quan đã đánh dấu bước chuyển mình đầy mạnh mẽ, trưởng thành của Liên khu 5: “Đó là quá trình từ những đại đội độc lập, được tập trung thành tiểu đoàn, huấn luyện đánh công kiên, đánh vận động, góp phần phát huy thế chủ động trên chiến trường. Khi cùng đội hình Trung đoàn 803 tham gia Chiến dịch Hè Thu 1952, Tiểu đoàn xuất sắc diệt khu hành chính Phú Kỳ, Kỳ Lam, cứ điểm Vân Ly, Lệ Sơn và được giao nhiệm vụ tiêu diệt Đồn Nhất, một cứ điểm nằm sâu trong lòng địch, trên địa hình hiểm trở, Tiểu đoàn đã khắc phục khó khăn, chiến đấu, giành chiến thắng”.
Nhân kỷ niệm 70 năm chiến thắng Đồn Nhất, Thành ủy Đà Nẵng cùng Viện Lịch sử quân sự Bộ Tư lệnh quân khu 5 đã tổ chức Hội thảo khoa học “70 năm chiến thắng Đồn Nhất - Hải Vân Quan (25/9/1952 - 25/9/2022) - Dấu ấn lịch sử, kinh nghiệm về xây dựng thế trận chiến tranh nhân dân” với mong muốn lưu giữ những kí ức oanh hùng về các các bộ, chiến sĩ đã chiến đấu, hi sinh trong công cuộc kiến tạo và bảo vệ đất nước nói chung cũng như trong trận tiến công Đồn Nhất nói riêng. Song song đó, kết quả của hội thảo này sẽ cung cấp những cứ liệu hết sức chuẩn xác và đầy đủ cho công tác giáo dục, tuyên truyền cổ vũ và phát huy tinh thần yêu nước, ý chí dựng xây quê hương, tổ quốc và góp phần nâng cao niềm tin vào Đảng, Nhà nước.
Phần thứ hai: Chiến thắng Đồn Nhất - Hải Vân Quan - những dấu ấn chói ngời
Chiến thắng trong trận tiến công Đồn Nhất - Hải Vân Quan là một dấu ấn hết sức quan trọng đối với mặt trận chung Quảng Nam - Đà Nẵng. Dĩ nhiên, sự kiện trọng đại ấy vẫn còn vẹn nguyên giá trị lịch sử và để lại vô vàn nguồn cổ vũ cho quân dân Đà Nẵng trong hai cuộc kháng chiến đánh đuổi thực dân Pháp và đế quốc Mỹ lẫn trong bối cảnh ngày nay. Từ đó, có thể nhận định rằng: “Đây là bài học quý để cấp ủy, chính quyền, nhân dân và lực lượng vũ trang Đà Nẵng phát huy, vận dụng trong xây dựng thành phố thành khu vực phòng thủ vững chắc, ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại”.
Trên bình diện rộng hơn, đây là một thắng lợi của chiến tranh nhân dân, kinh nghiệm vận dụng trong quân đội ngày nay và thể hiện rõ rệt sức mạnh của quần chúng nhân dân. Song, chiến thắng trận Đồn Nhất còn chấm một nét son đỏ trên chặng đường trưởng thành về nghệ thuật đánh công kiên (tiến công địch phòng ngự trong công sự vững chắc). Dựa trên sự chênh lệch trong tương quan lực lượng, chúng ta đã nêu ra một số phương diện như sau:
Một là, nghệ thuật tạo lập thế trận tiến công vững chắc ngay từ đầu;
Hai là, nghệ thuật nắm thời cơ, triệt để lợi dụng yếu tố bí mật, bất ngờ khi thực hành tiến công;
Ba là, nghệ thuật vận dụng các chiến thuật chiến đấu.
Có thể thấy rằng, dù đã hơn nửa thế kỷ trôi qua nhưng nghệ thuật đánh công kiên trong trận tiến công Đồn Nhất vẫn là một sự vận dụng tiêu biểu cách đánh đặc biệt ấy. Bằng chứng là nó đã được chúng ta kế thừa và triển khai trong Măng Đen (1/1954), trận Làng Vây (2/1968),.. Sau này, nghệ thuật đánh công kiên còn được vận dụng ở việc giảng dạy cho các cấp trong quân đội ta và mang lại những kết quả hết sức khả quan. Cụ thể là tại Trường Sĩ quan lục quân 1 đã thực hiện công tác nghiên cứu và thực hành cách đánh công kiên sau khi đã quán triệt và thực hiện tốt những khía cạnh: nắm vững phương châm “cơ bản, thiết thực, vững chắc”; tăng cường công tác huấn luyện, phòng bị khi hành quân xa, dã ngoại; thực hiện song song giữa trang bị lý thuyết và kỹ năng thực hành tác chiến...
Trong Trận Đồn Nhất - Hải Vân Quan với công tác rèn luyện ý chí, tinh thần cách mạng cho cán bộ, chiến sĩ quân đội nhân dân Việt Nam, Phó Hiệu trưởng trường Sĩ quan Chính trị - Kim Ngọc Đại cho rằng “những bài học lịch sử từ trận Đồn Nhất trên đèo Hải Vân vẫn là minh chứng hùng hồn và bất tử về sức mạnh của lòng yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam trong thời đại mới” mà chủ chốt là sự kết tinh tinh thần quyết chiến quyết thắng của cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 59. Rõ ràng, khi nhìn vào thực tiễn trận tiến công tại đèo Hải Vân năm ấy đã thể hiện hết sức trọn vẹn ý chí quyết tâm, tinh thần cách mạng cũng như quá trình thực hiện công tác đảng, công tác chính trị một cách hiệu quả và thành công.
Song song đó, dịp tổ chức Hội thảo này đã góp phần vào công cuộc bày tỏ lòng tri ân sâu sắc đến với “người xây móng, đắp nền” đã làm nên chiến thắng Đồn Nhất và tạo nền tảng vững vàng cho biết bao chiến công lẫy lừng sau đó. Vì vậy, khi nhắc về những con người tráng kiện, mưu trí ấy, chúng ta luôn thể hiện sự kính trọng, lòng biết ơn vô hạn. Trong Đồng chí Nguyễn Lựu Tiểu đoàn trưởng đầu tiên của Tiểu đoàn 59, tác giả Nguyễn Bá Dương đã nêu gương vị Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Lựu - một con người tài năng, đức độ. Giữa thời buổi “tả xung hữu đột” trên chiến trường Đồn Nhất, ông không chỉ là một chỉ huy bản lĩnh mà còn là một “khắc tinh” của kẻ thù. Về sau, Nguyễn Lựu lại chính là chứng nhân lịch sử trên chiến trường Liên khu 5. Tựu trung, “Nguyễn Lựu đã cùng các đồng chí trong chỉ huy Tiểu đoàn 59 đưa đơn vị trở thành một tiểu đoàn bộ binh tiêu biểu, vững tin đứng trong đội hình một trung đoàn chủ lực cơ động của Liên khu 5 với nét riêng có và những chiến công đặc sắc”.
Thực tiễn đã chứng minh chiến công vang dội Đồn Nhất - Hải Vân Quan là một bước tiến vượt bậc trong sự tiến bộ, phát triển nghệ thuật quân sự và đã đánh dấu hành trình trưởng thành của Tiểu đoàn 59, Trung đoàn 803, bộ đội chủ lực Liên khu 5. Bên cạnh đó, chiến thắng này còn góp phần vào sự toàn thắng trong Chiến dịch Hè Thu 1952 và làm đậm đà thêm truyền thống “trung dũng, kiên cường” của toàn thể quân và dân Nam Trung Bộ. Tại bài viết Chiến công Đồn Nhất - Dấu son của truyền thống “trung dũng, kiên cường”, tác giả đã nêu ra hàng loạt những con số biết nói “Để làm nên chiến thắng, các chiến sĩ của Tiểu đoàn đã dũng cảm áp khối bộc phá 20kg, nổ tung lô cốt địch, tạo điều kiện cho đơn vị xung phong, làm chủ trận địa, thu 5 khẩu trung liên, 10 tiểu liên, 1 súng cối 60 ly, 15 khẩu súng trường và nhiều trang bị của địch”. Thông qua đó, chúng ta có thể thấy tài năng cũng như chiến lược quân sự của tất cả các bộ, chiến sĩ trực tiếp tham chiến trong trận Đồn Nhất. Từ đây, thắng lợi ngày 25/9/1952 đã trở thành nguồn cổ động to lớn cũng như cung cấp những bài học, kinh nghiệm quý báu cho cán bộ, chiến sĩ Nam Trung Bộ trong sự nghiệp kiến thiết đất nước cũng như phát huy truyền thống “trung dũng, kiên cường”.
Phần thứ ba: Quá trình gây dựng chiến tích và một số bài học kinh nghiệm về tài mưu lược, sự sáng tạo của các chiến sĩ Đồn Nhất - Hải Vân Quan.
Trong lần trở lại, Pháp vẫn xem Đà Nẵng là căn cứ cho đạo quân xâm lược Trung Đông Dương. Vì thế, chúng ráo riết tăng cường quân số, cơ sở vật chất và thực hiện âm mưu “dùng người Việt trị người Việt”. Trước tình thế ấy, ta đã quyết định phát động Chiến dịch Hè Thu 1950 với mục đích là “tranh lại vùng du kích và phá thế uy hiếp của địch, tác chiến tiêu diệt địch, bồi dưỡng lực lượng ta phối hợp với chiến trường Bình Trị Thiên”. Trong Mục tiêu Đồn Nhất trong chiến dịch Hè Thu 1952 trên chiến trường Quảng Nam - Đà Nẵng, Đại tá Nguyễn Hoài Tân đã nhận định Đồn Nhất - Hải Vân Quan có vị trí hết sức đặc biệt và quan trọng trong hệ thống phòng ngự của địch. Vì vậy, các cán bộ, chiến sĩ của Liên khu 5 nói chung và Tiểu đoàn 59 nói riêng đã phải chiến đấu vô cùng can trường khi đã khắc phục tất thảy khó khăn trong xây dựng thế trận, chênh lệch lực lượng,.. để giành lấy thế chủ động và chiến thắng.
Do đó, có thể nói chiến thắng Đồn Nhất là thắng lợi của quá trình rèn luyện, chiến đấu của các cán bộ, chiến sĩ trên chiến trường Quảng Nam - Đà Nẵng theo cách gọi của Đại tá Nguyễn Văn Lượng với bài viết Chiến thắng Đồn Nhất thắng lợi của quá trình rèn luyện, chiến đấu của Tiểu đoàn 59. Nhận định trên được dựng xây trên cơ sở là sự trưởng thành của tất cả những cán bộ, chiến sĩ trong Tiểu đoàn, cụ thể là xuyên suốt những năm tháng “tả xung hữu đột” họ đã không ngừng học tập, tích lũy kinh nghiệm trong những trận tháp canh Thôn Đông ở Nhị Giáp, Hồ Bà Thiên (Hội An) hay tại các trận diệt cứ điểm Vân Ly (7/1952), Khu hành chính Kỳ Lam (8/1952),.. để có được sự thắng lợi trọn vẹn trên chiến trường Quảng Nam - Đà Nẵng.
Mặc dù nơi đây có địa hình vô cùng hiểm trở, thế địch lại không tập trung đông nhưng dựa trên sự nhận định rõ ràng, kiên quyết về vị thế quân sự đặc biệt của Đồn Nhất mà các cán bộ, chiến sĩ đã quyết tâm “chinh phục” cho bằng được. Nhờ đó mà Tiểu đoàn 59 kiên cường, anh dũng ấy đã ghi cho mình một chiến thắng oanh liệt. Đồng thời, đó còn là minh chứng cho khả năng tác chiến ngày càng tiến bộ của cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn và tiếp sức cho họ trở thành đơn vị chủ lực cơ động mũi nhọn của lực lượng vũ trang Liên khu 5.
Khi ngoái nhìn về thắng lợi huy hoàng năm 1952 tại chiến trường Quảng Nam - Đà Nẵng, chúng ta sẽ xiết bao xúc động lẫn tự hào trước hành trình chiến đấu đầy máu và đẫm nước mắt, mồ hôi của biết bao cán bộ, chiến sĩ. Đó là khoảng thời gian ngấp nghé một thập kỷ với “7 năm chiến đấu đầy gian khổ, hy sinh, vừa xây dựng, tích lũy kinh nghiệm chiến đấu, vừa phát triển thế tiến công chiến lược trên toàn bộ chiến trường Liên khu”.
Giờ đây, Tiểu đoàn 59 đã trở thành nguồn cổ vũ to lớn và niềm tự hào rất mực của lực lượng vũ trang Quảng Nam - Đà Nẵng. Như vậy, ta có thể thấy rằng dấu ấn trong cuộc tiến công Đồn Nhất - Hải Vân Quan năm ấy đã để lại vô vàn bài học về xây dựng, tổ chức lực lượng, huấn luyện, thực hành tác chiến cũng như trong công tác dân vận, địch vận cho lực lượng vũ trang Quảng Nam - Đà Nẵng sau này. Đồng thời, chiến công năm 1952 đó sẽ mãi là niềm tự hào của quân và dân Quảng Nam - Đà Nẵng về một chứng tích oanh tạc, một truyền thống anh hùng. Chắc hẳn đây sẽ là nguồn động lực lớn khiến cho toàn thể quân và dân nơi đây kế thừa và phát huy truyền thống “trung dũng, kiên cường” và tiến tới quá trình rèn luyện, phấn đấu đạo đức, năng lực quân sự trong công cuộc xây dựng Quân đội tinh nhuệ, chính quy cũng như góp phần kiến thiết nước nhà vững vàng, giàu mạnh.
Đặc biệt, đây còn là một suối nguồn “đỏ” len lỏi vào tâm khảm biết bao thế hệ trẻ ngày nay về truyền thống yêu nước, ý chí quả cảm, đức hy sinh của những anh hùng ngày trước. Chính điều ấy đã luôn giúp người trẻ nuôi dưỡng lòng yêu nước, lòng tự hào dân tộc nồng nàn và ý thức về việc kiến tạo bản thân bền gan, vững sức trước mọi hoàn cảnh. Song song đó, thế hệ trẻ trong bối cảnh hiện đại hóa ngày nay phải không ngừng lao động, sáng tạo và cống hiến cho quê hương, đất nước bởi chính thế hệ trẻ chính là những “mầm xanh” mang sứ mệnh tiếp nối những trang sử hào hùng của dân tộc Việt.
Tựu trung, Kỷ yếu về Hội thảo khoa học 70 năm chiến thắng Đồn Nhất - Hải Vân Quan (25/9/1952 - 25/9/2022) đã cung cấp đầy đủ và trọn vẹn những tham luận giàu giá trị lịch sử và tài liệu tham khảo cho bạn đọc trên những nội dung chính yếu sau đây:
Đầu tiên, khẳng định chủ trương đúng đắn của Đảng mà lãnh đạo là Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bên cạnh đó, sự sáng suốt và kịp thời của Đảng ủy Liên khu 5 và một số tổ chức khác đã góp phần tạo nên thành công vang dội.
Thứ hai, nhấn mạnh vai trò của bộ đội chủ lực trong quá trình trực tiếp tham gia cuộc chiến, cụ thể là trong việc phát huy thế trận chiến tranh nhân dân. Nhờ đó, sức mạnh được tổng hợp và tạo thành thế mũi tên “phóng” vào hàng rào địch.
Thứ ba, ngợi ca tinh thần kiên trung, bất khuất của Tiểu đoàn 59 trong quá trình học tập, hoàn thiện và trưởng thành. Do đó, họ xứng đáng là đơn vị chủ lực của lực lượng Liên khu 5 và là một thế hệ hùng anh trong tâm khảm nhân dân Việt Nam nói chung, quân và dân Quảng Nam - Đà Nẵng nói riêng.
Thứ tư, họ đã phát huy cao độ truyền thống “trung dũng, kiên cường” cũng như chủ nghĩa anh hùng cách mạng khi đã chiến đấu hết sức ngoan cường, bất khuất.
Cuối cùng, những chiến tích ấy đã trở thành bài học kinh nghiệm quý báu trong sự nghiệp kiến tạo, củng cố và nâng cao thế trận quốc phòng toàn dân. Từ đó, đóng góp vào công cuộc bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.