Ánh sáng vô hình là tác phẩm đoạt giải Pulitzer năm 2015, lấy bối cảnh Chiến tranh thế giới lần thứ 2, thời điểm nước Pháp đang bị Đức quốc xã chiếm đóng. Cuốn tiểu thuyết xoay quanh hai nhân vật thuộc hai phe đối nghịch nhau, nhưng nhiều biến cố khiến họ gặp nhau trong tình huống đầy nguy hiểm.
Vào năm 1934, cô gái mù Marie-Laure LeBlanc 6 tuổi đang sống cùng cha mình tại Paris. Cha cô là một thợ khóa tài năng đang làm việc cho Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên. Cha Marie-Laure dạy cô đọc chữ nổi, và Hai vạn dặm dưới đáy biển là quyển sách rất yêu thích của cô. Cô gái hay đến bảo tàng cùng cha, và được nghe kể về một viên kim cương có tên Lửa Biển được giấu kỹ trong bảo tàng. Ai sở hữu viên Lửa Biển sẽ trở nên bất tử, nhưng những người xung quanh họ sẽ phải gặp bất hạnh. Lời nguyền chỉ kết thúc khi viên đá được trả về với đại dương.
Cùng thời điểm đó tại thị trấn Zollverein nước Đức, cậu bé 8 tuổi Werner Pfennig đang sống trong trại mồ côi cùng em gái Jutta và nhiều đứa trẻ khác. Tương lai của chúng gần như được định sẵn là sẽ kết thúc ở mỏ than gần đó. Werner yêu thích khoa học và luôn mò mẫm sửa chữa mọi thứ. Từ một chiếc điện đài cũ được sửa chữa thành công, cậu đã dò được sóng của các chương trình khoa học được phát từ một nơi xa xôi. Cậu và em gái thỉnh thoảng còn nghe được nhạc cổ điển, trong đó có bài Clair de lune nổi tiếng. Tài năng của Werner được một sĩ quan Đức phát hiện khi cậu sửa điện đài cho ông, và ông đã giới thiệu cậu vào Học viện quốc gia ở Schulpforta.
Năm 1940, Pháp bị phát-xít Đức xâm lược. Marie-Laure cùng cha phải rời Paris đến tránh nạn tại nhà ông chú Etienne ở thành phố biển Saint-Malo. Etienne trước kia từng tham gia thế chiến thứ nhất. Trong chiến tranh, cái chết của anh trai làm ông bị sốc và từ đó sống khép kín tại nhà cùng bà quản gia Manec. Tại nơi ở mới, cha Marie-Laure cũng làm mô hình thu nhỏ ngôi nhà đang ở cùng các đường phố xung quanh để cô có thể học thuộc đường đi và tự di chuyển mà không cần trợ giúp.
Để tránh báu vật Lửa Biển rơi vào tay quân Đức, Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Paris đã làm thêm 2 bản sao của viên đá, và giao cho 3 người mang viên đá rời đi theo 3 hướng khác nhau. Cha Marie-Laure là người giữ viên đá thật. Một sĩ quan người Đức là Von Rumpel đến các bảo tàng để truy lùng viên Lửa Biển, vì hắn tin rằng viên đá sẽ cứu mình khỏi căn bệnh ung thư đang bước vào giai đoạn cuối.
Khi quân Đức tràn tới Saint-Malo, cha Marie-Laure bị bắt và đưa sang Đức, sau đó không rõ tung tích. Ông giấu viên Lửa Biển trong mô hình ngôi nhà thu nhỏ và trao nó cho con gái. Kể từ đó, Marie-Laure sống cùng ông chú Etienne và được ông dạy rất nhiều điều về khoa học. Ông còn có một hệ thống điện đài bí mật trên tầng áp mái.
Ở học viện Schulpforta, Werner cho thấy năng lực hơn người về chế tạo, sửa chữa các thiết bị điện tử. Tại đây, ngoài việc học kiến thức, các thanh niên còn phải học và làm theo tư tưởng phát-xít. Một người bạn thân của Werner vì không muốn thỏa hiệp nên đã bị đánh đến mức trở nên điên dại, khiến Werner bắt đầu hoài nghi về chế độ mà cậu đang cống hiến. Khi quân Đức cần tuyển thêm quân, Werner bị gửi ra tiền tuyến dù chưa đến tuổi. Nhiệm vụ của cậu là dùng những kiến thức và phát minh của mình để dò sóng điện đài và phát hiện vị trí của quân thù. Những cuộc dò tìm đưa Werner và đồng đội Volkheimer đến Saint-Malo.
Trong lúc đó ở Saint-Malo, bà quản gia Manec cùng những người khác hoạt động bí mật để phát hiện hành tung quân sự của quân Đức và báo lại cho quân Pháp. Tuy nhiên bà lại qua đời vì bạo bệnh, nên ông Etienne cùng Marie-Laure tiếp quản công tác của bà. Hai người truyền tin tức bằng máy phát sóng trên gác mái của ngôi nhà. Trùng hợp thay, tín hiệu phát ra lại bị Werner bắt được, và cậu biết vị trí của họ. Ngoài tín hiệu truyền tin, Werner cũng nghe được bản nhạc Clair de lune quen thuộc. Ký ức tốt đẹp ngày xưa khiến cậu không chỉ điểm vị trí của 2 ông cháu Marie-Laure.
Khi quân Đồng Minh tấn công Saint-Malo để giải cứu thành phố khỏi quân Đức, Werner và đồng đội bị kẹt dưới hầm trú ẩn của một khách sạn. Thiếu thức ăn, nước uống và ánh sáng, Werner vẫn cố gắng lắp ráp một máy thu phát tín hiệu từ những gì còn sót lại trong hầm. Ngay lúc này, trên gác mái của ngôi nhà, một mình Marie-Laure đang lẩn trốn Vol Rumpel. Hắn đã biết viên Lửa Biển đang được cất giữ tại nhà Etienne, còn ông chú thì đã bị bắt đi tối hôm qua. Marie-Laure mở máy phát sóng và kêu cứu với hi vọng ai đó sẽ nghe thấy. Werner vô tình bắt được giọng nói của Marie-Laure và quyết tâm đến cứu cô gái.
Werner dùng hết sức lực còn lại để thoát khỏi căn hầm và tìm đến nhà ông Etienne. Cậu kết liễu viên sĩ quan và giải thoát cho Marie-Laure. Họ cùng nhau thoát khỏi căn nhà, và Marie-Laure đã đưa viên Lửa Biển về với biển cả, là nơi nó phải thuộc về. Werner dường như đã yêu Marie-Laure dù cô không hề hay biết. Quân Đồng Minh chiếm lại được thành phố, Marie-Laure được giải cứu còn Werner thì bị bắt làm tù binh chiến tranh.
Ba mươi năm sau, có người đến Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Paris để tìm gặp Marie-Laure - lúc này đang là một nhà sinh vật học. Ngôi nhà mô hình, vật mà lúc xưa Marie-Laure đã tặng cho Werner khi anh giải cứu cô, một lần nữa lại nằm trong tay cô. Marie-Laure sau đó sống rất thọ và có những năm tháng cuối đời hạnh phúc cùng con cháu tại Paris.
Ánh sáng vô hình là câu chuyện cảm động về những con người thuộc hai chiến tuyến đối nghịch nhau. Chiến tranh luôn mang đến nhiều mất mát, song những tia sáng hi vọng vẫn cứ âm thầm được thắp lên, dẫn lối cho con người hành động đúng với lương tâm của mình.