Biên niên sử thế giới cận - hiện đại là phần sau của bộ hai cuốn Biên niên sử thế giới do Văn Ngọc Thành chủ biên, cung cấp một cách hệ thống các sự kiện quan trọng xảy ra trong lịch sử thế giới cho đến tháng 5/2020.
Phần I: Biên niên sử thế giới cận đại
Cách mạng tư sản
Thời kỳ cận đại bắt đầu với cuộc Cách mạng Netherlands năm 1566 - cuộc cách mạng tư sản đầu tiên nổ ra giữa chính quyền phong kiến Tây Ban Nha (theo đạo Cơ đốc) và phe nổi dậy đòi ly khai (đạo Tin lành). Năm 1579, Liên minh Utrecht (được thành lập năm 1579 gồm chính quyền các tỉnh phía Bắc Netherlands đã giành được độc lập) chính thức tuyên bố phế truất Philip II với tư cách là vua Netherlands. Miền Bắc Netherlands trở thành một nước cộng hòa, gọi là Cộng hòa Hà Lan. Năm 1609, cuộc chiến kết thúc với thắng lợi của phe ly khai, nước Cộng hòa Hà Lan độc lập phát triển theo tư bản chủ nghĩa.
Ở Anh, sau khi nữ hoàng Elizabeth I băng hà, James I lên ngôi, mở đầu một thời kỳ lịch sử đầy xáo trộn trong vương triều Stuart - vương triều sau cùng trong các vương triều chuyên chế ở Anh. Mâu thuẫn giữa Vua Anh và Nghị viện ngày càng căng thẳng vì quan hệ tư bản chủ nghĩa Anh đã phát triển rất mạnh và muốn phá bỏ những xiềng xích phong kiến.
Sau khi Charles I nối ngôi James I, cách mạng tư sản Anh bùng nổ giữa Vua và Nghị viện. Phong trào khởi nghĩa của nhân dân Scotland, Ireland, và Anh làm cho chế độ phong kiến ở Anh khủng hoảng trầm trọng. Dưới sự lãnh đạo tài tình của Oliver Cromwell, phe Nghị viện hoàn toàn nắm thế chủ động. Năm 1649, ông bị xử tử hình vì tội phản quốc, cách mạng tư sản Anh thành công bước đầu. Oliver Cromwell và con trai lần lượt trở thành Bảo hộ công. Vì không hợp với mong muốn, giai cấp tư sản mời Charles II (con của Charles I) về làm vua, tạo nên thời kỳ Phục hồi của chế độ phong kiến. Cuối cùng phe tư bản hoàn toàn giành thắng lợi sau cuộc cách mạng Vinh Quang năm 1689, mà thực chất là một cuộc binh biến không đổ máu lật đổ vua James II. Đạo luật phân chia quyền lực nhà nước theo tam quyền phân lập được ban bố, chấm dứt hoàn toàn chế độ quân chủ chuyên chế ở Anh, khởi đầu chế độ quân chủ lập hiến tồn tại cho đến ngày nay. Năm 1714, George I cai trị nước Anh và Hannover (thuộc Đế quốc La Mã thần thánh). Dưới thời của ông, quyền lực quốc vương Anh ngày càng bị hạn chế.
Năm 1838, phong trào Hiến chương của giai cấp vô sản Anh diễn ra. Công nhân quyết định rằng để giảm bớt cảnh nghèo khổ thì phải đấu tranh dân chủ hóa triệt để chính quyền, song phong trào đã thất bại.
Ở Pháp, chế độ quân chủ chuyên chế bước vào thời kỳ đỉnh cao dưới sự trị vì của ba vị vua thuộc dòng họ Bourbon. Song đến thời Louis XV (1710-1774), nước Pháp đã liên tiếp xảy ra các cuộc chiến tranh làm hao mòn tiền bạc ngân sách quốc gia, dẫn đến sự suy vong của triều đình và cuộc Cách mạng tư sản Pháp nổ ra năm 1789. Nguyên nhân trực tiếp là do tình trạng tài chính cạn kiệt của Chính phủ Pháp muốn tăng thuế vào tư sản, nông dân và thợ thủ công. Tầng lớp này sau đó tự tuyên bố mình là Quốc hội, lập hiến pháp. Đến tháng 7, chính quyền mới của giai cấp tư sản được thành lập, Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền ra đời, hiến pháp được ban hành.
Năm 1792, Pháp phải đối mặt với cuộc chiến sắp xảy ra với liên minh chống Pháp, cách mạng sau đó diễn ra dưới sự cầm quyền của phái Girondin. Nhà vua bị phế truất, chế độ quân chủ lập hiến sụp đổ hoàn toàn, nền cộng hòa được thiết lập. Cách mạng tư sản Pháp sau đó bước tới đỉnh cao dưới sự lãnh đạo của phe Jacobin. Bản hiến pháp Cộng hòa được thông qua. Pháp chuyển sang thế chủ động, đẩy lùi liên minh ra khỏi lãnh thổ. Cách mạng Pháp bước vào giai đoạn thoái trào cùng với sự chấm dứt của phái Jacobin do mâu thuẫn nội bộ gay gắt. Cách mạng chính thức kết thúc với cuộc đảo chính của Napoleon Bonaparte năm 1799. Năm 1804, Napoleon lên ngôi Hoàng đế Pháp, thiết lập bá chủ trên phần lớn lục địa châu Âu. Tuy nhiên, quân đội Napoleon sa lầy và thất bại thảm hại tại Nga năm 1813. Một năm sau, Napoleon buộc phải tuyên bố từ bỏ ngai vàng nước Pháp, vua Louis XVIII lên thay.
Năm 1848, cách mạng Pháp đã đưa Napoleon trở thành hoàng đế, thiết lập lại Đế chế Pháp. Dưới ảnh hưởng của cách mạng Pháp, các cuộc cách mạng nổ ra ở nhiều nước châu Âu: khởi nghĩa Áo dẫn đến hiến pháp mới, nhà nước cộng hòa độc lập Hungary được thành lập song đã bị Áo nhanh chóng xóa bỏ. Sau thời kỳ bị Đức hóa, Áo suy yếu sau cuộc chiến với Phổ và chấp nhận thành lập nền quân chủ lưỡng hợp Áo - Hung.
Ở Nga, Pyotr I lên ngôi vào năm 1721 đã đưa nước Nga trở thành một đế quốc hùng cường, cuộc Âu hóa diễn ra mạnh mẽ. Sau đó, đế quốc Nga tiếp tục trải qua thời đại hoàng kim bởi Catherine Đại đế. Bà ra sức hiện đại hóa nước Nga theo hướng Tây Âu và tích cực hỗ trợ Chủ nghĩa khai sáng ở Nga. Năm 1855, Alexander II Nikolaevich lên trị vì và thực hiện các cuộc cải cách quan trọng đối với nước Nga. Song cách mạng Nga vẫn nổ ra vào 1905, mở đường cho cuộc cách mạng Tháng Mười Nga về sau.
Tại Phổ, năm 1740, Friedrich Đại đế cai trị nước Phổ. Ông là người có công thống nhất nước Đức và về sau trở thành hoàng đế Đức. Về sau, chính Bismarck đã khơi mào các cuộc chiến đưa Phổ vượt lên trên Áo và Pháp. Năm 1867, ông trở thành Thủ tướng đầu tiên của một nước Đức thống nhất sau hiệp ước Versailles 1871. Sau loạt tranh chấp nổ ra với Áo, bước sau cùng để thống nhất nước Đức là chiến tranh với Pháp để gạt ảnh hưởng của Pháp tại miền Nam nước Đức. Chiến tranh Pháp - Phổ nổ ra và Pháp thua trận, Napoleon bị bắt làm tù binh. Theo đó Đế chế thế hai ở Pháp sụp đổ, đệ tam Cộng hòa được thành lập. Năm 1889, Đức trở thành nhà nước phúc lợi đầu tiên trên thế giới dưới sự lãnh đạo của Bismarck.
Chủ nghĩa dân tộc tại châu Âu
Năm 1815, hội nghị Vienna diễn ra với sự tham gia của các nước châu Âu. Mục tiêu của hội nghị là thiết lập một nền hòa bình lâu dài cho châu Âu bằng cách dựng nên hệ thống liên minh. Đến thập niên 1830, thời kỳ bùng phát của chủ nghĩa dân tộc tại châu Âu bắt đầu. Trật tự Vienna ngày càng suy yếu bởi loạt cách mạng nổ ra ở Tây Âu: cách mạng tháng Bảy ở Pháp, cách mạng Bỉ, các cuộc nổi dậy ở Italia, Đức. Song phong trào cách mạng ở Italia nhằm thống nhất đất nước không thành công, Italia vẫn bị chia cắt thành 7 vương quốc nhỏ. Italia bí mật liên minh với Pháp để chống Áo, nhưng sau đó Pháp phản bội nhân dân Italia, quay lại ký thỏa ước Villafranca với Áo khiến nhân dân Italia vô cùng căm phẫn. Nhân dân ráo riết chuẩn bị cho cách mạng tư sản, và đã giành được thắng lợi ở miền Nam, nhưng rồi lại bị đàn áp. Năm 1861, Nghị viện Italia được bầu ra, vương quốc Italia thống nhất được thành lập do Emmanuel II làm hoàng đế. Bá tước Camillo Benso Cavour trở thành thủ tướng.
Năm 1618-1648, cuộc Chiến tranh 30 năm nổ ra. Khởi đầu là xung đột giữa nhà Habsburg và Bourbon, về sau trở thành cuộc chiến tranh tôn giáo đẫm máu. Cuộc chiến kết thúc bằng Hòa ước Westphalia, một trật tự chính trị mới được thiết lập dựa trên nguyên tắc các quốc gia có chủ quyền cùng tồn tại và chiến tranh cần được ngăn chặn bởi sự cân bằng quyền lực.
Năm 1756, cuộc chiến tranh Bảy năm nổ ra. Thất bại, Pháp buộc phải cắt đất Tân Pháp (New France) ở Bắc Mỹ cho Tây Ban Nha và Anh. Nhờ đó, Anh gia tăng nguồn nguyên liệu dồi dào giúp ích cho cuộc cách mạng công nghiệp.
Thời kỳ bành trướng, mở rộng thuộc địa
Năm 1511, Bồ Đào Nha chiếm vùng Malacca, Đông Nam Á, mở đầu thời kỳ xâm lược thuộc địa của các nước phương Tây ở châu Á - Thái Bình Dương. Năm 1824, Anh xâm lược Miến Điện (Myanmar). Công ty Đông Ấn Hà Lan (VOC) thành lập. Đây là một công ty quyền lực sở hữu gần như toàn bộ quyền lực của chính phủ, cai trị một khu vực rộng lớn của Ấn Độ, sử dụng sức mạnh quân sự để tăng cường mở rộng thuộc địa. Công ty giải thể vào năm 1800.
Năm 1607, Người Anh di cư tới Bắc Mỹ và lần lượt 13 thuộc địa của Anh ở Bắc Mỹ được thành lập. Năm 1765, Anh áp đạo luật tem thuế lên thuộc địa Mỹ song đây được xem là nguyên cớ của cuộc đấu tranh đòi độc lập của 13 bang thuộc địa. Năm 1776, tuyên ngôn Độc lập cùng một quốc gia mới ra đời ở Bắc Mỹ, đó là Hợp chủng quốc Hoa Kỳ. Pháp tích cực ủng hộ Mỹ trong cuộc đấu tranh. Năm 1778, Mỹ và Pháp ký hai hiệp ước quan trọng: Hiệp ước Thân thiện và thương mại, và Hiệp ước Liên minh nhằm chống lại Anh. Tuy nhiên phải đến 1783, Mỹ mới giành độc lập từ người Anh thông qua Hiệp ước Paris 1783. Năm 1823, học thuyết Monroe ra đời nhằm tránh cho Mỹ bị can thiệp bởi các nước châu Âu, trở thành chiến trường của các cường quốc châu Âu.
Năm 1861, sáu bang theo chế độ nô lệ ở miền Nam nước Mỹ tuyên bố ly khai khỏi chính phủ liên bang, nội chiến giữa tư sản miền Bắc và chủ nô miền Nam diễn ra trong bốn năm. Kết quả các bang miền Bắc thắng lợi. Tuyên ngôn giải phóng nô lệ được công bố, có hiệu lực trong 10 tiểu bang.
Trong thập niên 1870 đến 1900, chủ nghĩa tư bản chuyển sang giai đoạn chủ nghĩa đế quốc. Pháp, Bỉ bắt đầu xâu xé châu Phi. Đức xâm lược châu lục này muộn hơn các quốc gia khác. Tại châu Á, Duy Tân Minh Trị diễn ra ở Nhật Bản đã dẫn đến những thay đổi to lớn trong cấu trúc xã hội và chính trị, đưa Nhật trở thành cường quốc.
Cách mạng công nghiệp khởi phát ở Anh. Máy xe nhiều sợi một lúc (còn gọi là máy kéo sợi Jenny) được thợ máy James Hargreaves phát minh ra. Đây là một guồng xe sợi phức hợp, giúp tăng năng suất lên 16 lần. Sau đó, khung nước để xe sợi, máy hơi nước liên tục được cải tiến tại Anh đã làm thay đổi hoàn toàn các ngành công nghiệp.
Năm 1890, Nga và Pháp trở thành liên minh ràng buộc để chống lại liên minh tam cường của Đức, châu Âu hình thành hai khối đối địch nhau. Năm 1907, các cường quốc châu Âu đã chia thành hai phe đối lập gồm Đức, Áo - Hung, Italia và Anh, Pháp, Nga. Đức và Mỹ vươn lên trở thành hai nền công nghiệp lớn nhất thế giới. Năm 1914, sau vụ ám sát thái tử Áo - Hung do một người Serbia thực hiện, chiến tranh thế giới thứ nhất bùng nổ. Năm 1917, Mỹ tham gia vào cuộc chiến sau khi Đức để lộ một bức điện báo, Nga rút khỏi chiến tranh và ký hiệp ước hòa bình với Đức. Cách mạng Tháng Mười Nga nổ ra, dẫn đến sự ra đời của Liên bang Soviet.
Năm 1912, chiến tranh Balkan lần thứ nhất bùng nổ giữa liên minh Balkan và Ottoman. Kết quả, Ottoman mất tất cả lãnh thổ ở châu Âu. Do không hài lòng với phân bố lãnh thổ thu được sau chiến thắng, chiến tranh Balkan lần thứ hai nổ ra.
Phần II: Biên niên sử thế giới hiện đại
Giai đoạn giữa hai cuộc chiến tranh
Thời kỳ hiện đại đánh dấu sự bắt đầu bằng kết thúc của chiến tranh thế giới thứ nhất và sự ra đời của nhà nước Liên Xô. Năm 1919, Quốc tế Cộng sản được thành lập, đại hội lần thứ nhất họp ở Moscow, đẩy nhanh sự hình thành đảng cộng sản ở các nước. Cùng năm, hội nghị Hòa bình tại Versailles nhằm giải quyết hậu quả của Thế chiến thứ nhất, phân chia quyền lực của các nước thắng trận và thiết lập một trật tự thế giới mới. Hội nghị này không thỏa mãn được bất kỳ một nước tham trận nào, áp điều khoản vô cùng nặng nề lên Đức, góp phần khiến Thế chiến thứ hai bùng nổ, và gây nên nhiều bất mãn ở xứ thuộc địa dấy lên các phong trào chống đế quốc (phong trào Ngũ Tứ (Trung Quốc). Các cuộc chiến tranh nhỏ cũng xảy ra sau đó ở châu Âu do mâu thuẫn về lãnh thổ, có thể kể đến là chiến tranh Nga - Ba Lan, chiến tranh Hy Lạp - Thổ Nhĩ Kỳ.
Nỗ lực duy trì hòa bình sau cuộc thế chiến đẫm máu đạt được một số thành tựu khi Hội Quốc liên ra đời năm 1920 theo sáng kiến của Tổng thống Mỹ Woodrow Wilson, song Mỹ không tham gia. Tổ chức này là tiền thân của Liên Hợp Quốc.
Mỹ mở rộng ảnh hưởng ở khu vực Thái Bình Dương và mâu thuẫn giữa Nhật với Anh, Mỹ tăng lên. Đức và Nga ký hiệp ước Rapallo nhằm khôi phục lại quan hệ ngoại giao, từ bỏ các khoản nợ và bồi thường chiến tranh, và sau đó là hiệp ước trung lập không tấn công lẫn nhau năm 1926 giúp cả hai thoát thế cô lập trên trường quốc tế. Hội nghị Genova tạo nên hệ thống tiền tệ Genova: đồng bảng Anh trở thành phương tiện thanh toán và dự trữ quốc tế, tạo nên nhiều lợi thế cho nước Anh. Song chính phủ Anh lạm dụng điều này và in nhiều tiền khiến cho uy tín của nó ngày càng giảm và cuối cùng chế độ tiền tệ này sụp đổ những năm 1930.
Ở Ý, Đức, lần lượt chế độ phát xít do Mussolini và Hitler cầm đầu lên nắm quyền. Hitler đòi bãi bỏ Hòa ước Versailles và đưa ra nhiều khẩu hiệu phục thù. Năm 1924, hiệp ước Locarno được ký để đảm bảo hòa bình phía Tây Đức, Pháp và Bỉ. Đến năm 1933, Hitler thành lập chính phủ mới tại Đức dưới sự cai trị của Đảng Quốc xã, gọi là Đế chế Thứ ba, thành lập các trại tập trung. Sau khi liên tục tấn công các vùng ở Trung Quốc, năm 1933 Nhật cũng rút khỏi Hội Quốc Liên. Không khí chiến tranh ngày càng đến gần. Các hiệp ước tương trợ được ký giữa Liên Xô và Tiệp Khắc, Pháp và Liên Xô, thỏa ước vũ trang hải quân giữa Anh và Đức. Không muốn bị sa lầy và cuộc chiến mới ở châu Âu, Mỹ đã thông qua đạo luật trung lập cấm các tập đoàn Mỹ bán vũ khí hoặc cho vay tiền đối với bất kỳ bên tham chiến nào. Tuy nhiên, sau sự kiện tàu khu trục Mỹ bị tàu ngầm Đức đánh chìm vào tháng 10/1941, Mỹ không còn xa lánh cuộc chiến.
Năm 1921, Đảng Cộng sản Trung Quốc thành lập, tuy ban đầu không hợp tác với cả Quốc dân đảng nhưng về sau đã đồng ý, mở thời kỳ Quốc - Cộng hợp tác. Khi Tôn Trung Sơn mất, Tưởng Giới Thạch lên nắm quyền Quốc dân đảng, đàn áp những người cộng sản, bắt đầu giai đoạn nội chiến 1927-1937. Năm 1935, hội nghị Bộ Chính trị Đảng cộng sản Trung Quốc xác lập sự lãnh đạo mới của Trung ương đảng. Ở Ấn Độ, phong trào ôn hòa chống thực dân Anh do Mahatma Gandhi lãnh đạo. Đảng cộng sản được thành lập ở nhiều nơi khác như Đông Dương nhằm đấu tranh giành độc lập, chống đế quốc.
Năm 1936, nội chiến Tây Ban Nha bùng nổ giữa hai phe do Đức, Ý và Liên Xô ủng hộ, sau cùng phe phát xít giành thắng lợi. Phe trục phát xít Đức - Italia - Nhật Bản hình thành.
Năm 1937, Nhật nổ súng tấn công Trung Quốc, sau khi Nhật chiếm Thượng Hải, Mặt trận thống nhất chống Nhật được thành lập ở Trung Quốc. Quốc - Cộng hợp tác lần thứ hai được triển khai, kéo dài đến 1946.
Chiến tranh thế giới thứ hai
Anh, Pháp thực hiện chính sách nhân nhượng đối với Đức với mong muốn Hitler sẽ ngừng phát động chiến tranh. Song chính sách không ngăn cản được Hitler mà còn gây phẫn uất cho nhân dân Tiệp Khắc bởi khi dù đã ký hiệp ước tương trợ song Anh, Pháp đã phản bội đồng minh, đồng ý cho Đức sáp nhập Tiệp. Ngày 1/9/1939, Đức tấn công Ba Lan, thế chiến thứ hai nổ ra. Ban đầu Đức hòa với Xô để tập trung mặt trận phía Tây, sau lại tấn công cả Liên Xô nhưng thất bại tại Stalingrad, mở ra giai đoạn mới trong cuộc chiến khi Đức chuyển từ tấn công sang bị tấn công. Năm 1943, tại hội nghị Tehran, Liên Xô, Mỹ và Anh quyết định mở mặt trận thứ hai và Liên Xô tham gia chống quân phiệt Nhật Bản. Hàng loạt chiến thắng đến với quân đồng minh: Leningrad, các đảo Thái Bình Dương, Normandie.
Đến gần cuối cuộc chiến khi thắng lợi đã nghiêng về phe đồng minh, Liên Xô, Mỹ, Anh họp tại hội nghị Yalta để giải quyết các vấn đề hậu chiến tranh, tạo cơ sở hình thành trật tự thế giới mới. Ngày 9/5/1945, Đức đầu hàng đồng minh. Tiếp đó vào tháng 6, Liên Hợp Quốc được thành lập. Sau khi bị Liên Xô tấn công và Mỹ ném bom nguyên tử, vào tháng 8 Nhật tuyên bố đầu hàng.
Sau thế chiến thứ hai, làn sóng cách mạng giành độc lập ở các nước thế giới thứ ba bùng nổ. Năm 1946, cuộc nội chiến Quốc - Cộng lần thứ hai bùng nổ tại Trung Quốc. Ấn Độ bị chia thành hai xứ tự trị: Ấn Độ của người Ấn Độ giáo và Pakistan của người Hồi giáo. Miến Điện trở thành nước độc lập, tự chủ, rời khỏi khối Liên hiệp Anh. Chiến tranh Triều Tiên, cách mạng ở Cuba, Đông Dương nổ ra. Đến năm 1960, 17 nước thuộc địa ở châu Phi giành độc lập. Năm 1963, tổ chức thống nhất châu Phi (OAU) gồm 35 nước độc lập được thành lập. Chiến tranh cũng diễn ra ở Trung Đông.
Nền kinh tế sau chiến tranh được định hình bởi hệ thống Bretton Woods bao gồm ba tổ chức “phương Tây”: Quỹ tiền tệ quốc tế IMF, Ngân hàng Thế giới và GATT nhằm thúc đẩy hợp tác và tránh khủng hoảng kinh tế. Đồng đô la Mỹ (USD) là được lấy làm đồng tiền chuẩn làm trụ cột. Tuy nhiên, hệ thống đã bị phá vỡ do cuộc khủng hoảng những năm 1970. Sau cuộc khủng hoảng tài chính 2008, quyền lực ngày càng chuyển sang các nền kinh tế mới nổi như Trung Quốc và Ấn Độ.
Chiến tranh Lạnh
Chiến tranh Lạnh mở màn, liên minh Tây Âu được thành lập nhằm đối phó với mối đe dọa từ Liên Xô và ngăn ngừa chủ nghĩa phát xít Đức hồi sinh. Hội đồng tương trợ kinh tế SEV được ký giữa Liên Xô và các nước Đông Âu xã hội chủ nghĩa. Tiếp đó, Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) gồm Mỹ và các nước Tây Âu tư bản được thành lập. Để đối trọng, khối Warsaw được thành lập bởi các nước xã hội chủ nghĩa. Kỷ nguyên của vũ khí hạt nhân bắt đầu cùng cuộc chạy đua vũ trang giữa Mỹ và Liên Xô. Sau vụ khủng hoảng Caribe 1961: Mỹ phát hiện Liên Xô bí mật lắp đặt tên lửa chiến thuật trên lãnh thổ Cuba, mở chiến dịch phong tỏa Cuba và đặt quân đội trong tình trạng báo động. Thế giới đứng bên bờ vực của chiến tranh hạt nhân.
Giai đoạn này chứng kiến sự ra đời của hàng loạt các hiệp ước liên minh: giữa các nước Tây Âu, Mỹ - Nhật, tổ chức hiệp ước Đông Nam Á (SEATO), cũng như các tổ chức quốc tế: Tổ chức lương thực và nông nghiệp của Liên Hợp Quốc (FAO), tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC), ngân hàng phát triển châu Á (ADB). Hội nghị về luật biển tại Geneve thông qua bản hiệp ước về lãnh hải, bảo vệ nguồn tài nguyên sống của biển, về thềm lục địa.
Nhằm thoát khỏi kiểm soát của Mỹ và lấy lại vị trí trên trường quốc tế, châu Âu thực hiện quá trình hội nhập, thành lập khối Thị trường chung châu Âu. Năm 1967, Cộng đồng châu Âu (EC) ra đời. Cùng trong năm này, Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN) thành lập. Đến năm 1992, Hiệp định Maastricht được ký kết cho ra đời Liên minh châu Âu với 11 nước thành viên, áp dụng thống nhất chế độ thuế quan.
Năm 1969, Công ước Liên Hợp Quốc hủy bỏ mọi hình thức phân biệt chủng tộc bắt đầu có hiệu lực. Mỹ và Trung Quốc giảm căng thẳng, thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức vào năm 1979. Năm 1973, khủng hoảng năng lượng thế giới do tình trạng khan hiếm dầu mỏ đẩy giá cả tăng vọt ở giới tư bản. Đến 1979, OPEC quyết định tăng giá dầu lên 20% gây ra cuộc khủng hoảng dầu mỏ mới trên thế giới.
Vào cuối những năm 1970s, đã có những dấu hiệu hợp tác giữa Mỹ và Liên Xô, căng thẳng được giảm bớt. Song chiến tranh ở các nơi khác trên thế giới vẫn tiếp tục nổ ra: Chiến tranh Israel - Palestine, chiến tranh vùng Vịnh Iran - Iraq. Chiến tranh biên giới Việt Nam - Campuchia. Năm 1984, đường ống dẫn khí đốt Siberia - Pháp mở ra giai đoạn hợp tác kinh tế mới giữa Liên Xô và Tây Âu. Đồng thời, Anh đồng ý trao trả Hồng Kông cho Trung Quốc sau hơn 150 năm cai trị. Năm 1985, Liên Xô đơn phương tuyên bố chấm dứt mọi cuộc thử vũ khí hạt nhân và kêu gọi Mỹ có hành động tương tự, song phải đến cuộc gặp sau đó hai bên mới thỏa thuận được việc chấm dứt chạy đua vũ trang, cải thiện quan hệ song phương. Năm 1989, bức tường Berlin sụp đổ, cách mạng nhung ở Tiệp Khắc nổ ra, Xô-Mỹ tuyên bố chấm dứt chiến tranh Lạnh. Liên Xô cải tổ, chấp nhận chế độ đa đảng. Cuộc đảo chính ở Liên Xô diễn ra không thành công, song sau đó Gorbachev đã chủ động từ bỏ quyền lãnh đạo của mình, các hoạt động của đảng cộng sản bị cấm tạo điều kiện cho sự tan rã của Liên Xô để hình thành các nhà nước khác nhau. Nước Đức thống nhất. Năm 1991, chế độ Apartheid ngự trị ở Nam Phi gần 30 năm đã bị bãi bỏ. Hội đồng tương trợ kinh tế SEV giải thể.
Kết thúc chiến tranh Lạnh, bước vào thời kỳ hòa bình, ổn định
Bước vào thập niên 90, chiến tranh nhìn chung giảm dần, xu hướng toàn cầu hóa, hợp tác hữu nghị gia tăng cùng sự mở rộng các tổ chức quốc tế ôn hòa và hiệp định thương mại được ký kết, có thể kể đến Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC), Cộng đồng Đông Phi (EAC). Mỹ bình thường hóa quan hệ với Việt Nam. Hội nghị cấp cao liên Triều được tổ chức. Đồng euro bắt đầu lưu hành trên thị trường thế giới. ASEAN ngày càng có vị trí quan trọng trên trường quốc tế.
Song song với đó, thế giới phải đối mặt với các mối nguy khác, tiêu biểu là chủ nghĩa khủng bố. Năm 2001, sự kiện khủng bố 11/9 gây ra nỗi kinh hoàng cho nước Mỹ. Nhóm Al-Qaeda cướp máy bay dân sự Mỹ và đâm vào hai tòa tháp của khu Trung tâm thương mại tại New York. Ngay sau đó, vào tháng 10, Mỹ tấn công Afghanistan chống Taliban. Mỹ tuyên bố Iran, Iraq và Triều Tiên là mối đe dọa lớn với cuộc chiến chống khủng bố của Mỹ khiến Iran lên án kịch liệt. Các vụ khủng bố liên tiếp xảy ra: đảo Bali, Indonesia, khủng bố gần điện Kremlin Nga và khủng bố ở London. Israel tái chiếm Palestine. Châu Âu, nhất là Pháp và Đức bất hòa với chính sách của Mỹ. Các vụ thử hạt nhân và làm giàu uranium ở Triều Tiên, Iran ngày càng gia tăng căng thẳng với Mỹ. Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) trỗi dậy. Nga và phương Tây đối trọng, trong khi đó Trung Quốc vươn lên trên trường quốc tế.
Năm 2008, cuộc khủng hoảng tài chính ngân hàng của Mỹ nhanh chóng lan rộng ra thế giới khiến Nhật Bản, châu Âu rơi vào suy thoái nghiêm trọng, nền kinh tế thế giới ảnh hưởng nặng nề. Bên cạnh đó, biến đổi khí hậu, thiên tai (động đất, sóng thần), dịch bệnh (cúm A/H1N1 năm 2009, dịch Ebola 2014, dịch COVID năm 2019) trở thành mối nguy cho toàn thế giới. Năm 2011, Mùa xuân Ả Rập diễn ra ở Trung Đông và Bắc Phi đòi dân chủ và thay đổi chế độ đã gây ra bất ổn cho đến hiện tại. Châu Âu đối mặt với khủng hoảng di cư.
Thời hiện đại xuất hiện nhiều bước tiến lớn về khoa học. Năm 1921, hai người Pháp: nhà vi trùng học Albert Calmette và bác sĩ thú y Camille Guérin đã tìm ra phương pháp phòng bệnh lao bằng cách tiêm vắcxin mang tên BCG. Năm 1927, Alexander Fleming vô tình phát hiện thuốc kháng sinh Penicillin. Năm 1958, tim nhân tạo ra đời tại Moscow. Đặc biệt, thời kỳ chiến tranh Lạnh mở ra kỷ nguyên chinh phục vũ trụ của con người, lần đầu tiên con người bay ra vũ trụ, đặt chân lên mặt trăng. Năm 1975, công ty phần mềm Microsoft thành lập, trở thành công ty tin học hàng đầu thế giới, nổi tiếng với hệ điều hành Windows được cải tiến và sử dụng rộng rãi đến nay. Năm 1983, bác sĩ người Pháp Luc Montagnier phát hiện ra virus AIDS.
Ngoài ra, cuốn sách còn đề cập đến năm sinh của các nhân vật quan trọng trong lịch sử, có thể kể đến như John Locke, Montesquieu - hai nhà tư tưởng chính trị lớn; nhà toán học, vật lý, triết gia Blaise Pascal; nhà bác học Isaac Newton; nhà văn, sử gia, triết gia Voltaire; triết gia thời kỳ Khai sáng Jean-Jacques Rousseau, v.v
Nhìn chung, thời kỳ cận - hiện đại mở đầu bằng cách cuộc cách mạng tư sản và sự hình thành nhà nước ở châu Âu. Trải qua hai cuộc thế chiến đẫm máu, thế giới bước vào thời kỳ chiến tranh Lạnh. Căng thẳng leo thang, đối đầu ý thức hệ tư bản - cộng sản, song khoa học công nghệ bước vào thời kỳ phát triển bùng nổ. Dù vẫn còn các cuộc chiến ở các nước châu Á - Mỹ La Tinh song nhìn chung, sau khi quá trình phi thực dân hóa kết thúc và các nước thuộc địa giành độc lập, xu hướng chung của thế giới là hòa bình, ổn định, phát triển.