Biên niên sử thế giới cổ - trung đại là phần đầu của bộ hai cuốn Biên niên sử thế giới do Văn Ngọc Thành chủ biên, cung cấp một cách hệ thống các sự kiện quan trọng xảy ra trong lịch sử thế giới.
Phần I: Chặng đường tiến hóa đầu tiên và đời sống nhân loại trong thời tiền sử (6,5 - 6 triệu năm TCN - 6.400 năm TCN)
Khoảng 6,5 đến 6 triệu năm trước Công nguyên (TCN), tổ tiên chung của loài người và các giống vượn hiện đại - Hominids (hay Vượn nhân hình) đã có thể bước đầu sử dụng hai chi trước để cầm nắm. Hominids đã phát triển thành nhánh vượn người phương Nam ở Ethiopia có thể di chuyển bằng hai chi sau. Giống vượn này tiếp tục phát triển Homo Habilis (hay còn gọi là Người đứng thẳng, Người dùng đôi bàn tay) phân bổ vùng Đông Phi. Đây cũng là lúc bắt đầu thời đại Đá cũ, xuất hiện nền kỹ nghệ Oldowan. Trong quá trình tiến hóa, thể tích não của các giống này tăng dần, bàn tay, bàn chân hoàn thiện, linh hoạt hơn.
Homo Habilis tiếp tục phát triển thành Homo Erectus (Người đứng thẳng) ở vùng Tây Á, Đông Phi. Loài này mang những đặc điểm giống với người hiện đại nhất với tỷ lệ cơ thể cân đối. Đây cũng là giống người tối cổ duy nhất sinh tồn qua kỷ Băng hà khắc nghiệt. Khoảng 1 triệu năm trước Công nguyên, họ tạo và kiểm soát được lửa, mở ra kỷ nguyên chinh phục tự nhiên của con người. Một số nhánh gần với Homo Erectus xuất hiện ở các nơi trên thế giới: người vượn Bắc Kinh ở Trung Quốc, người vượn ở Indonesia, và đặc biệt người vượn Heidelberg ở Italia là loài đầu tiên sống ở vùng khí hậu lạnh, biết săn bắt thú và xây nhà từ gỗ, đá tảng. Người vượn Heidelberg là tổ tiên chung của Homo Neanderthal và người hiện đại, hai loài chủ yếu của chi Homo sau đó phân ly từ châu Phi và bắt đầu cuộc cạnh tranh trong quá trình tiến hóa.
Homo Neanderthal giai đoạn sớm di chuyển từ Trung Âu, Tây Âu đến Tây Nam Á, Trung Á vào khoảng 300.000 năm TCN. Họ hoàn thiện dần các đặc điểm sinh học của cơ thể tương tự người hiện đại và giai đoạn kinh điển của giống người này bắt đầu. Khoảng 73.000 đến 48.000 năm TCN là giai đoạn phát triển ổn định của Homo Neanderthal, đời sống vật chất khá cao, kỹ thuật chế tác đá cải tiến. Việc mai táng người chết xuất hiện vào cuối kỷ Băng hà, giai đoạn này chứng kiến sự suy giảm và cuối cùng là tuyệt diệt của giống Neanderthal do không kịp thích ứng với thay đổi khí hậu.
Người tinh khôn “cổ xưa” (Homo Sapiens “archaic”) xuất hiện ở khu vực Châu Phi, Trung Đông, Tây Nam Trung Quốc vào khoảng 298.000 năm TCN. Đến khoảng 158.000 năm TCN, quá trình biến đổi từ vượn thành người hiện đại cơ bản hoàn thành. Họ bắt đầu quá trình di chuyển khỏi châu Phi đến Trung Đông, Nam Á, Đông Nam Á cho đến khi các lục địa phân tách. Những thay đổi nhỏ trong gene giúp ngôn ngữ hình thành. Trái với Homo Neanderthal, cuối kỷ Băng hà người hiện đại mở rộng ở Nam Á, Đông Nam Á, và châu Úc. Đặc điểm sinh học của người Tinh khôn ngày càng hoàn thiện để thích nghi với khí hậu lạnh khi di cư đến châu Âu.
Khoảng 30.000 năm TCN, nghệ thuật tiền sử khởi điểm. Kỹ thuật cắt gọt đá, công cụ chế tác từ sừng gạc hươu và xương thú lớn phổ biến. Nghệ thuật nguyên thủy và tôn giáo nguyên thủy dưới hình thức hỏa táng người chết xuất hiện sớm nhất ở châu Úc. Cung tên được phát minh hỗ trợ săn bắn, tự vệ. Người hiện đại từ Trung Á di chuyển đến châu Mỹ.
Vào thời Đá giữa (18.000 năm TCN), các công cụ, vũ khí trở nên tinh vi, nhỏ gọn hơn giúp tăng năng suất. Săn bắn thú lớn giảm, hái lượm và săn bắt thú nhỏ phổ biến. Đồ gốm dùng để chứa đựng, nấu ăn xuất hiện ở Trung Quốc. Con người di chuyển từ Bắc Mỹ xuống Nam Mỹ.
Cuối kỷ Băng hà, băng tan, nước biển dâng phân tách các lục địa. Khí hậu ấm dần tạo điều kiện cho cuộc cách mạng công nghiệp đầu tiên diễn ra: trồng trọt ngũ cốc và thuần dưỡng gia súc. Người tinh khôn là loài duy nhất của chi Homo tồn tại, cơ thể đạt đến mức hoàn thiện.
Thời kỳ đá mới diễn ra vào khoảng 10.000 đến 6.000 năm TCN. Kỹ thuật chế tác đá phát triển, nhà được xây từ đất, gạch nung và cỏ tranh. Hình thái tổ chức xã hội chặt chẽ hơn, hình thành các ngôi làng. Kỷ nguyên hái lượm - săn bắt kết thúc, mở ra kỷ nguyên nông nghiệp, quá trình thuần hóa thực vật bắt đầu giúp đa dạng hóa nguồn thực phẩm. Lợn rừng được thuần hóa thành lợn nhà ở Trung Quốc và cao nguyên Anatolia, sau được chuyển vào lục địa Á - Âu. Điều kiện khí hậu ấm nóng, lượng mưa tăng hình thành dòng chảy của các con sông lớn: sông Nile, Tigris-Euphrates, Indus, Ganges, Hoàng Hà, Dương Tử. Con người dừng di chuyển, định cư lâu dài bằng nông nghiệp và chăn nuôi gia súc ở khu vực do phù sa sông bồi đắp. Dân số thế giới tăng nhanh. Các tuyến giao thương hàng hóa được phát triển. Động vật lấy sức theo đó được thuần hóa. Nhiều loài thực vật được thuần hóa như lúa mì hoang dại, cây kê, kỹ thuật trồng trọt phát triển.
Phần II: Những nền văn minh đầu tiên: nông nghiệp, thành thị, chiến tranh và đế chế (6.000 năm TCN - 476)
Lưỡng Hà
Tại vùng châu thổ Tigris - Euphrates quần cư sớm nhất của người Lưỡng Hà được thiết lập. Nông nghiệp được chú trọng phát triển theo chiều sâu, tăng năng suất mùa vụ. Các nền văn hóa đá mới giai đoạn đồ gốm phát triển mạnh. Đồng đỏ được phát hiện và sử dụng song song với công cụ đá. Xã hội Lưỡng Hà được ví là “cái nôi của lịch sử nhân loại”. Nhà nước, thủy lợi, công nghệ, kiến trúc tôn giáo quy mô lớn xuất hiện. Họ sử dụng nhựa đường tự nhiên, một dạng của dầu thô khai thác trên bờ sông Euphrates để xây dựng tường, tháp cao.
Người Sumer nắm kiểm soát vùng Lưỡng Hà, gồm nhiều thành bang rải rác theo thể chế quân chủ chuyên chế pha trộn giữa thế quyền và thần quyền. Uruk là thành bang đầu tiên của người Sumer, xây dựng bằng gạch bùn, cấu trúc xã hội phức tạp xuất hiện. Một trong những loại hình chữ viết và phương tiện ghi chép thành văn sớm nhất bằng bút sậy ra đời ở đây. Toán học cũng ra đời ở Lưỡng Hà. Sau đó người Sumer bị người Akkad kiểm soát, Akkad là đế chế đa văn hóa đầu tiên có một nhà nước tập trung. Akkad cuối cùng rơi vào sự kiểm soát của các tộc du mục, đáng kể nhất là người Guti, đã tàn phá nghiêm trọng nền văn minh của đế chế. Người Guti bị thành bang Ur đánh đuổi và kể từ đây nền sản xuất của Lưỡng Hà đạt tới trình độ chưa từng có. Bộ luật Ur-Nammu được xem là bộ luật thành văn cổ xưa nhất.
Người Sumer bị tiêu diệt bởi người Elam, đánh dấu kết thúc cho thời kỳ thành bang cai trị. Lưỡng Hà tiếp tục trải qua sự cạnh tranh của các vương triều Assyria, Babylon, Hittites. Vương quốc cổ Babylon hình thành và phát triển cực thịnh dưới thời vua Hammurabi. Bộ luật Hammurabi ra đời, đây là một trong những bộ luật thành văn hoàn chỉnh lâu đời nhất còn tồn tại đến ngày nay, phản ánh tiến bộ sâu sắc trong tư duy pháp quyền của người Lưỡng Hà. Tại miền trung Anatolia, văn minh Hittite bước vào giai đoạn đế chế, cạnh tranh quyền lực với Assyria và Ai Cập.
Năm 1000 TCN, Jerusalem trở thành thủ đô của Nhà nước Do thái, đây là thánh địa linh thiêng của ba tôn giáo Abraham: Do thái, Cơ đốc và Hồi giáo. Vua Solomon đưa vương quốc Do thái phát triển đến cực thịnh, cho xây nhiều đền thờ, cung điện nhưng đến năm 932 TCN, nhà nước Do thái biến mất do bị các vương quốc lân cận thôn tính.
Assyria suy yếu, tộc Chaldean nổi dậy thành lập vương quốc Tân Babylon, đây là giai đoạn hoàng kim của nghệ thuật, xây dựng và khoa học.
Trung Quốc
Tại Trung Quốc, quanh bình địa trung lưu sông Hoàng Hà, nhóm cư dân nói ngữ hệ Hán - Tạng hình thành trung tâm nông nghiệp, các giống kê đầu tiên được thuần hóa và gieo trồng. Canh tác lúa nước xuất hiện ở vùng giữa sông Dương Tử và thượng lưu sông Hoài.
Trung Quốc cổ đại mở đầu với triều Hạ - một tập hợp liên minh bộ lạc của tộc Hán. Sau này việc Đại Vũ truyền ngôi cho con đã chấm dứt chế độ dân chủ thị tộc, chế độ quân chủ ở Trung Quốc chính thức xác lập, kéo dài 4000 năm. Sau khi dời đô đến phía nam sông Hoàng Hà, nhà Thương bước vào giai đoạn phát triển cực thịnh, thiết lập hệ thống thủy lợi và văn tự đầu tiên. Nhà Thương sau đó bị nhà Chu đánh bại, đạo đức nhà Chu dần biến thành mô phạm trong xã hội Trung Quốc. Trung Quốc rơi vào thời Xuân Thu - Chiến Quốc, sự xáo trộn đã thúc đẩy dòng người Hán di cư đến các vùng đất mới.
Khoảng thế kỷ III TCN, Trung Quốc trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới tiến hành việc trồng dâu, nuôi tằm, bóc tách kén tằm để sản xuất tơ lụa. Các sản phẩm tơ lụa chất lượng cao của Trung Quốc được sản xuất trên quy mô lớn và được coi là thương phẩm giá trị bậc nhất trong trao đổi thương mại Âu - Á khi “con đường tơ lụa” hình thành.
Năm 221 TCN, Tần Thủy Hoàng thống nhất Trung Quốc, lên ngôi hoàng đế, cục diện cát cứ tạm thời chấm dứt. Ông cho xây dựng Vạn Lý Trường Thành - công trình phản ánh trình độ tổ chức và thiết kế xây dựng đỉnh cao của người Trung Quốc cổ đại. Trung Quốc sau đó bị quân Hung Nô công phá, rơi vào thời kỳ chia rẽ kéo dài cho tới khi nhà Tùy tái thống.
Bắc Phi
Tại Đông Bắc châu Phi, con người chuyển từ săn bắn sang làm nông nghiệp, chăn nuôi gia súc, tạo ra những tiến bộ sớm mở đường cho thủ công nghiệp, nghệ thuật, khoa học, chính trị, tôn giáo phát triển. Dọc sông Nile, các trung tâm quần cư có tính tự trị cao (Nome) xuất hiện. Nền văn minh hùng mạnh sớm nhất ở Bắc Phi đặt tại Ai Cập. Người Ai Cập mở rộng ảnh hưởng đến Địa Trung Hải, xây dựng nhiều đền thờ cổ và thống trị thung lũng sông Nile. Dao đá, liềm đá sắc nhọn được sử dụng phổ biến.
Khoảng 3500 TCN, quá trình tiếp xúc giữa cư dân các nền văn minh diễn ra. Quá trình hoang mạc hóa khu vực Bắc Phi khiến người Ai Cập cổ phải di chuyển về gần dòng chảy sông Nile. Hai vương quốc Hạ Ai Cập và Thượng Ai Cập hình thành trên châu thổ sông Nile. Sau đó hai vương quốc này thống nhất, Mina trở thành vị Pharaoh đầu tiên của Ai Cập, thủ đô đặt tại Memphis. Người Ai Cập phát minh ra chữ tượng hình, thuyền có mái chèo và cột buồm và kỹ thuật ướp xác.
Ai Cập sau đó bước vào giai đoạn Cổ vương quốc và đạt tới trạng thái thịnh đạt vào vương triều thứ ba và thứ tư. Quyền lực của Pharaoh là tuyệt đối, hệ thống hành chính hiệu quả gồm cơ quan thu thuế và tư pháp được thiết lập. Nhiều kim tự tháp được xây dựng, song chính điều này khiến cho Ai Cập bắt đầu suy yếu. Cổ vương quốc Ai Cập sụp đổ do nội chiến và thống nhất trở lại dưới sự lãnh đạo của hoàng thân Mentuhotep.
Ai Cập rơi vào thống trị của người Hyksos từ Trung Đông, song cuối cùng cuộc chiến tranh chống Hyksos giành thắng lợi. Thông qua trao đổi thương mại, một số yếu tố văn minh và công nghệ du nhập từ Lưỡng Hà vào Ai Cập. Dưới thời Ramesses II, Ai Cập phát triển đến giai đoạn hoàng kim, tấn công đế chế Hittite, dẫn đến bản hiệp ước hòa bình đầu tiên của nhân loại giữa Ai Cập và Hittite. Thời kỳ Tân vương quốc kết thúc, Ai Cập rơi vào hỗn loạn.
Khoảng năm 100, vương quốc Aksum hình thành ở khu vực Bắc Ethiopia, phát triển hùng mạnh trong một giai đoạn.
Châu Âu
Khoảng 4500 năm TCN, Châu Âu tiến vào thời đại cự thạch, lúa mì được trồng trên lưu vực sông Danube, dần chuyển đến ngưỡng có nhà nước và văn minh. Đến năm 2750 TCN, các nhà nước thành bang của người Phoenician được thiết lập vững chắc trên vùng ven biển Levant, thống trị mạng lưới mậu dịch Địa Trung Hải.
Văn minh Minoan được coi là nền văn minh sớm nhất tại châu Âu, tiên phong trong lĩnh vực hàng hải và giao thương với Ai Cập, bờ biển Levant (Lưỡng Hà), đảo Cyprus. Tiếp đó là thời kỳ văn hóa Mycenaean - nền móng của văn minh Hy Lạp cổ đại. Sau thảm họa núi lửa trên đảo Santorini, văn minh Minoan bị thay thế bởi văn minh Mycenae trên bán đảo Peloponnese. Thời đại đồ sắt bắt đầu sớm nhất ở Địa Trung Hải và Trung Đông. Người Celt ở châu Âu dùng công cụ sắt để xẻ đá, gỗ, xây dựng pháo đài. Các vùng đồi ven sông Tiber bắt đầu có cư dân sinh sống mật độ cao, khởi đầu của văn minh La Mã tại bán đảo Italia.
Athen trở thành trung tâm thương mại, văn hóa thịnh vượng hàng đầu khu vực. Thành bang Carthage nhanh chóng vươn lên thành thế lực thống trị thương mại và hải quân ở Địa Trung Hải. Tôn giáo đa thần ngự trị toàn Hy Lạp với 12 vị thần đỉnh Olympus.
Năm 753 TCN, thành phố Roma được thiết lập. Vương quốc La Mã khởi đầu là chế độ quân chủ do vua đứng đầu. La Mã sau đó bước vào thời kỳ cộng hòa và kỷ nguyên hưng thịnh. Năm 650 TCN, người Hy Lạp bành trướng khắp Địa Trung Hải. Sparta tiến hành cải cách chính trị - xã hội và trở thành một thế lực quân sự hùng mạnh và thể chế nhà nước độc nhất ở Hy Lạp. Tại Athen, Solon thực hiện các cải cách chính trị, xã hội, kinh tế và đạo đức, đặt nền tảng cho thể chế cộng hòa và mô hình dân chủ trực tiếp.
Chế độ quân chủ của đế chế Ba Tư dưới sự lãnh đạo Cyrus Đại Đế trở thành đế chế rộng lớn nhất thế giới vào thời điểm đó. Ba Tư sau đó tiêu diệt Babylon, tái thiết lại Jerusalem, Lưỡng Hà chính thức bị sáp nhập vào Ba Tư, lịch sử Lưỡng Hà bước vào giai đoạn Ba Tư hóa. Ai Cập cũng trở thành một phần đế chế Ba Tư. Năm 490 TCN, chiến tranh bùng nổ giữa các thành bang Hy Lạp với đế chế Ba Tư. Tiếp đó, chiến tranh Peloponnese bùng nổ giữa các thành bang Hy Lạp đã làm suy giảm tiềm lực của Athen, các thành bang Hy Lạp khác dần lụi tàn. Hy Lạp bước sang kỷ nguyên của nhà nước tập quyền dưới sự cai trị của Alexander Đại đế. Kỷ nguyên Hy Lạp hóa bắt đầu, thời kỳ kinh điển của Lưỡng Hà cổ đại chấm dứt. Alexander Đại đế dễ dàng đánh thắng Ai Cập, Ấn Độ, Ba Tư, làm chủ một đế chế rộng lớn. Sau khi ông qua đời ở tuổi 33, đế chế khổng lồ bị chia rẽ thành các nhà nước - vương quốc do tướng lĩnh thân cận cai quản.
Sau khi La Mã đánh bại liên minh các thành bang, Hy Lạp đặt dưới sự cai quản của người La Mã đặt tại xứ Macedonia. La Mã kiểm soát toàn bộ Địa Trung Hải cũng như những vùng đất có nền thương mại thịnh vượng xung quanh. Năm 27 TCN, La Mã bước vào thời kỳ thiết lập chế độ nguyên thủ - lưỡng hợp quyền lực của nguyên thủ độc tài và Viện nguyên lão. Vào thời kỳ này, nhiều tác phẩm lịch sử, triết học, tôn giáo nổi tiếng ra đời. Vào thế kỷ III, La Mã rơi vào khủng hoảng trầm trọng bởi nội chiến và sau cùng bị chia thành hai nửa: Tây La Mã và Đông La Mã. Đế chế La Mã sau đó bị các man tộc thuộc nhóm German xâm nhập, mất dần lãnh thổ. Tây La Mã từng bước diệt vong.
Ấn Độ
Khoảng 4000 năm TCN, tại vùng thung lũng sông Indus (Ấn Độ) các cộng đồng nông nghiệp đã bước sang thời đại đồng thau. Thung lũng sông Indus trở thành một trong ba trung tâm văn minh lớn đầu tiên của nhân loại. Văn minh sông Indus xuất hiện dấu hiệu của đô thị hóa sơ khai, hai thành phố tiêu biểu được quy hoạch tốt với hệ thống cấp thoát nước ngầm, nhà bằng gạch nung, công công trình phi dân cư. Một số kỹ thuật thủ công xuất hiện. Nền văn minh phát triển ở trình độ cao. Văn minh thung lũng Indus phát triển cực thịnh vào khoảng năm 2600-2000 TCN. Ngôn ngữ Dravidian phát triển hệ thống ký hiệu riêng. Nhưng quá trình hoang mạc hóa và điều kiện tự nhiên biến đổi khắc nghiệt đã khiến cho nền văn minh sông Indus dần suy tàn.
Người Aryan - một tộc du mục thuộc hệ Ấn - Âu tràn vào Bắc Ấn Độ, mang theo tiếng Sanskrit cùng tôn giáo du mục đến định cư làm nông nghiệp ở đây. Những vương quốc sơ kỳ đầu tiên của người Aryan khi di cư đến Ấn Độ được thành lập, tạo nên chế độ đẳng cấp. Magadha từ một vương quốc trở thành đế quốc hùng mạnh nhất miền Bắc Ấn. Phật giáo nguyên thủy bắt đầu mở rộng đến Ấn Độ dưới thời hoàng đế Ashoka, xâm nhập Trung Á, tới Trung Quốc qua con đường tơ lụa. Ấn Độ tiếp tục trải qua thời kỳ hưng thịnh dưới vương triều Gupta. Phật giáo, văn học, nghệ thuật, khoa học, triết học đều phát triển.
Châu Mỹ và Thái Bình Dương
Các khu định cư đầu tiên của người Maya hình thành tại Mexico ngày nay. Khoảng năm 1200 TCN, nền văn minh tiền sử của người châu Mỹ bản địa được gọi là Pueblo cổ đại xuất hiện ở những nơi có nguồn nước dồi dào. Nền văn minh Olmec quanh lãnh thổ Mexico phát triển rực rỡ với các khu phức hợp tôn giáo, điêu khắc đá đồ sộ. Năm 375, người Maya bắt đầu xây dựng cung điện và đền thờ thần khắp Trung Mỹ.
Người Polynesia thuộc ngữ hệ Mã Lai - Đa Đảo di chuyển từ Đông Nam Á tới nhóm đảo Melanesia trên Thái Bình Dương, giúp họ thống trị không gian rộng lớn thuộc trung tâm Thái Bình Dương.
Phần III: Kỷ nguyên của chế độ quân chủ, tôn giáo và thương mại (485 - 1396)
Giao thương và di dân giữa các khu vực được đẩy mạnh kèm theo đó là trao đổi về văn hóa. Con đường tơ lụa mở ra nối liền Đông - Tây. La bàn được phát minh mở ra kỷ nguyên khám phá. Súng thần công phản ánh thành tựu công nghệ của nhân loại cũng như vai trò của người Hồi giáo. Thuốc súng và kỹ thuật thuốc súng đã thay đổi bức tranh chính trị - quân sự tại châu Âu.
Tại Trung Quốc, chế độ quân điền lần đầu được thực hiện dưới triều Bắc Ngụy. Cơ cấu sở hữu ruộng đất thay đổi, kênh đào được phát triển. Nhà Đường đạt cực thịnh rồi sụp đổ, tình trạng cát cứ kéo dài hết thế kỷ X, tạo điều kiện cho các vùng ngoại biên khẳng định tính tự chủ. Tình hình Đông Á trở nên đa dạng. Trên cơ sở hấp thụ văn hóa Hán thời Đường, vương quốc của người du mục Khiết Đan được thiết lập, đe dọa Trung Quốc. Triều Tống suy giảm rồi tiêu vong. Trung Quốc một lần nữa thống nhất dưới Vương triều Đại Tống, mô hình nhà nước quân chủ thay đổi, quyền lực chuyển từ tay các võ tướng sang giới trí thức Nho giáo. Hành chính Trung Quốc bước vào giai đoạn chặt chẽ, khoa học nhưng quân sự bắt đầu suy giảm. Năm 1060, Trung Quốc lần đầu ban hành tiền giấy, cải cách tiền tệ gia tăng lớp thương nhân. Năm 1127, Trung Quốc bước vào giai đoạn phân rã do các tộc du mục tấn công cho đến khi Mông Cổ tiêu diệt hai nước Kim và Tây Hạ. Thành Cát Tư Hãn bắt đầu cuộc chinh phục chưa từng có trong lịch sử từ Đông Á tới Đông Âu song đã bị người Ả Rập chặn lại.
Quốc gia Cao Ly được lập ra ở Bắc bán đảo Triều Tiên, tiếp nhận vị trí chư hầu Trung Quốc. Nhật Bản thực hiện cải cách theo hình mẫu nhà đường, song cải cách ruộng đất đã giúp Nhật chuyển sang chế độ phong kiến mang tính đặc trưng. Tại Đông Nam Á, thương mại được đẩy mạnh qua các eo biển. Vương quốc Angkor của người Khmer chuyển mình thành đế chế hùng mạnh. Mông Cổ sau đó trở thành Đại Nguyên, do triều Nguyên cai trị.
Hồi giáo bắt đầu phát triển và lan tỏa ảnh hưởng nhanh chóng, vượt qua ranh giới sắc tộc, văn hóa của người Ả Rập, đi liền với quá trình bành trướng của các nhà nước Arập, Ba Tư, Turk và trở thành tôn giáo thế giới. Năm 622 được coi là năm thứ nhất theo lịch Hồi giáo. Sau khi Muhammad qua đời, Thánh chiến mở rộng lãnh thổ hồi giáo bắt đầu, xác lập các vương quốc Hồi giáo Caliphate. Caliphate bị thay thế bởi vương triều Umayyad, Hồi giáo chia rẽ thành hai nhánh Sunni và Shiite.
Hồi giáo vươn thế lực tới Iberia, chinh phục Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha nhưng sau cùng bị đánh bại bởi vương quốc Frank. Nhà Abbasid lật đổ Umayyad, thành lập vương triều Hồi giáo mới ở Baghdad, trở thành trung tâm thương mại, tri thức, công nghệ của thế giới. Cuối thế kỷ X, vương quốc Hồi giáo Kilwa Kisiwani xuất hiện vùng Đông Phi. Năm 1037, tại Trung Đông xuất hiện nền văn hóa Hồi giáo hỗn dung Turk - Ba Tư. Ít lâu sau, người Turk của đế chế Seljuk ở Ba Tư - Trung Á chinh phục Baghdad, hình thành chế độ Sultan (người đứng đầu vương quốc Hồi giáo). Hồi giáo sau đó xâm chiếm Ấn Độ và thiết lập Hồi quốc Delhi, dẫn đến sự suy tàn của Phật giáo và chia rẽ tôn giáo trong cộng đồng Hindu.
Lịch sử trung cổ châu Âu bắt đầu bằng vương triều Merovingien vương quốc Frank, thời kỳ phong kiến hóa bắt đầu. Các nhóm người Viking từ phương Bắc dần tấn công Anh rồi chuyển sang châu Âu lục địa. Đế quốc Tây La Mã của người Frank mở rộng lãnh thổ, cơ bản hoàn thành quá trình phong kiến hóa. Đế quốc Frank sau đó sụp đổ, vương quốc Pháp và đế quốc La Mã thần thánh hình thành. Năm 962, Đế quốc La Mã thần thánh ra đời, là hợp thể của nhiều quốc gia, vùng tự trị, không mang tính dân tộc như Anh hay Pháp. Giáo hội phân ly giữa giáo hội phương Đông theo văn hóa Hy Lạp thuộc đế quốc Byzantine và giáo hội La Mã theo văn hóa Latin, trung tâm là Roma.
Năm 1095, phong trào Thập tự chinh (Thánh chiến) nổ ra giữa Cơ đốc giáo và Hồi giáo. Quân thập tự châu Âu chiếm Jerusalem, đánh bại Hồi giáo. Đến thế kỷ XI, các thành thị trung cổ xuất hiện tại Italia, Pháp, đế quốc La Mã thần thánh, trở thành trung tâm mới của nền kinh tế hàng hóa, tri thức và tinh thần tự do. Các cuộc đấu tranh chống áp bức của chính quyền phong kiến bùng phát. Sau 88 năm cai trị, Jerusalem bị Hồi giáo giành lại, mở đầu thời kỳ thắng thế của Hồi giáo trong Thập tự chinh. Đến năm 1378, thời kỳ phân ly lớn diễn ra ở phương Tây, thế lực giáo hội giảm sút trong khi quân chủ châu Âu nắm quyền lực lớn hơn.
Quá trình truyền bá văn hóa Hy Lạp vào vùng đất của người Slav tạo tiền đề cho sự ra đời nhà nước Slav: Đại công quốc Nga Kiev (882), tại bán đảo Balkan (khoảng thế kỷ X) gồm vương quốc Bulgari thứ nhất, đại công quốc Movaria, công quốc Czech và công quốc Ba Lan. Một số nhà nước được hình thành ở châu Mỹ và Úc như nhà nước người Inca ở Peru, xã hội Maori ở New Zealand. Một số nền văn minh khác không còn trụ được do chiến tranh, môi trường và cạn kiệt tài nguyên do quá tải dân số, điển hình là văn minh Maya.
Phần IV: Sự suy tàn của chế độ quân chủ chuyên chế, thời đại khám phá và tinh thần lý tính (đầu thế kỷ XV - 1799)
Khoảng đầu thế kỷ XV, phong trào văn hóa Phục Hưng (Renaissance) bùng nổ ở Cộng hòa Florence thuộc Italia ngày nay, sau đó lan rộng ra phần lớn Tây Âu với các trung tâm tại Italia, Pháp, Tây Ban Nha, Anh nhưng không thống nhất về thời điểm, quy mô, mức độ ảnh hưởng. Tính ưu việt của tinh thần nhân văn, lấy con người làm trung tâm thể hiện bao trùm lên các nghiên cứu về triết học, chính trị học, nghệ thuật, khoa học, văn chương. Giá trị cơ bản của đời sống tinh thần tự do, suy nghiệm về bản chất con người thời cổ đại trở thành hình mẫu kinh điển của các “vĩ nhân Phục Hưng”. Các ngôn ngữ dân tộc được sử dụng ngày càng nhiều bên cạnh bước tiến của công nghệ in ấn đã định hình cho chủ nghĩa dân tộc sơ khai ở châu Âu. Các chuyến thám hiểm của người châu Âu mở ra thời kỳ khám phá các vùng đất mới. Triết học kinh viện suy giảm, nhiều cuộc cải cách tôn giáo diễn ra. Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha trở thành cường quốc thực dân thống trị châu Á.
Trung Quốc cũng bắt đầu tiến ra đại dương, tiếp xúc với các cộng động “phi Khổng giáo” và trải qua thời cai trị của triều Thanh. Thành phố Malacca trở thành trạm trung chuyển của mạng lưới trao đổi lớn nhất châu Á. Hồi giáo hóa diễn ra mạnh mẽ tại Đông Nam Á.
Phong trào dân tộc chống lại giáo hội và đế quốc La Mã thần thánh diễn ra ở Czech. Sự kiện Ottoman công phá Constantinople, thủ đô của đế chế Byzantium dẫn tới biến động chính trị, văn hóa lớn trong khu vực cửa ngõ Địa Trung Hải. Sự kiện này đã mở ra một giai đoạn lịch sử mới khi châu Âu phải đối mặt với đe dọa từ Ottoman. Ở đỉnh cao quyền lực, đế chế nhà Safavid liên tục đánh bại đế chế Ottoman, chính phục và cai trị Iran, Kavkaz, Lưỡng Hà, phần lớn Trung Á, Tây Bắc Ấn Độ. Sự ổn định của đế chế dưới thời Abbas I đã thúc đẩy nông nghiệp phát triển, trao đổi thương mại mang tính quốc tế mở rộng với cả châu Âu lẫn Ấn Độ và Trung Á Hồi giáo trên “Con đường tơ lụa mới”. Tại Ấn Độ, vương triều Hồi giáo Mughal thành lập, đưa Ấn Độ đạt tới đỉnh cao tạo dựng nhiều di san kinh tế, văn hóa, nghệ thuật, khoa học và góp phần định hình những giá trị kinh điển của Hồi tại Ấn Độ.
Nhìn chung, thời trung đại kết thúc mở thời đại khám phá và tinh thần lý tính, tạo điều kiện cho các cuộc cách mạng tư sản, cách mạng công nghiệp và các nhà nước hiện tại ra đời ở giai đoạn tiếp theo trong lịch sử.