Cánh đồng bất tận là một trong những tập truyện ngắn nổi tiếng nhất của Nguyễn Ngọc Tư, gồm 14 câu chuyện rất ngắn viết về người dân Nam Bộ. Trong đó, truyện Cánh đồng bất tận đã được chuyển thể thành phim cùng tên và gây nhiều tiếng vang.
14 câu chuyện với những cái tên rất “miền Tây” như Cải ơi, Thương quá rau răm, Hiu hiu gió bấc, Biển người mênh mông, Dòng nhớ,...đưa người đọc qua những vùng đất sông nước phía Nam, khám phá những cuộc đời bấp bênh nghèo khó. Tuy cuộc đời khắc nghiệt, nhưng họ đều có khát vọng vươn lên để sống và được yêu thương.
Mỗi một câu chuyện đều khiến độc giả thổn thức theo một cách khác nhau. Đó là cảnh tượng làng quê buồn hiu hắt, nghèo nàn thiếu thốn. Đó là những mối tình trái ngang kết thúc trong thầm lặng. Đó là những tình tiết tuyệt vọng âm ỉ, thầm lặng lấy đi nước mắt của người đọc. Trong những tháng ngày bi kịch đó, con người đối mặt với số phận, sống trong nó và chống lại nó. Nguyễn Ngọc Tư cũng là người Nam Bộ, nên từng câu chữ của tác giả như nói lên nỗi lòng của cộng đồng dân nghèo nơi đây. Một số câu chuyện về cốt truyện không có gì phức tạp, nhưng qua lời lẽ của Nguyễn Ngọc Tư, dư âm của nó vẫn đọng lại dai dẳng trong lòng người đọc.
Đơn cử như nhân vật ông Năm trong truyện Cải ơi. Con gái ông bỏ nhà ra đi lâu rồi, nhưng ông vẫn đau đáu tìm nó bằng nhiều cách. Có lần ông còn đi trộm trâu, cố tình để người ta bắt được vì ông chỉ muốn được lên tivi và nói với đứa con gái lưu lạc chân trời rằng: “Cải ơi, ba Năm Nhỏ nè, nhà mình ở Cỏ Cháy đó, nhớ không? Về nhà đi con tội má con vò võ có một mình…”.
Rồi tiếp theo là những câu chuyện khác cũng với cái kết mở thầm lặng mà đau lòng, đưa người đọc qua những nỗi buồn thương của cô Huệ, ông Tư Mốt, ông Sáu, của già Chín và đào Hồng,...
Câu chuyện cuối cùng, Cánh đồng bất tận, là ám ảnh hơn cả. Câu chuyện chưa đầy những uất ức thầm kín, những tâm tư chẳng thể giải tỏa, những nỗi niềm không biết chia sẻ cùng ai, như những cánh đồng hoang vu không điểm dừng.
Cánh đồng bất tận kể về cuộc sống rày đây mai đó của ở miền Tây của Vũ cùng 2 đứa con là Nương và Điền. Trước kia, ông Vũ và vợ quen nhau rồi chung sống cạnh sông Dài. Khi đã có 2 mặt con, vợ Vũ ngoại tình với người khác và bỏ đi, ông Vũ dẫn theo 2 người con lênh đênh trên một chiếc thuyền nhỏ, lang thang từ cánh đồng này sang cánh đồng khác để chăn vịt. Trên đường phiêu bạt, họ quen với cô gái điếm tên Sương và dẫn cô theo cùng. Sương dùng quan hệ thể xác để mong được tình yêu từ ông Vũ, cô cũng chịu khó chăm sóc 2 đứa con ông để đổi lại cảm giác đầm ấm của gia đình. Tuy nhiên, cô vẫn phải ra đi vì ông Vũ vẫn không thể mở lòng sau bi kịch do vợ cũ gây ra. Sương rời đi, Điền cũng nối gót theo cô dù tổn thương tâm lý khiến cậu không thể là một người đàn ông thực thụ. Ở lại cùng cha, số phận nghiệt ngã vẫn tiếp tục bám lấy Nương khi cô phải trải qua một nỗi đau giằng xé cả thể xác lẫn tâm hồn. Nhưng sau cùng, qua cách nhìn lạc quan của Nương, một tương lai mở ra cho cô khi quyết định hướng về phía trước và quên đi lỗi lầm của người lớn.
Tập truyện ngắn Những cánh đồng bất tận thể hiện sự đồng cảm sâu sắc của tác giả Nguyễn Ngọc Tư với miền Tây Nam Bộ và những con người ở đó. Độc giả sẽ có cơ hội hiểu hơn về cuộc sống của người dân phía Nam tổ quốc, những cuộc đời, những khát vọng, những khó khăn trăn trở. Dù số phận có bi ai, cuộc sống có nghiệt ngã đến mấy thì mỗi người vẫn có cách để bảo vệ giá trị vốn có của mình.