Được xuất bản lần đầu tiên vào năm 1890, Chân dung của Dorian Gray là cuốn tiểu thuyết duy nhất của nhà văn người Anh Oscar Wilde. Giống với tác giả của nó, ngay khi vừa ra mắt thì cuốn tiểu thuyết đã gặp phải nhiều tiếng nói phản đối do nội dung lên án thói theo đuổi vẻ đẹp bên ngoài đang thịnh hành trong xã hội thời bấy giờ, cũng như do những mô tả của Oscar Wilde liên quan đến chủ nghĩa khoái lạc và mối quan hệ đồng giới. Chỉ đến sau khi tác giả qua đời, Chân dung của Dorian Gray mới bắt đầu được đón nhận một cách rộng rãi, và dần trở thành một tác phẩm văn học tiêu biểu cho quan niệm “nghệ thuật vị nghệ thuật”.
Câu chuyện trong Chân dung của Dorian Gray bắt đầu vào một ngày mùa hè tại nước Anh, với ba nhân vật chính: Dorian Gray – một chàng trai trẻ sở hữu vẻ đẹp ngoại hình đầy mê hoặc cùng tâm hồn trong sáng, Basil Hallward – một nhà hoạ sĩ tài năng rất coi trọng đạo đức, và Lord Henry Wotton – một nhà quý tộc với quan điểm sống theo chủ nghĩa khoái lạc.
Say mê vẻ đẹp ngoại hình đầy mê hoặc cùng tâm hồn trong sáng của chàng trai trẻ, Basil đã vẽ nên bức chân dung Dorian Gray – tuyệt tác để đời của nhà hoạ sĩ tài năng. Nhưng, cũng chính trong quá trình vẽ bức tranh đó, Basil đã vô tình tạo điều kiện để người bạn của mình là Lord Henry tiếp xúc với Dorian, và tiêm nhiễm vào tâm hồn của chàng trai trẻ những quan điểm của chủ nghĩa khoái lạc. Sau khi bức hoạ hoàn thành, Basil tặng nó cho Dorian. Chiêm ngưỡng vẻ đẹp của bản thân trong bức hoạ, một Dorian bước đầu tin vào chủ nghĩa khoái lạc đã tự ước rằng “giá như bức họa này sẽ thay thế mình già đi, còn bản thân sẽ luôn giữ được vẻ trẻ trung như trong bức hoạ”.
Điều Dorian không biết là, điều ước đó của anh đã thành hiện thực.
Dưới tác động của Lord Henry, Dorian đã bắt đầu hành trình khám phá và thỏa mãn những ham muốn của bản thân. Trên hành trình đó, Dorian đã đem lòng yêu và cầu hôn với Sibyl Vane – một nữ diễn viên xinh đẹp và tài năng nhưng xuất thân nghèo khổ, thường biểu diễn tại rạp hát tồi tàn dành cho giới bình dân. Sibyl cũng yêu Dorian, và tình yêu đó đã khiến cô mất đi khả năng diễn xuất – bởi sau khi được trải nghiệm tình yêu thực sự trong đời, thì Sibyl đã chẳng còn tìm thấy niềm vui từ việc diễn tả thứ tình yêu giả tạo trong những vở kịch nữa.
Thế nhưng, chính điều này lại khiến Dorian mất đi hứng thú với Sibyl, và quyết định chia tay cô gái trẻ với lý do vẻ đẹp của Sibyl nằm trong khả năng diễn xuất – mất đi khả năng diễn xuất, thì cô cũng mất đi giá trị trong mắt Dorian. Đau lòng, Sibyl uống thuốc độc tự vẫn. Dorian trở về nhà, và nhận ra rằng bức chân dung của bản thân đã không còn như lúc ban đầu nữa, với khuôn mặt mang nét cười chế nhạo đầy độc địa.
Đến lúc này, Dorian mới nhận ra điều ước của bản thân đã trở thành sự thật.
Cảm thấy hối hận và cô đơn, Dorian dự định nối lại tình yêu với Sibyl. Nhưng, sau khi nghe tin về cái chết của Sibyl, Dorian đã lựa chọn theo đuổi chủ nghĩa khoái lạc một cách toàn diện nhất. Đồng thời, Dorian cũng quyết định giấu đi bức chân dung của bản thân nhằm che giấu đi bằng chứng duy nhất cho con người thật của mình. Trong suốt 18 năm sau đó, bức họa đã thay Dorian lưu lại tất cả những gì xấu xí và suy đồi nhất mà anh đã làm, để Dorian vẫn giữ mãi được dáng vẻ ngây thơ và tươi trẻ như lúc ban đầu, dù cho thực tế anh luôn hưởng thụ lối sống đầy sa đọa với phụ nữ và nha phiến.
Càng sa đọa, vẻ đẹp ngoại hình của Dorian càng mê hoặc, nhưng đổi lại thì bức họa của anh cũng càng trở nên xấu xí và kinh khủng.
Một tối nọ, Basil tới nhà Dorian để hỏi về những tin đồn liên quan đến lối sống truỵ lạc của “nàng thơ” khi xưa. Thừa nhận những tin đồn đó, Dorian dẫn nhà hoạ sĩ đi xem bức chân dung mà bản thân vẫn luôn cất giấu, lúc này đã hoàn toàn biến dạng đến nỗi Basil chỉ nhận ra tuyệt tác của chính mình nhờ vào chữ ký trên bức tranh. Là một người rất coi trọng đạo đức, Basil đã cảm thấy vô cùng kinh khủng và cầu xin “nàng thơ” khi xưa hãy cầu nguyện để được tha thứ, thế nhưng điều này lại khiến cho Dorian trở nên giận dữ.
Và, trong cơn thịnh nộ, Dorian đã dùng dao đâm chết Basil, đồng thời đổ lỗi cho nhà hoạ sĩ về số phận hiện tại của bản thân. Tiếp theo, Dorian lại lên kế hoạch đe doạ Alan Campbell – một nhà khoa học và một người bạn cũ, ép buộc Alan vận dụng những kiến thức hoá học để giúp bản thân tiêu huỷ thi thể của Basil. Dằn vặt vì cảm giác tội lỗi, Alan sau đó đã tự vẫn.
Cảm thấy tội lỗi với những điều mà bản thân vừa làm, Dorian tìm đến một tiệm hút nha phiến, nhưng lại vô tình gặp James Vane – em trai của mối tình đầu Sibyl, người thề sẽ giết chết Dorian để trả thù cho cái chết của Sibyl. Mặc dù ban đầu thành công lợi dụng vẻ trẻ trung không hợp tuổi của bản thân đề lừa dối James, nhưng sau cùng Dorian cũng trở thành mục tiêu bị theo dõi khi James biết được sự thật. May thay, James bị một gã thợ săn vô tình bắn chết khi đang theo dõi Dorian, tuy nhiên trải nghiệm này cũng khiến Dorian quyết định “hoàn lương”.
Thế nhưng, Dorian cũng nhanh chóng nhận ra rằng, những “việc tốt” mà bản thân đã làm lại chẳng hề khiến cho bức chân dung của mình bớt xấu xí hơn, mà thậm chí còn khiến nó càng trở nên kinh khủng. Bởi hành động của Dorian chỉ xuất phát từ động cơ ích kỷ là muốn khôi phục lại vẻ đẹp ban đầu của bức tranh, cũng như ham muốn khám phá những thể nghiệm mới lạ mà thôi. Nhận ra rằng điều duy nhất để giải thoát bản thân khỏi những sai lầm trong quá khứ là phải thú nhận chúng, Dorian quyết định phá huỷ đi bằng chứng duy nhất về những tội ác của mình – đó là bức chân dung xấu xí kia.
Cầm trên tay con dao khi xưa đã dùng để giết Basil, Dorian đâm vào bức tranh hòng kết thúc “lời nguyền” của bản thân. Và, thực sự thì “lời nguyền” đó đã được Dorian kết thúc – điều mà người ta phát hiện ra trong căn phòng sau tiếng hét của Dorian không phải một bức tranh bị đâm nát, mà là thi thể của một người đàn ông với khuôn mặt già nua và tàn ác vô cùng. Còn trong bức tranh, vẫn là hình ảnh một chàng trai với dáng vẻ ngây thơ và tươi trẻ năm xưa, như chưa có điều gì xảy ra cả.
Chân dung của Dorian Gray được công chúng đón nhận cho đến tận ngày nay không chỉ bởi nó đã lưu giữ nét đẹp cổ điển của ngôn ngữ Anh thế kỷ 19, mà còn bởi những vấn đề về nghệ thuật và nhân sinh được đề cập đến cuốn tiểu thuyết này vẫn luôn giữ nguyên giá trị thời sự. Mặc dù vận dụng mô-típ “giao kèo với quỷ dữ” quen thuộc, nhưng tác giả Oscar Wilde đã khai thác nó theo một khía cạnh hoàn toàn mới, khi không hề nhấn mạnh đến lợi ích hay tác hại của sự giao kèo mà tập trung vào sự sa đọa và suy đồi của nhân vật chính Dorian Gray ẩn sau vẻ bề ngoài trẻ trung, trong sáng, ngây thơ.
Câu chuyện của Dorian sẽ khiến cho độc giả phải tự hỏi: Thế nào là cái đẹp? Cái đẹp có đi liền với đạo đức không? Cái đẹp có tác dụng gì? Cái đẹp tồn tại độc lập hay phụ thuộc vào cảm nhận của từng người?
Và những câu hỏi này, chỉ bản thân độc giả mới có thể trả lời.