Cuốn sách Chữa Tâm Bệnh, Lành Thân Bệnh của tác giả Katie Beecher hướng dẫn cách phát triển sức mạnh trực giác, nêu lên mối tương quan giữa luân xa với sức khỏe thể chất và tinh thần. Ngoài ra, hẳn độc giả sẽ ngạc nhiên khi biết một cuộc khủng hoảng tinh thần cũng mang đến những lợi ích nhất định. Tuy nhiên, cần làm rõ một điều, sách mở ra góc nhìn mới về cách chữa bệnh cho cơ thể, nhưng những trường hợp gặp vấn đề sức khỏe nghiêm trọng thì vẫn nên đi khám bác sĩ.
Hãy bắt đầu bằng câu chuyện thực tế của tác giả, để thấy các vấn đề cảm xúc ảnh hưởng đến cơ thể ra sao.
Bệnh ở thân xuất phát từ tâm
Katie Beecher là họa sĩ màu nước, kiêm nhà ngoại cảm y học. Năm 2007, cô bị stress trầm trọng khi vừa phải làm việc cật lực, vừa phải giải quyết rất nhiều rắc rối gia đình. Cô ngày càng cảm thấy lo âu không dứt và mất dần khả năng sáng tạo, vấn đề khá lớn với công việc họa sĩ của cô. Nhưng cô cứ cố gắng kìm nén cảm xúc… cho đến khi không thể chịu nổi nữa. Đột nhiên, cô bắt đầu gặp phải những cơn đau bụng dữ dội, nhưng dù thực hiện rất nhiều xét nghiệm, siêu âm vẫn không tìm ra bệnh. Cuối cùng, bác sĩ phụ khoa phát hiện bất thường trong tử cung của Beecher và lên lịch phẫu thuật cho cô. Thật kinh ngạc khi thấy ống dẫn trứng và buồng trứng bên trái của cô quấn quanh tử cung.
Là nhà ngoại cảm y học, Beecher tin rằng, thực trạng của thân thường phản ánh nội tâm và ẩn chứa ý nghĩa biểu trưng. Không phải ngẫu nhiên mà tình trạng căng thẳng và mất khả năng sáng tạo lại trùng hợp với các vấn đề về tử cung. Tử cung vốn là nơi khai sinh toàn bộ sự sống của con người. Khi bên trong cô đầy những cảm xúc dằn vặt, vật lộn với việc sáng tạo, cô đã thu hút về mình chính những điều đó và chúng biểu hiện dưới dạng bệnh tật.
Beecher còn chứng kiến nhiều người bị căng thẳng hay sang chấn tâm lý cũng thường gặp hàng loạt vấn đề sức khỏe, từ chứng đau nửa đầu đến hội chứng ruột kích thích.
Ở Hoa Kỳ, thông thường người bệnh sẽ đến gặp bác sĩ, nhưng việc thăm khám chóng vánh, quá tập trung vào triệu chứng bệnh rồi kê toa thuốc, đôi khi chỉ giải quyết phần ngọn, chứ không triệt tiêu được gốc rễ căn bệnh.
Muốn chữa trị dứt điểm thì cần biết nguyên nhân thật sự gây bệnh là gì. Bệnh ở thân bắt nguồn từ tâm, mà tâm bệnh có thể không cần dùng đến thuốc thang, mà việc chữa trị cần bắt đầu từ bên trong.
Hiểu về sức khỏe thông qua trực giác
Trước tiên phải nhắc tới một nhân vật quan trọng đối với Beecher. Đó là Carl Jung, một trong những nhà tâm lý học và bác sĩ tâm thần có ảnh hưởng nhất trong thế kỷ 20. Ông nổi tiếng với học thuyết về tâm trí vô thức.
Theo Jung, chúng ta luôn có sẵn giải pháp cho các vấn đề của mình. Câu trả lời nằm bên trong chúng ta và sẽ xuất hiện thông qua trực giác.
Ý tưởng trên thực sự chạm được đến Beecher. Trực giác như một đấng tối cao bên trong mỗi người, nếu biết cách lắng nghe, ta có thể khám phá rất nhiều điều về sức khỏe. Điều đó đồng nghĩa với việc, hãy xem các triệu chứng của cơ thể như những tín hiệu vũ trụ, gửi gắm thông điệp cần ta lưu tâm.
Lắng nghe trực giác không phải chuyện luôn dễ dàng, nhưng niềm tin và việc thực hành thường xuyên sẽ giúp bất kỳ ai cũng có thể kết nối với trực giác của mình.
Đầu tiên, hãy làm sạch tâm trí bằng cách đi bộ hoặc thiền. Sau đó, viết ra một câu hỏi và tưởng tượng đang gửi câu hỏi đó đến trực giác của bạn. Lắng nghe câu trả lời, đó có thể là một cảm xúc lóe lên bên trong bạn. Rồi lại viết tiếp và lắng nghe. Cứ thế, ngày qua ngày, bạn đang giúp trực giác trở nên sắc bén và kết nối dễ dàng hơn.
Ngoài ra, còn những cách khác như vẽ tranh hay diễn giải giấc mơ. Dù chọn cách gì, đừng quên rằng, trực giác là người bạn đồng hành hết mực yêu thương bạn, luôn mong muốn điều tốt đẹp cho bạn và không bao giờ phán xét.
Chữa bệnh bằng luân xa
Khái niệm luân xa xuất hiện ở phương Đông từ hàng thế kỷ. Về cơ bản, luân xa là những điểm kết nối giữa cơ thể vật chất và tinh thần. Tổng cộng có bảy luân xa, nằm theo trục dọc cơ thể từ đáy cột sống đến đỉnh đầu.
Mỗi luân xa tương ứng với một phần cơ thể và các vấn đề cụ thể. Ở cuốn sách này, tác giả đi sâu vào tìm hiểu luân xa số 7 (luân xa vương miện) trên đỉnh đầu, luân xa số 3 ở ruột và luân xa số 1 (luân xa gốc) nằm ở đáy cột sống.
Ngoài ba luân xa nói trên, còn các luân xa khác, có mối tương quan với các bệnh như hen suyễn, tuyến giáp, đau đầu, chấn thương… Khi hiểu rõ về sự liên hệ giữa luân xa với các triệu chứng trên cơ thể, ta có thể tự chữa bệnh cho bản thân, đạt đến sự cân bằng thân tâm lâu dài.
Luân xa số 7 – sức khỏe thể chất và tinh thần tổng quát
Năm 1913, Carl Jung bị suy nhược thần kinh. Ông nghe thấy những tiếng nói, nhìn thấy những hình ảnh khủng khiếp, như cảnh châu Âu ngập trong máu mà về sau nhiều học giả tin rằng, đó là điềm báo cho bạo lực, khi Thế chiến thứ nhất nổ ra vào năm sau.
Ông đã lắng nghe trực giác, làm việc với suy nghĩ của mình và viết ra mọi thứ. Kết quả là tác phẩm Sách đỏ ra đời, mang tầm ảnh hưởng to lớn, định hình thế giới tâm lý học.
Dù ông không được chứng kiến thành công của cuốn sách, nhưng chỉ riêng việc viết sách đã như liệu pháp thanh tẩy đầu óc, giúp ông giành lại quyền kiểm soát cuộc sống và tiếp cận những hiểu biết quan trọng.
Cũng như Carl Jung, nhiều người sẽ trải qua một giai đoạn khủng hoảng tinh thần nào đó trong đời. Cảm giác quá tải hoặc lo lắng dữ dội là những triệu chứng điển hình.
Nếu gặp tình trạng tương tự, hãy tập trung vào luân xa số 7 ở đỉnh đầu.
Luân xa này giống như “bức tranh toàn cảnh”, giúp ta có được cái nhìn tổng thể về sức khỏe thể chất, tình cảm và tinh thần của một người. Nó có liên quan đến bệnh mãn tính, sự mệt mỏi và các vấn đề sức khỏe ảnh hưởng đến toàn bộ cơ thể.
Điều cần làm: tập yoga, thiền để kết nối lại với chính mình. Bạn cũng có thể viết nhật ký, thử các liệu pháp nghệ thuật hoặc chú ý hơn đến những giấc mơ để hiểu điều gì thực sự quan trọng với bạn.
Và quan trọng là hãy tin tưởng vào bản thân và lắng nghe trực giác.
Luân xa số 3 – mối tương quan giữa tổn thương quá khứ với sức khỏe hiện tại
Luân xa số 3 liên quan đến ruột, một bộ phận đặc biệt nhạy cảm, được ví như “bộ não thứ hai” của cơ thể. Đó là nơi chọn lọc, xử lý và thậm chí tạo ra cảm xúc. Vi khuẩn đường ruột tạo ra chất dẫn truyền thần kinh như dopamine và serotonin, ảnh hưởng đến tâm trạng con người. Ruột có đến năm trăm triệu tế bào thần kinh kết nối trực tiếp với não. Quả thật giữa cơ thể và cảm xúc có đến hàng triệu mối liên kết.
Tác giả Beecher nhận thấy, hầu hết những người có các vấn đề về đường ruột, cân nặng hay rối loạn ăn uống, nói chung là tắc nghẽn luân xa số 3, đều trải qua tuổi thơ khó khăn hoặc từng chịu tổn thương tâm lý.
Điều cần làm là chăm sóc bản thân cả về thể chất lẫn tinh thần, ăn uống lành mạnh, dùng men vi sinh cân bằng vi khuẩn đường ruột, uống nhiều nước...
Nhưng trên hết, nên tìm cách chữa lành nỗi đau quá khứ. Bởi lẽ dù ký ức có phai mờ, nhưng cơ thể vẫn ghi nhớ những căng thẳng và biểu hiện thành các triệu chứng bệnh. Muốn cơ thể thực sự khỏe mạnh, hãy giải tỏa căng thẳng tận gốc.
Luân xa số 1 – giải quyết xung đột trong quan hệ gia đình
Luân xa số 1 nằm ở đáy cột sống. Như tên gọi “luân xa gốc”, nó liên quan đến gốc rễ, cội nguồn của ta, chính là gia đình và người thân.
Vấn đề ở luân xa gốc phải được ưu tiên giải quyết, bởi lẽ ổn định những gì thuộc về nền móng,bạn mới có năng lượng để chữa tiếp những phần khác, hoặc suy ngẫm về hành trình phát triển tâm linh hay mục đích sống.
Các triệu chứng cơ thể thường gặp khi tắc nghẽn luân xa này bao gồm dị ứng da và bệnh tự miễn (nôm na là rối loạn hệ miễn dịch). Mặt khác, những cảm xúc lo âu thường liên quan đến các mối bất hòa trong gia đình.
Mối quan hệ với các thành viên trong nhà và nền giáo dục gia đình có thể ảnh hưởng đến nhiều khía cạnh sức khỏe của bạn. Đặc biệt, bất hòa trong gia đình có thể tác động đến nhiều thế hệ, thậm chí thay đổi cả ADN. Ví dụ, tổn thương mà ông bà của bạn đã trải qua có thể ảnh hưởng đến hành vi hoặc cảm xúc của chính bạn.
Điều cần làm: thiết lập ranh giới lành mạnh với những người khó chịu trong nhà, cách xa nguồn năng lượng tiêu cực, ưu tiên sức khỏe tinh thần của bản thân, nhờ sự giúp đỡ nếu cần.
Khi bạn đã giải quyết những vấn đề thuộc về gốc rễ, hành trình chữa lành sẽ trở nên dễ dàng hơn. Bất kể quá khứ ra sao, bạn đều có thể buông bỏ và đi tiếp.
Tóm lược cuối
Y học rất phát triển, nhưng đôi lúc cũng bó tay. Thế nhưng thật may, đôi khi giải pháp thực sự có sẵn trong bản thân mỗi người.
Hãy lắng nghe trực giác, làm việc với các luân xa để tìm ra căn nguyên bệnh tật và cách chữa trị. Những hiểu biết có được sẽ đưa bạn đến với một cuộc sống vui vẻ, khỏe mạnh.
Các hoạt động sáng tạo là một cách cực hay để kết nối với trực giác. Như Beecher đề xuất trong cuốn sách…, bạn hãy đặt câu hỏi cho trực giác, rồi vẽ ra những gì bạn nghĩ đến trong một tâm trạng thật thoải mái, sau đó ngẫm nghĩ xem bức tranh ấy có ý nghĩa thế nào với bạn.