Bằng những câu chuyện giản dị, chân thật, Bùi Ngọc Tam đã khắc họa lại tuổi ấu thơ và quá trình trưởng thành của Bác Hồ - bậc vĩ nhân đáng kính của Việt Nam và thế giới qua tác phẩm Chuyện kể về thời niên thiếu của Bác Hồ.
Phần I: Từ làng Sen đến Cảng Nhà Rồng
Cái nôi quê hương
Xứ Nghệ là vùng đất sơn thủy hữu tình với một kho tàng văn học dân gian rất phong phú, đa dạng. Chuyện trạng xứ Nghệ, thơ, ca dao, tục ngữ, câu đố, câu đối vừa hàm súc, sâu sắc, vừa giàu hình tượng. Làn điệu dân ca Nghệ - Tĩnh trầm lắng, các điệu ví, dặm du dương đã đem đến cho vùng đất này một bản sắc văn hóa đa dạng, phong phú.
Từ xa xưa, dân xứ Nghệ đã chịu ảnh hưởng rất sâu sắc về Nho giáo, Khổng giáo, nổi tiếng hiếu học. Các kỳ thi hội, thi đình thời xưa, xứ Nghệ thường đứng hàng nhất, nhì về số thí sinh đậu tiến sĩ. Vùng đất này đã sản sinh ra nhiều nhà trí thức nổi danh: Trạng nguyên Bạch Liêu, Thám hoa Phan Thúc Trực, Đình nguyên tiến sĩ Phan Đình Phùng, đại thi hào Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ, danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác, nhà sử học Nguyễn Nghiêm. Truyền thống yêu nước và cách mạng nơi đây rất đáng tự hào. Hơn ngàn năm Bắc thuộc, nhân dân vùng này đã tích cực tham gia đấu tranh chống ngoại bang, nhiều cuộc khởi nghĩa đã nổ ra, tiêu biểu là khởi nghĩa Hai Bà Trưng, khởi nghĩa Bà Triệu, Lý Bí, Mai Thúc Loan. Dưới triều Lê Sơ, Nghệ - Tĩnh là địa bàn chiến lược, “đất đứng chân” để chống giặc minh, giải phóng đất nước. Khi Quang Trung trên đường tiến quân ra Bắc đánh đuổi quân Thanh, hàng vạn trai tráng xứ Nghệ đã gia nhập nghĩa quân, góp phần vào đại thắng lợi tại Ngọc Hồi, Đống Đa. Thời chống Pháp, hàng loạt cuộc khởi nghĩa và các nhà yêu nước bùng lên ở đây, đặc biệt là phong trào Đông Du do Phan Bội Châu khởi xướng.
Ngoài đức tính chung của dân tộc Việt Nam, bản sắc địa phương của con người xứ Nghệ hình thành đậm nét do điều kiện thiên nhiên khắc nghiệt, nhiều bão lớn, lụt to, gió Lào nóng bỏng, hạn hán dai dẳng. Con người Nghệ - Tĩnh vì vậy mà cương trực, khảng khái, giàu đức hi sinh, có phí phách, trọng danh dự, đại lý, sẵn sàng xả thân vì nghĩa lớn, rất mực cần kiệm, giản dị, giàu nghị lực, hiếu học. Và đây chính là vùng đất tuổi thơ đã hun đúc nên những đức tính đáng quý của Bác.
Ngày nay, làng Sen (Kim Liên) trở thành khu di tích lưu niệm đặc biệt về thời niên thiếu của Người. Dân ở đây rất tự hào vì làng mình đẹp, thơ mộng, thơm ngát hương sen, đó cũng là nguồn gốc của cái tên làng Sen.
Gia đình và tuổi ấu thơ
Cụ Nguyễn Sinh Sắc thuộc thế hệ thứ 11 của họ Nguyễn Sinh. Không may cha mẹ mất sớm, cụ được anh cả nuôi nấng. Sinh Sắc phải lao động vất vả, không được học hành như bạn bè. Song ông vô cùng ham học, thường đúng xem thầy giảng bài, đọc sách trên lưng trâu. Thầy Hoàng Đường cảm mến nên đem về nuôi ăn học. Dòng họ Hoàng cũng có nhiều người giỏi, đỗ đạt cao. Khi lớn lên, cụ cùng bà Hoàng Thị Loan kết duyên vợ chồng, con gái đầu lòng là Nguyễn Thị Thanh, kế đến Nguyễn Sinh Khiêm, và con thứ ba là Nguyễn Sinh Cung. Sau khi cụ Hoàng Đường mất, ông Sắc mở lớp dạy học, bà Loan cùng mẹ và em gái làm ruộng. Sinh Cung tuy nhỏ song trí nhớ tốt, rất kháu khỉnh, ngoan hiền.
Ông Sắc đậu cử nhân khoa thi hương, lên đường vào Huế thi hội nhưng không đỗ. Sau ông vào học trường Quốc Tử Giám. Bà Loan thương chồng con, tạm biệt mẹ già đưa hai con trai theo chồng ra Huế. Đường trẩy kinh dài hơn 400km, phải đi bộ vô cùng gian truân. Tại Huế, cuộc sống gia đình khó khăn. Ông phải xa nhà đi dạy thêm bên cạnh việc học, bà Loan dệt vải phụ giúp chồng.
Năm 1900, ông Sắc được cử đi làm thư ký ở kỳ thi hương Thanh Hóa. Lúc ông vắng nhà, bà Loan hạ sinh bé Xin và lâm bệnh nặng rồi qua đời. Ông Sắc đưa các con về lại quê mẹ, mở lớp dạy học. Thời gian sau, cụ để con lại cho bà ngoại chăm rồi tham gia kỳ thi hội và đổ phó bảng. Thời gian này đã để lại nhiều kỷ niệm vui buồn thuở thơ ấu cho cậu bé Sinh Cung.
Lớn khôn qua những mùa sen
Đỗ quan về làng, ông Sắc không trống lộng ồn ào, không khao mừng lớn. Cuộc sống gia đình ông vẫn thanh bần, đạm bạc. Sinh Cung được cha gửi đi học ở thầy Vương Thúc Quý, vốn là nơi lui tới của các sĩ phu yêu nước. Sinh Cung (lúc này gọi là Tất Thành - tên được ông Sắc ghi vào sổ làng) giữ việc giúp thầy tiếp khách, mang thư từ liên lạc đến các sĩ phu trong vùng. Ở làng Sen, Tất Thành thường lui tới ông thợ rèn Điền, được ông kể cho nghe nhiều câu chuyện chiến đấu. Tuổi niên thiếu, Tất Thành được tắm mình trong dòng sông dân ca sâu lắng, mênh mang của quê hương. Phan Bội Châu là một cây hát ví dặm nổi tiếng có tài đối đáp. Những câu hát đầy chất khích lệ ý thức với non sông đã thu hút lòng mến mộ của Nguyễn Tất Thành.
Trong thời gian này, Tất Thành được cha đưa đi nhiều nơi, gặp gỡ nhiều sĩ phu yêu nước. Người thấy đâu đâu cảnh nghèo đói cũng phơi bày ra trước mắt. Bọn đế quốc và địa chủ phong kiến đang rút xương, hút tủy nhân dân. Nỗi mất nước hằn rõ trên khuôn mặt mỗi người dân Việt Nam. Điều làm cho Người xúc động nhất là cảnh dân Pháp bắt phu đi làm con đường Cửa Rào - Trấn Ninh. Địa hình hiểm trở, đến nơi họ phải chui rúc trong những túp lều thảm hại, bệnh hoạn, cực nhọc, hành hạ tàn tệ đã gây nên chết chóc khủng khiếp. Trước cảnh đó, ông Sắc đã bán ruộng học điền để lấy tiền giúp đỡ gia đình trong làng có người bị bắt đi phu, khiến dân làng vô cùng cảm phục.
Sau khi Pháp chiếm Nam Kỳ, Nho học xuống dốc, nhiều trường Pháp được xây dựng. Nhiều nhà Nho thời bấy giờ rất ghét chữ quốc ngữ, song ông Sắc đã thấy được sự cần thiết, hợp thời của việc học chữ quốc ngữ, mạnh dạn cho hai con vào trường Tiểu học Pháp - Bản xứ.
Cái nôi quê hương giàu truyền thống yêu nước, tấm gương của các thầy giáo thức thời và hoạt động yêu nước sôi nổi của các bậc cha chú, cùng cảnh đói nghèo của nhân dân đã ảnh hưởng sâu sắc đến nhân cách của Bác.
Trưởng thành trên đất Đế đô
Sau thời gian nấn ná tại quê nhà, ông Sắc phải vào kinh nhậm chức. Con gái lớn ở lại quê nhà, đưa hai con trai vào Huế. Thường ngày ông trầm mặc, song lúc đi đường ông thường kế chuyện lịch sử hoặc chuyện vui cho các con nghe.
Dù làm quan nhưng cuộc sống của gia đình ông vẫn thanh đạm. Nước sinh hoạt hàng ngày đều do hai anh em ra giếng ở Ngã tư Âm hồn xách về. Hai anh em lại được cha cho vào trường Tiểu học Pháp - Việt. Tất Thành học giỏi, rất chủ động trong học tập chứ không theo lối “học vẹt”. Tất Thành là một trong ba người học giỏi nhất lớp và thuộc bảy trong tổng 35 học sinh đỗ tốt nghiệp.
Ở chốn kinh đô, chứng kiến cảnh lầm than của nhân dân và những sự kiện đàn áp của thực dân Pháp, Tất Thành càng thêm ý thức hơn về tình hình đất nước. Nhưng đồng thời, phong trào kháng Pháp, duy tân đất nước cũng đang nảy lộc đâm chồi. Phong trào Đông Du của Phan Bội Châu tiêu biểu cho xu hướng bạo động, chủ trương dựa vào nước ngoài để đánh đuổi giặc Pháp. Ngược lại, Phan Chu Trinh theo xu hướng cải cách ôn hòa. Trường Đông Kinh nghĩa thục được các sĩ phu yêu nước mở ra nhằm truyền bá tư tưởng học thuật mới, nếp sống văn minh tiến bộ và nâng cao lòng yêu nước. Thơ văn yêu nước được Nguyễn Tất Thành đọc rất nhiều. Người hăng say bàn luận, tìm hiểu các cuộc tranh luận sôi nổi trong giới trí thức.
Nguyễn Tất Thành tiếp tục thi vào trường Quốc học Huế. Ở đây Thành rất quý thầy Lê Huy Miến dạy vẽ. Thầy kể rằng ở Pháp cũng có người nghèo, ông bà lão không có nơi nương tựa đêm đêm phải lục thùng rác tìm thức ăn sót lại. Thư viện, bảo tàng Pháp có nhiều cổ vật, sách vở quý.
Tất Thành đảm nhiệm việc liên lạc cho các sĩ phu chỉ đạo phong trào duy tân. Dân Pháp bắt đầu hoảng sợ và đàn áp Đông Kinh nghĩa thục, bắt giam các nhà yêu nước, tăng cường khai thác bóc lột nhân dân. Trong cuộc biểu tình chống sưu thuế, Tất Thành hăng hái làm người thông dịch viên. Song thực dân Pháp đã thẳng tay bắn chết người vô tội, khiến lòng người sục sôi. Sống giữa dòng xoáy của các phong trào yêu nước ở kinh đô Huế, Nguyễn Tất Thành nhận thức được rõ sức mạnh hợp quần của nhân dân. Hành động của dân chúng đã vượt ra ngoài tâm lãnh đạo của các sĩ phu tiến bộ. Câu hỏi đặt ra là: phải làm thế nào cho các cuộc đấu tranh của nông dân không dẫn tới chết chóc, tù đày, làng xóm khỏi bị triệt phá tan hoang?
Tất Thành không vì căm ghét hành động của thực dân Pháp ở Việt Nam mà bài xích nền văn minh của Cộng hòa Pháp. Người rung động sâu sắc với cụm từ Tự do - Bình đẳng - Bác ái. Dù tiếp thu được ý thức tiến bộ chống phong kiến, song Người vẫn chưa hoàn toàn hiểu hết những văn bản thời kỳ Khai sáng mà người đã tiếp xúc. Phải giải thích làm sao cho những bất đồng giữa sách vở và hiện thực tàn bạo diễn ra ở Tổ quốc mình? Làm thế nào giành lại đất nước, giải phóng đồng bào? Đó là câu hỏi đau đáu trong lòng người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành.
Như cánh chim không mỏi
Vì có liên quan đến hoạt động yêu nước, thực dân Pháp đẩy ông Sắc đi đến Bình Khê cách xa Huế làm tri huyện. Nung nấu hoài bão tìm ra con đường giải phóng dân tộc Việt Nam, Tất Thành đến Bình Khê thăm cha một thời gian rồi tìm đường vào Nam. Người đến Bình Định rồi vào Phan Rang, vào làm giáo viên tại trường Nghĩa thục Dục Thanh được sự bảo trợ của công ty Liên Thành và Liên Thành thương quán trực tiếp phụ trách. Trưởng được coi là trường tư tưởng tiến bộ bậc nhất nước ta thời đó. Trường không bị đóng cửa chứng tỏ không khí chính trị ở Phan Thiết dễ thở hơn các nơi khác. Ở đây, thầy Thành gần gũi, rất được học sinh yêu mến.
Chia tay trường, Tất Thành đến Sài Gòn. Để sống và tìm cách ra nước ngoài, Người phải làm nhiều công việc lao động chân tay và tạm trú tại bến cảng Nhà Rồng. Người rất chú ý đến các hãng tàu thủy và xin được việc phụ bếp trên tàu đô đốc Latouche-Tréville của hãng Năm Sao, lấy tên là Văn Ba. Công việc trên tàu vô cùng nặng nhọc, từ bốn giờ sáng đến chín giờ tối. Song Người luôn ôn tồn, nhẫn nại, vui vẻ, đêm nào Người cũng miệt mài đọc và viết đến khuya. Ngày 5/6/1911, tàu khởi hành sang Pháp, Nguyễn Tất Thành giã từ quê hương, vượt trùng dương đi khắp năm châu với khát khao tìm con đường lý tưởng nhất cho sự nghiệp giải phóng dân tộc.
Phần II: Tổ ấm gia đình
Đây là phần viết về người thân trong gia đình Bác, gồm bà Hoàng Thị Loan, ông Nguyễn Sinh Sắc, bà Nguyễn Thị Thanh và ông Nguyễn Sinh Khiêm, tức chị đầu và anh của Nguyễn Sinh Cung.
Bà Hoàng Thị Loan sinh trưởng tại Nam Đàn, Nghệ An trong một gia đình nhà nho thanh bạch, có truyền thống hiếu học, giàu lòng thương người, nguồn sống chính vẫn là nông nghiệp. Ở tuổi 14, 15 bà đã biết việc đồng áng đỡ đần cha mẹ. Bà là một người thùy mị, hiền hậu, giản dị, có đức hi sinh cao cả, tình yêu vô bờ bến với chồng con. Sau khi lấy chồng, bà làm việc luôn tay, ít có thời giờ nghỉ ngơi. Để giúp chồng tiếp tục theo con đường khoa cử, bà gửi lại ruộng vườn theo ông Sắc vào Huế dù chưa một lần trong đời bà xa mẹ, xa làng quê. Bà luôn động viên, an ủi chồng nhất là lúc ông hỏng thi. Sau khi sinh con út, bà qua đời mà không được thấy mặt chồng bởi ông Sắc lúc ấy đang chấm thi ở xa. Đến năm 1922, con gái đầu của bà là Nguyễn Thị Thanh đưa hài cốt của mẹ về quê Kim Liên, an táng trong vườn nhà. Năm 1942, con trai Nguyễn Sinh Khiêm sau khi được phóng thích khỏi lao tù đã chọn Động Tranh trong dãy núi Đại Huệ làm nơi cát táng hài cốt mẹ.
Ông Nguyễn Sinh Sắc là người tài song do thời cuộc đẩy đưa mà cuộc đời ông nhiều trắc trở. Sau khi bị điều về làm tri huyện Bình Khê, do bản tính cương trực làm mích lòng tầng lớp trên, ông bị giáng chức. Ông tiếp tục lang bạt khắp nơi hành nghề thầy thuốc, bởi yêu thương giúp đỡ người nghèo và có tiếng là thầy thuốc giỏi mà rất được dân chúng yêu mến. Ông nhiều lần được tin con nên viết thư liên lạc nhưng đã lọt vào tay mật thám, ông cũng bị theo dõi gắt gao. Năm 1927 ông gặp lại con gái đang bị quản thúc ở Huế, cô xin được rước cha về chăm sóc nhưng ông không đồng ý. Sau khi khỏi bệnh, ông về Cao Lãnh, đi nhiều nơi rồi lại trở về Sài Gòn. Ông luôn mong ngóng tin tức con đang hoạt động ở nước ngoài, và vô cùng vui mừng biết con mình đang tiếp bước trên con đường tìm cách giải phóng dân tộc. Năm 1929 ông qua đời, tang lễ được nhân dân Cao Lãnh tổ chức đàng hoàng. Sau năm 1975, mộ ông được xây cất khang trang, trở thành khu lưu niệm đặc biệt.
Bà Nguyễn Thị Thanh, biệt hiệu là Bạch Liên là con đầu của ông Sắc và bà Loan. Từ nhỏ bà đã có cá tính riêng, không khóc đòi, độc lập, thích cảm giác mạnh như con trai. Có em sớm, từ nhỏ bà đã biết giúp đỡ mẹ chăm em và làm việc nội trợ trong nhà. Dù thời ấy không cho phụ nữ đi học, song nhờ truyền thống gia đình Nho giáo, bà vẫn trí tuệ, hiểu biết. Bà rất sớm giác ngộ ý thức dân tộc, vô cùng cảm phục Phan Bội Châu. Bà tham gia Duy Tân Hội, che chở cho hai ông Ấm Võ và Đội Quyên là thủ lĩnh nghĩa quân trong phái bạo động của Hội. Khi phong trào Đông Du tan rã, các nhà yêu nước bị khủng bố gắt gao, bà bị Pháp bắt giam vào nhà lao Vinh. Song bà vô cùng kiên cường, dù bị tra hỏi đến đâu cũng không hề khai báo bí mật của Hội. Sau bà chuyển sang hoạt động ở Việt Nam Quang Phục Hội, giữ nhiệm vụ liên lạc và góp tiền bạc mua vũ khí cho nghĩa quân. Một vụ trộm bị lộ, bà bị Pháp bắt giam, chịu chín năm khổ sai và đày cách ly Nghệ An 3000 dặm. May mắn thay nhờ tài đông y, Phạm Bá Phổ nể phục nên phớt lờ luật cấm đưa bà về tạm trú trong nhà để chữa bệnh cho vợ. Năm 1926, bà gặp em trai Nguyễn Sinh Khiêm bị đưa vào Huế quản thúc, hai chị em cùng bí mật hoạt động, may mắn thoát khỏi vây bắt nhưng càng bị quản thúc ngặt hơn. Sau Cách mạng tháng Tám, Bà cùng ông Khiêm được trở về quê cũ Kim Liên và được đoàn tụ cùng em trai là Chủ tịch Hồ Chí Minh. Dù cuộc đời nhiều thăng trầm, bà vẫn hiện lên là một người phụ nữ cương trực, tài giỏi, thông minh, cháy bỏng tình yêu nước.
Nguyễn Sinh Khiêm là đứa trẻ nhanh nhảu hoạt bát, thường được cha cho đi theo. Kế thừa truyền thống của nước của gia đình, quê hương, tại Huế, ông tích cực tham gia hoạt động yêu nước. Khi ông Sắc đến Bình Khê, Sinh Khiêm trở về Kim Liên hoạt động cùng chị gái trong Duy Tân hội. Ông rất chú trọng việc mở mang dân trí. Ông là người có tính khẳng khái, “hảo hán”, không quản hiểm nguy giúp người yếu thế. Sau khi Việt Nam Quang Phục Hội tan rã, biết các thành viên hội vẫn còn qua lại với Sinh Khiêm, quan lại địa phương gọi ông đến, vừa hăm dọa vừa mua chuộc ông, ông giả vờ mừng rỡ, nhận tiền ngay. Về nhà ông đưa tiền cho hai hội viên hoạt động và khuyên hai ông nên tẩu thoát nhanh. Việc làm trên khiến ông lãnh án ba năm tù khổ sai. Sau cùng chúng chuyển ông về giam lỏng tại Thừa Thiên. Ông tiếp tục hoạt động và lại bị Pháp bắt giam với tội tổ chức diễn tuồng cấm và hội họp trái phép. Trở về quê nhà Kim Liên, ông đã hang hái tham gia các công tác kháng chiến, đặc biệt chú trọng công tác mở mang dân trí, đi dạy bình dân học vụ ca buổi trưa và buổi tối. Phong cách sống của ông cả đời mang đậm dấu ấn của gia đình, nổi bật nhất là lòng thương người.
Phần III: Những di tích thiêng liêng
Phần này mô tả ngắn gọn những di tích ghi dấu ấn tuổi thơ của Bác những ngày sống ở quê hương Nghệ An. Sau khi độc lập thống nhất, Đảng và Nhà nước đã cho thành lập các cụm di tích gồm cụm di tích Hoàng Trù, Kim Liên, và Nam Giang đều thuộc Khu di tích Kim Liên.
Cụm di tích Hoàng Trù gồm: ngôi nhà nơi Bác chào đời, ngôi nhà cụ Hoàng Đường và nhà thờ họ Hoàng. Đặc biệt, ngôi nhà đầu tiên là nơi hai cụ thân sinh của Bác đã nên duyên, nơi chứng kiến ngày đêm dùi mài kinh sử của cụ Sắc và sự chào đời của cậu bé Nguyễn Sinh Cung. Ngày về thăm lại nhà cũ, Bác vẫn còn xúc động, ngồi xổm trước hiên nhà, thân mật hỏi han bà con láng giềng.
Cụm di tích Kim Liên gồm Nhà ông Phó bảng, Nhà thờ họ Nguyễn Sinh, Nhà cụ Nguyễn Sinh Vượng (tức ông nội của Bác), Lò rèn cố Điền, Giếng Cốc, Núi Chung, Nhà thầy Cư Vương (tức Vương Thúc Quý). Nhà ông Phó bảng được gọi vậy là bởi sau khi cụ Sắc đỗ quan quay về, làng Kim Liên quyết định xuất công quỹ mua một ngôi nhà về dựng trên khoảnh đất công của làng để rước gia đình ông Phó bảng về quê nội. Đây cũng là nơi ghi lại dấu ấn không bao giờ phai trong hai lần Người về thăm lại quê hương sau mấy chục năm trời xa cách.
Cụm di tích Nam Giang Khu gồm khu mộ bà Hoàng Thị Loan. Mộ bà được con gái đầu rồi đến con trai Nguyễn Sinh Khiêm chuyển đến dãy núi Đại Huệ an táng. Ngôi mộ được gia đình giữ bí mật đến ngày độc lập mới công khai. Năm 1983, nhà nước đã quyết định xây dựng khu mộ bà Hoàng Thị Loan nhằm tri ân người đã có công sinh thành và nuôi dưỡng Nguyễn Sinh Cung - Hồ Chí Minh, con người vĩ đại mang lại vinh quang cho đất nước Việt Nam.