1. Mong một ngày về Sài Gòn nắm quyền
Một ngày mùa xuân năm 1975, tiếng súng ở chiến trường miền Nam Việt Nam vang xa khắp mọi miền. Cuộc chiến tranh ở Việt Nam sắp đến hồi kết thúc. Một số chính khách và quan chức cũ của chế độ Sài Gòn đang sống lưu vong ở nước ngoài tin rằng đây chính là lúc họ trở về Việt Nam để có được quyền lực và vị trí chính trị mà họ từng có, trong đó có ông già 80 tuổi Trần Văn Hữu.
Dù có trong tay một khối tài sản kếch sù từ công ty sản xuất giấy bìa nhưng con cáo già này chưa hề bỏ mộng quay lại Việt Nam để ngồi vào nghế nóng trong hàng ngũ quyền lực của chính quyền Sài Gòn. Ông ta tìm cách làm thân với các chính khách đã hết thời hoặc những người có quan hệ rộng ở Pháp và Nhật, để có người chống lưng khi sau này tiếp tục con đường chính trị. Mặt khác, Hữu lôi kéo các quan chức, sĩ quan từng phục vụ cho chính quyền Sài Gòn và các thanh niên thành một hội, chờ thời cơ để lập thành Chính phù hòa hợp, hòa giải dân tộc, mục đích xa hơn là chống cộng, trong đó có Lê Quốc Túy và Mai Văn Hạnh.
Vì đều là phi công, lại từng phục vụ cho chính quyền Sài Gòn, nhóm của Hữu, Túy và Hạnh vẫn không buông bỏ âm mưu chống cộng. Không những thế, chúng còn liên hệ với những tay phản động khác để củng cố tổ đội nhóm, cũng như kết hợp với Bảo đạo Cao Đài, xúi các tổ chức tôn giáo khác giục loạn như Thiên Chúa, Hòa Hảo.
Ngày 30/4/1975 lịch sử là một ngày vô cùng tươi đẹp đối với nhân dân nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, khi miền Nam được giải phóng hoàn toàn, non sông thu về một mối. Khi ấy, bị kẹt lại ở Sài Gòn, Túy vẫn có một niềm tin sắt đá vào lời phán của gã thầy bói năm nào: “Anh Túy có chân mệnh đế vương”. Giữa rừng người rợp cờ hoa vẫy chào quân giải phóng, Túy và Hạnh vẫn mơ đến một ngày không xa, cũng sẽ được dân chúng hoan nghênh như thế.
Nhóm của Túy và Hạnh tiếp tục mở rộng và chiêu nạp thêm nhiều thành viên. Trong đó không thể không nhắc đến những cái tên như Lê Chơn Tình, Bảo đạo Hồ Tấn Khoa, Huỳnh Vĩnh Sanh, em trai của Túy là lê Quốc Quân, Mai Văn Chất, Mai Văn Đại,... Cho đến tháng 7/1975 thì cả Túy và Hạnh đều ra nước ngoài với quốc tịch Pháp. Về đến Pháp, ông già Trần Văn Hữu cho Hạnh hay rằng đã không còn hy vọng gì về việc quay lại Sài Gòn để nắm quyền lực nữa.
Khi ấy, Túy bắt đầu lên kế hoạch cho cuộc phiêu lưu mới. Y dành ra rất nhiều thời gian và công sức để chật vật cho ra đời một bản “Tuyên ngôn”. Văn bản này hắn giao cho Trần Văn Bá in ra nhiều bản, gửi cho vài tờ báo và cho thanh niên người Việt đang học tập, sinh sống tại Pháp. Đồng thời, Túy cũng chạy vạy khắp nơi để hàn gắn lại những mối quan hệ cũ, nhằm củng cố cho mưu đồ nguy hiểm với kế hoạch phản động của mình.
Đầu năm 1976, Túy và Hạnh thống nhất thành lập “Mặt trận thống nhất giải phóng miền Nam Việt Nam”. Thành phần là đám chức sắc trong chế độ Sài Gòn trước đây mà Túy đã có quan hệ. Ngoài Bảo đạo Cao Đài, Túy còn liên hệ và kết nạp thêm cha con Lương Trọng Tường trong đạo Hòa Hảo. Sau một thời gian chuẩn bị và chạy vạy xin xỏ, Túy thuê được một phòng khách sạn để tổ chức cuộc họp báo với sự có mặt của một số tờ báo nước ngoài và người Việt lưu vong chống cộng.
Túy hùng hồn tuyên bố về sự có mặt của “Mặt trận”, ra mắt các thành phần “lãnh đạo” và đọc bản “Tuyên ngôn” y đã dốc bao tâm huyết để biên soạn. Tuy “mặt trận” được ra mắt rất trọng thể nhưng lại không có được sự đoàn kết do nhiều nguyên nhân trong nội bộ. Việc thu chi của tổ chức không sòng phẳng, hoạt động không có gì nổi bật, các chương trình không có ai đứng ra chỉ đạo, số người Việt sống lưu vong thì hầu như không quan tâm mấy đến “mặt trận” này. Duy chỉ có Trần Văn Bá, người tham gia tổ chức một phần vì muốn trả thù cho cha là vẫn tổ chức biểu tình chống lại Việt Nam vào ngày 30/4 hàng năm.
2. Thời kỳ huy động tài chính của CIA Mỹ, vận động hỗ trợ của Thái Lan
Sau năm 1975, tình hình khu vực không hề có lợi cho Việt Nam. Quân Pol Pot bị đẩy về Thái Lan, khiến quan hệ Thái Lan, ASEAN và Việt Nam căng thẳng. Ở biên giới phía Bắc, tiếng súng tấn công của Trung Quốc cũng làm quan hệ ngoại giao của Việt Nam – Trung Quốc chẳng mấy hòa hợp. Mỹ phải tập trung khắc phục hậu quả chiến tranh sau thất bại nhục nhã ở Việt Nam. Sự suy thoái kinh tế nặng nề trong nước cộng với số người trong chính quyền Sài Gòn di tản sang đã làm nước Mỹ càng thêm nặng gánh. Đàm phán bình thường hóa quan hệ của Mỹ và Việt Nam đứng bên bờ vực của sự đổ vỡ. Tuy nhiên quan hệ Trung Quốc và Mỹ lại thuận lợi khi có sự đứng ra của Đặng Tiểu Bình. Vậy là liên minh quốc tế ASEAN - Mỹ - Trung Quốc dần dần được hình thành để chống lại Việt Nam.
Thời gian này, Túy biết rõ thực chất Mỹ vẫn muốn quay lại Việt Nam. Hắn sang Mỹ tìm cách liên hệ với nhà cầm quyền, mặt khác lại vận động, tuyển chọn những chính khách “có tiềm năng” để mời gia nhập tổ chức phản động của hắn. Không những thế, Túy còn nhận được sự ủng hộ của Thái Lan và Trung Quốc, y tin rằng sự hậu thuẫn của Trung Quốc có khi còn đem lại nhiều lợi ích hơn là sự trợ giúp của Mỹ. Túy tin rằng một ngày nào đó chính y sẽ là “vị cứu tinh” đưa nhân dân Việt Nam thoát khỏi chủ nghĩa cộng sản và tiến đến một tương lai xán lạn. Túy bàn với Hạnh đổi tên tổ chức thành “Mặt trận thống nhất các lực lượng yêu nước giải phóng Việt Nam”.
Túy đã nhiều lần bay sang Mỹ để gặp một số người bạn cũ của Hạnh và một số nhân vật có quan hệ với CIA. Đồng thời, hắn đề nghị đồng bọn củng cố lực lượng, xin viện trợ và từng bước lập kế hoạch phá hoại. Thái Lan cho tổ chức của Túy và Hạnh lập “tổng hành dinh” ở Bangkok, và Đại sứ quán Trung Quốc ở Thái Lan cung cấp tiền bạc cho y. Được hứa hẹn cung cấp vũ khí, quân trang, quân dụng, lại được hỗ trợ đào tạo, huấn luyện và cho mở thêm căn cứ phía biên giới Campuchia, Túy bắt đầu chiêu mộ và mở rộng đám “tay chân” của mình.
Túy bắt đầu nghiên cứu kỹ mọi mặt để thực hiện kế hoạch của mình. Kế hoạch tỉ mỉ đến từng góc cạnh. Để giữ bí mật hoàn toàn về hành tung của đám thuộc hạ cũng như toàn “mặt trận”, hắn đặt ám danh cho mình là C4, có khi còn được gọi là chú Tư, và đám thuộc hạ lấy tên là K theo điển tích về Kinh Kha hành thích Tần Thủy Hoàng, đám thuộc hạ của Túy sẽ là những “tráng sĩ” Kinh Kha quay về nước lật đổ chính quyền, bắt đầu là K1, K2,... Hết 100 người đầu tiên, ám danh sẽ là HK, có nghĩa là “Hậu Kinh Kha”, cũng được đánh số là HK1, HK2,...
Lớp huấn luyện của “mặt trận” được tổ chức tại Thái Lan. Ở đây đám tay chân của Túy và Hạnh được đọc “tuyên ngôn”, tiếp nhận mục đích, chủ trương, đường lối của “mặt trận” thông qua các buổi thuyết giảng của “chủ tịch mặt trận” Lê Quốc Túy. Song song với đó, học viên được học cách thu phát tín hiệu, cách sử dụng vô tuyến điện, sử dụng mật mã do cơ quan Tình báo Lục quân Thái Lan cử người sang huấn luyện.
Trung tuần tháng 11 năm 1980, Túy quyết định xâm nhập Việt Nam bằng đường bộ qua Campuchia, đưa cả nhóm “Minh Vương 1” về nước. Không những thế, khi về nước còn phối hợp với lực lượng phản động trong nước lập căn cứ địa, thành lập quân đội để có cơ sở lập nên “chính phủ lâm thời”. Tuy nhiên Hạnh cảm thấy việc xâm nhập Việt Nam vào lúc này quá mạo hiểm, vả lại y cũng chưa nắm chắc được tình hình trong nước nên từ chối chuyến đi.
Toán phản động này giả dạng là bộ đội Việt Nam đang trên đường từ Campuchia về. Trên đường về Việt Nam, nhóm Minh Vương 1 cố kìm nén nỗi lo sợ khi biết rõ mình đang đứng ở vị trí của những kẻ quay lại xâm lăng đất nước cha sinh mẹ đẻ. Có thể nói, quãng năm 1977-1980 là khoảng thời gian Túy và Hạnh huy động tài chính và các nguồn viện trợ của Thái Lan và Trung Quốc để đưa biệt kích vào Việt Nam.
3. Nắm thóp kế hoạch “Hồng Kông” – sự nhạy bén đầy chính xác của An ninh Việt Nam
Đám biệt kích này là một tổ chức được dẫn dầu bởi những tên “có số má” đã từng phục vụ cho chính quyền Sài Gòn cũng như tướng tá hết thời từ trước 1975. Chúng lợi dụng quãng thời gian Việt Nam gặp khó khăn trong quan hệ ngoại giao với một số nước trong khu vực để thực hiện âm mưu phản động. Kế hoạch liều lĩnh này của chúng không phải mới được tạo dựng trong một giây phút bốc đồng, mà đã manh nha từ trước giải phóng. Mọi đường đi nước bước của chúng đều có sự hậu thuẫn của các nước đang căng thẳng trong ngoại giao với Việt Nam. Tổ chức của Túy còn chuẩn bị một khối lượng vũ khí hệ xã hội chủ nghĩa đáng kể để cấp cho các chân rết.
Túy vô cùng tâm đắc với kế hoạch của mình dày công tạo dựng. Hắn ôm mộng và tin tưởng hoàn toàn vào lời phán của gã thầy bói năm xưa. Khác với Túy, Hạnh lại ít nói hơn. Trước những quyết định mang tính “sống còn” và hành động khoác lác, huênh hoang của Túy, Hạnh luôn giữ thái độ điềm tĩnh. Cho dù khác nhau là vậy nhưng trong “sự nghiệp chung”, Túy với Hạnh chẳng mấy khi gặp mâu thuẫn. Tổ chức của Túy và Hạnh ngày càng được mở rộng từ khi có bệ phóng vững chắc là Trung Quốc và Thái Lan. Càng chắc chắn và đặt nhiều kỳ vọng bao nhiêu, đến sau này, Túy và Hạnh càng bất ngờ bấy nhiêu khi biết được kế hoạch phản động của chúng đã bị phát giác ngay từ những ngày đầu.
Ông Viễn Chi (Trần Xuân Viên) khi ấy đang là Trưởng đoàn Chuyên gia an ninh giúp cho nước bạn Campuchia. Thư ký của ông báo tin: có một tên Khmer Đỏ khai đã tham gia dẫn một đoàn người Việt Nam từ Thái Lan đi qua Campuchia để xâm nhập với mục đích phá hoại. Hai bức điện khẩn, từ hai phía, có cùng một nội dung về đám biệt kích lưu vong xâm nhập Việt Nam đã được gửi đến cho Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Hùng. Lực lượng an ninh ở các tỉnh phía nam ngay lập tức nhận lệnh của Thứ trưởng Cao Đăng Chiếm, triển khai phương án truy tìm để bắt giữ bọn phản động. Song song với hoạt động của phía ông Cao Đăng Chiếm, thì Trưởng ty Công an – ông Huỳnh Thanh Việt cùng cấp dưới cũng ngay lập tức lên đường sang Campuchia.
Tháng 1/1981, các đơn vị an ninh phía nam tỏa ra đi xác minh, thu thập và định hình phương hướng bắt cho hết bọn gián điệp biệt kích. Việc đấu tranh với những tên gián điệp đi lạc không quá khó khăn. Chúng đều giao nộp hết vũ khí được cấp và khai nhận là lính của Túy, Hạnh. Ông Cao Đăng Chiếm trực tiếp đi miền Tây để nắm được tình hình thực tế và chỉ đạo hiện trường. Một đường dây phản động cực kỳ nguy hiểm ngay trong nước dần dần lộ ra. Các đối tượng Lê Hồng Dự, Lê Hồng Châu, Trần Phước Hải, Huỳnh Phúc Nam... cứ thế lần lượt bị tóm gọn và buộc phải thú nhận để mong nhận được sự khoan hồng của pháp luật. Hồ sơ lý lịch của Lê Chơn Tình – “đồng chủ tịch”, người sát cánh với Lê Quốc Túy đã được lập ra để phục vụ cho công tác điều tra.
Mỗi bước điều tra, cơ quan công an lại mở được một mảnh ghép trong ma trận đón đường gián điệp biệt kích. Tổ chức phản cách mạng này có yếu tố móc nối trong nước với nước ngoài vô cùng rõ rệt. Ở trong nước, chúng có lập sào huyệt ở thành phố Hồ Chí Minh cùng với vài cơ sở lợi dụng tôn giáo để hoạt động. Còn ở nước ngoài thì tập trung hơn vảo mảng vận động, tuyển mộ và huấn luyện đào tạo. Vì thế, công tác truy tìm và bắt giữ hơn lúc nào hết càng phải được đẩy mạnh.
Bước đi đầu tiên của cơ quan công an đã giành được thắng lợi khi dẫn quân sang Campuchia đón đường và bắt giữ được nhiều tên gián điệp, lật mở được nhiều manh mối quan trọng. Bước tiếp theo là tiếp tục khai thác và phải bắt được những tên sử dụng điện đài, phá được các cụm tình báo của Tình và Túy ở Cần Thơ. Khi bắt được điện đài và các thiết bị kỹ thuật của biệt kích, thì đối với những toán chuẩn bị xâm nhập vào Việt Nam, ta sẽ bắt giữ được dễ dàng hơn khi phá được mật mã và các ám hiệu của chúng. Với mục đích lật đổ cộng sả, thì toán biệt kích này đã được liệt vào hàng tội phạm nguy hiểm. Phải tóm gọn được bọn chúng để tránh gây thành tiền lệ, hơn nữa phải thật khéo léo, chặn đứng được âm mưu của các thế lực thù địch, ông Phạm Hùng nhấn mạnh. Chỉ trong một thời gian ngắn, toàn bộ toán “Minh Vương 1” đã bị tóm gọn. Chiến dịch ngăn chặn và tiêu diệt gián điệp biệt kích của lực lượng công an phía nam bước đầu thành công rực rỡ.
Kế hoạch AB-27 được Bộ Nội vụ phê duyệt. Theo đó, các chiến sĩ công an đã “dùng địch đánh địch”, tất cả những tên đã bị bắt phải vờ như vẫn đang hoạt động bình thường để báo cho “đầu sỏ” là Lê Quốc Túy, nhằm làm cho cánh của Túy ở nước ngoài mất cảnh giác. Những con người nhẹ dạ, cả tin nghe theo tiếng gọi của bọn Túy, Hạnh, nghe theo những lời hứa về một tươi lai xán lạn, no ấm mà cũng không biết đến một ngày mình chỉ là con tốt trên bàn cờ của chúng.
Ngoài căn cứ giả được dựng lên, các thiết bị vô tuyến, điện đài cũng được lắp đặt y như thật, để nắm được các hoạt động của tổ chức phản động ở xa, đồng thời yêu cầu chúng tiếp tế, chi viện cho “kháng chiến quân” ở trong nước. Mục đích chung là câu nhử để có thể tóm gọn được bè lũ phá hoại thành quả cách mạng mà khó khăn lắm quân dân ta mới giành được từ thực dân, đế quốc. Đối tượng quan trọng của các nhóm phản động xâm nhập vào Việt Nam là toán trưởng, điện đài viên, thu giữ các tài liệu, mật mã và các thiết bị điện đài. Nếu bắt giữ được những đối tượng chủ chốt này, phía công an Việt Nam càng dễ gặt hái được thắng lợi về sau.
Tại Thái Lan, Túy không ngừng cho người đến các trại tị nạn để tuyên truyền, lôi kéo những người lạc đường lý tưởng, hay những thành phần bất hảo tham gia tổ chức, chuẩn bị mở khóa “Minh Vương 2” và “Minh Vương 3”, lập một loạt các khóa mới như “Thiên Hoàng 1”, “Quyết Tiến”, tiến hành tiếp tục xâm nhập vào Việt Nam. Tuy nhiên, sau khi nghe phong thanh về sự thất bại của Minh Vương 1, thì Túy bắt đầu có cảnh giác hơn. Đây là thời kỳ khủng hoảng của “mặt trận”, Túy và Hạnh bất đồng nhiều hơn, nội bộ đã có dấu hiệu lục đục, kéo bè kéo cánh.
4. Những năm tháng đấu tranh vì an ninh Tổ quốc
Cuối tháng 3/1981, Túy và Hạnh chấp thuận cho cấp dưới phác thảo bản kế hoạch đưa biệt kích vào Việt Nam từ phía Cà Mau. Chúng gọi đây là “Chiến dịch Hồng Kông 1”, dẫn đầu chiến dịch này sẽ là toán Minh Vương 2 tiến vào rừng U Minh. Dã tâm của Túy ngày càng nguy hiểm hơn khi tung quân đến Cà Mau, sẽ cấp cho đám này một số lượng vũ khí lớn, cùng tiền bạc và các loại nhu yếu phẩm để hoạt động.
Không những vậy, Túy còn cho một biệt đội chuyên phá hoại, nhũng nhiễu trong thành phố và kinh khủng hơn là có cả hoạt động ám sát. Nhưng nguy hiểm hơn nữa là chúng đã tính đến cả bước mở rộng phạm vi hoạt động khi thâu nạp đám tàn quân còn đang lẩn trốn trong rừng. Chúng sẽ gây rối ở một vài nơi trong phạm vi các tỉnh phía nam để gây sự chú ý, sau đó sẽ có thể công khai “tiếng tăm” của “mặt trận”. Phía Thái Lan đồng ý viện trợ cho tổ chức của Túy một khoản tiền phục vụ cho việc xâm nhập vào Việt Nam. Tổ chức của Túy ngày càng tin tưởng vào năng lực của “chủ tịch”.
Tổ chức phản động hoạt động với một sự tập trung cao độ. Các việc quan trọng như chuyển tiền, truyền tin mật mã đều thực hiện hết sức tinh vi và cẩn thận nhằm giữ bí mật, che mắt cơ quan công an Việt Nam. Kế hoạch Hồng Kông 1 của nhóm Túy đặt ra vô cùng chi tiết, từ việc vận chuyển, chôn giấu vũ khí, lo liệu giấy tờ đi đường cho các K, đến cả việc chịu trách nhiệm về hậu cần, như lo đồ ăn, chỗ ở cho cả nhóm, thậm chí là nghe ngóng và bảo vệ “căn cứ” của tổ chức.
Ngày 12/5/1981, cả toán Minh Vương 2 xuống tàu biển, đem theo vũ khí, thiết bị điện đài, quân trang quân dụng xâm nhập vào Việt Nam. Cùng đi với tàu này là một chiếc tàu hải quân Thái Lan đi sau hộ tống. Đám người phản quốc lên đường về nước, mỗi người có một suy nghĩ khác nhau, có hai người còn nghĩ đến chuyện đầu thú...
Thứ trưởng Cao Đăng Chiếm và ông Nguyễn Phước Tân đã có mặt ở Cà Mau. Ngày 22/5/1981 tại TP HCM, đồng chí Thứ trưởng Cao Đăng Chiếm chủ trì cuộc họp để quyết định kế hoạch này. Dự cuộc họp có các đồng chí Nguyễn Phước Tân, Lê Tiền và Hồ Khiết. Tại cuộc họp này, chuyên án CM-12 chính thức được quyết định mở màn. CM-12 là cách gọi của Bộ trưởng Phạm Hùng. Trong đó, CM là tên viết tắt của Cà Mau, là nơi mà đám gián điệp xâm nhập vào Việt Nam. 12 là ngày “mặt trận” của Túy bắt đầu xuất quân (12/5/1981). Kết quả phát hiện được tàu của bọn gián điệp đã đến địa phận vùng biển Minh Hải. Đây chính là phát hiện mang tính mở màn của chuyên án mới. Công an Kiên Giang và Minh Hải tăng cường tuần tra bờ biển. Mạng lưới cảnh giác giăng kín bờ biển Minh Hải. Phen này toán gián điệp khó lòng mà thoát được khỏi vòng vây tài trí của an ninh Việt Nam. Chúng không thể ngờ được ngay từ những phút ban đầu đã sa lưới đầy nuối tiếc và đau đớn như vậy.
Có 3 tên đã ra đầu thú vì không vượt qua nổi sự cắn rứt lương tâm, trở thành bước đi vô cùng thuận lợi trong công tác điều tra của phía công an. Như vậy, chỉ trong vòng hai ngày, toàn bộ nhóm gián điệp biệt kích đã bị bắt cùng với tất cả số tang vật mà chúng mang theo, bao gồm cả vũ khí, điện đài, các thiết bị vô tuyến quan trọng khác.
Lúc này ở Bangkok, Túy xúc tiến thực hiện kế hoạch “Hồng Kông 2”. Tất cả những diễn biến của tổ chức phản động thông qua thiết bị điện đài đã được lực lượng trinh sát kỹ thuật theo dõi và nắm rõ, sau đó đã báo cáo kịp thời cho Ban chuyên án. Một bức điện được gửi cho “mặt trận”, lời lẽ và khẩu khí không khác gì các “K” hay “HK” của “mặt trận”. Phía Túy có vẻ không nghi ngờ gì. Đây chính xác là cuộc đấu trí căng thẳng vô cùng giữa ta và địch.
Chuyến đi của các toán Minh Vương đến Việt Nam thành công làm cho Túy không giấu nổi nỗi vui mừng phấn khởi, làm y càng thêm nôn nóng và muốn thực hiện các chuyến xâm nhập tiếp theo. Túy và Hạnh lên một lịch trình cụ thể sẽ đưa môt khối lượng “hàng” cực khủng về nước và một đội quân tầm 200 tên, sẽ về Việt Nam bằng đường biển, là tập hợp những tên vượt biên trái phép ra nước ngoài.
Đây đích thực là một “trò chơi sinh tử”, khi mà kế hoạch xâm nhập Việt Nam nhằm phá hoại thành quả cách mạng của hai tên phản quốc sống lưu vong quá nguy hiểm. Lực lượng an ninh Việt Nam phải hao tâm tổn sức để kịp thời đón đường và ngăn chặn những hành động của chúng. Không chỉ là đấu tranh để điều tra, bắt giữ được các đối tượng nguy hiểm, mà các cán bộ chiến sĩ, thậm chí là các thủ trưởng đơn vị cũng phải “đóng vai” các K, các HK ở các vị trí đích mà địch hướng tới, nhằm làm cho địch mất cảnh giác, sau đó thâu tóm được những bằng chứng, thông tin quan trọng và cuối cùng là phá tan âm mưu thâm độc. Một số cán bộ có năng lực được giao các “vai” khó như Vũ Thành Hà, Trần Tôn Thất, Trần Lương Tư, Hồ Việt Lắm làm phụ tá điện đài, lo cơm nước, bảo vệ an ninh,...
Tháng 7/1981, Túy và Hạnh cùng sang Trung Quốc. Túy đề nghị phía Trung Quốc tăng thêm viện trợ, Trung Quốc đáp ứng hết mọi yêu cầu. Hai tên phản bội đều phấn khởi vui mừng khi đạt được nguyện vọng, chúng có thêm niềm tin về việc lật đổ chế độ cộng sản của Việt Nam. Như vậy đã rõ ràng, Túy và Hạnh đã bắt tay với một nước cộng sản nhằm lật đổ chính trị của một nước cộng sản khác, cụ thể là quê cha đất tổ của chúng. Nỗi vui sướng của hai tên phản phúc này thật đáng căm hận biết bao!
Tư tưởng chỉ đạo của Bộ là phải tuyệt đối bí mật, làm cho địch mất cảnh giác, đánh địch từng bước vững chắc, có kế hoạch. Không chỉ đấu tranh với tổ chức phản động của Túy, mà phía mảng Cao Đài cũng phải đặc biệt lưu tâm. Theo chỉ định của Túy, một tay đàn em sẽ chuyển mật thư về Tây Ninh cho Bảo đạo Hồ Tấn Khoa. Như vậy, đạo Cao Đài cũng được coi là một đầu mối quan trọng của Túy tại Việt Nam. Tòa thánh Cao Đài tọa lạc ở tỉnh Tây Ninh, đã rơi vào tầm ngắm của cơ quan điều tra. Tên đàn em mà Túy sai chuyển mật thư cho Khoa đã khai báo tất cả những thứ y biết về “mặt trận”. Hồ Tấn Khoa đã có tư tưởng chống cộng từ thời kỳ chống Pháp, mặc dù trước đó ông già này đã từng hưởng ứng lời kêu gọi của Mặt trận Việt Minh, và được chính quyền cách mạng tôn trọng. Ông ta đã sử dụng vị trí cao của mình trong đạo để tổ chức các hoạt động chống phá cách mạng. Và không khác gì so với Túy và Hạnh, ông già gần đất xa trời này cũng ảo tưởng rằng “mặt trận” sẽ thành công, và ông ta sẽ được ngồi lên ghế nóng trong “chính phủ lâm thời”.
“Tổ đặc biệt” của các cán bộ chiến sĩ vẫn làm việc miệt mài suốt ngày đêm. Mọi hoạt động của “mặt trận”, thông qua điện đài đã được giải mã và phía cơ quan công an đã nắm được hết liên lạc của bọn gián điệp. Việc đón đầu địch được vạch ra vô cùng chi tiết, kể cả việc thỏa thuận với “tổng hành dinh” về việc bảo quản vũ khí, trang thiết bị khi vận chuyển giữa mùa mưa bão. Đây chính là một bước vô cùng thuận lợi trong quá trình “đón lõng” của cơ quan công an. Các phương án điều tra được ban chỉ đạo phổ biến rõ ràng và cụ thể từng yêu cầu và nhiệm vụ.
“Mặt trận” của Túy sử dụng rất nhiều địa bàn để chuẩn bị cho các chuyến xâm nhập Việt Nam. Ngày 09/9/1981, hai chiếc tàu của “mặt trận” tiếp tục cập bến vùng biển Minh Hải. Các thành viên của “Tổ đặc biệt” dường như chưa nhận được sự tin tưởng của “chủ tịch” vì không được đào tạo dưới sự giám sát của hắn ở Thái Lan. Vì vậy nên khi đón đường hai chiếc tàu mới này, cán bộ chiến sĩ của ta đã phải rất khéo léo đối phó với địch, nếu không sẽ dễ bị bại lộ, chiến dịch CM12 cũng vì thế mà thất bại. Từng bước một, các chiến sĩ công an đã nhử địch vào bẫy và tóm gọn một cách bí mật, thậm chí không có lấy một tiếng súng nổ.
Với những tên gián điệp đã bị bắt, các đồng chí công an không những không đối xử tàn tệ, mà còn ân cần, nhẹ nhàng đấu tranh tâm lý để làm thức dây lương tri của những người con sống lưu vong, nhất thời đi vào con đường sai trái. Không ít những trường hợp nghe lời khuyên nhủ, cảm hóa chính trị mà hồi tâm chuyển ý, nguyện lòng lập công chuộc tội.
Trung tuần tháng 9/1981, “Tổ đặc biệt” tiếp tục nhận được tin 10 tấn vũ khí, lựu đạn và chất nổ sắp vào Việt Nam. Để củng cố lòng tin với “Tổng hành dinh”, “Tổ đặc biệt” tham mưu sẽ nhận hàng ở chỗ khác để tránh bị lộ. Vũ khí, trang thiết bị được chuyển vào bằng đường biển dễ bị hư hỏng do nước biển, cũng như không may gặp phải thời tiết xấu. Vì vậy “Tổ đặc biệt” tìm cách nhận “hàng” khác để bảo toàn được số lượng thâu tóm, cũng như tránh thất thoát, giảm được những hậu quả không đáng có về sau. Chuyến đi Hồng Kong 2 chuyển “hàng” thành công, Túy và Hạnh càng thêm vui mừng. “Thắng lợi” này càng củng cố thêm lòng tin của phía Trung Quốc đối với chúng.
Đầu năm 1982, Túy ra lệnh cho một đại đội nữa lên đường sang Việt Nam. Lần này, mục tiêu của ta là bắt sống toàn bộ nhóm này, nếu chống cự thì mới tiêu diệt. Đúng theo kế hoạch, toán biệt kích tiến vào bãi Lung Tràm và đều bị bắt cả. Các cán bộ hỏi cung khai thác được rất nhiều thông tin quan trọng từ bọn gián điệp, như chuẩn bị đón Mai Văn Hạnh vào chuyến đi tiếp theo và các hoạt động một số cơ sở của “mặt trận”. Điều này có nghĩa là “Tổ đặc biệt” đã giữ được lòng tin của Lê Quốc Túy. Dựa vào đây sẽ lần được rất nhiều đầu mối đang còn là ẩn số.
Túy và Hạnh thật sự tin tưởng “Tổ đặc biệt” với những chuyến đổ “hàng” trót lọt. Chúng dự định chuyến các chuyến xâm nhập tiếp theo với khối lượng vũ khí, đạn dược lên đến trên dưới 10 tấn mỗi đợt. Túy gửi bức mật thư cho Hồ Tấn Khoa. Qua nội dung mật thư, phía cơ quan công an đã có thể chắc chắn được phía đạo Cao Đài chính là một bến đỗ, một “sân sau” của “mặt trận”. Ngoài ra hàng loạt các chi tiết quan trọng khác trong mưu đồ của Túy và Hạnh cũng dần dần được gợi mở.
Không dừng lại ở đó, Túy còn cho biết y muốn tiếp tục xâm nhập Việt Nam vào tháng 5-1982. Túy cùng đám tay chân của mình vẫn “hồn nhiên”, tin tưởng vào “Tổ đặc biệt”. Hết lần này đến lần khác chúng chuyển cơ man vũ khí, đạn dược vào Việt Nam cùng với suy nghĩ tổ chức của mình ngày càng được mở rộng và có được uy tín vững chắc. Mặt khác, phía cơ quan công an đã thu được khá nhiều vũ khí, đạn dược, thiết bị vô tuyến, điện đài, tiền, vàng cũng như bắt giữ, tiêu diệt bọn gián điệp biệt kích. Qua rất nhiều cuộc họp được đặt ra, đều có thể hiểu được, ta đã nắm được âm mưu, ý đồ của địch để có kế hoạch sẵn sàng đối phó bất kỳ lúc nào. Trong lúc này, quân đội cách mạng Campuchia phối hợp với quân tình nguyện Việt Nam đánh mạnh vào vùng căn cứ gần biên giới Thái Lan. Mật cứ của Túy và Hạnh phải rút chạy vào nội địa Thái Lan.
“Tổ đặc biệt” nhận được thông tin Mai Văn Hạnh sẽ vào Việt Nam trong tháng 4/1982. Cơ quan công an nhận định rằng đây sẽ là bước chuẩn bị cho “chủ tịch” vào kiểm tra, khi các “quan chức cấp cao” như Hồ Thái Bạch, Huỳnh Vĩnh Sanh đều sẽ có cuộc gặp với Hạnh. Chắc chắn chúng sẽ làm lộ âm mưu và kế hoạch hành động sắp tới.
Ngày 11/4/1982, Mai Văn Hạnh lên tàu theo kế hoạch xâm nhập Việt Nam. Các chiến sĩ công an “nằm vùng” lần này đã gặp trực tiếp “chú Năm”, thậm chí còn giả đò chặn ghe “kiểm tra” để có thể nhìn tận mắt vị “đồng chủ tịch” nổi tiếng trong chuyên án quan trọng này. Về nước, Hạnh được “Tổ đặc biệt” sắp xếp cho gặp đám thuộc hạ ở miền Nam. Những việc y làm với đám Huỳnh Vĩnh Sanh, Lê Quốc Quân được “Tổ đặc biệt” dàn xếp vô cùng kín đáo, cẩn mật. Hạnh càng lúc càng có thêm lòng tin về một tương lai tổ chức của mình được mở rộng, chào đón những thành công sẽ đến trong nay mai. Vậy nhưng Hạnh không hề hay biết, mình và vài tay le ve theo đuôi đang bị bao vây bởi một tổ trinh sát vô cùng tinh nhuệ. Những việc làm của Hạnh, phía công an đều nắm được hết. Họ chỉ đang diễn cho tròn vai để câu nhử tổ chức của Hạnh sa lưới, nhanh chóng kết thúc chuyên án đặc biệt đầy thách thức và nguy hiểm này. Kế hoạch đón đầu “đồng chủ tịch” hoàn toàn thắng lợi.
Biết việc ở “quốc nội” đã được Hạnh hoàn thành tốt đẹp, Túy quyết định thâm nhập Việt Nam một chuyến, đưa theo 20 tên biệt kích. Ban chỉ đạo CM-12 chỉ đạo “Tổ đặc biệt” nên ngỏ ý với “chủ tịch” là chia thành hai chuyến; mục đích của ta là chia nhỏ toán lính để dễ bề bắt giữ. Cuộc họp của lãnh đạo Tổ an ninh phố Hồ Chí Minh và giám đốc, phó giám đốc phụ trách an ninh của 13 tỉnh Nam Bộ. Sau cuộc họp quan trọng này, thông tin về các nhóm, đầu mối bên trong đều được tập hợp lại một cách rõ ràng và khá chi tiết:
- Tổ chức “Mặt trận quốc gia Việt Nam” của Lê Quốc Quân ở Thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh như Bến Tre, Đồng Tháp, Đồng Nai, Tiền Giang, Minh Hải, Hậu Giang...;
- Tổ chức “Thiên khai Huỳnh đạo” ở Tây Ninh và Thành phố Hồ Chí Minh;
- Tổ chức của Huỳnh Vĩnh Sanh ở Thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Phú Khánh (chưa rõ tên).
- Một số cơ sở trong các chùa của người Khmer.
Thuận lợi của ta là ngay từ những bước đầu, ta đã nắm thóp được kế hoạch của Túy và Hạnh. Sau đó bằng tài trí và sự nhạy bén, nhanh nhạy của cơ quan an ninh, ta đã điều hướng cho tổ chức phản động phải hành động theo phương hướng của ta. Trong mọi bước hành động, ta đều thực hiện êm, gọn và đặc biệt bí mật. Hầu hết bọn gián điệp bị bắt sống và ta thu được một khối lượng vũ khí, đạn dược, quân trang quân dụng khổng lồ, chưa kể tiền vàng và hàng hóa. Theo đồng chí Bộ trưởng Phạm Hùng, trong thời gian sắp tới, nhất định phải giữ vững kế hoạch CM-12, có kế hoạch đánh vào các cụm tình báo ở nước ngoài, tóm được hết các móc nối trong-ngoài của Túy và Hạnh. Tổ An ninh chuẩn bị mọi phương án để đối phó với hai đối tượng nguy hiểm hàng đầu: Mai Văn Hạnh và Lê Quốc Túy. Lần này mục đích của cơ quan công an là thu hút mọi đối tượng được tuyển mộ ở nước ngoài vào Việt Nam, sau đó sẽ tóm Túy và Hạnh sau.
Trong lúc ấy, Túy gặp Hạnh tại Thái Lan và không giấu nổi nỗi vui mừng khi biết phi vụ của mình thành công ngoài mong đợi. Khi đến Trung Quốc, “chủ tịch” và “đồng chủ tịch” được phía Đặng Tiểu Bình nghênh đón như những vị chính khách thực thụ. Phía Trung Quốc hỗ trợ làm tiền giả cho Túy và Hạnh tuồn vào trong nước nhằm phá hoại nền kinh tế Việt Nam.
Tháng 6/1982, “Tổ đặc biệt” đã đón đường được hai tên đầu sỏ cầm đầu tổ chức phá hoại, đồng thời có được sự tin tưởng tuyệt đối của chúng. Nhưng để đảm bảo bí mật và tạo lòng tin cho “chủ tịch” và “đồng chủ tịch”, các đồng chí công an vẫn phải “diễn” cho tròn vai, không để chúng phát hiện cho dù là một kẽ hở nhỏ nhất. Việc chuyển “hàng” lần này diễn ra nhanh chóng. Ta thu được gần 100 triệu tiền giả, hơn 600 thùng thuốc nổ cực mạnh. Túy và Hạnh gặp lại đám thuộc hạ đang ở “quốc nội”, dặn nhau thúc đẩy hoạt động trong nước mạnh hơn, để cho hệ thống làm việc ăn ý và hiệu quả. Với “Tổ đặc biệt”, Túy và Hạnh càng thêm tin tưởng khi những bản báo cáo của Tổ đều được viết bằng tay với những thông tin rất chắc chắn, lý luận rất chặt chẽ và cung cấp đủ các thông tin quan trọng mà Túy, Hạnh đang cần để mở rộng tổ chức. Hai tên phản động nguy hiểm đã về nước, cơ quan công an các tỉnh miền Nam bước vào cuộc đấu tranh bảo vệ an ninh Tổ quốc đầy thử thách. Đây không chỉ là một cuộc đấu tranh vũ lực với gián điệp mà còn là cuộc đấu trí tài tình, thể hiện tầm trí tuệ cao siêu, tài tình của lực lượng Công an nhân dân Việt Nam. Thắng lợi thu được từ những ngày đầu (từ 1/1981 đến tháng 6/1982) là vô cùng to lớn, nằm ngoài dự kiến của cơ quan công an. Qua đó, ta cũng nắm rõ các móc ngoặc của “mặt trận”: vừa có trí thức, vừa có phản động, lại thêm sự có mặt của Cao Đài, Hòa Hảo, trong tộc Khmer và một số cụm tình báo nhỏ lẻ. Chúng không chỉ chống phá cách mạng, mà còn nguy hiểm hơn khi qua đó ta nhìn thấy được âm mưu của Trung Quốc, tính chất câu kết Mỹ - Trung và các nước ASEAN với cách mạng ba nước Đông Dương, cụ thể là phá hoại kinh tế, chính trị của Việt Nam.
Em trai của Túy là Quân đã bị bắt khi đang giữ tiền giả. Ban đầu hắn còn quanh co không chịu nhận tội, nhưng trước những bằng chứng không thể chối cãi, hắn đành khai nhận những hành động và mạng lưới tổ chức của mình. Một thông tin quan trọng khác là Quân đã chuẩn bị lực lượng và nổi dậy vào tháng 9/1982. Tính cả tay Quân và một loạt gián điệp biệt kích, thì ta đã bắt trúng được số cầm đầu và có vai trò quan trọng trong tổ chức. Vì vậy khi biết tin em trai mình bị bắt, cùng với việc Hạnh đi mổ dạ dày, kế hoạch phá hoại tiếp theo của Túy không thực hiện được. Tuy nhiên mọi kế hoạch của địch vẫn hết sức nguy hiểm vì chúng không từ bỏ dã tâm chống phá nhà nước, nên phương án đối phó của ta sẽ phức tạp hơn nhiều lần, nhưng điều cốt lõi, mục đích chính vẫn là phải giành được chiến thắng.
Với vấn đề tiền giả, Bộ trưởng Phạm Hùng vô cùng quan tâm, “Tổ đặc biệt” do đo cũng hết sức khôn khéo để “chủ tịch” nhìn vào việc Quân bị bắt để ra lệnh không lưu hành tiền giả nữa. Túy và Hạnh bàn với nhau chuyển “tổng hành dinh” và “mật cứ” ra khỏi đất Thái Lan đến Singapore và Trung Quốc. Tuy nhiên “mặt trận” của Túy chỉ là quân cờ, còn Trung Quốc vẫn giữ vững quan hệ ngoại giao với Việt Nam. Vì thế việc chuyển “tổng hành dinh” và “mật cứ” không được bàn đến nữa.
Trong khi đó, Túy và Hạnh vẫn vô cùng tin tưởng vào “Tổ đặc biệt”, khi ta dựng thêm một bộ phận khác, thực chất là một kế hoạch con của CM-12, nhưng chúng lại hiểu rằng “mặt trận” đang ngày càng được mở rộng và thu hút nhiều cá nhân tham gia. Túy gửi bức điện cho “Tổ đặc biệt”, nội dung tin tưởng bộ phận ta mới lập ra. Túy vẫn mong gây được tiếng vang trong nước để cho Mỹ và Trung Quốc biết rằng y có thực lực, thế nhưng y vẫn không ngờ rằng không có tiếng vang là do tay chân thuộc hạ của y bị tóm và bị cảm hóa hết rồi!
Lòng tin của Túy và Hạnh về các cụm, nhóm liên lạc ở Việt Nam ngày càng được củng cố. Y không biết rằng đó đều có sự “hỗ trợ” của ta. Cơ quan an ninh lập nhiều chuyên án nhỏ nhằm khai thác thông tin, thu thập chứng cứ để nhanh chóng thâu tóm được hết tổ chức và đường dây phá hoại đầy nguy hiểm này. Một loạt căn cứ, người quen cũng như thuộc hạ của “mặt trận” đều được cán bộ chiến sĩ “điểm danh” hết.
Cuối năm 1982, Túy tạm hoãn mọi kế hoạch thâm nhập, thực chất là ráo riết chuẩn bị cho một năm 1983 có đầy tiếng vang để có uy tín với Mỹ và Trung Quốc. Bộ trưởng Phạm Hùng ra chỉ thị và nhiệm vụ trọng tâm hòng đối phó với tổ chức phản động, bên cạnh đó là ngăn cản các đầu mối trong và ngoài nước. Ngoài ra còn phải làm rõ mối quan hệ của Hạnh và các cụm tình báo ở nước ngoài. Với vụ tiền giả, ta phải tấn công, và tác động mạnh mẽ bằng lòng tin của Túy và Hạnh trao cho “Tổ đặc biệt”, để chúng từ bỏ ý định in tiền giả, không cho chúng có cơ hội phá hoại nền kinh tế quốc dân.
Lê Quốc Túy giờ “hoàn toàn yên tâm” với “Tổ đặc biệt” và đạo Cao Đài của Hồ Tấn Khoa. Qua những “phái viên” của Túy, “Ông Nội” đã tiết lộ về 2 lực lượng bí mật mà ông ta tổ chức thành lập để chống phá cách mạng, đó là “Thiên khai Huỳnh đạo” và “Hội đồng hòa giải quốc tế”. Con cáo già này có ý định dùng hai tổ chức này để nổi dậy bạo động vào xuân 1983, chỉ cần các tổ chức ở Campuchia “thành công”, lão sẽ sẵn sàng ra tay. Qua các lần gặp gỡ của các “phái viên” với cha con Hồ Tấn Khoa – Hồ Thái Bạch, ta đã nắm được toàn bộ mạng lưới cơ sở của đạo Cao Đài ở Tây Ninh. Biên giới Tây Ninh cũng chính là con đường địch sẽ dẫn quân xâm nhập Việt Nam vào đầu năm 1983.
Việc tổ chức phá án của cơ quan an ninh dưới sự chỉ đạo của Thứ trưởng Cao Đăng Chiếm được triển khai từng bước vô cùng thận trọng. Ban đầu sẽ bắt những tên cầm đầu, cộm cán đang hoạt động tại các tỉnh Nam Bộ, tiếp theo sẽ đấu tranh chính trị, đưa vụ phản cách mạng của Cao Đài ra phổ biến công khai nhằm vạch rõ âm mưu và hành động của bọn phản động núp bóng tôn giáo. Vì vậy, “Tổ đặc biệt” cần phải làm việc chặt chẽ hơn với cha con Hồ Tấn Khoa. Tuy nhiên cần hết sức khéo léo để vừa đánh sập được âm mưu phản động, vừa không làm ảnh hưởng đến đức tin và tín ngưỡng tôn giáo của nhân dân theo chính sách của Đảng và Nhà nước.
Sang tháng 1/1983, Túy tiếp tục tiết lộ cho “Tổ đặc biệt” các thông tin quan trọng, chuẩn bị cho kế hoạch lật đổ chế độ cộng sản. Cùng thời gian này, một tàu nữa cũng sẽ chở người và vũ khí về vàm Kinh Mới. Việc tiếp theo mà Túy định làm chính là đưa căn cứ huấn luyện vào nội địa. Các kế hoạch của Túy đều không nằm ngoài phán đoán của cơ quan an ninh và Ban chỉ đạo CM-12. “Tổ đặc biệt” vẫn tiếp tục công tác câu nhử, làm việc chăm chỉ, có “trách nhiệm” với “sự nghiệp” của “mặt trận”. Chuyến nhận “hàng” thứ ba của năm 1983 được thực hiện, ta bắt giữ những tay cầm đầu lọc lõi, tiếp tục dùng chúng làm mồi nhử để báo về “Tổng hành dinh” rằng kế hoạch vẫn êm xuôi trót lọt.
Cho dù phía cơ quan an ninh và “Tổ đặc biệt” đã hết sức cố gắng đến ngăn chặn vụ in tiền giả, nhưng Túy vẫn quyết tâm thực hiện việc này để phá hoại kinh tế quốc gia. Vì vậy, phương án đối phó với tổ chức phản động được đẩy mạnh hơn bao giờ hết. Chuyên án CM-12 từng bước đi đến hồi quyết định. Với tầm quan trọng của “Tổ đặc biệt”, ta từng bước điều khiển được Túy và Hạnh đi vào cái bẫy đã được giăng sẵn. Chúng buộc phải đi theo lộ trình mà ta đã vẽ ra. Đây chính là điều vô cùng thuận lợi trong công tác điều tra, phá án.
Tháng 5/1983, chuyến tàu chở tiền giả đã cập bến tỉnh Minh Hải. Túy còn gửi mật thư hướng dẫn sử dụng tiền giả, bằng mọi giá phải làm lũng đoạn và phá hoại nền kinh tế của ta. Túy dường như rất lạc quan với công trình của mình qua những lần chuyển vũ khí, quân lính vào Việt Nam đều thuận lợi, không mấy khi gặp khó khăn, trở ngại. Y tiết lộ thêm nhiều đầu mối cho “Tổ đặc biệt”.
Việc lợi dụng tôn giáo để thực hiện hành vi sai trái, đáng lên án hơn cả là thành lập những tổ chức phản động, mang tính chất phá hoại nhà nước xã hội chủ nghĩa. Đạo Cao Đài ở Tây Ninh đã phải đối diện với pháp luật. Bằng sự nhân đạo của các cán bộ chiến sĩ, qua giáo dục tư tưởng, cảm hóa và đấu tranh tâm lý, những đối tượng phản động núp bóng tôn giáo đã tố cáo Hồ Tấn Khoa là kẻ chủ mưu, dẫn dắt, lôi kéo chúng thực hiện những hành động chống phá nhà nước. Tuy nhiên, chính bản thân lão già Hồ Bảo đạo đã có bức tường trình, tự thú hết mọi tội lỗi từ khi hợp tác với các nước phương tây và chính quyền Sài Gòn cũ để phá hoại cách mạng. Do vậy, ông ta chỉ bị quản chế tại nơi cư trú. Ngoài Hồ Tấn Khoa, một đầu mối nội địa của Túy cũng nguy hiểm không kém đó là Huỳnh Vĩnh Sanh. Y có vai trò không tầm thường trong mỗi lần Túy và Hạnh ra chỉ thị từng bước lật đổ chế độ cộng sản. Bên cạnh đó, Sanh còn là một “địa chỉ tin cậy” để Túy giao cho công việc tuyển mộ lực lượng trong và ngoài nước.
Sang năm 1984, dưới sự chỉ đạo của Bộ trưởng Phạm Hùng và Thứ trưởng Cao Đăng Chiếm, ta đã thuận lợi bẻ gãy được kế hoạch phản động của tổ chức do Lê Quốc Túy cầm đầu. Hàng loạt các đối tượng gián điệp biết kích đã bị bắt sống, thu được gần hết số tiền giả được sản xuất ở nước ngoài cùng một khối lượng vũ khí và hàng hóa khổng lồ, chưa kể các thiết bị điện đài, vô tuyến. Những năm này ta không chỉ đối đầu với tổ chức phản động, mà còn là đối đầu với những kế sách, âm mưu tàn ác của các thế lực phản động ở Trung Quốc được Mỹ ủng hộ, Thái Lan tiếp tay và chi viện nhiệt tình. Để chủ động ngăn chặn các hoạt động chống phá của địch, cơ quan an ninh đồng loạt bắt giữ đám tay chân của Túy ở khu vực Trung Trung Bộ và duyên hải Nam Trung Bộ, đồng thời theo dõi sát sao các đối tượng chưa bị bắt, bên cạnh đó vẫn giữ được bí mật của Kế hoạch CM-12. Trước tình hình địch chuẩn bị cướp chính quyền ở những vùng nông thôn hẻo lánh, Bộ trưởng Phạm Hùng quyết định nhanh chóng kết chúc Kế hoạch CM-12. Vì vậy, cuộc họp Ban chỉ đạo Kế hoạch CM-12 được triệu tập tại Thành phố Hồ Chí Minh, bàn về kết thúc kế hoạch phản gián lớn nhất trong lịch sử đấu tranh bảo vệ an ninh Tổ quốc từ trước tới nay, trong đó, yêu cầu cấp thiết nhất là phải bắt được Túy và Hạnh, phá được các chuyên án nội địa và cuối cùng là đưa ra xét xử.
Với phía Trung Quốc, Túy huênh hoang khoe rằng các cơ sở của tổ chức tại miền Nam Việt Nam đã phát triển rộng khắp, hình thành được các quân khu, hàng trăm các “sĩ quan” nòng cốt đã được huấn luyện kỹ càng. Tổ chức cần được viện trợ thêm tiền bạc, vũ khí, phương tiện đưa vào để lật đổ chế độ cộng sản. Tuy nhiên về việc in thêm tiền giả, phía Trung Quốc không đồng ý. Lần vào Việt Nam sắp tới, tháng 9/1984, sẽ chỉ có Hạnh vào cùng. Lực lượng của ta được phân bổ tham gia tác chiến khá đông, bước đầu đón đường Mai Văn Hạnh và sau là bắt giữ y.
Ngày 9/9/1984, tàu cập bến ở Hòn Đá Bạc. Sau khi lấy “hàng”, bọn gián điệp biệt kích bị ta tiêu diệt tại trận 12 tên, còn lại bị bắt sống. Cơ quan an ninh thu giữ hai tàu cùng toàn bộ vũ khí, phương tiện, trận đánh kết thúc nhanh gọn trong vòng 2 phút 7 giây. Ngay hôm sau, Huỳnh Vĩnh Sanh và Mai Văn Hạnh cũng bị bắt. Túy vẫn không biết gì về chuyện này. Kế hoạch CM-12 kết thúc nhanh gọn.
Trong những năm tháng thực hiện chiến dịch đón bắt gián điệp biệt kích, một bên là sự nỗ lực phi thường và trí tuệ, bản lĩnh của của lực lượng Công an nhân dân Việt Nam, một bên là hành động quỳ gối khom lưng để phản bội quốc gia, dân tộc. Thái Lan, Mỹ và Trung Quốc chính là những thế lực đã tiếp tay cho kẻ phản quốc. Từ khi kế hoạch cài gián điệp vào Việt Nam, phía Thái Lan đã “giúp đỡ” bằng cách tổ chức tuyển mộ, cũng như đào tạo lực lượng gián điệp cho Túy và Hạnh. Ngoài ra, ở các tỉnh gần biên giới Campuchia cũng là địa điểm tin cậy của Túy khi hắn lập các căn cứ huấn luyện, nhận viện trợ vũ khí, quân trang, quân dụng từ Trung Quốc, Khmer Đỏ để theo đường biển đưa vào Việt Nam. Một số tướng lĩnh Thái Lan còn sẵn sàng hỗ trợ các hoạt động của Túy trên đất Thái.
Về phía Mỹ, cho dù thua đau từ chiến tranh ở mặt đất đến thất bại trên bầu trời, nhưng chúng vẫn chưa từng từ bỏ ý định quay lại Việt Nam. Với lời hứa Mỹ sẽ giao số tiền bồi thường khắc phục chiến tranh nếu Túy thành công trong việc xâm nhập vào Việt Nam. Tuy rằng rất ủng hộ hoạt động của Túy cùng nhóm tướng tá hết thời lưu vong chống cộng, nhưng Mỹ rất khôn ở chỗ không trực tiếp ra mặt. Chúng thúc đẩy việc chống cộng qua các kênh khác như Thái Lan, Trung Quốc.
Sau mâu thuẫn với Liên Xô, Trung Quốc lại tìm cách làm thân với Mỹ. Việc H.Kissinger sang thăm Trung Quốc năm 1972 đã làm quan hệ Mỹ - Trung thay đổi hẳn cục diện trên chính trường quốc tế. Hai bên bắt đầu có những toan tính về lợi ích chung. Con mồi béo bở lúc này chính là Việt Nam. Trung Quốc lại trở thành đồng minh của Mỹ trong một số vấn đề quốc tế. Trong những năm 80 giúp sức cho tổ chức của Lê Quốc Túy, Trung Quốc đã nhiều lần chuyển tiền giả cho tổ chức của Túy đem về Việt Nam làm ảnh hưởng và gây nhiễu về mặt kinh tế.
5. Kết cục của kẻ phản quốc
Từ ngày 14 đến ngày 18/12/1984, Tòa án tối cao tại Thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức xét xử vụ án Lê Quốc Túy – Mai Văn Hạnh. Vụ xét xử này thu hút rất đông phóng viên báo chí, truyền hình trong và ngoài nước đến tham dự để đưa tin. Phiên tòa thực sự đã gây chấn động mạnh dư luận trong nước và quốc tế. Nhân dân tự hào về trí tuệ và bản lĩnh của lực lượng công an, an ninh, còn kẻ thù thì ngỡ ngàng đau đớn vì thất bại nhục nhã này.
Phiên tòa đã diễn ra và xét xử những đối tượng có liên quan, nhưng vì Túy vẫn chưa bị bắt, một số cơ sở ở Thái Lan vẫn tồn tại, nên cuộc đấu tranh vẫn chưa thể kết thúc. Từ sau khi biết tàu của Hạnh mất tích, Túy đã rất hoang mang và lo sợ cơ quan an ninh Việt Nam. Tuy nhiên đến đầu năm 1985, Túy mới sững sờ khi hay tin Hạnh đã bị bắt. Tin bài lan tràn trên các mặt báo chí tại Bangkok. Y vội vã báo về các cơ sở rút vào hoạt động bí mật, để chuẩn bị tổ chức cơ cấu mới. Chứng tỏ, Túy vẫn không thừa nhận thất bại của mình, cho dù bị đại diện của Trung Quốc ở Bangkok chỉ trích, y vẫn khá hung hăng, tự đại. Y lao vào đọc tài liệu, như một con thiêu thân, lao điên cuồng hơn để biến giấc mộng đế vương trở thành sự thật.
Kế hoạch ĐN-10 là một chuyên án nhỏ thuộc Kế hoạch CM-12. ĐN-10 được duy trì đến những ngày này để thu hút hết lực lượng của Túy về Việt Nam để thuận lợi cho việc bắt giữ. Kế hoạch đón bắt khi Túy về nước đã được phân công rất cụ thể, một lần nữa Túy sa lưới công an mà không hề hay biết, hắn vẫn tin tưởng về một ngày được nghênh đón như một nguyên thủ trên đất Việt. Thế nhưng đó chỉ là sự ảo tưởng của tên phản quốc. Tháng 01/1988, Túy chết tại Pháp. Kế hoạch ĐN-10 tự kết thúc và phía ta chiến thắng mà không mất một hòn tên mũi đạn, “mặt trận” của y cũng vì thế mà không còn tồn tại.
Lòng tham và sự ảo tưởng vào một tương lai lật đổ chính quyền cộng sản đã đưa một tổ chức phản động đến con đường thất bại nhục nhã. Thế giới văn minh hiện đại không có chỗ cho những tên phản quốc lưu vong ôm mộng bá vương, rước voi về giày mả tổ. Cho dù không sa chân vào chốn ngục tù, nhưng cái tên Lê Quốc Túy mãi cho đến về sau vẫn luôn bị người đời coi khinh và phỉ nhổ. Hắn không chỉ là kẻ cầm đầu quỷ quyệt, sẵn sàng quỳ gối khom lưng cho ngoại bang để hưởng nhung lụa, chơi bời đàng điếm, bán rẻ quốc gia dân tộc, mà còn là kẻ lợi dụng tôn giáo để phục vụ cho mục đích phản bội của mình. Đạo Cao Đài và đứng đầu là cha con Hồ Tấn Khoa cũng không khác gì Túy khi lôi kéo, xúi giục các thành phần, các cá nhân lạc đường lý tưởng mà đi theo con đường sai trái.
Trong hơn 3 năm đấu tranh, thậm chí nhiều đồng chí như Hồ Việt Lắm (Mười Lắm), Trần Phương Thế (Tám Thậm)... phải “diễn”, ăn uống sinh hoạt cùng địch để lấy được lòng tin của chúng, lực lượng An ninh Việt Nam đã đón bắt 18 chuyến xâm nhập, 189 tên biệt kích, 300 tấn vũ khí, 14 tấn tiền giả, 2 tàu vận tải; triệt phá thành công cuộc nhập biên phá hoại của bọn phản động lưu vong do Lê Quốc Túy và Mai Văn Hạnh cầm đầu, bóc gỡ 10 tổ chức phản động trong nước. Ta có thể nói, Kế hoạch CM-12 là một chiến dịch phản gián có quy mô lớn về thời gian, không gian và bố trí lực lượng đấu tranh. Thắng lợi của lực lượng công an nhân dân chính là chiến thắng của tầm vóc trí tuệ anh minh siêu việt, cũng như sự sắc sảo về chiến lược, chiến thuật của các nhà lãnh đạo Công an nhân dân cùng lòng can đảm và nhẫn nại vượt qua mọi khó khăn để bảo vệ bình yên cuộc sống cho nhân dân, cho Tổ quốc. Những cái tên như Cao Đăng Chiếm, Nguyễn Phước Tân, Hồ Việt Lắm, Bùi Thiện Ngộ, Trần Tôn Thất mãi là tấm gương về sự mưu trí, khéo léo, sáng tạo và trình độ nghiệp vụ của lực lượng Công an nhân dân Việt Nam.