Con đường Hồi Giáo của tác giả Nguyễn Phương Mai là một quyển sách hết sức thú vị về thế giới Hồi giáo, với nhiều bí ẩn chưa được khám phá. Hành trình của tác giả đưa người đọc ghé qua các quốc gia Trung Đông, khởi hành từ Ả Rập Saudi, Dubai, Oman, Yemen, Li Băng, Syria, Jordan, Palestine, Ai Cập, Libya, Tunisia, Ma Rốc và kết thúc ở Tây Ban Nha.
Trung Đông là vùng đất không xa lạ gì với thế giới, tuy nhiên không ai dám chắc chắn mình hiểu đúng, hiểu đủ về lịch sử, văn hóa, chính trị phức tạp của khu vực. Ở đó, Hồi giáo là tôn giáo chiếm ưu thế và ảnh hưởng sâu rộng đến đời sống của cư dân. Phần lớn chúng ta, qua các kênh tin tức thông dụng, đều cho rằng Trung Đông là nơi của xung đột tôn giáo, tranh chấp lãnh thổ, mâu thuẫn chính trị, tư tưởng cực đoan. Nhưng theo chân tác giả Nguyễn Phương Mai, “Trung Đông không chỉ có thuốc súng mà còn có phấn hoa”.
Trước khi bắt đầu tìm hiểu thế giới Hồi giáo, tác giả đã khái quát chung về tôn giáo như sau:
“Các tôn giáo trên thế giới theo ba nhóm chính: Đa thần giáo (thờ nhiều thần), Nhân thánh giáo (thờ người trần mắt thịt), và Độc thần giáo (thờ một Thượng Đế duy nhất). Ba vòng tròn trùm lên nhau vì có nhiều tôn giáo vượt biên giới nhóm, tỉ dụ như Cao Đài giáo (Việt Nam) vừa là độc thần vừa là nhân thánh giáo. Hindu giáo (Ấn Độ) thậm chí có thể thuộc về cả ba nhóm phân loại.” Và để hiểu Hồi giáo, tác giả cũng giải thíchmột số khái niệm như Allah, Caliph, Hijab, Jihad, Quran,...
Câu chuyện về Hồi giáo bắt đầu vào năm 570 sau Công Nguyên, ở miền tây bán đảo Ả Rập (tức Saudi ngày nay), một cậu bé tên là Muhammad chào đời. Một hôm nọ khi Mohammad đang ở độ tuổi 30, thiên thần Gabriel hiện ra và lệnh cho ông chép lại lời truyền phán của Người. Dù Mohammad lúc đó không hề biết chữ, nhưng dưới quyền năng của Đấng Tối Cao, kinh Quran đã ra đời. Mohammad sau đó thống nhất các bộ lạc vùng bán đảo Ả Rập dưới một tôn giáo mới tên là Islam, tức Hồi giáo. Hồi giáo nhanh chóng phủ khắp Trung Đông, tràn qua đế quốc Ba Tư và đẩy lui đế chế La Mã. Trong vòng 6 thế kỷ, tôn giáo này lan khắp 3 châu lục và cực thịnh vào thế kỷ 13. Ngày nay, Hồi giáo có số tín đồ lớn thứ hai thế giới chỉ sau Thiên Chúa giáo.
Nền văn minh Hồi giáo đã mang đến cho thế giới những công trình kiến trúc tuyệt mỹ, những kho tàng nghệ thuật phong phú và truyền thống văn hoá đặc trưng. Song song đó, những xung đột về chủng tộc cũng như tôn giáo manh nha từ xa xưa đã dẫn đến nhiều câu chuyện bi kịch, không phân định rõ đúng sai.
Hành trình của Nguyễn Phương Mai mở ra những khung cảnh đầy lạ lẫm, khi thì đẹp đẽ như cổ tích, khi thì cực đoan vô lý đến đau lòng. Đó là Saudi cấm cung, với quy ước tuân theo những lời truyền khẩu của Mohammad (mà một số trong đó là giả mạo). Là Dubai giàu có, nơi người bản xứ ít ỏi hơn lượng người nhập cư, và giới trẻ theo phương Tây xung đột gay gắt với thế hệ mang tư tưởng cũ. Là quốc gia Oman hoà bình, hiện đại, nơi đàn ông đi chợ nấu ăn và chăm con, nhưng vẫn không thiếu bóng dáng các thiếu phụ thu mình trong bộ áo chùng đen u ám. Là Jordan, nơi một lời chào hay một nụ cười có thể là tín hiệu của tình dục, hậu quả của việc bị cấm đoán quá mức. Là Palestine và Israel, với những xung đột có từ hàng ngàn năm trước. Là Li Băng với thủ đô Beirut hiện đại như châu Âu. Là người dân Libya, quá thật thà chất phát do bị kèm kẹp dưới chính quyền độc tài Gaddafi trong thời gian dài. Đến với Syria, nơi mà tội phạm bị quần chúng xét xử trước cả cơ quan chức năng. Là Yemen, nơi cả phụ nữ và trẻ đều có thể sở hữu súng và cảm thấy an toàn vì điều đó. Là Tunisia, có 98% dân số theo đạo Hồi nhưng chiếc khăn trùm lại là một điều lạ lẫm. Hay Ai Cập huyền bí với tượng nhân sư ngàn năm không ngủ…
Khi trải nghiệm thực tế, những gì ta thấy có khi khác xa với điều ta tưởng mình đã biết. Đôi khi đằng sau những bộ áo chùng đen và khăn trùm đầy đe doạ kia là phục sức lộng lẫy trong hương nước hoa Chanel, Gucci, hay là một thân hình nóng bỏng dưới lớp áo phông in dòng chữ “No man, no cry!”. Những gì được kể bởi chính người dân bản địa sẽ khác hơn nhiều so với các thông tin đã được biên tập và định hướng.
Đan xen với những gì tận mắt chứng kiến tại mỗi quốc gia, Nguyễn Phương Mai đề cập đến nhiều đề tài gắn liền với Trung Đông một cách sâu sắc và giàu thông tin. Như xung đột giữa Hồi giáo với Thiên Chúa giáo và Do Thái giáo, xung đột giữa 2 nhánh Hồi giáo Sunni và Shia, về Mùa xuân Ả Rập, Taliban, Thánh địa Mecca lừng danh, hay về Jerusalem là nơi Israel và Palestine cùng tuyên bố chủ quyền.
Con đường Hồi giáo là quyển sách vừa giàu kiến thức và đầy trải nghiệm, bởi nó được viết ra bởi một nhà nghiên cứu nghiêm túc, đồng thời cũng là một người đam mê "lên đường với trái tim trần trụi". Thông tin từ sách có thể giúp người đọc thay đổi những định kiến cố hữu về thế giới Hồi giáo.