Phần 1: Những vấn đề chung
Đại tướng Võ Nguyên Giáp (1911-2013) là người con ưu tú của quê hương Quảng Bình, là người chiến sĩ cách mạng kiên trung, là học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tên tuổi của Đại tướng gắn liền với sự hình thành, kế thừa và phát triển, trưởng thành của Quân đội nhân dân Việt Nam, cùng với thắng lợi của hai cuộc đấu tranh vệ quốc vĩ đại.
Đối với Quân đội nhân dân Việt Nam, Đại tướng được coi là “Anh Cả”. Đại tướng đã được Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh tín nhiệm, giao cho nhiệm vụ tổ chức, giáo dục, rèn luyện Quân đội nhân dân Việt Nam không ngừng lớn mạnh. Trong thời kỳ kháng chiến, Đại tướng đã chỉ huy, lãnh đạo thắng lợi nhiều chiến dịch quan trọng, là người trực tiếp xây dựng, củng cố quân đội đáp ứng yêu cầu sự nghiệp đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Thắng lợi của chiến dịch Điện Biên Phủ (1954) và chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử (1975) là minh chứng rõ nét nhất về sự sáng tạo, trí tuệ và bản lĩnh của ông.
Việc chọn Đại tướng Võ Nguyên Giáp là người trực tiếp tổ chức, giáo dục và rèn luyện quân đội thể hiện sự tin tưởng tuyệt đối, tầm nhìn chiến lược của Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Thực tiễn lịch sử cho thấy, Đại tướng Võ Nguyên Giáp còn là nhà lãnh đạo, nhà chính trị tài giỏi, mẫu mực về đạo đức cách mạng, có uy tín trong quân đội, của Đảng, Nhà nước, nhân dân và bạn bè quốc tế. Người được tôn vinh là “Đại tướng của nhân dân”, xứng đáng là “Tư lệnh của các tư lệnh, Chính ủy của các chính ủy, Tướng của các tướng và Thầy của các bậc thầy quân sự”.
Về phương diện khác, là người đầu tiên đặt viên gạch xây nền móng cho nền hành chính vì hạnh phúc của nhân dân Việt Nam, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã tham mưu tổ chức thành công cuộc Tổng tuyển cử năm 1946, cho ra đời của bản Hiến pháp năm 1946, ký sắc lệnh về buôn bán và chuyên chở thóc gạo, ký sắc lệnh thành lập Ban bình dân học vụ năm 1945.
Dù chỉ giữ chức Bộ trưởng Bộ Nội vụ trong một thời gian ngắn, nhưng những đóng góp của Đại tướng cho chất lượng cuộc sống người dân là vô cùng to lớn. Cùng với sự dẫn dắt của Trung ương Đảng và chính phủ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đưa đường chỉ lối cho nhân dân cùng đoàn kết đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, tăng gia sản xuất và làm hậu phương vững chắc cho cuộc chiến đấu trường kỳ ở miền Nam.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã trở thành vị tướng huyền thoại, là đại tướng trong lòng dân, là nhà chỉ huy quân sự lỗi lạc trong lòng người dân Việt Nam. Đại tướng là một người cộng sản trung quân ái quốc, kiên quyết đấu tranh giành độc lập. Quán triệt sâu sắc và thực hiện nghiêm túc tư tưởng Hồ Chí Minh trong xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam, Đại tướng đã thể hiện là người chiến sĩ cộng sản có đạo đức cách mạng trong sáng, hết lòng với nhân dân, có đóng góp to lớn cho sự nghiệp đại đoàn kết dân tộc.
Đại tướng còn là nhà lý luận quân sự lỗi lạc, góp phần hình thành và phát triển học thuyết quân sự Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh. Từ việc chủ động tạo cơ hội, nắm bắt mọi cơ hội để đưa mọi cuộc chiến của Việt Nam giành thắng lợi, đến việc củng cố các lực lượng vũ trang, ông luôn là ngọn đèn sáng dẫn đường cho cán bộ, chiến sĩ trên mọi mặt trận. Là nhà kiến tạo đường lối chiến tranh nhân dân, quyết định chủ trương đánh giặc từ “đánh nhanh thắng nhanh” sang “đánh chắc tiến chắc”, hay đề cao mệnh lệnh “thần tốc, thần tốc hơn nữa – táo bạo, táo bạo hơn nữa, tranh thủ từng giờ từng phút xốc tới mặt trận, giải phóng miền Nam. Quyết chiến và toàn thắng”. Tư duy về chỉ đạo, phát triển nghệ thuật quân sự và trình độ của Đại tướng đã được minh chứng rõ ràng qua hai cuộc kháng chiến cứu nước.
Công lao của Đại tướng Võ Nguyên Giáp góp phần không nhỏ trong quá trình hình thành và phát triển đường lối quân sự của Đảng, từ khởi nghĩa toàn dân đến đấu tranh vũ trang. Có công lao của ông, cách mạng Việt Nam bước sang một trang sử mới từ Tổng khởi nghĩa giành chính quyền, đến chiến thắng Điện Biên Phủ và đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.
Phần 2: Tài năng quân sự xuất chúng, cống hiến đặc biệt xuất sắc cho cách mạng Việt Nam
Đại tướng Võ Nguyên Giáp – vị tướng tài đức song toàn được Đảng và nhân dân ta yêu quý, kính trọng, khâm phục tài năng, nhân cách. Tầm nhìn của Đại tướng với mọi vấn đề đều thể hiện bản lĩnh, trí tuệ tài năng, xuất chúng.
I – Tài năng quân sự
1. Thời kỳ tiền khởi nghĩa
Kể từ khi còn là cậu học sinh ngồi ghế nhà trường, Võ Nguyên Giáp đã thể hiện bản thân là một người có ý chí và biết nghĩ lớn. Hoạt động mang tính chất chính trị đầu tiên của ông là tham gia cuộc vận động đòi ân xá cho chí sĩ Phan Bội Châu năm 1925. Bị chú ý và cho vào danh sách “đen”, Võ Nguyên Giáp bị cho thôi học và trở về quê nhà (An Xá, Lệ Thủy) với vai trò là hạt nhân tích cực trong nhóm đọc báo tiến bộ. Trong thời điểm tham gia Đảng Tân Việt, Võ Nguyên Giáp bắt đầu tiếp xúc với luồng tư tưởng tiến bộ của Nguyễn Ái Quốc và càng ý thức rõ hơn về mặt trận dân chủ và con đường chính trị của mình.
Có thể nói, Võ Nguyên Giáp từ một thanh niên yêu nước trở thành một chiến sĩ cộng sản, hoạt động dưới vỏ bọc của một nhà báo công khai. Ông không ngừng bồi dưỡng tri thức, quan điểm chính trị và nhận thức về cách mạng trên mọi phương diện, đạt đến độ chín của tư duy về lập trường chính trị, về nhận thức lý luận và kinh nghiệm thực tiễn. Quá trình chuyển biến từ một thanh niên yêu nước đến người chiến sĩ cộng sản của Võ Nguyên Giáp chính là sự chuyển biến từ chủ nghĩa yêu nước đến với chủ nghĩa cộng sản, mà động lực chính là khát vọng tự do, giải phóng dân tộc, đem lại hạnh phúc, ấm no cho nhân dân.
Chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ, Đảng Cộng sản rút vào hoạt động bí mật. Tháng 6-1940, Võ Nguyên Giáp gặp lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và cũng chính từ thời khắc đó, Nguyễn Ái Quốc trở thành người có ảnh hưởng lớn đến cuộc đời và sự nghiệp của Võ Nguyên Giáp.
Được Nguyễn Ái Quốc giao nhiệm vụ làm công tác vận động quần chúng, xây dựng tổ chức cách mạng ở căn cứ địa, Võ Nguyên Giáp hăng hái mở nhiều lớp huấn luyện quần chúng, đi đến nơi đâu ông cũng được người dân quý mến bởi tính cách gần gũi, giản dị và chan hòa cùng nhân dân. Ông còn tìm hiểu về văn hóa, phong tục tập quán và thậm chí cả tiếng nói của người bản địa để dễ dàng truyền đạt lý luận cách mạng và các bài giảng cho người dân nơi miền ngược.
Trong suốt quãng thời gian sống và làm việc tại Trung Quốc, đồng chí Võ Nguyên Giáp tiến hành xâm nhập thực tiễn tình hình, tham gia hoạt động báo chí tuyên truyền, vận động cách mạng và tố cáo tội ác của Pháp. Bên cạnh đó, ông tham gia một số tổ chức, kết nối các mối quan hệ, tăng sự hiểu biết, tạo điều kiện thuận lợi cho cách mạng Việt Nam, đồng thời ông cũng trở thành trợ lý đắc lực của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, tham gia biên soạn tài liệu và trực tiếp đào tạo, bồi dưỡng lý luận cách mạng cho cán bộ, cùng với việc là cầu nối hoạt động cách mạng trong và ngoài nước. Việc tích cực hoạt động trong những tháng ngày xa Tổ quốc của Võ Nguyên Giáp không chỉ là hành trang cho sự nghiệp cách mạng của chính ông mà còn là sức mạnh tổng hợp, là tiền đề quan trọng cho Cách mạng Tháng Tám năm 1945.
Không chỉ vậy, đồng chí Võ Nguyên Giáp còn được Chủ tịch Hồ Chí Minh tin tưởng giao phó nhiệm vụ tổ chức quân đội Nam tiến nhằm phát triển giao thông, tạo thế liên hoàn chiến đấu giữa Cao Bằng và Bắc Sơn – Võ Nhai. Phong trào Nam tiến này không những xây dựng được một hành lang chính trị mà còn tổ chức được nhiều đội tự vệ, vũ trang, tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương chớp lấy thời cơ giành chính quyền, góp phần không nhỏ vào việc tổ chức, kiến tạo “Thủ đô Khu Giải phóng” ở Tân Trào. Quá trình hoạt động tích cực, chủ động, sáng tạo, linh hoạt của đồng chí Võ Nguyên Giáp thời kỳ chuẩn bị khởi nghĩa vũ trang giành chính quyền khẳng định năng lực, tài trí, phẩm chất cao đẹp của Võ Nguyên Giáp, một nhà cách mạng tiền bối xuất sắc của Đảng và nhân dân ta.
Việc thành lập đội quân chủ lực đã in đậm dấu ấn vai trò của Võ Nguyên Giáp – người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong một đêm mùa đông năm 1944, hai bộ óc thiên tài vĩ đại đã cùng phác ra kế hoạch thành lập một đội quân chủ lực bắt nguồn từ nhân dân.
Suy xét trên mọi phương diện, từ thành phần nhân lực, tên gọi của đội, vũ khí, trang bị, phương pháp duy trì tổ chức, chiến thuật, hậu cần, phương châm cho đến địa điểm tổ chức đều được chuẩn bị kỹ lưỡng. Ngày 22-12-1944, đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân được thành lập. Sau ngày thành lập, Đội đã giành chiến thắng giòn giã ở hai trận Phai Khắt và Nà Ngần, mở ra truyền thống đánh thắng trận đầu vẻ vang của quân đội ta.
Năm 1945, đồng chí Võ Nguyên Giáp đã thống nhất Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân và Cứu quốc quân thành “Việt Nam giải phóng quân” – tổ chức quân sự có chỉ huy thống nhất phối hợp với tự vệ, nhân dân chiến đấu mở rộng vùng giải phóng, sẵn sàng tiến lên Tổng khởi nghĩa giành chính quyền.
Trong khi cả nước đang chờ thời cơ đến (nửa đầu năm 1945) và tiến hành đấu tranh tự giác ở khắp nơi, thì Việt Bắc cũng như một rừng lửa khi quân giải phóng tiến công đánh địch, mở rộng được những vùng đất đai rộng lớn. Tháng 8-1945, chớp được thời cơ ngàn năm có một, thi hành mệnh lệnh của Ủy ban khởi nghĩa, Tư lệnh Võ Nguyên Giáp đọc quân lệnh, hạ lệnh xuất quân, cả nước đứng lên tổng khởi nghĩa. Ngày 2-9-1945, tại quảng trường Ba Đình rợp bóng cờ hoa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
2. Kháng chiến chống Pháp
Pháp vẫn không từ bỏ âm mưu cướp nước ta. Trước tình hình đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến. Trung ương Đảng lại tiếp tục chọn Việt Bắc làm ATK, là nơi ở và làm việc của cơ quan đầu não kháng chiến. Tại đây đồng chí Võ Nguyên Giáp đã tham mưu cho Trung ương Đảng, Bộ Chính trị đề ra các chủ trương đúng đắn, trực tiếp đề ra các chiến cuộc, chỉ huy các chiến dịch lớn nhỏ để thay đổi cục diện chiến tranh, tiến tới kết thúc thắng lợi trong kháng chiến chống Pháp.
Sau Cách mạng tháng Tám, Chính quyền non trẻ mới ra đời đã rơi vào tình thế ngặt nghèo, ngàn cân treo sợi tóc, cùng lúc phải đối phó với nhiều kẻ thù nguy hiểm. Đối với lực lượng Công an nhân dân, Đại tướng Võ Nguyên Giáp luôn bày tỏ sự quan tâm và thể hiện tình cảm đặc biệt. Trong những ngày đầu thành lập Chính phủ lâm thời, Đại tướng đã chỉ đạo lực lượng công an đấu tranh phản cách mạng, bảo vệ chính quyền non trẻ. Không chỉ vậy, Đại tướng còn quan tâm chỉ đạo, xây dựng lực lượng Công an nhân dân về chính trị, tổ chức gắn bó với nhân dân, dựa vào nhân dân để chiến đấu, thiết lập mối quan hệ mật thiết giữa Quân đội nhân dân và Công an nhân dân. Hình ảnh Đại tướng là nguồn sức mạnh nâng bước cho toàn lực lượng công an nhân dân phấn đấu vì lý tưởng vĩ đại trong mọi thời kỳ.
Đáp lại các bức tối hậu thư và những hành động ngang ngược, bội ước Hiệp định sơ bộ của Pháp, Bác Hồ đã phát đi “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến”. 20h ngày 19-12-1946, Bộ trưởng Võ Nguyên Giáp phát lệnh chiến đấu cho quân và dân cả nước, đầu tiên là Thủ đô Hà Nội. Thực hiện theo chỉ đạo Tổng chỉ huy Võ Nguyên Giáp, quân và dân Thủ đô đã chiến thắng hàng trăm trận, tiêu diệt nhiều sinh lực địch, mở rộng địa bàn hậu phương, tạo điều kiện thuận lợi cho ta tự tin bước vào cuộc kháng chiến chống Pháp ròng rã 9 năm trời.
Pháp bắt đầu tấn công vào Nam Bộ. Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trương xây dựng quân đội, thành lập chiến khu trên cả nước. Đồng chí Võ Nguyên Giáp khi ấy được cử vào Nam Trung Bộ nhằm nghiên cứu xem xét các chiến trường, đồng thời cổ vũ, động viên quân và dân miền Nam giữ vững tinh thần chiến đấu, phát động chiến tranh du kích. Chuyến đi Nam Trung Bộ của đồng chí Võ Nguyên Giáp là cơ sở quan trọng đã góp phần hoạch định chiến lược phát triển chiến tranh du kích cho cuộc kháng chiến chống Pháp nhiều năm sau đó.
Thực hiện lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến và sự chỉ đạo của Tổng chỉ huy Võ Nguyên Giáp, quân và dân Bình Trị Thiên đã nổ súng chiến đấu và giành được nhiều thắng lợi vẻ vang, đánh bại cuộc tiến công của địch ở Quảng Bình, Quảng Trị, buộc địch phải giới hạn phạm vi kiểm soát của chúng.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp mở “Cuộc vận động luyện quân lập công mùa hè” năm 1948, quân và dân Bình Trị Thiên mở rộng hoạt động đánh địch khắp nơi, Pháp buộc phải phân tán lực lượng để đối phó. Tiếp đó, ta mở các đợt tác chiến lớn ở Bình – Trị - Thiên, trong đó nhấn mạnh tập trung lực lượng và đẩy mạnh chiến tranh du kích.
Thu đông 1947, Pháp mở một cuộc hành binh quy mô lớn, từ số lượng binh lính đến tàu xe, vũ khí tiến vào Đông Dương. Tuy nhiên kế hoạch của chúng không thực hiện được, Pháp buộc phải rút khỏi Việt Bắc sau chiến dịch Thu đông. Một trong những nguyên nhân dẫn đến thắng lợi của ta là áp dụng phương châm tác chiến chính xác, phát huy được sức mạnh của chiến tranh nhân dân, hạn chế được uy lực vũ khí, phương tiện và khả năng tác chiến của địch, đây là quá trình trăn trở, nghiên cứu và tìm tòi phương pháp tác chiến phù hợp với lực lượng vũ trang của ta trong giai đoạn đầu kháng chiến của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Tổng chỉ huy Võ Nguyên Giáp đã đề xuất với Chủ tịch Hồ Chí Minh về phương châm “đại đội độc lập, tiểu đoàn tập trung”. Phương châm này được nêu ra là vô cùng đúng đắn với hoàn cảnh lúc bấy giờ, Pháp bắt đầu nhảy dù xuống Bắc Kạn, chuẩn bị cuộc tiến công vào Việt Bắc. Tuy nhiên, địch không thể lường trước được số phận của chúng khi ta đang đẩy mạnh chiến tranh du kích. Hoạt động tác chiến du kích thực sự có hiệu quả khi ta lần lượt phá tan tinh thần và sức lực chiến đấu của quân địch. Cách đánh du kích là nét đặc sắc của nghệ thuật quân sự, ta nhanh chóng xoay chuyển được tình hình chiến trận, nhanh chóng giành được thế chủ động. Đây chính là sự chỉ đạo tài tình, óc sáng tạo của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ông luôn nghiên cứu từ những thực tiễn trên chiến trường để đưa ra giải pháp khoa học, đúng đắn các tình huống chiến lược, chiến thuật.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhấn mạnh, dân quân tự vệ là lực lượng không thể thiếu được trong ba thứ quân, đây chính là lực lượng nòng cốt trong phong trào toàn dân đánh giặc suốt cuộc kháng chiến chống Pháp xâm lược. Trên thực tế, dân quân tự vệ và dân quân du kích đã làm nhiệm vụ phá tề, trừ gian, bảo vệ chính quyền cơ sở, xây dựng và bảo vệ hậu phương rộng lớn của cuộc kháng chiến; hỗ trợ, phối hợp với bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương tham gia những chiến dịch lớn tiêu diệt từng bộ phận sinh lực quan trọng của địch ngay trong lòng địch.
Chiến tranh phát triển, lực lượng dân quân tự vệ càng giữ vai trò quan trọng. Ngoài việc phối hợp với lực lượng vũ trang, dân quân tự vệ kiêm thêm nhiệm vụ chi viện, tiếp tế, cung cấp tin tức về địch, đảm bảo an toàn cho bộ đội, lực lượng dân quân tự vệ còn là nguồn bổ sung, xây dựng phát triển bộ đội chủ lực ở các địa phương, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của cuộc kháng chiến trường kỳ.
Mặt khác, Đại tướng Võ Nguyên Giáp luôn coi trọng việc củng cố, nâng cao chất lượng tổ chức, trình độ, đẩy mạnh chiến tranh du kích ở vùng sau lưng địch. Đồng thời, ông cũng chỉ chỉ đạo chặt chẽ việc tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy đảng địa phương, các ngành, đối với công tác xây dựng, phát triển lực lượng dân quân tự vệ hùng hậu trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.
Chiến cuộc Đông Xuân 1953-1954 là khoảng thời gian vô cùng khó khăn khi trực tiếp Đại tướng Võ Nguyên Giáp sẽ là tổng chỉ huy. Địch nhảy dù xuống Điện Biên Phủ và quyết định biến nơi đây thành tập đoàn cứ điểm mạnh nhất Đông Dương khi ấy, Điện Biên Phủ trở thành pháo đài bất khả xâm phạm. Chúng tập trung dồn lực lượng cực mạnh tại đây. Tình huống hiểm nghèo đặt ra trước mắt ta. Nếu cứ tiếp tục theo phương châm “đánh nhanh, thắng nhanh”, liệu ta có giành được thắng lợi hay không?
Câu hỏi trên đã hướng Đại tướng Võ Nguyên Giáp đi đến quyết định mà ông cho là “khó khăn nhất cuộc đời”, khi thời gian nổ súng chỉ còn tính bằng ngày. Đến giờ phút quyết định, sau nhiều đêm trăn trở, băn khoăn, Đại tướng quyết định chuyển hướng sang một phương châm mới: đánh chắc, tiến chắc.
Phương châm mà Đại tướng đề xuất bắt buộc địch phải phân tán lực lượng, mỗi đợt tiến công, ta sẽ tập trung ưu thế binh hỏa lực, tiêu diệt một hay một số cứ điểm đề kháng của địch, hình thành và thắt chặt vòng vây, hạn chế và đi đến triệt hẳn nguồn tiếp tế, tiếp viện của địch, tiến tới tiêu diệt toàn bộ tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.
Sau 56 ngày đêm chiến đấu ngoan cường, quân ta đã giành chiến thắng. Chiến thắng Điện Biên Phủ không những để lại ý nghĩa lịch sử vô cùng to lớn mà còn là bài học kinh nghiệm vàng, đúc kết lại tài thao lược và nghệ thuật tác chiến của bậc thầy quân sự Võ Nguyên Giáp. Quyết định khó khăn nhất cuộc đời lại chính là hướng đi đúng đắn, góp phần làm nên thắng lợi lịch sử, hoàn thành sự nghiệp kháng Pháp của quân và dân ta.
3. Kháng chiến chống Mỹ
Năm 1961, Bộ Quốc phòng đề xuất với Bộ Chính trị và Bác Hồ mở đường chi viện trên biển, nhằm chi viện vũ khí, đạn dược, thuốc men cho chiến trường miền Nam sau khi đã nghiên cứu tình hình đường thủy dọc từ Bắc vào Nam, cũng như lợi thế của một đất nước có đường bờ biển dài rộng. Số lượng vũ khí vận chuyển tăng gấp 2 lần thời gian trước đó vận chuyển bằng đường bộ. Đây chính là quyết định sáng suốt, là sự sáng tạo của Đảng trong nghệ thuật tiến hành chiến tranh giải phóng, trong đó có sự góp mặt của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Không chỉ sáng tạo và đưa ra quyết sách sử dụng đường Hồ Chí Minh trên biển trong kháng chiến chống Mỹ, mà Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng dốc lòng quan tâm, chỉ đạo phương thức hoạt động của “đoàn tàu không số”, đặc biệt là trong thời kỳ chiến tranh chống Mỹ đang diễn ra vô cùng ác liệt. trải qua bao gian nan khổ cực, con đường vận chuyển vẫn luôn được khai thông, góp phần làm nên chiến thắng của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.
Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Đại tướng Võ Nguyên Giáp khẳng định rõ hình thức của ba thứ quân và nhiệm vụ chiến lược của từng thứ quân, trong đó trọng tâm là xây dựng, củng cố lực lượng bộ đội chủ lực vững chắc. Đồng thời, lực lượng vũ trang ba thứ quân phải củng cố vững vàng về mặt chính trị. Song song với đó, cơ sở vật chất kỹ thuật cũng phải được tăng cường, chú trọng huấn luyện, nâng cao sức mạnh chiến đấu của lực lượng vũ trang ba thứ quân.
Phương châm chiến lược chính được xác định trong thời kỳ chống Mỹ là đánh lâu dài, đánh toàn diện, tự lực cánh sinh, tranh thủ chi viện của các nước xã hội chủ nghĩa. Kế hoạch trên đã góp phần làm tăng cường khả năng phòng thủ ở miền Bắc được vững chắc. Bởi vẫn còn tồn đọng một số hạn chế nên Đại tướng đã chỉ đạo quân đội tiếp tục nghiên cứu, xây dựng kế hoạch chặt chẽ, toàn diện và sát với thực tế, có phương án đối phó trước đối phương mạnh, dẫn tới giành được chiến thắng sau cùng.
Đồng thời, Đại tướng tăng cường chỉ đạo, khẩn trương triển khai chiến tranh nhân dân, cũng như động viên toàn dân tích cực tham gia công tác phòng không chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ. Hội nghị Paris được lập lại, đã tạo điều kiện cho miền Bắc Việt Nam tiếp tục sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và chi viện cho các chiến trường miền Nam. Những chỉ đạo sáng suốt và đúng đắn của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã giúp công tác phòng thủ ở miền Bắc được tiến hành một cách đầy đủ và toàn diện; giúp quân và dân miền Bắc đánh thắng hai cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân của Mỹ, giữ vững vị trí của miền Bắc trong công cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Sau chiến thắng của chiến dịch phòng không năm 1972, Hiệp định Paris được ký kết. Kế hoạch chiến lược giải phóng miền Nam được soạn thảo, chỉnh lý và bổ sung; Quân ủy Trung ương và Tổng hành dinh đã có nhiều cuộc họp bàn. Đồng chí Võ Nguyên Giáp và đồng chí Văn Tiến Dũng thống nhất việc chọn hướng tiến công chiến lược mở đầu thực hiện kế hoạch giải phóng miền Nam là Nam Tây Nguyên. Với đòn đột phá Buôn Ma Thuột trong chiến dịch Tây Nguyên, Mỹ bị điểm huyệt, ta nhằm đó mà kiến tạo được hai chiến dịch tiếp nối là Trị Thiên – Huế và Đà Nẵng cũng giành được thắng lợi.
Sau chiến thắng giòn giã ở Buôn Ma Thuột, cục diện chiến trường miền Nam có những chuyển biến mau lẹ. Bộ Chính trị hạ quyết tâm nắm vững thời cơ, hành động táo bạo bất ngờ khiến địch không kịp trở tay, hoàn thành nhiệm vụ giải phóng Sài Gòn trước mùa mưa. Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã ra mệnh lệnh chỉ đạo các cánh quân thần tốc, Chiến dịch Hồ Chí Minh bắt đầu, cả Sài Gòn dậy sóng, đập tan mọi sự chống cự của địch, hoàn thành công cuộc giải phóng miền Nam.
Một số sĩ quan phương Tây khi tiếp xúc với Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã có những dự cảm về tầm vóc của một nhà lãnh đạo lớn. Họ biết được rằng đằng sau một gương mặt điềm đạm, một người đàn ông có phần giản dị và chất phác lại là một bức tường thành cứng rắn khó lòng rung chuyển. Cho đến một ngày, thế giới chấn động với chiến thắng Điện Biên Phủ ở vùng sơn cước nơi xứ sở Việt Nam nhỏ bé, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Pháp đã phải thú nhận nguyên nhân thất bại cũng như khâm phục năng lực bậc thầy quân sự, tài cầm quân của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Peter Macdonald – nhà sử học quân đội Hoàng gia Anh nhận xét Tướng Giáp là một vị tướng vô cùng đặc biệt, từ trong những hoàn cảnh hiểm nghèo và khó khăn nhất, ông cũng có thể lãnh đạo đánh thắng mọi cuộc chiến từ Nhật đến Pháp, Mỹ và đập tan chế độ diệt chủng.
Thượng tướng Khiupenen Anatoly Ivanovich, Giáo sư, Tiến sĩ khoa học quân sự người Nga khẳng định: “Đại tướng Võ Nguyên Giáp xứng đáng là niềm tự hào của dân tộc Việt Nam. Vai trò của ông là rất lớn. Có thể coi ông là “cánh tay phải của Chủ tịch Hồ Chí Minh” trong việc xây dựng lực lượng “Bộ đội Cụ Hồ” - lực lượng mà sau đó đã giành được chiến thắng lẫy lừng trước người Pháp trong trận chiến Điện Biên Phủ; vai trò của tướng Giáp đương nhiên là rất to lớn trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước làm nên Chiến thắng lịch sử ngày 30/4/1975”.
Tên tuổi và nhân cách của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã in sâu trong tâm trí người dân nước ngoài, đặc biệt là các vị tướng cùng các học giả tây phương, Tướng Giáp không chỉ là vị tướng huyền thoại trong lòng nhân dân Việt Nam, mà còn là thiên tài quân sự được cả thế giới phải trân trọng và khâm phục.
Trong mỗi giai đoạn mang tính quyết định của cách mạng Việt Nam, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đều có những chỉ đạo linh hoạt và hiệu quả đối với ngành hậu cần quân đội. Ông luôn quan tâm đến việc chuẩn bị giao thông vận tải, tiếp tế, phối hợp hậu cần với hậu phương và nhân dân, đồng thời làm công tác dân vận phục vụ các chiến dịch.
Trong hai cuộc kháng chiến cứu nước, bằng việc dân vận khéo, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã chỉ đạo được nhân dân hăng hái tăng gia sản xuất, phục vụ chiến dịch, chi viện lương thực, thuốc men, vũ khí, vận chuyển trên mọi nẻo đường từ đường bộ đến đường thủy, từ vận chuyển bằng ô tô, tàu thủy đến sức người kéo pháo vào trận địa. Tuyến đường Hồ Chí Minh với sứ mệnh cao cả chi viện cho các chiến trường đã trở thành con đường huyền thoại, là biểu tượng sinh động của sức mạnh đại đoàn kết, là khát vọng chiến thắng, thống nhất Tổ quốc.
II – Bản lĩnh chính trị
Trong xây dựng quân đội về mọi mặt, Đại tướng Võ Nguyên Giáp luôn quan tâm đến công tác giáo dục chính trị và tư tưởng. Từ những buổi sơ khai, những lớp học bồi dưỡng, nâng cao nhận thức chính trị của Đại tướng đã nhận được sự quan tâm và tham gia của nhiều tầng lớp nhân dân. Những bài giảng của ông đa phần đều lấy dẫn chứng đơn giản, gần gũi với đời sống, để bất cứ người dân nào cũng có thể hiểu được.
Mặt khác, công tác chính trị tư tưởng trong quân đội phải bám sát thực tiễn chiến đấu, bám sát hoạt động của bộ đội để kịp thời cổ vũ động viên, giữ vững ý chí quyết tâm chiến thắng của bộ đội; cũng như phải kịp thời giải quyết những vướng mắc phát sinh, hay những tư tưởng tiêu cực xuất hiện trong quân đội.
Từ các lớp bồi dưỡng nhận thức chính trị nhỏ cho từng nhóm người, đến những trường Chính trị được lập ra, đối với Đại tướng, việc nâng cao công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho đội ngũ cán bộ, chiến sĩ là việc vô cùng quan trọng, nó song hành và có mối quan hệ bền chặt với việc tác chiến trong chiến đấu. Tư tưởng người chiến sĩ cộng sản có vững vàng thì đấu tranh mới giành được chiến thắng.
Quan điểm “Chính trị trọng hơn quân sự” là sự phát triển từ quan điểm của triết học Mác Lênin về vấn đề con người. Để xây dựng lực lượng vũ trang, phải bắt đầu từ việc giáo dục chính trị cho con người, do đó yếu tố chính trị phải được đặt lên hàng đầu. Được Chủ tịch Hồ Chí Minh tín nhiệm giao cho trọng trách xây dựng, chỉ huy Quân đội nhân dân Việt Nam, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã thực hiện xuất sắc nhiệm vụ này. Trước khi huấn luyện quân sự, ông đều chú trọng đến việc giáo dục chính trị trước hết, để anh em hiểu rõ và nhận thức được mục tiêu chiến đấu, sau đó mới bồi dưỡng và huấn luyện về quân sự, nghệ thuật tác chiến.
Trong thế kỷ XX cháy rực, Đại tướng thường xuyên quán triệt quan điểm của Đảng, tư tưởng chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, coi đó là gốc rễ để phát triển mọi hoạt động của quân sự. Đại tướng chủ trương gắn kết hai lực lượng chính trị, quân sự cùng ba thứ quân. Mỗi bước đường của những hoạch định mang tính bước ngoặt, Đại tướng Võ Nguyên Giáp vẫn chủ yếu lấy cái nền tảng là nhân dân, từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu.
Từ một chí sĩ yêu nước trở thành người cộng sản chân chính, cuộc đời cầm quân của Đại tướng Võ Nguyên Giáp gặt hái nhiều những chiến công hiển hách, được coi là “chính ủy của các chính ủy”, được tôi rèn cả về nghiệp võ lẫn nghiệp văn. Đại tướng đã thực hiện xuất sắc tư tưởng chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, từ công tác chính trị, phát triển các tổ chức chính trị làm cơ sở để xây dựng, phát triển lực lượng vũ trang.
Trong việc huấn luyện, bồi dưỡng kiến thức và tầm nhìn đối với cách mạng cho cán bộ chính trị và chiến sĩ ở bất kỳ thời điểm nào, quan điểm của Đại tướng về phát huy nhận thức, vai trò của cán bộ không chỉ có ý nghĩa lịch sử mà còn mang tính thực tiễn sâu sắc. Hòa bình lập lại, Đại tướng Võ Nguyên Giáp vẫn không ngừng chủ trương bồi dưỡng nâng cao phẩm chất chính trị, năng lực và phương pháp, tác phong công tác của đội ngũ chính trị, qua đó củng cố lực lượng vũ trang, để có thể là lực lượng nòng cốt đáp ứng được tất cả những yêu cầu khó khăn trong thời đại mới trên tất cả các phương diện.
III – Đóng góp to lớn trong củng cố, xây dựng các lực lượng trong quân đội
Đối với ngành kỹ thuật quân giới, cùng với phương châm củng cố và phát triển lực lượng quốc phòng trong bất kỳ mọi thời điểm, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đặc biệt quan tâm đến việc chỉ đạo xây dựng ngành quân giới ngày càng lớn mạnh. Trong suốt thời kỳ Chính phủ lâm thời non trẻ cùng lúc phải đối mặt với nhiều kẻ thù nguy hiểm, hưởng ứng “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến”, Đại tướng Võ Nguyên Giáp chỉ rõ nhiệm vụ trước mắt là bảo toàn và củng cố lực lượng, bên cạnh đó là tăng cường sản xuất vũ khí để chuẩn bị cho cuộc kháng chiến sắp bắt đầu.
Đến thời kỳ chống Mỹ, việc sản xuất vũ khí càng được chú trọng hơn khi hậu phương ngày càng được mở rộng, kết hợp chặt chẽ với tiền tuyến để khắc phục những khó khăn về vật chất kỹ thuật trong các chiến trường. Được sự chỉ đạo, dẫn dắt của Trung ương Đảng cũng như được Đại tướng quan tâm phụ trách sát sao, nhiều sản phẩm vũ khí, khí tài tinh xảo đã ra đời, có sức công phá và có giá trị sử dụng rất lớn trong kháng chiến.
Khi đất nước hoàn toàn thống nhất, Đại tướng xác định đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng nền công nghiệp quốc phòng hiện đại, đáp ứng nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới.
Đối với xây dựng lực lượng phòng không, nhận rõ bộ mặt đểu giả, độc ác của đế quốc Mỹ, miền Bắc đã chuẩn bị tư thế sẵn sàng chiến đấu nếu Mỹ leo thang bắn phá miền Bắc. Thực tiễn lịch sử cho thấy, Đại tướng đã chỉ đạo xây dựng lực lượng, thế trận phòng không nhân dân, tổ chức các đội bắn máy bay tầm thấp của lực lượng dân quân tự vệ. Vì vậy, thế trận phòng không nhân dân miền Bắc được phát triển lên một bậc cao mới.
Khi Mỹ nổ súng tại Hà Nội và Hải Phòng vào năm 1967, Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng Quân ủy Trung ương chỉ thị cho các lực lượng vũ trang “Kiên quyết đánh bại các bước leo thang đánh phá bằng không quân, hải quân của địch”. Lực lượng phòng không của ta, các sư đoàn khu vực móc nối chặt chẽ với nhau từ các bộ tư lệnh binh chủng: không quân, tên lửa, ra đa, xây dựng thế trận phòng không nhân dân cùng lực lượng binh chủng hợp thành, đã giáng cho Mỹ nhiều đòn đáp trả mạnh mẽ. Cứ như vậy, ta đi hết thắng lợi này đến thắng lợi khác, đỉnh cao của nghệ thuật tác chiến phòng không là chiến thắng Điện Biên Phủ trên không, bảo vệ vùng trời Thủ đô mùa đông năm 1972.
Sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ cứu nước dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng và Đại tướng Võ Nguyên Giáp, lực lượng phòng không ba thứ quân ngày càng lớn mạnh, thế trận phòng không được xây dựng rộng khắp, đập tan âm mưu phá hoại của đế quốc Mỹ, mở ra thời cơ cho ta tiến tới giải phóng đất nước năm 1975.
Hòa bình lập lại, Quân chủng phòng không tiếp tục được xây dựng và củng cố, huấn luyện, diễn tập thường xuyên để có khả năng sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống bất ngờ, bên cạnh đó cũng thực hiện theo đường lối của Đảng và Nhà nước, đẩy mạnh công tác xây dựng và chỉnh đốn tư tưởng đạo đức, chính trị của cán bộ chiến sĩ phòng không không quân để tự tin hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao.
Với Bộ đội pháo binh, dưới sự chỉ đạo của Đại tướng, lớp lớp cán bộ, chiến sĩ bộ đội pháo binh - lực lượng hỏa lực mặt đất, đã dũng cảm, mưu trí chiến đấu, góp phần vào chiến công chung của cả dân tộc. Đây chính là nét độc đáo và vô cùng đặc biệt trong nghệ thuật tác chiến.
Đánh độc lập của pháo binh được hình thành từ chiến tranh nhân dân. Đó là sử dụng phân đội nhỏ luồn sâu vào lòng địch và đánh hiểm mang lại hiệu suất cao, là lấy ít địch nhiều, lấy yếu đánh mạnh, có gì đánh nấy, đánh rộng khắp và liên tục trên mọi chiến trường.
Đánh hiệp đồng binh chủng là đánh bằng các binh đoàn chủ lực, trong đó, hỏa lực pháo binh góp phần tạo nên sức mạnh tổng hợp của chiến dịch nhờ sự chi viện hỏa lực hiệu quả cho các lực lượng binh chủng hợp thành tác chiến.
Nhìn lại các cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc mới thấy sự trưởng thành, lớn mạnh và sự vận dụng linh hoạt, sáng tạo dưới sự dẫn dắt của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng và Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp. Đặc biệt là ở chiến dịch Điện Biên Phủ, việc kéo pháo vào trận địa là kỳ tích hiếm có trong lịch sử quân sự thế giới, việc chuẩn bị pháo còn phải thay đổi ở phút chót do thay đổi phương hướng tiến công; hoặc ở chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, những đòn tập kích hỏa lực pháo binh đã đạt hiệu quả và mở đường cho các lực lượng khác đồng nhất xông lên chiếm lấy sân bay Tân Sơn Nhất và cuối cùng là cắm được lá cờ chiến thắng trên nóc Dinh Độc Lập.
Sự chăm lo, chỉ đạo của Đại tướng đối với lực lượng pháo binh đã tạo nên một binh chủng pháo binh anh hùng, từ khi thành lập cho đến nay đã luôn luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ, xứng đáng với vai trò là hỏa lực chủ yếu của lục quân và hỏa lực mặt đất chủ yếu của quân đội ta.
Với lực lượng Bộ đội công binh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp luôn sát sao quan tâm chỉ đạo việc xây dựng, củng cố lực lượng công binh. Binh chủng công binh đã thể hiện sức mạnh và sự trưởng thành trong thời điểm Mỹ tiến hành chiến tranh ở miền Nam. Đại tướng cho rằng: “Công binh phải trực tiếp chiến đấu. Trong chiến đấu tiến công thì công binh làm cửa mở, phá rào dây thép gai, phá vật chướng ngại; trong phòng ngự thì đặt mìn, dùng thuốc nổ phá cầu, triệt đường tiếp tế, làm tê liệt giao thông địch.., tất cả những cái đó đều là thủ đoạn chiến đấu của công binh”.
Thất bại trong nhiều chiến dịch, Mỹ tiếp tục cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc lần hai vào năm 1972. Chúng ném bom ở Hải Phòng, Hà Nội và nhiều địa phương ở miền Bắc. Lực lượng công binh lúc này được giao nhiệm vụ cứu sập ở các trọng điểm và rà phá bom mìn. Các đơn vị công binh đã đem hết kỹ thuật, trình độ chuyên môn để góp phần khắc phục những hậu quả nặng nề mà Mỹ để lại tại miền Bắc.
Hòa bình lập lại, lực lượng công binh tiếp tục tiếp tục khẳng định tinh thần mưu trí, dũng cảm, sẵn sàng hy sinh trong việc khắc phục hậu quả do bom mìn còn sót lại trong chiến tranh, mang lại bình yên trong cuộc sống nhân dân.
Với các đơn vị bộ đội, Đại tướng Võ Nguyên Giáp luôn dành sự quan tâm đặc biệt. Trong quá trình xây dựng và củng cố lực lượng vũ trang, ngoài sự dẫn dắt của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, còn có sự chỉ đạo, hướng dẫn tận tình của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Binh chủng đặc công là lực lượng đặc biệt của quân đội. Là đội quân chủ lực trong mọi cuộc chiến, trực tiếp đối đầu với những trở ngại gian nguy, bộ đội đặc công luôn thể hiện được vai trò của đội quân đứng đầu trong tác chiến của quân đội. Theo quan điểm của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, bộ đội đặc công phải nâng cao rèn luyện, vừa học tập vừa chiến đấu, rút kinh nghiệm để nâng cao trình độ. Chỉ thị của Đại tướng về xây dựng bộ đội đặc công chính là lời căn dặn, yêu câu và cũng là mục tiêu phấn đấu của đội ngũ cán bộ, chiến sĩ đặc công chống diễn biến hòa bình của kẻ thù, cũng như đáp ứng các nhiệm vụ quan trọng được giao trong thời kỳ mới.
Với bộ đội chủ lực Tây Nguyên cùng những chiến thắng giòn giã ở chiến dịch Tây Nguyên, Đại tướng Võ Nguyên Giáp càng thể hiện tầm nhìn chiến lược, sự vận dụng đúng đắn, sáng tạo, thấm nhuần đường lối quân sự của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Hơn nữa chiến dịch Tây Nguyên thắng lợi còn để lại ý nghĩa lịch sử vô cùng quan trọng về nghệ thuật tác chiến, đó là việc tiêu diệt sinh lực địch, đập tan âm mưu co cụm tập trung giữ đồng bằng của địch, góp phần công sức không nhỏ vào sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Với lực lượng vũ trang Thủ đô, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đặc biệt coi trọng vai trò của lực lượng tự vệ thành và hết sức chú ý để không mắc mưu kẻ địch. Đại tướng thấu hiểu rõ những thuận lợi và khó khăn của Trung đoàn Thủ đô nên đã đề xuất nhiều biện pháp đi đôi với tổ chức thực hiện từng bước vượt qua những hoàn cảnh hiểm nghèo, từ ngày nghe lệnh toàn quốc kháng chiến tới ngày Tổ quốc giành độc lập, thống nhất. Đỉnh cao là trong chiến dịch Điện Biên Phủ trên không, lực lượng vũ trang Thủ đô đã lập chiến công oanh liệt, bắn B52 trên bầu trời Hà Nội, thực hiện tốt mục tiêu tiêu hao, tiêu diệt sinh lực tinh nhuệ của địch, khiến Nixon phải quay lại bàn đàm phán tại Hội nghị Paris.
IV – Nghệ thuật quân sự
1. Tư tưởng tích cực chủ động trong tác chiến
Trong quá trình đấu tranh giải phóng dân tộc, Đại tướng Võ Nguyên Giáp luôn coi trọng tư tưởng tích cực chủ động trong tác chiến, vì đây là nền tảng để đề ra những quyết sách chỉ đạo đúng đắn, góp phần quan trọng vào thắng lợi của cách mạng dân tộc.
Điều kiện tiên quyết của việc chủ động trong tác chiến vẫn là quán triệt đường lối của Đảng, chỉ thị của Bác Hồ. Thứ hai là phải “biết người, biết ta”, có nghĩa là phân tích kỹ lưỡng về mọi mặt của lực lượng ta và địch, những thuận lợi và khó khăn về địa hình, thời tiết, khí tượng, quy luật tác chiến, từ đó đưa ra cách đánh phù hợp, bảo toàn lực lượng tối đa. Thứ ba, đánh đòn điểm huyệt, tấn công vào nhiều hướng, quyết tâm thay đổi cục diện trên chiến trường và nhanh chóng đi đến thắng lợi.
Được Bác Hồ tin tưởng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp luôn thực hiện xuất sắc những nhiệm vụ được giao. Từ những đêm trằn trọc để đưa ra quyết định khó khăn nhất cuộc đời mình trong chiến cuộc Đông – Xuân 1953-1954, cho đến những mệnh lệnh trong những chiến dịch mang tính bước ngoặt, Đại tướng Võ Nguyên Giáp luôn cho thấy ông là một vị chỉ huy sáng suốt, bậc thiên tài về nghệ thuật quân sự, luôn biết tạo thời cơ và chớp lấy thời cơ, để quân dân và chiến sĩ ngoài mặt trận đồng tâm hiệp lực đánh giặc, giải phóng đất nước.
2. Công tác huấn luyện chiến đấu
Tài năng quân sự của Đại tướng Võ Nguyên Giáp được thể hiện ở nhiều lĩnh vực. Một lĩnh vực quan trọng trong số đó là công tác huấn luyện chiến đấu. Ngay từ những ngày đầu vận động đấu tranh giành chính quyền, Đại tướng đã trực tiếp tổ chức xây dựng Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, tập trung huấn luyện để Đội trở thành lực lượng chủ lực của Quân đội nhân dân Việt Nam.
Trong quá trình xây dựng và phát triển, cũng như trong suốt những năm tháng chiến tranh cứu nước, Đại tướng chú trọng đến việc củng cố khối đại đoàn kết nội bộ, đoàn kết quân dân và đoàn kết quốc tế; thường xuyên chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của bộ đội, tổ chức huấn luyện chính trị gắn chặt với rèn luyện, không ngừng nâng cao bản lĩnh và ý chí chiến đấu, trình độ kỹ thuật, chiến thuật cũng như rèn luyện kỷ luật cho lực lượng vũ trang ba thứ quân.
Sau mỗi trận đánh, mỗi chiến dịch, chiến cuộc, Đại tướng thường tổ chức cuộc họp để bàn bạc, thảo luận và rút ra những bài học kinh nghiệm về nghệ thuật tác chiến, nâng cao sức mạnh chiến đấu cho mọi lực lượng, hoàn thành hai nhiệm vụ cơ bản là bảo vệ Tổ quốc và xây dựng chủ nghĩa xã hội.
3. Xây dựng vũ trang quần chúng và hậu phương chiến tranh
Hoạt động cách mạng quần chúng đầu tiên của Đại tướng Võ Nguyên Giáp được thực hiện khi ông mới còn là chàng thiếu niên trẻ tuổi ngồi trên ghế nhà trường. Sau này, vừa là nhà giáo, nhà báo lỗi lạc, đồng thời cũng là học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ông càng nhận thức rõ vai trò của quần chúng nhân dân đối với cách mạng và các cao trào đấu tranh giải phóng dân tộc. Vì thế, khi ở cương vị của vị chỉ huy, ông đã đề ra đường lối đấu tranh vô cùng sáng tạo, sinh động và hiệu quả, đạt đến đỉnh cao của nghệ thuật quân sự Việt Nam.
Bên cạnh đó, Đại tướng Võ Nguyên Giáp thấu hiểu hơn ai hết phương ngôn “Từ nhân dân mà ra”, mọi hoạt động cho cách mạng, từ nâng cao trình độ, nhận thức về chính trị cho đến huấn luyện quân sự, chuẩn bị vũ khí, khí tài, cùng việc tiếp tế nhu yếu phẩm cần thiết để đưa vào các chiến trường không thể không có sự giúp sức của quần chúng nhân dân. Vì vậy vai trò của hậu phương nhân dân đối với cách mạng là vô cùng quan trọng. Nó không chỉ thể hiện tình yêu nước trong lòng mỗi người dân Việt Nam, mà còn là biểu tượng của khối đại đoàn kết dân tộc. Hậu phương vững chắc là một nhân tố quan trọng, quyết định thắng lợi trong chiến tranh cách mạng. Việc xây dựng nền quốc phòng toàn dân, toàn diện, độc lập tự cường, từng bước hiện đại chính là phương châm cơ bản của sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc.
Phần 3: Sáng ngời tấm gương đạo đức cách mạng
Đại tướng Võ Nguyên Giáp trước hết là tấm gương sáng về một con người “dĩ công vi thượng”: Sinh ra trong một gia đình nhà nho yêu nước, ở một làng quê giàu truyền thống cách mạng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp không ngừng học tập và rèn luyện để trở thành nhà lãnh đạo kiệt xuất, có những đóng góp to lớn cho cách mạng Việt Nam trên con đường giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.
Ở bất kỳ vị trí, cương vị nào, Đại tướng cũng gương mẫu thực hiện lời căn dặn của Hồ Chủ tịch: “dĩ công vi thượng” – có nghĩa là phải đặt lợi ích chung của đất nước, của đồng bào lên trên hết, toàn tâm toàn ý dốc sức vì sự nghiệp độc lập và chủ nghĩa xã hội; hơn nữa không được lợi dụng chức quyền để làm tổn hại cho dân cho nước.
Thực tế cho thấy, trong suốt cả cuộc đời cầm quân, Đại tướng Võ Nguyên Giáp luôn trăn trở làm thế nào để có được phương pháp, hình thức đấu tranh cách mạng, tác chiến khoa học, phù hợp để phát huy tối đa sức mạnh nhân tố con người, giành được thắng lợi to lớn nhất, nhưng hạn chế đến mức thấp nhất những tổn thất về nhân lực, vật lực của cách mạng, của cán bộ, chiến sĩ. Đó chính là thể hiện tinh thần và hành động “Dĩ công vi thượng”, tận trung với nước, tận hiếu với dân, dốc lòng phụng sự Tổ quốc.
Trọn vẹn cuộc đời chiến đấu, hy sinh cho nước, cho dân, nhân cách Đại tướng Võ Nguyên Giáp toát lên tinh thần nhân văn cao cả, lấp lánh trí tuệ anh minh, tỏa sáng phẩm cách thanh cao, hết lòng vì nước, vì dân. Tên tuổi, cuộc đời và sự nghiệp của nhà quân sự tài ba, mẫu mực Võ Nguyên Giáp đã được tôn vinh, ghi trong cuốn “Danh nhân Văn hóa thế giới”, mãi mãi đi vào huyền thoại dân tộc là bậc thánh nhân thời đại Hồ Chí Minh. Văn hóa quân sự nhân văn Võ Nguyên Giáp không chỉ có giá trị tầm quốc gia, trong chiến tranh nhân dân giải phóng dân tộc Việt Nam, mà còn lan tỏa, ảnh hưởng sâu rộng ở tầm quốc tế, là một trong những vĩ nhân có ảnh hưởng lớn nhất trong thế kỷ XX.
Văn hóa quân sự Võ Nguyên Giáp góp phần nuôi dưỡng, bồi đắp, làm giàu thêm giá trị văn hóa quân sự nhân văn Việt Nam thời kỳ mới; mãi mãi là tài sản tinh thần vô giá của dân tộc ta, nhân dân và quân đội ta. Văn hóa quân sự, cuộc đời, sự nghiệp tài ba và đức độ của Đại tướng mãi mãi là niềm tự hào, niềm tin, sức sống văn hóa quân sự của cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng.
Là một vị tướng có tầm nhìn xa trông rộng, nhưng cũng biết nhìn gần, biết đến những vấn đề nhỏ nhất để đảm bảo cho lợi ích của nhân dân, đất nước, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã có những chỉ đạo đúng đắn, kịp thời trong việc phân bổ các lực lượng chiến đấu, giữ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc anh hùng. Dưới sự chỉ đạo tài tình của Đại tướng, quân đội ta càng đánh càng mạnh, chiến thắng giòn giã của quân đội nhân dân Việt Nam không thể không nhắc đến Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp; quân đội cùng nhân dân cả nước vừa kháng chiến, vừa kiến quốc, quân đội gắn bó máu thịt với nhân dân. Chính từ sức mạnh đoàn kết này đã tạo nên chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.
Bước sang kháng chiến chống Mỹ, nhân dân miền Bắc vừa đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội, vừa là hậu phương vững chắc chi viện cho các chiến trường ở miền Nam. Đại tướng tiếp tục chỉ đạo quân đội “dựa chắc vào nhân dân”, tạo sức mạnh để tiến tới giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Ở miền Nam, quân đội kết hợp với nhân dân các vùng tạm chiếm đẩy mạnh chiến tranh vũ trang và đấu tranh chính trị, chống lại kế hoạch bình định miền Nam đẫm máu. Thực tiễn lịch sử đã chứng minh, sức mạnh đại đoàn kết dân tộc là sợi chỉ đỏ xuyên suốt mấy chục năm kháng chiến, dẫn đến ngày thống nhất Tổ quốc.
Với 103 tuổi đời, hơn 80 năm hoạt động cách mạng, hơn ai hết, Đại tướng Võ Nguyên Giáp thấu hiểu sâu sắc tư tưởng nhân văn, hòa bình của dân tộc Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh. Đại tướng gắn liền phần lớn cuộc đời mình với các mốc son chói lọi của lịch sử dân tộc. Trong chiến tranh, Đại tướng luôn coi trọng và đặt tính mạng của chiến sĩ lên hàng đầu, ông luôn suy xét và trăn trở làm thế nào để giảm thiểu tối đa nhất việc thương vong, hy sinh xương máu cho binh lính. Hòa bình lập lại, Đại tướng cũng là anh hùng trong việc chủ trương khép lại quá khư đau thương và mất mát, hướng mọi người tới một tương lai hòa bình và tốt đẹp. Tình cảm và thiện chí tốt đẹp của Đại tướng một lần nữa khẳng định khát vọng hòa bình của dân tộc, hơn thế nữa là tiếp bước truyền thống vị tha, cao cả cuộc các bậc tiền bối: “Đem đại nghĩa để thắng hung tàn/ Lấy chí nhân để thay cường bạo”.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp chưa từng viết về mình, nhưng những di sản ông để lại cho đất nước, cho nhân dân thì còn mãi. Nhân dân, Tổ quốc ta và cả bạn bè quốc tế luôn nhớ về ông với một tình cảm, sự ngưỡng mộ và lòng thành kính đặc biệt. Hình ảnh Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp – Anh Văn – người Anh Cả của Quân đội nhân dân Việt Nam sẽ còn sống mãi với non sông, đất nước, nhân dân và bạn bè thế giới. Thế hệ trẻ Việt Nam ngưỡng mộ, biết ơn và coi Đại tướng là ánh sáng của niềm tin soi sáng tương lai của đất nước.