Có một Triết gia phát biểu rằng, thế giới vô cùng đơn giản và con người có thể hạnh phúc ngay lúc này. Không thể chấp nhận quan điểm đó, một người trẻ tuổi đã tới gặp để hỏi rõ ông thực sự nghĩ gì bởi trong mắt chàng thanh niên, thế giới mang đầy mâu thuẫn, không hề có hạnh phúc.
Qua hình thức câu chuyện "cuộc đối thoại giữa Chàng thanh niên và Triết gia, Dám bị ghét tóm tắt tư tưởng của Alfred Adler (tâm lý học Adler), người được mệnh danh là một trong "ba người khổng lồ của tâm lý học" sánh ngang với Freud và Jung. Tâm lý học Adler đưa ra câu trả lời rất đơn giản và cụ thể cho câu hỏi mang tính triết học "Làm thế nào để con người sống hạnh phúc?"
ĐÊM THỨ NHẤT: Hãy phủ nhận sang chấn tâm lý
Tâm lý học Adler nghĩ về mục đích trong hiện tại chứ không phải về nguyên nhân trong quá khứ, và trình bày nó trong “thuyết mục đích”. Thuyết này cho rằng, con người có thể thay đổi mà không phụ thuộc vào các nguyên nhân trong quá khứ.
Tâm lý học Adler phủ nhận hoàn toàn sang chấn tâm lý. Chúng ta không đau khổ vì những cú sốc trong trải nghiệm của bản thân - cái được gọi là sang chấn tâm lý - mà sự thực là từ những trải nghiệm ấy chúng ta tìm ra những điều phù hợp với mục đích của mình! Con người không được tạo ra bởi trải nghiệm của bản thân trong quá khứ, mà bởi ý nghĩa chúng ta gán cho những trải nghiệm đó. Như vậy cho dù trong quá khứ đã xảy ra chuyện gì đi chăng nữa thì ta vẫn có cách sống để không bị quá khứ chi phối.
Nếu ai đó thấy bất hạnh, là vì chính mình đã chọn lấy “bất hạnh”. Lối sống là kết quả do mình chủ động lựa chọn. Tất nhiên, không ai có thể chọn lựa xuất thân của mình. Sinh ra ở đất nước này, thời đại này, là con của gia đình này không phải những điều ta có thể tự chọn lựa. Nhưng vấn đề không phải là quá khứ mà là "lúc này". Từ giờ sẽ làm gì là trách nhiệm của bạn. Tiếp tục chọn lối sống như từ trước đến giờ hay chọn lại một lối sống mới, tất cả đều phụ thuộc vào bạn. Tâm lý học Adler là tâm lý học của lòng can đảm. Nếu bạn bất hạnh thì không phải do quá khứ và hoàn cảnh, càng không phải do thiếu năng lực, cái bạn thiếu chỉ là "can đảm" mà thôi, "can đảm dám được hạnh phúc".
Cho dù phần đời từ trước tới nay có xảy ra chuyện gì chăng nữa cũng không ảnh hưởng đến cuộc sống của phần đời từ nay trở đi. Người quyết định cuộc sống của cậu chính là bản thân cậu đang sống ngay tại đây, vào lúc này.
__________________
ĐÊM THỨ HAI: Mọi phiền muộn đều bắt nguồn từ quan hệ giữa người với người
Tại sao nhiều người lại ghét bản thân mình và chỉ chăm chăm nhìn vào khuyết điểm mà không yêu quý bản thân? Đó là vì họ quá sợ bị người khác ghét, sợ bị tổn thương trong quan hệ với người khác. Tuy nhiên, đừng quên rằng chỉ cần nằm trong quan hệ với người khác thì ít nhiều sẽ bị tổn thương và cũng sẽ làm người khác tổn thương. Mọi phiền muộn đều bắt nguồn từ quan hệ giữa người với người.
Adler cũng thừa nhận rằng ai cũng có thể trải qua cảm giác tự ti và bản thân cảm giác tự ti không phải là xấu. Nỗi tự ti làm chúng ta khổ sở không phải là "sự thật khách quan" mà là “sự suy diễn mang tính chủ quan". Coi một điều gì đó của bản thân là ưu điểm hay nhược điểm hoàn toàn do bản thân quyết định.
Cuộc đời không phải là cuộc cạnh tranh với người khác, chỉ cần không ngừng tiến lên là được. Cũng không cần so sánh mình với người khác, và cũng đừng sợ cái nhìn của họ, vì chỉ có ta là để ý đến khuôn mặt của mình thôi.
Con người về nguyên tắc không thể sống một mình, chỉ ở trong bối cảnh xã hội con người mới trở thành "cá nhân". Vì thế, tâm lý học Adler đã coi việc ”tự lập" trong vai trò một cá nhân và "hài hòa" trong môi trường xã hội là hai mục tiêu lớn của mọi hành động. Để đạt các mục tiêu này, cần phải vượt qua ba nhiệm vụ công việc, bạn bè, "tình yêu", là các nhiệm vụ về quan hệ giữa người với người mà con người buộc phải đối diện trong cuộc sống.
—-------------------------------------
ĐÊM THỨ BA: Bỏ qua nhiệm vụ của người khác
Triết học Adler phủ định nhu cầu được thừa nhận và cho rằng đây là ảnh hưởng của nền giáo dục thưởng - phạt. Chúng ta không sống để đáp ứng mong đợi của người khác. Bạn sống cuộc đời của riêng bạn, nếu quá mong muốn được thừa nhận thì sẽ sống theo cách người khác mong đợi, nghĩa là vứt bỏ bản thân thực sự mà sống cuộc đời của người khác.Thay vì như thế, hãy phân chia nhiệm vụ rõ ràng.
Hầu hết những rắc rối trong quan hệ giữa người với người nảy sinh là do can thiệp vào nhiệm vụ của người khác hoặc bị người khác can thiệp vào nhiệm vụ của bản thân. Chỉ cần biết phân chia nhiệm vụ, quan hệ giữa người với người sẽ thay đổi rõ rệt. Hãy nghĩ "đây là nhiệm vụ của ai?". Rồi bình tĩnh vạch ranh giới từ đâu trở đi là nhiệm vụ của mình, từ đâu trở đi là nhiệm vụ của người khác.
Triết học Adler quan niệm rằng tự do là bị người khác ghét. Việc bạn bị ai đó ghét là bằng chứng cho việc bạn đã thực thi tự do của mình, bạn đang sống tự do. Bị ghét còn là biểu hiện của việc sống theo phương châm của chính mình. Nếu muốn thực thi tự do thì phải trả giá. Và cái giá của tự do trong mối quan hệ giữa người với người, chính là bị người khác ghét.
Nhiều người cho rằng lá bài của mối quan hệ với người khác là do người khác đó nắm giữ. Chính vì thế mới băn khoăn "người đó nghĩ thế nào về mình nhỉ?" rồi chọn cách sống đáp ứng mong đợi của người khác. Nhưng nếu biết phân chia rạch ròi các nhiệm vụ thì sẽ nhận ra mình đang nắm giữ tất cả các lá bài.
___________________
ĐÊM THỨ TƯ: Trung tâm thế giới nằm ở đâu
Tâm lý học Adler là tâm lý học cá nhân, phản đối quan điểm phân chia ra tinh thần và thể xác, lý trí và tình cảm, ý thức và vô thức, xem xét chúng tách rời nhau. Quan điểm coi con người là một tồn tại không thể chia nhỏ hơn và suy xét "tôi với tư cách tổng thể" như thế gọi là "tổng thể luận".
Mục đích của mối quan hệ giữa người với người là "cảm thức cộng đồng", còn được hiểu là "quan tâm đến xã hội". Chúng ta cần chuyển từ cố chấp vào bản thân (tức tự coi mình là trung tâm) thành quan tâm đến người khác.
Người chỉ quan tâm đến bản thân mình thường cho rằng mình ở trung tâm thế giới. Đối với họ, những người khác chỉ là "người sẽ làm gì đó cho mình", thậm chí họ không tự giác mà nghĩ rằng: "Tất cả đều tồn tại để phục vụ mình, phải ưu tiên cho cảm xúc của mình." Thế là khi không được đáp ứng mong đợi, họ sẽ vô cùng thất vọng, cảm thấy bị sỉ nhục kinh khủng, rồi oán giận người khác. Người tin rằng mình là trung tâm của thế giới thì chẳng mấy chốc sẽ chịu hậu quả là mất bạn bè. Bạn không phải trung tâm thế giới, bạn là một phần của cộng đồng chứ không phải trung tâm của cộng đồng. Khi có thể nghĩ rằng "mình có ích cho cộng đồng" thì con người sẽ cảm nhận được giá trị của mình.
____________
ĐÊM THỨ NĂM: Sống hết mình "ngay tại đây, vào lúc này"
Chúng ta không thể vứt bỏ, cũng không thể đem đổi vật chứa là "bản thân" này. Nhưng, điều quan trọng là "sử dụng vật chứa ấy như thế nào". Phải thay đổi cách nhìn đối với chính "bản thân", nghĩa là thay đổi cách sử dụng nó.
Chúng ta không khẳng định bản thân, mà là chấp nhận bản thân. Khẳng định bản thân nghĩa là dù không thể vẫn cứ tự ám thị mình rằng "Tôi có thể", "Tôi mạnh mẽ". Suy nghĩ này sẽ dẫn tới phức cảm tự tôn, tức là cách sống lừa dối chính bản thân mình. Ngược lại, chấp nhận bản thân nghĩa là, giả sử ta không thể làm được một điều gì đó thì ta sẽ chấp nhận nguyên vẹn "cái tôi không thể làm được điều đó", từ đó tiếp tục cố gắng để có thể làm được điều đó. Ta không lừa dối mình.
Nền tảng của quan hệ giữa người với người được hình thành dựa trên sự tin tưởng người khác, nghĩa là không đặt ra bất kỳ điều kiện gì. Nhưng ta không thể có được cảm thức cộng đồng chỉ bằng sự chấp nhận bản thân và tin tưởng người khác, mà còn phải cống hiến cho người khác nữa. Cống hiến cho người khác không phải là vứt bỏ "cái tôi" để hết mình vì ai đó, mà là một cách để thực sự cảm thấy giá trị của “cái tôi".
Ý nghĩa cuộc đời là điều mà bản thân mỗi người tự mang lại. Cuộc đời nói chung không có ý nghĩa. Tuy nhiên, bạn có thể mang lại ý nghĩa cho cuộc đời. Cuộc đời là những khoảnh khắc tiếp nối, do đó hãy rọi đèn chiếu vào cái “ngay tại đây, vào lúc này”, dám sống bình thường thì bạn chắc chắn sẽ hạnh phúc.
“Dám bị ghét” là quyển sách thú vị mang lại các quan điểm sống mới mẻ dựa trên tâm lý học Adler. Sách sẽ cho bạn động lực để sống hạnh phúc giữa xã hội nhờ những phương pháp giúp bạn đương đầu với khó khăn và thử thách của cuộc sống, thấu hiểu bản thân và biết rõ mình đang ở đâu trong các mối quan hệ và làm thế nào để tạo nên giá trị cho xã hội.