Dám hạnh phúc là tác phẩm nối tiếp Dám bị ghét của cùng nhóm tác giả Ichiro Kishimi và Koga Fumitake, bàn về triết học Adler qua cuộc trò chuyện của chàng thanh niên với vị triết gia.
Ba năm trước, chàng thanh niên tuyệt vọng đến tìm vị triết gia và được ông khai sáng bởi tư tưởng triết học Adler. 3 năm sau, khi đang làm giáo viên ở một trường tiểu học, chàng thanh niên cảm thấy mình cần gặp ông để xem mình có nên từ bỏ Adler hay không. Chàng cho rằng tư tưởng của Adler chỉ là lý thuyết suông trên giấy, chẳng giúp ích được gì trong xã hội hiện đại. Đơn cử là đối với các học trò của cậu, việc “không được khen thưởng cũng không bị mắng mỏ” khiến lớp học cứ loạn cả lên.
Vị triết gia cho rằng, mọi người thường hay hiểu nhầm tư tưởng của Adler. Nếu ai đó vừa mới tiếp xúc với tư tưởng Adler tuyên bố cuộc sống đã trở nên dễ dàng hơn, thì người đó đã hiểu lầm khá nghiêm trọng. Adler từng nói “Ai cũng có thể hạnh phúc ngay từ giây phút này”, chỉ có điều, chúng ta không thể hưởng thụ hạnh phúc nếu chỉ đứng yên tại chỗ. Cần phải tiếp tục tiến bước trên con đường mình đã đặt chân lên.
Thế là vị triết gia và chàng thanh niên tiếp tục tranh luận với nhau qua năm vấn đề lớn sau đây:
PHẦN THỨ NHẤT: NGƯỜI KHÁC XẤU XA, TA TỘI NGHIỆP
Tâm lý học của Adler là một tư tưởng ngang hàng với triết học Hy Lạp, và chính là triết học. Trước khi là một nhà tâm lý học, ông vốn là một nhà triết học, nhà triết học đã ứng dụng những hiểu biết của mình vào thực tiễn.
Cả tôn giáo, triết học và khoa học đều có cùng một xuất phát điểm: chính là bắt nguồn từ các câu hỏi. Khoa học nêu những nhận định khách quan, tôn giáo đề cập đến chân, thiện, mỹ của con người qua những câu chuyện, còn triết học tránh những câu chuyện và cố gắng giải thích về thế giới bằng những khái niệm trừu tượng không có nhân vật chính. “Hơn cả một bộ môn học thuật, triết học là một “thái độ” sống”.
Adler cho rằng, mục đích của giáo dục là tự lập, bởi khi con người tồn tại sẽ có nhu cầu thoát khỏi tình trạng bất lực của bản thân, mong muốn tiến bộ hơn, nghĩa là “theo đuổi sự vượt trội”. Giáo dục không phải “can thiệp” mà là “hỗ trợ” để trẻ tự lập. Tri thức mà nền giáo dục mang lại không chỉ là học vấn, mà còn là những hiểu biết để con người sống hạnh phúc giữa xã hội. Để sống tốt giữa người với người, Adler đưa ra mục tiêu hành động, gồm Tự lập và Sống hài hòa với xã hội; mục tiêu tâm lý chi phối hành động này là Ý thức rằng mình có năng lực và Ý thức rằng mọi người đều là bạn mình.
Xuất phát điểm của giáo dục tự lập chính là sự tôn trọng. Xét trên phương diện trách nhiệm, thì những người đứng ở “vị trí dạy dỗ” tôn trọng những người ở “vị trí được dạy dỗ”. Tôn trọng là nhìn nhận người đó như chính họ, biết họ tồn tại độc lập và độc nhất vô nhị, đồng thời quan tâm để họ trưởng thành và phát triển giá trị nhân sinh quan của bản thân, chứ không áp đặt hay điều khiển.
Để tôn trọng người khác và được người khác tôn trọng, chúng ta cần chú ý đến khái niệm “cảm thức cộng đồng” trong lý thuyết của Adler. Đây là một cụm từ khó hiểu, nhưng Adler đã diễn giải nó thành một phương châm hành động thực tiễn dễ hiểu hơn, đó là quan tâm đến người khác, cụ thể là quan tâm tới những điều người khác quan tâm. Chúng ta cần “Nhìn bằng mắt người khác, nghe bằng tai người khác và cảm nhận bằng tâm hồn của người khác”.
Con người không sống trong thế giới khách quan, mà sống trong thế giới chủ quan do chính mình tạo ra. Adler đã đề xuất rằng, chúng ta trước hết hãy nghĩ nếu mình có cùng một trái tim, cùng một cuộc đời như người mà mình đang đối diện, thì ta sẽ hình dung được cách giải quyết vấn đề của người này. Đây là kỹ năng thấu cảm.
Adler từng nói: “Bệnh nhút nhát dễ lây. Và lòng can đảm cũng dễ lây”. Sự tôn trọng cũng dễ lây giống như vậy. Vị triết gia khuyên chàng thanh niên hãy trở thành người đầu tiên thể hiện lòng can đảm và sự tôn trọng, từ đó mọi người xung quanh, kể cả những đứa học trò ngỗ nghịch cũng sẽ bị ảnh hưởng bởi tinh thần đó, và rồi những đốm sáng của lòng can đảm, sự tôn trọng sẽ lan ra khắp nơi.
Con người không bị quá khứ điều khiển, mà luôn sống cho hiện tại. Nghĩa là, sự tồn tại của chúng ta không được tạo nên bởi những sự kiện trong quá khứ, mà chúng ta tự quyết định cuộc đời mình bằng cách “gán ý nghĩa” cho những sự kiện đó. Tin tưởng mạnh mẽ vào phẩm cách và năng lực của con người, Adler cho rằng “Con người là một tồn tại luôn có thể tự quyết định được”. Chính vì vậy, lý do thực sự của việc không thể thay đổi chính là chúng ta không hề muốn thay đổi. Bởi vì thay đổi chính là chối bỏ, phủ nhận bản thân từ trước đến giờ.
Con người thường tự biên tập các câu chuyện của quá khứ, để hợp lý hóa tình trạng hiện tại của mình. Từ rất nhiều sự kiện xảy ra trong quá khứ, con người chỉ chọn những sự kiện phù hợp với “mục đích” của hiện tại, gán ý nghĩa cho nó, rồi coi đó là ký ức của mình, những sự kiện đi ngược với mục đích hiện tại thường bị loại bỏ. Quan điểm “có thể lựa chọn cuộc đời của mình” khiến tâm lý học Adler được coi là “tâm lý học ứng dụng”. Không phải quá khứ quyết định “hiện tại” mà là “hiện tại” đang quyết định quá khứ.
Không phải ai trong chúng ta cũng có một cuộc đời hanh thông thuận lợi. Ai cũng sẽ có những lúc buồn phiền, chán nản. Vậy tại sao có những người xem những bi kịch quá khứ là một bài học, có những người lại coi đó là một sang chấn tâm lý không thể thoát ra? Rốt cuộc họ chỉ quanh quẩn với 2 vấn đề: phê phán “người khác xấu xa”, hoặc than vãn “ta đây tội nghiệp”. Điều cần làm để vượt qua khó khăn không phải là phê phán hay than vãn, mà là tìm câu trả lời cho câu hỏi “giờ ta phải làm gì?”.
Tâm lý học Adler là bộ môn tâm lý học xoay quanh tri thức về con người, mang tính khoa học và tính xây dựng, dựa trên lòng tôn trọng đối với con người chứ không phải là phép màu bí ẩn.
PHẦN THỨ HAI: TẠI SAO LẠI PHỦ ĐỊNH “THƯỞNG PHẠT”?
Vị triết gia và chàng thanh niên đi sâu hơn vào vấn đề chàng thanh niên đang gặp phải: những chuyện xảy ra ở lớp học với những đứa trẻ.
Quan điểm của Adler không phải là bất chấp pháp luật và luật lệ. Tuy nhiên, luật lệ phải được đưa ra theo cách thức dân chủ. Đây là một điểm rất quan trọng đối với toàn xã hội cũng như đối với việc quản lý một lớp học. Trong lớp học, người nắm chủ quyền không phải giáo viên mà là học sinh, nên quy định của lớp học phải được quyết định dựa trên sự thống nhất của các học sinh.
Adler khẳng định không được khen ngợi cũng không được mắng mỏ. Khi bọn trẻ làm những việc nguy hiểm hoặc gây hại cho người khác, có khả năng “trẻ không biết đó là việc không tốt”. Điều người lớn chúng ta cần làm, không phải mắng mỏ hay to tiếng một cách cảm tính, mà là dạy dỗ bằng những lời lẽ lý trí.
Đối với những trẻ đã lớn, khi biết điều không tốt nhưng vẫn làm, thì đó là do một hiệu ứng tâm lý khác. Tâm lý học Adler hiện đại đã chia diễn biến tâm lý đằng sau những hành động quậy phá của con người, đặc biệt là bọn trẻ, làm năm giai đoạn.
Giai đoạn thứ nhất: “mong muốn được tán thưởng”. Dù là trẻ ngoan hay trẻ quậy phá thì mục đích cuối cùng của chúng cũng là “được khen”, hay nói cách khác là “giành lấy vị trí đặc quyền trong tập thể”. Nếu đã làm việc tốt mà vẫn bị phớt lờ, ngay lập tức chúng không còn muốn làm việc tốt nữa và dần hình thành lối sống “nếu không có người khen sẽ không hành động đúng đắn” và “nếu không có người phạt sẽ có những hành động không phù hợp”. Chúng ta cần dạy chúng rằng, dù không đặc biệt thì vẫn có giá trị. Chúng ta cần thể hiện sự thấu cảm, không chỉ chú ý đến việc tốt mà chú ý đến cả những hành động nhỏ hằng ngày.
Giai đoạn thứ hai: “thu hút sự chú ý”. Khi làm việc tốt mà không được khen thưởng, hoặc không đủ can đảm để duy trì việc tốt một cách lâu dài, con người sẽ nghĩ “chẳng cần được khen cũng được, cứ phải tỏ ra nổi bật đã”. So với không được chú ý thì bị mắng còn tốt hơn. Dù bị mắng, trẻ vẫn muốn được công nhận sự tồn tại, được đặt vào vị trí đặc biệt. Trong tình huống này, sự tôn trọng mà chúng ta thể hiện sẽ cho chúng thấy rằng, mình vẫn có giá trị mà không cần phải tỏ ra đặc biệt.
Giai đoạn thứ ba:“tranh giành quyền lực”. Lúc này, trẻ chẳng nghe lời ai, luôn tỏ ra khiêu khích, tuyên chiến để giành lấy vị trí đặc biệt. Chúng chỉ muốn chứng tỏ “quyền lực” của bản thân bằng cách tỏ ra “không nghe lời”. Nếu lúc này người lớn giận dữ trách móc, thì trẻ sẽ rất vui mừng vì đã kéo được chúng ta vào cuộc chiến của chúng. Nếu vấn đề quậy phá có liên quan đến pháp luật, thì nhờ pháp luật can thiệp, nếu không, người lớn hãy ngay lập tức rời khỏi sân đấu tranh giành này.
Giai đoạn thứ tư: “trả đũa”. Khi đã quyết tâm khiêu chiến tranh giành quyền lực mà chẳng ăn thua gì, không thu được thắng lợi cũng chẳng giành được vị trí đặc biệt, những người thua cuộc như thế sau khi tạm thời rút lui sẽ lên kế hoạch trả đũa. Khi tất cả các biểu hiện quậy phá nhằm có được sự tôn trọng không có tác dụng, người ta sẽ mong muốn “sự ghét bỏ”. Trẻ không lên kế hoạch làm “việc xấu” mà cứ lặp đi lặp lại “điều đối phương ghét”. Đến lúc này, bản thân người trong cuộc làm gì cũng vô dụng, cần phải nhờ sự giúp đỡ của bên thứ ba không có quan hệ lợi ích gì. Nghĩa là chỉ còn cách nhờ các giáo viên khác, hoặc người ở ngoài trường, hoặc các chuyên gia tư vấn.
Giai đoạn 5: “chứng tỏ sự vô dụng”. Khi làm mọi thứ mà mình vẫn không có chỗ đứng nào đặc biệt, trẻ sẽ thể hiện với mọi người rằng “đừng kỳ vọng gì ở tôi nữa”. Nếu cố gắng làm một nhiệm vụ, để rồi lại thất bại thì bỏ cuộc ngay từ đầu sẽ dễ dàng hơn. Trẻ sẽ tỏ ra mình vô dụng để không ai giao thêm cho chúng bất kỳ nhiệm vụ nào nữa. Bởi vì làm như thế sẽ không lo phải chịu thất vọng hơn nữa. Đến giai đoạn này, ngay cả chuyên gia cũng khó mà thuyết phục những đứa trẻ đang cố tỏ ra mình vô dụng.
Tuy nhiên, hơn một nửa những hành động quậy phá đều dừng lại ở giai đoạn ba “tranh giành quyền lực”. Vai trò của các giáo viên rất quan trọng trong việc ngăn trẻ bước vào các giai đoạn tiếp theo.
Trở lại với lớp học. “Mắng mỏ” không phải là công cụ hiệu quả trên phương diện giáo dục, bởi đôi khi bị mắng chính là điều mà các học trò mong muốn trong chuỗi hành động quậy phá của mình. Nếu giáo viên cảm thấy phiền phức khi giao tiếp bằng lời với học trò của mình, nên mắng mỏ để khuất phục chúng một cách nhanh chóng, thì đây cũng được xem như một hành vi giao tiếp mang tính bạo lực. Điều cần bảo vệ bây giờ không phải pháp luật hay trật tự mà là “những đứa trẻ trước mắt mình”, những đứa trẻ có hành động quậy phá. Nếu giáo viên cư xử một cách thiếu chín chắn, trẻ sẽ không tôn trọng nữa, thậm chí là coi thường.
Nếu có xung đột xảy ra, điều cần làm là tập trung vào “mục đích”, cùng nghĩ xem “giờ phải làm gì”.
Triết gia Kant nói về sự tự lập như thế này: “Con người ở trạng thái chưa trưởng thành không phải vì thiếu lý trí. Mà vì không có quyết tâm cũng như can đảm sử dụng lý trí của mình, nếu không có sự hướng dẫn của người khác. Chúng ta sống theo sự chỉ dẫn, sắp đặt của người khác sẽ an nhàn hơn.” Những người lớn xung quanh dùng mọi cách nhồi nhét cho bọn trẻ rằng tự lập nguy hiểm như thế nào, rủi ro, đáng sợ ra sao, để đặt chúng vào “trạng thái chưa trưởng thành”, như thế người lớn mới dễ dàng kiểm soát chúng.
Tâm thế cần thiết của một nhà giáo là dạy trẻ biết rằng cuộc đời của mình hay những hành động hằng ngày, đều do mình quyết định. Và nếu có những tư liệu cần thiết - như kiến thức hay kinh nghiệm - để quyết định, thì chia sẻ chúng với trẻ. Không phải bỏ mặc trẻ, mà là tôn trọng quyết định của trẻ, hỗ trợ quyết định đó, luôn sẵn sàng hỗ trợ, dõi theo từ khoảng cách không quá gần, mà vẫn có thể giúp đỡ được. Cho dù quyết định đó kết thúc thất bại thì trẻ cũng học được sự thật rằng “mình có thể tự quyết định cuộc đời mình”.
PHẦN THỨ BA: TỪ NGUYÊN LÝ CẠNH TRANH ĐẾN NGUYÊN LÝ HỢP TÁC
Mắng mỏ sẽ dẫn đến nhiều tiêu cực, nhưng khen ngợi nhiều cũng sẽ sinh ra điều không hay. Nếu một tập thể toàn những người chỉ có mục đích “được khen” thì ở đó sẽ sinh ra sự cạnh tranh. Làm thế nào để được khen trước? Làm thế nào để được khen nhiều hơn những người khác? Khi bị đưa vào môi trường cạnh tranh, trẻ sẽ dần hình thành suy nghĩ tất cả đều là đối thủ, và lúc nào cũng phải cảnh giác với những người xung quanh.
Nếu cạnh tranh với tiêu chí đánh giá không rõ ràng, sẽ dẫn đến sự xuất hiện của những người ngáng đường bạn bè, tranh công của người khác, lấy lòng lãnh đạo để được ưu ái. Các tập thể nên hoạt động dựa trên quy luật hợp tác, chứ không phải quy luật cạnh tranh.
Nếu lớp học có thành viên quậy phá, người giáo viên không phải dành sự chú ý cho “cá nhân” gây ra những hành động quậy phá, mà là quan tâm tới “tập thể”, nơi xảy ra những hành động quậy phá. Không phải tìm cách chữa bệnh cho cá nhân, mà là chữa bệnh cho cả tập thể, bằng cách bỏ thưởng phạt, nhổ sạch từng mầm mống của cạnh tranh, xóa bỏ quy luật cạnh tranh khỏi lớp học.
Những người có nhu cầu được thừa nhận, do quá mong muốn được người khác công nhận nên không biết từ lúc nào, đã thành ra sống cuộc đời theo mong muốn của người khác. Nghĩa là sống cuộc đời của người khác.
Con người chúng ta, lúc nhỏ ai cũng sống với phức cảm tự ti, chẳng có ngoại lệ nào cả, vì con người trưởng thành về mặt thể chất chậm hơn trưởng thành về mặt tâm hồn. Những đứa trẻ sẽ có trải nghiệm rõ ràng về sự “chưa hoàn chỉnh của bản thân”. Chính vì sự yếu ớt đó mà con người mới xây dựng tập thể, sống trong mối quan hệ hợp tác.
Tâm lý học Adler cho rằng nhu cầu căn bản nhất của con người, là “cảm giác thuộc về nơi nào đó”. Để làm được điều này, chúng ta phải chiếm được một vị trí đặc biệt trong tập thể và cảm thấy có giá trị. Đáng tiếc là khen ngợi không giúp con người cảm nhận được “giá trị” thực sự. Niềm vui có được nhờ khen ngợi, chẳng qua chỉ là thứ đạt được nhờ tác động bên ngoài. Những người chỉ có thể cảm thấy hạnh phúc khi được khen, sẽ luôn mong muốn “được khen nhiều hơn” cho đến tận phút cuối đời. Cuối cùng họ sẽ trở nên dựa dẫm, sống cuộc đời vĩnh viễn không được hài lòng. Tự mình quyết định giá trị của “bản thân” mới gọi là “tự lập.”
“Đừng coi trọng giá trị của việc “khác người” mà hãy coi trọng giá trị của việc “là chính mình”. Đó mới là cá tính thực sự. Không thừa nhận “chính mình”, so sánh bản thân với người khác, cố làm rõ sự “khác biệt” chính là cách sống lừa dối người khác và lừa dối bản thân”.
Tâm lý học Adler suy nghĩ về mọi hành động và lời nói của con người trong mối quan hệ giữa người với người, nghĩa là mọi hành động lời nói đều hướng về một “đối tượng” nào đó. Nếu những đứa trẻ quậy phá trong giờ học với chàng thanh niên, thì đối tượng quậy phá của chúng chính là cậu ấy.
Vị triết gia phát hiện ra rằng, hôm nay dù chỉ nói về giáo dục nhưng thực ra nỗi phiền muộn của chàng thanh niên là cậu ấy vẫn chưa hạnh phúc. Cậu chọn làm nhà giáo là để cứu rỗi bản thân mình thông qua việc dạy dỗ bọn trẻ. Là chuyên gia tư vấn, nhà giáo, Adler đã đối diện với những người đến tư vấn như một người bạn. Nếu thế, triết gia khuyên chàng thanh niên cũng phải đối diện với học trò của mình như bạn.
PHẦN THỨ TƯ: HÃY CHO ĐI, NẾU KHÔNG SẼ KHÔNG ĐƯỢC NHẬN LẠI
Adler gọi những vấn đề mà cá nhân phải đối diện khi sống trong xã hội là “nhiệm vụ cuộc đời”, gồm nhiệm vụ công việc, nhiệm vụ bạn bè, nhiệm vụ tình yêu. Mọi phiền muộn đều bắt nguồn từ quan hệ giữa người với người, nhưng niềm vui của con người cũng lại sinh ra từ mối quan hệ giữa người với người. “Chúng ta học ở quan hệ bạn bè việc nhìn bằng mắt người khác, nghe bằng tai người khác, cảm nhận bằng tâm hồn người khác.” Nơi trẻ học “quan hệ bạn bè” đầu tiên, nơi khơi dậy được cảm thức cộng đồng, chính là trường học.
Để bù đắp cho những thiếu sót về thể xác và để cùng nhau tồn tại, con người có một chiến lược sinh tồn độc đáo là “phân công công việc”. Công việc đối với Adler không chỉ là lao động đơn thuần, mà còn là tiền đề để kết nối với người khác. Adler không coi bản thân lao động là “tốt”, nhưng chúng ta phải làm việc, phải phân công công việc, phải xây dựng quan hệ với người khác, bất kể điều đó là tốt hay xấu về mặt đạo đức, vì con người không thể sống một mình.
Tất cả các công việc đều là “việc ai đó trong tập thể phải làm, nên “Giá trị của con người được quyết định bằng mức độ hoàn thành công việc được phân công trong tập thể.” Nghĩa là, giá trị của con người không phải được quyết định bằng người đó “làm công việc gì” mà được quyết định bằng người đó “nỗ lực cho công việc đó với thái độ như thế nào”. Những công việc không có giá trị thì sớm muộn gì cũng tự động bị loại bỏ. Nếu còn tồn tại, chứng tỏ công việc ấy có một giá trị nào đó.
Xuất phát điểm của giáo dục là tôn trọng. Và tôn trọng đồng nghĩa với tin tưởng. Thông thường, chúng ta cho rằng tùy vào đối tượng mà ta tin tưởng hay không, nhưng “quan trọng không phải được trao cho cái gì mà là sử dụng những gì được trao cho như thế nào”. Dù đối phương là ai, cũng có thể tôn trọng và tin tưởng. Bởi vì điều đó không phải do môi trường và đối tượng quyết định, mà do chính quyết tâm của chúng ta.
Những ai khăng khăng “không thể tin tưởng người khác” là bởi họ không thể tin tưởng bản thân mình. Cũng giống như việc nếu không yêu được bản thân mình, sẽ không yêu được người khác. Con người chúng ta là những tồn tại không thể hiểu nhau nên chỉ có tin tưởng mới giúp chúng ta bước vào quan hệ bạn bè.
Adler là một nhân vật rất thực tế đến từng ngóc ngách. Khi cùng bị cuốn vào chiến tranh thế giới thứ nhất, trong khi Freud quan tâm đến nguyên nhân của chiến trang thì Adler chỉ nghĩ đến “làm thế nào để ngăn chặn chiến tranh”. Chỉ cần ai ai cũng coi người khác là bạn, tức là nuôi dưỡng cảm thức cộng đồng, thì có thể ngăn được chiến tranh. Đây là một quan điểm mang tính xây dựng, dù nó chưa thể trở thành sự thật vì chiến tranh cứ liên tiếp diễn ra. Mong muốn của Adler là chúng ta trước hết hãy tin tưởng những người ở trước mắt mình, thay vì lo lắng cho hòa bình thế giới. Sự tin tưởng được góp nhặt mỗi ngày đến một lúc nào đó sẽ xóa bỏ cả sự tranh chấp giữa các gia đình, làng xóm, dân tộc, quốc gia.
Đối với con người, thử thách và sự quyết đoán không chỉ cần thiết trong những sự kiện đặc biệt của cuộc đời. Trong những ngày bình thường ngay tại đây, vào lúc này, chúng ta cũng cần quyết đoán, như thể những ngày chẳng có gì đặc biệt ấy cũng là một thử thách. Mỗi ngày cứ trao đi, rồi ta sẽ nhận lại được. Đó là tiền đề để có được hạnh phúc thực sự.
PHẦN THỨ NĂM: HÃY CHỌN CUỘC ĐỜI YÊU THƯƠNG
Những tranh luận về nhiệm vụ cuộc đời giữa triết gia và chàng thanh niên, rốt cuộc lại khiến cả hai suy nghĩ về tình yêu. Đây là cửa ải cuối cùng của nhiệm vụ cuộc đời, bậc thang quan trọng để hiểu được tư tưởng Adler. Ông đã nói rằng “Tình yêu không phải là một chức năng thuần túy, tự nhiên như một số nhà tâm lý vẫn nghĩ”, nghĩa là tình yêu đối với con người không phải là một cảm xúc được quyết định bởi số phận, cũng không phải là cảm xúc tự phát. Ông chỉ nói về nghệ thuật yêu theo cách chủ động, nghĩa là “nghệ thuật yêu người khác”. Được người khác yêu rất khó, nhưng “yêu người khác” còn khó hơn gấp nhiều lần. Tình yêu là nhiệm vụ do hai người thực hiện, và nhiệm vụ của họ là sống một cuộc đời hạnh phúc.
Chỉ cần có cảm giác chủ quan là “mình đang có ích cho ai đó”, chúng ta mới cảm nhận được giá trị bản thân và có cảm giác cống hiến. Thông qua quan hệ công việc, bạn bè, chúng ta có thể cảm nhận được mình có ích cho ai đó. Hạnh phúc nằm ở đó.
Tình yêu không mưu cầu “hạnh phúc của tôi” một cách vị kỷ, cũng không phải cầu mong “hạnh phúc của anh” một cách vị tha, mà là xây dựng “hạnh phúc của chúng ta” không thể tách rời. Trong tình yêu thật, chủ ngữ của cuộc đời vốn là “tôi” sẽ chuyển thành “chúng ta”. Nhờ tình yêu, chúng ta được giải thoát khỏi “tôi”, trở nên tự lập và đón nhận thế giới với ý nghĩa thực sự của nó. “Chúng ta” bắt đầu chỉ bằng hai người, rồi sẽ dần dần mở rộng phạm vi ra thành cả cộng đồng và cả nhân loại.
Tất cả chúng ta đều chọn “lối sống để được yêu thương” như một chiến lược sinh tồn liên quan trực tiếp tới sinh mạng, nhưng đây là lối sống hoàn toàn ích kỷ, chỉ chăm chăm thu hút sự chú ý của người khác để đứng ở “trung tâm thế giới”. Khi yêu thương ai đó, ta từ bỏ lối sống ích kỷ và đạt được sự tự lập thực sự. Tự lập không phải vấn đề về kinh tế, cũng không phải vấn đề về công việc. Mà là vấn đề về lối sống, thái độ đối với cuộc đời. Chúng ta trở thành người lớn nhờ yêu thương người khác.
Adler hoàn toàn không thừa nhận “người yêu định mệnh” trong cả tình yêu lẫn toàn bộ cuộc đời, bởi vì ông cho rằng, chúng ta có thể yêu bất cứ ai nếu chúng ta quyết tâm. “Yêu ai đó không chỉ đơn giản là một cảm xúc mãnh liệt. Đó là quyết tâm, là phán đoán, là lời hứa.” Định mệnh là do chính bàn tay chúng ta tạo nên.
Để có được hạnh phúc, chúng ta cần tình yêu. Chỉ yêu người khác, chúng ta mới được giải thoát khỏi bản tính ích kỷ, mới tự lập được, và mới có thể có được cảm thức cộng đồng. Hãy can đảm “dám hạnh phúc”. Hãy yêu, tự lập và chọn cuộc đời của mình!
Thế giới đơn giản, cuộc đời cũng vậy. Tuy nhiên, sống đơn giản lại rất khó, bởi mỗi ngày bình thường sẽ trở thành thử thách. Thời gian dành cho chúng ta là hữu hạn, nên mọi mối quan hệ giữa người với người đều hình thành dựa trên tiền đề “chia ly”. Chúng ta hội ngộ để chia ly. Nếu như thế, chúng ta chỉ có thể nỗ lực không ngừng nghỉ để hướng tới một cuộc “chia ly tốt nhất” trong mọi cuộc hội ngộ, mọi mối quan hệ giữa người với người. Để làm được việc này, từ giờ chúng ta phải sống hết mình ngay tại đây, vào lúc này. Tương lai con người do bản thân xây dựng. Chính vì chúng ta không nhìn thấy được tương lai nên có thể trở thành chủ nhân của định mệnh.
Dám hạnh phúc là tác phẩm trình bày một cách sinh động và thực tế những quan điểm chính trong tư tưởng của nhà tâm lý học Adler, thông qua cuộc đối thoại xuyên đêm của vị triết gia và chàng thanh niên. Tâm lý học Adler đưa ra câu trả lời rất đơn giản và cụ thể cho câu hỏi muôn đời của triết học “Làm thế nào để con người được sống hạnh phúc?” - Hãy can đảm mở lòng yêu thương, sống trọn ngay tại đây, ngay lúc này, tự lập quyết định cuộc đời mình.