Để Con Được Ốm là cuốn sách dài 300 trang, được chia làm ba phần, là câu chuyện của mẹ, của bác sĩ trong những năm tháng đầu đời chăm sóc trẻ. Đây được coi là cuốn cẩm nang cho hầu hết các mẹ khi bước vào những ngày tháng “làm mẹ toàn thời gian”.
Ở phần đầu tiên là Những Câu Chuyện Về Chăm Sóc Trẻ Cơ Bản. Trong đó có những câu chuyện về “bế quan luyện công” với chuyện ở cữ. Hàng trăm những “bí kíp” của ông bà truyền lại, từ việc ăn giò heo nhiều sữa đến chuyện ở bẩn, kiêng gió máy… là những chuyện thường ngày. Những “truyền thuyết” này được lưu từ đời này sang đời khác như kiêng tắm, nằm than, nút lỗ tai, ngồi nhiều đau lưng tới quấn bụng giảm cân… đa số đều phản khoa học. Và theo như bác sĩ Trí Đoàn thì “các mẹ sau sinh nên kiêng ăn đồ dơ và đồ dở, vẫn sinh hoạt bình thường như trước khi có thai”.
Đến chuyện Tiêm Và Chích - Cú Hích Đầu Đời với câu chuyện chủng ngừa. Nhiều lời đồn đại về việc chủng ngừa với cái chết của trẻ sau khi tiếp nhận chủng ngừa đã trở thành một cơn “địa chấn” tin tức trên báo chí và mạng xã hội khiến tất cả các mẹ lo lắng. Để đổ thêm dầu vào lửa thì những thông tin không nên cho trẻ uống vaccine cũng được tung ra. Nhưng các mẹ nên biết rằng, chủng ngừa được xem là một trong những thành tựu vĩ đại nhất của khoa học nói chung và y học nói riêng. Chủng ngừa được xem là biện pháp hiệu quả và tiết kiệm chi phí nhất hiện nay để chúng ta sống khỏe. Nên chích ngừa cúm cho mẹ trong thai kỳ, nên chích ngừa cho trẻ sau sinh và chích ngừa sớm, nhằm không gây nguy hại cho trẻ là những lời khuyên được đưa ra từ bác sĩ.
Trong phần 1, đó còn là câu chuyện khám bệnh định kỳ cùng cuộc đua với cái cân, đồng thời là lời khuyên không so sánh con mình với “con nhà người ta”. Tiếp theo là câu chuyện “chuẩn” tăng trưởng WHO khi con “leo hạng trên bảng phong thần”. Cùng với đó, lời khuyên của bác sĩ là không nên so sánh trẻ với con số trung bình, vì mỗi bé đều khác nhau và có sự tăng trưởng, phát triển khác nhau. Chuyện vitamin D và tắm nắng cũng được đưa vào, mỗi đứa trẻ không còn là “mực một nắng” với hàng trăm nguy cơ nữa, mà được bổ sung vitamin D một cách hiệu quả nhất. Lạc vào cốc động thiếu canxi với chuyện còi xương cũng là vấn đề được các mẹ quan tâm. Khuyến cáo của bác sĩ là “Sự phát triển của não bộ em bé (hay con người) là một điều kỳ diệu. Càng quan sát và nhận xét, bạn sẽ càng phát hiện nhiều điều thú vị”, nên hãy gạt chuyện canxi sang một bên, chỉ cần cho trẻ ăn đủ chất là đủ canxi. Không những thế, bác sĩ và mẹ Uyên Bùi còn giải oan cho cái máy lạnh, giúp các mẹ khác tìm hiểu về cái “đầu rùa” cho trẻ và chuyện chàm của bé sơ sinh.
Ở phần Hai, Những Câu Chuyện Về Dinh Dưỡng còn được đề cập cụ thể hơn khi bắt đầu với chuyện sữa mẹ. Sữa mẹ có nóng hay không? Sữa mẹ có đủ dinh dưỡng cho con hay không? Lần lượt những câu hỏi sẽ được trả lời đầy đủ. Câu chuyện ăn dặm còn được đưa ra với lời dặn, không được bắt con mình ăn như con hàng xóm.
Sau đó, chuyện biếng ăn là “phim nhiều tập kéo dài nhiều năm” với trăn trở của các bà các mẹ, làm sao cho con mình ăn tốt cho sức khỏe, ăn để tăng chiều cao, ăn để sáng mắt… mà không nhớ ra rằng, làm sao để trẻ ngon miệng. Chuyện sữa tươi với việc thông minh như… bò cũng được đưa ra, rằng những đứa trẻ giờ đây cao lớn là được dung nạp lượng sữa lớn vào người, và uống sữa nào mới thông minh, cao lớn… Không những thế, các mẹ còn có thú vui định bệnh cho con khi con bị táo bón và kém hấp thụ. Mỗi đứa trẻ có cách riêng của mình để phát triển cả về kích thước lẫn trí thông minh, tránh ép con thay đổi theo mong muốn của mình.
Phần cuối cùng, Những Câu Chuyện Về Bệnh Thường Gặp Ở Trẻ là những căn bệnh có thể “đánh gục” tất cả những người mẹ mềm yếu nào. Chuyện tiêu chảy, cảm, ho, sổ mũi, chuyện sốt, sốt co giật, viêm tai giữa, sử dụng kháng sinh đúng bệnh… là những câu chuyện xảy ra hàng tháng, đôi khi hàng tuần ở trẻ nhỏ. Và việc duy nhất người mẹ nên làm là bình tĩnh, đừng quá lo lắng, đưa con đến bác sĩ khi cần thiết, đồng thời đừng tự chữa bệnh, đôi lúc hãy “để con được ốm” và con sẽ lớn lên khỏe mạnh trong những năm tháng tiếp theo.
Để Con Được Ốm không phải “bách khoa toàn thư” về bệnh ở trẻ em, mà được xem như sự chia sẻ thông tin, dựa trên những chứng cứ nghiên cứu y khoa được cập nhật trên thế giới, nhằm giúp các bậc cha mẹ trang bị một số kiến thức cơ bản trong việc chăm sóc bé. Và như tác giả Uyên Bùi có nói: “Thật khó để thay đổi chỉ trong phút chốc nhưng tôi hy vọng, những câu chuyện nho nhỏ được kể trong cuốn sách này sẽ giúp các mẹ cảm thấy mình không đơn độc”.