I. HÌNH THÁI CHIẾN SỰ MÙA HÈ 1953
Cuộc kháng chiến cứu nước của nhân dân ta đã bước sang năm thứ tám. Địch ngày càng lâm vào thế bị động, thất bại ngày càng nặng nề hơn. So sánh lực lượng thì ta có nhiều thuận lợi. Ở miền Nam, nhân dân đã vùng dậy kháng chiến vì Pháp vẫn chưa từ bỏ âm mưu chiếm đoạt Việt Nam. Cuộc kháng chiến chống Pháp là bước phát triển tất yếu của cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám.
Lực lượng vũ trang của ta tuy còn non trẻ nhưng đã không ngừng xây dựng và củng cố, đâu đâu cũng sục sôi ý chí chiến đấu. Thu đông năm 1947, Pháp huy động quân lính mở rộng cuộc tiến công lên Việt Bắc nhằm tiêu diệt cơ quan đầu não, tuy nhiên chúng thất bại nặng nề do không nắm được chiến lược và nghệ thuật chiến đấu linh hoạt của ta. Trong những năm 1948-1949 và đầu năm 1950, lực lượng du kích và bộ đội địa phương phát triển cả số lượng lẫn chất lượng, chiến tranh du kích phát triển rộng khắp.
Mùa đông năm 1950 đánh dấu bước chuyển biến lớn trong chiến tranh. Ta giành thắng lợi ở chiến dịch Biên giới, các chiến dịch tiến công và phản công của ta liên tục diễn ra và chiến thắng trên chiến trường Bắc Bộ. Ở Nam bộ cũng giữ được nhiều vùng tự do. Ta dần dần nắm quyền chủ động trên chiến trường. Các lực lượng vũ trang trưởng thành vượt bậc, đặc biệt là bộ đội chủ lực.
Mùa hè năm 1953, Quân giải phóng Pathet Lào có các đơn vị bộ đội tình nguyện Việt Nam phối hợp đã cuộc tiến công bất ngờ vào thị xã Sầm Nưa. Phần lớn quân địch ở đây đã bị tiêu diệt. Địch càng lúc càng lâm vào thế bị động. Tình hình nói trên chứng tỏ lòng quyết tâm của nhân dân và đường lối kháng chiến của Đảng ta, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh vô cùng đúng đắn và sáng tạo. Pháp dù được tăng cường binh lính nhưng rải rác, không có trọng điểm, trở nên yếu ớt.
II – ÂM MƯU MỚI – KẾ HOẠCH NAVA
Tại Pháp, chính phủ phản động đã nhận thấy không còn khả năng để tiếp tục cuộc chiến tranh. Mỹ gây sức ép, buộc Pháp phải có động thái chiến tranh mới, đồng thời tìm cách thế chân Pháp tại Đông Dương. Giữa năm 1953, Nava đã vạch ra kế hoạch hoàn chỉnh nhằm xoay chuyển cục diện chiến tranh ở Việt Nam và trong một thời gian ngắn sẽ giành lấy thắng lợi.
Biết rõ mục đích của ta là chiến đấu giành độc lập dân tộc, Nava đã suy xét kỹ lưỡng trên mọi phương diện như tổ chức chỉ đạo chiến tranh, về quân sự, hắn đã đưa ra được phương hướng chiến lược và kế hoạch tác chiến. Để thực hiện kế hoạch dày công xây dựng, Nava chủ trương giải quyết bằng cách mở rộng các “quân đội quốc gia” rộng lớn; tập trung lại binh lực và xin thêm viện trợ. Bản chất của kế hoạch Nava không khác nhiều so với Revers và Tassigny, điểm khác biệt là áp dụng trên quy mô rộng lớn và quyết liệt hơn. Kế hoạch Nava được các chính giới ở Pháp và nhà cầm quyền Mỹ tán thành.
Ngay trong mùa hè - thu 1953, Pháp đã mở liên tiếp hàng chục cuộc càn quét, tàn sát nhân dân, vây bắt thanh niên, phá hoại căn cứ du kích, phá hoại kinh tế, dùng mọi thủ đoạn thâm độc để mở rộng số lượng quân ngụy. Chúng nhảy dù tập kích ở Lạng Sơn, và mở rộng thêm thổ phỉ ở một số tỉnh Tây Bắc. Tháng 10-1953, chúng tiến vào vùng Ninh Bình – Thanh Hóa nhưng bị ta đánh bại. Đây là thắng lợi lớn của ta trên chiến trường Bắc Bộ khi mùa tác chiến Thu Đông mới bắt đầu.
Biết tin một đơn vị chủ lực của ta di chuyển lên hướng Tây Bắc, Nava thay đổi kế hoạch. Chúng cho quân nhảy dù xuống cánh đồng Mường Thanh và đánh chiếm Điện Biên Phủ. Tháng 12-1953, Nava quyết định ở lại Điện Biên Phủ và giao tranh với ta ở đó. Hắn cho rằng Điện Biên Phủ sẽ là pháo đài bất khả xâm phạm nếu trong tay hắn đang có lực lượng quân lính mạnh và tổ chức phòng thủ hiện đại. Sau nhiều ngày lo lắng, chính giới và dư luận Pháp - Mỹ lại thêm phần lạc quan.
III - CHỦ TRƯƠNG CỦA TA TRONG ĐÔNG XUÂN 1953 - 1954, CÁC CUỘC TIẾN CÔNG LỚN CỦA QUÂN TA TRÊN CÁC CHIẾN TRƯỜNG PHỐI HỢP TRƯỚC CHIẾN DỊCH ĐIỆN BIÊN PHỦ
Đầu năm 1953, Trung ương Đảng đã họp và phân tích một cách sâu sắc và khoa học về hình thái chiến sự trên chiến trường Việt Nam nói riêng và Đông Dương nói chung. Đia hình miền núi có lợi cho ta, bất lợi cho địch. Quân ta ở miền núi sẽ có khả năng thực hiện và giữ vững ưu thế binh lực, do đó có thể giành được thắng lợi. Do vậy, ta vẫn chủ trương lối đánh du kích nhằm tiêu diệt sinh lực địch, buộc chúng bị động và phân tán lực lượng, nhờ đó ta tiếp tục đánh những nhóm nhỏ lẻ đã bị phân tán. Phương châm chung là tự lực cánh sinh, chuyển từ đánh nhanh thắng nhanh sang đánh chắc tiến chắc. Quân ta cần kết hợp đánh công sự vững chắc – đánh công kiên – và đánh vận động.
Song song với đó, Trung ương Đảng đã nghiên cứu và phân tích tình hình, xác định chủ trương tác chiến trong Đông Xuân 1953-1954 cả ở miền Bắc và miền Nam. Đây chính là một kế hoạch hoàn hảo vì nó có cơ sở khoa học vững chắc và đầy sáng tạo. kế hoạch được xây dựng dựa trên các nguyên tắc:
- Tiêu diệt sinh lực địch, bồi dưỡng lực lượng ta;
- Đánh chắc thắng, đánh tiêu diệt;
- Tác chiến vào những nơi địch yếu, sơ hở;
- Phân tán lực lượng quân địch.
Kế hoạch tác chiến Đông Xuân còn thể hiện và nhấn mạnh phương châm tích cực, chủ động, cơ động, linh hoạt.
Cuối năm 1953, khi phát hiện ta lên Tây Bắc, địch đã nhảy dù xuống Điện Biên Phủ. Ta cũng đã vẽ ra nhiều kịch bản để đối phó trong từng trường hợp, cùng với đó gấp rút bao vây Điện Biên Phủ và mở rộng chiến trường.
Giải Phóng Lai Châu, Bao Vây Điện Biên Phủ
Tháng 12-1953, ta tiến công ở Lai Châu, địch chia hai ngả rút về Điện Biên Phủ, ta tiến vào giải phóng thị xã Lai Châu. Sau đó vài ngày, ta tiêu diệt địch ở Bản Tấu, Mường Pồn và Pu San. Các đơn vị của ta bám sát quân địch mới nhảy dù xuống Điện Biên Phủ, bao vây Điện Biên Phủ và chặn đường chúng chạy sang Lào. Chiến thắng giải phóng Lai Châu là một thắng lợi quan trọng trong Đông Xuân 1953-1954. Kế hoạch tập trung bịn lực của Nava bắt đầu có dấu hiệu thất bại.
Giải Phóng Thà Khẹt Và Nhiều Địa Phương Ở Trung Lào
Địch phát hiện ta kết hợp với Pathet Lào tiến vào Trung Lào, nơi địch đang chủ quan mất cảnh giác. Triệt phá hoàn toàn bốn tiểu đoàn lính, quân địch hoảng hốt bỏ cả phòng tuyến tháo chạy. Hệ thống phòng ngự cứng nhất của địch ở Trung Lào sụp đổ. Nava buộc phải tiếp tục phân tán binh lực.
Giải Phóng Cao Nguyên Bôlôven Và Thị Xã Atôpơ
Lợi dụng thế địch sơ hở, lực lượng Việt – Lào tiến công giải phóng Atopo, tiến lên giải phóng cao nguyên BÔLÔVEN ở Hạ Lào.
Giải Phóng Kon Tum Và Miền Bắc Tây Nguyên
Do nhận định chủ quan về Điện Biên Phủ, địch lại đi tiếp đến những sai lầm khác. Tháng 1-1954, ta mở cuộc tiến công lên Tây Nguyên và giải phóng thị xã Kon Tum, cùng lúc đó ta tập kích vào đánh và giải phóng thị xã Pleiku. Lực lượng cơ động chiến lược của địch tiếp tục tan rã. Vùng tự do của ta được mở rộng, nối liền một dải rộng lớn đến biên giới Việt – Lào. Cuộc tiến công ở Tây Nguyên của ta kéo dài đến tháng 6-1954, đặc biệt trong trận giải phóng An Khê, ta thu được rất nhiều chiến lợi phẩm.
Giải Phóng Phongsalỳ, Lưu Vực Sông Nậm Hu, Tiến Sát Luông Prabăng
Sau khi Lai Châu bị tiêu diệt, Điện Biên Phủ bị cô lập. Địch tăng thêm binh lực để nối tuyến giao thông dọc tuyến Nậm Hu – Mường Khoa. Lực lượng Việt – Lào tiếp tục phá phòng tuyến địch ở Nậm Hu – Thượng Lào, tiến đến sát Luông Phabăng, đồng thời tiến lên phía bắc giải phóng Phongsalỳ. Nava lại một lần nữa phải phân tán lực lượng.
Thắng Lợi Ở Chiến Trường Sau Lưng Địch: Đồng Bằng Bắc Bộ, Bình - Trị - Thiên, Cực Nam Trung Bộ, Nam Bộ
Ở các chiến trường sau lưng địch, các lực lượng cách mạng của ta đều nắm vững thời cơ đẩy mạnh hoạt động phối hợp, chiến tranh du kích phát triển rất mạnh ở Bắc bộ, đã tiêu diệt hàng loạt vị trí quan trọng của địch. Ở Bình Trị Thiên, ta đánh mạnh vào các trục giao thông, phá tan các cuộc càn quét và mở rộng căn cứ du kích. Nam bộ càng đánh càng rút ra được kinh nghiệm, chiến thắng giòn giã liên tiếp. Địch phân tán khá nhiều về phía biên giới Việt – Lào, lực lượng tinh nhuệ nhất bị giam lại ở Điện Biên Phủ. Kế hoạch Nava bắt đầu phá sản. Vậy nhưng tướng tá Pháp – Mỹ vẫn còn chưa nhìn ra thất bại này, vì vậy chúng cũng không thể ngờ rằng tháng 3-1954 ta nổ súng tấn công Điện Biên Phủ.
IV - CHIẾN DỊCH LỊCH SỬ ĐIỆN BIÊN PHỦ - TÌNH HÌNH ĐỊCH VÀ CHỦ TRƯƠNG TÁC CHIẾN CỦA TA
Điện Biên Phủ giáp biên giới Việt - Lào, nằm trên ngã ba nhiều đường lớn và nhỏ quan trọng. Đối với Pháp – Mỹ thì đây là địa bàn chiến lược hết sức quan trọng, là một vị trí chiến lược cơ động ở giữa miền Bắc Việt Nam. Lực lượng của địch ở Điện Biên Phủ ban đầu có 6 tiểu đoàn, về sau tăng dần lên để đối phó với ta.
Chúng bố trí thành tập đoàn cứ điểm “mạnh nhất Đông Dương lúc bấy giờ”, gồm 3 phân khu hỗ trợ lẫn nhau và đều có khả năng phòng ngự:
- Phân khu trung tâm: phân khu quan trọng nhất nằm ngay giữa Mường Thanh;
- Phân khu bắc: Đồi Độc Lập, Bản Kéo ở phía bắc;
- Phân khu nam: Hồng Cúm
Ngoài ra địch còn làm thêm 2 sân bay tiếp tế lương thực, đạn dược vào lòng chảo, cùng hảo lực pháo binh và máy bay trinh sát.
Tóm lại, với lực lượng hùng hậu và cơ cấu phòng ngự vững chắc này, Nava đã tự hào rằng Điện Biên Phủ chính là “pháo đài bất khả xâm phạm”. Còn về phía ta, ta đã tiến hàng bao vây Điện Biên Phủ, cắt đứt nơi này với Lai Châu, chuẩn bị chiến trường.
Xuất phát từ những nguyên tắc cơ bản mà Trung ương Đảng đã đề ra, ta không chủ trương đánh ngay, mà phải giam chân cho đến khi địch sơ hở, khi ấy mới là lúc thuận lợi để tiêu diệt địch. Khi hình thức tập đoàn cứ điểm xuất hiện, ta đã phải nghiên cứu và tìm ra ưu nhược điểm của nó, căn cứ vào đặc điểm chiến trường, những điều kiện tác chiến trên quy mô lớn của hai bên, để cho quân đội ta hiểu rõ, thích nghi và trui rèn quyết tâm đi đến thắng lợi cuối cùng.
Điện Biên Phủ có một đặc điểm nổi bật. Do là thung lũng lòng chảo giữa vùng Tây Bắc điệp trùng núi non, việc tiếp tế vào đây hoàn toàn phải dựa vào đường không. Ta nhận thấy nếu cắt đứt được đường không, thì địch sẽ lâm vào thế bị động, tinh thần chiến đấu sa sút và còn khó rút quân được toàn vẹn.
Phía ta là những đơn vị chủ lực có tinh thần chiến đấu cao, trình độ tiến bộ, ta có thể tập trung binh lực, hỏa lực để đánh địch, đã được huấn luyện nhuần nhuyễn để đánh tập đoàn cứ điểm. Tuy Điện Biên Phủ là vùng đất gần như bị cô lập, nhưng ta lại có sức mạnh to lớn của hậu phương, có toàn dân, toàn Đảng tập trung toàn lực để chi viện tiền tuyến. Nhiệm vụ của ta lúc này ở Điện Biên Phủ không còn là giam chân địch nữa, mà là tấn công tiêu diệt tập đoàn cứ điểm của địch. Thực hiện phương châm đánh chắc tiến chắc, chúng ta giữ được thế chủ động hoàn toàn, thậm chí làm tăng thêm khó khăn cho địch khi chặn đường chi viện của chúng. Nếu ta khống chế được sân bay và siết chặt vòng vây quanh lòng chảo, địch sẽ càng thêm khốn đốn.
Đây cũng là khoảng thời gian khó khăn của ta khi gặp địa hình hiểm trở nơi đây, bộ đội ta phải tăng cường chăm lo sức khỏe, đề phòng dịch bệnh, săn sóc việc ăn uống nghỉ ngơi, bên cạnh đó còn phải đào công sự, làm những nơi ẩn nấp kín, chấn chỉnh lực lượng để đảm bảo tác chiến liên tục. Để giành được thắng lợi cuối cùng, ta cần nâng cao tinh thần vượt qua gian khổ, nâng cao tinh thần phục vụ tiền tuyến của quân đội và nhân dân. Bên cạnh đó, mùa mưa đang tới gần cũng là một thách thức lớn với bộ đội ta.
V - CHIẾN DỊCH LỊCH SỬ ĐIỆN BIÊN PHỦ, DIỄN BIẾN CỦA TÌNH HÌNH CHIẾN SỰ
Pháp tăng cường lực lượng bắn phá, ném bom đường chi viện, tiếp tế của ta cả ngày lẫn đêm. Ta đẩy mạnh công tác chuẩn bị: mở đường kéo pháo, xây dựng trận địa, cung cấp tiếp tế, không ngừng luyện tập, củng cố lực lượng về mọi mặt cho chiến dịch to lớn sắp tới.
Trong điều kiện đánh phá ác liệt của máy bay và pháo cao xạ, vượt suối đèo trong gần 10 ngày đêm, trên đoạn đường rừng 15km, hàng ngàn chiến sĩ bộ binh và pháo binh đã vượt qua mọi khó khăn, thành công đưa pháo, hỏa xa, đạn dược vào trận địa, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ ngoài dự kiến. Quân ta đã xây dựng những trận địa pháo binh, sở chỉ huy kiên cố, sau này các trận địa đó trở thành hệ thống trận địa tiến công và bao vây rộng lớn.
Về mặt tiếp tế, chi viện, hưởng ứng lời kêu gọi của Trung ương Đảng, chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân ở hậu phương liên tiếp chuyển lương thực, thuốc men, đạn dược, vượt những con đường hiểm trở, máy bay địch bắn phá ác liệt để cung cấp cho bộ đội trong vùng chiến. Tuy bị không quân địch oanh tạc bắn phá nhưng những con đường vận chuyển của ta nhìn chung vẫn được đảm bảo.
Về tác chiến, ta đã làm tốt công tác phòng gian giữ bí mật, ngụy trang và nghi binh nhằm đánh lạc hướng quân địch, lại bảo đảm lực lượng của ta. Thời gian này không quân của địch hoạt động mạnh và vô cùng ác liệt, ta phải tận dụng sự khắc nghiệt của thời tiết để hoạt động, dựng lên những giàn ngụy trang để dễ dàng làm việc ban ngày. Đến khi ta tập trung nhất thì địch lại chủ quan, nghĩ ta đã bỏ cuộc ở Điện Biên Phủ.
Để chuẩn bị cho trận đánh thế kỷ, bộ đội ta rất chú trọng việc nâng cao sức khỏe và vệ sinh phòng bệnh. Bên cạnh đó, công tác chính trị cũng rất được quan tâm, kết hợp việc giáo dục chính trị, lãnh đạo tư tưởng với yêu cầu cụ thể, động viên chiến sĩ tiến lên. Công tác chuẩn bị về mọi mặt đã hoàn thành và được kiểm tra kỹ lưỡng. Ngày 13-3-1954, quân ta nổ phát súng đầu tiên tấn công tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Chiến dịch được tiến hành thành ba đợt:
- Đợt thứ nhất: Tiêu diệt vòng ngoài ở Him Lam và toàn bộ phân khu bắc. Nguyên tắc đánh chắc tiến chắc được bảo đảm, nắm vững ngay từ những trận đầu. Chúng ta tập trung ưu thế binh lực, hỏa lực tuyệt đối so với lực lượng địch. Ta đã loại khỏi vòng chiến đấu ba tiểu đoàn quân tinh nhuệ, làm lộ phân khu trung tâm của địch. Thất bại lớn nhất của địch là đã phán đoán sai về kế hoạch tác chiến, cũng như coi thường pháo binh của ta. Trận đánh này giành chiến thắng càng làm sục sôi quyết tâm cho các bước tiếp theo của kế hoạch giải phóng Điện Biên.
- Đợt thứ hai: Ta đánh vào phân khu trung tâm. Phân khu trung tâm gồm 5 trung tâm đề kháng. Toàn bộ phân khu nằm giữa cánh đồng Điện Biên Phủ. Muốn đánh chiếm được phân khu này thì vấn đề quan trọng về chiến thuật là phải tiếp cận địch trên một địa hình bằng phẳng và tiến hành chiến đấu cả đêm lẫn ngày trong điều kiện pháo binh, cơ giới và không quân của địch hoạt động mạnh.
Tại Điện Biên Phủ, vấn đề chiến thuật được đặt ra một cách cấp thiết và có yêu cầu cao. Ta chủ trương xây dựng hế thống trận địa tiến công và bao vây. Trong khoảng 10 ngày, bộ đội ta đào thêm 100km hào giao thông, hào chiến đấu , xây đắp hàng vạn công sự. Địch tìm mọi cách để phá hủy công trình của ta, nhưng chúng vẫn thất bại. Đến cuối tháng 3-1954, trận địa tấn công và bao vây đã được hoàn thành.
Đợt đánh này là một cuộc chiến đấu lớn, không chỉ nhằm tiêu diệt sinh lực địch mà còn là cuộc chiến phức tạp khi bao gồm một loạt trận công kiên. Các cuộc phản kích của địch đều bị ta đánh tơi bời. Cuộc chiến ở đồi A1 là cuộc chiến ác liệt và gay go. Suốt gần 10 ngày, ta và địch giành nhau từng tấc đất nhưng không thành công. Mặc dù đã chiếm được nhiều cứ điểm, loại khỏi vòng chiến đấu gần 5000 tên, nhưng chưa hoàn thành được các mục tiêu đã đề ra.
Ta quyết định chủ trương tiếp tục hoàn thành nhiệm vụ, xây dựng trận địa ngày càng tiến gần sát địch. Cuộc chiến đấu diễn ra không ngừng nghỉ suốt ngày đêm. Địch mở nhiều trận phản kích nhưng không thành, phạm vi đóng quân của chúng ngày càng bị thu hẹp. Các chiến sĩ của ta tiến sâu vào lòng địch, đánh phá các kho tàng, làm tiêu hao sinh lực của chúng.
Tháng 4-1954, địch dần dần mất hy vọng có thể cố thủ Điện Biên Phủ. Tình hình quân địch trở nên khốn khó trầm trọng. Về phía ta, khối lượng vận chuyển lương thực, thuốc men, đạn dược vào trận địa cũng vất vả như bộ đội trực chiến, vì phương tiện vận chuyển còn thô sơ, chủ yếu là dựa vào sức người. Khó khăn vất vả ta đã trải qua một cách kiên cường, vì vậy bộ đội ta quyết làm theo lời cổ vũ động viên của Trung ương Đảng, Chính phủ, quyết tâm giành thắng lợi trong chiến dịch lịch sử này.
- Đợt thứ ba: đánh chiếm cao điểm phía đông, uy hiếp địch, nắm vững thời cơ tiến công, tiêu diệt địch.
Sau đợt đánh thứ hai, địch đã có phần suy yếu và tinh thần chiến đấu sa sút. Trái lại, quân ta hừng hực khí thế, mọi khó khăn đều được khắc phục. Các đơn vị bộ đội chủ lực đều nổ súng đúng thời gian đã định trong kế hoạch, địch hoang mang muốn mở con đường máu để phá vòng vây. Nava vội vã thực hiện kế hoạch rút chạy.
Sau khi đã tiêu diệt tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, quân ta mở cuộc hành binh đột phá vòng vây vào đêm 7-5-1954. Được sự phối hợp chặt chẽ của công binh, quân ta tổng tiến công đánh địch từ nhiều hướng, tiêu diệt toàn bộ tiểu đoàn dù lê dương cắm ở đó. Chúng ta đã đánh chiếm cao điểm cuối cùng, địch chạy về phía Mường Thanh, nhưng cũng không chống cự được. Tinh thần của chúng hoang mang cực độ.
14h ngày 7-5-1954, địch đối phó yếu ớt, 17h30 cùng ngày, ta đánh chiếm sở chỉ huy của địch. Tướng De Castries và toàn bộ bộ tham mưu của tập đoàn cứ điểm bị bắt sống. Toàn bộ binh sĩ địch còn lại giương cờ trắng đầu hàng. Lá cờ Quyết chiến Quyết thắng của ta tung bay trên cánh đồng Điện Biên Phủ.
Sau “56 ngày đêm khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt/ Máu trộn bùn non/ Gan không núng, chí không mòn”, chiến dịch Điện Biên Phủ của ta đã đoàn thắng. Chiến thắng này đã gióng lên hồi chuông báo tử cho chủ nghĩa thực dân kiểu cũ, lịch sử Việt Nam mở sang một trang mới.
Xét về phía nghệ thuật chiến dịch cũng như về chiến thuật, với trận Điện Biên Phủ, quân đội ta đã có bước nhảy vọt lớn, trong khi trang bị vũ khí của ta chưa có cải thiện đáng kể. Bí quyết của bước tiến vọt là sự vận dụng các phương pháp chiến thuật đầy sáng tạo nhằm giành lấy Điện Biên Phủ. Trong chiến dịch lịch sử này, mối quan hệ giữa chiến lược, nghệ thuật chiến dịch với phương pháp chiến thuật được thể hiện rất rõ nét. Đây chính là nghệ thuật chiến tranh vô cùng sáng tạo của ta trong tình hình khó khăn đó.
VI - Ý NGHĨA TO LỚN CỦA CHIẾN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ VĨ ĐẠI VÀ CỦA CÁC CHIẾN THẮNG ĐÔNG XUÂN NÓI CHUNG
Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ và nói chung các chiến thắng Đông Xuân 1953 - 1954 đánh dấu bước chuyển biến vượt bậc trong quá trình phát triển của cuộc kháng chiến vệ quốc. Một số điểm nổi bật được khái quát như sau:
1 - Trong cuộc tiến công chiến lược Đông Xuân 1953-1954, ta đã mở nhiều chiến dịch tiến công từ nhiều hướng trên mọi chiến trường, việc này có tác dụng khi ta mở rộng được chiến trường miền Nam và chiến trường Đông Xuân.
2 - Ở Điện Biên Phủ, ta dồn lực tập trung vào tập đoàn cứ điểm quan trọng của địch mà chúng cho là bất khả xâm phạm. Chiến dịch Điện Biên Phủ mang tính chất đầy đủ của một trận quyết chiến về chiến lược.
3 - Trong cuộc tiến công Đông Xuân 1953 - 1954, đã diễn ra một sự biến chuyển mới về hình thức tác chiến: chiến dịch tiến công trận địa trên một quy mô lớn.
Điều vô cùng quan trọng trong chiến cuộc Đông xuân 1953-1954 là ta giữ được thế chủ động trên chiến trường, sục sôi ý chí chiến đấu và quyết tâm giành thắng lợi. Ở chiến dịch Điện Biên, ta tiêu diệt được số lượng quân địch cực lớn, cùng nhiều máy bay hạng nặng, một bộ phận quan trọng của lực lượng không quân địch ở Đông Dương.
Thất bại nặng nề của Pháp tại Việt Nam làm phá sản kế hoạch Nava, hàng ngũ tướng tá Pháp và quân đội viễn chinh suy sụp nhanh chóng. Bên cạnh đó, ta còn giải phóng được một vùng đất đai rộng lớn mang tính chiến lược; cùng với tình đồng chí, mối quan hệ ngoại giao với Lào càng thêm khăng khít.
Chiến thắng Điện Biên Phủ vĩ đại và các chiến thắng Đông Xuân nói chung đã mở ra một cục diện chính trị mới, góp phần quyết định vào thắng lợi của Hội nghị Giơnevơ năm 1954, hòa bình được lập lại ở Đông Dương.
Không chỉ có vậy, chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” và các chiến thắng Đông Xuân còn gây tiếng vang lớn trên thế giới. Trận Điện Biên Phủ không chỉ là chiến thắng đế quốc của một dân tộc từng là nước thuộc địa, mà còn là cống hiến lớn lao của nhân dân ta vào cao trào giải phóng dân tộc đang dâng lên sau Thế chiến II, báo hiệu ngày tàn của chủ nghĩa thực dân kiểu cũ.
Nhân dân ta trong các trận đánh của chiến cuộc Đông Xuân đã nêu cao tinh thần quyết chiến quyết thắng, hết lòng phục vụ tiền tuyến, đoàn kết cùng quân đội chiến đấu trên mọi mặt trận kháng chiến, chi viện cũng như tinh thần. Nổi bật lên trên cả, đó là ý chí quyết tâm của chiến sĩ trực chiến, đã can đảm vượt qua mọi khó khăn, nguy hiểm ngay tại tuyến lửa, chiến đấu hết mình để đưa cuộc đấu tranh lên tầm cao “nên vành hoa đỏ, nên thiên sử vàng”.
Một điều tuyệt vời để đi đến chiến thắng không thể phủ nhận đó là sự giúp sức và cổ vũ của bạn bè quốc tế. Sự hỗ trợ của quân đội Pathet Lào là sự ủng hộ của các nước xã hội chủ nghĩa anh em, của nhân dân yêu chuộng hoà bình và công lý trên thế giới. Thắng lợi của mỗi nước trong cuộc kháng chiến là kết quả của sự phối hợp đấu tranh chặt chẽ giữa nhân dân và lực lượng vũ trang hai nước Việt - Lào. Phía Trung Quốc và Liên Xô với ta là những chia sẻ kinh nghiệm đấu tranh vũ trang.
Về phía Nava, các nhà quân sự cho rằng hắn đã mắc sai lầm trong việc lựa chọn Điện Biên Phủ làm nơi quyết chiến chiến lược, ở chỗ đánh giá cao lực lượng của mình và không thể trở tay được với những kế hoạch tác chiến bất ngờ của nghệ thuật quân sự Việt Nam. Cuộc phiêu lưu quân sự của Pháp ở Đông Dương nói chung và Việt Nam nói riêng, rõ ràng là cuộc chiến tranh phi nghĩa, hy sinh hàng chục vạn binh sĩ, tốn ngàn tỉ phrang,… vậy mà vẫn nhận lại thất bại ê chề trên dải đất bé nhỏ phía Đông Nam châu Á. Chính vì một lẽ thường tình, và có cơ sở khoa học, một khi đã không xuất phát từ mục đích cao cả thì sẽ không nhận được kết cục tốt đẹp.
Một điểm nữa dẫn đến chiến thắng Điện Biên Phủ, đó là sự dẫn dắt, chủ trương kiên quyết kháng chiến vô cùng đúng đắn của Đảng, là con đường của chủ nghĩa Mác - Lênin. Chủ trương kiên quyết kháng chiến của Đảng ta là con đường duy nhất đúng để bảo vệ thành quả của Cách mạng Tháng Tám, bảo vệ nền độc lập của Tổ quốc đưa cách mạng nước ta tiến lên.
Cuối cùng, điều quan trọng không kém đó là đường lối quân sự đúng đắn của Đảng. Đường lối tiến hành chiến trang Đảng đề ra là cuộc chiến tranh nhân dân, dựa vào sức dân là chính, lấy lực lượng chính trị để xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân. Chiến thắng Điện Biên Phủ đã chứng minh rất rõ điều này. Quân đội xuất phát từ nhân dân, khối đoàn kết toàn dân trên cơ sở liên minh công nông, chiến tranh du kích cũng từ nhân dân, bộ đội trực chiến nhận tiếp viện từ hậu phương vào trận địa cũng là sức người của nhân dân. Chiến thắng Điện Biên Phủ là điều kiện cần và đủ để ta đi đến thắng lợi trên bàn đàm phán tại Hội nghị Geneve năm 1954.
Tuy nhiên Hiệp định Geneve được ký kết chưa bao lâu, Mỹ và bè lũ tay sai là chính quyền Ngô Đình Diệm đã vi phạm trắng trợn, mưu mô chia cắt hai miền Nam Bắc nước ta, muốn biến miền Nam thành thuộc địa kiểu mới và căn cứ quân sự của Mỹ. Chúng ngang nhiên cướp bóc, tàn sát người dân nhằm đàn áp phong trào giải phóng của các dân tộc. Đồng bào miền Nam yêu chuộng hòa bình nhưng tức nước vỡ bờ, đồng bào Nam bộ đã vùng lên chiến đấu để tự giải phóng, thực hiện chủ trương đánh đổ đế quốc Mỹ và tay sai, giành lại độc lập.
Nhân dân ta ngoan cường chiến đấu ròng rã 20 năm trời, hiện đang tiến hành cuộc kháng chiến vệ quốc vĩ đại lần thứ hai trong lịch sử dân tộc. Nhân dân các nước trên thế giới đang hết lòng cổ vũ cuộc đấu tranh của đồng bào Nam bộ. Việt Nam nhất định sẽ chiến thắng, Mỹ và tay sai nhất định sẽ chịu thua nhục nhã.