I - MẤY NÉT SƠ LƯỢC VỀ TÌNH HÌNH CHIẾN SỰ TRONG ĐÔNG XUÂN 1953 - 1954
Từ sau chiến dịch Biên giới, quân ta đánh đâu thắng đó, các vùng giải phóng không ngừng được mở rộng trên chiến trường miền Bắc. Pháp hoang mang vì tình thế dần dần không có lợi cho chúng. Được Mỹ tiếp viện, chúng lập ra kế hoạch Nava nhằm biến Việt Nam thành thuộc địa kiểu mới hoặc là căn cứ quân sự của Mỹ.
Chúng tập trung lực lượng cơ động khá mạnh ở Đồng bằng Bắc Bộ, không ngừng tăng cường ngụy quân, tiến công ra các vùng tự do làm tiêu hao và giam giữ chủ lực của ta. Trong khi chúng cho rằng đang nắm trong tay phần lớn chiến thắng thì quân ta lại di chuyển ngược lên Tây Bắc. Chúng vội vàng cho quân nhảy dù xuống chiếm Điện Biên Phủ, tăng cường lực lượng tại đây hòng gây tổn thất cho ta, nhưng cuối cùng lại nhận về thất bại nặng nề.
II- VẤN ĐỀ CHỈ ĐẠO CHIẾN LƯỢC
Vấn đề chỉ đạo chiến lược trong Chiến dịch Điện Biên Phủ và nói chung trong chiến cuộc Đông Xuân 1953 - 1954 là một điển hình thành công tốt đẹp của đường lối quân sự Mác - Lênin, vận dụng vào thực tiễn cụ thể của chiến tranh cách mạng nước ta.
Chiến lược của ta là chiến lược của chiến tranh nhân dân, của quân đội cách mạng đang nắm quyền chủ động, sẵn sàng phát triển tiến công. Ta chủ trương đánh lạc hướng, tiêu diệt các phần nhỏ của địch để chúng bị phân tán lực lượng, đánh vào những nơi sơ hở kết hợp giải phóng đất đai, tạo điều kiện thuận lợi để quân ta đi đến thắng lợi cuối cùng.
Sự chỉ đạo chiến lược của Trung ương Đảng vô cùng sáng suốt: tránh lực lượng tập trung của địch ở đồng bằng, ta chuyển hướng lên Tây Bắc đồng thời giải phóng một số tỉnh ở đây, quét sạch đám thổ phỉ, tiêu diệt số lượng lớn địch trên đường chúng rút chạy. Chúng đành phải phân tán lực lượng ở đồng bằng để ngược lên Tây Bắc, dùng Điện Biên Phủ làm nơi tập trung binh lực thứ hai.
Bên cạnh việc thực hiện chủ trương phân tán lực lượng địch, ta còn tiến hành đánh vào vùng sơ hở và đánh tiếp vào vùng sau lưng địch, kết hợp với quân đội Pathet Lào tiến công, mở rộng các vùng giải phóng. Dưới sự dẫn dắt của Đảng, bộ đội ta đã luôn chiến đấu với tinh thần anh dũng và bền bỉ, kiên cường khắc phục những khó khăn.
III- VẤN ĐỀ CHỈ ĐẠO CHIẾN DỊCH
Đối mặt với cuộc chiến đầy thách thức, hai vấn đề quan trọng được đặt ra:
1, Đánh Điện Biên Phủ hay không đánh?
2, Nếu đánh thì đánh bằng cách nào?
Đứng trước hình thái phòng ngự mới của địch, ta đã dày công nghiên cứu và tổ chức trang bị, huấn luyện trong quân đội về mọi mặt như chiến thuật, kỹ thuật, tinh thần chiến đấu, và thực tế quân đội ta đã có đủ năng lực và trình độ để tiếp thu các công việc này. Chính vì vậy Trung ương Đảng đã ra quyết định tiêu diệt địch ở Điện Biên Phủ.
Còn vấn đề đánh như thế nào, ta lại phải tiếp tục so sánh giữa đánh nhanh thắng nhanh và đánh chắc tiến chắc. Nhận thấy ta còn gặp nhiều hạn chế như chưa có kinh nghiệm đánh tập đoàn cứ điểm, do vậy đánh nhanh thắng nhanh sẽ không thành công. Vì vậy, Đảng chủ trương chuyển sang đánh chắc tiến chắc. Phương châm này được giữ vững xuyên suốt quá trình của chiến dịch. Ròng rã 56 ngày đêm chuẩn bị và chiến đấu liên tục, ta đã giành thắng lợi vẻ vang.
IV- MẤY VẤN ĐỀ CHIẾN THUẬT
Điện Biên Phủ được hàng ngũ tướng tá Pháp – Mỹ cho là một pháo đài bất khả xâm phạm, đánh Điện Biên Phủ chẳng khác nào tự sát. Vậy nhưng đến những giây phút cuối cùng, chúng vẫn bất ngờ và hoảng loạn với cuộc tiến công của quân ta.
Tập đoàn cứ điểm của địch có binh lực, hỏa lực và pháo binh cực mạnh. Ta không có cơ giới, không có không quân, và ta khắc phục khó khăn bằng xây dựng hệ thống giao thông hào, hệ thống trận địa tiến công và bao vây. Lực lượng pháo binh của ta tuy còn nhỏ, lại được đưa vào trận địa chỉ bằng sức người, nhưng lại có tác dụng cực lớn trong chiến dịch này.
Bên cạnh đó ta khoét sâu hơn vào vấn đề tiếp tế của địch, ban đầu dùng hỏa lực pháo binh khống chế sân bay, về sau dùng mọi biện pháp ngăn trở việc tiếp tế và cuối cùng triệt đường hàng không của chúng.Ta có thể vắn tắt ngắn gọn chiến thuật như sau:
- Đợt 1: Ta dùng trận địa tiến công và bao vây;
- Đợt 2: Ta dùng đến hệ thống giao thông hào, khống chế sân bay;
- Đợt 3: Tổng công kích, thu hẹp phạm vi chiến đấu của địch, ta tiến công từ mọi phía và giành thắng lợi.
V- TINH THẦN QUYẾT CHIẾN QUYẾT THẮNG CỦA QUÂN ĐỘI
Trung ương Đảng và Chính phủ đã nhận định chiến dịch Điện Biên Phủ là chiến dịch lịch sử, có ý nghĩa vô cùng quan trọng với tình hình quân sự của nước ta. Vì vậy, cả quân và dân đều có đóng góp to lớn dẫn đến chiến thắng lừng lẫy này.
Bộ đội ta đã liên tục làm việc ngày đêm, thực hiện công tác chuẩn bị chu đáo cẩn thận, đào giao thông hào, làm đường ô tô xuyên qua những dãy núi... Sức mạnh phi thường của những việc này chỉ có lòng quyết tâm và ý chí chiến đấu kiên cường mới mang lại được. Trong chiến dịch, bộ đội ta chiến đấu anh dũng, bền bỉ. Dưới làn mưa bom bão đạn của quân thù, bộ đội ta vẫn bền gan đánh chiếm từng quả đồi, giành từng tấc đất, thắt chặt vòng vây tập đoàn cứ điểm.
Tinh thần quyết chiến quyết thắng của quân đội là kết quả giáo dục, bồi dưỡng lý tưởng của Đảng. Tư tưởng chủ quan khinh địch đã từng nảy nở nhưng kịp thời được chấn chỉnh thành công. Thành công đó đã đưa chiến dịch đến ngày toàn thắng.
VI- TINH THẦN PHỤC VỤ TIỀN TUYẾN CỦA NHÂN DÂN
Điện Biên Phủ dường như bị cô lập, tách biệt hẳn với cuộc sống bên ngoài. Từ trận địa đến hậu phương cách nhau 500-700km đường rừng hiểm trở, gập ghềnh. Việc tiếp tế lương thực, thuốc men, đạn dược bằng xe đạp, xe ngựa, thậm chí được mang vác bằng sức người đi qua đồi núi, dưới bom đạn chiến tranh trở nên khó khăn hơn bao giờ hết. Địch tiếp tục mắc sai lầm khi không tin rằng ta có thể vượt qua khó khăn thiếu thốn ở thung lũng bốn bề hút gió. Chúng không bao giờ đánh giá được sức mạnh của dân tộc đoàn kết, của nhân dân vững lòng tin ở Đảng và cán bộ chiến sĩ. Sức mạnh của lòng yêu nước như sóng dậy nhấn chìm tất cả bọn cướp nước.
VII- CUỘC KHÁNG CHIẾN ANH DŨNG CỦA TOÀN DÂN TA LÀ MỘT TRẬN ĐIỆN BIÊN PHỦ LÂU DÀI VÀ VĨ ĐẠI
Chiến thắng Điện Biên Phủ và nói chung chiến thắng Đông Xuân 1953 - 1954 là chiến thắng lớn nhất của quân đội và nhân dân ta trong cuộc kháng chiến trường kỳ chống đế quốc xâm lược Pháp và can thiệp Mỹ. Điện Biên Phủ mãi là biểu tượng của lòng yêu nước, của sự quật cường không nản chí của dân tộc ta, là biểu tượng của tình đoàn kết quân dân, tình đoàn kết trăm người như một. Điện Biên Phủ không chỉ là thắng lợi của ta, mà còn là thắng lợi của các dân tộc bị áp bức trên thế giới.