QUYẾT ĐỊNH KHÓ KHĂN NHẤT
1
Mùa thu 1953, ta vẫn chưa xác định được mùa khô này sẽ mở trận đánh lớn ở đâu. Tôi lên Khuổi Tát tìm Bác. Bác cùng mấy anh em ngồi lại và nghe tôi trình bày tình hình địch và kế hoạch Nava. Bác cho rằng nên phân tán lực lượng binh lính của địch để chúng tiêu tan sức mạnh tập trung. Tổng quân ủy cũng đề nghị tiến công vào vùng địch sơ hở hoặc mất cảnh giác, giải phóng đất đai, buộc địch phân tán để dễ bề đối phó, đồng thời đẩy mạnh chiến tranh du kích. Chỉ cần phân tán địch thì kế hoạch Nava về cơ bản đã bị thất bại. Lúc này trong đề án của ta chưa xuất hiện ba chữ Điện Biên Phủ, nhưng cuộc họp lần này dường như đã quyết định số phận của Nava.
2
Trung tuần tháng 10, Nava tổ chức trận hành binh Hải Âu. Ngày 15-10, ta di chuyển lên Tây Bắc, trong thời gian đó, tôi được tin Pháp đã nhảy dù xuống Điện Biên Phủ. Ta được lệnh chuyển hướng nhanh chóng tiến vào bao vây quân địch ở Điện Biên Phủ. Một trung đoàn hỏa tốc vòng về phía Nam, đề phòng địch chạy sang Lào.
Từ ngày 20 đến cuối tháng 12, bộ đội Việt Lào đã kết hợp chiến đấu, giải phóng nhiều vùng đất đai rộng lớn. Khối quân cơ động của Nava tan vỡ. Hắn tăng quân lên Điện Biên Phủ. Tôi báo cáo tình hình với bác và các anh, Bộ Chính trị hạ quyết tâm tiêu diệt tập đoàn cứ điểm của địch ở Điện Biên Phủ. Bác nói:
“Tổng Tư lệnh ra mặt trận. "Tướng quân tại ngoại". Trao cho chú toàn quyền quyết định. Trận này quan trọng, phải đánh cho thắng! Chắc thắng mới đánh, không chắc thắng, không đánh”.
3
Tháng 1-1954, tôi vâng lời Bác và lên đường. Chuẩn bị cho trận đánh lớn, quân và dân đã mở rộng và khôi phục hàng ngàn km đường. Công binh và dân quân xếp đá làm cầu cho xe qua. Xe kéo pháo, xe vận tải nối đuôi nhau, tổ chức hành quân của các đơn vị bộ đội làm khá tốt, mạnh mẽ và rất nhanh nhẹn. Nhưng tôi chợt nghĩ đến khó khăn lớn nhất lúc bấy giờ là vấn đề tiếp viện. Đường từ hậu phương ra mặt trận quá xa, mà ai cũng cần đồ ăn thức uống.
Tập đoàn cứ điểm trở thành hình thức phòng ngự cao nhất của địch. Trước tình hình này ta có hai hướng. Hướng thứ nhất là dùng toàn bộ lực lượng đánh cùng một lúc, từ nhiều phía khác nhau, đó là “đánh nhanh giải quyết nhanh”. Hướng thứ hai là đánh từng bước, từ trung tâm đề kháng tới toàn bộ tập đoàn cứ điểm bằng những trận công kiên liên tiếp, gọi là “đánh chắc tiến chắc”.
Chúng tôi đánh giá trận đánh này sẽ là trận công kiên lớn nhất từ trước đến nay. Nhưng với trình độ tác chiến với trang bị của bộ đội hiện nay, chỉ có cách đánh dần từng bước.
4
Con đường ra trận càng thêm gian khổ dưới làn bom đạn địch bắn phá ác liệt. Bản đồ tập đoàn cứ điểm trải rộng mênh mông. Lần đầu tôi thấy những vị trí địch nhiều và dày đặc đến vậy. Nava có vẻ đã quyết định giao tranh ở Điện Biên Phủ. Quân lực của chúng rất mạnh. Bây giờ nếu ta vẫn theo hướng đánh nhanh thắng nhanh thì chưa chắc thành, về sau địch có tăng thêm quân thì khả năng giành thắng lợi càng khó khăn.
Tuy nhiên sau nhiều buổi gặp mặt và chia sẻ chiến lược tác chiến, các chuyên gia nước bạn và các đồng chí Việt Nam là cần đánh sớm trước khi địch tăng quân. Tôi vẫn cho rằng hướng đánh này không có lợi cho ta, nhưng cũng chưa đủ kinh nghiệm để bác bỏ phương án được mọi người góp ý. Tôi chỉ thị điều tra những vị trí ở phía tây, là nơi địch sơ hở, đồng thời giám sát việc tăng quân, củng cố quân sự của địch.
5 – 6
Bộ chỉ huy mặt trận đã huy động bộ đội làm nhiệm vụ kéo pháo vào trận địa, sau một tuần, pháo vẫn chưa vào đủ. Đường kéo pháo dài, nằm trên địa hình hiểm trở, việc kéo khẩu pháo nặng hàng tấn qua đường rừng, nhiều đoạn dốc cao là việc làm hết sức khó khăn.
Mỗi ngày trôi qua, tôi càng khẳng định rằng ta không thể đánh nhanh được. Nhớ lại lời Bác dặn, chỉ được thắng, không được bại. Vậy là bộ đội ta phải làm một trận công kiên lớn tiêu diệt tập đoàn cứ điểm này. Ba khó khăn hiện lên rõ ràng:
- Bộ đội chủ lực của ta chưa có kinh nghiệm đánh tập đoàn cứ điểm;
- Trận này ta không có xe tăng, máy bay, bộ đội cũng chưa qua diễn tập;
- Bộ đội ta trước giờ chỉ quen tác chiến ban đêm, ở những địa hình dễ ẩn náu.
Suốt đêm tôi trăn trở không sao ngủ được, chỉ mong trời mau sáng để họp Đảng ủy mặt trận.
7
Cuộc họp được triệu tập, tôi đưa ra ý kiến không nên đánh nhanh thắng nhanh, nếu cứ đánh thì sẽ thất bại nên chuyển sang phương châm đánh chắc tiến chắc. Với tinh thần trách nhiệm trước lời căn dặn của Bác và Bộ Chính trị, tôi yêu cầu tạm hoãn mọi hoạt động, chuẩn bị làm theo phương châm mới. Ngày hôm đó, tôi đã đạt được quyết định khó khăn nhất trong đời mình. Bác hoàn toàn ủng hộ quyết định này. Các chiến sĩ có thể trong lòng còn đặt ra nhiều câu hỏi về kế hoạch tạm hoãn, nhưng việc được giao mọi người đều hoàn thành, biểu thị tinh thần kỷ luật tuyệt vời.
Thời gian này, trên khắp các chiến trường, quân Pháp đều sa lầy, vì thế chúng tăng cường dồn tập trung vào Điện Biên Phủ. Ta đã lùi lại 1 tháng rưỡi so với kế hoạch chiến đấu ban đầu. Ngày 13-3-1954, ta nổ phát súng đầu tiên đánh Him Lam. Sau gần 2 tháng ròng rã, ta đã giành thắng lợi vẻ vang. Lá cờ chiến thắng đã tung bay trên nóc hầm De Castries.
ĐIỆN BIÊN PHỦ XƯA VÀ NAY
Trận Điện Biên Phủ là một sự kiện trọng đại. Sau 40 năm, mọi ký ức về Điện Biên Phủ đều hiện lên rõ nét và chân thực, ta có thời giờ để ngẫm nghĩ ý nghĩa và bài học lịch sử cho công cuộc cách mạng hiện nay.
Trở lại Mường Phăng, vẫn còn nguyên đó tấm bản đồ chiến lược, bản đồ Đông Dương khi tôi còn là Chỉ huy trưởng của trận Điện Biên Phủ, vừa là Tổng tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam. Bức tranh Điện Biên Phủ oai hùng thể hiện rõ tầm vóc của nó trong thời đại Hồ Chí Minh, đã chấm dứt 100 năm đô hộ của thực dân Pháp và 30 năm chiến đấu bảo vệ độc lập, tự do nước nhà, và đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội. Từng bước đường lịch sử đều là sự kế thừa và phát triển của cách mạng Tháng Tám.
Ngược về quá khứ xa xôi hơn, ta nhớ lại những trang sử hào hùng của dân tộc, từ thời Ngô, Đinh, Lê, Lý, Trần, Hậu Lê… cũng là lúc ta thấy được tính kế thừa, học hỏi tiền nhân cũng như sự sáng tạo, phát triển trong thời đại mới. Hoặc ta đặt Điện Biên Phủ vào một không gian lịch sử rộng hơn, đó là những trận đánh nổi tiếng như Waterloo, Stalingrad…
Mặc dù De Gaulle đã cảnh báo Mỹ khi Mỹ có âm mưu thôn tính Việt Nam, nhưng Mỹ đã chủ quan và đánh giá mình quá cao. Cuối cùng, thực tiễn lịch sử đã cho thấy, cuộc kháng chiến chống Mỹ, bảo vệ miền Bắc và đại thắng mùa xuân 1975 càng làm nổi bật sức ảnh hưởng của trận Điện Biên Phủ.
Một điều quan trọng khác chính là nghệ thuật chỉ đạo cách mạng và chiến lược đúng đắn, sáng tạo. Tư tưởng chủ đạo, xuyên suốt trong cả quá trình đấu tranh ở vùng đất Điện Biên là đánh chắc thắng, bởi dân ta xuất thân nghèo khó, xương máu của nhân dân và chiến sĩ phải được quý trọng.
Tôi trăn trở mãi về việc đánh nhanh thắng nhanh, chẳng khác nào ta phơi mình giữa cánh đồng cho hỏa lực địch tiêu diệt. Vì vậy quyết định vào giờ chót của tôi gần như là quyết định khó khăn nhất cuộc đời. Thực tế đã chứng minh quyết định này vô cùng kịp thời và đúng đắn.
Sau này, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, đặc biệt trong giai đoạn cuối vào mùa xuân năm 1975, bài học biết vận dụng quy luật và thời cơ vẫn còn giá trị cực lớn. Chúng tôi đề ra chủ trương phải dứt khoát trong năm 1975 và thực hiện phương châm “Thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng”, “Thần tốc, thần tốc hơn nữa”, cùng với quyết tâm của quân dân, ta đã toàn thắng vào ngày 30-4-1975. Muốn nắm được thời cơ thì phải dựa trên cơ sở tư tưởng đúng đắn và có quá trình tích lũy kinh nghiệm, phát hiện và phân tích được những cái mới, những quy luật và hành động theo quy luật.
Một trong những nội dung chống “diễn biến hòa bình” của kẻ thù chính là luôn nhớ đến quá khứ vinh quang của dân tộc, những thành tựu to lớn mà cha ông đã đánh đổi bằng xương máu của mình.
ĐIỆN BIÊN PHỦ - 40 NĂM SAU NHÌN LẠI
Gần nửa thế kỷ trôi qua, Điện Biên Phủ vẫn là mốc son chói lọi, kiêu hùng trong lịch sử dân tộc. Dưới góc độ khoa học và tư duy biện chứng, ta thấy rõ hơn nguyên nhân thắng lợi, ý nghĩa lịch sử của cuộc chiến thần thánh này.
Chiều sâu của chiến dịch Điện Biên Phủ nằm trong tiềm thức của người Việt Nam, sâu trong lòng yêu nước, ý chí kiên cường, bất khuất không ngại gian khổ của đồng bào ta. Chiến thắng Điện Biên Phủ mở ra thời kỳ sụp đổ chủ nghĩa thực dân kiểu cũ trên toàn thế giới, là niềm tin của các dân tộc bị áp bức quyết tâm vươn tới độc lập, tự do.
Những kinh nghiệm thực tiễn của Điện Biên Phủ vẫn còn nguyên giá trị, là sự đoàn kết dân tộc, là thành quả của đường lối quân sự đúng đắn, của nghệ thuật quân sự sáng tạo, là sự dẫn dắt của Trung ương Đảng và Chính phủ.
LỪNG LẪY ĐIỆN BIÊN, CHẤN ĐỘNG ĐỊA CẦU
Trả lời báo chí, Đại tướng Võ Nguyên Giáp cho biết: Mặc dù năm đã trôi qua, nhưng hình ảnh về những chặng đường lịch sử chưa bao giờ phai mờ trong tâm trí tôi mỗi khi nhớ lại. Nhất là chiến thắng Điện Biên Phủ, tôi nhớ về lời dặn dò của Bác, về quyết định khó khăn nhất cuộc đời, cũng là một quyết định đúng đắn, mở đường cho cuộc chiến tại lòng chảo Điện Biên đầy cam go, thử thách và cuối cùng đã giành thắng lợi vẻ vang.
Chiến thắng Điện Biên Phủ và chiến cuộc Đông Xuân 1953-1954 đã đi đến chiến thắng trên bàn đàm phán tại hội nghị Geneve, công nhận chủ quyền của Việt Nam và các nước Đông Dương. Việt Nam trở thành quốc gia có vị thế trên chính trường quốc tế, hoàn toàn thoát khỏi ách đô hộ 100 năm của thực dân Pháp.
Trận Điện Biên Phủ là trận quyết chiến chiến lược mà quân và dân ta đã tiêu diệt được tập đoàn cứ điểm mạnh nhất Đông Dương líuc bấy giờ. Chiến công oanh liệt này đã có tác động sâu rộng đối với phong trào giải phóng dân tộc, được coi là một trong những chiến thắng nổi bật nhất trong thế kỷ XX.
Một vài bài học lịch sử đối với công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa:
- Nắm vững quan điểm thực tiễn;
- Phải dựa vào sức mạnh của giai cấp công nhân, lao động, lực lượng nòng cốt của cách mạng và của toàn dân.
Kỷ niêm 45 năm ngày chiến thắng Điện Biên Phủ và 24 năm ngày đại thắng mùa xuân 1975, chúng ta tưởng nhớ đến Bác Hồ, đến các anh hùng, liệt sĩ, đến biết bao cán bộ, chiến sĩ, dân công, thanh niên xung phong và đồng bào đã hy sinh vì đại nghĩa để chúng ta có được ngày nay.
TINH THẦN ĐIỆN BIÊN PHỦ SỐNG MÃI TRONG SỰ NGHIỆP CỦA CHÚNG TA
Điện Biên Phủ là trận đánh tiêu diệt và bắt sống quân viễn chinh xâm lược lớn nhất, gọn nhất của quân đội ta, dân tộc ta và của phong trào giải phóng dân tộc trong thế kỷ XX. Chiến thắng vĩ đại Điện Biên Phủ đã kết thúc vẻ vang cuộc kháng chiến của nhân dân ta chống thực dân Pháp xâm lược.
Trong lúc tập trung vào nhiệm vụ chính là phát triển kinh tế trong thời đại mới, cuộc sống mới, mọi lực lượng vẫn phải thường xuyên coi trọng nhiệm vụ tăng cường an ninh, củng cố quốc phòng. Tinh thần Điện Biên Phủ là tinh thần tôn trọng thực tế, nắm vững quan điểm thực tiễn, không chủ quan duy ý chí, luôn bám sát sự phát triển của thực tiễn, cũng như phát huy khối đại đoàn kết dân tộc.
Chiến thắng Điện Biên Phủ đã làm cho ba tiếng “Điện Biên Phủ” trở thành biểu tượng của sức mạnh Việt Nam.